GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Tổng hợp các bài chia sẻ Thơ - Văn Tế

Tổng hợp  các bài chia sẻ Thơ - Văn Tế
Nhớ Đức Cố Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống (Nắng Tím)
 
Ngày mùng 2 tết, Đức Cha đón tôi và phái đoàn giám mục Pháp tại Tà Pao. «Incognito  et inter nos», nghĩa là kín đáo, giữa chúng tôi thôi, nên sau thánh lễ đồng tế với chừng hai trăm anh chị em hành hương Đức Mẹ ngày đầu năm, bữa ăn trưa rất đơn sơ nhưng rất ấn tượng trong ngôi nhà mới đối diện nhà thờ Đồng Kho với món đặc biệt của các sơ dòng kín Camêlô Phan Thiết đã khắc sâu một kỷ niệm khó phai, đến nỗi khi hay tin Đức Cha Giuse về với Chúa, đức cha Luc Ravel, tân tổng giám mục tổng giáo phận Strasbourg, sau 7 năm làm giám mục giáo phận quân đội Pháp đã không quên viết trong thư chia buồn: «Tôi chẳng bao giờ quên được món độc đáo: «ăn gì bổ nấy» của đức cố giám mục Giuse».
 
Vâng, từ 8 giờ sáng ngày 1.3, Đức Cha đã trở thành đức cố giám mục, được gọi là người thiên cổ, được xếp vào hàng ngũ người quá cố, dù mới ở tuổi 65, với 32 năm Linh Mục, 16 năm Giám Mục: 8 năm Phụ Tá Sàigòn, và 8 năm chính tòa Phan Thiết. Hình ảnh của Đức Cha đã được tòan thể giáo hội Việt Nam và bạn hữu tòan thế giới trân trọng, tôn vinh từ ngày đầu Mùa Chay 2017 như một vị Giám Mục đáng kính, một nhạc sĩ, ca sĩ «Thông Vi Vu» đáng yêu, một người thầy đáng phục, một người bạn đáng mến đã chết một cách «đáng thương», không chỉ trên mạng, mà còn trên bàn làm việc, ở đầu giường, trên bàn thờ kính nhớ người đã khuất, và tận sâu thẳm tâm hồn với hương lòng da diết nhớ thương.
 
Là bạn của Đức Cha khi tôi 11 và Ngài 12 tuổi. Từ  bước chân ngỡ ngàng, ngây thơ vào tiểu chủng viện thánh Têrêxa, Long Xuyên ngày 21 tháng 8 năm 1964  đến giây phút xe dạ thắt lòng tẩm liệm Ngài lúc 19 giờ ngày 1 tháng 3 do Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, nguyên Giám Mục Phú Cường, và Đức Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Giám  Mục phó Bà Rịa, là hai trong những Giám Mục thân thiết chí tình với Ngài chủ sự tại Tòa Giám Mục Phan Thiết, trái tim chúng tôi đã không xa nhau một bước, vắng nhau một ngày, rời nhau một quãng. Chẳng thế mà tình bạn 53 năm cũng là tình bạn muôn thưở, đời đời, và bao lâu còn sống, tôi vẫn muốn «tôn thờ» tình bạn tuyệt vời ấy… Tình bạn ấy thân thiết đến độ chúng tôi chỉ có thể gọi tên nhau, dù Ngài có quyền cao chức trọng; tình bạn ấy gắn bó đến nỗi tôi với Ngài chỉ có thể gọi nhau bằng Bác, dù vị thế Giám Mục của Ngài cao sang ngất ngưởng; tình bạn ấy chân thật đến mức khó có thể xưng tụng danh phận Ngài mang mà không khỏi lúng túng, ngượng ngùng, nên với tôi, chỉ có «Bác Thống» nghĩa tình, «Bác Thống» hết tình, «Bác Thống» hết mình, «Bác Thống» nhiệt tình, «Bác Thống» của tôi, «Bác Thống của anh em Khai Phá», «Bác Thống»: mối tình riêng bất diệt!     
 
Đêm qua trên đường về lại Sàigòn sau thánh lễ bên quan tài lúc 22 giờ. Đường đêm khuya khuắt. Anh Hòa xả hết tốc độ và luôn miệng: «Em thương Đức Cha quá! Tội nghiệp Ngài thật!». Điệp khúc  thương tiếc dài hơn 200 cây số đã không ru tôi ngủ, dù đã hai đêm thức trắng, nhưng đưa tôi về kỷ niệm với từng chi tiết về Bác trong những ngày cuối đời.
Sau lần phẫu thuật thông mạch tim, sức khỏe của Bác đổ dốc: bệnh viêm xoang hoành hành liên tục làm Bác thường xuyên sốt và mệt. Bác thắc mắc không hiểu tại sao căn bệnh được xem như rất thường, lại cứ đeo đẳng, «say sưa» làm khổ Bác. Có những lúc cơn sốt tăng tốc, Bác thả người trên ghế, ngao ngán, thờ thẫn than thở: «Chúa ơi, chẳng biết làm sao bây giờ...».
 «Làm sao bây giờ» cũng như đã «chẳng làm sao được» khi tuyệt đối vâng phục nhận gánh nặng Giám Mục, dù biết rất rõ đời Giám Mục rồi sẽ cay đắng khôn cùng, chua chát khôn nguôi, tủi buồn khôn tả, nhọc nhằn khôn xiết, khó khăn khôn lường. Bác đã chẳng viết cho anh em Khai Phá trước ngày được tấn phong Giám Mục đó sao: «Mình biết, thánh giá Chúa trao cho mình sẽ rất nặng, và hầu như đời mình đều được dệt bằng những biến cố của ngày thứ sáu». Và Bác đã kể ra rất nhiều biến cố «ngày thứ sáu» như những điểm nhấn quan trọng của đời bác. Những câu chuyện ngày thứ sáu này đã làm chúng tôi «dàn dụa nước mắt». Vì bị ám ảnh bởi ngày thứ sáu của Bác, nên nhiều người trong  anh em Khai Phá đã không nghĩ Bác sẽ ra đi ngày thứ Tư, nhưng thứ Tư 01.3.2017 Thiên Chúa chọn cho Bác không là thứ Tư bình thường, nhưng là thứ Tư Lễ Tro với ý nghĩa thần học cực kỳ quan trọng: Trở Về.
 
Vâng, Bác trở về với Đấng đã sai Bác vào đời, đã chọn và sai Bác đi rao giảng, cai quản, thánh hóa muôn dân. Bác không còn  phải ngẩng mặt thở than: «Chúa ơi, chẳng biết làm sao bây giờ…», khi cô đơn trong trách vụ và chẳng ai biết được hết nỗi khổ của Bác trong suốt 16 năm Giám Mục; Bác sẽ chẳng còn mất ngủ, biếng ăn, lười uống thuốc vì trăn trở trước những mối bòng bong của mục vụ, khi chẳng có mấy người hiểu hết niềm đau, để cảm thông và chân thành cộng tác với Bác; Bác cũng sẽ hết phải mượn khói thuốc khi lòng chùng sâu, quặn thắt và nước mắt ứ nghẹn trước những vô ơn, phản bội của người mình yêu thương, bênh vực, tín nhiệm; và Bác cũng chẳng còn phải mượn chút men bia với dáng điệu rất hào sảng «Long Chỉ» để nhẹ đi phần nào niềm u uất khi chưa  vuông tròn được sự hiệp nhất giữa anh em, con cái trong nhà.
 
Vâng, Bác trở về với Thiên Chúa, bằng trở về với thân phận cát bụi. Thân phận cát bụi thật kinh khủng, khi  dung mạo khôi ngô, tươi đẹp của Bác tàn tạ sau mấy ngày bị vi khuẩn «không tên» đục khoét, tàn phá, đến nỗi chính tôi là bạn thân của Bác cũng phải hốt hoảng, bàng hoàng và cố gắng lắm mới nhận ra Bác khi vào bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thăm Bác. Bác bị con virus quái ác làm phổi đầy nước, không thở được, thêm bệnh tiểu đường, áp huyết cao, tim mạch, nấm độc, đau răng tiếp tay hợp đồng tác chiến, kịch liệt tấn công, làm Bác qụy ngã trong hôn mê rất sâu, để «chẳng còn dung mạo mỹ miều, oai phong, tươi tắn như khi trước nữa». Nhiều người thân quen đã  điện thoại gặng hỏi, khi nhìn thấy trên mạng hình Bác nằm bất động: «Có đúng là Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống không? Sao không thấy giống Ngài? Tại sao Ngài lại đeo kiếng?».
 
Bác ơi, mình đã muốn trả lời cho bạn hữu và các «fan» của Thông Vi Vu như thế này: «vào những ngày cuối đời, Đức Cha Giuse hay Thông Vi Vu của quý bạn đã thực sự sống mầu nhiệm ngày thứ Sáu Tuần Thánh với Đức Giêsu, Đấng mà Ngài suốt đời yêu mến tôn thờ. Bằng chứng là Đức Cha đã  được trở nên «đồng hình đồng dạng», nghĩa là hết đẹp trai, nhưng phù to, mất cân đối, nếu không muốn nói là thê thảm, tang thương như Đức Giêsu  trên Thánh Giá, hình ảnh mà ngôn sứ Isaia đã tiên báo: «Bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa… Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong, đáng cho chúng ta nhìn ngắm, dung mạo Người chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích» (Is 52,14 ;53,2).
Còn kiếng đeo? Vài tuần trước khi mất, Bác rất thích cặp kiếng này, nên gia đình đeo cho Bác khi tẩm liệm, để Bác vui và dễ nhận ra từ xa Đức Giêsu đang giang tay đón Bác là người con ngoan, tôi tớ tận tụy và trung thần rất đáng trân quý của Thiên Chúa Ba Ngôi.
 
Bác Thống yêu quý,
Trên đường về hôm nay, Bác thực sự nhẹ nhõm hành trang làm người và thanh thản gánh nặng mục tử, nhưng ngược lại Bác mang nặng món nợ tình rất lớn. Bác thấy rõ hơn tôi tình cảm của bao nhiêu người đang dành cho Bác: cả giáo phận Phan Thiết, Sàigòn, Long Xuyên, Thái Bình…, các dòng tu, chủng viện, đoàn thể khắp nơi trên thế giới tha thiết cầu nguyện cho Bác; các báo chí công giáo, trang mạng, facebook tràn đầy hình ảnh Bác, tràn ngập yêu thương dành cho Bác, tràn trề lòng ngưỡng mộ Bác, tràn lan kỷ niệm thân thương, ân tình với Bác. Rất rất nhiều người thương tiếc Bác. Họ là anh em cùng lớp, cùng trường với Bác như Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt; thân quyến của Bác như cô Thao, em gái Bác, hay như Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần, nguyên Giám Mục Long Xuyên, nghĩa phụ của Bác; «đồng nghiệp» trong Giám Mục đoàn như hai Đức Hồng Y, các Tổng Giám Mục ,Giám Mục trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam; các linh mục, tu sĩ nam nữ bạn học cũ, học trò cũ, cộng sự viên, con cái thiêng liêng, giáo dân trong gia đình giáo phận của Bác; chưa kể anh chị em nghệ sĩ đạo đời mà đối với họ, Bác nổi tiếng là «dễ thương, dễ gần». Nói chung là rất đông, rất nhiều những «ân sâu nghĩa nặng», những «tình xưa nghĩa cũ», cả những trái tim chợt biết rung động sau khi nghe tin Bác từ bỏ cõi đời. Họ là những người chưa hiểu Bác, hoặc không muốn hiểu Bác, vì một lý do nào đó; họ là những người đã vô tình hoặc cố tình nghĩ oan, hiểu lầm Bác, bởi ở Bác, ngoài bổn phận thương xót, còn trách nhiệm uốn nắn, sửa dậy. Sở dĩ tôi dám viết điều này, là vì sáng nay đang khi viết những dòng tâm sự cho Bác, tôi nhận được một email với nội dung như sau: «Cả ngày hôm nay, em có được một cảm nghiệm sâu sắc về sự ra đi của Đức Cha Giuse Thống. Sự ra đi này thật kỳ diệu và đầy ân sủng… Chỉ nguyên nhìn thấy và nghe được biết bao lời cầu nguyện của các hội đoàn, tu sĩ nam nữ, bạn bè khắp nơi và hàng triệu tín hữu đang tha thiết cầu cho Ngài thì em đã đủ thấy Ngài là con người như thế nào… Một con người bình dị, dễ gần, dễ mến, khiêm tốn, chịu đựng như Ngài thì làm sao không để lại bao tiếc thương, quý mến trong lòng mọi người? Cá nhân em thấy vô cùng ân hận, xấu hổ khi em đã có những lời nói, ý tưởng, nghi vấn xấu, kể cả ganh tỵ khi Đức Cha còn sống. Em thật lòng sám hối để xin Chúa và Đức Cha tha thứ. Xin Bác chuyển lời tạ tội của em đến Đức Cha, và xin đốt thay em một nén hương để tưởng niệm và tỏ lòng yêu mến Ngài. Xin Đức Cha bầu cử cho chúng ta cố gắng noi gương hiền lành và khiêm nhường của Ngài».  
 
Nợ tình thì chẳng bao giờ trả được, cũng chẳng biết phải trả thế nào, ngoài «tình hơn, thương hơn, yêu hơn», như Bác thường nói: «Cuối cùng chỉ còn lại tình nghĩa!», phải kông Bác ?
Bác đã rất tình với mọi người và với từng người trong suốt cuộc sống. Điều này thì chẳng ai có thể phủ nhận, kể cả những người không ưa Bác. Điều ấy cho phép tôi xác tín: ở trên thiên đàng, Bác sẽ chẳng quên ai, chẳng phụ tình ai, chẳng dửng dưng, thờ ơ, lạnh nhạt hay «sang chảnh» với ai, vì bản chất của Bác là «rất tình», như dòng nhạc, lời thơ, giọng nói, dáng điệu luôn «trữ tình, nhiệt tình, hết tình» của Bác. Bác nhớ nhé, đừng  quên ai, nhưng tiếp tục «tình» với mọi người bằng bầu cử cho tất cả chúng tôi, những người chưa tìm được cặp kiếng đắc ý để lên đường gặp Chúa như Bác hôm nay. Đừng quên ai nhé, Bác Thống, vì tất cả mọi người đang «rất tình» với Bác, kể cả những người đã làm Bác buồn, đã ghen ghét muốn loại trừ Bác. Kể cả họ, Bác ạ, họ cũng đang xúc động vì nhận ra Bác đã rất tình với họ.
 
Sáng thứ Hai, anh em cựu chủng sinh Long Xuyên và lớp Khai Phá sẽ có mặt tại nhà thờ chính tòa Phan Thiết để tiễn đưa Bác, trong đó có tôi, người bạn được chia sẻ, thao thức với Bác rất nhiều. Suốt 53 năm, tôi với Bác đã sống rất có «Thể Thống», và mình gọi nhau bằng Bác, nhưng hôm nay, Bác đi, tôi ở lại, có lẽ tôi phải thay đổi cách xưng hô cho hợp ý Chúa: «Anh Thống», đọc trại lại sẽ là «Ông Thánh» rất đáng yêu của tôi.
 
                                                                                               Jorathe Nắng Tím
                                                                                               Sàigòn  2.3.2017    
 
 người về phương ấy xa xôi lắm… (Lê Đình Bảng)
 
                                               
                                                                                  Để nhớ Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống
 
 
Người về phương ấy, chim bay mỏi
Xanh biển, xanh rừng, xanh gió khơi
Những bến lau thưa, hà xứ khứ?
Nhà Bè, con nước chảy chia đôi
 
Người về phương ấy, chân mây biếc
Rượu tiễn tràn ly chưa ướt môi
Một chuyến hành hương xa mấy đỗi
Tình yêu của Chúa dẫn dưa tôi (1)
 
Người về phương ấy, vui duyên mới
Tháp cổ, hồn thiêng, dân tộc Hời
Mở mắt, xem mặt trời dậy sớm(2)
Sao em không lần chuỗi Môi Khôi (3)     
 
Mà thôi, đâu phải sang sông, nhỉ
Hạt nắng vô tư vẫn sáng ngời (4)
Sông lở, sông bồi, ai tát cạn
Bên này, bên ấy có xa xôi?
 
Người về phương ấy tôi theo với
Thông đứng Vi Vu hát giữa trời (5)
Một chốn đôi quê còn bin rịn
Đôi bờ tả hữu tiếng sông trôi
 
Người về phương ấy, tôi theo với
Đồng khói, đồng hương vẫn mặn mòi
Bến Nghé chiều nao trông én liệng
Tà Pao vời vợi bóng trăng soi
 
Thay lời muốn nói, xin trao gởi
Thương Nhớ Một Mùa Đông đấy thôi (6)
 
                                                                                                Gò Dầu, 01.03.2017
                                                                                         Francis Assisi Lê Đình Bảng
 
Khi bầy én đưa tin 
Cầm bằng gửi gió qua sông
Nhớ nhung, thôi, cứ nhẹ lòng mà đi
Francis Assisi Lê Đình Bảng
 
 
Người về phương ấy xa xôi
Trông theo khói ngất non phơi bóng tà
Mượn lời giải mộng đêm qua
Khi không, nở một chùm hoa trắng ngần
Ơi người Hàm Thuận, Hàm Tân
Có nôn nao những lễ gần lễ xa?
 
Người về tiệc cưới Cana
Đông tây mở hội nhà nhà vui thay
Rượu ngon càng nhắp càng đầy
Mừng cho trăm họ một ngày đoàn viên
Hỏi bầy chim én trao duyên
Có nghe ấm áp một miền trú đông?
 
Cầm bằng gửi gió qua sông
Xa nhau, thôi cứ nhẹ lòng mà đi
Đã đành một cuộc chia ly
Non sông nghĩa nặng, tiếc gì thành đô
Người về nẻo ấy, phương mô
Chân mây, mặt đất, mấy bờ lau thưa
 
Lạy trời đổ xuống cơn mưa
Để xem hoa trái vào mùa Giêng, Hai
Một niềm, chẳng dám đơn sai
Vâng theo ý Chúa an bài mà thôi
Ngẫm ra, muôn sự đầy vơi
Mình không tính được thì trời tính cho
 
Gò Dầu, đầu Mùa Chay Thánh 2017
 
(1)Khẩu hiệu của Đức Cha khi được tấn phong Giám mục(17.8.2001)
(2)Mũi Kê Gà (Bình Thuận ), nơi người ta nhìn thấy mặt trời mọc sớm hơn mọi nơi ở Việt Nam.
(3) Tên một ca khúc của Đức Cha, thơ Xuân Ly Băng.
(4) Tên một quyển sách của Đức Cha trong toàn tập 5 quyển;NXB Tôn giáo, 17.8.2007.
(5) Thông Vi Vu, bút danh của Đức Cha khi sáng tác âm nhạc.
(6) Một ca khúc gửi tặng tại buổi Hội thảo “Phaolô, cuộc đời và Huấn giáo“ do UBVH-HĐGMVN tổ chức tại Nhà Truyền thống giáo phận Sài Gòn, 21.11.2008.
 
TÂM TÌNH CỦA NGƯỜI CHA THIÊNG LIÊNG
 VỚI ĐỨC CHA GIUSE VŨ DUY THỐNG + GB. BÙI TUẦN
 
Thống, con ơi!
1.
Con chết rồi. Nhưng Cha vẫn gọi con, như khi con còn sống. Cha tin con vẫn nghe được tiếng Cha, bởi vì con đang ở bên Chúa. Còn Cha cũng đang ở bên Chúa, tuy một cách khác, nên âm thầm gọi con.
2.
Cha gọi con, để xin con giờ đây đang ở cõi đời sau, cũng vẫn cứ tiếp tục ơn gọi Chúa đã dành cho con khi con còn sống.
3.
Ơn gọi đó:
-          Một là “hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34).
-          Hai là “hãy hiệp nhất với nhau” (Ga 17,21-23).
4.
Hai điều trên đây đã được con coi là quan trọng nhất trong suốt cuộc đời giám mục của con.
5.
Hai điều đó cũng đã được con cảm nhận là hết sức khó với biết bao kinh nghiệm đau đớn của đời giám mục của con.
6.
Khi xây dựng hiệp nhất và phát triển yêu thương, con đã chỉ tìm thánh ý Chúa, chứ không tìm tiếng khen. Về lập trường đó, Cha có cảm tưởng là con rất ý thức lời Chúa Giêsu đã phán xưa: “Khốn cho các ngươi, khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế” (Lc 6,26).
7.
Khi xây dựng hiệp nhất và thực thi yêu thương, con cũng đã trải nghiệm sự yếu đuối trong con, như thánh Phaolô xưa: “Tôi là người khốn nạn, bởi vì sự thiện tôi muốn, thì tôi không làm, sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,19-24).
8.
Cha cảm tạ Chúa, vì con đã nhận ra giới hạn của con, để mà biết khiêm tốn, luôn trở về với Chúa.
9.
Cha cảm tạ Chúa, vì con đã không đi tìm tiếng khen, mà chỉ tìm thánh ý Chúa. Thánh ý Chúa rất khác ý loài người. Thánh ý Chúa là người mục tử phải bước theo Chúa Giêsu trên con đường thánh giá.
10.
Cha thấy con
-          Đã khao khát ý Chúa.
-          Đã lắng nghe ý Chúa.
-          Đã nhận ra ý Chúa.
-          Đã thực thi ý Chúa.
Để được thế, con đã quan tâm đặc biệt đến đời sống nội tâm.
Như vậy, con đã tập sống theo gương thánh Giuse, bổn mạng của con. Nay con ra đi, mang theo mình vô số điều mà chỉ Chúa biết, như thánh Giuse xưa.
11.
Giờ đây, Cha tin là con đang được hưởng niềm vui khôn tả Chúa ban cho con. Xin con hãy nhớ đến Cha, đến mọi thành phần thuộc linh tông, và nhớ đến Hội Thánh Việt Nam.
12.
Cha xin nói thiệt với con điều này: Nhiều người trong Hội Thánh Việt Nam hiện nay đang gặp rất nhiều thử thách cam go, với rất nhiều đau đớn xác hồn. Xin con đừng quên họ, đừng quên những người còn ở lại, đang phải vất vả nhọc nhằn trên con đường làm chứng cho Chúa qua yêu thương và hiệp nhất.
13.
Cha vốn tin lời Chúa Giêsu đã hứa: “Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,30). Cha tin, nhưng tin mà vẫn không tránh được khổ đau tư bề.
Tuy nhiên, Cha rất hạnh phúc, vì có Chúa ở bên. Con ra đi, khi còn tương đối trẻ. Cha còn ở lại, khi tuổi đã già nua. Trẻ hay già, đều do thánh ý Chúa. Nay Chúa đem người trẻ đi, để lại người già. Điều đó đang dạy Cha rất nhiều.
14.
Thống, con ơi! Sự ra đi của con là một bất ngờ. Cha nghĩ sẽ còn nhiều bất ngờ sắp xảy ra. Cha nghĩ đến tinh thần Phó thác của thánh Giuse. Xin con cầu nguyện cho Cha và các anh chị em của con được biết phó thác mình cho Chúa một cách khiêm tốn, đơn sơ, tin tưởng, kiên trì.
Phó thác mình cho Chúa, cũng là khiêm tốn gắn bó mình với Hội Thánh, và sống tinh thần cộng đoàn một cách chân thành và bao dung tế nhị. Con đã nhiều lần chia sẻ với Cha như vậy. Xin con tiếp tục chia sẻ điều đó với Cha và với những người thân, nhất là trong tình hình bất ổn hiện nay.
15.
Thống, con ơi! Mấy ngày nay, con chia sẻ với Cha rất nhiều về sự phải luôn luôn sẵn sàng, vì Chúa đến rất bất ngờ. Đó là một cảnh báo khẩn thiết. Con và Cha hãy cầu xin Chúa cho mọi người được biết đón nhận cảnh báo đó.
Hẹn gặp nhau bên Chúa. Hẹn trong niềm tin vô bờ bến ở tình yêu xót thương của Chúa.
 
Long Xuyên, ngày 3.3.2017
+ GB. Bùi Tuần    
 
MÙA CỦA TÌNH THƯƠNG
Lễ đưa chân Đức cha Giuse Vũ Duy Thống
Châu sơn 4-2-2017
 
 

Ta có thể gọi mùa chay là mùa của tình thương. Như thư 2 Cô-rin-tô nói: “Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ”. Lời Chúa hôm nay minh hoạ sinh động tấm lòng yêu thương của Thiên Chúa.
 
Lòng yêu thương của Chúa biểu lộ trong việc kêu gọi Mát-thêu. Tình yêu thương tiến hành trong ba bước.
 
Bước thứ nhất: đi tìm. Mát-thêu đang ngồi ở bàn thu thuế. Nghĩa là đang ở nơi tội lỗi. Thế mà Chúa cất công đến tận nơi để tìm ông. Đi tìm đã là yêu thương lắm rồi. Đi tìm ở nơi tội lỗi lại càng yêu thương hơn nữa.
 
Bước thứ hai: gọi theo. Tình yêu thương chưa dừng lại ở đó nhưng còn tiến xa hơn. Chúa mời gọi ông theo Chúa. Và còn yêu thương đến không ngờ Chúa tiến đến bước thứ ba: tuyển chọn ông làm tông đồ.
 
Bước thứ ba: tuyển chọn. Đây là tình yêu ở mức cao nhất. Cho ông được chung phần chia sẻ kế hoạch cứu độ của Chúa.
 
Quả thực tình yêu thương của Chúa thật lớn lao cao cả không ai hiểu được. Chúa ví mình như người thày thuốc đi tìm cứu chữa người bệnh. Đúng như I-sa-ia tiên báo trong bài đọc 1: “Nhờ ngươi, người ta sẽ tái thiết những tàn tích cổ xưa, ngươi sẽ dựng lại những nền móng của các thế hệ trước, người ta sẽ gọi ngươi là người sửa lại những lỗ hổng, là kẻ tu bổ phố phường cho người ta cư ngụ”. Người chuyên đi cứu vớt, vực dậy, tái thiết, chữa lành. Lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời.
 
Đọc Lời Chúa hôm nay tôi liên tưởng đến Đức cha Giuse Vũ duy Thống, người bạn của tôi từ 53 năm nay.
 
Ngài là người thông minh tài trí hơn người. Học môn gì cũng xuất sắc. Nhưng ngài trổi vượt trong lãnh vực văn hoá. Chẳng thế mà ngài viết văn làm thơ làm nhạc rất hay. Chất văn hoá thấm đậm con người. Đi vào ẩm thực rất tinh tế. Và đặc biệt biểu lộ trong lối cư xử rất tế nhị.
 
Từ khi làm giám mục ngài lập tức được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Văn hoá của HĐGMVN liên tiếp  6 khoá cho đến nay. Từ khi ngài phụ trách tạp chí Hiệp Thông, tờ báo mới có diện mạo trang nhã và nội dung phong phú như ta thấy ngày nay. Đây có thể nói là một công sức lớn ngài đóng góp cho Giáo hội. Làm báo là chịu nhiều áp lực. Báo công giáo lại càng chịu nhiều áp lực hơn. Nhưng ngài vừa kiên quyết vừa khéo léo vượt qua tất cả. Một ví dụ tiêu biểu. Khi vụ Toà Khâm Sứ nổ ra Nhà Nước tìm mọi cách xuyên tạc bưng bít. Nhiều nơi kể cả những bậc vị vọng nghe theo Nhà Nước và không dám bén mảng đến Toà Khâm Sứ và không dám nói gì. Đức cha Giuse là người mạnh dạn đăng bài trên báo Hiệp Thông nói sự thật về Toà Khâm Sứ.
 
Một công trình khác của ngài là Nhà Truyền Thống của Tổng giáo phận Saigon. Ngài đã có sáng kiến, có tâm huyết thu thập cổ vật và trình bày lịch sử Giáo hội đầy sinh động và ý nghĩa.
 
Hơn nữa ngài còn là thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hoá của Toà Thánh trong 2 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 5 năm. Ngài đã cộng tác với Đức Hồng Y Poupard để  “évangélisation des cultures và inculturation de l’Évangile”. Đây là một kiểu chơi chữ đầy văn hoá nhưng cũng nói lên sứ mạng của văn hoá. Đó là Phúc âm hoá các nền văn hoá và Hội nhập Phúc âm vào văn hoá. Nói nôm na là biến Phúc âm thành văn hoá và biến văn hoá thành Phúc âm.
 
Tuy tài cao học rộng nhưng tính tình ngài phóng khoáng, phong cách giản dị, hoà đồng với mọi người. Hôm nay chiêm ngắm Chúa Giê-su đồng bàn với các bạn bè của Mát-thêu tôi thấy hiện lên hình ảnh của ngài. Ngài sẵn sàng đồng bàn với đủ mọi người thuộc mọi tầng lớp giai cấp, văn hoá, phe nhóm và quan điểm khác nhau.  Không bao giờ bệ vệ uy nghi quan cách, nhưng luôn vui tươi đơn sơ. Ngài chuyện trò rất vui. Có thể ngẫu hứng hát một bài phục vụ mọi người.
 
Cũng như Chúa Giê-su yêu thương và cư xử tế nhị với người tội lỗi, trân trọng và tuyển chọn Mát-thêu, đức cha Giu-se không lên mặt đạo mạo dậy đời. Trái lại ngài rất tinh tế và tế nhị. Không đồng tình với cái xấu nhưng luôn yêu thương và kính trọng người lầm lỗi. Vì thế những góp ý dậy dỗ của ngài khéo léo tế nhị và đi vào lòng người. Ta có thể thấy được điều đó qua các tác phẩm của ngài.
 
Nói về tình yêu chung thuỷ ngài mượn hình ảnh đôi dép. Đi đâu cũng có nhau. Mòn đều nhau. Nếu mất một chiếc, dù có tìm được chiếc khác thay thế, nhưng người đi sẽ thấy ngượng chân.
 
Nói về thái độ sống ở đời ngài mượn hình ảnh hạt cà phê. Cùng vào nước nóng là cuộc đời có những phản ứng khác nhau. Cà rốt thì ù lỳ chấp nhận nên trở nên mềm nhũn. Trứng tìm đối kháng nên trở nên chai đá. Riêng cà phê hoà với nước nóng làm mùi thơm lan toả cho đời.
 
Nói về thái độ trân trọng những gì nhỏ bé trong đời ngài mượn hình ảnh một chút. Một chút những viên đá nhỏ nhưng nhiều chút lại thành hòn núi. Một chút thời gian nhưng nhiều chút thành cả một cuộc đời. Một chút cởi mở tươi vui thì xa xôi cũng thành gần gũi.
 
Cứ thế những lời của ngài không làm người nghe bị áp đặt, nhưng tự tìm thấy chân lý và tự mình thay đổi.
 
Hôm nay ngày thứ bảy đầu tháng không thể không nói đến Đức Mẹ. Đức cha Giu-se có lòng yêu mến Đức Mẹ sâu xa. Không những đã phổ nhạc bài thơ “Sao em không lần chuỗi” của Xuân ly Băng để khích lệ mọi người lần hạt, mà còn làm cho nhiều người yêu mến Đức Mẹ. Từ khi về Phan thiết, với tài tổ chức và lòng yêu mến Mẹ, ngài đã biến Tà-pao thành một địa điểm hành hương sốt sắng. Ngày 13 mỗi tháng nhiều ngàn người tuốn về Tà-pao và nhận được vô vàn ơn phúc qua tay Đức Mẹ.
 
Yêu mến Đức Mẹ nên ngài cũng có tâm tình của một người mẹ đối với đoàn chiên. Không bao giờ coi con mình là xấu. Luôn tin tưởng con người có thể trở nên tốt. Vì thế luôn kính trọng con người. Hoà đồng với mọi người. Nhẹ nhàng sửa lỗi trong yêu thương tế nhị và kính trọng. Nhờ đó nâng con người lên.
 
Mùa Chay là mùa Chúa tỏ tình yêu thương đi tìm cứu độ con người. Đức Cha Giu-se đã là người thợ làm trong cánh đồng của Chúa. Ngài không ngừng gieo và gặt yêu thương. Ảnh hưởng yêu thương và hiệp nhất ngài tạo ra thật lớn lao và sâu xa. Tưởng nhớ ngài, chúng ta hãy tiếp tục công việc tốt đẹp của ngài: yêu thương và kính trọng mọi người. Để mùa yêu thương nở rộ khắp nơi.

 
Đức Tổng  Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt
(Bài do Nắng Tím gởi đến web gplong xuyen) 
 
TƯỞNG NHỚ MỘT NGƯỜI ANH EM:
ĐỨC CHA GIUSE VŨ DUY THỐNG
 
 

1. Thứ Tư Lễ Tro, 1-3-2017, Hội Thánh phủ lên mình màu tím của sám hối và bắt đầu bước vào Mùa Chay thánh. Cũng ngày hôm ấy, Giáo phận Phan Thiết khoác lên mình màu trắng của khăn tang vì mất đi người cha chung của giáo phận. Hội đồng giám mục Việt Nam vừa tiễn đưa Đức Cố Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa đáng kính, nay lại càng đau buồn vì mất đi một thành viên luôn vui tươi, nhiều tài năng, giàu nhiệt huyết. Và bản thân tôi mất một người bạn. Dường như cả không gian đang phủ kín một màu tang tóc, u buồn.
 
2. Nhưng chính thời điểm Mùa Chay thánh lại ban tặng ánh sáng và ý nghĩa mới. Bởi lẽ kết điểm của Mùa Chay không phải là sự buồn thảm của Thứ Sáu Tuần Thánh, nhưng là niềm vui chan chứa của Chúa nhật Phục Sinh. Mầu nhiệm Phục Sinh ban tặng ánh sáng mới để trong ánh sáng đó, người ta khám phá ý nghĩa mới và động lực mới cho cuộc đời: những cánh cửa đóng kín nay mở toang (x. Ga 20,19-23), những bước chân buồn thảm xuôi về Emmaus nay trở thành những bước chân vội vã quay lại Giêrusalem để loan báo tin vui (x. Lc 24,13-25).
Cũng ánh sáng ấy đã quật ngã một người trẻ có tên Saulê khỏi lưng ngựa và biến đổi toàn diện con người anh (x. Cv 9,1-19), để từ kẻ thù của ông Giêsu, anh trở thành người say mê Đức Kitô đến độ nói được rằng: “Sống, đối với tôi, là Đức Kitô, và chết là một mối lợi”, và “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi... Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, nhưng sống cho Đấng đã chết và sống lại vì họ” (2Cr 5,14-15).
 
3. Dọc suốt chiều dài lịch sử Hội Thánh, có hàng triệu người trẻ cũng được thúc bách như thế, dù âm thầm nhưng không kém mãnh liệt, và một trong những người trẻ đó có tên gọi Giuse Vũ Duy Thống. Được tình yêu thúc bách nên xin vào Tiểu chủng viện Têrêxa, Long Xuyên. Đã từng rời chủng viện để về đời nhưng rồi lại tiếp tục vào một nhà dòng vì dòng ấy rõ ra là dòng của Chúa Giêsu (Dòng Tên). Trong hoàn cảnh mới của xã hội, lại xin vào chủng viện và là sinh viên xuất sắc về nhiều mặt. Người trẻ đó cuối cùng hiến dâng đời mình trong sứ vụ linh mục và sau này là giám mục.
Cũng vì tình yêu thúc bách nên Đức cha Giuse vận dụng năng lực trí thức và năng khiếu nghệ thuật Chúa ban để loan báo Tin Mừng Đức Kitô. Những suy tư và cảm nghiệm sâu sắc về cuộc đời, những vũ điệu của ngôn từ và hình ảnh, những dòng nhạc mượt mà lắng đọng... tất cả chỉ vì tình yêu thúc bách. Dẫu có lúc chất nghệ sĩ dường như lấn át vai trò điều hành, thì tự thâm tâm vẫn luôn là ước mong theo chân Đức Kitô, từng bước một thôi, để rao giảng Tin Mừng gỡ rối cho đời như nút vòng xoay, để gieo yêu thương và hạnh phúc cho người như hạt nắng vô tư.
 
4. Vậy thì, cùng với tiếng khóc than vì thương nhớ, hãy hân hoan đọc lại lời Kinh Thánh: “Và tôi thấy trời mới đất mới vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn. Và tôi thấy Thành thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: Đây là Nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ ở với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,1-5). Những ai để cho tình yêu Đức Kitô chiếm hữu thì người ấy sẽ được tình yêu ban tặng sự sống mới và dẫn đưa vào thế giới mới, trời mới đất mới.
 
5. Và làm sao có thể quên Đức Mẹ Tàpao? Vào giây phút cuối cùng của cuộc đời trần thế, Chúa Giêsu nhìn vào Mẹ Maria và nói với thánh Gioan: “Đây là Mẹ của con”. Và “kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19,27). Đức cha Giuse đã rước Đức Mẹ về ngôi nhà giáo phận Phan Thiết. Tiếp nối công trình của các vị tiền nhiệm, ngài đã dành biết bao năng lực và công sức để chỉnh trang, xây dựng Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao thành trung tâm hành hương lớn nhất trong giáo tỉnh Sài Gòn, ở đó biết bao tín hữu Công giáo – và cả những anh chị em ngoài Công giáo – tìm lại được nghị lực trong yếu đuối, niềm vui khi đau khổ, và bình an trong cuộc sống cá nhân cũng như gia đình.
Đức cha Giuse đã “rước bà về nhà mình”, chắc chắn Mẹ Maria cũng đang đồng hành với ngài trên đường về quê: “Trên con đường về quê mà có bóng Mẹ, con vững tin cậy trông, bước trong bình an”.
Vâng, anh Thống, anh hãy đi bình an và xin nhớ đến người còn ở lại.
 

02/03/2017
 
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
 

Văn tế Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống (Bùi Nghiệp) 

Văn tế Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống
(Sinh 02.7.1952, tạ thế 01-3-2017, hưỏng thọ 65 tuôỉ)
 
Danh xưng Duy Thống!
Thánh hiệu Giu-se.
Tắt ánh Văn- Khuê;
Mờ làn Thiên cáp. (1)
 
Khi xưa:
Làng Cao Mộc - Thái Bình, Nhâm Thìn khứ (1952) khởi sinh chào trái đất;
Xứ Bình Tuy - Bình Thuận, Đinh Dậu lai (2017) quy tử biệt nhân gian.
Tuổi ấu thơ mong đến nhà tràng;
Thời niên thiếu ước vào chủng viện.
 
Nghiên với bút siêng năng tu luyện;
Sách cùng đèn chăm chỉ trau dồi.
Dẫu đường trơn khúc khuỷu, vững theo ơn Thiên triệu kêu vời;
Dù lối hẹp quanh co, kiên tiếng gọi Thánh ân đốc thúc.
 
Đến một ngày:
Lên bàn thánh phó dâng hàm linh mục;
Tới điện thờ đoan hứa phẩm thiên sai.
Quẩy nhẹ tênh hành lý, cấy Phúc âm nhà Tân Mỹ ngày ngày;
Xách đơn giản tư trang, gieo thông điệp xứ Bạch Đằng tháng tháng.
 
Nhận bài sai, về chủng viện vun bồi tưới tắm;
Tuân bổ nhiệm, đến giảng đường huấn luyện trồng ươm.
Mong sinh hoa nảy lộc thơm hương;
Đợi kết quả trĩu cành ngọt dịu.
 
Vì đèn sách theo đòi, cứ lẽo đẽo dằng dai kéo níu;
Bởi bút nghiên nặng nợ, còn nhì nhằng đeo đẳng thiết tha. 
Rời Việt nam để học hỏi tinh hoa;
Sang nước Pháp hòng thâu gom tinh tuý.
 
Trở về cố quốc tiếp vun trồng tu sĩ;
Quay lại quê nhà mong uốn nắn môn sinh.
Chức giáo sư khai phá anh minh;
Ngôi Giám mục nâng dìu sáng suốt.
 
Đời mục tử chân đồng đâu chùn bước;
Kiếp chủ chăn gối sắt chẳng sờn gan.
Từ Sài gòn việc phụ tá nhiệt tâm;
Đến Phan thiết ngôi chính toà toàn trí.
 
Hát vi vút với rừng xanh, ảnh lạc thanh tùng lý;
Vui rì rào cùng biển biếc, thần lưu tử trướng trung.(2)
Dẫn đàn chiên vào suối ngọt ung dung;
Dìu tín hữu đến đồng thơm ngan ngát.
 
Trao hướng dẫn thiên ân, lão giả tồn số thành nan trắc;
Cậy an bài thánh sủng, địa chi giác tình bất khả chung.(3)
Ngày cất bước, mãi truyền ban công bố tin mừng;
Đêm chong đèn, luôn thao thức suy tư khắc khoải.
 
Giáo dục thâm ân - chung thân cảm đái;
Hạo nhiên chính khí - vạn cổ trường tồn.(4)
Ngôn phong rổn rảng với triệu hồn;
Lý lẽ phơi bày cùng trăm họ.
 
Thương ôi!
Bỗng đột nhiên, Làn phế phủ lên cơn loạn thở;
Ngay lập tức, mạch tâm cơ rối nhịp vùng nhồi.
Trí còn thông mà xác thể rã rời;
Hồn vẫn sáng sao hình hài khó quản.
 
Ai có biết chăng, bởi định mệnh trời ban hạn mãn;
Người đâu suy thấu,do căn phần Chúa khiến vừa xong.
Hồn bay lên Thiên quốc nhận công;
Xác nằm xuống địa phần hoàn bụi.
 
Chúng con:
Phút vĩnh biệt bơ vơ, tình nhân thế khóc cha vạn nỗi;
Giờ chia ly lạc lõng, nghĩa trần gian than chủ trăm đường.
Dâng vòng hoa run rẩy rất yêu thương;
Thắp ánh nến bập bùng nhiều cảm mến.
 
Hợp lòng khẩn nguyện;
Chung trí cầu xin.
Chúa muôn đời hằng sống, cho cha về cập bến quang vinh;
Đấng vạn thế chí nhân, đón hồn đến neo bờ hạnh phúc.
 
Khẩn phục!
Quỳ dâng!!!
 
Bùi Nghiệp cẩn bút
(1) Tên các vì sao tượng trưng chiếu mệnh, tiêu biểu cho tài chữ nghĩa văn chương.
(2) Hình ảnh lạc trong tùng xanh, tinh thần lưu giữa trướng tím.
(2) Sống chết số trời khôn biết, mất còn tình nghĩa khó quên.
(4Dạy dỗ ơn sâu, trọn đời tưởng nhớ, hạo nhiên chính khí, muôn thuở vẫn còn.
 
CHÚA ẴM TÔI LÊN RỒI (1)
 
 
Nẻo đường cát bụi trần gian đó
Một thoáng mà nay đã đi qua !
Thì ra hình hài hạt bụi nhỏ
Thuyền cha rày đỗ bến quê nhà (2) !
 
Đếm bước thời gian qua mấy chặng
Tình yêu là những “dấu chân đôi”(3)
Theo những mùa vui, mừng, cay đắng
Nắng mưa giông tố cũng qua rồi !
 
Đã hẵn người đi không “tiếc nuối”(4)
Nhưng người ở lại vẫn chênh vênh
Cõi biệt ly nào không “đắm đuối”
“Chợt hiểu ra” đời vốn lênh đênh !
 
Từ nay hết dấu chân mục tử
Có còn chăng bóng cũ xa xôi
Nhẹ gánh thênh thang đời lữ thứ
Vì nay “Chúa ẵm tôi lên rồi” !
 
Lm. Sơn Ca Linh
Một nén hương lòng kính dâng về Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống (Nhạc sĩ Thông Vi Vu) vừa được Chúa gọi về sáng nay, 01/3/2017.
 
(1) Lời của ca khúc “DẤU CHÂN” của cố Giám Mục Nhạc sĩ Thông Vi Vu, tức Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục Phan Thiết :
Hôm nao thấy dấu chân đôi: 
Đó là Chúa đi bên tôi. 
Hôm nào còn một dấu chân thôi: 
Là bởi vì Chúa ẵm tôi lên rồi.
(2) Đức Cha Giuse từ giã cõi đời lúc 8 giờ sáng ngày thứ Tư lễ Tro, 01/3/2017.
(3) Lời của ca khúc “DẤU CHÂN” (như đã dẫn trên).
 
(4) Những chữ trong ngoặc kép của đoạn thơ nầy trích từ lời bài hát “ĐÔI KHI” của GM. Ns.Thông Vi Vu (Đức Cha Giuse)
 
 
53 NĂM NGHĨA TÌNH ĐÔI BẠN THÂN
 
Đức TGM Giu-se Ngô Quang Kiệt & Đức Cha Giu-se Vũ Duy Thống
 
Những tâm tình về đôi bạn tri kỷ, mà Đức TGM Giu-se Ngô Quang Kiệt kể lại mấy ngày qua, sau khi nghe tin Đức cha Giu-se Vũ Duy Thống được Chúa gọi về.
 
53 năm, một chặng đường của đôi bạn tri kỷ, với biết bao kỷ niệm, bao tâm tình mà cả hai người cùng chung sống, cùng song hành:
 
- Cả hai ngài sinh cùng năm (Đức TGM Giu-se sinh 4/9/1952 tại Mỹ Sơn, Lạng Sơn; Đức cha Giu-se sinh 2/7/1952 tại Cao Mộc, Thái Bình). Hai ngài đều là người gốc Bắc di cư 1954; cùng thuộc Giáo phận Long Xuyên.
 
- Ngày 21/8/1964 các ngài nhập Tiểu Chủng viện Thánh Tê-rê-sa – Gp. Long Xuyên. Hai ngài trở nên đôi bạn thân thiết từ đây. Do thời cuộc nên Đức cha Giu-se học tại Đại Chủng Viện Thánh Giu-se – Sài Gòn và chịu linh mục ngày 26/10/1985; Đức TGM Giu-se tiếp tục học ở Đại chủng viện Thánh Tô-ma – Long Xuyên và chịu chức linh mục  ngày 31/5/1991.
 
- Đến ngày 3/12/1993, các ngài cùng được gửi đi du học tại Đại Học Công Giáo Paris. Suốt thời gian học ở đây, các ngài luôn song hành bên nhau trong mọi biến cố của cuộc sống.
 
- Sau này cả hai ngài được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II bổ nhiệm làm Giám Mục (Đức TGM Giu-se được bổ nhiệm ngày 18/6/1999; Đức cha Giu-se được bổ nhiệm ngày 14/7/2001).
 
Ngày 27/2/2017, được tin Đức cha Giu-se Vũ Duy Thống lâm trọng bệnh và phải nhập viện cấp cứu, Đức tổng Giu-se đã rất lo lắng cho sức khỏe người bạn thân. Ngài đã liên lạc thăm hỏi về tình hình sức khỏe Đức cha Giu-se. Suốt những ngày đó, ngài đã luôn cầu nguyện và xin cộng đoàn Đan viện Châu Sơn cùng với ngài cầu nguyện cho Đức cha Giu-se nhiều ơn lành của Chúa.
 
Trước đó một năm, trong dịp Đức cha Giu-se đi họp Hội Đồng Giám Mục tại Giáo phận Thái Bình, Mùa Phục Sinh, tháng 4 năm 2016, ngài đã ghé Đan viện Châu Sơn Nho Quan để thăm Đức TGM Giu-se. Đây là dịp cuối cùng hai ngài gặp nhau trên hành trình dương thế.
 
Ngày 1/3/2017, khi nghe tin Đức cha Giu-se được Chúa gọi về, hiện lên trên khuôn mặt Đức tổng Giu-se sự trầm lắng, thấm đượm một nỗi buồn. Vì Chúa đã gọi đi người bạn tri kỷ, lúc tuổi đời còn chưa già (65 tuổi). Đặc biệt  ngài là một người đang cần thiết cho Giáo phận Phan Thiết, cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Có lúc Đức tổng Giu-se đã buồn thốt lên:“Giá được tôi đi thay ngài thì tốt hơn, vì tôi đã nghỉ không làm việc, còn ngài đang làm nhiều việc cho Giáo hội”.
 
Trong suốt mấy ngày qua, ngài đã cầu nguyện thật nhiều, chia sẻ thật nhiều với anh em trong gia đình Đan viện Châu Sơn Nho Quan. Suốt ngày, Đức tổng đã mở lại video để nghe những bài hát do Đức cha Giuse sáng tác và do chính ngài hát. Ngài còn phân tích nội dung và ý nghĩa từng bài hát đó; ngài nói, “hơn hai hết, tôi rất hiểu con người, tâm tính của Đức cha Giuse: một con người thông minh tài trí hơn người, hiền hòa, đơn sơ, giản dị, tinh tế và tế nhị, luôn thể hiện phong cách một người nghệ sĩ mang lại niềm vui cho mọi người”. Đức tổng còn mở những trang album ảnh kỷ niệm của hai người một thời bên nhau khi du học ở Paris cho mọi người xem, và kể lại những kỷ niệm trân quý đó. Sát cánh bên Đức tổng mới hiểu được những tâm tình thật cảm động, mà ngài đã dành cho người bạn thân là Đức cha Giuse.
 
Sáng Thứ 7 ngày 4/3/2017, Đức tổng Giu-se cùng Quý cha, Quý thầy trong gia đình Đan viện Châu Sơn Nho Quan đã dâng thánh lễ trọng thể cầu nguyện cho Đức cha Giu-se. Trong bài giảng với chủ đề: Mùa Của Tình Thương, Đức tổng đã diễn tả tình thương của Thiên Chúa đối với ông Lê-vi, qua bài Tin Mừng Lc 5,27-32. Với ba động từ “ Tìm – Gọi – Chọn”. Trình tự theo ba bước, Chúa đã đi tìm Lê-vi khi ông đang ở bàn thu thuế, rồi Chúa gọi ông đi theo Ngài, cuối cùng Chúa đã chọn Lê-vi làm tông đồ, cho ông được chia sẻ vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
 
Từ bài Tin Mừng, Đức tổng Giu-se đã liên tưởng đến Đức cha Giu-se: “Tuy tài cao học rộng nhưng tính tình ngài phóng khoáng, phong cách giản dị, hoà đồng với mọi người. Hôm nay chiêm ngắm Chúa Giê-su đồng bàn với các bạn bè của Mát-thêu tôi thấy hiện lên hình ảnh của ngài. Ngài sẵn sàng đồng bàn với đủ mọi người thuộc mọi tầng lớp giai cấp, văn hoá, phe nhóm và quan điểm khác nhau.  Không bao giờ bệ vệ uy nghi quan cách, nhưng luôn vui tươi đơn sơ. Ngài chuyện trò rất vui. Có thể ngẫu hứng hát một bài phục vụ mọi người.
 
Cũng như Chúa Giê-su yêu thương và cư xử tế nhị với người tội lỗi, trân trọng và tuyển chọn Mát-thêu, đức cha Giu-se không lên mặt đạo mạo dậy đời. Trái lại ngài rất tinh tế và tế nhị. Không đồng tình với cái xấu nhưng luôn yêu thương và kính trọng người lầm lỗi. Vì thế những góp ý dậy dỗ của ngài khéo léo tế nhị và đi vào lòng người. Ta có thể thấy được điều đó qua các tác phẩm thi ca của ngài”.
 
Mùa Chay là mùa Chúa tỏ tình yêu thương đi tìm cứu độ con người. Đức Cha Giu-se đã là người thợ làm trong cánh đồng của Chúa. Ngài không ngừng gieo và gặt yêu thương. Ảnh hưởng yêu thương và hiệp nhất ngài tạo ra thật lớn lao và sâu xa. Tưởng nhớ ngài, chúng ta hãy tiếp tục công việc tốt đẹp của ngài: yêu thương và kính trọng mọi người. Để mùa yêu thương nở rộ khắp nơi.
 
 
M.Benado – BTT Đan viện Châu Sơn NQ
 
 
ĐÔI DÉP ẤY…
 
Bóng chiều đã ngã, những khoảnh khắc chênh chao lơ lửng của cái nắng đầu tháng ba ở Bình Thuận cũng khá gay gắt, rát bỏng. Trên chiếc xe lăn bánh vội vàng tiến về “nhà chung” của Giáo Phận, để tưởng nhớ hương hồn Đức Cha Giuse, người cha chung kính yêu vừa mới “tạ thế”. Trong tâm trạng nhớ thương ấy, bầu không khí ảm đạm ở các giáo xứ dọc hai bên đường quốc lộ, từ giáo xứ Đông Hà ra tới Tòa Giám Mục, ở đâu cũng băng rôn “vô cùng thương tiếc Đức Cha Giuse”, cờ tang thương màu tím. Màu tím bao phủ khắp các giáo xứ và toàn Giáo Phận. Màu tím, màu của “phân ưu”, màu của chia buồn, màu tang thương khóc lóc và đau khổ. Tuy nhiên, màu ấy cũng là màu của sự trung thành và chung thủy. Màu của niềm hy vọng Nước Hằng Sống.
 
Thứ tư lễ tro, ngày chay tịnh của toàn Giáo Hội, ngày của lòng sám hối với việc xức tro trên đầu để nhắc nhớ phận người mong manh, mọn hèn và dễ vỡ. Ngày ấy thật đầy bất ngờ khi anh em trong Tu Đoàn được tin Đức Cha Giuse đã ra đi. Trong giờ cơm trưa hôm ấy, vì là ngày chay, trên bàn ăn của anh em chỉ có máy miếng đậu hũ, một chén cà muối và một tô cơm cũng vơi hơn mỗi ngày. Bầu không khí của giờ cơm hôm nay thật lặng lẽ, trầm lắng và ngậm ngùi thương nhớ, vì sự ra đi của Đức Cha Giuse, để lại trong anh em biết bao sự ngỡ ngàng.
 
Ngồi trên xe, tôi miên man hoài niệm lại như thế, rồi chợt tĩnh kiếp người vắn dài cũng như ai:
 
“ Mai tôi đi…chẳng có gì quan trọng,
Lẽ thường tình, như lá rụng mùa thu,
Như hoa rơi trước gió ở bên thềm,
Chuyện vô thường giữa giòng đời nổi trôi”
 
Thực vậy, Đức Cha Giuse ra đi để lại bao nỗi niềm tiếc thương cho mọi thành phần con cái trong Giáo Phận. Ngài ra đi như một chiều Chúa gọi về và ngài sẵn sàng lên đường. Khi còn sống trên trần gian, ngài đã xác tín ơn gọi của mình từ tình yêu Chúa Kitô hấp dẫn ngài: “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14). Và giờ đây, khi ngài  “tạ thế”, chúng ta cũng xác tín rằng: ngài đã hoàn thành cuộc đời và ơn gọi của mình trước lời mời gọi đó của Đức Kitô.
 
Trong những ngày vừa qua, trên trang mạng xã hội facebook, người ta hay đăng tải và chia sẻ bài hát “Đôi Dép” mà chính ngài phổ nhạc và trình diễn. Quả thực, ngài như là một nghệ sĩ chuyên nghiệp, đã gửi những tâm tình trải nghiệm sâu sắc vào bài hát ấy, làm rung động lòng người.
 
Mối tình của ngài với Giêsu như mối tình của đôi dép. Hai chiếc dép ấy, “Giêsu và Duy Thống” dường như rất bình dị, khiêm tốn nhưng vô biên tuyệt diệu. Cái duyên được sinh ra làm người, và thật là thần thiêng khi kết thân tri kỷ với Giêsu. Và suốt một đời trung thành với Ngài, dù cuộc đời Mục Tử lắm truân chuyên buồn tủi:
 
“ Bài thơ đầu tôi viết tặng cho em
Là bài thơ tôi viết về đôi dép
Khi nỗi nhớ ở trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng viết thành thơ.
 
Hai chiếc dép kia gặp gỡ tự bào giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau”
 
Với dòng đời 65 năm làm người, 32 năm linh mục, 16 năm Giám mục, chắc đôi dép ấy cũng đã mòn gót nhiều lắm, đã đứt quai đôi lần, đã đụng chạm với biết bao nhiêu đau thương và yếu đuối của phận người, đã lấm lem biết bao nhiêu bụi trần. Nhưng chúng ta tin rằng, đôi dép ấy đã được Thiên Chúa của ngài làm cho nên sạch trong, đã gọt giũa nên tinh tế và rửa cho hết lấm lem bụi trần để trở nên tinh tuyền.
 
“Cùng bước, cùng mòn không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác
Số phận này phụ thuộc vào chiếc kia”.
 
Lòng trung thành và chung thủy của Đức Cha Giuse với Giêsu, với lý tưởng ơn gọi thánh hiến thật tròn đầy. Ngài là một Mục Tử trẻ trung, năng động, một Mục Tử nghệ sĩ, yêu ca hát và văn phong dí dỏm sâu sắc. Ngài chấp nhận lệ thuộc và phó thác tất cả cho Giêsu, vì ngài biết rằng số phận của ngài là số phận của Giêsu, và định mệnh của Giêsu cũng chính là định mệnh của ngài. Ngài yêu cái định mệnh “không kẻ thấp người cao”, “ bị chà đạp”, nhưng không bao giờ chia xa, vẫn một lòng sắc son chung tình. Dù cuộc đời Mục tử lắm chông chênh, nhưng ngài luôn luôn “đặt thuộc lòng” bàn chân mình vào Đôi Dép đầy yêu thương ấy. Bởi thế, Đôi Dép ấy đã bảo vệ ngài trên mọi nẻo đường, đã bao bọc đôi chân mền yếu của ngài trong cương vị Mụcc tử, và nhất là cùng đi với ngài trên suốt hành trình dương thế, để cuối cùng ngài đạt tới đích, đích của niềm vui về Nhà Cha.
 
“ Nếu một ngày một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế đều trở thành khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu”
…………
Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia.”
 
Thế là từ nay vắng bóng ngài, mọi thành phần trong Giáo Phận thương nhớ ngài. Chúng con xin chân thành tri ân Đức Cha Giuse và xin lưu lại những tình cảm của ngài dành cho Tu đoàn chúng con trong dòng chảy lịch sử phát triển. “Chảy đi sông ơi với biết bao nhiêu bí ẩn và huyền nhiệm ẩn chứa trong lòng ngươi! Ta nghiêng mình kính cẩn chào ngươi như vị thầy dạy sự khôn ngoan và triết lý cuộc đời. Chảy đi sông ơi với biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và máu đào hòa quyện trong lòng ngươi! Là dòng sông của lịch sử và cuộc đời, ngươi phản chiếu cho ta hình ảnh hào hùng của các Vị Tiền Nhân đã để lại dấu ấn khó phai mờ. Ta biết ơn Ngài, thì cũng trân trọng tri ân ngươi.”
 
Xin Chúa cho linh hồn Đức Cha Giuse hưởng niềm vui bên Chúa muôn đời.
 
Ngày 03 tháng 03 năm 2017
 
vptudoan
 
THÔNG VẪN VI VU
( Kính dâng hương hồn Đức Cha Giuse)
 
 
Thông reo vi vu giữa trời đông
Như tiếng mẹ ru ấm cõi lòng…
Khoảnh khắc ngọt ngào tan biến mất
Còn đây giọt lệ sầu mênh mông.
 
Thông vẫn vi vu giữa gió chiều…
Lạnh lùng trời xám sầu cô liêu
Hoa tang ngấn lệ trong thương tiếc
Đôi dép’ ngẩn ngơ nỗi đìu hiu.
 
Thông vẫn vi vu giữa đêm trường
Chưng hững hồn ai lệ vấn vương
Ngậm ngùi…đắng đót…sầu nức nở
Câu kinh nghẹn ứ… đời vô thường.
 
Thông vẫn vi vu vẫn khát khao
‘Ba ca lửa cháy’ thật dạt dào
Để ‘Gọi tên em’, ‘Một chút’ đó
Giữa đời ‘Gieo - gặt’, ‘Tít trên cao’.
 
Thông vẫn vi vu giữa cuộc đời
‘Như hạt cà phê’ trong nước sôi
Đôi khi’ bỗng thấy đời hờn dỗi
Thông vẫn vi vu ‘Vừa đủ thôi’.
 
Thông vẫn vi vu giữa đất trời
In ‘Dấu chân’ Người bước xa xôi
Yêu thương làm tim ai nhức nhối
Quặn thắt ... nghẹn ứ chẳng nên lời.
 
Thông vẫn vi vu giữa ngậm ngùi
Để được thấy ‘Mẹ trọn niềm vui’
Câu hỏi ‘Sao không?’ Mẹ đã dặn
Vào một giấc ‘Mơ’ đời ngọt bùi.
 
 
(Các tựa đề bài hát trong dấu ngoặc kép được trích trong “Album Đôi khi…”)
 
Hạc Thinh Minh
 
03.03.2017 – Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc.
 
 
 CHÚA GỌI !
 
 
Trên các trang mạng đăng tin “cáo phó” Đức Giám Mục Giuse VŨ DUY THỐNG , Giám Mục GP Phan Thiết được Chúa gọi về sáng nay lúc 08g ngày 01/03/2017 , tại Sài gòn. Hưởng thọ 65 tuổi.
 
Thương tiếc và bùi ngùi, dù biết rằng : Đời người mong manh, ngắn dài vô định. Chỉ có Thiên Chúa mới làm no thỏa và bù đắp vào sự mong manh ấy. Dẫu vậy, khi được Chúa gọi về, chúng ta vẫn lắng đọng, tha thiết, ưu tư với người quá cố.
 
Đức cha Giuse Vũ Duy Thống là một người hiền lành, khiêm tốn, sống khó nghèo, có nhiều tài. Ai cũng biết ngài là nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ và giáo sĩ, học vị thì thạc sĩ thần học. Thật là một vị Giám Mục đa tài, nhiều chữ sĩ.
 
Dù bận nhiều công việc mục vụ, nhưng, ngài vẫn dành thì giờ chia sẻ Lời Chúa trên các trang mạng Công giáo. Những bài chia sẻ sâu sắc, nhẹ nhàng, lắng đọng, súc tích, hầu mong muốn chuyển tải được “ý Chúa “ đến với độc giả, những ai khát khao “món ăn “ Lời Chúa. Các mùa trong năm Phụng Vụ, ngài thương xuyên gởi bài chia sẻ. Nhất là các Mùa Vọng, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh… Những bài viết đã đi vào lòng độc giả.
 
Con có dịp duy nhất được gặp ngài cách “đường đột”, với người chưa quen trước, nhưng, khi gặp, phong cách Đức cha thật nhã nhặn, dễ thu hút người đối diện, ngài thật khiêm nhường đức độ, chịu lắng nghe, không xua đuổi, trao ban tận tình nhu cầu của người muốn diện kiến. Nếp sống khó nghèo, đơn sơ, giản dị khi ngài còn làm cha giáo Đại Chủng Viện Thánh Giuse- Sài gòn, chắn chắn, sự nhận xét của con còn thiếu sót, chưa diễn tả đủ về ngài. Nhưng, những ai từng được thân cận ngài sẽ xác tín điều ấy.
 
Dẫu rằng khi Chúa gọi, thì không ai có thể nấn ná,trì hoãn được, nhưng tuổi 65 là tuổi đẹp nhất của đời giám mục. Tuổi đang thao thức cho công việc mục vụ chủ chăn của giáo phận. Giáo phận Phan Thiết trong thời gian qua, “ Chúa gọi “ liên tiếp ba vị Giám Mục về với Chúa. Nếu so sánh tuổi, thì Đức cha còn kém Đức cố nguyên Giám mục Nha Trang, vừa qua đời tuần trước, hơn 20 tuổi. Tính theo tuổi đời, thì Đức cha còn phục vụ 10 năm nữa mới hưu, sau khi hưu còn an dưỡng tuổi già thêm 10 năm nữa.
 
Mỗi người Kitô hữu đều được Chúa gọi, được gọi làm con Chúa, được gọi dấn bước theo Ngài trong sứ vụ mục tử và sau cùng được gọi lần cuối. Dù , thương tiếc , bùi ngùi, nhưng khi được gọi, chính là lúc Chúa thương nhiều nhất, Đức cha ra đi vào một ngày đầy ý nghĩa, thật tốt đẹp, vì là ngày Lễ Tro, ngày đầu của tháng kính thánh Giuse, có thể nói là ngày hồng phúc.
 
Mùa Chay 2017 sẽ thiếu vắng những bài chia sẻ của Đức cha trên các trang mạng Công giáo, là thiếu đi những lời chỉ dẫn, những lời tâm tình cho con đường thiêng liêng của quý độc giả. Và, sứ vụ tại Tàpao năm nay, kỷ niệm Năm thánh Fatiama, sẽ thiếu đi hình ảnh vị mục tử hiền hòa, nhiệt tâm, một vị tông đồ của Thánh Mẫu Tàpao. Nhưng, dù sao, dẫu hơi sớm, nhưng, ngài đã hoàn tất hành trình dương thế một cách tốt đẹp.
 
Xin tạm biệt Đức cha, mong sao, Đức cha sớm được lãnh nhận triều thiên thiên quốc. Nơi quê hương đích thật mà Đức cha đã thể hiện bằng niềm tin của mình.
 
Nguyện xin Thánh Mẫu Tapao, thánh Cả Giuse , vị thánh Quan Thầy của ngài, tiến dâng ngài lên trước tôn nhan Thiên Chúa, để hợp cùng thần thánh chúc tụng và ca ngợi Thiên Chúa muôn đời. Amen
 
Xin thành kính cầu nguyện cho Linh Hồn Đức cố Giám Mục Giuse được nghĩ yên muôn đời. Và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên Linh Hồn Đức Giám Mục Giuse.
 
01/03/2017
P.Trần Đình Phan Tiến
 
         THƠ TIỄN BIỆT
 
Đường về Phan Thiết buổi chiều nay
Sao vắng bóng ai, vắng lặng đường ?!
Như cũng tiễn đưa một thi sĩ
Lặng lẽ, bình an trong hy tế
 
Dâng trọn cuộc đời như Hiến Lễ chiều hôm
Đơn sơ, phó thác lòng thành tín
Sáu mươi lăm năm, một kiếp người
Thi hành trong tinh thần khiêm tốn
 
Lãnh đạo dân Người theo bước Giêsu
Ôi, đẹp thay, lòng trung trinh tận hiến
Trở nên huyền nhiệm một bóng hình
Nối dài ơn cứu độ một cánh tay
 
Chăm chút từng ngày , ôi, sứ vụ  !
Khi giờ đã điểm , đáp “tiếng vâng !”
Kiếp người, phù du, là thế đó !
Phận tro bụi, ôi , cũng là đây !
 
Chỉ còn tình Chúa đong đầy nhé !
Cho thỏa hồn con , ôi, ngất ngây !
Thiên đàng bên Chúa , con phủ phê
Trả kiếp gian trần, ôi, lạy Chúa !
 
Để từ nay, con sống kiếp thiên thần
Khi gọi con, ngày tượng thai
Đến khi con được đủ hình hài
Trở nên con Chúa , đời tín hữu
 
Rồi đến trưởng thành, Chúa lại gọi con
Bước theo, làm tông đồ dũng sĩ
Ở bên người, con vẫn luôn vững chí
Để hôm nay, Người lại “ gọi con “ về
 
Hạnh phúc tràn trề, dù thế nhân thương khóc
Họ chưa cảm nghiệm rằng : Tình Chúa cao minh
Bên Chúa, con say tình, đáp tình
Hết bận bịu, hết chuỗi ngày đơn lẻ
 
Ôi, từ nay con được diện kiến Người
Trong bến tình, thỏa những ngày cố gắng
Bến bình an, suốt một chặng đường
Về đến đích là thỏa say tình “ Chí Thánh “./.
 
Kính tiễn biệt Đức cha Giuse.
01/03/2017
 
P.Trần Đình Phan Tiến 
 
 
Cha ơi!
(Tưởng nhớ hương hồn Đức Cha Giuse)
 
 
Con khóc thật hôm nay sao buồn quá,
Cha đi rồi sao Cha hỡi Cha ơi!
Nước mắt cứ không ngừng chảy trên môi,
Mặn đắng quá không gì diễn tả nỗi.
 
Con đã khóc nhiều lần trong cuộc sống,
Mà hôm nay sao đắng đến tận lòng.
Mới hôm nào nghe giọng nói của Cha,
Rồi sáng nay biền biệt mãi không về.
 
Mặc ai nói mặc ai cười mặc ai chê,
Cho con khóc một lần sau vĩnh biệt.
Một người Cha đã giúp con hồi sinh
Tự độ Cha về nắng ấm cả bình minh.
 
Thông vút cao Vi Vu giữa đại ngàn,
Phan thiết Phan Thiết tình Cha tha thiết
Sóng trùng khơi vỗ mãi những con tàu.
Hôm nay tiễn Cha một chuyến dài ngàn hải lý.
 
Dẫu con thấy có điều gì vô lý,
Nhưng con tin ơn Thánh Chúa Phục sinh.
Vẫn có Cha nghĩa nặng với ân tình,
Cùng in dấu với đoàn con cất bước.
 
Lm Giacobe Tạ Chúc
 
 
VI VU PHẬN NGƯỜI!
 
Đức cha giờ đã đi xa,
Mà con chưa gặp để ta gặp người.
Tâm tình “đôi dép” vui tươi,
Lời cha cảm tác lòng người nghĩ suy.
 
Triết lý cuộc sống tư duy,
Lời ca tiếng hát nghĩ suy phận người!
“Đôi dép” so le với đời!
Niềm tin vào một Chúa Trời tươi vui.
 
Phận người là kiếp tới lui.
“Dấu chân” vẫn mãi lui cui tìm người.
Câu ca vang vọng Chúa Trời,
Rời xa dương thế vui cười mãi thôi!
 
Lời ca dâng tặng Chúa tôi,
Vi Vu thánh thót cùng tôi dâng ngài.
Hôm nay rồi lại ngày mai,
Ngợi ca Thiên Chúa trên ngai chín tầng.

Cảm tác trong những ngày lễ tang của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống và xin cám ơn những bài thánh ca vào đời của Đức Cha Giuse đã giúp con giữ vững niềm tin vào Chúa
 
Một người lữ khách giáo phận Sài Gòn.
 
 
 
 
MỘT CHÚT LUYẾN LƯU
Viên Đá Đầu Tiên Là Viên Đá Cuối Cùng
 

 
Mấy hôm nay, trên trang mạng của các Giáo phận, người ta đưa tin nhiều về hình ảnh của Đức cố Giám mục Giuse, Giám mục Giáo phận Phan Thiết. Ngày 6 tháng 3 vừa qua, tại nhà thờ Chánh Tòa Phan thiết, người ta đã đặt một viên đá cuối cùng lên Ngài, và dường như những bài viết hay hình ảnh của Ngài lại “im lìm” như đưa Ngài vào cõi yên giấc ngàn thu.
 
Từ hình ảnh viên đá cuối cùng mà người ta đặt trên Ngài, tôi lại “xoay vòng” để viết về viên đá đầu tiên mà Ngài vừa đặt vào ngày 15 tháng 2 tại Giáo xứ La Dày. Viên đá đầu tiên ấy lại trở thành viên đá cuối cùng. Và cũng từ viên đá này, Đức cha Giuse không còn đặt một viên đá đầu tiên nào nữa nhưng Giáo phận Phan Thiết lại đặt viên đá cuối cùng lên Ngài.
 
Tôi như được linh tính báo trước về công việc xây dựng công trình nhà thờ, nhà xứ và nhà giáo lý là phải “tự thân một mình”. Ngay từ lúc xin Ngài định ngày lễ Đặt viên đá, Ngài chỉ dành cho tôi một câu: “can đảm lên con nhá”. Giữa ngày tĩnh tâm năm của linh mục đoàn giáo phận, Ngài gọi tôi lên và cho “một chút” cũng chỉ bởi một câu: “cha cho con một chút để về chuẩn bị lễ Đặt viên đá, chắc là không có nữa đâu”. Rồi tới ngày lễ Đặt viên đá, khi ra về, với cái bắt tay chân tình, Ngài đã vỗ tay tôi ba lần cũng chỉ bởi một câu: “cứ tự tin mà xây con nhá”. Lời nhắn nhủ ấy đã mang đến trong tôi như một dấu hiệu buồn. Chỉ ít ngày sau Lễ Đặt Viên đá đầu tiên, trên đường đi hành hương cha FX Trương Bửu Diệp, có người đã gọi điện cho tôi: Đức cha đang được điều trị đặc biệt trong bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Nước mắt tôi đã tự rơi từ lúc nào và miệng tôi cũng tự đưa ra lời đáp:  con có linh cảm Đức cha đã ra đi thật rồi.
 
Trở về từ Thánh lễ an táng của Ngài, nhìn viên đá cuối cùng mà người ta đặt lên Ngài, tôi lại quay về kỷ niệm thân thương của viên đá đầu tiên. Tôi muốn lấy lại những hình ảnh của viên đá đầu tiên cất đi làm thành một kỷ niệm đẹp thì hình ảnh của viên đá đầu tiên trong thánh lễ cũng có dấu hiệu của viên đá cuối cùng. Tôi mơ hồ nhưng cũng cố chạy lên coi lại viên đá đầu tiên mà Đức cha đã đặt. Thật là một sự trùng hợp đáng sợ. Trên hình chụp của viên đá đầu tiên trong thánh lễ với các cha vào lúc cuối thánh lễ. Nhìn qua viên đá tôi lại sửng sốt “bên gốc phải của viên đá lại có một gốc đen như là Ái tín đưa tin một người qua đời”.
 
Giờ thì Cha đã ra đi còn con ở lại. Mỗi sáng thức giấc con lại thấy “hạt cà phê” bên cửa. Mỗi lần lên đồi con lại nghĩ về “đôi dép”, hay mỗi lần đi chợ con lại nhớ về “củ cà rốt” xinh xinh. Nhưng dấu ấn Cha dành cho con vẫn là viên đá. Từ đây, con sẽ xây mà thiếu Cha – và con lại phải “ từng bước” một thôi. Có lúc con lại phải thốt lên “Cha ơi, một mình con không thể”, nhưng nhớ về những kỷ niệm bên Cha thì “một chút” thôi sẽ lại động viên con lại tiếp tục công việc của mình.
 
Cha ơi! “Thông Vi Vu” đã làm nên những lời ca tuyệt đẹp. Con là “Luyến” một dấu láy xin được đặt cạnh Cha. Cha và con cùng làm thành bản tình ca. Bản Tình ca La Dày muôn thưở - Tình Ca Của Viên Đá Đầu Tiên Là Viên Đá Cuối Cùng.
 
Cha ơi! “Thông Vi Vu” như dòng nhạc tưởng nhớ. Xin cha mang theo dấu “luyến” này, để con được hoàn thiện một ước vọng nơi Cha.
 
Cha ơi! Xin cho con được đặt dấu “luyến” này bên dòng nhạc của cha luôn mãi. Để con làm nên một nốt lặng thêm hưng phấn cho đời.
 
Cha ơi! Cho con gắn dấu “luyến” này vào dòng nhạc Cha để con được giống Cha luôn đem niềm vui đến cho người.
 
Và Cha ơi! xin gắng dấu “luyến” này vào dòng nhạc của cha để con được chung phần hạnh phúc cùng cha muôn thưở muôn đời.
 
Nhớ về Cha.
Lm Giacôbê Tống Thành Luyến
 
Thương Quá Một Chút Xíu Ơi !
 
Cạnh một tâm tình của một vị chủ chăn, Đức Cố Giám Mục Giuse lại có một chút bên mình tâm tình của một nhạc sĩ, một giọng hát thật ngọt ngào. Và, lòng trải lòng những tâm tình của Đức Cha được viết thành thơ và thành nhạc và dòng nhạc ấy đã đi vào lòng người.
 
Nhạc sĩ Giám Mục Thông Vi Vu đã đến trong cuộc đời này và đã để lại trong cuộc đời nét đẹp của người mục tử.
 
Còn nhớ trong bài chia sẻ trong Thánh Lễ chia tay Đức Cha Giuse về với giáo phận Phan Thiết, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã gợi lại cho cộng đoàn “linh đạo” của Đức Cha Giuse. “Linh đạo” của Đức Cha Giuse nổi bật ở 3 điểm : Nút vòng xoay, Từng bước một thôi, Hạt nắng vô tư.
 
Văn là người và lòng đầy thì miệng mới gợi ra. 3 nét đặc trưng trong cung cách sống, linh đạo hay cách này cách khác diễn tả, Đức Cha Giuse đã để lại nơi cộng đoàn dân Chúa một tấm lòng quý mến hết sức đặc biệt.
 
Chắc có lẽ ai nào đó đã hơn một lần gặp gỡ, tiếp xúc với “Chút Xíu” đều nhận ra “Chút Xíu” thật dễ thương và lắng đọng, và nhất là “Chỉ một chút ân cần xa xôi cũng thành gần”. 
 
Trân quý tấm lòng và cả con người của Đức Cha Giuse, chúng tôi bàn với nhau trong dịp Lễ gần nhất chúng tôi mời Đức Cha xuống dâng Lễ. Và, dự định đặc biệt chúng tôi dành cho Đức Cha là Đức Cha sẽ hát vài bài mà Ngài yêu thích trước khi vào Thánh Lễ.
 
Cùng với tấm lòng quý mến Đức Cha, chàng ca sĩ dễ mến Phan Đình Tùng cũng định một ngày nào đó gần nhất sẽ ra Phan Thiết để tập dợt với Đức Cha để cùng hát với Đức Cha
 
Dịp lễ an táng của bà cố của một nữ tu, được gặp Đức Cha và tôi đã ngỏ lời kính mời Đức Cha. Nhận lời mời, Đức Cha rất vui vẻ nhưng Ngài thòng lại một câu : “Nếu hôm đó tớ khỏe tớ sẽ xuống ! Mấy hôm nay tớ ho quá !”.
 
Khi chào và lên xe ra về thì lại đón nhận được câu chân tình : “Cậu tên gì để tớ nhớ !”
 
Lên xe đi rồi mà hình ảnh của người Cha thật dễ thương vẫn còn đó và cho đến tận bây giờ vẫn chưa phai.
 
Trong những ngày qua, nhiều tâm hồn, nhiều con tim thổn thức quan tâm đến sức khỏe của Đức Cha khi hay tin Đức Cha lâm bệnh. Nhiều và nhiều lời cầu nguyện dâng lên Chúa xin cho Đức Cha qua khỏi cơn ngặt nghèo. Thế nhưng rồi sáng hôm nay, 8 giờ 00, Đức Cha đã tạ từ ra đi.
 
Dẫu rằng Đức Cha đã ra đi nhưng rồi hình ảnh “Chút Xíu thôi” vẫn còn đâu đó quanh đây.
 
... Một chút những cơn gió nhẹ hội về thành bão lớn
 Một chút những phút giây nên xoay vần năm tháng 
Một chút những phút thứ tha rộn vui mà lắng động 
Chỉ một chút hy vọng tin yêu sáng ngập lòng 
Một chút những viên đá nhỏ, một chút cánh tay khép liền 
Một chút, chỉ một chút, chút xíu thôi....
 
Tạm biệt Cha người Cha yêu dấu của chúng con. Tạm biệt “chút xíu” thôi bởi cuộc đời là vắn vỏi và vô thường.
 
Giờ đây, trong lòng tin tưởng và phó thác cho Lòng Thương Xót Chúa, “Chút Xíu” đã được hưởng Nhan Thánh Chúa và xin thương cầu nguyện cho những người còn ở lại và hẹn gặp nhau trên Nước Trời.
 
“Chút Xíu” ra đi bình an “Chút Xíu” nhé !
“Chút Xíu” nhớ cầu nguyện cho chúng con “Chút Xíu” nhé !
 
Người Giồng Trôm
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây