GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Hãy sống! Ta muốn ngươi sống!

Lúc chào đời, ngày mới sinh ra, ngươi không được ai cắt rốn cũng không ai lấy nước tắm rửa cho sạch, chẳng được ai xát muối và lấy tã bọc cho. Không người nào ái ngại đưa mắt nhìn ngươi mà làm cho ngươi chỉ một trong những điều ấy vì xót thương ngươi. Ngày mới sinh ra, ngươi bị quẳng ra giữa đồng vì ai cũng ghê tởm ngươi (Ed 16, 4-5).
Hãy sống! Ta muốn ngươi sống!

 

Hãy sống! Ta muốn ngươi sống!

Chương 16 của sách tiên tri Êdêkien diễn tả cách mỹ miều lời mời gọi “hãy sống”. Câu chuyện ngụ ngôn tóm tắt lịch sử Giêrusalem, được miêu tả như một kiều nữ đáng yêu. Nàng trải nghiệm sự phản bội và phạm tội, nhưng mọi sự kết thúc thật tốt đẹp: Thiên Chúa tha thứ và đưa nàng về. Trước hết là sự bỏ rơi và hất hủi mà mỗi người cảm nhận đôi lúc trong cuộc sống.

 

Lúc chào đời, ngày mới sinh ra, ngươi không được ai cắt rốn cũng không ai lấy nước tắm rửa cho sạch, chẳng được ai xát muối và lấy tã bọc cho. Không người nào ái ngại đưa mắt nhìn ngươi mà làm cho ngươi chỉ một trong những điều ấy vì xót thương ngươi. Ngày mới sinh ra, ngươi bị quẳng ra giữa đồng vì ai cũng ghê tởm ngươi (Ed 16, 4-5).

 

Nhưng may thay Thiên Chúa đi ngang qua và chạnh lòng thương xót:

Ta đi ngang qua chỗ ngươi và thấy ngươi giẫy giụa trong máu. Thấy ngươi mình đầy máu me, Ta đã phán với ngươi: “Hãy sống!”… Ngươi đã nẩy nở, lớn lên và thành cô thiếu nữ với bộ ngực nở nang, mái tóc mượt mà… Ngươi đã nên xinh đẹp tuyệt trần và xứng ngôi hoàng hậu (Ed 16, 6-13).

 

Hãy sống! Ta muốn ngươi sống! Đây là tiếng gọi cốt lõi nhất và cũng là tiếng gọi đầu tiên Thiên Chúa ngỏ với chúng ta. Khi cuộc sống xem ra quá nghiệt ngã để chịu đựng, chúng ta hãy nắm chặt những lời này, sẵn lòng đáp lại tiếng gọi này, hãy sống và đón nhận cuộc sống như chính nó với tất cả gánh nặng và buồn phiền của nó. Để rồi, cuối cùng, sự chấp nhận đầy tin tưởng này sẽ đưa chúng ta đến chỗ nhìn nhận cuộc sống như một quà tặng vô giá.

 

Nhiều người quyết định tin vào cuộc sống bất chấp những đau khổ họ gánh chịu. Tôi nghĩ đến Etty Hillesum, một phụ nữ Do Thái trẻ chết tại Auschwitz năm 1943 (tôi đã nói về cô trong cuốn Tự Do Nội Tâm của mình). Cô từng viết, “Tôi sẵn sàng làm chứng cho vẻ đẹp và ý nghĩa cuộc sống này trong mọi tình cảnh, ngay cả đến chết”[1]. Hoàn cảnh tuyệt vọng của phận người gia tăng bao nhiêu, do Đức Quốc Xã bách hại người Do Thái gốc Hà Lan, cô càng tin tưởng vào cuộc sống bấy nhiêu.

 

Lưu ý rằng, điều này có nghĩa là chấp nhận cuộc sống trong toàn bộ của nó, chứ không chọn lựa hay chỉ chấp nhận những gì vừa lòng chúng ta và loại bỏ những điều trái ý. Chúng ta phải “chọn tất cả” như thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã nói[2]. Etty Hilesum bày tỏ cùng một ý tưởng như thế:

 

Hơn bao giờ hết, tôi cảm nghiệm mạnh mẽ trong những ngày cuối cùng này rằng: qua những hành động và cảm giác nhỏ nhặt thường ngày nhất của tôi, có một tín hiệu của vĩnh cửu đang rón rén rướn vào. Tôi không phải là người duy nhất mệt nhọc, yếu đau, buồn sầu nhưng tôi đang nên một với hàng triệu người khác qua các thế hệ. Tất cả đó là những gì mà cuộc sống được làm nên. Cuộc sống tươi đẹp đầy ý nghĩa trong những nghịch lý của nó nếu bạn biết nắm bắt nó như một toàn bộ. Như vậy, cuộc sống trong một ý nghĩa nào đó làm nên một toàn bộ hoàn hảo. Ngay khi chúng ta phủ nhận hay muốn loại bỏ những yếu tố nào đó, ngay khi chúng ta theo đuổi những ước muốn hay sở thích riêng bằng cách chỉ chấp nhận một khía cạnh nào đó của cuộc sống và loại bỏ khía cạnh khác, cuộc sống bấy giờ sẽ trở nên phi lý. Một khi ý nghĩa của cái toàn bộ của nó bị mất đi, mọi sự trở nên tùy tiện[3].

 

Cách đây không lâu, sau khi chia sẻ đề tài niềm hy vọng vào một buổi chiều tĩnh tâm tại một trong những cộng đoàn của mình, tôi đã nói chuyện với một bà cụ trong dăm ba phút, người đã khiến tôi xúc động sâu lắng. Bà cụ đã ngoài 80 nhưng rất đôn hậu, quý phái… với một khuôn mặt bình an. Bà kể, bà gặp rất nhiều thử thách trong đời, nhất là khi ở tuổi 35 với 4 đứa con… chồng bà nhẫn tâm bỏ bà để đi theo một người phụ nữ khác. Trong mấy tuần đầu, bà sụp đổ, khép mình trong phiền muộn và không còn thiết sống.

 

Một ngày nọ, bà nghe một giọng nói vang lên trong tâm hồn như thể của Chúa Giêsu, “Nếu con không tự mình đứng lên, con cái của con không thể khôn lớn và trưởng thành”. “Thế là tôi đã tìm lại can đảm để tiếp tục sống”. Bà nói tiếp, “Để có thể bắt đầu lại cuộc sống và chăm sóc con cái, chẳng dễ chút nào; tôi đã phải chiến đấu rất nhiều, nhưng Thiên Chúa luôn trung thành và Người không bao giờ bỏ tôi”. Bà kết luận, “Quả thật, cuộc sống không giống với những gì chúng ta tưởng tượng ở tuổi đôi mươi! Đến cuối đời, chúng ta mới thấy nó đầy dẫy những quà tặng tuyệt vời… và bí quyết là, bằng lòng với mọi sự cuộc sống đặt ra cho chúng ta!”.

 

 

(Trích từ ĐƯỢC GỌI ĐỂ SỐNG của JACQUES PHILIPPE)

Nguyên tác: Appelés à la vie (Jacques Philippe)

Bản tiếng Anh: Called to Life (Neal Carter)

 

[1] Etty Hillesum, Une vie bouleversée (Séuil), 166

[2] St. Thérèse of Lisieux, Complete Works, Manuscript A, 9 and 10 (Cerf), 84.

[3] Trích dẫn trong Paul Lebeau, Etty Hillesum, un itinéraire spiritual (Albin Michel), 179.

Nguồn tin: dongten.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây