GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


THỨ HAI TUẦN III PHỤC SINH – NĂM C Ga 6,22-29

THỨ HAI TUẦN III PHỤC SINH – NĂM C Ga 6,22-29
THỨ HAI TUẦN III PHỤC SINH – NĂM C
Ga 6,22-29

 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
22 Hôm sau, đám người còn ở lại bên kia biển thấy rằng không có thuyền nào khác, duy chỉ có một chiếc, mà Chúa Giêsu không lên thuyền đó với các môn đệ, chỉ có các môn đệ ra đi mà thôi.
23 Nhưng có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn. 24 Khi đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền kia và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu.
25 Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ ?” 26 Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê.
27 Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”.

28 Họ liền thưa lại rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa ?” 29 Chúa Giêsu đáp: “Đây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến”.

SUY NIỆM: THÁNH THỂ, LƯƠNG THỰC THƯỜNG TỒN
Bước vào Tuần III Phục sinh, Giáo hội cho chúng ta nghe lại các đoạn Tin mừng nằm trong diễn từ về “Bánh Hằng Sống” của Thánh Gioan. Trong diễn từ này, Chúa Giêsu đã nhiều lần mạc khải cho biết, Ngài chính là Bánh Hằng Sống từ trời xuống, và ai ăn Bánh này sẽ được sống muôn đời.
Bài Tin mừng hôm nay kể lại một biến cố xảy ra sau phép lạ hóa bánh ra nhiều. Dân chúng ồ ạt tìm đến với Chúa Giêsu và thể hiện sự niềm nở với Ngài. Có lẽ người ta nghĩ rằng, làm như thế sẽ khiến Chúa vui lòng chăng!
Còn Chúa Giêsu, Ngài không ngần ngại nói cho đám đông năm ấy biết: “Tôi bảo thật các ông, các ông tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6,26).
Tuy nhiên, điều đó không quan trọng cho bằng qua sự việc này, Chúa Giêsu đã đưa ra một lời khuyên rất chân thành: “Anh em hãy ra công làm việc không phải vì thứ lương thực mau hư nát ở đời này, nhưng là để có lương thực thường tồn mang lại phúc trường sinh”.
Và lời khuyên này của Chúa Giêsu đang còn rất thiết thực với chúng ta hôm nay thưa anh chị em.
Dẫu biết rằng, cuộc sống mưu sinh khiến chúng ta lận đận lao đao nhiều lắm. Dẫu biết rằng, cái ăn cái mặc, tiền học hành của con cái đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực cố gắng không ngừng; nhưng dù sao đi nữa, cũng đừng quên dành thời gian cho Chúa qua các sinh hoạt đạo đức, đặc biệt là Thánh lễ mỗi ngày thưa anh chị em. Mỗi ngày chúng ta ráng làm thêm 30-45 phút cũng không làm chúng ta giàu hơn được đâu, mà chúng ta có dành 30-45 phút để đi lễ cũng không khiến chúng ta nghèo hơn đâu.
Có lần Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: cho dù có lời lãi cả thế gian mà mất phần linh hồn thì cũng chẳng có ích lợi gì.
Thật vậy, nếu chúng ta tin và xác tín rằng, Thánh Thể Chúa chính là lương thực mang lại phúc trường sinh, và vượt xa những thứ của cải ở đời này, thì mỗi người cần cố gắng thêm nhiều hơn nữa, để ta có thể sống trọn tình vẹn nghĩa với Chúa, là Đấng đã sẵn sàng hiến mình làm thần lương nuôi dưỡng linh hồn ta.
Chúng ta đừng quên cầu nguyện cho chính mình và cầu nguyện cho nhau, để chúng ta luôn nhận ra Chúa mới chính là nguồn sống của người ki-tô hữu chúng ta, hầu chúng ta không chỉ biết lo cho phần xác mà còn biết lo cho phần hồn. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM: CHỈ CÓ MỘT VIỆC CẦN LÀM: TIN VÀO ĐỨC GIÊSU KITÔ
Trong những ngày vừa qua, bài đọc I trình thuật cho chúng ta câu chuyện về Thánh Phêrô. Hôm nay, chúng ta nghe câu chuyện của Thánh Stêphanô. Như chúng ta biết, sách Công Vụ Các Tông Đồ kể lại cho chúng ta nghe về sứ vụ của các tông đồ và cộng đoàn tiên khởi. Một điều chúng ta nhận ra trong sách này là các Tông đồ và môn đệ của Chúa Giêsu phản chiếu cách trung thực đời sống của Chúa Giêsu qua cuộc sống của mình. Nói cách khác, họ lặp lại cuộc sống của Chúa Giêsu trong từng lời ăn tiếng nói và trong từng hành động của mình. Đó là điều chúng ta được mời gọi để suy gẫm.
Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta việc Thánh Stêphanô bị nhận bản án giống với bản án của Chúa Giêsu, đó là “chúng tôi đã nghe hắn nói lộng ngôn xúc phạm đến ông Môsê và Thiên Chúa” (Cv 6:11). Thật vậy, đây chính là cáo trạng mà người Do Thái dùng để đóng đinh Chúa Giêsu. Tuy nhiên, đứng trước những nhân chứng giả và những lời cáo buộc của người Do Thái, Thánh Stêphanô vẫn phản chiếu vẻ đẹp của thiên sứ trên thiên đàng: “Toàn thể cử toạ trong Thượng Hội Đồng đều nhìn thẳng vào ông Stêphanô, và họ thấy mặt ông giống như mặt thiên sứ” (Cv 6:15). Khi bị cáo buộc với những điều không phải, chúng ta phản ứng thế nào? Khuôn mặt của chúng ta có phản chiếu nét dịu hiền của Đức Giêsu Kitô, như các thiên sứ không? Khi gặp sự chống đối, chúng ta cần giữ thái độ bình thản và hiều dịu. Nếu không, chúng ta sẽ không phản chiếu cách trung thực hình ảnh của một tình yêu hiền lành và vô điều kiện của Thiên Chúa cho mọi người. Ai để cho tính nóng giận chiến thắng mình là người đã bại trận trước khi ra trận!
