GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Suy niệm - Thứ Ba Tuần 1 Mùa Chay

Suy niệm - Thứ Ba Tuần 1 Mùa Chay
myhn 28 02 2023



 

Tin Mừng: Mt 6, 7-15

“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

“Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.

MỤC LỤC

Suy niệm 1: THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA - Nhóm Bạn Đường Linh Thao (biên dịch)
Suy niệm 2 - Lm. Augustinô
Suy niệm 3: Con người của cầu nguyện - Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Chức
Suy niệm 4: 
KINH LẠY CHA - ĐGM. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan


 

Suy niệm 1: THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA - Nhóm Bạn Đường Linh Thao (biên dịch)
 

Nguồn: https://mycatholic.life/books/catholic-daily-reflections-series/lent-and-easter-reflections/2-first-week-of-lent/
 

“Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6, 14-15).

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày một khuôn mẫu mà chúng ta cần làm theo và chuyện xảy ra nếu ta không bước theo lí tưởng đó: Tha thứ và được tha thứ. Cả hai đều cần phải được theo đuổi và đều quan trọng như nhau.

Khi ta hiểu cách đúng đắn về ý nghĩa của việc tha thứ, ta sẽ dễ dàng thực hành hơn rất nhiều so với khi không hiểu. Lúc ấy, ta chỉ thấy tha thứ như một gánh nặng, và không mang lại lợi ích hay ý nghĩa nào cho bản thân ta.

Có lẽ thử thách lớn nhất ngăn cản ta tha thứ cho tha nhân là sự biến mất của sự công bằng trong lòng. Điều này càng đúng hơn khi người có lỗi “quên” xin tha thứ. Ngược lại, khi người lỗi phạm xin tha thứ và bày tỏ lòng thống hối, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn nhiều, và ta cũng dễ dàng bỏ qua việc đòi hỏi người kia bồi thường cho mình. Nhưng khi đối phương không tỏ ra ăn năn mà vẫn được tha thứ, ta sẽ có khuynh hướng nghĩ rằng mọi thứ thật không công bằng, và ta day dứt mãi với hướng suy nghĩ ấy.

Một điều rất quan trọng nữa là ta không nên ngụy biện cho lỗi lầm của người khác. Ta tha thứ không có nghĩa là tội lỗi đó chưa từng xảy ra, càng không có nghĩa là mọi thứ đều ổn khi người này làm việc đó. Trái lại, tha thứ là tập trung và thừa nhận tội lỗi đó đã xảy ra. Điều này cực kì quan trọng, vì chỉ khi ta hiểu và công nhận tội lỗi đó đã xảy ra, việc tha thứ mới có thể đến cách tự nhiên được. Từ đó, sự công bằng mới có thể xuất hiện. Sự công bằng ấy tràn đầy lòng thương xót và yêu mến, vì thế nó sẽ có hiệu ứng cao hơn trên người tha thứ, hơn là người được tha thứ.

Khi đề nghị tha thứ từ lòng thương mến dành cho người khác, chúng ta trở nên tự do từ tội lỗi. Lòng thương mến là cách mà Thiên Chúa bỏ đi sự đau đớn trong lòng chúng ta và cho ta sự hưởng sự tha thứ của Người ngày sau nhiều hơn mức ta xứng đáng chỉ với công sức của ta.

Sự tha thứ không đi đôi với sự hoà thuận. Sự hoà thuận chỉ có thể xảy ra khi người có lỗi ăn năn thống hối và được tha thứ. Sự ăn năn hối cải đưa sự công bằng lên một tầm cao mới, và biến hoá tội lỗi ấy thành một ân huệ. Và khi biến hoá rồi, tội lỗi ấy có thể giúp mối quan hệ của hai bên trở nên sâu sắc hơn.

Bạn hãy suy nghĩ xem đâu là người bạn cần tha thứ nhất và việc gì người đó làm đã xúc phạm bạn. Đừng ngại ngùng đề nghị tha thứ cho người ấy, cũng như đừng sợ làm điều ấy. Lòng thương mến bạn trao ban cho người khác sẽ đưa bạn đến công lý của Chúa theo cách mà bạn không thể làm theo sức của mình. Việc tha thứ ấy cũng sẽ cho bạn tự do từ tội lỗi của mình, và cho bạn cơ hội được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của mình.

Lạy Cha, con là tội nhân cần lòng thương xót của Cha. Xin Cha hãy giúp con có được lòng ăn năn cho tội lỗi của mình và biết tìm đến Cha để có được điều đó. Xin Cha giúp con cũng biết tha thứ cho người khác và để cho sự tha thứ ấy đi sâu vào lòng con và trở nên dấu chỉ của Lòng Thương Xót của Cha.

Lạy Chúa Giê -su, con tin vào Chúa.

 


Suy niệm 2 - Lm. Augustinô
 

Mùa chay là mùa sám hối ăn năn, mùa chúng ta xin Chúa tha thứ những lầm lỗi chúng ta đã xúc phạm đến Người và đổi mới chúng ta nên giống Người. Mùa chay vì thế cũng trở thành mùa luyện tập và thực hành sự tha thứ đối với anh chị em của mình. Thiếu cố gắng luyện tập này, chúng ta sẽ thất bại trong việc sống tâm tình mùa chay thánh.

Trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe là kinh nguyện Chúa Giê-su của Matthew dạy các môn đệ và những ai theo Người cách cầu nguyện. Kết thúc lời cầu nguyện, Chúa Giê-su tuyên bố rằng: nếu chúng ta sẵn sàng tha thứ cho anh em thì Thiên Chúa sẽ tha thứ cho chúng ta. Để ý những câu trước đó trong Tin Mừng này, Chúa Giê-su cũng dã tuyên bố rằng Cha của Người cũng cho mặt trời chiếu sáng trên người tốt cũng như kẻ xấu, mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương mà không có sự phân biệt. Người kêu gọi chúng ta hãy có lòng thương xót như Cha của Người Đấng giàu lòng xót thương.

            Xuyên suốt Tin Mừng, chúng ta thấy lòng thương xót Chúa tỏ hiện trong con người Đức Giê-su: Người tha thứ cho kẻ có tội, giải thoát con người khỏi mọi phiền não, và hội nhập những người bị bỏ rơi vào đời sống cộng đoàn tôn giáo và xã hội. Trong thời gian gần đây, lòng thương xót của Thiên Chúa được mạc khải cho chị thánh Faustina và được cổ võ bởi thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II. Thiên Chúa muốn nhắc nhớ con người về lòng thương xót vô biên của Ngài để con người đừng bao giờ tuyệt vọng về lỗi lầm của mình và tha nhân. Lòng thương xót thứ tha của Thiên Chúa luôn lớn hơn tội lỗi của con người. Tin, rao giảng và thực thi lòng thương xót Chúa có thể nói là sứ điệp căn bản của sứ điệp Ki-tô giáo.

 Tha thứ là một hành động anh hùng và có sức biến đổi con người và thế giới chứ không phải là trả đũa. Lời cầu xin tha thứ của Chúa Giê-su trên thánh giá cho những người đã dồn mình đến cái chết khiến những đối thủ của Người và ngay cả những kẻ tội lỗi cũng sững sờ kinh ngạc nhận ra tư cách đích thật của Người. Tha thứ mở toang trái tim con người và giúp họ tìm thấy một ánh sáng mới thậm chí ngay cả trong chính cái chết.

Chúng ta đang chứng kiến cuộc chiến giữa Nga và Ucraina –được phát động bởi Tổng Thống Nga Vladimir Putin. Bất chấp những lý do hay những biện minh, hành động xâm lược của ông và những người ủng hộ cuộc chiến của ông đáng bị lên án. Hành động của họ chỉ để thỏa mãn quyền lực cá nhân mà không quan tâm tới bao sinh mạng vô tôi và những hậu quả thảm khốc của chiến tranh. Hành động của họ hoàn toàn vắng bóng lòng thương xót và mất đi nhân tính. Chúng ta xin Chúa tác động và thay đổi tâm trí vô tâm tình của họ bằng con tim đầy lòng từ tâm của Người, để nhờ đó hòa bình mau được thiết lập trên đất nước Ucraina.

 Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết dùng thời gian của mùa chay thánh này để nhìn rõ hơn sâu hơn vào chính Chúa và lòng thương xót của Chúa luôn dành cho chúng con để nhờ đó, chúng con có đủ sức mạnh nhìn vào anh chị em, nhất là những người gây tổn thương cho chúng con, bằng ánh mắt và lòng xót thương của Chúa. Xin cho chúng con nhìn thấy những tổn thương anh chị em gây ra cho mình là cơ hội của trao ban để chúng con thực thi lòng thương xót của chúng con và nhờ đó, chúng con cũng được cảm nghiệm chính lòng thương xót Chúa dành cho chúng con. Xin cho Hội Thánh và những thừa tác viên của Hội Thánh, trong khi thi hành sứ mạng long thương xót thứ tha của Thiên Chúa, biết luôn nhận thức rằng: chính họ cũng không ngừng được Thiên Chúa xót thương và thứ tha, nhờ đó, thay vì kết án những lỗi lầm của giáo dân với những hình phạt cấm cách, biết thứ tha một cách vô điều kiện. Xin cho họ hiểu rằng: không phải họ nhưng là chính Thiên Chúa mới là Đấng có quyền thứ tha cho mọi người. Amen



Suy niệm 3: Con người của cầu nguyện - Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Chức
 

1. Con cái tập nói bằng cách lặp lại những lời cha mẹ nói. Tưởng chừng phương pháp này được áp dụng chỉ ở đời sống tự nhiên. Thế mà trong đời sống siêu nhiên nó cũng được thực hiện. Thầy Giêsu đã nói với các môn đệ của mình ngày xưa và cũng đang nói với chúng ta ngày nay bằng những lời này: “Vậy anh em hãy cầu nguyện như thế này” (Mt 6,9).

2. Khi nghe Thầy Giêsu nói như thế, chúng ta chợt giật mình và băn khoăn tự hỏi lòng mình: “Bấy lâu nay, tôi vẫn thường cầu nguyện lúc ở nhà cũng như khi đến nhà thờ. Tôi đọc kinh mỗi sáng thức dậy, mỗi tối đi ngủ. Tôi tham dự thánh lễ, chầu thánh thể cùng các việc đạo đức khác. Chẳng lẽ đó không phải là cầu nguyện hay sao?” Xin thưa rằng tất cả đều là các công việc của cầu nguyện. Thế nhưng, việc chúng ta chu toàn các công việc đó không biến chúng ta trở thành con người của cầu nguyện. Có một khoảng cách xa vời vợi giữa các công việc của cầu nguyện và con người của cầu nguyện. Vậy như thế nào là con người của cầu nguyện?

3. Dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, chúng ta nhận ra ba đặc điểm về con người của cầu nguyện. Đó là người biết cầu nguyện với ai, biết cầu nguyện với tâm tình nào, và biết sống lời cầu nguyện.

Thứ nhất, con người của cầu nguyện là người biết mình cầu nguyện với ai. Thầy Giêsu dạy chúng ta rằng khi mở đầu lời cầu nguyện, chúng ta kêu cầu Thiên Chúa là Cha. Thế nhưng, chúng ta đừng có vội lấy những kinh nghiệm về hình ảnh người cha hoặc người mẹ ở trần gian để gán cho Thiên Chúa hoặc để chống lại Ngài (x. GLHTCG 2279).

Nếu Thiên Chúa là Cha, thì tại sao Ngài lại không bảo vệ con cái của Ngài trong cơn đại dịch này? Nếu Thiên Chúa là Cha, thì tại sao Ngài lại để con cái của Ngài xung đột với nhau đến độ gây tang thương cho nhau, chẳng hạn cuộc chiến giữa Nga và Ucraina? Nếu Thiên Chúa là Cha, thì tại sao Ngài làm ngơ trước những những ý nguyện tốt đẹp mà con cái của Ngài cầu xin ? Còn nhiều câu hỏi như thế nữa được đặt ra.

Duy nhất một câu trả lời cho tất cả các câu hỏi được tìm thấy ở nơi thập giá của Thầy Giêsu. “Chỉ có đau khổ của Thầy mới đích thực là mô phạm của mọi người. Vì khi chiêm ngắm Người trên Thánh Giá, chúng ta nhận ra hình ảnh bản thân. Dần dà, chúng ta nhận ra Người là Đấng rất gần gũi, đang đồng hành và là nạn nhân cùng chịu đau khổ với ta; và nói như thi sĩ Paul Claudel: “Đức Kitô đến không phải để hủy bỏ cũng không phải để giải thích đau khổ, nhưng làm cho đau khổ đầy tràn hiện hữu của Người”.[1]

Quả thật, Thiên Chúa là Cha, nhưng không phải là một người cha độc tài, mà là một người cha bao dung. “Dù con người quên lãng Đấng Tạo hóa của mình hay trốn xa nhan Ngài, dù họ chạy theo các ngẫu tượng của mình hay than trách Thiên Chúa đã bỏ rơi họ, Thiên Chúa hằng sống và chân thật vẫn không ngừng kêu gọi từng người đến gặp Ngài cách huyền nhiệm trong việc cầu nguyện” (GLHTCG 2567). Cho nên, con người của cầu nguyện là người “nhận biết Thiên Chúa thật với tư cách là “Cha” (GLHTCG 2781), để được tham dự vào tương quan phụ tử thần linh của Thầy Giêsu với Chúa Cha (x. GLHTCG 2780).

4. Thứ hai, con người của cầu nguyện là người biết cầu nguyện với tâm tình của người con hiếu thảo. Thánh Augustinô đã nói trong một bài giảng rằng: “‘Lạy Cha chúng con’: Cách xưng hô này vừa gợi lên lòng yêu mến – vì đối với con cái còn gì yêu quý hơn người cha? – và tâm tình khẩn nguyện, vừa khiến chúng ta biết chắc sẽ nhận được những điều chúng ta sắp cầu xin. Lẽ nào Thiên Chúa từ chối lời cầu xin của con cái, trong khi trước đó Ngài đã ban cho họ được làm con cái của Ngài?” (GLHTCG 2785).

Thầy Giêsu đã nhắc nhẹ chúng ta rằng: Không phải cứ nói nhiều, lải nhải lặp đi lặp lại, khoa trương hình thức, văn vẻ cầu kỳ… mà Thiên Chúa chấp nhận lời cầu nguyện của chúng ta. Điều quan trọng của cầu nguyện là tình yêu. Cầu nguyện như là “ngọn lửa”. Nếu không có “lửa”, thì chẳng có cầu nguyện gì cả, dù có cả núi lời hay ý đẹp, vì Thiên Chúa đã rõ những nhu cầu của chúng ta, ngay cả trước khi chúng ta cầu nguyện với Ngài.

Con người của cầu nguyện không chú trọng nhiều lời cho bằng nhiều tâm tình này: Đó là “sự đơn sơ thẳng thắn, lòng tin tưởng của người con thảo, sự an tâm phấn khởi, sự bạo dạn khiêm tốn, sự xác tín rằng chúng ta được yêu thương” (GLHTCG 2778). “Người dân quê làng Ars xưa đã cầu nguyện trước Nhà Tạm rồi nói với cha sở thánh của ông: “Tôi nhìn Chúa và Chúa nhìn tôi”” (GLHTCG 2715). Cho nên, mỗi lần cầu nguyện, nhất là khi đọc kinh Lạy Cha,“chúng ta phải chiêm ngắm duy mình Thiên Chúa và bừng cháy lửa mến yêu, nhờ đó, tâm trí được tan chảy và đắm chìm trong tình yêu của Ngài, sẽ thưa chuyện với Ngài một cách hết sức thân mật như với người Cha riêng của mình, với lòng hiếu thảo đặc biệt”, như lời Thánh Gioan Cassianô đã nói (GLHTCG 2785).

5. Thứ ba, con người của cầu nguyện còn là người sống lời cầu nguyện. Qua môi miệng của ngôn sứ Isai, Thiên Chúa đã khẳng định Lời của Ngài, một khi xuất phát từ miệng Ngài, thực hiện ý muốn của Ngài (x. Is 55,11). Chúa nói thì Chúa làm. Chúa hứa thì Chúa giữ. Chúa muốn thì Chúa đạt được. Thật vậy, Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý (x. 1 Tm 2,3-4). Cho nên, Ngài đã sai Con Một đến thế gian để nói cho con người biết Thiên Chúa là Cha. Được nhận làm con của Thiên Chúa, một hồng ân nhưng không, đòi buộc chúng ta phải cư xử theo lòng nhân lành của Cha trên trời (x. GLHTCG 2784). Lòng nhân lành của Chúa được triển dương ở sự tha thứ. Trong sách Thánh Vinh, có câu này: “Ôi lạy CHÚA, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài” (Tv 130,3-4).

Khi dạy cho các môn đệ cầu nguyện theo mô mẫu của Kinh Lạy Cha, Thầy Giêsu đặc biệt nhấn mạnh đến việc tha thứ: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em” (Mt 6,14). Việc tha thứ cho anh em không phải là điều kiện để lãnh nhận hồng ân tha thứ của Thiên Chúa, nhưng là hệ quả của việc Thiên Chúa đã tha thứ những lỗi lầm cho chúng ta trước đó. Ai cảm nghiệm được việc Thiên Chúa tha thứ cho mình, thì mới có thể tha thứ cho nhau. Trái lại, nếu ai không cảm nghiệm được điều đó, thì không thể nào tha thứ cho anh em, vì chính mình đã khước từ ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Một ví dụ sau đây được đơn cử cho quý ông bà anh chị em. Trời mưa xuống. Một chiếc bình muốn hứng đầy nước mưa, thì phải mở nắp ra. Đến khi bình đầy rồi, nó mới có thể chiết nước cho những chiếc bình khác. Trái lại, chiếc bình cứ đậy nắp, thì làm sao hứng được nước mưa và làm sao chiết nước cho những chiếc bình khác được. Ở trên đời nhân vô thập toàn. Ai muốn người khác tha lỗi cho mình, thì cũng hãy tha lỗi cho người có lỗi với mình. Chúa cần chúng ta có lòng quảng đại, vị tha, nhân từ như Chúa đã dành cho mỗi người chúng ta.

6. Tóm lại, nhờ lời kinh Thầy Giêsu dạy, chúng ta được cho biết mình cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha, trong tâm tình hiếu thảo của người con. Cho nên, kinh Lạy Cha chính là bài học huấn luyện tâm tình sống tương quan với Thiên Chúa là Cha chúng ta, và sống tương quan với anh chị em xung quanh mình. Đó cũng chính là tâm tình “kính Chúa trên hết mọi sự, yêu người như chính mình”.

Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã dạy các môn đệ của Chúa cầu nguyện,

thì nay cũng hãy dạy chúng con biết cầu nguyện sao cho đẹp lòng Chúa. Xin cho chúng con biết dùng tiếng nói của trẻ thơ  mà thưa lên với Chúa Cha: “Abba! Cha yêu của con”. Xin cho chúng con biết chiêm ngưỡng vẻ đẹp tha thứ của Cha nhân lành trên trời, và biết điểm tô tâm hồn mình theo vẻ đẹp đó. Amen.

 

 

[1] http://www.simonhoadalat.com/giaoducgd/suytu/137TrongDauKho.htm



Suy niệm 4: KINH LẠY CHA - ĐGM. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
 

Lời kinh Chúa dạy hôm nay tiếp sau bài Tin Mừng Chúa dạy hôm qua. Sự sắp đặt của phụng vụ cho ta thấy một lộ trình thiêng liêng, phải ưu tiên trong 40 ngày tập luyện đời sống thiêng liêng của chúng ta. Lộ trình đó là từ con người đi tới Thiên Chúa.

Một khi ta biết sống yêu thương anh em tha nhân, đó là một cách thực tế nhất, đó là cách mà chúng ta sẽ gặp Thiên Chúa là Cha chúng ta. Lời kinh Chúa dạy giới thiệu cho chúng ta người Cha trên Trời, thật gần gũi, thân thương và Ngài sẽ tỏ bày cho chúng ta qua bao ân huệ của tình yêu Ngài.

Chỉ đọc lên tiếng Lạy Cha, ta được Chúa hiện diện để lắng nghe chúng ta, như nghe tiếng đứa con thơ bé xin một chút tình thương, một hơi ấm và một sự trìu mến của người mẹ, sự hiện diện của mẹ lúc đó cần thiết đến chừng nào. Chúa cũng vậy, Chúa nhận lấy chúng ta làm con Ngài, Chúa muốn nói với ta: Cha yêu thương con với một tình yêu vô tận. Mỗi sợi tóc trên đầu con, Cha đều biết đến và Cha luôn ở bên con, khi con đau yếu bệnh tật, khi con kêu xin, khi con phục vụ và bất cứ con làm việc gì Cha luôn ở bên con. Con khỏi phải lo âu xao xuyến về bất cứ điều gì. Con cũng đừng phải lo lắng cho ngày mai. Cuộc đời con đang ở trong bàn tay Cha, con cứ yên tâm tin yêu phó thác, con sẽ là một em thơ bé bỏng trong tay Cha như trong tay mẹ hiền.

Đó là phần thưởng cho những ai biết yêu thương anh em, đã giúp đỡ họ tận tình, đã khoan dung đối xử với nhau, đón nhận nhau như anh em ruột thịt, hãy tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho mình. Trở về bên Cha với lời kinh Chúa dạy, ta lại trở về với anh em sau khi đã cầu xin cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Trở về với anh em từ lời kinh của người con thảo hiếu, lời kinh huynh đệ. Xin lương thực không phải cho mình mà cho nhiều anh em khác nữa. Vấn đề chia cơm sẻ áo đã được diễn ra trong dụ ngôn phán xét cuối cùng, thì bây giờ lại xin Chúa ban cho tất cả chúng ta.

Không gì mất tình đoàn kết của những người con trong gia đình của Cha cho bằng sự bất hòa, bất đồng, ganh tỵ nhau, xem cái tôi của mình lớn hơn tất cả những ý định của Chúa. Nhưng nếu biết sống khoan dung, tha thứ, thì tình yêu lại bùng phát để gắn bó mọi người lại với nhau, tạo thành một khối đoàn kết, mà không có gì tách chúng ta ra được. Câu chuyện về người cha trước khi chết muốn dặn dò các con mình phải đoàn kết yêu thương nhau, ông đã gọi 10 người con lại, và đưa cho mỗi đứa con một đôi đũa, rồi bảo các con hãy bẻ gãy đôi đũa này đi thì ai cũng bẻ một cách dễ dàng. Nhưng sau đó ông đã đưa ra một giải thưởng rất lớn để trao cho những ai bẻ được 10 đôi đũa bó lại với nhau cùng một lúc, ai cũng ra sức để bẻ nhưng đều bất lực. Ý người cha muốn nhắc nhở và dạy bảo rằng: Nếu các con đoàn kết thương yêu nhau, thì không có kẻ thù nào thắng nổi. Chúng ta nghĩ sao khi chúng ta chia rẽ, và sau đó điều gì sẽ xảy ra? Chúng ta nghĩ gì khi chúng ta đoàn kết yêu thương nhau? Điều quan trọng của Kinh Lạy Cha là muốn chúng ta hợp nhất với nhau và với Ngài.

Sống và áp dụng Kinh Lạy Cha vào cuộc sống, tức là sống lời Chúa, là mục tiêu hàng đầu của Mùa Chay.

Với tư cách là một người tận hiến, chúng ta đang được hướng dẫn đi sâu vào tình yêu Cha, Kinh Lạy Cha là lời kinh ta cần suy gẫm, cần đọc cận thận, cần áp dụng vào đời sống. Lời Kinh Lạy Cha đứng hàng đầu trong mọi lời kinh hằng ngày của chúng ta thường đọc.

 

Tác giả: Truc Ho Si

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây