THÁNH GIUSE - BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MARIA Mt 1,16.18-21.24
- Thứ ba - 18/03/2025 05:52
- In ra
- Đóng cửa sổ này

THÁNH GIUSE - BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MARIA
Mt 1,16.18-21.24
Mt 1,16.18-21.24
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mat-thêu
16 Ông Gia-cóp sinh ông Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.
18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô : bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.
19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.
20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.
21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”
24a Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy.
SUY NIỆM: CHẤP NHẬN Ý CHÚA
Nhân dịp kỷ niệm 150 năm Đức Giáo Hoàng Piô thứ IX chọn Thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông thư mang tựa đề “ Trái tim của người Cha”. Trong tông thư này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lần lượt giới thiệu cho chúng ta 7 phẩm chất trong cuộc đời của Thánh cả Giuse. Và 1 trong 7 nét đẹp đó được nói đến trong bài Tin mừng hôm nay, đó là, Thánh Giuse là một con người luôn biết sẵn sàng chấp nhận.
Thứ nhất, Ngài đã chấp nhận thánh ý Thiên Chúa qua lời của Sứ thần. Tin mừng thuật lại, trước đó Thánh Giuse đã có ý định bỏ đi cách kín đáo. Quyết định ra đi ấy có lẽ xuất phát từ sự hụt hẫng và hờn tủi, trước bào thai của người con gái mà mình yêu thương nhất; nhưng oái ăm thay, tác giả lại không phải là mình.
Trước sự thật phũ phàng ấy, tưởng chừng như Thánh Giuse sẽ không đón nhận bất kì một lời giải thích nào. Nhưng không, Ngài đã sẵn sàng đón nhận lời giải thích của sứ thần, và chấp nhận để thánh ý Chúa được thực hiện.
Thứ hai, Thánh Giuse đã chấp nhận hy sinh để đón Đức Maria về nhà mình một cách vô điều kiện, hầu có thể bảo vệ danh thơm tiếng tốt, phẩm giá và mạng sống của 2 mẹ con.
Cần hiểu rằng, một khi đã quyết định đón Trinh nữ Maria về làm vợ theo thánh ý Thiên Chúa, thì kể từ nay, Thánh Giuse mãi mãi chỉ là cha nuôi mà không bao giờ có cơ hội được làm cha ruột. Điều đó cho thấy, Ngài đã chấp nhận từ bỏ tất cả mọi sự, bỏ cả thiên chức làm cha, vốn là khát vọng thiêng liêng và cao cả của người nam, để phục vụ cho công trình của Thiên Chúa.
Bấy nhiêu thôi cũng đủ để Thánh Giuse được gọi là người công chính, và Ngài xứng đáng để trở thành Đấng bảo trợ, là cha tinh thần của toàn thể Hội Thánh, và của từng người chúng ta.
Thưa anh chị em, cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng có không ít những cái bất ngờ như thế: bất ngờ đến hoang man, đến sợ hãi. Thế nhưng kinh nghiệm cho thấy, càng tránh né, càng than trách; chỉ càng làm ta thêm mệt mỏi và thất vọng.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy học lấy con đường thiêng liêng của Thánh Giuse, là dám đối diện và chấp nhận mọi điều Chúa gởi đến cho chúng ta. Và hãy tin rằng, không có điều gì nằm ngoài thánh ý của Thiên Chúa.
Hơn nữa, Thánh Phaolô đã từng khẳng định rằng: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho chúng ta mà lại vượt quá sức loài người… Thiên Chúa sẽ không để chúng ta bị thử thách quá sức; nhưng khi để chúng ta bị thử thách như thế, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp” (1Cr 10,13).
Bên cạnh đó, chúng ta cũng được mời gọi noi gương Thánh Giuse trong việc chấp nhận những khác biệt của nhau. Vợ hãy chấp nhận những khác biệt của chồng mình, và chồng cũng hãy chấp nhận những điều ấy nơi người vợ, bằng tình nghĩa phu thê. Tương tự thế, các gia đình cũng hãy chấp nhận những khác biệt của nhau trong tình làng nghĩa xóm, để cảm thông và xây dựng cho nhau.
Nếu người này làm điều gì có lỗi với người kia, hay nhà này có làm phật lòng nhà nọ điều gì; hãy chấp nhận và bỏ qua cho nhau. Chúa đã chấp nhận mọi yếu đuối của chúng ta, thì mỗi người cũng hãy chấp nhận nhau bằng tình huynh đệ (x.Cl 3,13)
Ước gì khi mừng lễ Thánh Giuse hôm nay, mỗi người biết dẹp bỏ ý riêng để sống chấp nhận: chấp nhận ý Chúa và chấp nhận nhau. Thiết nghĩ đó là món quà đẹp và ý nghĩa nhất, để ta dâng lên Thánh Giuse trong ngày lễ mừng kính Ngài hôm nay. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: THÁNH GIUSE – ĐƯỜNG NÊN THÁNH
Trong các loài hoa, có một loài không những thân luôn mọc về phía ánh sáng mà hoa còn luôn quay về phía mặt trời. Đó là Hoa hướng dương.Hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời với cánh hoa mở rộng đón nhận ánh sáng và sức sống để toả hương khoe sắc. Thánh Giuse như hoa hướng dương luôn hướng về Thánh Ý Thiên Chúa.Ngài hằng hướng mắt, hướng lòng về Thiên Chúa để nhận ra và làm tròn Thiên Ý.Thánh Giuse được sách Tin mừng gọi là “người công chính”. Theo Kinh thánh, “Người công chính sống bởi đức tin” (Hab 2,4; Rm 1,17; Gal 3,11). Sống đức tin là sống công chính, là hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa như tổ phụ Abraham. Người công chính, nói đơn giản là người tốt, ngay thẳng, trung tín, có trách nhiệm. Là tôi tớ trung thành của Thiên Chúa, luôn thực thi trọn vẹn thánh ý của Thiên Chúa. Là con người luôn biết kính trọng và yêu thương tha nhân.
Thánh Giuse tuyệt đối tin tưởng vào lời Thiên Chúa. Ngài đã luôn sống trong thái độ hoàn toàn phó thác cho tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Trong bất cứ hoàn cảnh nào,hễ biết là Ý Chúa, Thánh Giuse vui lòng lãnh nhận và mau mắn thi hành. -Thấy Maria có thai,Giuse phải đau khổ lắm.Người Hôn thê đạo hạnh mà Ngài rất mực yêu thương lại mang thai trước khi về nhà chồng. Bối rối và khó xử nhưng Ngài vẫn tiếp tục tin tưởng Maria trong sạch vẹn tuyền. Không một lời phàn nàn, ca thán, trách móc, Giuse không hề hạch sách hay tra hỏi Maria một lời nào, Ngài âm thầm ôm lấy nổi đau riêng mình với một quyết định : “Đào vi thượng sách”. Giuse không còn chọn lựa nào khác ” vì là người công chính và không muốn tố giác bà nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” ( Mt 1,19).Thế nhưng, Thiên Thần đã hiện ra với Giuse trong giấc mộng giải thích cho Ngài biết “Người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20);rồi Thiên Thần khuyên Giuse “Chớ sợ rước Maria về nhà mình”(Mt1,20). Nhận ra Thánh Ý Thiên Chúa ” Giuse đã làm như lời Thiên Thần Chúa truyền và ông đã rước bà về”(Mt 1,24). – Cuộc sống đang bình yên tại Bêlem thì chính lúc đó Chúa lại bảo ông chỗi dậy đi ngay giữa đêm khuya, không hành trang, không tiền bạc sang Aicập sống kiếp lưu đày.Trước mắt là gian truân vất vả,đường dài vạn dặm mà vợ yếu con thơ, nhưng Giuse luôn tín thác vâng phục “Chỗi dậy, ông đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Aicập ngay giữa đêm khuya” (Mt 2,14). – Khi đã ổn định cuộc sống nơi xứ lạ quê người với một cơ ngơi bé nhỏ mà Giuse đã gầy dựng từ hai bàn tay trắng.Vậy mà một lần nữa Chúa lại bảo ông phải bỏ lại tất cả để ra đi.Thật mau mắn trước Thiên Ý “Giuse chỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Người về đất Israel”(Mt2,21). Trước Thánh Ý Thiên Chúa, Giuse vâng phục và chu toàn.Từ Nazareth qua Bêlem, từ Bêlem đi Aicập, từ Aicập về Israel, Chúa bảo ông đi là ông đi, bảo ông về là ông về, bảo ông làm thế nào là ông làm thế ấy,đúng thời gian,đúng địa điểm mà không thắc mắc,không hoài nghi, không cự nự.Tất cả mọi lần Giuse đều thưa như Đức Maria “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền”(Lc1,38).
Thánh Ý Thiên Chúa bao giờ cũng hoàn hảo, không những cho cá nhân mà còn cho toàn thể nhân loại. Thánh Giuse người công chính đã thực hiện lời mời gọi “nên hoàn hảo như Cha trên trời là Đấng hoàn hảo” (Mt 5, 48) bằng cách thi hành ý muốn của Thiên Chúa.
Công đồng Vatican II dạy: “Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tuỳ theo con đường của mỗi người” (GH 11,3).
Nên thánh theo con đường của Thánh Giuse là một con đường cho nhiều người.Không quan trọng mình là ai, địa vị nào trong xã hội, làm việc cao quý hay tầm thường. Trước nhan Thiên Chúa, mọi địa vị và công việc đều có giá trị. Điều quan trọng là hãy thực thi thánh ý Chúa, đáp lại tiếng Người mời gọi trong cuộc sống. Địa vị và công việc lao động chân tay của Thánh Giuse chỉ ở mức tầm thường; thế nhưng, ngài vẫn có khả năng biến đổi nó trở thành phi thường. Cái phi thường ở trong cái tầm thường của mỗi con người là một viên ngọc quý tiềm ẩn. Những người đồng thời nói về Thánh Giuse rất trìu mến là “bác thợ mộc”. Một tên gọi rất thường nhưng lại bao hàm lòng yêu mến con người thợ mộc ấy. Dĩ nhiên, phải có điều gì đó nơi người thợ mộc kia đã tạo được thiện cảm và lòng yêu mến của nhiều người. Ngày nay có bao nhiêu người chức nọ, quyền kia, có học vị, có địa vị, rất giàu có; nhưng khi nói về họ, nhiều người rủa thầm: tên này, tên nọ, thằng này, thằng kia, tay này, tay nọ… Để được tôn trọng, trước tiên người đó cần có lòng tự trọng. Công việc mỗi ngày bộc lộ tính tự trọng trong đó, người có lòng tự trọng sẽ làm công việc cẩn thận, có trách nhiệm, liêm khiết, công bằng, hợp tác, thân tình… Thánh Giuse là một con người “đầy tinh thần trách nhiệm”, một con người nhiều sáng kiến trong bất cứ công việc gì được trao phó. Thánh Giuse nên thánh trong nghề nghiệp của mình nên Ngài là Thánh bổn mạng của những người lao động.
Theo gương thánh Giuse, sống đạo là tin tưởng, cậy trông, yêu mến Thiên Chúa. Tin với tâm hồn thờ phượng, tạ ơn, với lòng phó thác nguyện cầu và sống theo Ý Chúa.
Hoa hướng dương là hình ảnh Thánh Giuse. Nhìn một đoá hoa hướng dương khoe sắc ta nghĩ đến Thánh Giuse. Nhìn cả vườn hoa hướng dương đang rực rỡ trong nắng ấm ta ước mong mỗi người Kitô hữu là một bông hoa nhỏ luôn hướng tâm hồn về Thiên Chúa, mở rộng lòng đón nhận sự sống,tình yêu, niềm vui để rồi toả hương khoe sắc cho cuộc đời.
Thánh Giuse mãi mãi là tấm gương cho tất cả chúng ta soi.Tấm gương của một con người luôn thao thức lắng nghe tiếng Chúa và khi đã nghe thì mau mắn đáp lại không thắc mắc cho dù phải trả giá.Tấm gương của một con người luôn hướng tâm hồn về Chúa, xin vâng trước Thiên Ý, luôn phó thác để Chúa thực hiện chương trình cứu rỗi của Người.Tấm gương về người quản gia trung tín chăm sóc hai kho tàng quý giá nhất trần gian là Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria.
Thánh Giuse là con người thầm lặng, ít nói, khiêm tốn, sống theo Ý Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Gioan Tẩy Giả chân thành “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé lại”. Giuse đã sống điều đó mà không nói một lời. Chính cuộc sống ấy đã làm nên một con đường tu đức hướng đến trọn lành. Thánh Giuse là bậc thầy dạy con người sống an vui và nên thánh trong địa vị của mình. Thánh Giuse là mẫu gương cho mọi người nên thánh trong cuộc sống thường ngày.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
SUY NIỆM: THÁNH GIUSE – CON NGƯỜI MẠNH MẼ VỚI TRÁI TIM YÊU NỒNG NÀN
Nghệ thuật hội họa và điêu khắc hay phác họa thánh Giuse với hình hài già nua, râu dài, tóc ngả màu. Đặc biệt các tác phẩm vào những thế kỷ XV – XIX, các hoạ sỹ thường vẽ lên chân dung thánh nhân là một ông già. Nhưng sau này, hình ảnh thánh nhân dần dần trẻ hơn.
Để giải quyết vấn đề đồng trinh sạch sẽ của Đức Maria mà người ta đã vẽ nên một Giuse già nua bên cạnh một Maria trẻ trung xinh đẹp. Nhưng càng chiêm ngắm Thánh Giuse, người ta càng nhận ra nơi ngài một khuôn mặt trẻ trung đầy nghị lực, một tâm hồn yêu thương mạnh mẽ.
Khoa tâm lý chiều sâu cho thấy: người mạnh là người có khả năng cảm thấy bình tĩnh trong những hoàn cảnh khắc nghiệt. Bình thản trước mọi thay đổi đột ngột. Lúc nào cũng tỉnh táo và điềm tĩnh đưa ra những lựa chọn tốt nhất.
Thánh Giuse là người đã giữ thinh lặng trong mọi biến cố của cuộc đời mà Kinh Thánh đã nhắc tới: Nhận thấy Maria có thai mà không phải của mình, ngày Maria sinh con mà phải trú ngụ nơi hang đá, trẻ Giêsu mới chào đời mà phải chạy chốn sang Ai cập,… Để giữ được thái độ ấy, thánh nhân phải là người mạnh mẽ phi thường. Đứng trước những nghịch cảnh như vậy mà Ngài vẫn bình thản được. Lạy thánh Giuse, chúng con thật cảm phục Ngài.
Sự giằng co giữa thánh ý Thiên Chúa và ý muốn của con người thật dữ dội. Khi đối chọi với sự lựa chọn ấy ta mới thấy khủng khiếp là dường nào. Quả thực, ơn gọi là một cuộc hành trình đi trong đêm tối của đức tin. Bỏ ý con người và chấp nhận thánh ý Thiên Chúa là bước vào con đường phiêu lưu cùng đức tin.
Thánh Giuse đã phải đối chọi với sự lựa chọn ấy và Ngài đã chọn thánh ý Thiên Chúa. Những lần Kinh thánh nhắc đến sự lựa chọn của Ngài thường là: trong giấc mộng. Ngài đã bước đi trong tối tăm mịt mù, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, từ khi chấp nhận đi theo con đường của Thiên Chúa trong biến cố truyền tin. Biến cố trong đền thờ không là “trong giấc mộng” nhưng lại vượt cả sức tưởng tượng giữa cái Ngài thấy nơi Giêsu tại đền thờ và khung cảnh sống điền viên nơi làng quê Nazaret.
Tình yêu thực thụ, tình yêu tinh tuyền và trong sáng luôn sẵn sàng cho đi, sẵn sàng hy sinh tất cả vì người mình yêu. Tình yêu ấy chỉ mong muốn cho người mình yêu được hạnh phúc, được triển nở, được tươi trẻ mỗi ngày một hơn và được tự do đi trên con đường của người mình yêu. Nó khác hẳn với một tình yêu ích kỷ chỉ mong chiếm đoạt cho mình, bắt người yêu thoả mãn những đòi hỏi của mình, lôi người yêu vào trong cuộc đời của mình, biến người yêu thành một phần của mình, nô lệ mình. Đức Giêsu đã sống tình yêu đích thực ấy, không phải với một người nhưng là với mỗi người và mọi người. Vì yêu mà Thiên Chúa đã để cho con người được tự do.
Đừng quên, Giuse đã đính hôn với Maria trước khi có biến cố truyền tin. Chắc chắn Giuse đã yêu Maria nhiều lắm. Những cách hành xử của Giuse cho ta thấy Giuse đã yêu Maria với tình yêu thực thụ, một tình yêu chỉ muốn tốt cho người mình yêu, chỉ muốn phục vụ, chỉ muốn người mình yêu được triển nở hạnh phúc. Giuse đã sẵn sàng hy sinh tất cả cho người mình yêu là Maria. Bởi thế mà dù ăn cùng mâm, ngủ cùng nhà, Ngài vẫn là một Giuse công chính và Maria trọn đời đồng trinh. Để có được như vậy, Giuse phải là một con người có một tình yêu nồng nàn và một tâm lý vững vàng mãnh liệt lắm.
Dẫu sao Giuse cũng là người phàm. Chính yếu tố thứ ba đã giúp Giuse kiên trung với một tình yêu trong sáng đến trọn đời. Thủa ban đầu, Adam và Eva đã chung sống hạnh phúc trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong giây phút mà Adam và Eva phạm tội, ta không thấy sự hiện diện của Chúa, nhưng sự hiện diện của ma quỷ thì thật rõ nét. Giuse và Maria đã cùng chung bước trong sự hiện diện của Giêsu, Con Thiên Chúa làm người và ở giữa hai người. Ta không thấy bóng dáng của ma quỷ can thiệp được vào cuộc đời của Giuse, nhưng sự chỉ dẫn của Chúa với ông rất rõ nét. Tâm hồn Giuse luôn hướng về Chúa và để Chúa hướng dẫn nên ông đã đi đến suối nguồn Tình Yêu.
Quả thật, Giuse không thể là một ông già yếu đuối hay một bác thợ mộc tầm thường. Nhưng bên cạnh Maria và Hài Nhi Giêsu, Giuse là một con người trẻ trung, mạnh mẽ và ngập tràn tình yêu trong sáng. Thánh nhân luôn an nhiên đón nhận thánh ý Chúa và vững vàng tiến bước trước mọi cảnh ngộ của cuộc sống.
Lạy Thánh cả Giuse, xin chỉ dạy con, giúp con tôi luyện con người mình để trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống con luôn vững vàng. Xin hướng lòng con luôn hướng về thánh ý Chúa để con được trung tín đến cùng trong ơn gọi đời con.
Lm. Giuse Lê Danh Tường
SUY NIỆM: THÁNH GIUSE – MẪU GƯƠNG CHO CÁC NGƯỜI CHA
Ngày 19 tháng 3, toàn thể Hội Thánh hân hoan mừng kính thánh Giuse, bạn trăm năm của Ðức Trinh Nữ Maria, cha nuôi Chúa Giêsu, vị quan thầy khả kính dễ mến, dễ thương, là gương tốt lành cho các bậc làm cha làm chủ trong gia đình.
Trong khung cảnh của Mùa Chay Thánh, nổi bật lên khuôn mặt của Thánh Giuse – vị thánh vĩ đại được Giáo hội đề cao như là mẫu gương cho người thế noi gương, bắt chước, học đòi. Ngài là mẫu mực sáng láng về cách ăn nết ở trong nhà, là vị gia trưởng thánh thiện, vâng phục, khiêm cung trong gia đình Nagiarét.
Tin mừng gọi thánh Giuse là người công chính. Công chính trước hết có nghĩa là tuân giữ luật Chúa (Rm 4,2; Gl 3,6). Công chính còn được hiểu là nhân hậu, và trắc ẩn (St 12,19; Tv 37,21; Tv 112,4). Đức công chính của thánh Giuse xem ra nổi bật hơn cả. Chẳng thế, Giuse đính hôn với Maria như bao thanh nam nữ tú thời bấy giờ. Theo phong tục Do thái, khi hai người nam nữ đính hôn, trước luật pháp đã thành vợ chồng, nhưng chưa chung sống; một năm sau đính hôn, chồng rước vợ về sống chung. Thời gian đính hôn, muốn bỏ nhau phải ra toà xin ly dị. Nếu vợ ngoại tình, phải bị xử ném đá theo luật.
Thế mà Maria đã có thai trước khi về chung sống. Giuse thật khó xử. Tin mừng viết: “Giuse, chồng bà là người công chính và không muốn tố giác bà, nên định tâm bỏ bà cách kín đáo”. Vì công chính, Giuse không tố cáo Maria, hay làm nhục người mà ông thương mến yêu; ông không muốn Maria bị xử phạt theo luật, nên quyết định âm thầm ra đi. Vì công chính, nên Giuse hành động theo ý Chúa, sau lời giải thích của Thiên thần, Giuse tín thác hoàn toàn, sẵn sàng đón Đức Maria về nhà làm bạn mình và phục vụ với lòng kính trọng, mến yêu.
Vốn là người vâng nghe ý Chúa, Giuse đã sống ơn gọi làm chồng cách trung thành. Vì thế, thánh nhân trở nên người chồng mẫu mực của Đức Maria và người cha tận tụy đối với Chúa Giêsu, như Chân phước Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh: “Thánh Giuse, vì yêu thương chăm sóc Mẹ Maria và vui mừng tận tụy giáo dục Ðức Giêsu Kitô, như thế Ngài cũng giữ gìn và bảo vệ nhiệm thể của Ngài là Giáo Hội, mà Ðức Thánh Trinh Nữ là hình ảnh và gương mẫu” (Trích Tông Huấn Redemptoris Custos, 1).
Nếu như Đức Thánh Cha Phanxicô nói, gia đình nhân loại hôm nay cần đến lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa biết bao. Chúng ta có thể nói mà không sợ sai lầm rằng, các gia đình hôm nay đang rất cần có những người chồng, người cha công chính và có lòng bác ái như thánh cả Giuse.
“Hãy cứu lấy các gia đình hỡi những người cha” là lời kêu gọi của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđitô, ngài tiếp: “Các gia trưởng sẽ bớt bài bạc, bớt những chén rượu, bớt đi những cuộc vui vô bổ, để làm gương sáng cho con cái về lòng tin; để con cái siêng năng cầu nguyện và đến với Chúa khi nhìn vào cha mẹ của mình...”. Thánh Giuse đã làm điều đó, đem Con Trẻ và Mẹ Người trốn sang Ai Cập, dẫn về thành Nagiaréth vui sống bình an.
“Tình yêu là sứ mạng của chúng ta” là chủ đề của ĐHGĐTG tại Philadelphia năm 2015. Tình yêu là cốt lõi làm nên ý nghĩa cho đời sống gia đình. Nếu Thiên Chúa không yêu thương thì không tạo dựng gia đình, không có mầu nhiệm nhập thể, và không có chết trên Thánh giá. Cũng vậy, không có tình yêu, chẳng ai dại gì mà kết hôn với nhau cho nó nặng nề. Có tình yêu, người ta mới sống với nhau trong tình nghĩa vợ chồng, hy sinh, quên mình để sống cho người khác. Vì Thiên Chúa là Tình Yêu, nên Thiên Chúa gieo mầm tình yêu đó nơi mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu đến để trao cho chúng ta sống và biểu lộ tình yêu ấy cho đồng loại.
Yêu là luôn nghĩ tốt, nỗ lực làm tốt, nói tốt, muốn điều tốt nhất cho người mình yêu. Tình yêu là sứ mạng, thì các gia đình Công Giáo phải thay đổi cách nhìn về gia đình, vì hôm nay ly dị quá nhiều, gia đình bị tan nát, gia đình hai người nam, hoặc nữ kết hôn với nhau. Một bức tranh tăm tối, ảm đạm phủ trên gia đình. Giáo hội phải có sứ mạng tình yêu đó, nhóm lên một ngọn lửa nhỏ để gieo niềm và hy vọng trong đời sống gia đình.
Thánh Giuse là người biết nhìn lên, luôn cố gắng đáp lại kế hoạch của Thiên Chúa. Thánh Giuse cũng là người biết nhìn xuống Đức Maria và Chúa Giêsu, đồng thời cố gắng giải thích những hành động của họ cách thiện ý nhất. Nhìn thánh Giuse bồng Chúa Giêsu trên tay, hai cha con nhìn nhau làm chúng ta nhớ tới anh Đinh Văn Manh cõng vợ là Lương Thị Hà “đi khắp thế gian” (phát sóng ngày 9/5 trên VTV3, Đài truyền hình Việt Nam). Hay là ông Lê Xuân Hồng cõng con là Lê Xuân Bách (xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) suốt 20 năm trời đến trường, theo đuổi giấc mơ đỗ Đại học phát sóng trong chương trình Điều ước thứ 7 ngày 24/10 thật là cảm động. Sau những thành công mà hai cha con vất vả đạt được luôn có hình bóng người mẹ động viên, an ủi. 3 con người, ba trái tim giàu tình yêu thương, họ sống bên nhau, nương tựa vào nhau trong khó khăn, hoạn nạn nhưng lại chưa bao giờ kể cho nhau nghe những tâm tình từ đáy lòng. Chưa hết, ngày con nhập trường cũng là ngày ông cùng con lên trường xin làm bảo vệ để tiếp tục cõng con. Người vợ nói rằng, ông Hồng là người đàn ông tuyệt nhất thế gian.
Vợ chồng, hay bố mẹ cõng nhau xem ra ruột thịt, nhưng Báo Dân Trí có đăng em Nguyễn Văn Phong cõng bạn là Lê Xuân Tú (cùng sinh năm 1998, chung lớp 11C5) đến trường suốt 5 năm trời vì thương bạn quá. Tình bạn không vơi, Tốt nghiệp THCS, Tú và Phong lại may mắn thi đậu vào trường THPT Nguyễn Đức Mậu (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) và được xếp vào học cùng một lớp.
Đó không phải là thực hành sứ mạng tình yêu và lòng bác ái trong gia đình noi gương Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse như Chúa dạy đó hay sao.
Kính xin thánh Giuse từ trời cao trợ giúp các gia đình chúng ta, đặc biệt là những người cha. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
SUY NIỆM: CÒN HƠN CẢ CÔNG CHÍNH
Phụng vụ ngày lễ kính Thánh Cả Giu-se cống hiến một đoạn văn ngắn ngủn và hiếm hoi của Phúc âm Mát-thêu hé lộ cho thấy con người Tin Mừng của Giu-se, vị thánh vẫn thường được tôn kính và khẩn cầu dưới các tước hiệu trang trọng như Dưỡng Phụ của Đức Giê-su hay Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Vậy thì ngoài các tước hiệu, con người Tin Mừng của ngài có gì đặc sắc, có gì nổi bật đáng cho chúng ta chiêm ngưỡng? Quan trọng hơn, ngài có gì để giúp Ki-tô hữu chúng ta sống Tin Mừng cách triệt để hơn, ngoài việc cầu bầu trước mặt Chúa như đấng có thần thế để lãnh nhận được các ân huệ và phúc lành?
Trong gia phả Đức Giê-su khi liệt kê các bậc tổ phụ sinh thành, Mát-thêu đã dùng câu 16 để tạo một bước ngoặt, Giu-se không sinh ra Giê-su. Qua ông và nhờ ông điều duy nhất được xác định là, Giê-su chính là hậu duệ hợp pháp của vua Đa-vít. Chỉ có thế, vì trong suốt tiến trình Giê-su giáng sinh và lớn lên, Phúc Âm cho thấy Giu-se không đóng một vai trò chủ chốt nào. Cái bóng của ông vẫn còn đó, nhưng chỉ thấp thoáng trong tư cách hỗ trợ ‘ông đón vợ về nhà.., ông đưa Ma-ri-a đi khai sổ bộ.., ông tìm quán trọ.., ông ở bên Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.., ông đem Con Trẻ lên Giê-ru-sa-lem để hiến dâng.., đang đêm ông đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.., ông lại đưa Hài Nhi và mẹ Người trở về đất It-ra-en.., rồi về Na-da-rét miền Ga-li-lê.., ông lo lắng đi tìm Trẻ Giê-su thất lạc trong đền thờ…’ Ngoài các điều trên, ông chỉ được coi như một con người tầm thường, bình dị, một công nhân lao động không được bà con lối xóm ngay tại Na-da-rét kiêng nể là bao, nói chung ông chỉ là một cái bóng mờ trong các sách Tin Mừng (Lc 4:22).
Lời khen tặng duy nhất Phúc Âm dành cho ông là: “Ông là người công chính”. Tuy nhiên danh hiệu này tự nó cũng chẳng phải là lời khen ngợi cao quí gì cho lắm. Công chính (justus) của Giu-se chỉ là một thuộc từ gán cho ông, chứ không phải là một tước hiệu danh giá mà xã hội ban tặng như trường hợp của Ba-sa-ba (Cv 1:23). Khi sử dụng danh hiệu này, tác giá Mát-thêu nhấn mạnh cho các độc giả Do Thái biết, trước con mắt các đồng hương Na-da-rét, Giu-se đơn giản là một người tốt, một người chính trực, tức là một công dân Do Thái chính hiệu, luôn trung thành với các qui định của luật Mô-sê. Trong xã hội đó, người ta gọi hạng người sống như thế là ‘công chính’, tương tự như ngày nay chúng ta nói ai đó là ‘lương thiện’ hay ‘công dân tốt’ vì tuân thủ luật pháp cách ngay chính (xem Mt 5:20). (Lưu ý: Các bản dịch Thánh Kinh Anh ngữ sử dụng nhiều tĩnh từ khác nhau để lột tả nội dung này như ‘just, righteous, good, honorable…’) Cụ thể trong bối cảnh bài Tin Mừng hôm nay, từ này được dùng để giải thích: khi Giu-se phải giáp mặt với tình huống hôn nhân khó xử, Mát-thêu cho thấy ông chỉ muốn tuân thủ cặn kẽ các qui định của luật pháp được ghi rõ trong Đệ Nhị Luật. Nếu có đôi nét đặc biệt nào thì chẳng qua cũng chỉ là thái độ tế nhị ông muốn thi hành các điều này cách kín đáo và thận trọng. Khi gọi ông là công chính, Mát-thêu chỉ muốn nhấn mạnh có một điều: Giu-se, miêu duệ Đa-vit, là một người Do Thái hoàn hảo trong việc tuân thủ luật pháp; và điều này, đối với các độc giả sách Tin Mừng ông viết mà phần đa là các Ki-tô hữu gốc Do Thái, sẽ có một tầm quan trọng và ảnh hưởng rất lớn.
Và rồi Sứ thần Chúa được gởi đến can thiệp để khảng định với ông rằng: kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa đang muốn thực hiện là ‘vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ’. Trong kế hoạch đó, sứ thần cho thấy Giu-se được dành cho một vai trò nhất định: qua ông và nhờ ông, Giê-su sẽ được luật pháp công nhận là miêu duệ vua Đa-vít, một điều có tầm quan trọng vô cùng lớn lao trong quan niệm của người Do Thái về đấng Mê-si-a. Để thi hành cho được kế hoạch này, cụ thể ông phải ‘đừng ngại đón Ma-ri-a vợ ông về’, phải công khai thi hành vai trò gia trưởng ‘đặt tên cho con trẻ là Giê-su’. Các đòi hỏi này ngầm hiểu ông sẽ phải đình chỉ thi hành các điều mà luật pháp qui định, những điều mà ông – một công dân Do Thái mẫu mực – đang chú tâm tuân thủ cách căn kẽ: ‘viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi nàng ra khỏi nhà’ (Đnl 24:1). Nếu chấp nhận thi hành theo lời sứ thần sẽ đồng nghĩa với việc, trước luật pháp Do Thái, ông không còn có thể coi mình là ‘công chính’ được nữa. Giu-se phải lựa chọn một trong hai: kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa hay sự ‘công chính’ dân sự của riêng mình. Và may mắn thay, ông đã quyết định; ‘Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy, và đón vợ ông về nhà…” Giu-se thực tế đã quyết định rời bỏ sự công chính của Cựu Ước (luật pháp) để chu toàn công chính của Tân Ước cứu độ. Từ nay ông sẽ sống trong sự ‘công chính mới’ của kế hoạch cứu độ! Phải chăng đó mới đích thị là sự vĩ đại Tin Mừng của Thánh Cả Giu-se?
Và không chỉ một mình Giu-se, Ma-ri-a – bạn ông cũng đã phải kinh qua một trải nghiệm và chọn lựa tương tự: hoặc sự công chính của lề luật – có con với chồng đã thành hôn – hoặc kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa; “Việc đó xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” Và lời ‘Xin vâng!’ của Ma-ri-a cũng dứt khoát và vĩ đại không kém hành động ‘Đón vợ về nhà’ của Giu-se, tức là rời bỏ sự công chính theo luật pháp để đi vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa yêu thương. Ôi, các cây cổ thụ của Tin Mừng quả vĩ đại dường bao, các ngài thật công chính và thánh thiện, nhưng là một thứ công chính thánh thiện của cộng tác vào chương trình cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa!
Trong đời sống thường ngày chắc rằng mỗi chúng ta cũng đều đã kinh qua một số lựa chọn tương tự, những điều mà ta quen gọi là vâng phục hay chu toàn Thánh Ý Chúa. Thế nhưng việc vâng phục này, theo thiển ý của tôi, rất thường khi sẽ đòi Ki-tô hữu phải khiêm tốn nhìn nhận thân phận hèn yếu, thấp kém và lỗi phạm của mình để dọn chỗ cho kế hoạch cứu độ đầy yêu thương mà Thiên Chúa đang muốn thực hiện nơi mình. Khiếm tốn nhìn nhận những yếu kém, những bất chính theo luật pháp hay luân lý để kế hoạch yêu thương thứ tha của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi mình, điều này đôi khi còn khó hơn cả những nỗ lực sống ngay chính lương thiện để được người đời ca tụng. Thánh Cả Giu-se và Đức Ma-ri-a là những nhân vật đặc biệt vì đã nêu gương và sẽ giúp ta thi hành được sự ‘công chính’ rất Tin Mừng này!
Lạy Thánh Cả Giu-se, dầu biết ngài là đấng có quyền thế trước mặt Chúa, nhưng con lại muốn năng chạy tới ngài như Cha và Thầy hướng dẫn cuộc sống và các lựa chọn Tin Mừng của con hơn. Xin Cha giúp con đặt Tin Mừng cứu độ Chúa lên trên tất cả những gì con và người đời thường vẫn coi là cao đẹp, là đạo đức, là thánh thiện. Xin giúp con thấu hiểu rằng: đón nhận kế hoạch yêu thương cứu độ của Thiên Chúa qua việc nhìn nhận sự yếu đuối tội lỗi của chính mình đôi khi còn quan trọng hơn cả sống công chính. Xin cho con biết cộng tác vào kế hoạch yêu thương cứu độ của Chúa từ việc nhìn nhận tình trạng thấp hèn tội lỗi của mình. A-men.
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty
SUY NIỆM: THÁNH GIUSE, NGƯỜI KHÔNG THÍCH “NỔ”
Hàng năm cứ đến tháng Ba, Giáo Hội cho chúng ta chiêm ngắm dung mạo Thánh Giuse, cha nuôi Đức Giêsu và là bạn trăm năm của Mẹ Maria.
Khi chiêm ngắm thánh Giuse, ngoài những nhân đức nổi bật đã được Giáo hội đúc kết thành Kinh Cầu tôn kính Ngài…, ta còn thấy ở Ngài một nhân đức nổi bật khác nữa, đó là đức tính âm thầm, khiêm nhường không muốn thể hiện mình hay nói theo ngôn ngữ ngày nay Ngài là người không thích nổ.
Cụ thể như việc Mẹ Maria mang thai Đức Giêsu…, thánh Giuse có thể tố cáo…, nhưng Ngài lại chọn giải pháp âm thầm rút lui. Chính vì âm thầm, không thích nổ mà Thiên Chúa đã chọn gọi và đặt Ngài lên địa vị cao sang là làm cha nuôi Đức Giêsu và là bạn trăm năm của Mẹ Maria: “Này Giuse, con cháu Đavít đừng ngần ngại đón Maria về nhà làm bạn mình vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu…”
Thánh Giuse không chỉ âm thầm khiêm nhường trước Thiên Chúa mà Ngài còn âm thầm tự xoá mình đi trước Đức Giêsu và Mẹ Maria. Chẳng hạn như biến cố Đức Giêsu tự ý ở lại đền thờ vào dịp hành hương Giêrusalem, thánh Giuse có thể la rày hay sửa phạt Đức Giêsu để thể hiện uy quyền của người cha, nhưng Ngài đã nhường cho Mẹ Maria, để Mẹ Maria chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở: “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ phải cực nhọc tìm con!”
Tóm lại thánh Giuse âm thầm và xoá mình đi như thế là để cho chương trình và thánh ý Thiên Chúa được thực hiện, Đức Giêsu và Mẹ Maria được lớn lên. Còn chúng ta là con cái của người thì sao?
Thực lòng mà nói, ta luôn muốn thể hiện mình chứ không muốn xoá mình đi, ta luôn thích nổ để chứng tỏ quyền uy của mình chứ không thích âm thầm bé nhỏ:
Trong gia đình, chồng muốn chứng tỏ uy quyền của mình trên người vợ, vợ muốn thể hiện vai trò của mình đối với chồng, chẳng ai chịu nhường nhịn ai … và thế là xảy ra cảnh gia đình bất hoà bất thuận, cơm chẳng lành canh chẳng ngọt.
Ngoài xã hội, ta thấy ai cũng muốn thể hiện mình, ai cũng cho mình là nhất… Kiêu ngạo gặp kiêu ngạo…, thế là xảy ra cảnh cãi vã, đánh lộn khắp nơi.
Muốn cho gia đình êm ấm và xã hội hài hoà, mỗi người chúng ta phải biết sống âm thầm khiêm nhường, xoá mình đi trước người khác như thánh Giuse đã sống.
Lạy thánh Giuse, xin dạy con biết sống âm thầm, khiêm nhường, xoá mình đi để Chúa và tha nhân được lớn lên, gia đình được êm ấm và xã hội được hài hoà. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Hữu