Trong những ngày vừa qua, chúng ta đang nghe Tin Mừng từ chương 6 của Tin Mừng Thánh Gioan. Đây là chương nói về việc Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều và cuộc “tranh luận” về Bánh Hằng Sống. Nhiều tác giả Kinh Thánh cho rằng, chương này trình thuật cho chúng ta về việc Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể trong tin Mừng Thánh Gioan [chúng ta không tìm thấy trình thuật về việc Chúa Giêsu thành lập Bí Tích Thánh Thể như trong Tin Mừng Nhất Lãm].
Đọc bài Tin Mừng hôm nay, điều đầu tiên gợi lên cho chúng ta là câu hỏi: Tại sao chúng ta tìm đến Chúa Giêsu? Chúng ta tìm thấy câu trả lời đúng nhất từ những lời Chúa Giêsu nói với người Do Thái. Một cách cụ thể, trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan trình bày cho chúng ta cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với những người Do Thái sau khi được ăn bánh no nê và chứng kiến dấu lạ Ngài làm. Chúa Giêsu chỉ ra cho họ lý do họ tìm đến Ngài và điều Ngài mong ước khi họ đến với Ngài là gì. Đây cũng là điều Chúa Giêsu mời gọi chúng ta suy niệm hôm nay. Chúng ta chia bài Tin Mừng hôm nay thành 2 phần: Bối cảnh của đối thoại (Ga 6:22-24); nội dung cuộc đối thoại (Ga 6:25-27).
Bối cảnh (Ga 6:22-24): Sau khi Đức Giêsu cho năm ngàn người ăn no nê, các môn đệ thấy Người đi trên mặt Biển Hồ. Hôm sau, đám đông dân chúng còn đứng ở bờ bên kia Biển Hồ, thấy rằng ở đó chỉ có một chiếc thuyền và Đức Giêsu lại không cùng xuống thuyền đó với các môn đệ, nhưng chỉ có các ông đi mà thôi. Tuy nhiên, có những thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn. Vậy khi dân chúng thấy Đức Giêsu cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Caphácnaum tìm Người.” Sau dấu lạ hoá bánh ra nhiều, dân chúng trở về nhà, và ngày hôm sau họ trở lại để tìm Chúa Giêsu, tìm người đã cho họ ăn no nê. Thoáng nhìn, chúng ta thấy động lực của họ thật tốt: họ muốn “tìm Người.” Tuy nhiên, đây chỉ là động lực bên ngoài mà chúng ta có thể quan sát được, còn động lực bên trong chúng ta không thể thấy. Chúng ta phải nhờ đến cuộc đối thoại với Chúa Giêsu; và Ngài chỉ ra cho chúng ta động lực đích thật họ tìm Ngài không phải vì Ngài mà vì một điều khác, đó là “được ăn bánh miễn phí.” Điều này có ý nghĩa gì với cuộc sống chúng ta? Trong cuộc sống, thường chúng ta chỉ biết được động lực của một người qua việc quan sát những hành động bên ngoài. Chúng ta không thể biết được ý hướng bên trong của người đó. Vì vậy, chúng ta cần phải cẩn thận trong nhận định của mình. Chỉ có với con tim và ánh mắt của Chúa Giêsu chúng ta mới có thể có những nhận định đúng đắn về anh chị em của mình. Đừng xét đoán khi chúng ta không biết những gì người anh chị em của mình đang trải qua.
Đối thoại (Ga 6:25-29): Cuộc đối thoại xảy ra như sau:
[Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ]
Người Do Thái:                “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?”
Chúa Giêsu: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” 
Người Do Thái: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”
Chúa Giêsu:           “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.”
Trong cuộc đối thoại này, chúng ta nhận ra hai điểm sau đây:
Thứ nhất, Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi của người Do Thái, “thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Thay vì trả lời Chúa Giêsu như “khiển trách” họ và đưa họ vào trong thế giới nội tâm, nhìn lại động lực của mình. Trong câu trả lời của mình, Chúa Giêsu cho thấy rằng việc hoá bánh ra nhiều cho họ ăn là “dấu chỉ,” tức là ám chỉ một thực tại khác, trong khi họ chỉ dừng lại ở thực tại bên ngoài, đó là “họ đã ăn no nê.” Chúa Giêsu tiếp tục phân tích cho họ rằng lương thực họ ăn chính là lương thực mau hư nát, nó chỉ là “dấu chỉ” một của ăn đem lại phúc trường sinh mà chính Ngài trao ban, đó chính là Máu Thịt Ngài. Qua chi tiết này, chúng ta được nhắc nhở rằng: Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng không thể đi vượt qua những gì xuất hiện bên ngoài để đọc được sứ điệp bên trong của sự kiện. Mỗi một sự kiện vui hoặc buồn xảy ra trong cuộc đời của chúng ta đều chứa đựng một sứ điệp Thiên Chúa muốn nói với chúng ta. Chỉ những người không dừng lại ở sự kiện mới có thể đọc được sứ điệp đó.
Thứ hai, có sự khác biệt giữa suy nghĩ của Chúa Giêsu và người Do Thái. Khi Chúa Giêsu nói họ phải “làm việc” cho lương thực trường tồn họ liền nghĩ ngay đến “những việc Thiên Chúa muốn.” Họ nghĩ đến việc theo số nhiều. Nhưng Chúa Giêsu chỉ cho họ biết rằng, chỉ có một việc quan trọng mà Thiên Chúa muốn họ làm, đó là tin vào Ngài. Qua câu trả lời này, Chúa Giêsu đưa chúng ta về với thực tại của cuộc sống hằng ngày. Chúng ta thường tự hào mình làm được nhiều việc. Chúng ta bận rộn với “những công việc” của chúng ta đến nỗi chúng ta không còn giờ để dành cho Chúa và cho người thân của mình. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đặt lại giá trị của cuộc sống. Chúng ta làm nhiều việc là tốt. Nhưng những việc chúng ta làm phải mang lại cho chúng ta cuộc sống trường sinh. Đừng chỉ dừng lại ở cuộc sống trần thế vì quê hương thật của chúng ta ở trên trời.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB

SUY NIỆM: LÀM VIỆC CỦA THIÊN CHÚA LÀ TIN VÀO CHÚA GIÊ-SU 
Đoạn Tin Mừng thuật lại một đám đông đi theo Chúa, họ đã được nghe Chúa giảng dạy, chữa lành bệnh tật, chứng kiến những phép lạ Chúa làm, nhất là được ăn bánh và cá no nê. Một ngày kết thúc, họ không thấy Chúa nữa, các môn đệ Chúa cũng không, nên họ cũng xuống thuyền hướng về Ca-phác-na-um để tìm gặp Chúa. Thấy Chúa họ hết sức vui mừng và ôn tồn hỏi Chúa: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” (Ga 6, 25). Câu hỏi này có vẻ không làm Chúa vui, nên Chúa buông lời phán với họ rằng: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê” (Ga 6, 26). Họ đã cất công tìm Chúa, ấy vậy khi gặp chẳng thấy Chúa an ủi vỗ về lại nhận được lời quở trách tìm Chúa vì cái bụng, thật là buồn. Chúa khuyên họ: “Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời” (Ga 6, 26). Chúa gợi lên nơi họ sự sống đời đời để dù ăn, dù uống hay làm bất cứ điều gì thì cũng phải nhắm tới mục tiêu tối hậu là sự sống đời đời, khiến họ khao khát thưa Chúa rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” (Ga 6, 28) Chúa Giê-su đáp: “Đây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến” (Ga 6, 29).
Vậy, chúng ta hãy ra sức tìm những của ăn không hư nát là thánh ý Chúa, Lời Chúa, Mình Máu Thánh Chúa. Đừng để những lo lắng và cám dỗ thế gian làm chúng ta quên đi hay không dám sống cho những giá trị trường tồn này.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con hiểu rằng, đón nhận thánh ý Thiên Chúa là thứ lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh. Xin đừng để một ai trong chúng con lạc xa thứ lương thực cao quí này. A-men.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

SUY NIỆM:
Tuần này chúng ta được nghe loạt diễn từ của Chúa Giêsu về Bánh Trường Sinh, mà mở đầu của chương 6 Tin Mừng thứ IV là phép lạ hoá bánh ra nhiều nuôi dân chúng. Từ đó dân chúng muốn bắt tôn Chúa Giêsu lên làm vua và tìm theo Người để được ăn no mà không phải làm việc. Chúa Giêsu nhân cơ hội dân chúng khao khát của ăn thể xác, mà mặc khải cho họ về lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh bất tử - Đó là Thánh Thể của Người.
Loài người phải sống “tay làm hàm nhai”: mối quan tâm hàng đầu của con người là bảo đảm của ăn cho ngày mai, vì không có của ăn nuôi thân thể thì sự sống chấm dứt. Con người không có sự sống tự nơi mình, nên phải không ngừng lấy từ bên ngoài những gì cần thiết để duy trì sự sống, nhưng rồi đến một ngày sự sống lệ thuộc kia phải chấm dứt vì con người chưa tìm được lương thực thường tồn.
Trong mầu nhiệm Phục Sinh, sự sống lại của Chúa Giêsu không phải là trở lại như tình trạng ban đầu như sự hồi sinh của Lazarô hay con trai bà goá Naim mà Chúa cho sống lại rồi già chết, nghĩa là vẫn bị cái chết thống trị, vẫn bị sự đau khổ và bệnh tật thể lý cũng như tội lỗi hành hạ. Còn sự sống lại của Chúa Giêsu là bước vào một sự sống mới, sự sống lại này sẽ vĩnh hằng nên mới chiến thắng được cái chết, thân xác phục sinh không còn lệ thuộc thời gian và không gian nên bệnh tật, đau khổ và tội lỗi bị loại bỏ. Tóm lại, đó là sự sống của Chúa, sự sống tự thân từ nơi Chúa mới là thường tồn. Chúng ta không có sự sống này tự nơi mình nên đến một lúc thân xác sẽ chết, nhưng hồn thiêng mang sự sống từ nơi Chúa sẽ thường tồn, cho đến ngày cả thân xác cũng mặc lấy sự phục sinh trong ngày chung thẩm.
 
Đang khi còn sống trong thân xác này, con người phải lo cái ăn cái mặc, nên không lạ gì khi họ chạy theo Chúa Giêsu khi vừa được Người hóa bánh cho ăn no nê.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu phải giải thích cho họ việc tìm kiếm Người không phải vì chuyện tìm kiếm sự dễ dãi, nhưng tìm kiếm Người để tin vào Con Thiên Chúa và được ban cho lương thực trường sinh; tìm đến với Chúa Giêsu không phải ỷ lại ngồi chờ sung rụng mà là phải sống niềm tin và cộng tác vào chương trình của Chúa, để chính công việc của con người có ý nghĩa đem đến sự sống đời đời, như Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay: “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,27). 
Chúa Giêsu cũng từng nói: “Lương thực của Người là làm theo ý muốn của Thiên Chúa Cha”, thì đây trong câu kết của bài Tin Mừng hôm nay, Người cũng khẳng định: "Việc Thiên Chúa muốn cho con người, là tin vào Đấng Người đã sai đến".
Thật vậy, ý muốn của Thiên Chúa chính là phải tin vào Chúa Giêsu Kitô, vì chỉ có Người là Đấng duy nhất đem lại sự sống đời đời. Người là sự sống và có sự sống tự nơi mình, nên ai muốn được sống đời đời phải cần có sự sống của Người, mà muốn có sự sống nơi Người phải tin vào Người là Đấng được Thiên Chúa Cha ghi dấu xác nhận.
 Lạy Chúa Giêsu, Chúa là sự sống và đã ban sự sống đó cho chúng con khi cho chúng con được ăn bánh hằng sống là Thánh Thể. Xin cho chúng con luôn biến đến kín múc sự sống nơi Chúa nơi bàn tiệc thánh mỗi ngày, để linh hồn chúng con được sống và mai sau chúng con được sống đời đời. Amen
Hiền Lâm

SUY NIỆM: LƯƠNG THỰC TRƯỜNG TỒN
Kính thưa quý ông bà, anh chị em!
Trong Tin Mừng Ga 6, 22-29; chúng ta được mời gọi suy ngẫm về tầm quan trọng của việc tìm kiếm Đức Giê-su không chỉ vì những phép lạ Ngài thực hiện mà vì danh tính và sứ mệnh thực sự của Ngài. Đoạn Tin Mừng này mời gọi chúng ta hướng tới “lương thực không hư nát”, biểu trưng cho sự sống đời đời mà Đức Giê-su hứa ban.
Đức Giê-su nhấn mạnh việc tìm kiếm lương thực tinh thần, không chỉ dừng lại ở những thỏa mãn tạm thời. Ngài mời gọi chúng ta tập trung vào những gì là vĩnh cửu, vượt qua nhu cầu thể xác để đạt tới sự nuôi dưỡng linh hồn.
Câu hỏi “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện các việc Thiên Chúa muốn?” và câu trả lời của Đức Giê-su, “Anh em hãy tin vào Đấng mà Ngài đã sai đến” nhấn mạnh về sự cần thiết của việc tin tưởng vào Đức Giê-su. Đây không chỉ là sự công nhận danh tính của Ngài mà còn là việc đặt niềm tin vào Ngài và sự cứu rỗi mà Ngài mang lại.
Đức Giê-su không chỉ cung cấp thức ăn cho thể xác mà còn dẫn dắt chúng ta vào một mối quan hệ sâu sắc với Ngài, nơi chúng ta được mời gọi để trải nghiệm tình yêu không điều kiện và sự sống đời đời. Đoạn Tin Mừng này mời gọi chúng ta không chỉ là những người quan sát mà phải là những người tham gia vào sứ mệnh cứu rỗi, sống đức tin qua từng hành động.
Bài học từ đoạn Tin Mừng này không chỉ dừng lại ở nhận thức về sự kiện hay câu chuyện; nó là lời kêu gọi hành động. Mỗi người trong chúng ta được mời gọi để không chỉ nghe và hiểu về Đức Giê-su, mà quan trọng hơn, là để sống và biểu dương niềm tin đó mỗi ngày. Chúng ta được kêu gọi để nhìn xa hơn những nhu cầu vật chất và hướng tới một mối quan hệ sâu sắc, biến đổi với Đức Giê-su, nguồn của sự sống đích thực và vĩnh cửu.
Qua việc chấp nhận lời mời gọi này, chúng ta sẽ thực sự trải nghiệm được sự giàu có tinh thần mà Đức Giê-su hứa ban, một sự giàu có không bao giờ hư nát.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Tín, M.F.

SUY NIỆM: LƯƠNG THỰC THƯỜNG TỒN 
Cơm bánh hằng ngày chỉ là thứ lương thực mau hư nát, là những đòi hỏi chóng qua của thân xác; nó không giúp mang lại sự sống trường sinh mà chỉ là dấu chỉ cho thứ lương thực thường tồn đem lại sự sống vĩnh cửu.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết ra công làm việc vì thứ lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, bởi Người hiểu rằng cơm bánh chỉ là thứ lương thực mau hư nát, là thứ lương thực nuôi sống thân xác chứ không nuôi sống tinh thần. Bên cạnh đó, Người cũng biết rằng việc hóa bánh ra nhiều chỉ có thể giúp nuôi sống vài ngàn người chứ không thể nuôi sống tất cả nhân loại. Do đó, chính Đức Giêsu muốn con người ý thức được rằng chỉ có những ai được nuôi dưỡng bằng thứ lương thực là Lời Hằng Sống, là chính thân thể Người mới đủ chất dinh dưỡng và mang lại phúc trường sinh đích thật.
Để hiện thực hóa lời mời gọi đó, mỗi người chúng ta cần biết: “tin vào Đấng Người đã sai đến” (Ga 6,29). Tin vào Đức Giêsu không chỉ giúp chúng ta thoát khỏi cơn đói về thân xác mà còn thoát khỏi những cơn đói về tinh thần như là cơn đói hạnh phúc, yêu thương, bình an, cảm thông,… Quả thật, chỉ khi sống trong niềm tin, mỗi người chúng ta mới có thể cảm nhận được tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, nhận ra được đâu mới là chìa khóa mở ra cánh cửa tâm linh, cánh cửa Nước Trời.
Lạy Chúa, Lời Chúa là lời hằng sống, Mình Máu Chúa chính là lương thực mang lại phúc trường sinh. Xin cho mỗi người chúng con luôn ý thức được tầm quan trọng của thứ lương thực thường tồn; thứ lương thực mang lại sự sống đời đời, để qua đó một lòng cậy trông, phó thác trong bàn tay quan phòng của Ngài. Amen.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Quang Thoại, SVD

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây