THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH NĂM C Lc 24,35-48
- Thứ tư - 23/04/2025 09:32
- In ra
- Đóng cửa sổ này

THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH NĂM C
Lc 24,35-48
Lc 24,35-48
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca
35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?” 40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không ?” 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
44 Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.”
45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại;
47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.
SUY NIỆM: ĐƯỢC CHẠM VÀO CHÚA
(Bài giảng lễ Thiếu Nhi)
Thiếu nhi chúng con rất thân mến, nếu bạn nào từng xem các đoạn phim quay lại các chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng, chúng con thấy cảnh tượng này, người ta tập trung rất đông hai bên con đường mà Đức Giáo Hoàng sẽ đi ngang qua. Người ta chen chúc nhau chỉ mong được nhìn thấy ngài. Còn ai được ngài bắt tay hay chỉ đụng được tà áo của ngài thôi, cũng là hạnh phúc lắm rồi.
Cần gì đến Đức Giáo Hoàng, cha thấy ở Việt Nam ta chỉ cần ca sĩ nổi tiếng cỡ như Quang Hùng Master D xuất hiện thôi là cuồng fan hò la inh ỏi. Nhiều bạn chấp nhận bầm dập lao vào chỉ mong chụp chung được tấm hình, xin được chữ ký, hay bắt tay được một cái thôi là cảm thấy “tuyệt vời ông mặt trời”.
Nếu như chỉ cần được đụng chạm đến những con người nổi tiếng như Đức Giáo Hoàng, hay như các ca sĩ mà nhiều người đã thấy hạnh phúc như vậy, thì chắc chắn các tông đồ năm xưa còn hạnh phúc hơn gấp ngàn lần. Bởi các ngài đã được đụng chạm đến Chúa Giêsu Phục Sinh. Quả thật như thế, Đấng mà các tông đồ chạm đến không chỉ là một con người, nhưng còn là một Thiên Chúa quyền năng, đã sống lại từ cõi chết.
Tuy nhiên, chúng con còn hạnh phúc hơn các tông đồ năm xưa rất nhiều lần, bởi vì chúng con không chỉ chạm được Chúa phục sinh, mà chúng con được rước Chúa vào trong lòng qua các Thánh lễ. Chúng con hãy vui mừng, hãy hạnh phúc và tự hào về điều đó.
Phần chúng con, hãy chuẩn bị tâm hồn cho thật xứng đáng, hãy siêng năng tham dự Thánh lễ ngày thường, để mỗi ngày chúng con đều được gặp Chúa, được chạm đến Chúa, được rước Chúa vào trong tâm hồn.
Cuối bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng con hãy thông báo tin vui này cho bạn bè của chúng con biết, để các bạn ấy cũng biết tìm đến với Chúa qua các Thánh lễ, đặc biệt là vào các ngày thứ Năm và Chúa Nhật, hầu các bạn ấy cũng được gặp Chúa, rước Chúa, đụng chạm đến Chúa mỗi ngày. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: CHÍNH ANH CHỊ EM LÀ NHÂN CHỨNG CỦA THẦY
Chúng ta không khỏi ngạc nhiên trước sự thay đổi của Phêrô, từ một người nhút nhát chối Chúa Giêsu ba lần thành một người can đảm làm chứng cho Ngài. Đây chính là món quà đầu tiên của Phục Sinh, sống một đời sống mới trong Đức Giêsu Kitô và can đảm làm chứng về những điều mắt thấy tai nghe. Chúng ta đã bắt đầu sống món quà này của Phục Sinh, là hoàn toàn sống cho Chúa Giêsu chưa? Nếu chưa, hãy bắt đầu ngay giây phút này. Đừng để cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu trở nên vô nghĩa trong cuộc đời chúng ta.
Sợi chỉ nối kết hai bài đọc hôm nay chính là hai từ “làm chứng.” Trong bài đọc 1, chúng ta thấy Thánh Phêrô làm chứng cho Chúa Giêsu và trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ của Ngài làm chứng về những điều họ đã nghe và đã thấy. Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta nhận ra trong bài giảng của Thánh Phêrô hai điều căn bản và cần thiết cho việc rao giảng về Chúa Giêsu như sau: (1) dùng kinh nghiệm hằng ngày để nói về Chúa Giêsu và (2) biết được người nghe của mình là ai. Điều thứ nhất giúp chúng ta bắt đầu việc làm chứng không phải với những gì trừu tượng và lý thuyết, nhưng bắt đầu với một cái gì rất cụ thể, một kinh nghiệm mắt thấy tai nghe. Điều này dựa trên mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giêsu. Điều thứ hai giúp chúng ta làm thế nào để làm cho lời chứng của chúng ta dễ hiểu và được chấp nhận với người nghe. Áp dụng hai điều này vào bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Thánh Phêrô dùng việc chữa lành của anh què để rao giảng về Chúa Giêsu. Trước sự kinh ngạc của toàn dân, Thánh Phêrô “nắm lấy cơ hội” mà họ thấy được để bắt đầu nói về Chúa Giêsu. Thánh Phêrô biết những người trước mặt mình là những người Do thái nên ngài sử dụng những hình ảnh rất gần gũi với họ, đó là các tổ phụ Abraham, Ixaác và Giacóp, hình ảnh của Môsê và các ngôn sứ. Chính những hình ảnh quen thuộc này làm cho lời rao giảng của ngài gần gũi và được đón nhận. Từ những điều này, chúng ta rút ra được điều gì để suy gẫm hôm nay?
Trong mỗi ngày sống, chúng ta trải qua rất nhiều kinh nghiệm. Nhiều người trong chúng ta cùng trải qua những kinh nghiệm giống nhau, nhưng có người đọc được bài học, có người không. Chúng ta cần phải lưu ý rằng, đối với người Kitô giáo, không có kinh nghiệm nào xảy ra cách ngẫu nhiên trong ngày sống của chúng ta. Phía sau mỗi kinh nghiệm vui buồn đều có bài học hay điều Chúa muốn nói với chúng ta. Hay nói cách khác, Chúa dạy và thanh luyện chúng ta mỗi ngày qua những kinh nghiệm vui buồn của mình. Chỉ khi chúng ta đọc ra được điều Chúa muốn nói với chúng ta qua từng kinh nghiệm sống, chúng ta mới có thể giúp người khác nhận ra được bàn tay Ngài hoạt động trong cuộc đời của họ. Đừng cảm thấy nhàm chán với những kinh nghiệm lặp lại trong từng ngày sống. Hãy khám phá ra sự mới mẻ của Thiên Chúa trong từng kinh nghiệm sống.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe về lời sai đi của Chúa Giêsu. Nhưng sự sai đi chỉ xảy ra sau khi hai môn đệ đã “trở về” từ hành trình của riêng mình để đi cùng hành trình với Chúa Giêsu: “Khi ấy, hai môn đệ từ Emmau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (Lc 24:35). Chỉ những người môn đệ đi cùng hành trình với Chúa Giêsu mới có khả năng mang sứ điệp phục sinh đến cho người khác và giúp họ nhận ra Chúa Giêsu, Người cũng đang đồng hành với họ.
Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong phần cuối của Tin Mừng Thánh Luca. Nó chứa đựng tất cả những đề tài về bình an (câu 36), bàn tiệc (câu 41-43), lời hứa của Thiên Chúa được hoàn thành nơi Chúa Giêsu (câu 44-47), tha thứ tội lỗi (câu 47), Thành Thánh Giêrusalem (câu 47,52), nhân chứng (câu 48), Chúa Thánh Thần (câu 49), Chúa Giêsu hoàn thành hành trình trở về với Thiên Chúa (câu 51), và Đền Thờ (câu 53). Toàn bộ Tin Mừng đạt đến đỉnh cao trong cử chỉ tôn thờ mà Thánh Luca diễn tả: Họ tôn thờ Ngài (câu 52). Chúng ta có thể suy gẫm trên những chi tiết sau của bài Tin Mừng:
Thứ nhất, món quà phục sinh của Chúa Giêsu cho các môn đệ: “Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!’” (Lc 24:36). Đây chính là lời chúc lành trọn vẹn và hoàn hảo cho cuộc sống được hứa trong 2:14. Lời chúc lành này được mang lại bởi sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa của Chúa Giêsu và được công bố trong 19:38 bây giờ được ban cho các môn đệ như một món quà vĩnh viễn bởi Đức Kitô phục sinh. Chúa Giêsu cũng ban cho mỗi người chúng ta món quà này vì Ngài đã ban cho chúng ta sự sống mới của Ngài trong ngày rửa tội. Nhưng nhiều lần chúng ta đánh mất món quà quý giá này qua những lần chúng ta sống không yêu thương và tha thứ, để rồi tâm hồn trở nên bất an với những tính toán hơn thua của thế gian.
Thứ hai, thái độ nghi ngờ của các môn đệ và sự kiên nhẫn hiền dịu của Chúa Giêsu: Như chúng ta biết, theo mạch văn thì các môn đệ đang tụ họp và đang nghe hai môn đệ trên đường Emmau thuật lại câu chuyện họ gặp Chúa Giêsu thế nào, thì Ngài hiện ra đứng giữa họ. Điều này làm họ “kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.” (Lc 24:37). Chi tiết này chứng tỏ, sự phục sinh của Chúa Giêsu đã mang lại một sự khác biệt nơi thân xác [diện mạo] của Ngài nên các môn đệ không nhận ra. Nhưng Chúa Giêsu khẳng định với họ là thân xác Ngài vẫn là thân xác trước kia của Ngài: “Nhưng Người nói: ‘Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?’ Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem” (Lc 24:38-40). Trong những lời này, Thánh Luca muốn nhấn mạnh đến hai điều một nhân chứng của Chúa Giêsu cần phải có, đó là “nhìn thấy Chúa Giêsu” và “đụng chạm đến Chúa Giêsu.” Chỉ những người thấy Chúa Giêsu và đụng chạm đến Ngài [hoặc được Ngài đụng chạm đến] mới có thể trở thành nhân chứng đáng tin cậy cho mầu nhiệm phục sinh. Đây cũng là hai yếu tố quan trọng để vượt thắng sự hoảng hốt, ngờ vực trong đời sống đức tin. Khi chúng ta nghi ngờ tình yêu và sự tha thứ của Chúa, khi chúng ta muốn trở nên những nhân chứng đáng tin cậy của Ngài, chúng ta cần đến với Chúa Giêsu hoặc mở lòng để Chúa Giêsu đến với chúng ta, chúng ta cần đụng chạm đến Chúa Giêsu hoặc để Chúa Giêsu đụng chạm đến chúng ta. Có như thế, những vết thương của chúng ta mới được chữa lành và được chia sẻ trong đời sống mới với Chúa Giêsu.
Thứ ba, Chúa Giêsu được nhận ra trong lúc đồng bàn [chia sẻ bữa ăn] với các môn đệ: “Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: ‘Ở đây anh em có gì ăn không?’ Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông” (Lc 24:41-43). Đây là đề tài chúng ta thấy Thánh Luca phát triển trong Tin Mừng của mình. Mỗi lần Chúa Giêsu ngồi vào bàn chia sẻ của ăn với ai, thì đức tin yếu kém của người đó được nâng đỡ, những nghi ngờ bị xua tan và người đó tìm lại được niềm vui cho hành trình theo Chúa Giêsu của mình. Điểm quan trọng mà những lời trên muốn nói đến không nhắm đến việc bảo vệ thực tại về thân xác của Chúa Giêsu, đúng hơn là nói về chiến thắng của Chúa Giêsu trên sự chết được biểu lộ qua việc Ngài ngồi vào bàn tiệc huynh đệ với các môn đệ Ngài và làm cho bàn tiệc này được canh tân với niềm vui phục sinh, niềm vui bất diệt.
Cuối cùng, sứ điệp Tin Mừng là sứ điệp yêu thương và tha thứ: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24:46-48). Các môn đệ đã cảm nghiệm được điều này qua biến cố phục sinh. Chúa Giêsu đã chết cho họ, đã hiện ra để chữa lành vết thương kém lòng tin, đã đồng bàn với họ để chia sẻ sự sống mới với họ. Giờ đây, đến lượt mình, các môn đệ cũng đem sứ điệp yêu thương và tha thứ mà họ cảm nghiệm đến tận cùng trái đất. Niềm vui phục sinh, niềm vui được yêu và được tha thứ phải được thể hiện qua đời sống yêu thương và tha thứ. Chúng ta đã làm điều này chưa?
Lm. Ngọc Dũng, SDB
SUY NIỆM:
Sách CVTĐ, thánh Luca ghi lại những hoạt động chính yếu của các môn đệ thời GH sơ khai. Tất cả những hoạt động ấy đều nhắm đến đích điểm là: “làm chứng nhân” cho Chúa theo lệnh truyền của Người trước khi về trời; khởi đi từ thành Giêrusalem cho đến tận cùng thế giới. Nhưng làm thế nào để lời chứng của chúng ta đáng tin cậy và thuyết phục được người nghe?
Tin mừng hôm nay cho biết, trước khi sai các tông đồ đi thi hành sứ mạng làm chứng, Chúa Giêsu phục sinh đã dùng mọi cách để minh chứng về sự phục sinh của Người. Dẫu trước đó Người đã hiện ra với các bà phụ nữ đạo đức; với bà Maria Macđala, với hai đệ trên đường Emmau và cùng với Phêrô, nhưng hình như niềm tin của đa số các môn đệ còn chưa vững chắc. Nên lần này trong khi các môn đệ họp nhau đông đủ, Người lại hiện đến với các ông lần nữa ngỏ hầu xóa tan đi những mối ghi ngờ nơi các ông.
Để chứng thật Người đã phục sinh, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ xem tay và cạnh sườn Người; Người tiếp tục kêu mời các ông đụng chạm đến thân thể Người; rồi để xác định Người không phải là ma, Người tiếp tục cầm lấy mẩu cá nướng và một tảng mật ong mà ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Hơn thế nữa, Người còn gợi lại cho các ông nhớ đến những lời được nói “trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Sau cùng, Chúa nói đến những lời mà Người đã tuyên báo về cái chết và sự phục sinh của Người khi còn sống. Từ đó mới nhắc nhở các môn đệ thi hành sứ mạng quan trọng là “phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”.
Như thế để thi hành sứ mạng làm chứng cho tin mừng phục sinh, đòi hỏi các môn đệ phải xác tín niềm tin cách mạnh mẽ vào sự phục sinh của Chúa. Vì có xác tín mạnh mẽ thì lời chứng của các môn đệ mới có sức thuyết phục người nghe.
Xin Chúa củng cố niềm tin vào Chúa phục sinh nơi mỗi chúng ta. Nhờ đó ta mới dấn thân lo cho việc truyền giáo bằng lời nói và chứng tá đời sống đức tin mạnh mẽ của chúng ta.
Lm Seoka
SUY NIỆM:
Hôm nay thánh Luca kể chuyện hai môn đệ trên đường Emmau quay về hỉ hứng kể cho đồng môn nghe đã gặp Thầy sống lại, thì các vị ở nhà cũng khoe là Simon Phêrô cũng đã gặp Thầy… Các vị chưa kịp ăn mừng (dù cá đã nướng, rượu đã sẵn) thì Thầy Giêsu hiện đến chia vui, làm cho các ông giật mình và hoảng hốt tưởng là ma.
Các môn đệ hốt hoảng tưởng là ma cũng không có gì là lạ, bởi vì theo phản xạ tự nhiên, một người đã chết thật mấy ngày rồi, giờ phòng đóng kín mà lại bất ngờ xuất hiện. Tuy nhiên, sự thật của vấn đề là vì các vị chưa có niềm tin vào sự Phục Sinh, cho tới khi Chúa Giêsu mở trí cho các ngài am hiểu Thánh Kinh, với những gì liên quan đến cuộc khổ nạn và phục sinh của Người đã được ghi trong các sách Ngôn Sứ, Lề Luật và Thánh Vịnh.
Các môn đệ sợ hãi là vì chưa đủ niềm tin, chưa tin là vì chưa được Chúa mở trí cho am hiểu Thánh Kinh, chưa am hiểu Thánh Kinh là vì các ngài đã và đang tìm kiếm một Đấng Kitô khác với những gì Thánh Kinh tiên báo.
Như vậy, không thể hiểu biết cách viên mãn về Đấng Phục Sinh, nếu không chịu lắng nghe Lời Chúa, cụ thể là qua những gì được chép trong Thánh Kinh.
Chúa dạy các môn đệ am hiểu Thánh Kinh viết về Người như thế nào rồi mới sai các ngài đi rao giảng Tin Mừng. Rao giảng một Đấng đã chịu tử nạn và phục sinh như Thánh Kinh chép về Người, chứ không phải rao giảng một vị chúa nào đó theo những gì suy luận ra.
Ngày nay, một số người dù mang danh Công Giáo, nhưng sự mộ mến Lời Chúa còn rất hạn chế, và vì không quan tâm đến Thánh Kinh, nên họ hiểu biết các méo mó về Thiên Chúa, tôn thờ một Thiên Chúa theo ý họ, tìm một Thiên Chúa dễ dãi, kiếm một Thiên Chúa trong những thứ “văn hóa” tạp nham khác, chứ không phải tìm một Đấng Phục Sinh đã chịu Tử Nạn như Thánh Kinh loan báo.
“Không ai cho cái mình không có” – Muốn rao giảng Lời Chúa mà không biết gì về Thánh Kinh thì làm sao rao giảng đúng được? Không có Chúa thì làm sao đem Chúa đến cho tha nhân được. Đành rằng cần đời sống chứng nhân, nhưng đời sống chứng nhân đó phải phát xuất từ một con người đầy Chúa, mà chỉ có Thánh Kinh mới nói về Thiên Chúa đúng nhất. Mãi mãi, câu nói của thánh Hiêronymô vẫn luôn giá trị: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”.
Lạy Chúa Giêsu, ngày xưa trước khi Chúa sai các tông đồ đi rao giảng và làm chứng cho Chúa, Chúa đã mở trí cho các ngài am hiểu Thánh Kinh; thì giờ đây, xin Chúa cũng mở lòng trí chúng con, để chúng con am hiểu Lời Chúa cách đúng đắn, hầu có thể đem Tin Mừng Phục Sinh đến cho những người chúng con gặp gỡ. Amen.
Hiền Lâm
SUY NIỆM: NIỀM TIN TRỞ LẠI
Trong cuộc sống, niềm tin là sợi dây để nối kết giữa người với người. Khi thiếu niềm tin, con người dễ dàng hoài nghi, sống bất an, lo lắng và sợ hãi.
Bài Tin Mừng ngày hôm nay, thánh sử Luca diễn tả tiếp nối những giờ phút đen tối và sợ hãi của các môn đệ đã và đang trải qua. Bởi biến cố tử nạn của vị Thầy Chí Thánh đã đánh sụp hoàn toàn đức tin của các ông. Khiến cho họ sợ hãi và chỉ biết nằm im thin thít trong nhà, các cánh cửa đều đóng kín mít. Thậm chí, ngay cả khi Chúa Giêsu Phục Sinh hiện đến, các ông cũng đã hoảng hốt tưởng là bóng ma. Nhận thấy được sự hoảng loạn, lo sợ của các môn đệ, mỗi lần Chúa hiện ra, Ngài đều ban “bình an cho anh em”. Cuộc thần hiện của Chúa đã đem lại bình an, mở trí và củng cố niềm tin cho các môn đệ. Tâm hồn tràn ngập bình an và niềm tin mạnh mẽ, họ can đảm ra đi rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh của Chúa.
Khung cảnh Lời Chúa hôm nay là cơ hội để tôi kiểm định lại hành trình đức tin của tôi đối với Chúa. Chúa đã phục sinh và đến với tôi qua những biến cố thường ngày. Đôi khi, vì sợ hãi và thiếu niềm tin, tôi đã vô tình “bưng tai bịt mắt” để chạy theo và nương tựa vào thế gian qua những đam mê vô bổ. Vì thiếu niềm tin mà tôi đã hoài nghi về tình thương của Chúa đối với mình. Thế nên, khi gặp những thử thách về niềm tin, khi phải đối diện với những khủng hoảng đã làm tôi chao đảo, bi quan và thậm chí tuyệt vọng. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở tôi biết chạy đến với Chúa để Ngài mở lòng, mở trí và củng cố đức tin còn non yếu của mình.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban Thánh Thần Chúa xuống trên con để con có thể nhận ra sự hiện diện yêu thương của Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời con. Amen.
Thầy Phêrô Phan Văn Thắng, SVD
SUY NIỆM: MỞ TRÍ CHO HIỂU KINH THÁNH
Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng? nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây!” (Lc. 24, 36-39)
Trong đoạn Kinh thánh này, thánh Lu-ca đã thâu tóm lại vào buổi chiều phục sinh tất cả các việc xảy ra suốt bốn mươi ngày từ ngày phục sinh đến ngày Đức Giêsu lên trời. Thực vậy, mười một tông đồ chỉ có thể dần dần “lãnh hội được đầy đủ sứ điệp phục sinh” (theo chú giải bản dịch TOB).
Đối với những kẻ thấy Người họ tưởng là ma, Đức Giêsu đã cho họ xem những lỗ đinh đóng ở chân tay Người. Đối với kẻ quá vui mừng khi thấy Thầy thật rồi, Đức Giêsu cho họ cùng ăn uống với Người. Đối với kẻ coi cuộc thương khó là gương mù, gương xấu, Người giải thích Thánh kinh để họ nhận ra chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đối với kẻ còn do dự, Người đòi họ trở nên nhân chứng rao giảng Tin mừng từ thành Giê-ru-sa-lem cho đến cùng cõi trái đất.
Tin Đức Giêsu không phải là đặc ân riêng cho mình, mà chính là ơn gọi làm chứng về Tin mừng đến mọi nơi. Mỗi cuốn Tin mừng đều biểu lộ cho người ta thấy nhiệm vụ chính thức của các tông đồ và của Giáo hội là rao giảng Tin mừng “và có thể chỉ một đoạn nhỏ Tin mừng cũng đủ trình bày tổng quát về ý nghĩa mầu nhiệm phục sinh” (A. George). Đức Giêsu lên trời để Chúa Thánh Thần hiện xuống soi sáng cho những chứng nhân của Người thiết lập.
Đức tin của chúng ta phải thành ơn gọi thúc đẩy chúng ta vượt ra khỏi những vấn đề cá nhân để tiến sâu vào sứ mệnh phổ biến ơn cứu độ. Chúa Thánh Thần luôn linh ứng hướng dẫn Giáo hội, nhưng chính chúng ta chậm trễ theo ơn Ngài, chính những cánh buồm tâm hồn chúng ta không mở căng ra. Các mầu nhiệm nói về các vết thương Đức Kitô như những môi miệng kêu gọi tình yêu của kẻ đã nhận biết. Chúng ta sẽ lấy gì, làm gì để tỏ lòng mến Thiên Chúa? Chịu lấy những vết thương hằn sâu trong hy sinh để thành chứng nhân của Đức Kitô, hay chỉ coi đó là những nhãn mác lòe loẹt ngoài mặt thôi?
Trong khi chờ đợi Chúa lại đến, chúng ta phải sống âm thầm dấn thân mạo hiểm nhiều, chứ không chỉ giải những đáp số, nhưng chịu trách nhiệm săn sóc chăm lo cho chính bản thân mình và anh em mình. Khi Đức Giêsu hiện đến, Người chỉ hỏi một điều giản dị: “Các con có gì ăn không?”. Đối với chúng ta phải sống cuộc đời tạm bợ, phải làm việc mò mẫm luôn, phải kiếm ăn vất vả nặng nhọc … không phải là những chứng nhân diễn kịch cho khán giả coi, nhưng là gợi lên ý nghĩa hy sinh tử đạo …
L.P