GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


LỄ VỌNG PHỤC SINH Lc 24,1-12

LỄ VỌNG PHỤC SINH Lc 24,1-12
220a153a dbf6 4833 a1e7 b7efb965d230
LỄ VỌNG PHỤC SINH

Lc 24,1-12

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca
1 Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn.
2 Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. 3 Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giê-su đâu cả.
4 Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ.
5 Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói : “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết ?
Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, 7 là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại.”
Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Đức Giê-su đã nói.
Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy.
10 Mấy bà nói đây là bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Gio-an-na, và bà Ma-ri-a, mẹ ông Gia-cô-bê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Đồ như vậy.
11 Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin.
12 Dầu vậy, ông Phê-rô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông thấy chỉ còn có những khăn liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra.

SUY NIỆM:  CHÚA SỐNG LẠI, HY VỌNG CỦA CHÚNG TA
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Trong thế giới hôm nay, nhiều người sống như thể Thiên Chúa không còn hiện diện. Người ta mải mê chinh phục vũ trụ, khai thác công nghệ, sáng tạo nên những kỳ tích khoa học vĩ đại... Thế nhưng, giữa những bước tiến thần kỳ ấy, vẫn không ít người ngỡ ngàng tự hỏi: "Thiên Chúa ở đâu, giữa một thế giới đầy bất an, chiến tranh, nghèo đói và đau khổ?" Có người thậm chí lớn tiếng tuyên bố: "Không còn chỗ cho Thiên Chúa trong thời đại kỹ thuật số!"
Thưa anh chị em, đó là một ngộ nhận lớn lao. Càng khám phá sâu xa thế giới vật chất và sự sống, khoa học càng làm sáng tỏ một sự thật: đằng sau mọi vận hành kỳ diệu của vũ trụ, có một Bàn tay nhiệm mầu, một Trí tuệ siêu việt đang âm thầm hướng dẫn. Như lời Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: "Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh?" (1 Cr 4,7). Thật vậy, tất cả những gì con người đang sở hữu từ sự sống, trí tuệ, đến những khả năng sáng tạo tuyệt vời đều là hồng ân nhưng không từ Thiên Chúa. Thiên Chúa không chết, cũng không vắng bóng. Ngài đang âm thầm hiện diện trong chính từng nhịp đập của sự sống, trong từng kỳ công của khoa học, và nhất là trong lòng mỗi con người biết kiếm tìm chân lý và yêu thương. Thiên Chúa vẫn ở đó, trong những giọt nước mắt, trong những tiếng cười, trong khát khao bất diệt về ý nghĩa cuộc đời. Và đặc biệt, Thiên Chúa hiện diện nơi chính tâm hồn mỗi chúng ta những người đang bước đi như những người hành hương của hy vọng trong năm thánh này. "Giữa một thế giới biến động, người hành hương của hy vọng vẫn tin chắc: Thiên Chúa không vắng mặt! Ngài đang mở ra cho chúng ta những chân trời mới của tình yêu và sự sống." Hãy mở mắt đức tin mà nhận ra Ngài! Hãy mở rộng lòng hy vọng mà bước đi cùng Ngài trong thế giới hôm nay! ta không chỉ thấy những phát minh mới, mà còn nhận ra tình yêu vĩnh cửu đang ôm ấp từng phận người.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Hơn hai ngàn năm trước, những người quyền thế tưởng rằng, bằng cách đóng đinh Chúa Giêsu trên thập giá, họ đã dập tắt được ánh sáng Tin Mừng. Họ tưởng rằng, với cái chết của Chúa Giêsu, họ sẽ xóa sạch ký ức về Ngài khỏi lòng nhân loại. Nhưng thưa anh chị em, mọi toan tính của thế gian đã sụp đổ trước quyền năng của Thiên Chúa. Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu đã làm bật tung cả nấm mồ và mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của hy vọng và sự sống. Thân xác Ngài không tan rã trong huyệt lạnh, nhưng đã sống lại vinh hiển, trở thành nguồn hy vọng bất diệt cho nhân loại mọi thời. Chính biến cố Phục Sinh ấy đã quy tụ lại các tông đồ, những con người trước đó từng hoảng loạn, tan tác vì sợ hãi. Khi đối diện với Thầy phục sinh, khi nghe thiên thần loan báo: "Sao các ngươi tìm người sống nơi kẻ chết? Người đã sống lại!", lòng các ngài bừng cháy niềm tin, bừng cháy sức sống mới. Từ những người yếu đuối, họ đã trở thành những chứng nhân kiên cường. Từ những kẻ sợ hãi, họ đã trở thành những người hành hương của hy vọng, mang Tin Mừng Phục Sinh ra đi đến tận cùng trái đất, bất chấp mọi thử thách, mọi đe dọa.
Hôm nay, niềm vui Phục Sinh không chỉ là ký ức của quá khứ, mà là nguồn sống đang tuôn trào cho mỗi người chúng ta.
Giữa một thế giới còn đầy những khủng hoảng niềm tin, những gia đình đổ vỡ, những chiến tranh, bất công, đói nghèo...
Lời loan báo "Chúa đã sống lại!" cần được vang vọng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ưu phiền phải nhường chỗ cho hy vọng. Sợ hãi phải nhường chỗ cho lòng can đảm. Bóng tối phải nhường bước cho ánh sáng Phục Sinh bừng lên trong từng tâm hồn, từng gia đình, từng cộng đoàn. Trong Năm Thánh đặc biệt này, khi toàn thể Hội Thánh được mời gọi trở thành "Những Người Hành Hương Của Hy Vọng", xin cho niềm tin vào Chúa Phục Sinh thực sự biến đổi chúng ta giúp chúng ta từ bỏ những thói quen cũ kỹ, từ chối những đam mê thấp hèn, để can đảm sống cao thượng hơn, yêu thương hơn, và hy vọng hơn.
Ước chi, trong từng bước âm thầm của đời thường, mỗi người chúng ta biết mang ánh sáng Phục Sinh đến cho những ai đang thất vọng, đang lầm lạc. Xin cho lời tuyên xưng "Chúa đã sống lại!" không chỉ vang lên trên môi miệng, nhưng còn tỏa sáng rực rỡ trong cách chúng ta sống, yêu thương và phục vụ mỗi ngày. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang

SUY NIỆM: THẮP LỬA CHO ĐỜI
Nếu để ý thì anh chị em sẽ nhận thấy Thánh lễ đêm nay có một điểm rất đặc biệt so với các Thánh lễ khác, đó là Thánh lễ hôm nay được bắt đầu trong bóng tối, vốn là vương quốc của chết chóc và hủy diệt. Và rồi ngọn nến Phục sinh được thắp lên, tượng trưng cho Chúa Kitô chịu đóng đinh nay đã sống lại, và trở thành trọng tâm của buổi cử hành phụng vụ đêm nay. Ánh nến Phục sinh đi đến đâu thì bóng tối nơi đó bị đẩy lùi, và cộng đoàn phụng vụ được ngập tràn trong ánh sáng.
Cha chủ sự đã 3 lần giương cao nến Phục sinh và tung hô rằng: “Ánh sáng Chúa Kitô”, và cộng đoàn đồng thanh đáp lại: “Tạ ơn Chúa”. Chúng ta tạ ơn Chúa vì Ngài đã chiến thắng tối tăm và sự chết để mở ra cho chúng ta niềm hy vọng, hy vọng được giải thoát khỏi tăm tối của tội lỗi và hủy diệt đang đè nặng trên cuộc đời của mỗi chúng ta. Lời vinh tụng ca Alleluia được cất lên sau 40 ngày lịm tắt, thể hiện một niềm vui vỡ òa không sao diễn tả hết.
Qua tất cả những cử hành ấy, Giáo Hội một lần nữa muốn xác tín với chúng ta điều này: Chúa Kitô phục sinh chính là nguồn ánh sáng cứu độ của đời ta.
Thật vậy thưa anh chị em, chúng ta thử nhớ lại mà xem, khi Chúa Giêsu chết trên Thập giá, lúc ấy các môn đệ sống trong tâm trạng như thế nào? Các ông đã chìm trong tăm tối của đau khổ vì mất Thầy, trong tăm tối của sợ hãi nên đã trốn trong căn phòng đóng kín cửa, và trong tăm tối của sự hụt hẫng nên đã giã từ Giêrusalem đi về làng quê Emmau trong tuyệt vọng.
Chính lúc mịt mờ ấy, Tin Mừng Phục Sinh được công bố, trở nên một nguồn ánh sáng xua tan mọi tăm tối. Để rồi các tông đồ không còn đau khổ nữa mà là niềm vui, không còn sợ hãi nữa mà là can đảm rao giảng Tin mừng, không còn thất vọng nữa nhưng là ngập tràn hy vọng. Chính Chúa Kitô phục sinh đã khơi lại nguồn sống cho các tông đồ thưa anh chị em.
Có lẽ anh chị em cũng nhận thấy điều này, thế giới ngày nay đang chìm ngập trong tăm tối: Tăm tối của chiến tranh và thù hận, tăm tối của tham vọng và quyền lực, tăm tối về sự giả dối của hàng hóa và của cả lòng người; tăm tối bởi một nền kinh tế ảo, làm người lao động chúng ta lao đao bởi giá cả cứ bấp bênh lên xuống; tăm tối bởi một nền giáo dục không có nền tảng vững chắc, làm con em chúng ta mất đi định hướng của cuộc đời.
Trong đời sống gia đình cũng thế, chưa bao giờ tình trạng li thân, li dị, ngoại tình và đổ vỡ hôn nhân nhiều như hôm nay. Và ngay cả nhiều gia đình công giáo cũng rơi vào tình trạng đó. Chưa bao giờ con số phá thai nhảy vọt như thời đại này, kể cả trong giới thanh thiếu niên, học sinh sinh viên.
Không nói đâu xa, hãy nhìn vào chính môi trường xứ đạo của chúng ta. Khi cuộc sống bớt đi phần vất vả, khi đời sống kinh tế khấm khá đôi chút, có tiền lại bắt đầu sinh ra tật: bài bạc, xì ke ma túy, đua xe, cá độ; đời sống đạo cũng bắt đầu chuyển mình theo chiều hướng tiêu cực…
Tất cả những điều đó cho thấy rằng, chúng ta đang bị bao phủ bởi bóng tối của tội lỗi và sự chết.
Thưa anh chị em, với niềm tin của người kitô hữu, chúng ta hãy xác tín rằng: Chỉ có Chúa Kitô Phục Sinh mới có thể giải thoát thế giới này khỏi chiến tranh và thù hận, chỉ có Chúa Kitô Phục Sinh mới có thể tô lên vẻ đẹp cho xã hội này. Và chỉ có ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh mới giúp cho mỗi người chúng ta nhận ra “cái gì đẹp ý Chúa, cái gì là tốt, cái gì là hoàn hảo”, để ta chọn lựa.
Do đó, đêm nay, một lần nữa chúng ta cùng với Giáo Hội thắp lên ngọn nến phục sinh trong niềm hân hoan và hy vọng, chúng ta đừng quên thắp lại ngọn nến đức tin cho cuộc đời của mỗi chúng ta và cho gia đình mình. Đồng thời, chúng ta cũng đừng quên mang ánh sáng của Chúa Kitô phục sinh soi chiếu vào lòng thế giới hôm nay.
Ước gì ơn của Chúa Kitô Phục sinh sinh hoa kết quả dồi dào nơi chúng ta. Để đời sống đạo của mỗi người tỏa ngát hương thơm của Chúa Kitô, Đấng đã chết và nay đã sống lại, để mai sau chúng ta cũng được sống lại với Ngài vinh quang. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM:  
Niềm tin kính “Vì loài người chúng tôi” hôm nay hoàn tất trong lịch sử trần thế. Sự hoàn tất đang chín dần trên cõi thế. Lịch sử như là thời gian trải ra, chín dần mầm ơn cứu độ, nên lịch sử cũng bao hàm quá khứ, hiện tại và tương lai. Lịch sử có hướng đi xác định như một vectơ định hướng, ngày càng đi lên và ghi ấn biết bao biến cố mới mẻ.
Đêm Hoài Mong.
Có sự đi lên, có sự chín dần nên có sự hoài mong. Sự hoài mong mang đậm ước mong của dân tộc Israen, một dân đặc thù được tuyển chọn, để chuẩn bị cho một Dân mới, dân Duy nhất của Thiên Chúa hiện diện mọi dân nước trần gian.
Niềm hoài mong của Dân Cựu Ước đã được thực hiện nơi Dân Tân Ước, nhờ Chúa Kytô đã đến thành tựu mọi lời hứa của Thiên Chúa và thực hiện mọi lời sấm của các ngôn sứ. Hình bóng của Cựu Ước nhờ thế có một ý nghĩa đích thực, chung cuộc “để lời Kinh Thánh nên trọn.”
Ơn Cứu Độ đã được Chúa Kytô thực hiện trọn vẹn trong Lịch Sử, sở dĩ có sự chín dần mầm ơn cứu độ là đối với từng người qua nhiều thời đại còn mong đợi ơn cứu độ được thể hiện nơi mỗi người và tỏ hiện trong ngày Chúa Kytô lại đến.
Việc mong đợi đó cũng nói lên hành trình còn bóng tối chen lẫn với ánh sáng, lo âu với hy vọng, cần đến ánh sáng đức tin dấn bước. Gợi lại việc mong đợi, Giáo Hội cũng thắp trên niềm hy vọng, củng cố thêm đức tin, hun đúc niềm hân hoan sốt sắng trong đêm tỉnh thức và Đêm hồng ân Cứu thế.
Đêm Tỉnh Thức
Trong Thánh Kinh ý nghĩa Bóng tối không chỉ con người nhưng chỉ lãnh vực xấu thuộc quyền của Satan và những lãnh vực chống lại Thiên Chúa và Chúa Kitô.
Ở đâu có ánh sáng, ở đấy đêm tối bị đẩy lui và ở đâu có đêm tối ở đấy thiếu ánh sáng. Đêm tối không ưa ánh sáng vì “Ai làm điều ác thì ghét ánh sáng” (Ga 3, 20).
Đêm theo nghĩa đen là thời điểm bất trung, tội lỗi của dân Israen quay mặt với Giavê, thi hành những điều trái với Lề Luật, đi ngược lại với Giao Ước mà Thiên Chúa đã ký kết với họ. Trong đêm tuyệt vọng ấy, Thiên Chúa hằng kêu gọi họ trở về và hứa ban lại cho họ “Ánh vừng nguyệt sẽ nên như ánh vừng ô, và ánh hừng ô sẽ tăng gấp bảy, như ánh sáng bảy ngày dồn lại, vào ngày Giavê băng bó vết thương cho dân Người và chữa lành những vết đòn hằn của nó.” (Ys 30, 26). Thiên Chúa đổi thay tự nội tâm cho những người quay về với Người, dù họ đã tả tơi vì điều họ đã xúc phạm nhưng Thiên Chúa đã chữa lành và thêm sức cho những bàn tay rã rượi, tăng cường cho đôi gối đã quỵ ngã. Một tương lai mới mở ra trước mặt, lòng người nao nức đáp lời gọi “Hãy bạt lối, trong chốn hoang giao hãy san bằng ngự lộ cho Thiên Chúa ta thờ. Mọi thung lũng sẽ dâng lên, mọi núi đồi sẽ lún xuống, gồ ghề sẽ thành bình nguyên, lồi lõm sẽ hoá ra đồng bằng.” (Is 40, 3-4).
Đêm không còn là đêm tối tuyệt vọng, bởi vì Chúa thương loài người, và cho dầu tội lỗi có vây bủa như đêm đen đi chăng nữa, thì Tình Thương của Người vẫn lớn hơn tội lỗi, công trình Cứu độ của Người vẫn không ngừng đi lên và chín dần theo năm tháng. Thiên Chúa là Đấng mở ngỏ tương lai, đi về phía trước mà quên đi chặng đường đã qua. Thiên Chúa không ngừng làm nên những cái mới. Tương lai mới dường như là một bài ca khải hoàn được hát lên từ những đổ vỡ, nay được dựng xây lại, và xác tín Thiên Chúa Cứu Độ cũng chính là Thiên Chúa Sáng tạo, luôn làm ra những cái mới, mở ra một cuộc xuất hành mới, đưa dân trở về lại với Yérusalem mới.
Là xuất hành mới nên đêm còn là đêm tỉnh thức, đêm Thiên Chúa giải cứu, đêm đưa dân ra khỏi Babylon, chốn tối tăm của dân nô lệ. Đêm của Thiên Chúa dùng Kyrô như khí cụ Giavê. “Ai đã cho chỗi dậy từ Phương Đông kẻ mà chính nghĩa hoan hô mọi nước? Trước mặt nó Người nộp các nước, Người cho nó chà đạp các Vua”. (Ys 41, 2) Đêm chờ đợi còn nhiều khiếp sợ vì bình minh chưa đến, nhưng khi tỉnh thức trong đêm họ được Thiên Chúa đáp cứu, phù hộ, quyền lực của đêm đen không còn làm gì được họ và nay “chúng sẽ phải xấu hổ thẹn thuồng, mọi kẻ giận dữ với ngươi, chúng sẽ ra như không và phải diệt vong những người gây hấn với ngươi” (Ys 41, 11). Đêm tỉnh thức “đừng sợ vì có Ta ở với ngươi, chớ hãi, vì Ta là Thiên Chúa của ngươi” (Ys 41, 10).
Đêm tỉnh thức sẽ hướng tới ngày loan báo “Đêm này kể với đêm kia” TV 18 tường thuật vinh quang Thiên Chúa, Đấng đã tác thành trời đất và trong niềm hân hoan của người loan báo “Đẹp thay trên các núi non, chân người sử giả, kẻ loan báo bình an, kẻ loan Tin Mừng, kẻ loan báo ơn Cứu Độ, kẻ nói với Sion: “Ngươi đã làm Vua, Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 51, 7)
Như đêm chong đèn chờ trời sáng, đêm của lính canh mong chờ hừng đông, đêm mong đợi ơn cứu chuộc của dân Israen. Sau những hình phạt và những tội bất trung của dân, chưa phải là tiếng nói sau cùng của Thiên Chúa, Người hứa ban cho một số sót còn lại sau những thử thách, là những mầm mống dân Thánh được hứa ban và Đấng Messia là Vua của họ. Đêm của thử thách sẽ qua, xin cho chúng con cũng vững tin vượt qua đêm hành trình trong tỉnh thức.
Đêm Hồng Ân
Đêm cũng là thời gian yên tĩnh, để phục hồi sức lực. Đêm của thời gian tích luỹ, tăng cường sự chờ đợi và đóng góp vào việc phát triển. Đêm của Thiên Chúa tụ họp đoàn dân tản mác của Người, chính tay Người dẫn dắt và cho nghỉ ngơi bổ sức. Đêm Thiên Chúa kết giao bình an với dân của Người, Đêm không còn là đêm hoành hành của thú dữ, nơi rừng rú chúng cũng ngủ được.” (Ed 34)
Đêm còn là thời gian chờ đợi của tân nương: Dân Israen còn được coi là tân nương được Thiên Chúa cưới về vì Tình Yêu của Người. “Vì ngươi cũng như thân gái bỏ rơi, lòng dạ bời bời khi Người gọi ngươi. Nhưng nào ai nỡ rẫy từ người vợ cưới lúc thanh xuân, Yavê Thiên Chúa của ngươi đã phán. Ta đã bỏ ngươi trong chốc lát nhưng Ta sẽ thâu họp ngươi lại bởi lòng thương xót bao la” (Is 54, 6-7). Thiên Chúa đã đặt cheo sính lễ “Ta sẽ đính hôn với ngươi mãi mãi, Ta sẽ đính hôn với ngươi bằng công chính, công minh, nhân nghĩa, xót thương.” (Hs 2, 21).
Các điều ấy là những thái độ Israen phải có như một dân Giao Ước, để Thiên Chúa đính hôn mãi mãi. Hôn lễ ấy Thiên Chúa đã thực hiện trong đêm tỉnh thức của các mục đồng canh giữ chiên, họ được thiên thần loan báo “Này ta đem Tin Mừng cho các ngươi về một niềm tin to tát, tức là niềm vui cho toàn dân là hôm nay, đã sinh ra cho các ngươi vì Cứu Chúa, tức là Đức Kytô Chúa “trong thành của Đavít” (Lc 2, 10-11). Đêm Thiên Chúa đưa dân của Người ra khỏi Ai Cập và cũng là đêm Thiên Chúa đưa dân Người ra khỏi thân phận nô lệ tội lỗi.
Đêm là khởi đầu cho ngày mới. Cũ đã qua kìa ngày mới đang thành sự, những tang thương sầu khổ đã nẩy mầm hân hoan, chốn u sầu đã thành nơi đại hội, thành nhỏ bé nay đã nức tiếng hoan hô. (Mc 5, 1), người đau khổ nay đã được vui mừng vì điều chờ đợi nay Thiên Chúa đã thành tựu. “Lời đã thành xác phàm và đã lưu trú nơi chúng tôi., và “Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi”.
Sứ điệp không còn bằng lời nữa, nay đã đích thân và hữu hình trong Con Một tự nơi Cha đã làm người ở giữa nhân loại. Sứ điệp cao trọng và viên mãn loan báo nơi Chúa Con được Chúa Cha sai đen để ai tin vào Con Thiên Chúa thì được trở nên con cái Thiên Chúa.
Một vinh quang xưa kia vô hình (Xh 33, 20) bây giờ lộ diện ngang qua nhân tính của Con Thiên Chúa (Ga 2, 11 & 3, 12) mạc khải lòng nhân nghĩa và sự trung tín Chúa Cha. (Xh 34, 6; Hs 2, 22).
Đêm Mẹ của mọi Đêm.
Đêm được Mặt trời công chính chiếu rọi, không còn là đêm nữa, bình minh đã rạng soi “Mặt trời của ngươi sẽ không lặn và mặt trăng sẽ không còn khuyết vì Giavê sẽ là ánh sáng vĩnh tồn của ngươi và sẽ chấm dứt những ngày tang tóc của ngươi” (Is 60, 20). Người đã đến hoàn tất lời hứa của Thiên Chúa và các lời sấm của ngôn sứ, ngày mới đã thành tựu trong Con Một Thiên Chúa. “Người là Ánh sáng đích thật sáng soi cho mọi người” (Ga 1, 9). Người là Chúa Kytô, Đấng Mạc Khải độc nhất về Cha, vì Người là Con (Ga 3, 11), thế gian nhờ Người mà được cứu ” (Ga 3, 17).
Đêm đã qua đi vĩnh viễn và ngày đã là vĩnh hằng, những ai còn trong tối tăm thì chịu án xử “bởi chưng ai làm Sự Dữ thì ghét Sự Sáng, không đến với Sự Sáng, kẻo bị bắt lỗi về các việc của mình” (Ga 3, 20).
Hãy hân hoan trong đêm hồng phúc này, như lời tụng ca Exsultet vang lên trong đêm Thiên Chúa giải thoát. Thiên Chúa vì quá yêu thương loài người, tội lỗi, quyền lực tăm tối bị đẩy lui. Tội của con người lỗi phạm, trở nên tội hồng phúc. Huyền nhiệm sẽ ngất ngây bởi Tình thương của Chúa làm say ngất tâm hồn.
Đêm diễm phúc, đêm của mọi đêm báo trước ngày hừng sáng, Thiên Chúa vì yêu thương loài người đã tự phó nộp chính Con Duy Nhất của Người làm giá chuộc tội chúng ta.
Hãy Mừng Vui Lên!
Hãy hân hoan, hãy vui mừng Thiên Chúa đã yêu thương loài người chúng ta. Hãy kín múc tận nguồn ân sủng, hãy bước đi trong ánh sáng vì ngày mới đã xuất hiện. Hãy Vui lên và reo hò lên mừng Thiên Chúa, Chúa chúng ta. Hãy làm cho môi miệng này tràn ngập những lời, vang lên câu tán tụng và vẫn là “chưa bưa chưa đã được chí muôn sao”. Hãy tán tụng bằng tất cả các âm điệu của trần thế, bằng tất cả những hỷ hoan trong ngày Chúa đoái thương, bằng những nhạc điệu trầm bổng và những Thánh Ca cùng Thánh Vịnh. Mừng vui lên!
Mừng vui lên, từ nay nhân loại bước đi không chỉ còn nhìn thấy dấu chân riêng của mình, cho dầu lịch sử có nhiều bóng tối như thế nào chăng nữa, ngày mới, ngày ánh sáng đã ló dạng bình minh. Mừng vui lên, Hãy đàn ca lên, hãy reo hò lên bởi lịch sử mới đã xuất hiện và ngày mới đã bắt đầu.
Hãy vui mừng, hãy hân hoan trong ngày Thiên Chúa giải thoát, từ nay nhân loại đã và đang vội vã đi về lòng Chúa yêu thương. Cái vội vã của những khám phá khi Chúa làm nên những cái mới, khi chính Người là Đấng Mới. Mừng vui lên, đừng ôm sầu lẻ bóng, đừng hát lại bản tình cũ, sống cuộc đời cũ nữa làm chi. Hãy đi về phía trước như bóng đêm không còn bao phủ khi bình minh ngày mới bắt đầu. Hãy vui mừng luôn trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta.
Lạy Chúa, Đêm thật diễm phúc được long trọng hát lên bài hát Exsultet. Mừng vui khôn tả, đọng trên từng đôi môi, vọng trong từng câu hát, thấm từ sâu trong tâm hồn lời tán dương Thiên Chúa: “Vì loài người chúng tôi”.
Xin cho con biết được một lần cúi đầu trước tình Thương của Người, để cuộc đời của con nhận ra chính Người là Đấng Cứu Độ con. Xin cho con mọi ngày sống trong hồng ân cứu độ của Chúa.

 Lm. Hoàng Kim Toan


SUY NIỆM:  KÝ ỨC ĐỨC TIN
Anh chị em thân mến,
Biến cố phục sinh là biến cố trọng đại trong đức tin kitô giáo, thế mà được thuật lại trong một câu chuyện rất đơn giản: câu chuyện của hai phụ nữ được xem “mất trí nhớ” ra thăm xác Chúa Giêsu, và được hai người mặc y phục sáng chói nhắc lại để nhớ lời Chúa báo trước mà tin nhận Chúa đã sống lại rồi. Nếu không có lời nhắc lại từ hai người được Chúa sai đến, có lẽ câu chuyện và cuộc đời không chỉ của hai phụ nữ này, mà còn của mọi tín hữu trở nên nhạt nhẽo, nhảm nhí và chúng ta là người khờ dại nhất và tin vào một điều hảo huyền (x. 1Cr 15,12-19). Tuy nhiên, tính đơn giản của bài tường thuật Tin Mừng không làm lu mờ quyền năng phục sinh của Chúa Giêsu, quyền năng thâm nhập vào trái tim của những người phụ nữ này và của chúng ta, làm mới lại cuộc đời của chúng ta nhờ được nhớ lại lời Chúa nói.
Những người “mất trí nhớ”
Mặc dù những phụ nữ này rất đáng kính, nhưng chúng ta gọi họ là những phụ nữ “mất trí nhớ” để dễ nhớ đến họ. Họ đáng kính, vì ngay từ sáng sớm sau khi an táng Chúa, không một người đàn ông môn đệ nào dám ra mặt vì sợ người Do-Thái, thì họ dám đến mộ Chúa để xức thuốc thơm cho xác Chúa mà ngày hôm trước vì lễ Vượt Qua không làm được. Họ mến Chúa nên mong mỏi đến thăm xác Chúa cho thỏa lòng. Nhưng đang trên đường đi đến mộ, những phụ nữ đáng kính này lại mất trí nhớ, nên họ lo âu, nghi ngờ ai đã đánh cắp xác Chúa tội nghiệp vậy đó! Họ không nhớ chút gì về lời Chúa đã báo trước rằng Chúa sẽ sống lại. Các tác giả Tin Mừng thuật lại, tại Vườn Cây Dầu trước khi chịu chết, Chúa Giêsu báo trước người ta sẽ bắt và giết Chúa, nhưng Chúa sẽ sống lại và hẹn gặp lại các môn đệ ở Galilê (Mt 26,32). Thế mà họ mất trí nhớ, không nhớ chút gì lời Chúa báo trước!
Mà đâu chỉ những phụ nữ này, các tông đồ cũng mất trí nhớ, nhiều tín hữu cũng mất trí nhớ. Các tông đồ không nhớ gì lời Chúa báo trước sẽ sống lại, nên các ông sợ hãi, đến nỗi không nhận ra Chúa khi Ngài hiện ra, các ông tưởng là ma. Về đức tin, chúng ta cũng bị bệnh mất trí nhớ, không nhận ra Chúa hiện diện trong cuộc đời và gia đình nên cuống cuồng trong hoàn cảnh thử thách và sống theo cách sống của người mất đức tin. Anh chị em thử nhớ lại câu lời Chúa chủ lực của giáo xứ chúng ta trong Chúa Nhật lễ Lá là gì? Chúa nói: “Các con ngủ sao? Hãy dậy và cầu nguyện.” Còn nhớ hay đã quên? Anh chị em còn nhớ lời Chúa nói gì cho ngày hôn phối của ạnh chị em không? Còn nhớ hay đã quên? Thật vậy, chúng ta cũng là những người đang mất trí nhớ.
Người ta bảo rằng trí nhớ không mất đi, nó vẫn ở đó, nhưng nó có thể (bị) chôn vùi dưới những lo toan, bận rộn hay sợ hãi. Cần khơi lại trí nhớ. Các phụ nữ đáng kính hôm nay được vị thiên sứ khơi dậy trí nhớ: “Sao các bà tìm người sống ở giữa kẻ chết? Chúa Giêsu không còn ở đây nữa. Ngài đã sống lại. Các bà hãy nhớ lại Ngài đã nói với các bà thế nào khi Ngài còn ở xứ Galilê. Ngài đã nói: Ngài phải bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi, bị đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba sẽ sống lại” (24,5-7). Lạ lùng! Trí nhớ có quyền năng, trở nên sức mạnh, tác động đến tâm trí và đôi chân của các bà, khiến các bà hân hoan chạy đi loan báo Tin Mừng Chúa đã sống lại.
Trong tập sách nhỏ Chuyện Tình Không Tên của nhạc sĩ Vũ Thành An, tác giả của những Bài Không Tên, ông chia sẻ quyền năng của trí nhớ trong cuộc sống như sau: thuở học trò anh chưa phải là người có đạo và đã quen biết với một cô gái hơn anh bốn lớp. Cô là người có đạo, nhà giàu. Anh thương cô ấy, không biết cô ấy có thương mình không nhưng vẫn theo đuổi. Một hôm, cô gái trao cho anh một mảnh giấy, trong đó có viết kinh Kính Mừng với nét chữ nắn nót và bảo anh học thuộc. Cô cũng đòi hỏi anh sáng tác một bản nhạc tặng cho cô. Bản nhạc thì anh sáng tác ngay, Tình Khúc Thứ Nhất. Kinh Kính Mừng anh cũng học thuộc, dù chưa có đức tin, nhưng vì ngưỡng mộ cô bạn. Sau năm 1975, anh đi tù. Thời gian dài trong tù anh quên mọi sự, chỉ đến khi chuyện xẩy ra lúc anh bị bệnh mất ngủ triền miên, tưởng chết. Một người bạn tù cho biết, mỗi lần mất ngủ, anh ta cứ đọc kinh Kính Mừng. Vũ Thành An nhớ lại kinh Kính Mừng người bạn gái cho, anh đọc và ngủ được. Nhưng quan trọng hơn, bao kỷ niệm về người bạn đó sống lại trong anh, anh nhớ như in từng lời nói và gương mặt khả ái của người yêu. Cuối cùng, trí nhớ có quyền năng thúc giục anh học giáo lý, lãnh bí tích Rửa Tội và nay là một phó tế, Anh chia sẻ rằng: Những lời kinh Kính Mừng ấy đã dẫn dắt anh đi vào niềm tin, vào cuộc sống mới. Cũng vậy, trí nhớ nơi các phụ nữ  đáng kính được khơi dậy và làm nên buổi sáng phục sinh trong cuộc đời của họ, đưa dẫn họ đi từ tuyệt vọng sang hy vọng.
Chúa khôi phục trí nhớ cho ta
Trong đại lễ hôm nay, chúng ta được Hội Thánh khôi phục lại trí nhớ qua những bài Sách Thánh, từ sách Sáng thế  giúp chúng ta nhớ lại chúng ta được Thiên Chúa dựng nên và thuộc về Ngài; đến biến cố Xuất Hành để xác tín chỉ có Chúa là Đấng Cứu Độ chúng ta; đến thư gửi tín hữu Rôma tuyên xưng Chúa Giêsu đã sống lại và đang sống với chúng ta. Ngài không phải hồi sinh. Ngài đã chết, đã Phục Sinh và đang sống, nghĩa là sự chết không còn quyền chi đối với Ngài; đến bài Tin Mừng loan báo Chúa đã sống lại để chúng ta hân hoan sống như người môn đệ được nghe Tin Mừng. Tối hôm nay, lời Chúa làm sống lại trí nhớ của chúng ta và cử hành thánh thiên này cho chúng ta nhớ là những việc Chúa làm vì thương dân Ngài như Chúa đã làm sống lại trí nhớ của các phụ nữ và các tông đồ bằng cách nhắc cho họ lời Chúa: “Các bà hãy nhớ lại Ngài đã nói với các bà thế nào khi Ngài còn ở xứ Galilê.” Quyền năng của việc nhớ lại thúc bách các bà chạy đi giúp những người khác khôi phục lại trí nhớ, nhớ lại những lời Chúa nói với họ. Loan báo Tin Mừng là thế đó, là giúp người khác nhớ lời Chúa đã nói, nhớ những việc Chúa làm.
Vậy, chúng ta đừng để những bon chen cuộc đời vùi sâu lời Chúa mà chúng ta từng được nghe. Đừng để những hoảng hốt hay lo toan chôn lấp lời Chúa đã nói với chúng ta: “Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Các con đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” Đừng để những ham hố sự đời phủ lấp lời Chúa nói với chúng ta trong ngày chúng ta được đưa đến lãnh bí tích Rửa Tội làm con cái Chúa: “Ta rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” Đừng để những giận hờn, ích kỷ và tội lỗi xóa nhòa Lời Chúa nói với anh chị em ngày hôn phối: “Sự gì Thiên Chúa liên kết loài người không được phân ly.” Hãy nhớ lại những lời Chúa nói với chúng ta trong mọi hoàn cảnh “Hãy theo Ta”. Vì vậy, chúng ta dựa vào lời của thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II để nói với nhau: Đừng sợ- hãy mở toang trí nhớ để Lời Chúa đi vào tâm hồn và gia đình; -Hãy mở toang cửa tâm hồn để ánh sáng Chúa chiếu vào tận mọi ngõ ngách tâm hồn; hãy mở toang cửa để đón lấy Chúa Kitô vào nhà của chúng ta và để cho lời Chúa có chỗ trong gia đình của chúng ta.
Xin Chúa Phục Sinh cho chúng con được phục hồi trí nhớ để nhớ Chúa đã sống lại và đang sống với chúng con. Xin cho gia đình chúng con được nghe lời Chúa và thấy Chúa mỗi ngày, được tươi vui sống thân thiết với Chúa như Chúa đã sống với chúng con.
Linh mục Tađêô Võ Xuân Sơn    

SUY NIỆM:

Sau đêm dài u tối và đau khổ, giờ đây là bình minh, với ánh mặt trời yếu ớt và từ từ rực sáng.
Các môn đệ Chúa đang trong cơn thất vọng. Thầy chết rồi, đã an táng Thầy rồi… Chúng ta sẽ ra sao đây? Trong các ông, không có ông nào nhớ lời Thầy: “ngày thứ ba Thầy sẽ sống lại”.
Khi nỗi buồn quá nặng, những lời an ủi cũng chẳng đi đến đâu.
Các bà lo an táng Thầy hôm trước đang chuẩn bị dầu và đi đến mộ ướp xác Thầy cho tươm tất, vì hôm ấy, trời sẫm tối và mọi sự lộn xộn hấp tấp, chẳng đâu vào đâu. Hôm nay nếu họ ướp xác Thầy sẽ dễ dàng hơn.
Không ai nhớ lời Thầy đã nói. Nhưng đến mộ, họ đã thấy gì?
“Tảng đá đã lăn ra khỏi mộ… nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giêsu đâu cả”. Không ai có thể nghĩ một người chết có thể sống lại. Các bà này cũng thế thôi, họ tưởng rằng họ đang lo cho Ngài, giúp Ngài được an táng một cách tươm tất.
Khi thấy cửa mộ mở toang và không thấy xác Chúa Giêsu nữa, chúng ta nghĩ mấy bà phản ứng như thế nào? Thánh Luca chỉ nói: “Các bà đang phân vân”, nghĩa là chưa biết phải làm gì, thì hai người đàn ông, y phục sáng chói, đã can thiệp: “Sao các bà lại tìm người sống ở giữa kẻ chết? Người không còn ở đây nữa, nhưng đã chỗi dậy rồi”, tức là đã sống lại.
Bình minh đã tỏ rạng. Không còn tăm tối u buồn nữa. Nhưng không thể tin được! Sự kiện nầy vượt quá sự tưởng tượng của các bà. Để các bà có thể tin được, hai người kia nhắc: “Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại”.
Bấy giờ các bà mới nhớ, mới bình tĩnh lại và tin.
Phải có thời gian để nối kết dĩ vãng với hiện tại. Chúa Giêsu muốn các tông đồ tin Ngài sống lại trước khi thấy Ngài. Ngài tôn trọng định luật tâm lý con người. Ánh sáng quá chói chang sẽ làm lòa mắt. Ngài hướng dẫn họ từng giai đoạn từ nghi ngờ đến niềm tin, từ cái mộ trống đến gặp gỡ: “ Tại sao lại tìm một người sống trong cõi chết nầy? Hãy nhớ lại những gì Người đã nói hồi ở Galilê”.
Không những nhớ lời nói và cả việc làm: người thanh niên con bà góa thành Nain, sống lại… Em bé con ông Giairô, sống lại… và mới đây Ladarô, chêt bốn ngày, sống lại. Bao nhiêu cuộc sống lại đó không mang một ý nghĩa nào sao? Không gợi lại một ý nghĩa nào trong óc của họ sao?
Có lẽ sau một lúc ngỡ ngàng, các bà đã tin. Họ về tường thuật lại cho các tông đồ, nhưng các ông không tin cho rằng các bà yếu bóng vía, sợ ma và nhiều chuyện. Xã hội Do thái không tôn trọng nữ giới cho lắm. Nhưng Phêrô cần kiểm tra.
Ra mộ, Phêrô đã nhìn thấy. “Ông rất đỗi ngạc nhiên”, thế thôi. Ông đã tin chưa? Luca không nói rõ, nhưng chắc chắn ông đang trên con đường đi đến đích. Niếm tin của ông dần dần rõ nét.
Còn chúng ta?
Niếm tin của chúng ta được hưởng nhờ niềm tin của các Tông đồ, những chứng nhân đích thực của sự phục sinh. Chúng ta không bị chao đão xao xuyến như các ngài. Chúng ta thật diễm phúc! Niềm tin của chúng ta quá dễ dàng, nhưng chính vì thế mà nó không khắc ghi trong chúng ta một ấn tượng nào. Và đó là một nguy cơ. Chúng ta không cần tìm kiếm, vì thế, niềm tin của chúng ta hời hợt, nông cạn, không ảnh hưởng mạnh mẽ trên cuộc sống chúng ta. Phải nhìn nhận rằng chúng ta tin, nhưng niềm tin của chúng ta có thực sự sống động không? Niềm tin đó đã tác động thế nào trên cuộc sống hằng ngày của chúng ta? Chúng ta có thể là những chứng nhân đáng tin cho Chúa phục sinh không?
Tin vào Chúa phục sinh là một sức mạnh có thể chuyển biến mọi sự: tư tưởng, hành động và mọi thực tại tầm thường nhất của cuộc sống.
Tin vào Chúa phục sinh là tin rằng mình đã phục sinh với Ngài và cuộc sống hôm nay, trong thực tế của mỗi ngày, đều hướng về Ngài, cho Ngài.
Đọc lại những lời của thánh Phaolô, chúng ta thấy Ngài sống với Chúa Giêsu như thế nào? Hoàn toàn xả thân, coi mọi sự là rơm rác, chịu đựng mọi sự gian khổ vì Ngài. Phaolô cũng như chúng ta, không thấy ngôi mộ trống, không chứng kiến Chúa hiện ra, có chăng là trước cửa thành Đamát, nhưng ngài đã tin mãnh liệt đến nỗi liều mất tất cả để đoạt được Chúa Giêsu mà thôi.
Chúng ta nghĩ rằng chúng ta không thể giống như các tông đồ hay Phaolô. Tại sao lại không? Chỉ vì chúng ta chưa tin hay tin nửa vời. Chúng ta không giống các ngài trên nhiều phương diện, nhưng niềm tin chỉ là một. Chúa Giêsu đã chết và sống lại cho các ngài cũng như cho chúng ta. Chúng ta cũng được hưởng hồng ân cứu độ như các ngài, sao chúng ta không dám sống cho Chúa? Sao chúng ta còn ham thế gian, chạy theo thế gian với những cái phù phiếm của nó?
Câu hỏi mà Chúa muốn đặt ra cho chúng ta là: con có tin không?
Một khi đã tin rằng Chúa Kitô đã chết và sống lại cho tôi, thì cuộc sống hôm nay phải là một cố gắng liên tục để nhường chỗ cho Chúa sống như Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi”. Chúng ta nghĩ rằng, Thánh Phaolô là thánh còn tôi, tôi chưa đạt tới đỉnh như Ngài. Đúng, chúng ta chưa như Ngài, nhưng chúng ta có cố gắng không? Chúng ta có thực sự muốn sống với Chúa chúng ta thân thiết gần gũi như thế không?
Chúa Kitô đã sống lại thật, chúng ta không nghi ngờ gì nữa, nhưng chúng ta có thực sự là những người được thoát ách tội lỗi và đang sống làm một với Ngài không? Sự sống lại của Ngài có là một thực tế hiển nhiên qua cuộc sống chúng ta không?
Chúa đã chết và sống lại cho chúng ta, “để niềm vui chúng ta được trọn vẹn”, chúng ta dám cộng tác với Ngài để niềm vui của Ngài được trọn vẹn không?
Ngài chết và sống lại vì yêu thương chúng ta, chúng ta có yêu thương Ngài như Ngài đã yêu thương chúng ta không? Chúng ta không thể yên tâm khi chúng ta chưa đáp lại tình yêu của Ngài. Hãy để cho con tim chúng ta bị ray rứt mãi vì chưa yêu Ngài. Cái ray rứt đó chính là hồng phúc vì nó đưa chúng ta vào tình yêu. Thánh Âutinh đã nói: “Chúa đã tạo nên chúng con cho Chúa và tim chúng con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”.
Hôm nay, chúng ta sẽ ăn lấy Chúa và con tim của chúng ta chỉ còn là một với Ngài, thì chớ gì cuộc sống chúng ta cũng sẽ mãi là một với Ngài. Đó là thiên đàng ở trần gian. Chúng ta có biết hạnh phúc của chúng ta không?
Lm. Trầm Phúc

SUY NIỆM: CHÚA PHỤC SINH LÀ TIN MỪNG CHO NHÂN LOẠI

“Nếu Đức Kitô đã không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cor 15, 14); hay: “Nếu chúng ta đặt hi vọng vào Đức Kitô chỉ vì những sự đời này, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hại nhất trong thiên hạ” (1Cor 15, 19),
Thế nên, không ai dại dột mà tin và gắn bó cả cuộc đời cũng như mọi chiều kích của cuộc sống vào một con người mà kết thúc cuộc đời bằng cái chết! Thân xác bị chôn vùi trong huyệt mộ là dấu chấm hết cho chính con người đó cũng như những ai đã từng đặt lý tưởng cuộc đời mình vào họ.
Nhưng, niềm tin vào Đức Giêsu đã đem lại cho chúng ta niềm hy vọng, bởi vì Đấng mà chúng ta tin tưởng, gắn bó và phó thác chính là Đấng đã từng chết thật, nhưng cũng đã sống lại thật sau ba ngày nằm trong mộ phần.
Như vậy, chúng ta thật hãnh diện về Đấng Cứu Chuộc có tên là Giêsu, vì nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài mà chúng ta được sống và sống dồi dào, bởi lẽ, nếu chúng ta cùng sống và chết với Ngài thì cũng sẽ được cùng Ngài sống lại trong vinh quang.
  1. Hãy trở về Galilê để sống niềm vui sứ vụ
Niềm tin vào Đấng Phục Sinh được Tin Mừng theo thánh Luca trình bày bằng sự kiện các phụ nữ, những người yêu mến Đức Giêsu đi ra mộ lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, tức là kế sau ngày Sabát, để thi hành công việc chăm sóc, sức thêm thuốc thơm nơi xác Đức Giêsu, đây là công việc lẽ ra phải làm chu đáo hôm an táng Ngài. Tuy nhiên vì là áp lễ Vượt Qua của người Dothái, nên những việc làm tỉ mỉ không thể thực hiện được, vì nếu làm như thế, thời gian sẽ chuyển sang ngày Sabát, mà ngày Sabát thì lại là luật cấm làm việc xác…
Khi đến nơi, các phụ nữ thật ngỡ ngàng, vì cửa mộ đã mở tung và trong mộ không còn thi thể Đức Giêsu!!!
Thấu hiểu nỗi sợ hãi và hoang mang của các phụ nữ, nên thiên thần đã hiện ra chấn an các bà và nói: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã chỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại” (Lc 24 5-7).
Sau khi được các thiên thần nhắc cho các bà nhớ lại lời Đức Giêsu đã tiên báo, các bà rất vui mừng và thêm xác tín vào những lời Đức Giêsu đã nói với các bà trước đó, vì thế, họ hân hoan trở về và báo tin mừng này cho các môn đệ. Tin Mừng thánh Mátthêu thì nói rõ hơn và còn tiên báo cho biết: chính Đức Giêsu – Đấng Phục Sinh sẽ đến Galilê và sẽ gặp các môn đệ tại đó (x. Mt 28, 7).
Nhắc lại cho các bà những điều Đức Giêsu đã nói khi còn ở Galilê là gợi lại cho các bà về niềm xác tín nền tảng, bởi vì chính tại Galilê, những phụ nữ và các môn đệ đã khởi đầu hành trình bước theo Thầy Giêsu trong niền tin và hy vọng. Nay trở về Galilê là để cho người môn đệ một lần nữa xác định lại căn tính của mình, thêm vững tin, can đảm, hầu trung thành với sứ vụ tông đồ giữa trăm triều thử thách chông gai.
Mặt khác, khi chứng kiến cảnh hãi hùng ghê rợn của Thầy mình phải chịu qua cuộc thương khó, nhất là qua cái chết của Ngài, các môn đệ kể như bị hoang mang lo sợ đến tột cùng! Chẳng thế mà từ khi Thầy của các ông bị bắt, đánh đập và giết chết cách tàn bạo thê lương trên thập giá, các ông đã không dám ra ngoài, nhưng luôn trong nhà và đóng kín cửa. Vì thế, khi nhắc các bà nhớ lại những điều chính Ngài đã tiên báo từ hồi còn ở Galilê, là để cho các bà có bằng chứng nhằm loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các môn đệ một cách xác tín.
Nếu không nhắc lại biến cố Galilê, thì hẳn các môn đệ không thể tin vào chuyện vĩ đại có tầm ảnh hưởng lớn đến hết mọi người mà lại qua miệng các phụ nữ!!!
Hơn nữa, khi nhắc lại địa danh Galilê, và nói với họ nhớ lại những gì Đức Giêsu đã tiên báo trước đó, ấy là Ngài muốn cho họ nhớ lại mối tình đầu tiên giữa Ngài với họ, nơi mà mọi sự được bắt đầu, nơi mà Ngài đã cất tiếng gọi và nơi mà họ đã từ bỏ mọi sự để đi theo Ngài…(x. Mt 4, 18-22).
  1. Ngày Rửa Tội là Galilê của chúng ta
Với chúng ta, ai cũng có một Galilê nội tâm, nơi ấy, chúng ta được đánh dấu bằng việc Chúa gọi và chọn mỗi người qua Bí tích Rửa Tội, để trở nên con cái của Chúa, con cái Sự Sáng và nên chứng nhân cho Ngài.
Khi trở nên con cái Chúa trong ơn gọi Kitô hữu, ấy là chúng ta mặc lấy Đức Kitô và được mời gọi mang trong mình những tâm tư của Ngài để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, ngõ hầu trở nên chứng nhân về Đức Giêsu, Đấng đã chết và đã phục sinh vinh hiển.
Tuy nhiên, tình nghĩa giữa ta và Chúa đã bị rạn nứt với năm tháng do yếu đuối, tham lam, ích kỷ, kiêu ngạo… nên nhiều khi chúng ta đã dửng dưng với ơn gọi và sứ vụ của mình.
Khi được thiên thần mời gọi các phụ nữ nhớ lại những lời Đức Giêsu đã báo trước cũng như hẹn gặp các môn đệ ở Galilê, đây cũng chính là lời mời gọi mỗi người trở về và nhớ lại biến cố Galilê nội tâm của mình.
Khi được mời gọi trở về Galilê, hẳn đây là lời nhắc nhớ chúng ta nhớ lại niềm tin tinh tuyền thủa ban đầu.
Nhớ lại những gì đã nói khi còn ở Galilê; ấy là nhóm lên ngọn lửa tình yêu mãnh liệt thủa ban sơ ấy; và cũng là nhớ lại những ân tình, mà Thiên Chúa đã ban trên cuộc đời chúng ta.
Khi trở về và nhớ lại như thế, sứ điệp quan trọng được loan đi, đó là: cần đọc lại lịch sử cuộc đời mình, để nhận ra tình thương của Thiên Chúa, nhận ra bàn tay can thiệp uy quyền của Ngài, và nhất là nhớ lại những điều đã báo trước, để thêm một lần nữa nhìn cuộc đời dưới quy luật: qua đau khổ đến vinh quang.
Khi trở lại và nhớ về biến cố Galilê nội tâm, cũng là dịp để ta xác tín thêm và khởi đầu một hành trình mới trong niềm tin và hy vọng, để can đảm loan báo Đức Giêsu đã chết đúng như tiên báo, đã sống lại như những gì đã nói trước…
Mong sao, đêm nay, mỗi người chúng ta hãy làm một cuộc hồi tưởng để trở về với cõi lòng của mình, ngõ hầu thấy được Galilê nội tâm riêng của mỗi người; đồng thời hãy nhớ về nó để chúng ta đi trên con đường đã được định hướng.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống lại từ cõi chết. Đây là tin mừng không chỉ cho các phụ nữ, các môn đệ, nhưng nó còn là niềm hy vọng và niềm tin của chúng con hôm nay và mãi mãi. Xin cho mỗi người chúng con ngay trong giây phút này, hãy cất cao lên lời: “Halêluiya” và hãy loan Tin Mừng Phục Sinh đến mọi nơi. Amen.
Giuse Vinh sơn Ngọc Biển

 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây