GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Thứ Hai tuần 23 thường niên.

XDFGDFG 768x364

XDFGDFG 768x364

Thứ Hai tuần 23 thường niên.

“Các ông quan sát xem Người có chữa lành bệnh trong ngày Sabbat không”.

 

Lời Chúa: Lc 6, 6-11

Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào hội đường và giảng dạy. Khi ấy ở đó có một người tay hữu bị khô bại. Những luật sĩ và biệt phái quan sát xem Người có chữa lành người ấy trong ngày Sabbat không, để có cớ tố cáo Người.

Nhưng Người biết tư tưởng các ông, liền bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy chỗi dậy mà đứng ra giữa đây”. Người đó đứng thẳng dậy. Đoạn Chúa Giêsu bảo các ông ấy rằng: “Tôi hỏi các ông, ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết?” Rồi đưa mắt nhìn mọi người, Chúa bảo người đó rằng: “Ngươi hãy giơ tay ra”. Người ấy giơ ra, và tay người ấy được lành.

Bấy giờ các ông đầy lòng tức giận, và bàn định với nhau xem có thể làm gì được Chúa Giêsu.

 

 

Suy Niệm 1: Giơ bàn tay anh ra

Suy niệm:

Chúng ta không biết nhiều chi tiết về người đàn ông này.

Ông bao nhiêu tuổi, có gia đình chưa, sống bằng nghề gì?

Chỉ biết là bàn tay phải của ông bị teo, không duỗi được (c. 6).

Chắc là nó bị co quắp vì các cơ không hoạt động bình thường.

Như thế sẽ rất khó chịu và bất lợi để sinh hoạt hàng ngày.

Hơn nữa đây lại là bàn tay phải, bàn tay chính để làm việc.

Người đàn ông có bàn tay thương tật đã đến hội đường vào ngày sabát.

Ông đến để nghe giảng dạy và cầu nguyện như mọi người.

Có vẻ ông chẳng mong gì, chẳng xin được Đức Giêsu chữa lành,

dù tiếng tăm của Ngài lúc đó đã lan rộng nhiều nơi (Lc 5, 15).

Thật bất ngờ khi Ngài bảo ông: “Hãy trỗi dậy và ra đứng giữa đây.”

Ông chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra cho mình, nhưng đã vâng lời.

Ông đứng ở ngay giữa cho mọi người thấy.

Sau đó Ngài bảo ông: “Hãy duỗi bàn tay của anh ra!” (c. 10).

Một lần nữa ông lại vâng lời.

Ông làm điều mà có lẽ từ lâu ông không làm được.

Duỗi bàn tay khô héo, co quắp này, để có thể cầm cái ly, cái chén.

Ước mơ đơn giản ấy nào ngờ hôm nay được thực hiện.

Ông đã duỗi bàn tay theo lời Đức Giêsu, và nó đã trở lại bình thường.

Bàn tay như được sống lại, được phục hồi, mềm mại, dễ bảo.

Cuộc đời ông từ nay sẽ tươi hơn, có ích hơn, ít phải nhờ vả hơn.

Đức Giêsu đã làm phép lạ này không phải vì được yêu cầu,

nhưng như một câu trả lời cho các kinh sư và những người Pharisêu.

Họ rình xem Ngài có chữa bệnh trong ngày sabát không, để tố cáo Ngài.

bởi lẽ theo họ, ngày sabát chỉ được chữa những bệnh nguy tử.

Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu này và công khai tỏ thái độ.

Câu hỏi quen thuộc: có được phép làm điều này vào ngày sabát không?

được thay bằng câu hỏi mới: ngày sabát được phép làm điều lành hay dữ;

cứu mạng sống hay hủy hoại mạng sống? (c. 9).

Phép lạ sau đó của Đức Giêsu chính là câu trả lời (c. 10).

Nhiều khi không làm một điều tốt, cũng bằng với việc làm một điều xấu,

Không cứu một người vào giây phút ấy, cũng bằng gián tiếp giết chết họ.

Đức Giêsu đã không coi ngày sabát như ngày chỉ biết ngồi khoanh tay,

nhưng như ngày để làm điều tốt, để cứu sự sống con người.

Dù sao Đức Giêsu đã không hề đụng đến ông có bàn tay bị tật.

Khó lòng bắt lỗi Ngài đã vi phạm ngày sabát

Ngài chữa cho ông ấy chỉ bằng một lời mà thôi.

Các Kitô hữu không còn phải giữ ngày sabát nữa, nhưng giữ Chúa Nhật.

Đây là ngày để chúng ta làm điều tốt, để chăm lo cho sự sống.

Chữa cho một bàn tay bị teo tóp được lành, việc này không nhỏ.

Làm cho một con người có thể sống bằng đôi tay của mình, là chuyện lớn.

Đức Giêsu đã phải trả giá cho việc chữa bệnh của mình.

Chúng ta cũng phải trả giá khi dám bảo vệ một sự sống nhỏ nhoi.

Chỉ mong bàn tay tôi không co lại, nhưng mở ra cho mọi người.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

ai trong chúng con cũng thích tự do,

nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.

Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.

Xin giúp chúng con được tự do thực sự :

tự do trước những đòi hỏi của thân xác,

tự do trước đam mê của trái tim,

tự do trước những thành kiến của trí tuệ.

Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,

để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,

để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho chúng con được tự do như Chúa.

Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,

khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi

và chữa bệnh ngày Sabát.

Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,

khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.

Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,

vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.

Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,

để chúng con được tự do bay cao.

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

 

Suy Niệm 2: Phục hồi phẩm giá

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Sự sống là món quà quí nhất Chúa ban cho con người. Từ sự sống tự nhiên được nâng lên đến sự sống siêu nhiên. Từ con loài người được trở nên con Thiên Chúa. Sự sống quí giá đến nỗi khi con người lơ đễnh làm mất mát, hao hụt, Thiên Chúa đã sai chính Con Một giáng trần để phục hồi sự sống, phục hồi phẩm giá con người. Bệnh tật là hình ảnh của tội lỗi. Nó làm con người bị giảm thiểu. Không thể sống như một con người. Trong xã hội còn bị khinh miệt. Không thể tự nuôi sống bản thân. Không thể chu cấp cho những người thân. Con người mất phẩm giá. Con người bị cái chết thống trị.

Chúa Giê-su đến cứu sống con người. Phục hồi sự sống. Phục hồi phẩm giá. Cho con người sống xứng đáng địa vị con người. Còn hơn nữa, sống xứng đáng địa vị con Chúa. Nhưng thế lực sự dữ vẫn còn đó. Họ chống đối. Họ muốn sự chết thống trị. Chúa Giê-su công khai hỏi họ: “Ngày sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt”. Họ không muốn làm điều tốt. Không muốn cứu sống. Mà còn âm mưu hại Chúa. Vì thế Chúa gặp nhiều khốn khó. Nhưng Chúa sẵn sang chịu chết để con người được phục hồi.

Noi gương Chúa, Thánh Phao-lô, vì niềm hi vọng sự sống của anh em, sẵn sàng chịu đựng mọi gian lao vất vả, để anh em được đạt tới niềm hi vọng vinh quang là Chúa Giê-su Ki-tô: “Để giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Ki-tô. Chính vì mục đích ấy mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi”. Vì sự sống, người tông đồ sẵn sàng xông vào cuộc chiến. Cùng chịu đau khổ với Chúa để anh em được sống: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào than cho đủ mứ, vì lợi ích cho than thể Người là Hội Thánh” (năm lẻ).

Ma quỉ và thế lực sự chết rất thâm độc. Nó thấm nhập vào bản thân ta. Nó như chất men độc hại vẫn đang còn tồn tại, phá hoại sự sống và phẩm giá con người. Vì thế thánh Phao-lô thúc giục ta: “Anh em không biết rằng chỉ một chút men cũng đủ làm cho cả khối bột dậy lên sao? Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh không men. Quả vậy, Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ” (năm chẵn).

 

Suy Niệm 3: Cốt Lõi Của Ðạo

Văn hào Nga Léon Tolstoi có kể câu truyện ngụ ngôn như sau:

Một ông chủ nọ giao cho các gia nhân một công việc và bảo họ chỉ chu toàn công việc ấy mà thôi. Ông hứa sẽ thưởng công cho họ, nếu họ làm tốt công việc. Lúc mới bắt tay vào việc, ai cũng muốn làm vừa lòng ông chủ, cho nên để hết tâm trí vào công việc được giao. Thế nhưng, một thời gian sau đó, nhiều người cho rằng để làm vừa lòng ông chủ và để được phần thưởng bội hầu hơn, cần phải làm nhiều việc khác nữa. Họ nghĩ ra nhiều việc khác và dần dần chú tâm vào đó đến độ quên bẵng đi công việc được chủ giao cho lúc đầu. Bận bịu với những công việc mới, chẳng những họ không còn nhớ tới công việc đã được giao, mà cũng chẳng màng tới phần thưởng ông chủ đã hứa. Cuối cùng, tưởng mình đã có thể tự túc với công việc của mình, họ cũng gạt luôn ông chủ ra khỏi cuộc sống của họ. Léon Tolstoi đưa ra kết luận: Người ta thường thấy một thái độ như thế nơi các Kitô hữu; họ thay thế đạo của tình thương bằng vô số những nghi lễ trống rỗng vô hồn.

Nhiều người Do thái thời Chúa Giêsu, nhất là các thành phần lãnh đạo trong dân cũng có lối hành đạo tương tự. Thật ra, đạo của mạc khải Do thái giáo cốt yếu cũng là đạo của tình thương; thế nhưng trong thực tế, cái cốt lõi ấy thường bị quên lãng để nhường chỗ cho biết bao nghi thức trống rỗng vô hồn; người ta sẵn sàng loại trừ tha nhân và chối bỏ tình thương để tuân giữ những nghi thức và luật lệ vô hồn ấy.

Chúa Giêsu đã đến và đưa con người trở lại cái cốt lõi của đạo. Tin Mừng hôm nay ghi lại một nỗ lực của Chúa Giêsu nhằm nhắc nhở cho người Do thái về cái cốt lõi của đạo được thể hiện qua lề luật. Một trong những khoản quan trọng của lề luật chính là ngày Hưu lễ. Chúa Giêsu đã không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn lề luật, và kiện toàn lề luật chính là mặc cho tinh thần và ý nghĩa của yêu thương; không có tình thương, lề luật chỉ còn là một cái xác không hồn. Như vậy, kiện toàn luật giữ ngày Hưu lễ chính là biến ngày đó thành ngày tôn vinh Thiên Chúa, và không gì đúng đắn và xứng hợp hơn để tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Hưu lễ cho bằng thể hiện tình thương đối với tha nhân. Chính trong ý nghĩa ấy mà Chúa Giêsu đã chữa lành một người có bàn tay khô bại trong ngày Hưu lễ. Lề luật là một thể hiện ý muốn của Thiên Chúa, và ý muốn của Chúa không gì khác hơn là con người được sống, và sống dồi dào, sung mãn chính là sống yêu thương. Như vậy chu toàn lề luật trước tiên là sống yêu thương.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Ðọc kinh, dự lễ, tham gia sinh hoạt giáo xứ mà không sống yêu thương, điều đó có thật sự là sống đạo chưa? Sống đạo đích thực là sống yêu thương: một lời kinh đích thực phải phát xuất từ cõi lòng rộng mở yêu thương; một của lễ đẹp lòng Chúa phải là một nghĩa cử yêu thương dành cho tha nhân. Xin Chúa giúp chúng ta mỗi ngày thêm thấm nhuần cái cốt lõi của đạo là yêu thương.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Làm việc ngày sabát

Ðoạn Phúc Âm hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu chữa lành người bị bại tay phải trong ngày nghỉ sabát, hoặc cho những luật sĩ và những biệt phái đang rình xem Chúa có lỗi luật nghỉ ngày sabát hay không, ngõ hầu có lý do ám hại Chúa.

Chu toàn bổn phận bác ái có ưu tiên trên việc tuân giữ luật nghỉ ngày sabát, một việc thực hành đạo đức quan trọng của Do Thái Giáo. Thực hành việc đạo đức mà không có lòng bác ái yêu thương anh chị em thì việc thực hành kia có thể trở thành vụ lợi, khoe khoang. Bảo vệ cách quá khích luật nghỉ ngày sabát, các luật sĩ và những người biệt phái đã làm cớ cho người ta hiểu lầm rằng Thiên Chúa đối nghịch với con người. Trong đoạn Phúc Âm hôm nay, các luật sĩ và biệt phái xem ra bắt buộc Chúa Giêsu phải chọn một trong hai việc: hoặc tuân giữ luật nghỉ ngày sabát, hoặc chữa lành người bị bại tay phải. Tinh thần vụ hình thức đã làm hư cốt tủy của đạo Chúa. "Tôi hỏi các ông, ngày sabát được làm sự lành hay sự dữ, cứu sống người hay giết chết?" Câu hỏi của Chúa Giêsu thức tỉnh những kẻ sống đạo vụ hình thức.

Nơi đoạn Phúc Âm theo thánh Luca mà chúng ta vừa đọc lại trên đây, những luật sĩ và những người Pharisiêu xem ra có thái độ dứt khoát phải chọn một trong hai việc là giữ ngày sabát hoặc làm việc thiện để cứu người bị bại tay phải. Nhưng theo Phúc Âm thánh Mátthêu chương 12 câu 11 và những câu kế tiếp, chúng ta được biết rằng những luật sĩ và biệt phái có một giải thích rộng rãi khác về luật nghỉ ngày sabát. Họ cho phép cứu thoát con vật bị sa xuống giếng trong ngày sabát. Thật là nghịch đời, họ cho phép cứu con vật mà lại không cho phép cứu con người. Phải chăng các luật sĩ và biệt phái coi trọng con vật hơn con người. Ngày nay, chúng ta có thể gặp trường hợp tương tự, có những người nhân danh lòng nhân từ để kêu gọi bảo vệ súc vật nhưng lại thẳng tay loại trừ những thai nhi còn trong lòng mẹ, mạnh mẽ cổ võ việc phá thai.

Phần Chúa Giêsu, qua hành động chữa lành người bị bại tay cả trong ngày sabát, Chúa Giêsu biểu lộ tâm hồn tràn đầy yêu thương đối với con người và đặt luật nghỉ ngày sabát trong viễn tượng rộng rãi hơn của tình yêu thương. Các ngày sabát được làm việc lành để thể hiện tình thương. Một tâm hồn khô khan không có tình yêu đối với Thiên Chúa cũng như đối với anh chị em thi sẽ dễ dàng rơi vào cám dỗ chạy trốn trước việc lành cần phải làm để phục vụ anh chị em. Họ dễ dàng biện hộ cho thái độ sống thiếu quảng đại, thiếu bác ái bằng lý do hết sức đạo đức nhưng có thể đó là sự đạo đức giả hình, chưa trưởng thành.

Lạy Chúa,

Chúng con cảm tạ Chúa vì đã thức tỉnh chúng con qua mẫu gương và bài học căn bản. "Trong ngày sabát được làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay giết chết?" Xin thương giải thoát con khỏi thái độ sống đạo vụ hình thức, ham danh lợi, lo củng cố địa vị hơn là thực hành yêu thương bác ái. Xin thương ban cho chúng con tâm hồn tràn đầy tình yêu Chúa để có thể trổ sinh những việc làm tốt phục vụ anh chị em mọi nơi và mọi lúc.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 5: Làm việc thiện lúc nào

Đức Giêsu nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?” Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh hãy giơ tay ra!” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. (Lc. 6, 9-10)

Luôn còn tái diễn trong ngày sabát! Đức Giêsu hỏi biệt phái: ngày sabát, được phép làm việc thiện hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt? có phải lúc làm việc tốt, việc bác ái, lúc khác không được chăng? nếu nhân danh Thiên Chúa mà chủ trương thế thì quá tệ.

Cấm làm việc thiện trong ngày thờ phượng Chúa có đúng không? có làm sáng danh Chúa khi đặt ra luật lệ vụn vặt hẹp hòi không? chúng ta nên nhận định rõ rằng: Khi xoa dịu những đau đớn của tha nhân bằng mọi cách có thể thì làm sáng danh Chúa biết chừng nào. Đó là điều Đức Giêsu đã thực hiện. Người vào hội đường, Người dạy dỗ. Ánh mắt Người bắt gặp một người bại tay. Những kẻ bảo toàn luật lệ rình rập xem: Thầy này táo bạo, chẳng sợ gì, sẽ làm gì để đảo lộn lề luật đây? Ông có dám chữa kẻ tàn tật đó trong ngày sabát không? Đức Kitô biết rõ ý nghĩ của những thẩm phán cay nghiệt này luôn luôn săn bắt Người. Người vẫn coi thường họ, một lần nữa trịnh trọng, công khai, giữa ban ngày, không hề che giấu, Người nói với kẻ khô bại tay: “ Anh chỗi dậy, ra đứng giữa đây! người ấy liền chỗi dậy và ra đứng đó. Người hỏi những kẻ ghen ghét dò xét Người rằng: ngày sabát được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?” Tất nhiên, không ai trả lời, không ai có can đảm dám nói ra ý nghĩ của mình. Nếu nói ra đúng ý nghĩ của mình, tất nhiên, phải liên minh với Người vì tự nhiên phải chấp nhận trong ngày của Chúa thì phải làm điều lành, phải cứu mạng sống, không thể làm điều dữ. Và như thế sẽ thấy rõ người ta đã hiểu sai luật ngày sabát.

Một lần nữa Đức Kitô đã thấu suốt ý nghĩa của luật lệ. Một lần nữa Người đã được sự ủng hộ của con người để Người cứu chữa bệnh nhân: “Anh hãy giơ tay ra,... và tay anh được bình thường”.

Trong Giáo Hội được đổi mới là nhờ Chúa Thánh Thần luôn hoạt động hơn bao giờ hết, không thiếu những người theo chân Đức Giêsu, muốn làm cho chúng ta hiểu rõ con người có giá trị vô biên hơn muôn vàn luật lệ. Chúng ta cố gắng nghe và theo chân Đức Giêsu và những vị đó.

GF

 

Suy Niệm 6: Sống yêu thương thật lòng

Xem lại CN 9 TN B

Hôm nay bài Tin Mừng trình thuật việc Đức Giêsu chữa người bại tay ngày Sabát. Đây là việc làm hữu ích, vì nó thể hiện tình thương của Thiên Chúa với người đau khổ. Tuy nhiên, qua sự kiện này đã làm cho các Luật Sĩ và Pharisêu tỏ ra khó chịu và bầy binh bố trận để hạ sát Đức Giêsu!!!

Tại sao vậy? Thưa! Vì xuất phát từ lối suy nghĩ khác nhau khi hiểu về việc giữ Luật. Những Luật Sĩ và Pharisêu thì chỉ tập trú vào việc hình thức bên ngoài, họ không bỏ sót một chấm một phết trong Luật. Còn Đức Giêsu thì quan tâm đến tinh thần của Luật, Ngài đi vào nội dung của Luật là tình thương.

Vì thế, việc chữa bệnh của Đức Giêsu được khởi đi từ bản chất của Thiên Chúa là Đấng Giàu Lòng Thương Xót. Bởi vậy, không lạ gì khi các Luật Sĩ và Pharisêu không những không ủng hộ việc tốt lành của Đức Giêsu với người bại liệt, ngược lại, họ luôn rình rập để chờ cơ hội thuận tiện rồi lên tiếng tố cáo Đức Giêsu. Một điều đơn giản là do động lực của hận thù, ghen ghét, vì sợ Đức Giêsu lật tẩy lòng gian ác của họ trước dân chúng...

Thấy được ý đồ đen tối của các Luật Sĩ và Pharisêu, nên Đức Giêsu đã hỏi họ: "Tôi hỏi các ông, ngày Sabát được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết?". Khi hỏi như thế, Đức Giêsu trả lại cho ngày Sabát ý nghĩa đích thực của nó, đó là ngày giải phóng con người.

Trong cuộc sống của chúng ta hiện nay, đã biết bao nhiêu lần chúng ta lo sống hình thức bên ngoài, mà quên đi ý nghĩa và giá trị đích thực trong việc giữ đạo.

Những chuyện như: vì danh thơm tiếng tốt của cha mẹ, hoặc vì cha mẹ làm công to việc lớn trong Giáo xứ, ngoài xã hội, hay sợ liên lụy đến bản thân, nên đã biết bao lần ta sống đạo hình thức, giả tạo và rỗng tuếch, nhưng vẫn ra vẻ đạo đức, tốt lành!

Lại có những người được xem ra rất tốt lành, nhưng lại là những người chuyên ngồi lê mách lẻo chuyện của người khác với mục đích làm cho người khác mất danh dự, uy tín trước cộng đoàn. Hay cũng có những người luôn tìm cách công kích để hạ bệ người khác rồi mình hả hể với thành quả đạt được. Những hạng người như thế, họ chỉ lo tìm cái rác trong mắt người khác, còn cái xà trong mắt mình thì giả điếc làm ngơ!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có cái nhìn yêu thương, cảm thông với những người ốm đau, bệnh tật, đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta, thay cho thái độ khinh miệt, kỳ thị.

Mặt khác, khi thấy được người khác làm việc tốt thì phải công tâm để nâng đỡ chứ không được vì ghen ghét mà tìm cách bẻ cong sự thật và vu khống cho người ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu thương và nâng đỡ những ai đang lâm cảnh khó khăn, đồng thời biết sống thật với lòng mình và luôn làm điều tốt cho người khác. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Chữa người bại tay ngày sabát

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Đức Giêsu chữa người bại tay ngày hưu lễ nên bị những người luật sĩ và biệt phái rình xét, phản kháng. Người biệt phái giữ luật chặt chẽ nhưng chỉ là hình thức. Họ luôn tìm cách bắt bẻ Đức Giêsu mà không biết nhân nghĩa là gì. Đức Giêsu rất trung thành với lề luật, nhưng Người đi  sát tinh thần yêu thương của lề luật, chứ không phải hình thức bên ngoài. Ngày Hưu lễ là ngày làm vinh danh Chúa, cứu chữa con người để con người được hạnh phúc. Con người được hạnh phúc là lúc Thiên Chúa được vinh danh. Vì thế, chữa bệnh trong ngày hưu lễ là điều Chúa Cha rất vui lòng.

2. Giới răn Sabát được giải thích  từ việc tin rằng Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật trong sáu ngày và ngày thứ bảy thì Người nghỉ ngơi. Chính vì vậy, nguyên thủy người ta nghỉ ngày thứ bảy  (sabát) như là một sự bắt chước Thiên Chúa, đồng thời dành một ngày cuối tuần để chỉ dành riêng cho việc phụng sự Thiên Chúa. Thế nhưng, càng ngày, luật Sabát được các luật sĩ giải thích chi tiết, cặn kẽ và dừng lại ở mặt chữ của luật : chỉ dừng lại ở cái lý mà đánh mất cái tình, giữ luật vì luật chứ không còn vì yêu mến Chúa và đánh mất đức ái mà luật nhắm tới.

3. Việc chữa bệnh của Đức Giêsu được khởi đi từ bản chất của Thiên Chúa là Đấng Giầu Lòng Thương Xót.  Bởi vậy, không lạ gì khi các luật sĩ và biệt phái không những không ủng hộ việc tốt lành của Đức Giêsu với người bại liệt, ngược lại, họ luôn rình rập để chờ cơ hội thuận tiện  rồi lên tiếng tố cáo Đức Giêsu. Một điều đơn giản là do động lực của hận thù, ghen ghét, vì sợ Đức Giêsu lật tẩy lòng gian ác của họ trước dân chúng... Thấy được ý đồ đen tối của luật sĩ và biệt phái, nên Đức Giêsu đã hỏi họ :”Tôi hỏi các ông, ngày sabát được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay giết chết” ? Khi hỏi như thế, Đức Giêsu trả lại cho ngày sabát ý nghĩa đích thực của nó, đó là ngày giải phóng con người (Ngọc Biển).

4. Tin Mừng hôm nay ghi lại một nỗ lực của Chúa Giêsu nhằm nhắc nhở cho người Do thái về cái cốt lõi của đạo được thể hiện qua lề luật. Một trong những khoản quan trọng của lề  luật chính là ngày Hưu lễ. Chúa Giêsu đã không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn lề luật, và kiện toàn lề luật  chính là mặc cho tinh thần và ý nghĩa của yêu thương; không có tình thương, lề luật chỉ còn là một cái xác không hồn. Như vậy, kiện toàn luật giữ ngày Hưu lễ chính là biến ngày đó thành ngày tôn vinh Thiên Chúa, và không gì đứng đắn và xứng hợp hơn để tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Hưu lễ cho bằng thể hiện tình thương đối với tha nhân.

Chính trong ý nghĩa ấy mà Chúa Giêsu đã chữa lành một người có bàn tay khô bại trong ngày Hưu lễ. Lề luật là một thể hiện ý muốn của Thiên Chúa, và ý muốn của Thiên Chúa không gì khác hơn là  con người được sống, và sống dồi dào, sung mãn chí là sống yêu thương. Như vậy chu toàn lề luật  trước tiên là sống yêu thương (Mỗi ngày một tin vui).

5. Em học sinh nọ bị rắn cắn phải đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, các bác sĩ trong bệnh viện, với lý do phải làm theo qui định và thực hiện những thủ tục đăng ký rườm rà, đã không cứu chữa ngay cho em trong cơn “thập tử nhất sinh”. Hậu quả là em đã không qua khỏi.

Vì nệ luật và vụ hình thức, các luật sĩ và biệt phái đã trở thành những quan tòa khắt khe, xét đoán, nhỏ nhặt và tàn nhẫn. Họ giữ tỉ mỉ mọi điều luật mà không nhận ra rằng mình đang làm nô lệ cho luật. Trước sự bảo thủ, quá nệ luật của họ, Chúa Giêsu đã nêu lên câu hỏi trên đây để chất vấn họ, đồng thời qua đó, Người muốn họ trả lề luật về đúng vai trò và ý nghĩa của nó.

Thật vậy, lề luật được đặt ra là để phục vụ con người, chứ không phải con người phục vụ cho lề luật, mà quên mất tình yêu thương. Lúc đó, ta đã chất những gánh nặng lên vai người khác.

6. Trong hội trường nhỏ bé ngày ấy, có ba loại người (1)người đau ốm cần giúp đỡ, (2) người bận tâm đem lại sự sống cho người khác; (3) người tìm phương kế để tiêu diệt người khác. Câu hỏi của Đức Giêsu trên đây đặt người biệt phái vào thế lúng túng, bởi vì nói đúng tim đen của  họ. Trong thế giới rộng lớn ngày nay, vẫn là ba hạng người : (1) những người cần sự nâng đỡ để có sự sống; (2) những người nỗ lực phò sự sống, xây dựng nền văn minh tình thương; (3) những kẻ chủ trương tiêu diệt sự sống của người khác, để mình có thể sống hưởng thụ sung sướng, hay cổ võ nền văn hóa sự chết. Là Kitô hữu, chắc chắn bạn được mời gọi bước theo con đường của Thầy mình (5 phút Lời Chúa).

7. Truyện : Bác ái phải trên lề luật.

Một buổi chiều năm 1953, nhiều nhân vật quan trọng cùng các phóng viên của các tờ báo lớn hồi hộp đợi chờ ở sân ga thành phố Chicago để chào đón bác sĩ Albert Schweitzer, người được chọn nhận giải thưởng Nobel nhờ công trình thử nghiệm các vaccin chữa bệnh truyền nhiễm trên chính cơ thể của mình để phục vụ cho những thôn làng nghèo khó nhất tại châu Phi.

Khi xe lửa ngừng ở sân ga, một người cao lớn, râu dài và mái tóc đã ngả mầu bước xuống. Máy ảnh chớp sáng liên tục. Các nhân vật quan trọng tiến lại bắt tay nồng nhiệt chúc mừng. Bác sĩ khiêm tốn mỉm cười cảm ơn. Bỗng, ông giơ tay xin lỗi mọi người rồi lách vội qua đám đông, tiến đến chỗ một người đàn bà da đen đang loay hoay vất vả  nặng nhọc với hai chiếc va li lớn nghèo nàn. Ông giúp bà một tay đưa hành lý lên một chiếc xe buýt, loại chỉ dành cho người bình dân.

Sau khi chiếc xe lăn bánh, ông trở lại chỗ đám đông. Một người trong đoàn tiếp đón đã thốt lên :

- Đây là lần đầu tiên tôi nhận được một bài giảng sống động về tình yêu thương.

 

Suy Niệm 8: Luật nghỉ-không làm việc ngày Sabat

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Chúa Giêsu, các luật sĩ và Pharisêu lại tranh luận với nhau về luật nghỉ không làm việc trong ngày Sabat.

Theo những người luật sĩ và Pharisêu thỉ nghỉ là nghỉ, “không làm gì cả”. Ngày Sabat là ngày nghỉ. Tuy họ có chấp thuận một số việc được làm trong ngày Sabat nhưng phải tuỳ từng trường hợp rất cụ thể mới được làm. Thí dụ như cứu người nguy tử trong ngày đó (Mishna Yoma VIII,6).

Theo Chúa Giêsu, nếu cứ giữ như thế thì luật sẽ trở thành một gánh quá nặng cho con người và nhiều khi còn tàn nhẫn nữa.

Một người Do Thái qua đời, sau khi đã khám nghiệm, các bác sĩ xác nhận người đó đã thực sự chết theo đúng ý nghĩa của y học và đã cấp giấy chứng thực để chôn cất.

Giữa lúc đang chuẩn bị hạ huyệt, người ta bỗng nghe có tiếng kêu trong quan tài. Mở nắp quan tài ra, mọi người rất đỗi ngạc nhiên thì thấy kẻ chết đã sống lại.

Thế nhưng, vị giáo trưởng chủ trì tang lễ ra hiệu cho mọi người thinh lặng rồi nói với kẻ chết sống lại như sau:

- Chúng tôi không biết rõ ông đang sống hay chết. Nhưng căn cứ theo giấy chứng thực của các bác sĩ, ông quả thực là người đã chết. Vậy chúng tôi cứ thi hành theo đúng nhận định của các bác sĩ.

Nói xong ông truyền cho tang lễ đóng nắp quan tài lại và tiếp tục nghi thức an táng.

Những người sống luật vì luật cũng tương tự như thế.

2. Còn Chúa Giêsu, thì thái độ của Ngài có khác. Luật nào cũng vậy, trong mọi trường hợp phải lệ thuộc vào tình yêu thương. Không có tình yêu thương thì lề luật chỉ còn là cái xác không hồn. Không vì yêu thương thì luật trở thành vô đạo đức. Luật ngày Sabat cũng thế…. vì ngày Sabat theo ý nghĩa từ ban đầu là ngày giải phóng con người.

Kẻ được Chúa Giêsu cứu chữa hôm nay là một người có một cánh tay bị khô bại. Cánh tay đó lại là cánh tay bên phải nên khả năng làm việc của anh dường như không còn. Không còn khả năng làm việc cũng có nghĩa là mất luôn phương tiện để sinh sống. Đứng trước hoàn cảnh đó, tuy anh ta không xin, nhưng Chúa Giêsu vẫn thương và chữa anh.

Các luật sĩ và những người Pharisêu đã rình xem Chúa ngay từ khi Chúa bước vào hội đường cho nên khi thấy Chúa Giêsu làm như vậy thì họ chộp ngay lấy cơ hội tố cáo Người.

Chúng ta thừa biết lòng của các luật sĩ và những người Pharisêu đã trở nên chai cứng như thế nào. Họ chẳng màng gì đến những chuyện sống sao cho đẹp lòng Chúa mà chỉ nghĩ đến việc giữ một số những quy định, rồi tưởng rằng, làm như thế là đã sống đạo rồi.

Người ta kể rằng: Một hôm, Chúa Giêsu hiện ra với một đan sĩ có bổn phận phải coi nhà khách và thỉnh thoảng bố thí cho người đến xin giúp đỡ. Trớ trêu thay, đúng vào lúc Chúa Giêsu hiện ra thì chuông nhà khách reo lên báo hiệu có người nghèo đến gõ cửa xin giúp đỡ. Thoạt đầu, người đan sĩ có vẻ do dự không biết phải ở lại bên Chúa Giêsu đang hiện ra với mình, hay phải đến phòng khách làm bổn phận mang thức ăn cho người đói ăn xin. Nhưng rồi vị đan sĩ quyết định đến nhà khách để chu toàn bổn phận, xong việc rồi đan sĩ trở lại thì thấy Chúa Giêsu vẫn còn chờ nơi đó. Chúa Giêsu tươi cười bảo vị đan sĩ:

- Nếu con đã không ra đi chu toàn bổn phận giúp cho người nghèo kia thì Ta đây đã không ở lại để chờ con.

Qua việc chữa bệnh cho người bị bại tay trong ngày Sabat hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy tâm hồn Chúa tràn đầy yêu thuơng đối với con người. Kể từ giây phút Chúa long trọng công bố rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, giải thoát người tù tội, cho người mù được thấy, cho người áp bức được tự do, tại hội đường Nazareth, Chúa đã luôn luôn trung thành với sứ mạng này để phục vụ và nâng cao con người lên.

Mẹ Têrêsa đã từng nói: “Theo tôi biết, chẳng có khổ đau nào thấm thía hơn nỗi khổ đau của người thấy mình cô đơn, thừa thãi, không được ai yêu thương. Nỗi khổ đau cùng cực là nỗi cô độc, không biết tới cả mối tương quan thân tình đích thực giữa người với người, không biết thế nào là được yêu, không người thân, không bạn hữu”.

Lạy Chúa,

xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin

để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,

nơi khuôn mặt khốn khổ của tất cả những người bị thử thách:

những kẻ đói không chỉ vì thiếu của ăn, nhưng vì thiếu Lời Chúa;

những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,

nhưng còn vì thiếu sự bình an, sự thật,

công bằng và tình thương;

những kẻ vô gia cư,

không chỉ tìm kiếm một mái nhà,

nhưng còn tìm trái tim hiểu biết, yêu thương; những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,

không chỉ trong thân xác,

nhưng cả trong tinh thần,

bằng cách thực thi lời hy vọng này:

“Điều các con làm cho

người bé mọn nhất trong anh em

là các con làm cho chính Ta”. (Mt 25,40)

 

Suy Niệm 9: Khác biệt về cách nhìn nhận

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Chúa Giêsu và các luật sĩ, biệt phái tranh luận với nhau về luật nghỉ làm việc ngày sabát.

- Hôm ấy trong hội đường có một người bị bại tay, các luật sĩ và biệt phái rình xem Chúa Giêsu có chữa bệnh cho người ấy không để tố cáo Ngài.

- Chúa Giêsu biết ý của họ nên hỏi trước: “Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ?”: Khi chống đối Chúa Giêsu, các đối thủ đã dựa vào chủ trương “không làm gì cả” trong ngày sabat. Phần Chúa Giêsu thì đặt vấn đề “làm điều lành” hay “(làm) điều dữ”.

- Thực ra chủ trương của Pharisêu không hẳn là hoàn toàn không làm gì cả. Họ cũng chấp thuận được cứu người nguy tử trong ngày đó (Mishna Yoma VIII,6). Nhưng họ phải nghiên cứu từng trường hợp cụ thể để cho phép làm như vậy. Còn Chúa Giêsu, thái độ của Ngài trong trường hợp này cho thấy rõ: luật ngày sabat phải lệ thuộc luật yêu thương và giúp đỡ kẻ khác, vì đó là ngày giải phóng.

B.... nẩy mầm.

1. Kẻ được Chúa Giêsu cứu chữa hôm nay là một người tay hữu bị khô bại, nghĩa là mất khả năng làm việc, do đó cũng mất phương tiện để sinh sống. Tuy người này không xin, nhưng Chúa Giêsu thương anh và chữa anh.

Ta hãy cầu nguyện cho những kẻ tật nguyền và những người không có công ăn việc làm để sinh sống.

2. Cái nhìn của Chúa Giêsu và của các đối thủ Ngài rất khác nhau: Chúa Giêsu thấy một người cần được Ngài giúp đỡ; còn họ thì không để ý gì đến người tàn tật mà chỉ lo rình mò để xem Chúa Giêsu có làm gì sai luật không để mà bắt bẻ.

Xin Chúa cho con có cái nhìn của Chúa: cái nhìn của tình thương chứ không phải cái nhìn soi bói rình mò.

3. Khi người khô tay đã được lành, các biệt phái và luật sĩ không vui mừng với anh mà lại tức giận với Chúa Giêsu và bàn nhau hại Ngài.

Xin Chúa đừng để cho lòng ganh ghét làm cho con bị mù quáng, trái lại xin cho con biết vui với niềm vui của người khác.

4. Trong một giai thoại về Đức Thích Ca, có kể rằng: Một hôm ngài rơi vào tay một tên cướp. Tên này dọa giết ngài. Trước khi chết ngài xin hắn một ân huệ. Ngài chỉ vào một cây lớn trước mặt và nói:

- Ngươi hãy cắt đứt một nhánh cây.

Trong nháy mắt, tên cướp vung kiếm chém đứt nhánh cây. Đức Thích Ca nói tiếp:

- Bây giờ ngươi hãy tháp nhánh cây vào thân cây.

Tên cướp cười gằn, nói:

- Mi quả là tên khùng nên mới nghĩ rằng ta có thể làm được điều đó.

Đức Thích Ca liền dạy cho hắn một bài học:

- Ngươi mới là tên khùng khi nghĩ rằng sức mạnh con người là để gây thương tích và phá huỷ. Người có sức mạnh thực sự là người biết sáng tạo và chữa lành. ("Mỗi ngày một tin vui")

5. “Các kinh sư và những người pharisêu xem Chúa Giêsu có chữa người ấy trong ngày sabát không, để tìm được cớ tố cáo Ngài” (Lc 6,7)

Lạy Chúa, dò xét, rình rập thì con hay lắm, còn nhìn lại bản thân thì con thật là dở. Con dò xét người này, dòm ngó người kia, rình rập người nọ… để tìm ra chỗ hở mà đả kích cho “đã”. Rồi tự biện hộ rằng mình xây dựng cho anh em. Nhưng mắc cỡ thay, đó chỉ là những cử chỉ, hành động phô trương đạo đức giả hình.

Nhược điểm và bao nhiêu cái xấu xa của con, con lại không nói ra, mà còn khéo tô thêm một lớp sơn hào nhoáng như ngôi mô bên ngoài trông đẹp nhưng bên trong mục nát thối hư…

Chúa ơi ! Xin cho con biết nhìn lại chính con nhiều hơn là tìm những sơ hở của người khác mà lên án. (Hosanna)

 

SUY NIỆM

Trong thư gởi tín hữu Cô-lô-xê, bài đọc 1 của Thánh Lễ thứ hai, năm lẻ, tuần XXIII mùa Thường Niên, thánh Phao-lô nói:

Trong Đức Ki-tô, có cất giấu mọi kho tàng
của sự khôn ngoan và hiểu biết.

(Col 2, 3)

Xin cho chúng ta cảm nếm được một chút sự khôn ngoan và hiểu biết, được thể hiện nơi lời nói và hành động của Đức Ki-tô, nơi biến cố mà thánh Luca thuật lại cho chúng ta trong bài Tin Mừng.

 1. Ngày Sa-bát

Luật Sa-bát là trung tâm của Mười Điều Răn (x. Xh 20 và Đnl 5), và Mười Điều Răn là trung tâm của toàn bộ Lề Luật. Vì thế, cách hiểu và giữ luật Sa-bát diễn tả cách hiểu và giữ toàn bộ Lề Luật, không chỉ Lề Luật Do Thái, nhưng Luật với tư cách là Luật của mọi thời, vì đó là mặc khải phát xuất từ lịch sử cứu độ.

Ngươi sẽ nhớ rằng ngươi đã là nô lệ ở đất Ai-Cập và ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đó bằng bàn tay mạnh mẽ và cánh tay dang thẳng; chính vì thế, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi thực hành ngày Sa-bát. (Đnl 5, 15)

Như thế, luật Sa-bát có nền tảng là ơn giải phóng, ơn ban sự sống của Thiên Chúa, và qua việc giữ ngày Sa-bát, người thụ hưởng ơn huệ ở lại trong tương quan giao ước tình yêu với Thiên Chúa [1]. Nhưng, như chúng ta thấy trong thực tế, ngày Sa-bát đã biến thành một bộ luật phức tạp bao gồm những qui định chi li, dùng để dò xét và lên án. Ngày Sa-bát là ngày được lập ra để tưởng nhớ sự sống, nhưng đã biến thành phương tiện để dò xét và lên án, thậm chí giết chết, nghĩa là hủy hoại sự sống, và giết chết chính Đấng Ban Sự Sống. Bởi vì, chúng ta được mời gọi nhận ra Đấng Ban Sự Sống qua hành vi nhỏ bé chữa lành người bại tay của Đức Giê-su.

Thực vậy, sau khi chứng kiến Đức Giê-su chữa lành người bại tay vào ngày Sa-bát, trong hội đường, thánh Luca nói: “họ giận điên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không”; nhưng thánh Mác-cô nói rõ ra: “Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su”! (Mc 3, 6). 

2. Những người Pha-ri-sêu và luật sĩ

Họ quan sát Đức Giê-su để xem Ngài có chữa bệnh ngày Sa-bát trong hội đường không, để tìm lí do lên án Ngài. Trước đó, họ trách các môn đệ bứt lúa ăn trong ngày Sa-bát, vốn là điều không được phép. Xét trên bình diện lề luật, thì họ hoàn toàn đúng, và ngày nay, gần như hàng ngày, chúng ta vẫn còn nghe những lời xét đoán tương tự. Tuy nhiên, chúng ta có thể nghiệm được điều gì đó thật nghiêm trọng nơi những người thích dựa vào lề luật để xét đoán người khác.

  • Đó là quan niệm sự công chính đến từ việc giữ luật. Quan niệm sự công chính như thế tất yếu dẫn đến cái thú đi dò xét người khác, và cảm thấy vui thích với tình trạng “không công chính”, nghĩa là không giữ luật chặt chẽ, của người anh em hay chị em.
  • Thế mà, theo sách Khải Huyền, dựa vào lề luật để dò xét và tố cáo, chính là hành động đặc trưng của Satan: “Satan ngày đêm tố cáo họ, tố cáo anh em của ta, nay bị tống ra ngoài” (Kh 12). Như thế, những người Pharisieu hành động giống như Satan, giống như tay sai của Satan. Nếu chúng ta làm như họ, chúng ta cũng sẽ trở nên như vậy.
  • Ngoài ra, hành động dò xét để tìm cơ hội tố cáo, tự nó còn hàm chứa thái độ không tin tưởng, thậm chí thái độ lên án trước rồi, và chỉ chờ cơ hội mà thôi. Và, như chúng ta thấy, khi không tìm ra cơ hội, chính họ sẽ tạo ra cơ hội để Đức Giêsu và các môn đệ phạm luật ; các Tin Mừng gọi hành động này là thử hay giăng bẫy.

Có ý đồ làm hại người khác, nhưng lại dựa vào lề luật, vốn là điều tốt, để làm hại, nên không ai làm gì được. Bởi vì có luật cấm và có người vi phạm, bởi vì không ai trong chúng ta, trừ Đức Ki-tô, là hoàn hảo đối với lề luật. Bất cứ ai, khi bị rình mò và nhất là bị gài bẫy, thì rốt cuộc, cũng bị phát hiện vi phạm lề luật. Nhưng, dưới con mắt Đức Giê-su, vấn đề nghiêm trọng không phải là hành vi vi phạm, nhưng là người vạch trần hành vi vi phạm với ý đồ xấu. Luật được thiết lập để phục vụ cho sự sống, nhưng Sự Dữ và những người hành động theo Sự Dữ đã biến Luật trở thành phương tiện để dò xét, rình mò, gài bẫy nhằm hại người, thậm chí giết chết (x. Rm 7, 7-13)

Giống như người Pha-ri-sêu lên đền thờ cầu nguyện : « Con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia » (Lc 18, 11) ; hay như những người bắt quả tang người đàn bà ngoại tình : chúng ta thử hình dung ra mà xem, những bậc vị vọng như kinh sư và Pha-ri-sêu đã phải có những hành động nhỏ nhặt và lệch lạc như thế nào, để có thể bắt quả tang một phụ nữ phạm tội ngoại tình, vốn là một hành vi rất kín đáo (Ga 8, 3) ! Đối với Đức Giê-su, hành động này là nghiêm trọng, vì đó là hành động đặc trưng của Satan (x. Sách ông Giop ; Kh 12, 10). Và chỉ có Đức Ki-tô, Đấng Vô Tội tuyệt đối, mới làm cho ý xấu và chính Sự Dữ lộ ra nguyên hình trong cuộc Thương Khó.

 3. Đức Giê-su hoàn tất Lề Luật

Chúng ta được mời gọi nhìn ngắm Đức Giêsu, hiểu và giữ luật Sa-bát như thế nào, qua đó nghiệm được cách ngài hiểu và hoàn tất Lề Luật. Đức Giê-su hiểu và giữ luật sabát bằng cách đẩy luật đi đến cùng đích của nó, nghĩa là tưởng nhớ ơn giải thoát và ơn ban sự sống bằng cách làm điều lành và cứu sống, cho dù phải vi phạm luật làm việc của ngày Sa-bát; vì thế ngài hỏi: “Ngày Sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?” Ngài không chỉ lên tiếng để làm rõ cứu cánh của ngày Sa-bát, nhưng còn làm cho ý nghĩa này được ứng nghiệm, bằng cách chữa lành người bị khô bại tay phải. “Tay phải” tượng trưng cho khả năng làm việc để sinh sống. Hành động chữa lành bàn tay phải, xét cho cùng thật nhỏ bé và giới hạn, nhưng ý nghĩa thật lớn lao và vô hạn: Người đến để phục vụ cho sự sống của con người, đến độ liều mất sự sống của mình, vì Người là Đấng Ban Sự Sống, là chính Sự Sống.

Nhưng cách Đức Giê-su chữa bệnh không phải giống như các y bác sĩ, phải lao nhọc, và như thế, vi phạm luật Sa-bát. Ngài chữa bệnh bằng lời, Lời sáng tạo và Lời ban sự sống; thực vậy, Ngài nói với người bệnh: “Anh giơ tay ra”. Người bệnh nghe theo lời Đức Giê-su và được lành bệnh. Như thế, Đức Giê-su vừa chữa bệnh, vừa không vi phạm luật làm việc vào ngày Sa-bát. Nhưng người ta vẫn cứ “giận điên lên” và tìm cơ hội khác để tố cáo, lên án và loại trừ Đức Giê-su. Như vậy, Sự Dữ thuần túy và tuyệt đối đang dần dần lộ diện. Trong cuộc Thương Khó, Ngài sẽ để cho Sự Dữ đi đến cùng, nghĩa là lấy đi sự sống của Ngài, nhưng đó chính là cách thức:

  • Ngài làm cho Sự Dữ lộ ra nguyên hình. Thế mà, Sự Dữ có bản tính ẩn nấp, và nó chỉ nguy hiểm khi chưa bị phát hiện. Và Ngài mạnh hơn Sự Dữ, khi không dùng bạo lực chống lại bạo lực, và khi Ngài vượt qua sự chết để đi vào sự sống viên mãn.
  • Ngài mang vào mình những tội lỗi lớn lao như thế, để nói với chúng ta rằng, không có tội lỗi nào của chúng ta, mà Ngài không thể không mang vác được. Như Thánh Phao-lô nói: “Đức Ki-tô chết cho chúng ta, khi chúng ta con là một tội nhân”.
  • Ngài yêu thương chúng ta đến nỗi trao ban chính sự sống của mình, để cho chúng ta đừng bao giờ nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa, khi cho chúng ta làm người như thế đó. Như Thánh Phao-lô nói: “Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô”.

*  *  *

Chúng ta được mời gọi đến ở lại và học với Đức Giê-su, để cảm nghiệm được Ngài hiền lành và khiêm nhường như thế nào.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

———————

[1] Và tất cả Lề Luật (luật đạo, luật đời tu và cả luật đời nữa) đều phải theo khuôn mẫu này: để hiểu và sống lề luật một cách tự nguyện và với niềm vui, phải đầu tư cho kinh nghiệm ơn huệ và phải dựa trên kinh nghiệm ân huệ. Nếu không, dù luật đúng, hay, chi li mấy đi nữa, cũng vô ích, như xã hội chúng ta đang sống cho thấy. Để giữ luật đời, người ta phải kinh nghiệm về “ơn đời” và ước ao “tạ ơn đời”. Và Thiên Chúa thi ân và tỏ mình ra trong cuộc đời, dù người ta có nhận ra hay không. Tương quan của chúng ta đối với Thiên Chúa cũng theo cùng một qui luật.

Theo luật thì nên cứu sống hay hủy diệt? – SN song ngữ ngày 6.9.2021

 

Monday (September 6):  

Is it lawful to save life or to destroy it?

Scripture:  Luke 6:6-11

6 On another Sabbath, when he entered the synagogue and taught, a man was there whose right hand was withered. 7 And the scribes and the Pharisees watched him, to see whether he would heal on the Sabbath, so that they might find an accusation against him. 8 But he knew their thoughts, and he said to the man who had the withered hand, “Come and stand here.” And he rose and stood there. 9 And Jesus said to them, “I ask you, is it lawful on the Sabbath to do good or to do harm, to save life or to destroy it?” 10 And he looked around on them all, and said to him, “Stretch out your hand.” And he did so, and his hand was restored. 11 But they were filled with fury and discussed with one another what they might do to Jesus.

Thứ Hai     6-9           

 

Theo luật thì nên cứu sống hay hủy diệt?

Lc 6,6-11

6 Một ngày sa-bát khác, Đức Giê-su cũng vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải.7 Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo Người.8 Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây! ” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó.9 Đức Giê-su nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt? “10 Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra! ” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường.11 Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không.

Meditation: What is God’s intention for the commandment, keep holy the Sabbath (Exodus 20:8; Deuteronomy 5:12)? The scribes and Pharisees wanted to catch Jesus in the act of breaking the Sabbath ritual so they might accuse him of breaking God’s law. In a few penetrating words Luke records that Jesus knew their thoughts. They were filled with fury and contempt for Jesus because they had put their own thoughts of right and wrong above God. They were ensnared in their own legalism because they did not understand or see the purpose of God. Jesus shows them their fallacy by pointing to God’s intention for the Sabbath: to do good and to save life rather than to do evil or to destroy life.

 

Christ’s healing power raises hands and hearts towards heaven

What is the significance of Jesus’ healing the man with the withered hand? Ambrose (337-397 AD), the 4th century bishop of Milan who was instrumental in bringing Augustine of Hippo to the Christian faith, comments on this miracle:

“Then you heard the words of the Lord, saying, ‘Stretch forth your hand.’ That is the common and universal remedy. You who think that you have a healthy hand beware lest it is withered by greed or by sacrilege. Hold it out often. Hold it out to the poor person who begs you. Hold it out to help your neighbor, to give protection to a widow, to snatch from harm one whom you see subjected to unjust insult. Hold it out to God for your sins. The hand is stretched forth; then it is healed. Jeroboam’s hand withered when he sacrificed to idols; then it stretched out when he entreated God (1 Kings 13:4-6).”

 

Receive God’s gift of sabbath rest and restoration

Why do Christians celebrate Sunday as the Lord’s Day? Most importantly we celebrate it to commemorate God’s work of redemption in Jesus Christ and the new work of creation accomplished through Christ’s death and resurrection (2 Corinthians 5:17). God’s action is a model for us. If God “rested and was refreshed” on the seventh day, we, too, ought to “rest” and let others, especially the poor, “be refreshed” as well (see Exodus 31:17; 23:12). Taking “our sabbath rest” is a way of expressing honor to God for all that he has done for us. Such “rest” however does not exempt us from our love for our neighbor. If we truly love the Lord above all else, then the love of God will overflow to love of neighbor as well. Saint Augustine of Hippo (354-430 AD) said: “The charity of truth seeks holy leisure; the necessity of charity accepts just work.”

 

 

 

How can we make Sunday a day holy to the Lord? First, by refraining from unnecessary work and from activities that hinder the worship we owe to God. We can also perform works of mercy, such as humble service of the sick, the infirm, and the neglected. And we ought to seek appropriate relaxation of mind and body as well. The joy of the Lord’s Day is a great gift to refresh and strengthen us in our love of God and of neighbor (Nehemiah 8:10). Do you know the joy of the Lord and do you find rest and refreshment in celebrating the Lord’s Day?

 

 

“Lord Jesus, in your victory over sin and death on the cross and in your resurrection you give us the assurance of sharing in the eternal rest of heaven. Transform my heart with your love that I may freely serve my neighbor for his good and find joy and refreshment in the celebration of Sunday as the Lord’s Day.”

Suy niệm: Ý định của Thiên Chúa về giới răn giữ ngày Sabbath là gì? (Xh 20,8- Đnl 5,12). Các luật sĩ và người Pharisêu muốn rình bắt Đức Giêsu về việc vi phạm việc giữ luật ngày Sabbath, để có thể tố cáo Người vi phạm giới luật của Thiên Chúa. Qua vài lời sâu sắc, Luca kể lại rằng Đức Giêsu biết được ý nghĩ của họ. Lòng họ đầy phẩn nộ và coi thường Đức Giêsu bởi vì họ coi sự phán đoán của họ về sự đúng hay sai hơn cả Thiên Chúa. Họ bị mắc kẹt trong việc giữ luật một cách tuyệt đối bởi vì họ không hiểu hay không thấy được ý định của Thiên Chúa. Đức Giêsu vạch trần sự sai trái của họ bằng việc chỉ ra ý định của Thiên Chúa về ngày Sabbath: làm việc lành và cứu sống hơn là làm việc xấu hay tiêu diệt sự sống.

 

 

Năng lực chữa lành của Đức Kitô nâng đôi tay và lòng trí về trời

Đâu là ý nghĩa của việc Đức Giêsu chữa lành cho người bại liệt? Thánh Ambrose (337-397 AD), Giám mục thành Milan ở thế kỷ thứ 4, người có công trong việc đem Augustinô thành Hippo trở về đức tin Công giáo, giải thích phép lạ này như sau:

“Chúng ta nghe lời của Chúa nói ‘Hãy duỗi cánh tay ra.’ Đó chính là biện pháp thông thường và phổ biến. Các ngươi nghĩ rằng mình có cánh tay khỏe mạnh, hãy coi chừng vì e rằng nó sẽ bị bại liệt bởi tính tham lam hay bởi sự phạm thánh. Hãy duỗi tay ra thường xuyên. Đưa tay ra với người nghèo đang van xin ngươi. Đưa tay ra để giúp đỡ tha nhân, để bảo vệ người góa bụa, để ngăn cản tai họa mà các ngươi thấy ai đó chịu sự sỉ nhục bất công. Đưa tay ra để cầu nguyện với Chúa vì tội lỗi của mình. Cánh tay duỗi thẳng ra, thì nó sẽ được chữa lành. Jeroboam bị bại liệt vì ông ta dâng hiến nó cho các bụt thần; nhưng rồi nó duỗi thẳng ra khi ông ta khẩn cầu cùng Chúa” (1K 13,4-6).

Hãy đón nhận hồng ân nghỉ ngơi và phục hồi ngày Sabbat của Thiên Chúa

Tại sao các tín hữu mừng ngày Chúa Nhật như ngày của Chúa? Thưa điều quan trọng nhất là chúng ta mừng nó để tưởng nhớ công trình cứu chuộc của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô, và công trình tạo dựng được hoàn thành ngang qua cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô (2Cr 5,17). Hành động của Chúa là mẫu mực cho chúng ta. Nếu như Thiên Chúa “đã nghỉ ngơi và bồi dưỡng” vào ngày thứ bảy, thì chúng ta cũng phải “nghỉ ngơi” và để người khác, đặc biệt là những người nghèo “được bồi dưỡng” (Xh 31,17- 23,12). Việc “nghỉ ngày Sabbath” là một cách diễn tả lòng kính trọng đối với Thiên Chúa về tất cả những gì Người đã làm cho chúng ta. Tuy nhiên, “nghỉ ngơi” như thế không miễn trừ tình yêu của chúng ta dành cho tha nhân. Nếu chúng ta thật sự mến Chúa trên hết mọi sự, thì tình yêu Chúa cũng sẽ tuôn chảy sang tình yêu tha nhân. Thánh Augustinô thành Hippo (354-430 AD) nói rằng: “Đức ái chân thật tìm kiếm niềm vui thánh thiện, sự cần thiết của đức ái chấp nhận việc làm đúng đắn”.

Vậy làm thế nào chúng ta biến ngày Chúa Nhật thành một ngày thánh dành cho Chúa? Trước hết, tránh những công việc và hoạt động không cần thiết, có thể cản trở việc thờ phượng chúng ta dành cho Chúa. Chúng ta cũng có thể làm việc bác ái, chẳng hạn như khiêm tốn phục vụ người đau yếu, tàn tật, già lão. Và chúng ta cũng phải dành thời gian cho thân xác và tinh thần mình được nghỉ ngơi. Niềm vui trong ngày của Chúa là một hồng ân lớn để bồi dưỡng và tăng sức cho chúng ta trong tình mến Chúa yêu người. Bạn có biết niềm vui của Chúa và bạn có tìm sự nghỉ ngơi và bồi dưỡng trong việc mừng ngày của Chúa không?

Lạy Chúa Giêsu, trong sự chiến thắng của Chúa trên tội lỗi và sự chết trên thập giá, và trong sự phục sinh của Chúa, Chúa đã ban cho chúng con sự bảo đảm quyền thừa hưởng sự an nghỉ vĩnh viễn trên Thiên đàng. Xin biến đổi lòng con với tình yêu của Chúa, để con có thể tự do hoàn toàn phục vụ tha nhân cho lợi ích của họ, và tìm thấy niềm vui và nghỉ ngơi trong việc mừng kính ngày Chúa Nhật như là ngày của Chúa.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây