GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Dòng Phúc Âm Sự Sống 5 Nữ Tu Vĩnh Khấn 

Sáng ngày 11-6-2014, tại Nhà Thờ Cà Tang, Ðức cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết chủ sự Thánh Lễ Khấn Trọn Đời cho 5 Nữ Tu thuộc Hội Dòng Phúc Âm Sự Sống.
Dòng Phúc Âm Sự Sống 5 Nữ Tu Vĩnh Khấn 
Dòng Phúc Âm Sự Sống
5 Nữ Tu Vĩnh Khấn .
 
Sáng ngày 11-6-2014, tại Nhà Thờ Cà Tang, Ðức cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết chủ sự Thánh Lễ Khấn Trọn Đời cho 5 Nữ Tu thuộc Hội Dòng Phúc Âm Sự Sống.

Cùng đồng tế có quý cha Hạt Trưởng Hạt Hàm Thuận Nam, cha Giám Đốc Chủng Viện Nicôla và 24 cha trong và ngoài giáo phận. Quý nam nữ tu sĩ, đông đảo ân nhân thân nhân của các tân Khấn sinh và cộng đoàn dân Chúa Giáo xứ Cà Tang chung lời tạ ơn.

xem hinh

Đức Cha Giuse giảng lễ, suy niệm Tin Mừng Ga 17,13-26

Thánh lễ khấn dòng hôm nay là một niềm vui lớn. Niềm vui này được nhận diện qua quang cảnh của buổi lễ và mọi người tham dự, từ quý ông bà anh chị em, quý nữ tu, linh mục và chúng tôi. Trước khi bước vào Thánh lễ, thoáng nghe mấy Linh mục truyện vãn, tôi cũng cảm nhận được niềm vui này. Trong bài Phúc Âm hôm nay, khi trò truyện với các môn đệ vào lúc nhạy cảm “sắp rời bỏ thế gian mà về cùng Cha”, Chúa Giêsu cũng đã bộc lộ niềm vui, để thông qua đó ta hiểu được niềm vui đích thực của đời dâng hiến.

1.     Được trở nên bạn hữu với Chúa Giêsu

Những người theo Chúa Giêsu trên đường rao giảng Tin Mừng ban đầu được sách Phúc Âm gọi là “môn đệ” và tình cảm Chúa Giêsu dành cho họ không là gì khác hơn tình thầy trò; nhưng khi cận kề đường thương khó, Người đã ưu ái nâng họ lên hàng “bạn hữu” để cùng người chia sẻ ngọt bùi. Qua trình tự nâng cấp này, môn đệ ý thức rõ mình được tuyển chọn để hoàn toàn gắn bó với Đấng mình tin theo, cũng là Đấng thánh hiến mình trong tình yêu cứu độ. Đây không hề là công lênh cá nhân, mà là do hồng ân Chúa. Đâu phải vì thiện chí bền bỉ hay khả năng trổi vượt mà người ta được thánh hiến làm nữ tu. Những yếu tố thuộc về tiểu sử cá nhân nếu tích cực chỉ là tạo thêm điều kiện thuận lợi thôi, còn ơn gọi đời thánh hiến là do tình thương của Chúa.
“Không phải các con chọn Thầy, mà chính Thầy đã chọn các con”. Được thánh hiến, nữ tu sống “tình bạn” gắn bó với Chúa Kitô mỗi ngày một hơn.
 
2.     Được gắn kết với lễ tế cứu độ

Không phải vô tình câu mở đầu bài Phúc Âm lại nhắc tới “giờ” cứu độ của Chúa Giêsu, mà có dụng ý, vừa diễn tả vận mệnh Đấng Cứu Thế, vừa nhắc tới vận mạng của những ai dấn bước đi theo Người. Trong ba năm công khai rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã xa gần vén tỏ cho thấy “giờ” và “vinh quang” của Người. Như tại tiệc cưới Cana, khi trả lời Đức Mẹ trước thông tin “hết rượu” bằng câu “việc đó can chi đến bà và tôi, giờ tôi chưa đến”, Chúa Giêsu đã biến nước lã thành rượu ngon “để bày tỏ vinh quang của Người”. Các nhà chuyên môn cho biết chữ “giờ” và chữ “vinh quang” trong Phúc Âm thứ tư thường xuất hiện bên nhau như “cặp đôi hoàn hảo” và có một nghĩa đặc biệt, vừa ám chỉ thời khắc công cuộc vượt qua từ tử nạn đến phục sinh, vừa mở ra nhãn giới mới trong đó vinh quang Thiên Chúa được mọi người nhận biết kính tin.
Được nhìn như “bạn hữu” của Chúa Giêsu, môn đệ năm xưa và nữ tu hôm nay cũng ghi tâm khắc cốt: vận mạng đời tu gắn liền với “giờ” và “vinh quang” của Chúa Kitô, để càng biết kết hợp lẽ thành bại đời mình với “giờ” của Đức Kitô bao nhiêu, càng có cơ hội làm cho “vinh quang” Người được tỏa sáng trong tâm hồn mình và trước mặt cộng đoàn bấy nhiêu.
 
3.     Được sai đi và đem lại hoa trái.

Thật đẹp khi bài Phúc Âm vẽ lên quỹ đạo tình yêu: đã nhận được hồng ân thì cùng lúc phải biết gieo rắc hồng ân qua tác vụ đời mình. Người nhận về rốt cuộc trở thành người cho đi, và như thế làm nên vòng quay phong phú của niềm vui. Điều này đúng như mọi Kitô hữu, càng đúng hơn cho nữ tu vốn được coi như thuộc về Chúa Kitô cách đặc biệt hơn, là Sequella Christi.

Thuộc về Chúa Kitô, nữ tu đón nhận sự sống dồi dào để rồi biết cho đi sự sống ấy qua nẻo đường yêu thương theo linh đạo đời thánh hiến. Nếu ơn thánh hiến được trao cho một người, thì chẳng phải để vinh thân cho bằng để trở thành phương tiện mà hợp lực với Chúa trong việc mưu ích cho phần rỗi mọi người.

Thuộc về Giáo Hội, nữ tu còn cụ thể thuộc về một Hội Dòng nhất định, để ở đó từng ngày, biết san sẻ những gì mình đã lãnh nhận trong hồng ân Chúa qua việc phục vụ theo đặc sủng của Hội Dòng.

Như thế đó, nữ tu trở thành người cần mẫn gieo rắc Tin Mừng và càng biết cho đi, càng làm cho Tin Mừng tác động để mang lại hoa trái niềm vui, dẫu không thấy rõ nhưng chắc chắn có; và dẫu không thấy ngay nhưng tin rằng sẽ đến.

Tóm lại, niềm vui của nữ tu hôm nay dẫu rộn ràng bên ngoài, nhưng thật trầm lắng bên trong: được nên bạn hữu với Chúa Giêsu, được kết hợp với lễ tế cứu độ và được sai đi rao giảng Tin Mừng. Chia sẻ như thế trong ngày lễ khấn hôm nay chỉ muốn dựa trên bài Phúc Âm nêu lên vài nét tiêu biểu, để chung lời với các khấn sinh, một mặt tạ ơn vì hồng ân được tuyển chọn, và mặt khác nguyện xin Chúa thương nâng đỡ để đời nữ tu đẹp lẽ hiến dâng.

Cám ơn các Gia đình đã quảng đại góp cho Giáo Hội địa phương những thành viên.
Cầu cho các khấn sinh cảm nhận niềm vui dâng hiến, hôm nay và mãi mãi;

Và cùng với quý cha đồng tế, quý tu sĩ và quý khách, chúc các chị em trở thành những dì phước đúng nghĩa, tức là người đạt nhiều phước hạnh trong đời và cũng biết làm phước giúp đỡ cho những người xung quanh. Xin Chúa chúc lành cho mọi người.

Cuối lễ, Nữ tu Maria Têrêxa Ðoàn Thị Hoa, Tổng Phụ Trách thay mặt hội dòng dâng lời tri ân. Đại diện phụ huynh các tân khấn sinh cũng chân thành cảm tạ.
Bữa tiệc liên hoan trong khuôn viên Nhà thờ Cà Tang rộn ràng niềm vui.

Tên gọi “Cà Tang” nghe rất lạ tai, mang âm hưởng ngôn ngữ “Sắc tộc thiểu số”, không biết có liên quan đến thành ngữ “cà tang cà rịch” không!. Từ điển tiếng Việt giải thích “cà rịch cà tang” là làm việc gì cũng chậm chạp với một nhịp điệu đều đều như không quan tâm gì đến thời gian (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1996). Thực tế cho thấy, Giáo xứ Cà Tang rất trẻ trung, chỉ mới 4 năm thành lập (22-2-2014), thế mà, Giáo xứ đã phát triển rất nhanh từ cơ sở vật chất cho đến các sinh hoạt phụng vụ và hội đoàn. Giữa miền quê êm ả ngát xanh ruộng lúa vườn cây, nổi bật lên ngôi Nhà thờ với khuôn viên rộng thoáng và khang trang.

Hội Dòng Phúc Âm Sự Sống đã chọn nơi thôn quê dân dã yên bình Cà Tang để xây dựng Nhà Mẹ. Năm 1966, cha Nguyễn Quang Huy thành lập Tu Hội Phúc Âm tại Giáo phận Kontum. Sau biến cố 1975, Tu Hội gặp nhiều khó khăn nên đã chuyển trụ sở chính về Sài Gòn. Năm 2002, một số chị em quyết định chuyển đổi Hiến Pháp từ Tu Hội Phúc Âm sang Hiến Pháp Hội Dòng Phúc Âm Sự Sống. Đến năm 2003, Ðức cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi chấp thuận nhận Hội Dòng vào phục vụ tại Giáo phận Phan Thiết. Hiện nay, Hội Dòng có 18 Nữ tu khấn trọn, 46 Nữ tu khấn tạm, 6 tập sinh và 30 đệ tử, với 9 cộng đoàn phục vụ tại Giáo phận Phan Thiết, 1 cộng đoàn ở Sài Gòn và 1 ở giáo xứ Thái Lạc, Ðồng Nai. Các Nữ Tu rất nhiệt thành đến phục vụ tại các vùng sâu vùng xa như Ðami, Ða Tro, Suối Sâu, Ðảo Phú Quý...

Cầu chúc các Nữ Tu của Hội Dòng luôn nhiệt thành đi gieo hạt giống “ Phúc Âm Sự Sống” qua mọi nẻo đường phục vụ.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây