GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


CHẦU THÁNH THỂ – CHÚA NHẬT V PHỤC SINH - NĂM C

CHẦU THÁNH THỂ – CHÚA NHẬT V PHỤC SINH - NĂM C
CHẦU THÁNH THỂ – CHÚA NHẬT V PHỤC SINH, NĂM C

I. KHAI MẠC: Kinh Chúa Thánh Thần, Tin, Cậy, Mến, Ăn năn tội
Hát: Lòng Chúa Ái Tuất
II. TÔN VINH THÁNH THỂ
Kính lạy Chúa Giêsu tình yêu, khi đến trong trần gian, Chúa đã giới thiệu cuộc đời mình như một sự phục vụ toàn diện trong tình yêu duy nhất. Người đã yêu mến và phục vụ Chúa Cha, bằng cách hy sinh cuộc đời để thực thi giao ước mới. Cũng trong hy sinh như vậy, Người đã phục vụ nhân loại chúng con. Bằng tất cả tâm tình hy sinh, Người hiến dâng mạng sống bằng sự quên mình và cái chết trên thập giá, và bằng sự ẩn mình khiêm hạ trong Bí Tích Thánh Thể huyền linh.
Qua đó, Người giới thiệu đức bác ái, như con đường mà chúng con phải đi theo. Đời người Kitô hữu sẽ không trọn vẹn và mai một đi, nếu không lướt thắng mọi trở ngại, để sống con đường tình yêu mà Chúa đã gọi mời: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.
Lạy Chúa, dưới chân thập giá và chan hòa trong ánh sáng Thánh Thể tình yêu, chúng con đang học yêu và phải yêu trong chân lý. Tuy nhiên, trong đời sống hằng ngày, chúng con nhận thấy mình còn nhiều khiếm khuyết, gây ảnh hưởng đến tha nhân, và tình yêu tinh tuyền của Chúa.
Xin giúp chúng con luôn biết thấm nhuần và kết hợp trong tình yêu Chúa, để chính tình yêu này là gốc rễ bác ái sâu xa trong đời sống chúng con – một đời sống Kitô hữu mang đậm tình yêu huynh đệ theo Tin Mừng.
Hát: Xin Cho Con Biết Lắng Nghe
III. ĐỌC LỜI CHÚA: Ga 13, 31 – 33a. 34 – 35  
IV. SUY NIỆM (mời cộng đoàn ngồi)
Đức Giêsu Kitô đã yêu nhân loại chúng ta đến tận cùng và với một tình yêu hy sinh trọn vẹn bằng chính cái chết đau thương trên thập giá. Ngài đã để lại cho chúng ta một giới răn, mà Ngài gọi là giới răn riêng của Ngài: “Giới răn của Thầy là các con hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu các con”.  Vâng lời Thầy Chí Thánh, người tín hữu Kitô đã rất cố gắng thực thi giới răn yêu thương của Chúa trong từng hoàn cảnh sống của mình. Tuy nhiên, dù con người có nhiều thiện chí, nhưng trên dòng đời xuôi ngược đầy phức tạp, lắm đa đoan, đôi khi chúng ta đánh mất đi ý nghĩa sâu xa của tình yêu huynh đệ; không còn nhận ra nơi tha nhân hình ảnh của Thiên Chúa. Và giới răn mà Đức Kitô từng dạy, dường như cũng bị phai nhạt dần trong nhịp sống hối hả thường ngày.
Đã hơn hai ngàn năm trôi qua kể từ khi Kitô giáo xuất hiện, nhân loại vẫn còn chìm trong chia rẽ, ganh ghét, và tranh chấp. Chúng ta bị che mờ bởi muôn vàn thành kiến: từ giai cấp, gia đình, môi trường sống, cho đến tôn giáo và sắc tộc. Những rào cản vô hình ấy khiến con người ngày càng thu mình lại, sống dửng dưng trước niềm vui hay nỗi buồn của người bên cạnh. Sự đồng cảm dần biến mất, thay vào đó là sự thờ ơ, bình thản trong vỏ bọc an toàn và tiện nghi của bản thân. Thiện chí và lòng nhân ái cũng theo đó mà nguội lạnh.
Nhưng chính trong bối cảnh ấy, hơn bao giờ hết, con người trong thế giới hôm nay lại khao khát một tình yêu chân thật: tình yêu hiệp nhất, biết tha thứ và sẻ chia. Không ai là một hòn đảo. Không ai có thể sống trơ trọi một mình, bởi lẽ mọi người đều cần sự nâng đỡ, sẻ chia của người khác. Mối tương quan giữa người với người được Thiên Chúa siêu nhiên hóa, để trở thành một nhân đức, một định luật phải có của người Kitô hữu. Đó là mến Chúa và yêu người. Yêu thương không thể tồn tại nếu lòng người còn vướng bận bởi thành kiến. Chỉ khi tình yêu trở nên dịu dàng, xót thương và đồng cảm, nó mới thực sự mang đúng tinh thần của Đức Kitô.
Lời của Đức Giêsu vẫn vang vọng cho đến hôm nay: “Thầy ban cho các con một điều răn mới: các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Nhờ đó, người ta sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thầy.” Thấm nhuần giáo huấn ấy, Giáo Hội luôn đặt bác ái làm cốt lõi cho đời sống Đức tin. Bác ái không chỉ là một hành vi, mà là bản chất sống còn của người Kitô hữu. Là Kitô hữu, nghĩa là sống một tình yêu không giới hạn, không biên cương. Là biết quên mình để phục vụ, như chính Đức Kitô đã rời bỏ thiên quốc, để sống giữa nhân loại, để nối kết con người với Thiên Chúa và với nhau bằng sợi dây yêu thương.
Yêu thương là chấp nhận quên mình, để trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và cả những lời cầu nguyện thiêng liêng, đều hàm chứa một nghĩa cử tế nhị, và yêu mến thâm sâu đối với từng người anh em. Trong thư gửi cho giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô đã mời gọi giáo hữu sống yêu thương bằng cách: “Người có đức ái thì nhẫn nại, nhân từ, không ghen tỵ, không khoe khoang, không kiêu kỳ, không tham lam, không giận dữ, không mưu mô gian ác, không vui khi thấy sự bất công. Người có đức ái biết tha thứ mọi sự, trông cậy mọi sự, tin mọi sự, và hết lòng để chịu đựng mọi sự vì yêu thương”.
Lạy Chúa, còn chỗ nào cho hận thù, đố kỵ và vu khống tồn tại, nếu chúng con biết sống tha thứ, biết cầu chúc điều lành cho nhau, biết an ủi người đau khổ, khuyến khích kẻ nản lòng; biết sẻ chia với người túng thiếu, biết cầu nguyện cho kẻ tội lỗi, và nhớ đến những người đã khuất? Tất cả những điều ấy chính là men yêu thương của Đức Kitô, đang âm thầm lan tỏa, thúc đẩy chúng con sống như Chúa đã sống, và yêu như Chúa đã yêu.
(Mời cộng đoàn đứng)
Hát: Hỡi các dân tộc
V. TÂM TÌNH KẾT THÚC
Kính lạy Chúa Giêsu tình yêu, niềm hoan lạc đích thực mà Chúa ban cho chúng con lại nằm chính trong đức bác ái, nơi tấm lòng biết yêu thương và cảm thông với tha nhân. Chúa đã nâng lòng bác ái lên thành giới luật cao cả nhất trong đời sống người Kitô hữu. Chúa dạy chúng con: “Khi con dâng lễ vật nơi bàn thờ, mà nhớ mình còn bất hòa với anh em, thì hãy để lễ vật lại đó, đi làm hòa với người ấy trước đã, rồi hãy trở lại dâng lễ”. Như thế, nếu việc dâng của lễ trên bàn thờ với tấm lòng chân thành và thảo kính là điều cao trọng, thì việc sống trong yêu thương, an hòa với anh chị em lại còn làm đẹp lòng Chúa hơn biết bao.
Lạy Chúa, lời Chúa thật rõ ràng. Chúng con nghe, chúng con hiểu. Nhưng để sống và thực hành mỗi ngày thì quả thật không dễ dàng. Bởi cuộc sống chúng con còn nhiều trói buộc bởi những khó khăn, những tổn thương, và cả những nỗi mặc cảm âm thầm. Chúng con vẫn bị chi phối bởi định kiến, bởi cách ứng xử theo thói đời và sự phức tạp trong các mối quan hệ xã hội. Thật khó để yêu thương và cầu nguyện cho những người từng vu khống, làm hại chúng con. Khó để giang tay giúp đỡ những ai chỉ mang đến phiền toái, mà chẳng thể đáp đền điều gì.
Nhưng lạy Chúa, chúng con không cậy dựa vào sức riêng mình. Chúng con xin nương tựa vào sức mạnh của tình yêu Chúa và lòng nhân hậu từ ái của Mẹ Maria để có yêu như Chúa yêu, để có thể thắp sáng ngọn đuốc yêu thương nơi trần gian đang tăm tối vì hận thù, ghen ghét và những tư tưởng tiêu cực.
Mỗi hành động yêu thương chúng con thực hiện, dù nhỏ bé, cũng sẽ là từng bảo vật tích góp vào trong kho tàng của đời mình. Và chính từ kho tàng yêu thương ấy, chúng con sẽ mua được phần gia nghiệp vĩnh cửu, là hạnh phúc thiên đàng mà Chúa hứa ban. Amen.
Hát tạ: Đâu có tình yêu thương.
Nguồn: daminhtamhiep.net
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây