GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Suy niệm - Thứ Sáu sau Lễ Tro

Suy niệm - Thứ Sáu sau Lễ Tro
myhn 24 02 2023





Tin Mừng: Mt 9, 14-15

 

Khi ấy, các môn đệ ông Gioan tiến lại hỏi Ðức Giêsu rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Ðức Giêsu trả lời: “Khách dự tiệc cưới có thể than khóc khi chàng rể còn ở với họ sao? Nhưng sẽ đến ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay.”


MỤC LỤC

Suy niệm 1: Ý nghĩa sâu xa của việc ăn chay - Nhóm Bạn Đường Linh Thao (biên dịch)
Suy niệm 2  - Lm. Augustinô
Suy niệm 3:  TINH THẦN VÀ CÁCH THỨC ĂN CHAY ĐÍCH THỰC - Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Chức

Suy niệm 4: CHÚ RỂ NƯỚC TRỜI - ĐGM. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
Suy niệm 5: KHỔ CHẾ ĐỂ TÂM HỒN MỞ RA ! - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn



Suy niệm 1: Ý nghĩa sâu xa của việc ăn chay - Nhóm Bạn Đường Linh Thao (biên dịch)
 

Nguồn: https://mycatholic.life/books/catholic-daily-reflections-series/lent-and-easter-reflections/1-week-of-ash-wednesday/

 “Đến ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay.”

 

Các ngày thứ Sáu của mùa Chay Giáo Hội mời gọi chúng ta ăn năn đền tội, trong đó có hình thức ăn chay. Ăn chay trong ngày thứ Sáu - ngày hiến tế có ý nghĩa đặc biệt giúp ta nhớ tới Chàng Rể bị đem đi chịu nạn chịu chết. Như Chúa Giê-su đã trao ban chính mình, đã chịu đau đớn tột cùng để chuộc tội chúng ta, thì chúng ta cũng không ngần ngại chịu những hy sinh, ăn chay, để hiệp thông với Chúa Ki-tô.

 

Là người Công Giáo, chúng ta chia sẻ niềm tin chung với tất cả anh chị em mình nơi Giáo Hội hoàn vũ, rằng ơn cứu độ đến từ một cái giá phải trả; giá đó không chỉ là cái chết của Chúa Giê-su mà còn là sự cộng tác của chúng ta vào sự đau khổ và phục sinh của Ngài. Chúa Giê-su là Đấng Cứu Chuộc duy nhất, trao ban cho chúng ta món quà sự sống đời đời. Cách duy nhất để về quê trời là qua con đường Thập Tự. Với ý nghĩa này, Chúa Giê-su đã “phải trả giá” bằng chính cái chết cho tội lỗi của chúng ta.

 

Chúa tặng quà sự sống cho ta, nhưng không chỉ đơn giản là một món quà Chúa ban tặng rồi Ngài nói “Được rồi, Ta đã trả giá, bây giờ con hoàn toàn thoát khỏi khó khăn.” Không phải như vậy. Chúng ta tin rằng Chúa Giê-su còn nói nhiều hơn thế: “Ta mở cánh cửa cứu chuộc qua khổ nạn và sự chết. Giờ đây, Ta mời gọi con bước qua cánh cửa ấy, cùng với Ta, hiệp nhất với Ta. Để những đau khổ của con được hiệp nhất với đau khổ của Ta, sẽ mang con đến nơi cứu chuộc và giải thoát con khỏi tội.” Như thế, ăn chay hãm mình là để nhớ tới Chúa, chàng rể bị đem đi, để trong tâm tư, được kết hợp sâu xa với Ngài.

 

Thứ Sáu mùa Chay là những ngày đặc biệt mời gọi chúng ta hiệp nhất nên một cùng với sự hy sinh của Chúa Giê-su. Ăn chay để nhớ tới Ngài. Sự hy sinh của Chúa Giê-su đòi buộc mỗi người chúng ta có lòng vị tha và từ bỏ chính mình. Những hành động nhỏ như nhịn ăn, kiêng khem và các hình thức từ bỏ khác mà chúng ta chọn lựa, từ bỏ những ý riêng của mình để giúp ta nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô, để kết hợp hoàn hảo hơn với Người, và đón nhận ân sủng cứu độ của Chúa.

 

Phản tỉnh: hãy nhìn lại những hy sinh nhỏ bé mà bạn được mời gọi thực hành trong mùa Chay này, đặc biệt trong các ngày thứ Sáu của mùa Chay. Chọn lựa một việc hy sinh ngày hôm nay, và bạn sẽ khám phá được con đường tốt nhất để bước vào sự kết hiệp thâm sâu với Đấng Cứu Chuộc.

 

“Lạy Chúa, ngày hôm nay, con lựa chọn nên một với Chúa, trong sự đau khổ và cái chết của Ngài. Con dâng lên Chúa những đau khổ cùng tội lỗi của con. Xin tha thứ cho những lỗi tội con đã phạm. Xin đón nhận những đau khổ của con, đặc biệt là những hệ quả của tội do con gây ra, và biến đổi nó bằng những nỗi đau khổ mà Chúa đã chịu, để con có thể chia sẻ niềm vui Phục Sinh vinh thắng. Xin cho những hy sinh nhỏ nhoi và những việc làm từ bỏ chính mình mà con dâng lên hôm nay, có thể trở nên nguồn kết hiệp thâm sâu của con với Chúa. Lạy Chúa, con tín thác nơi Ngài.”


Suy niệm 2  - Lm. Augustinô

 

Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc khi chàng rể còn ở với họ?

Trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giê-su liên hệ đến chính mình như chàng rể trong một tiệc cưới. Đây không phải là lần duy nhất trong Tin Mừng Chúa Giê-su làm như vậy. Người đã kể dụ ngôn về một vị vua tổ chức một tiệc cưới cho con mình. Trong một dụ ngôn khác nói về sự tỉnh thức đón chờ Chúa trở lại trong vinh quang, Chúa Giê-su cũng kể dụ ngôn về 5 cô trinh nữ khờ dại và khôn ngoan cùng tập trung vào sự xuất hiện bất ngờ của Chàng Rể. Những người đã săn sàng sẽ đi với chàng rể vào để tham dự tiệc cưới. Trong Tin Mừng Gioan, Gioan Tẩy Giả qua một tuyên bố cũng ví mình như bạn của chàng rể vui mừng khi thấy bạn mình (tân lang) hạnh phúc trong ngày hôn lễ.  Một liên hệ đám cưới lớn cũng được thực hiện trong Tin Mừng Gioan với tiệc cưới tại Cana, khi Chúa Giê-su thực hiện dấu lạ đầu tiên, biến nước thành rượu. Trong Cựu Ước chúng ta cũng tìm thấy trong sách Diễm ca và, trong các ngôn sứ, tình yêu Thiên Chúa đối với dân Người được ví như tình yêu vợ chồng và vì thế, tội dân bỏ Chúa chay theo thần ngoại được ví như ngoại tình.

            Thánh Augustino cũng dùng hình ảnh hôn nhân này để nói về việc Chúa Giê-su đi vào trần gian. Đối với thánh Augustino, hình ảnh của cô dâu và chú rể là một biểu tượng cho sự khao khát của sự kết hợp trong tình yêu giữa CGS đối với chúng ta. Tình yêu Người dành cho chúng ta dưới cái nhìn phàm trần như một thứ tình yêu mù quáng, một tình yêu như điên như dại, bất chấp bội phản và sẵn sàng trả giá để lôi kéo chúng ta về với Người, với nẻo chính đường ngay, về với Thiên Chúa của Người cũng là Thiên Chúa Cha của chúng ta. Thánh Gioan luôn nói đến Giờ của Chúa, Giờ người yêu thương chúng ta đến cùng, Giờ người chấp nhận cái chết trên thập tự để hoàn tất kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa Cha với nhân loại. Nói như thánh Augustino, mầu nhiệm nhập thể là khởi đầu của một cuộc tình: Thiên Chúa yêu nhân loại cách cụ thể và đạt tới đỉnh cao nơi hôn lễ thập giá, nơi Thiên Chúa và con người được tôn vinh trong Giờ của Đức Giê-su Ki-tô.

            Ngày hôm nay khi các môn đệ của người, trong đó có chúng ta ăn chay, đó là sự ăn chay trong đức tin bởi vì CGS đã về trời. Đằng sau sự kiêng khem, chay tịnh nhắc cho chúng ta sự vắng bóng ánh nhìn của chú rể Giê-su. Nó là một tìm kiếm và gặp gỡ Người không ngưng nghỉ, một khát khao sự trở lại của Người để được thấy Người diện đối diện chứ không còn lờ mờ qua tấm gương. Chay tịnh bằng việc xa với thực phẩm, khỏi Ti-vi, khỏi cằn nhằn, than vãn, hay bất cứ gì khác mà chúng ta quyết định thoát khỏi, là một thứ kỷ luật giúp chúng ta giữ sự tập trung vào vì sao chúng ta ở đây: chúng ta được mời tới một tiệc cưới muôn đời, không đơn thuần như một thực khách, nhưng như một cô dâu

            Lạy Chúa Giê-su, khi chúng con không đến với Chúa, Chúa đã đến với chúng con để thiết lập một mối dây liên kết không thể phá vỡ giữa chúng con với Thiên Chúa, một mối dây tình yêu mà kéo dài đến vĩnh cứu. Ở buổi đầu của những ngày sám hối này, chúng con cảm thấy mối liên kết này mạnh mẽ. Chúng con cảm thấy rằng Chúa quan tâm chăm sóc chúng con và cuộc sống chúng con. Chúng con cảm thấy rằng Chúa muốn chúng con nhận ra sự gần gũi thế nào Chúa ở với chúng con. Xin hãy giúp chúng con để ra khỏi mình bất cứ thói quen nào mà đang trở nên rào cản để chúng con luôn sống sự sám hối trong niềm tin vào Chúa và Tin Mừng của Chúa. Amen

 

Suy niệm 3:  TINH THẦN VÀ CÁCH THỨC ĂN CHAY ĐÍCH THỰC - Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Chức
 

Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ?” (Mt 9,15).

Kính thưa quý ông bà, anh chị em thân mến trong Đức Kitô.

1. Ngoài xã hội, nhiều phòng gym được mở ra để đáp ứng nhu cầu cho những ai muốn tìm lại một vóc dáng thon gọn và chuẩn đẹp. Bên cạnh việc luyện tập, chế độ ăn kiêng cũng được tuân thủ. Còn trong các tôn giáo, một phương thế chế ngự tính xác thịt để có một tâm hồn đẹp là ăn chay. Với Do Thái giáo, ăn chay đã trở nên rất phổ biến và là một hành vi tôn giáo quan trọng phải giữ trong ngày Đại lễ Xá Tội. Hơn thế, một số người giữ luật nghiêm ngặt, họ còn ăn chay thêm hai ngày mỗi tuần. Riêng với Công Giáo, ăn chay được quy định hai ngày là Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Thế nhưng, chúng ta có bao giờ hiểu về tinh thần và cách thức ăn chay hay chưa?

2. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại các môn đệ Gioan đến thắc mắc với vẻ rất khó chịu khi chính họ và các Pharisêu ăn chay, còn tại sao môn đệ Thầy Giêsu và thậm chí cả Thầy Giêsu lại không ăn chay? Thầy Giêsu đã đưa ra câu trả lời có một không hai, khi Thầy vẽ nên bức tranh thật sống động là một tiệc cưới. Thầy Giêsu đã ví mình là chàng rể và các môn đệ là khách dự tiệc, là bạn của chú rể. Làm sao người ta lại ăn chay trong ngày vui trọng đại này? Tiệc cưới luôn được xem như thời gian và không gian dành trọn cho tình yêu và niềm vui, trong khi chay tịnh chỉ là phương thế giúp con người vươn tới tình yêu và niềm vui ấy.

3. Quả thật, khi hạnh phúc, người ta vui tươi. Khi bất hạnh, người ta sầu khổ. Vui hay buồn được biểu lộ từng hoàn cảnh thích hợp. Ăn chay là dấu hiệu của sự đau buồn. Chẳng hạn khi dân Ninivê hối hận về những tội lỗi mà họ đã làm với Thiên Chúa và với tha nhân, họ đã ăn chay và rắc tro lên đầu để tỏ lòng sám hối. Còn nếu chỉ có tình yêu và niềm vui mà người ta lại ăn chay, thì đó là một nghịch lý. Khi tự nhận mình là chàng rể trong tiệc cưới, Thầy Giêsu đã loan báo một thời đại của niềm vui cứu độ và mời gọi mọi người tham dự vào Tiệc Cưới Nước Trời mà Thầy đang dọn sẵn. Nơi chính Thầy Giêsu, Thiên Chúa đang hiện diện giữa nhân loại như lời Thầy Giêsu nói với những người Pharisêu sau khi chữa một người bị quỷ ám vừa mù lại vừa câm: “Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12,28). Ở đâu có Thiên Chúa thì ở đấy có tình yêu, vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8). Do đó, Thầy Giêsu đem đến cho nhân loại tình yêu sung mãn, niềm vui trào dâng thay cho chờ đợi âu sầu, khóc lóc phiền muộn.

4. Thế nhưng, những người tự cho mình đạo đức lại cố chấp trong suy nghĩ, cố hữu trong luật lệ, cố tình bưng tai bịt mắt và cố thủ ôm ghì những qui định thật khắt khe để lên án vô lý về việc Thầy Giêsu và bạn hữu của Thầy không ăn chay. Họ chẳng nhận ra tinh thần và cách thức ăn chay đích thực là gì. Tinh thần ăn chay là khởi đi từ việc thờ phượng Thiên Chúa (x. Ds 29,7; Tl 20,26; Gđt 8,6). Cách thức ăn chay làm đẹp lòng Thiên Chúa là thực hiện công lý và tình thương: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Is 58,6-7). Thật vậy, nếu không ăn chay với những mục đích đã kể trên, thì sẽ trở thành công dã tràng! Điều này đã được thánh Phaolô nói: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3).

5. Dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta nhìn lại tinh thần và cách thức ăn chay của chúng ta. Có những người ăn chay chỉ vì mục đích cho mọi người biết mình là người nghiêm chỉnh giữ chay. Lại có những người ăn chay chỉ vì vụ luật hay sợ Chúa phạt! Vì thế, nếu trong ngày, lỡ cách nào đó mà phạm luật, họ hoang mang đến bất an chỉ vì chót ăn vặt, không đúng giờ, đúng bữa... Cũng có những người tính toán đến độ ngày mai ăn chay, hôm nay ăn uống cho đã để ngày mai đỡ thèm, hoặc ăn trực nằm chờ cho qua thời gian luật định, tức là qua 24h, sau đó nhậu nhẹt hả hê. Họ làm như thế và an tâm vì đã giữ trọn ngày chay theo đúng luật. Vì thế, không lạ gì khi có những người mỉa mai cách thức ăn chay của chúng ta rằng: “thứ ba béo”; “thứ năm sung sướng”. Đáng buồn hơn nữa là: có nhiều gia đình ăn chay kiêng thịt lại đi mua những thứ cao lương mỹ vị như: hải sản, tôm hùm hay những thứ khác đắt tiền hơn thịt nhiều... mà không hề nghĩ rằng: tiền tiết kiệm được trong ngày chay là để chia sẻ bác ái, đóng góp cho công cuộc truyền giáo và các nhu cầu khác của Giáo Hội! Tinh thần ăn chay như thế, hẳn chúng ta thua xa nơi anh chị em các tôn giáo khác về việc giữ chay!

6. Tóm lại, sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy loại bỏ hết tất cả các cách thức ăn chay vô hồn đó đi, mà hãy thực hành ăn chay đích thực mà Thiên Chúa ưa chuộng. Đó là chay những lời nói, chay những suy nghĩ, chay những việc làm và chay cả trái tim. Chay những lời nói là “không nói nói xấu người khác nhưng hãy nói tốt về họ”. Chay những suy nghĩ là “không suy nghĩ về điều mờ ám nhưng hãy suy nghĩ về điều trong sáng”. Chay những việc làm là “không đẩy việc khó cho người khác nhưng hãy cộng tác với họ”. Chay trái tim là “không nuôi thù hận về người khác nhưng hãy cầu nguyện cho họ”.

Lạy Chúa, giữa một cuộc sống đầy hấp dẫn và mới lạ đang mời mọc chúng con lao vào những tiệc cưới hư ảo, mỗi lần chúng con muốn nghiêng chiều về nó, đi ngược với Tiệc Cưới Tin Mừng, xin Chúa cho chúng con biết khởi đầu ‘ăn chay’: chay những lời con nói, chay những điều con nghĩ, chay những việc con làm và chay cả trái tim con. Có như thế, mỗi khoảnh khắc chúng con sống luôn được tham dự vào Tiệc Cưới Tin Mừng. Amen.


Suy niệm 4: 
CHÚ RỂ NƯỚC TRỜI - ĐGM. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

 

Các môn đệ của thánh Gio-an đang ở trong trào lưu của lối đạo đức thiên về hãm mình phạt xác, để tỏ thái độ sám hối ăn năn và chờ đợi Đấng Cứu Thế.

Trong khi đó các môn đệ Đức Giê-su lại sống một tinh thần phóng khoáng, họ vui vẻ giúp Chúa Giê-su rao giảng, chữa bệnh phục vụ người nghèo mà không phải quan tâm đến việc đạo đức cổ truyền. Họ được Chúa hướng về tám mối phúc thật, về cuộc sống bác ái, yêu thương phục vụ. Quả thực là một chân trời mới, những mục tiêu mới của đạo đức Tân Ước.

Vì thế, các môn đệ thánh Gio-an Tẩy Giả tỏ ý thắc mắc: Tại sao một phong trào đạo đức mà lại không sống đạo đức theo truyền thống? Để trả lời cho những câu hỏi như vậy Chúa lấy một dụ ngôn làm thí dụ: chú rể, những người phụ rể trong một tiệc cưới, có chỗ nào cho sự buồn sầu không? Ngày vui nhất đời tại sao đem chuyện buồn vào đó. Ý Chúa muốn nhớ lại hình ảnh mà tiên tri I-sai-a đã rao giảng: “Thiên Chúa yêu dân riêng Ngài như người chồng yêu thương vợ mình” (Is 54,4-8).

“Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 62,5), từ “ngươi” ở đây là dân Is-ra-en. Chúa Giê-su chính là Thiên Chúa Ngôi Hai đang ở giữa dân Người. Đó là những ngày lễ hội lớn lao mà không ai hay biết, ít nhất các Tông Đồ của Người đang được dạy để biết tên mới mẻ của thời Thiên Chúa Cứu độ. Vì vai trò của họ là bạn bè của chú rể Nước Trời. Nhưng cũng có một lúc chú rể phải rời xa họ, đó là cuộc thương khó sẽ đến. Lúc đó như thiếu vắng niềm vui, nhưng là niềm vui đang biến thành hy vọng Phục Sinh sẽ đến và vĩnh viễn đem ơn tha thứ, ơn sự sống, sự hiện diện nhiệm mầu khắp nơi khắp chốn, nhất là ngày Người trở lại trong vinh quang. Đó là niềm vui rạng rỡ khắp vùng Trời mới Đất mới.



Suy niệm 5: KHỔ CHẾ ĐỂ TÂM HỒN MỞ RA ! - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
 

Có thứ đạo đức vị kỷ làm cho tâm hồn người ta đóng lại nơi bản thân. Người ăn chay thì dừng lại ở thành tích đạo đức của mình. Người giữ luật Chúa cách chỉn chu, gia tăng kinh hạt, thì cảm thấy mình tốt lành, đạo đức hơn người khác và sinh ra khó chịu trước những giới hạn hay khác biệt của tha nhân! Đó là thứ đạo đức quy ngã, chỉ tìm kiếm mình. Khi ấy, họ phản ứng cả với Thiên Chúa nữa.

“Chúng nói: ‘Chúng tôi ăn chay, sao Ngài không thấy,

chúng tôi hãm mình, sao Ngài chẳng hay?’

Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi,

vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình.

Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã,

để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn.

Chính ngày các ngươi muốn ăn chay

để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm,

thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách.” (Is 58,3-4)

Thực hành khổ chế, làm việc đạo đức không đúng cách thì làm cho người ta đóng lại nơi chính mình, chỉ lo tìm kiếm bản thân. Khổ chế đích thực, việc đạo đức đích thực phải làm cho người ta mở ra với Thiên Chúa. Người đạo đức thật thì vượt trên ý mình, có một tâm hồn mở, để có thể đón nhận ý của Thiên Chúa, đi theo con đường thần linh. Người Do Thái ăn chay để chờ đón Đấng Messia, nhưng là Đấng Messia theo ý họ muốn, làm điều họ muốn. Người tín hữu hy sinh hãm mình, đọc kinh cầu nguyện để xin Chúa ban cho những gì mình muốn, và phải là như vậy, chứ họ không chấp nhận điều khác!

Thực hành khổ chế, làm việc đạo đức không đúng cách thì làm cho người ta tự phụ về sự đạo đức của bản thân. Sự tự phụ này ở trong tiềm thức, và lộ ra ở ý nghĩ, thái độ khó chịu với “sự kém đạo đức” của người chung quanh, khó chịu với lối đạo đức khác biệt của họ! Trái tim của người đạo đức không đúng cách bị chai lại, nên hay lên án người khác và lên án cách gay gắt! Việc đạo đức đích thực phải làm cho trái tim kitô hữu dần dần cùng một nhịp đập với trái tim của Thiên Chúa trước anh chị em chung quanh.

Như vậy, mỗi người chúng ta hãy nhìn lại “độ mở” của lòng mình trước Thiên Chúa, trước lời Chúa, trước anh chị em chung quanh để nhận biết mình đang sống lòng đạo đức thật hay giả hiệu!

 

 

Tác giả: Truc Ho Si

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây