GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


[Bí tích thống hối hòa giải – Xưng tội tiến đức]: Nhập đề (số 1)

[Bí tích thống hối hòa giải – Xưng tội tiến đức]: Nhập đề (số 1)
Tỉnh Dòng Phanxicô Xaviê - Dòng Tên Việt Nam - 19 đường 5 - Kp.2 - P.Linh Trung - Thủ Đức - Tp.HCM, thần học, triết học, tâm lý, kinh thánh, cầu nguyện, các vấn đề của cuộc sống, linh đạo, nhóm mục vụ, mục vụ...

BÍ TÍCH THỐNG HỐI HÒA GIẢI

XƯNG TỘI TIẾN ĐỨC 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô xưng tội

(trình bày như một bức thư gửi đến người cháu tu sĩ, muốn hưởng nhờ lợi ích từ những lần xưng tội theo định kỳ).

Tác giả: Lm. Antôn Ngô Văn Vững, S.J.

Cháu Cecilia TT,

Có lần cháu đã xin bác giải thích về việc “xưng tội tiến đức”. Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên bác  được đề nghị trình bày chủ đề này. Trong các cộng đoàn tu sĩ, nhiều người thao thức muốn canh tân việc xưng tội thường xuyên, để nó không thành một bổn phận nặng nề buồn chán, nên ước ao hiểu biết nhiều hơn về cách xưng tội, gọi là “tiến đức”.        

Vì không có nhiều giờ, bác đã gửi cho cháu một bài suy niệm của Cha Karl Rahner, và giải thích vắn tắt vấn đề cho cháu. Nhưng bác có cảm tưởng là cháu không hiểu. Thực sự, bài suy niệm của Cha Rahner không dễ hiểu. Nó đòi hỏi phải có nền tảng thần học, và cũng phải biết một chút về Giáo luật. Nhưng cuối cùng phải công nhận: cách suy luận của cha Rahner, cả trong những vấn đề mục vụ, thường khó nắm bắt.

Bây giờ có dịp, bác nói dài hơn về xưng tội tiến đức. Tuy nhiên nếu nói cho hết, chắc phải dành cả một học kỳ (hay một năm), để xét lại toàn bộ vấn đề của nhiệm tích  thống hối hòa giải.

Nhập đề: canh tân tình yêu qua việc thống hối

Thay đổi danh xưng

Bí tích “thống hối hòa giải” là tên mới của điều trước kia gọi là “phép giải tội” hay đơn giản là việc “xưng tội”. Việc đổi tên cho thấy điểm nhấn của thần học sau công đồng: thay vì khía cạnh tòa án: (xưng thú tội lỗi, xét xử, tuyên án…) , thì hướng đến gặp gỡ, yêu thương, bằng cách sử dụng khái niệm “thống hối, hòa giải”, vốn có nền tảng Kinh Thánh và nêu bật khía cạnh khoan hồng, nhân hậu tha thứ của Thiên Chúa, Đấng kêu gọi sư hoán cải trở về của tội nhân trong Cựu Ước và hối nhân trong Tân Ước qua bí tích tha tội. Nghĩa là  phải trở lại với quan niệm chính xác của bí tích, là dấu chỉ của lòng thống hối bên trong, tìm đến lòng thương xót Chúa, để được tha thứ và chữa lành, qua việc xưng thú trước thừa tác viên cùa Hội Thánh.

Để tiện việc thâu nhận, nắm bắt, “vấn đề xưng tội tiến đức” được gởi đến cháu – và nhiều người khác vốn thắc mắc và muốn tìm hiểu vấn đề như cháu, – dưới dạng thức một bức thư. Nghĩa là như việc chia sẻ kinh nghiệm hơn là những giáo trình chính thức, vốn đặt nặng việc suy luận và luận chứng khoa học chặt chẽ, giải thích những nguyên tắc thần học và dựa trện những tín điều. Dĩ nhiên trong những điều liên quan đến đức tin, chúng ta phải trung thành với những giáo thuyết, những chân lý khách quan, hay những tín điều được định nghĩa  của quyền giáo huấn.

Bác viết về xưng tội, như một bức thư, nghĩa là phương thế chia sẻ những điều riêng tư và –có khi là thầm kín-  chỉ có một người nói, còn người nghe thì khuất mặt. Không có đối thoại như trong một lớp học, hay góp ý, sau một bài thuyết trình. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể trao đổi như trên internet, có thể thêm “comments” “like” hay “dislike”. Âu cũng là dịp để nói lên những điều thắc mắc, muốn được giải quyết nhưng không biết hỏi ai.

Vấn đề xưng tội còn được trình bày như một bức thư, vì nơi đây bác cũng bày tỏ cảm tưởng và quan niệm của riêng mình, -như một hối nhân và cũng là một thừa tác viên, -lâu năm tiếp xúc và đắm mình trong xưng tội và giải tội, chớ không phán dạy “ex cathedra” như kẻ có quyền. Thậm chí, bác chỉ gợi ý cho kẻ khác suy nghĩ chớ không bắt buộc người khác phải tin theo.

Tích lũy kinh nghiệm, nửa thế kỷ

Trải qua năm mươi (50) năm trong thừa tác vụ giải tội, được Hội Thánh trao ban, tôi luôn bâng khuâng, ưu tư về việc cử hành bí tích này ( không chỉ là giải tội cho kẻ khác, mà còn là việc đi xưng tội của chính mình) . Linh mục vừa cho lại vừa nhận. Làm sao nhận lãnh bí tích này theo ý nghĩa đích thực của một bí tích, vốn là việc gặp gỡ Chúa Giêsu ban ơn xá giải và tha thứ? Làm sao việc xưng tội giúp phát triển đời sống thiêng liêng, giúp lớn lên trong ân sủng, nhất là trong đời tu? Nhiều khi nó được thực hành như một bổn phận nặng nề, buồn nản. Trong các cộng đoàn tu trì, lắm khi người ta đi xưng tội cách chiếu lệ và máy móc, như một đòi buộc có tính hình thức.

Bởi thế, từ lâu (khoảng 50 năm) tôi đã thu thập,- ngoài sách giáo khoa-, nhiều tài liệu, sách vở lớn nhỏ, về chủ đề này, nhất là tìm hiểu nền tảng Kinh Thánh và lịch sử của Bí tích giải tội, để đào sâu ý nghĩa của sự thống hối, hòa giải. Tôi xác tín là các môn học trong trường chưa đủ để giúp tôi làm thừa tác viên bí tích cách tốt đẹp. Tôi phải cập nhật liên tục bằng kinh nghiệm “chiến trường” tức là từ chính việc cử hành phép giải tội, đồng thời với việc xưng tội của chính mình, để tăng trưởng trong đức tin và lòng mến. Nghĩa là chẳng những có thêm kiến thức mà còn phải trưởng thành về nhân bản cũng như về đời sống thiêng liêng, để trở thành thừa tác viên tốt, theo châm ngôn: ”Biết nhiều để yêu mến hơn”.

Khi làm thừa tác viên của bí tích thống hối hay là người hướng dẫn những cuộc tĩnh tâm theo Linh Thao (8-10 ngày hay 30 ngày), tôi chú trọng nhiều đến sự thống hối, hoán cải. Có thể nói tôi cảm nghiệm được kết quả bên trong của việc tĩnh tâm qua phẩm chất của việc xưng tội. Không phải là người ta xưng những tội phi thường, cho bằng cách xưng tội đơn sơ, trong sáng của một linh hồn được ân sủng chiếu soi. Khi một linh hồn đã “gặp Chúa” thì lòng dạ trở nên mềm mại, biết nhận ra tội của mình và hối lỗi trước mặt Thiên Chúa cách chân thành và khiêm hạ. Họ không còn cứng lòng, kiêu căng, huênh hoang, tự đắc, hay bảo vệ chính mình, quay về mình, không thể thoát ra khỏi con người vị kỷ, , . Họ không còn “lòng chai dạ đá” trước mọi hình thức ân sủng, chỉ muốn lên án và tố giác kẻ khác.

Khi một con người được ơn hoán cải thì họ  được biến đổi cách sâu xa từ bên trong, để trở nên khiêm nhường, chính trực, ngay thẳng thực sự (chớ không đóng kịch) trước Chúa và trước kẻ khác. Như thánh Augustinô gợi ý: “Dic Deo quod es” (hãy nói với Chúa điều bạn là). Họ trình bày tất cả con người cho Chúa và thành khẩn kêu lên Chúa: “lạy Chúa, xin thương con vì con là kẻ tội lỗi!”, và cũng không ngần ngại thú nhận tội lỗi trước thửa tác viên của Hội thánh, một con người được ủy nhiệm thay mặt Chúa ban lời xá giải cho một người đồng loại với mình.

Không có sự hoán cải sâu xa, mọi cuộc tĩnh tâm có thể là thời gian ngưng lại, cắt đứt với mọi sinh hoạt thường ngày, thay đổi môi trường để nghỉ ngơi, đổi khí, du lịch, hoặc là dịp  học hỏi, hội thảo mục vụ, thường huấn, hay bồi dưỡng nghiệp vụ…, chớ không phải là thời gian ân sủng, cứu độ và hòa giải như thánh Phaolô kêu gọi (2 Cr 5,20), và như Hội Thánh mong chờ. Tĩnh tâm mà không đụng đến trung tâm cốt lõi của nó, là sự hoán cải tâm hồn (metanoia) và quay về với Chúa qua dấu chỉ (bí tich) thống hối, thì cũng không đem đến ân sủng và tăng trưởng nào trong đời sống thiêng liêng mà hậu quả thấy được là một sự biến đổi, nếu không biến đổi tận căn thì cũng là một sự biến đổi giới hạn. Cùng lắm là có thêm một mớ kiến thức… Nhưng cũng có những trường hợp tĩnh tâm vì bổn phận, mà cách tiên thiên, người ta không muốn hoán cải và tỏ ra đặc biệt “dị ứng” với những chủ đề kêu gọi hoán cải. Bởi lẽ, hoán cải giả thiết phải đặt lại vấn đề bản thân cách toàn diện, phải giải quyết những xung đột nội tâm, phải quay về với Thiên Chúa. Mà càng xa Chúa thì càng khó quay về, điều này làm cho nhiều người phải mệt nhọc, phải căng thẳng. Người ta chỉ muốn nghe những lời nói vui tai, vô thưởng vô phạt, để khỏi phải nhìn sâu vào nội tâm bất ổn của mình. Dầu vậy, khi suy niệm Lời Chúa trong Tin mừng, chúng ta không thể không thấy lời kêu gọi khẩn thiết của Chúa Giêsu: “Hãy hoán cải, ăn năn, thống hối” (Mc 1,14).

 

“Xưng tội tiến đức”

Trong môn luân lý kinh điển, không thấy nói đến vấn đề “xưng tội tiến đức”này. Có thể người ta bàn đến việc xưng tội tiến đức trong lãnh vực tu đức và đời sống thiêng liêng, vả lại trong xưng tội tiến đức người ta chú ý nhiều đến khía cạnh thực hành hơn lý thuyết. Nhưng chúng ta không tránh nói đến Tín lý, Luân lý, Mục vụ hay đời sống thiêng liêng. Dù sao xưng tội tiến đức cũng bổ túc cho môn thần học Bí tích (cách riêng Bí tich Thống Hối và Hòa giải), giúp thăng tiến công việc của ân sủng trong linh hồn và sự toàn thiện của đức ái trong đời sống tín hữu..

Vấn đề “xưng tội tiến đức” sẽ được sáng tỏ khi mọi nguời biết xưng tội là gì và biết đáp ứng những đòi hỏi để việc lãnh nhận bí tich thống hối hòa giải thêm ý nghĩa và gia tăng ân sủng nơi hối nhân. Tức là, nơi đây bí tích không trực tiếp nhắm đến vấn đề tha tội trọng, vì ta giả thiết hối nhân, – cách riêng những tu sĩ và người đi tĩnh tâm, – không có tội trọng, mà chỉ muốn gia tăng đức tin, cậy, mến và tìm cách sống theo ý muốn Thiên Chúa, qua mỗi lần xưng tội (nhẹ).

Chúng ta sẽ nói đến việc xưng tội cách chung, vì theo sự thường, ai biết xưng tội cách chung thì cũng biết xưng tội “tiến đức`”. Ai biết xưng tội  trọng theo luật Hội thánh thì chắc chắn cũng biết xưng tội nhẹ. Luật Hội Thánh buộc phải xưng các tội trọng, nhưng cũng khuyên nên xưng các tội nhẹ. Chính khi bàn đến lợi ích của việc xưng tội nhẹ và việc xưng tội thường xuyên, mà chúng ta sẽ đụng chạm đến lãnh vực của “xưng tội tiến đức”.

Tôi đã sống bí tích thống hối như thế nào?

Trước khi vào đề, xin người đọc biết cho rằng lãnh vục bí tích thống hối hòa giải hiện nay – cũng như mọi thời- thật mênh mông, để không nói là khó khăn phức tạp. Người ta còn nói đến khủng hoảng của bí tích giải tội. Xưng tội là khó, khó đối với hối nhân (người đi xưng tội), cũng như đối với thừa tác viên (linh mục giải tôi}. Dorothy Day (1897-1980) , một người  phụ nữ Mỹ hoạt động xã hội phái tả , trở lại công giáo, được ĐHY Timothy M. Dolan, TGM New York, gọi là “vị thánh của thời đại chúng ta“ có viết trong Tự Truyện: “Đi xưng tội thật là khó nhọc- khó nhọc khi bạn có tội để xưng, khó nhọc khi bạn không có tội” (Dorothy Day, The Long Loneliness: The Autobiography of the Legendary Catholic Social Activist, 7}. Bà có giọng văn hài hước, bình dân như Chesterton, một văn sĩ Anh, trở lại công giáo. Bà viết tiếp: “Tôi đã phạm tội. đây là tội của tôi”. Đó là tất cả điều mà bạn giả thiết phải xưng; không phải tội kẻ khác, hay nhân đức của riêng bạn, nhưng chỉ có tội lỗi xấu xí, buồn nản, xám xịt, độc điệu của bạn” (Dorothy Day, The long loneliness, 8). Bà hiểu những đòi hỏi chính đáng của phép giải tội và đi thẳng vào vấn đề chính yếu, không đi loanh quanh như bao kẻ đến tòa giải tội để biện minh hay để tố cáo kẻ khác.

Hình thức bên ngoài của bí tich thống hối thay đổi nhiều, từ thời đầu của Hôị thánh cho đến bây giờ, cả khi có một cấu trúc cố định. Đó là dấu chỉ Hội Thánh tìm cách thích nghi và đáp ứng nhu cầu của thời đại, trong mức độ có thể, vì lợi ích cho con cái và sự cứu rỗi các linh hồn. Nhưng sự thay đổi cũng cho ta cảm tưởng dò dẫm trong việc thành hình bí tich, mặc dầu không ai phủ nhận sự cần thiết cùa việc tha tội.

“Xưng tội” liên quan đến lương tâm con người

Nói về việc xưng tội là một vấn đề tế nhị, vì cuối cùng nó đụng chạm đến lương tâm của con người. Bởi đó, để tránh những thành kiến và tranh luận không cần thiết, thay vì bày tỏ ý kiến của riêng mình, chúng ta sẽ trưng dẫn một số nhận xét về cách xưng tội trong Hội Thánh. Đưa ra một vài chứng từ của những người có thế giá sẽ giúp chúng ta thấy được những nhược điểm của thực hành bí tích thống hối, với hy vọng chúng ta sẽ yêu mến và sử dụng bí tích cách hứng thú và hữu hiệu.

Khi nói cách chung về khủng hoảng của phép giải tội thì ai cũng đồng ý, nhưng khi nói với một người là việc xưng tội của người đó không tốt thì họ sẽ  phản ứng, vì tự ái (nhất là những người nhà tu vốn cho mình biết hết mọi sự!). Nhưng để cho họ tiếp tục xưng tội theo cách thức của họ, thi chính cha giải tội thêm bối rối trong lương tâm, vì xem ra đồng lõa với điều không tốt, bởi  biết việc xưng tội không đạt, nhưng cha không dám nói, vì sợ mất lòng, và như vây phải chăng là đã không làm trọn bổn phận mình?

Có nhiều lần cha giải tội góp ý với hối nhân về cách xưng tội của họ, thì họ phản ứng : “Tại sao các cha khác không nói mà cha nói?” Cha trả lời: “Không biết tại sao các cha khác không nói, nhưng tôi thấy không đúng thì tôi nói!”

Cha Edward Leen, tác giả của sách nổi tiếng: Progress through Mental Prayer (1935) nói rằng có nhiều tu sĩ ở trong Dòng 20, 30 năm nhưng khi so sánh với một tập sinh thì chắc thua tập sinh về phương diện quảng đại nhiệt thành. Có nhiều nguyên nhân giải thích sự kiện này, nhưng một trong những nguyên nhân khiến cho sự trưởng thành thiêng liêng không được phát triển đó là sự khiếm khuyết lơ là trong cách xưng tội.

Hình ảnh quy ước về chính mình

“Bí tích thống hối là công việc của riêng mình. Chịu lễ có thể là “vô danh”. Có thể xưng tội mà không cho cha giải tội biết về mình – một sự hiểu biết bên ngoài,- nhưng không thể không cho biết điều gì đó về linh hồn, về đời sống, về tội lỗi của mình. Bí tích giải tội là bí tích thâm sâu nhất về cách phương diện diễn tả chính minh” (ĐGM Renard, giám mục Versailles, Vie spirituelle de la religieuse aujourd’hui, DDB,1960, p.70)

Thường khi, trong tòa giải tội (đi xưng tội) người ta có xu hướng trình bày một bộ mặt quy ước về chính mình  tức là theo mẫu chung chung cho mọi người, không phải của riêng mình. Cái mẫu ta đã học khi chịu lễ lần đầu, hay được giới thiệu trong sách kinh mà ta đọc từ khi có trí khôn. Người ta không bày tỏ tình trạng thực sự của linh hồn mình. Có thể vì người ta không biết rõ về mình. Nhưng cũng lắm khi, vì sĩ diện, người ta còn tô vẽ tội của mình cho thêm thẩm mỹ, cho dễ coi; hay vì tự ái, người ta che đậy lỗi phạm của mình bằng những phương thế tinh vi, không thích hợp với những người muốn lên núi Chúa (Tv 23,3-4). Nhưng tốt hơn, nếu muốn “tiến đức”, hối nhân cố gắng xuất hiện dưới diện mạo thực sự của mình. Trình bày nội tâm mình cách trung thực sau khi đã xét mình cẩn thận dưới ánh sáng Lời Chúa, và được soi dẫn bởi Chúa Thánh Thần, phải chăng đó là đòi hỏi tối thiểu của việc xưng tội tiến đức? Nếu chúng ta không giữ được sự tinh tuyền của phép Rửa, thì Thiên Chúa vẫn có cách thanh luyện chúng ta. Nhờ bí tich thống hối, người tội lỗi được ơn hòa giải với Chúa và Hội thánh, được làm con Chúa và hiệp thông với Hội thánh trong cộng dồng Thánh Thể. Nhờ bí tích thống hối, người công chính càng trở nên lành thánh, đươc tăng trưởng trong đức ái, trở nên con dấu ái của Thiên Chúa trong Đức Kitô, làm sáng danh Chúa bằng đời sống thánh thiện và xây dựng Hội Thánh Chúa trên trần gian.

Bí tích thống hối: nơi gặp gỡ Chúa Kitô hay nơi dối gạt lương tâm?

“Phạm tội để xưng tội và phạm tội mà không ăn năn thống hối là một sự lừa dối lương tâm, trong yếu tính là một sự phạm thánh.” (Cha thánh Piô Pietrelcina)

Giữ lương tâm trong sáng, bằng cách nhờ bí tích thống hối tẩy luyện linh hồn khỏi mọi vết nhơ cố tình hay vô ý, là một phương thế tuyệt hảo để bảo vệ ân sủng và sống đẹp lòng Chúa trên trần gian. Đó là phương thế Chúa ban để con cái loài người luôn sống trong tình trạng ân sủng. Tình thương Chúa thắng vượt mọi bất trung của con người. Thiên Chúa luôn đi bước trước để đến với chúng ta và để ban ơn tha thứ, với điều kiện là ta biết quay về và ăn năn thống hối.

Chesterton, (mà trong đoạn sau, chúng ta sẽ bàn đến) thích trich dẫn một tư tưởng của Đấng đáng kính Anne Catherine Emmerich, một tư tưởng có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề xưng tội cách thích hợp và hữu ích nhất : “Ma quỉ đánh cắp sự hổ thẹn khỏi tôi khi nó thuyết phục tôi rằng tội của tôi là đáng vui thích. Bây giờ, tôi không cho phép nó trả lại sự hổ thẹn cho tôi khi tôi chuẩn bị gặp Đấng Cứu độ tôi trong bí tich giải tội.” Tức là tôi không hổ thẹn khi phạm tội nhưng lại hổ thẹn khi xưng tội. Hay nói cách khác, có một số tội (nhất là tội điều răn thứ sáu) rất dễ phạm nhưng rất khó xưng. Khi nói đến việc xưng tội như công việc của ân sủng, thì cũng phải nhắc đến sự quấy phá của ma quỷ, vốn thù ghét những người đi theo Chúa, nên tìm đủ mọi cách để ngăn cản và phá hoại tương quan tốt đẹp giữa Thiên Chúa và con người. Quỷ đặc biệt oán ghét một việc xưng tội với phẩm chất trong sáng, nhờ đó một linh hồn tiếp tục sống hay lớn lên trong ơn nghĩa Chúa.

“Các Tổ phụ trong đời tu khẳng đinh rằng hãy coi đây là một dấu phổ cập và rõ ràng của một tư tưởng do ma quỷ, khi ta hổ thẹn bày tỏ cho vị trưởng lão”” (CASSIEN, Institutions cénobitiques, livre IV, n. 9).

Nghĩa là khi ta ngại ngùng, hổ thẹn, không dám tiết lộ điều gì cho người trưởng lão (linh sư) thì phải coi đó là mưu chước rõ ràng và phổ cập của ma qủy. Ma quỷ luôn lừa dối và phỉnh phờ. Nếu chúng ta xác tin về điều này và theo nguyên tắc hành động của thánh Inhaxiô trong Linh Thao: “hành động ngược lại” (agere contra), thì phải lấy hết can đảm bày tỏ trước tiên điều làm ta xấu hổ nhất, và kế đến trình bày tâm hồn cách đơn sơ, không giấu diếm -cho cha giải tội- mỗi lần đi xưng tội. Như vậy, mọi sự sẽ dễ dàng (đầu xuôi đuôi lọt) và ta sẽ có lương tâm trong sáng. Chỉ có bước đầu tiên là khó khăn. Nếu lấy đức tin và lòng khiêm tốn mà thú tội với thừa tác viên Hội thánh, như với Chúa Giêsu, thì bí tích sẽ đem lại cho ta ơn bình an, thanh thoát và nơi tâm hồn được thanh luyện sẽ có Chúa Thánh Thần cư ngụ (Gl 5, 22-25). Và đó là cốt yếu của việc xưng tội tiến đức, bất cứ dưới hình thức nào và xưng tội gì..

Đây cũng phải là thái độ của chúng ta, khi với lòng tin, chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu trong thừa tác viên. Trước Chúa Giêsu Kitô là Đấng cứu chuộc và tha tội chúng ta, chúng ta phải thành thực và khiêm tốn. Chúa còn là Đấng từ bi nhân hậu, Người biết sự yếu đuối của chúng ta và luôn sẵn sàng tha thứ. Nhưng Người chỉ có thể cứu chúng ta nếu chúng ta biết nhận mình là tội nhân và xin Người cứu chữa.  

Vì chúng ta có tự do để phạm tội thì cũng có tự do để thú tội. Chúa sẽ tha thứ và đem lại ân sủng cho chúng ta, khi chúng ta thành tâm xưng thú sự bất lực tận căn của mình để tự giải cứu mình khỏi tội. Như người thu thuế, chúng ta kêu lên: “Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Phúc âm cho thấy, với lòng khiêm tốn ăn năn, người thu thuế ra về “và được nên công chính” (Lc 18,14).

Nhà tư tưởng Pascal nói: “Chỉ có hai hạng người: người công chính, tưởng mình là tội nhân và người tội lỗi, tưởng mình là công chính” (Tư tưởng, số 534). Những người xưng tội thường xuyên nhiều khi có ảo tưởng về tình trạng tội lỗi của mình hay, đúng hơn, về sự công chính  của mình: “tội ở đâu mà xưng?”, rồi cứ lặp đi lặp lại điệp khúc độc điệu buồn tẻ về các tội lo ra, chia trí, thiếu bác ái…! Những  điều vô thưởng vô phạt!

Nếu không chỉ lười biếng nhắc đi nhắc lại những tội quá quen thuộc đến độ vô nghĩa, ta cố gắng đào sâu một chút dưới cái lớp vỏ công chính, ta sẽ thấy những điều quan trọng vốn ngăn cản chúng ta sống trung thưc trước mặt Chúa và bởi thế, chúng ta không thân thiện với Chúa, không là những bạn hữu mà Chúa mong ước, cũng không là người biết thông cảm với tha nhân. Nếu chúng ta khám phá ra nguồn gốc của những nguội lạnh, những bất trung lớn nhỏ trong con người mình và quyết tâm sửa đổi thì dần dà chúng ta sẽ trở nên những môn đệ Chúa Kitô, những con cái đích thực của Thiên Chúa.

Mỗi khi xét mình xưng tội, chúng ta có rơi vào tình trạng của những  biệt phái,”lừa lọc từ con ruồi con muỗi, nhưng lại nuốt trộng con “camelo”, tức con lạc đà?” (Mt 23,24).

Xưng tội tiến đức là xin ơn Chúa Thánh Thần để thấy con lạc đà đang phá hoại lương tâm chúng ta và cả cuộc đời cúng ta, mà ta chẳng biết, bởi lẽ sự công chính biệt phái giam hãm chúng ta trong tình trạng mù lòa nội tâm. Chúng ta bị chi phối quá nhiều bởi những tiếng vo ve của con ruồi con muỗi, mà trở nên vô cảm trước tiếng gầm thét của sư tử hùm beo trong tâm hồn mình

 “Xưng tội tiến đức”  là cách chúng ta thực hành đức tin:  thấy Chúa trong thừa tác viên, nhưng chúng ta còn phải khiêm tốn đến thú nhận tội lỗi,- tội trọng và cả tội nhẹ, -trước thừa tác viên nhân loại, để. nhờ lời xá giải của thừa tác viên, Chúa Giêsu “công chính hóa” chúng ta. Mặc dâu chúng ta lấy đức tin để thấy Chúa Giêsu trong thừa tác viên, nhưng trong thực tế thừa tác viên vẫn là con người với những đức tinh và khuyết điểm rõ rệt. Như vậy, nếu không khiêm tốn, ta sẽ chẳng nói sự thật, trước một người ta không tin tưởng. Có lẽ điều khó nhất trong việc xưng tội, -nhất  là tội trọng – là  phải nói tất cả với một con người, cách chính xác, bao gồm những chi tiết và hoàn cảnh cụ thể, dầu con người ấy được Giáo hội sai đi nhân danh Chúa Kitô. Đặc biệt khó khăn, khi người (thừa tác viên) ấy thua kém ta về địa vị, tuổi tác, kiến thức hay kinh nghiệm. Vậy, điều kiện tiên quyết phải có trong “xưng tội tiến đức” là đức tin và khiêm tốn siêu nhiên.

“Xưng tội tiến đức” là cách mà chúng ta xin Chúa Giêsu luôn ở trong ta, để biến đổi ta nên giống bản tính thánh thiện của Ngườ. Chúng ta chỉ có thể là môn đệ đích thực của Người khi sống và lớn lên trong đức ái. Sống đức ái là luôn ở lại trong Chúa Kitô và để Người hành động trong ta bằng quyền năng Thánh Thần, vì “ngoài Ta, các con không làm gì được” (Ga 15,5).

Xưng tội (Tiến đức ) giả thiết Xưng tội thường xuyên

Theo Rahner, giữa những thực hành khổ chế đủ loại của đời sống Kitô, việc xưng tội tiến đức có giá trị, về ba phương diện:

1)       Được hướng dẫn tâm linh (linh hướng)

2)       Được tha tội

3)       Được thêm ân sủng.

Mỗi người được hoàn toàn tự do xưng tội theo thời khắc thuận tiện cho mình, tuy nhiên Hội thánh đã ấn định mọi tín hữu, khi đã đến tuổi khôn, phải xưng tất cả tội trọng của mình, ít nhất một lần trong năm (GLHTCG, 1457). Huấn lệnh này chỉ nêu lên một tối thiểu cần thiết. Tuy nhiên, nếu ta muốn có một đời sống Kitô nghiêm chỉnh và tiến triển trên con đường thánh thiện, – nói theo công đồng là thăng tiến trên sự toàn thiện của đức ái, – thì cần thiết phải lưu ý đến việc xưng tội thường xuyên. “Nhờ việc nhận lãnh bí tích này thường xuyên hơn, chúng ta đón nhận tặng phẩm của lòng nhân hậu của Cha, chúng ta được thúc đẩy để trở nên nhân hậu như Cha” (ibid. 1458).

 Xưng tội thường xuyên, có thể coi như một dấu bên ngoài của lòng đạo đức. Nhưng còn phải chú ý đến nội dung hay phẩm chất của việc xưng tội này, như đã nói ở trên. Cách chung chỉ khi xưng tội với lòng thống hối và yêu mến thì mới được gọi là “xưng tội tiến đức”, “vốn duy trì sự sáng suốt về tình trạng tội lỗi và sự tin tưởng vào lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa” (Sách Giáo Lý các Giám mục Pháp, 439), theo nhịp độ hằng tháng, nửa tháng hoặc hằng tuần. “Thái độ thiêng liêng hối tiếc, ăn năn, thống hối làm nên một trong những sắc thái của ân sủng bí tích. Sự biến đổi nội tâm gắn liền với ân sủng, giải thich tại sao một tín hữu có thể ước ao thường xuyên lãnh nhận bí tích này” (ibid., 436).

Việc xưng tội thưòng xuyên “giúp đào luyện lương tâm chúng ta, chiến đấu chống lại các xu hướng xấu, để cho Chúa Kitô chữa lành chúng ta, để được tiến bộ trong đời sống Thánh Linh” (GLHTCG, 1456). Hơn nữa, nhờ việc xưng tội thường xuyên, hối nhân có thể được hướng dẫn về đường thiêng liêng hay linh hướng, một việc đồng hành thiêng liêng hữu hiệu vì được thực hiện trong ân sủng. Điều này giả thiết người ta xưng tội với một linh mục biết rõ tình trạng tâm hồn mình và thực sự có khả năng giúp đỡ ta trên con đường tìm kiếm sự thánh thiện.

Nhỗ cỏ tận gốc

Xưng tội tiến đức chẳng phải là thường xuyên đi vào nội tâm nhưng cách hời hợt, chiếu lệ, chỉ phơn phớt đụng chạm đến lớp vỏ bên ngoài của tội. Chỉ có xưng tội tiến đức khi tội nhân quyết tâm tìm đến và giải quyết tận căn nguyên cội rễ của tội, dù là tội nhẹ và của các tinh hư nết xấu. Để lấy một hình ảnh đơn sơ mà mọi người điều biết. Khi ta muốn làm sạch cỏ dại trong vườn, ta có thể cắt sạch ngọn, và ta có một thửa vườn đẹp mắt trong một thời gian, nhưng rồi mọi sự sẻ trở lại như cũ. Nếu chúng ta muốn làm sạch cỏ, thì phải nhỗ bỏ tận rễ, lúc đó ta có thể trồng hoa mầu mà không bị cỏ hoang lấn chỗ. Cũng thế, xưng tội tiến đức là cách nhỗ tận gốc rễ những khuyết điểm và tính hư nết xấu trong linh hồn ta, để mầm mống ân sủng được lớn lên mà không gặp trở ngại.Nói cách khác, xưng tội tiến đức là một phương thức đào luyện và thanh luyện lương tâm theo gương các tổ phụ ẩn sĩ trong sa mạc. Cassien, trong những bài Thuyết trình (conferences) có ghi lại giáo huấn của Tổ phụ Moise, về mục đích của đời tu là vào Nước Thiên Chúa  và phương tiện để đạt mục đích là sự trong sạch của tâm hồn. Cũng thế, xưng tội tiến đức, xét trong nguồn gốc của nó, là phương thế để các đan sĩ bày tỏ lương tâm và đạt được sự trong sạch của tâm hồn, vốn được gồm tóm trong lời khấn hoán cải nội tâm (conversio morum).

Nếu truy tầm nguồn gốc của xưng tội tiến đức trong đời sống đan viện vào thời Trung Cổ, ta thấy mọi hoạt động chính yếu đều đến từ lương tâm (conscientia) và quy về lương tâm. Tẩy luyện lương tâm đễ tâm hồn xứng đáng là nơi cư ngụ của Chúa Thánh Thần và của Ba Ngôi Thiên Chúa. Trước nhất là xét mình, mà tiếng chuyên môn là “tra vấn lương tâm” (examen conscientiae); kế đến là “bày tỏ lương tâm”, (manifestatio conscientiae), cho cha giải tội hay người hướng dẫn lương tâm (director conscientiae). Vào thời Trung Cổ, đời sống thiêng liêng là lãnh vực của lương tâm. Việc linh hướng là hướng dẫn lương tâm. Người ta không dùng những từ hoa mỹ để nói về việc đào luyện linh hồn. Cách nói có vẻ mộc mạc, nhưng thực tế làm cho người ta hiểu đựợc vấn đề là phải được hướng dẫn để có được tâm hồn tinh tuyền trong sạch. Nghĩa là trong lòng không có chút bợn nhơ. Ở đây không chỉ là loại trừ những tư tưởng xấu liên quan đến dục tình hay giới tính mà cả những sự gian dối, lừa đảo, hận thù, ghen ghét (x. Gal 5,19-20) để Chúa Thánh Th+ần cư ngụ trong tâm hồn. Và lúc đó trong tâm hồn chỉ có lòng yêu mến Chúa và thương yêu đồng loại, vốn là hoa trái của Thánh Thần (x. Gal 5,23-25). Trong đời sống con người, cách riêng trong đời sống thiêng liêng, dẫu chúng ta cố gắng đến đâu, mà không có sự trợ lực của Chúa Thánh Thần thì mọi sự đều ra vô ích: “Sine tuo numine, nihil est in homine.” 

Những người xưng tội tiến đức không chỉ sợ tội trọng, mà cũng tìm cách loại bỏ tội nhẹ, vì tội nhẹ có thể là dấu hiệu của những  tội trọng tiềm ẩn. Họ xét mình cẩn thận, nhưng cũng còn nhờ vị linh hướng khách quan giúp họ thấy những mầm mống tội trong đời sống. Nhờ nỗ lực bản thân và ơn Chúa trợ giúp, người xưng tội tiến đức mau mắn được hòa giải với Thiên Chúa và với tha nhân trong cộng đồng Hội thánh.

Trên con đường thanh luyện lương tâm, đúng theo tinh thần Luật Chúa và luật Hội thánh, người xưng tội tiến đức cảm thấy an vui vì được Chúa chúc phúc: “Phúc thay người Chúa không hạch tội và lòng trí chẳng chút gian tà” (Tv 31(32),2).

Theo ngôn ngữ của  Kinh Thánh, họ được coi như đạt đến lý tưởng của người công chính, xứng đáng được cư ngụ trong nhà Chúa: “Đó là kẻ tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, chẳng thề gian thề dối” (Tv 23(24), 5).   

Xưng tội tiến đức tùy thuộc cách trực tiếp vào định thái của người xưng tội, nhưng cách gián tiếp cũng tùy thuộc người giải tội. Vì lý do đức tin, hối nhân sẵn sàng đến tòa giải tội với bất cứ linh mục nào, vì linh mục nào cũng nhân danh Chúa và Hội thánh, ban lời xá giải, tha tội. Thì cũng trong nhãn giới đức tin, thừa tác viên nên khiêm tốn thực hiện nhiệm vụ được ủy thác trong lòng Hội thánh.

Thừa tác viên bí tích

Bởi đó, xưng tội thường xuyên cũng là thể hiện những đức tính cao quý của  trưởng thành nhân bản: tin tưởng, tín nhiệm, giữa các hối nhân và những thửa tác viên bí tích. Các thừa tác viên đã trải qua thời gian học tập và thử nghiệm trong những lãnh vực luân lý (đặc biệt giải tội) và chỉ được giải tội sau khi hội đủ điều kiện Hội Thánh quy định (x.GL đ. 970). Tuy nhiên không  phải bất cứ ai, khi chịu chức linh mục thì ipso facto được quyền giải tội, nhưng phải được giáo quyền xét là có khả năng. Người đi xưng tội thể hiện lòng tin nơi Hội thánh và thừa tác viên, nhưng khi xin một người làm linh hướng thì phải cân nhắc những đức tính siêu nhiên và tự nhiên của người ấy, cách đặc biệt là sự khôn ngoan, như ân huệ Thánh Thần.

Thừa tác viên thay mặt Chúa và nhân danh Hội thánh để tha tội, một việc thánh thiện dường ấy nhắc nhở các ngài sống trong sạch và thánh thiện.. “Assueta vilescunt” (ngạn ngữ latin được gán cho thánh Augustinô). Thói quen nghe tội cũng có nguy cơ của nó về phương diện nhân loại. Cũng như bác sĩ cần miễn nhiễm để giúp bệnh nhân bị bệnh truyền nhiễm, hoặc hình ảnh “sen giữa bùn” nói lên cái trong sạch của người quân tử giữa cõi đời ô trọc, thì cái “tâm” trong trắng để lan báo lời Chúa và đem Chúa đến cho người khác là lý tưởng của thừa tác viên. Không phải làm linh mục hay có quyền giải tội là có sự trong sạch của đức độ, nhưng phải cầu nguyện và hy sinh nhiểu. Thật tốt đẹp khi thấy linh mục quỳ gối cầu nguyện trước khi và sau khi giải tội. Để thắng tội, linh mục luôn cần nhờ ơn Chúa. Thuở xưa, cha giải tội là thẩm phán. Sau công đồng Vaticano II, Hội thánh mong đợi thừa tác viên có sự tiếp đón của mục  tử  và  thầy thuốc nếu chẳng phải là tâm tình của  người cha mong đợi đứa con trở về (x. Lc 15,11-32 ). Tất cả những nhiệm vụ đó cho thấy sự cần thiết của cầu nguyện và ân sủng nơi thừa tác viên bí tích hòa giải và thống hối.

Chắc không cần phải nhắc lại tính cách nghiêm trọng của việc giải tội, đến độ có những chế tài giáo luật (x. Ấn tích giải tội,  đ.983,§ 1-2. Tội dụ dỗ hối nhân phạm điều răn thứ sáu, đ. 1387. Giải tôi nghịch giớ răn thứ sáu cho đồng phạm, đ.977 và 1378). Dầu vậy, cũng có những vị thánh nổi tiếng về giải tội, như Thánh Gioan Nepomuk (1340 – 1393), thánh Gioan-Maria Vianney (1786 -1859) và thánh Pio Pietrelcina O.F.M. Cap 1887-1968).

(còn tiếp)

Nguồn tin: dongten.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây