THỨ NĂM TUẦN III MÙA CHAY Lc 11,14-23
- Thứ ba - 25/03/2025 20:33
- In ra
- Đóng cửa sổ này

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca
14 Bấy giờ Đức Giê-su trừ một tên quỷ, và nó là quỷ câm. Khi quỷ xuất rồi, thì người câm nói được. Đám đông lấy làm ngạc nhiên. 15 Nhưng trong số đó có mấy người lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.”
16 Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời. 17 Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia.
18 Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được ?...bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.
19 Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. 20 Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.
21 Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn.
22 Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được.
23 “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.
SUY NIỆM:
Sứ điệp: Để nhận ra triều đại của Thiên Chúa, phải thành tâm và có ý ngay lành. Hãy nhìn nhau bằng đôi mắt của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, ngày xưa Chúa đã trở thành nạn nhân của lòng đố kỵ. Trước phép lạ trừ quỷ câm, Chúa được dân chúng ngưỡng mộ. Nhưng khi thấy Chúa thành công, một số người tỏ ra bực tức ghen tị. Sự ghen tị làm lòng người ra hẹp hòi, trí óc ra mù quáng và họ giải thích cách ngu xuẩn: “Ông ấy dựa vào quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ”.
Ngày hôm nay, nhân loại chúng con đang thoái hóa về tinh thần vì không biết nhìn nhau bằng tinh thần của Chúa. Tình thân ái nơi loài người đang đổ vỡ vì chúng con nhìn nhau bằng cặp mắt của Xa-tan, con mắt ích kỷ tị hiềm.
Xin Chúa dạy con biết cảm thông với anh chị em con: biết vui với người vui và nhất là biết buồn với người buồn. Xin đừng để con vui khi thấy anh chị em khổ, đừng để con mừng khi thấy anh chị em khốn khó. Đừng để con khó chịu khi thấy anh chị em thành công. Ngược lại, xin Chúa dạy con biết coi nỗi khổ của anh chị em là nỗi khổ của chính mình để con mau mắn giúp đỡ gỡ khó cho họ.
Lạy Chúa, xin dạy con biết nhìn nhau bằng ánh mắt của Chúa: luôn tôn trọng người khác, không khinh thị bất cứ ai, kể cả những người tội lỗi. Cái nhìn của Chúa đã biến đổi ông Giakêu thành người thực thi công bình bác ái. Cái nhìn của Chúa biến đổi Thánh Matthêu thành tông đồ cho Chúa. Cái nhìn của Chúa cũng biến đổi Thánh Phêrô từ kẻ chối Chúa thành người nâng đỡ đức tin cho anh em. Xin dạy con lối nhìn của Chúa để con biết nâng dậy những anh em vì hoàn cảnh đã đi xa đường lối Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM:
A. Phân tích (Hạt giống...)
1. Bài đọc Cựu Ước nói đến sự cứng đầu cứng cổ của dân Israel: Thiên Chúa dẫn đường chỉ lối cho dân để họ được hạnh phúc. Thế nhưng họ đã chẳng nghe theo. Thiên Chúa lại sai các ngôn sứ đến nhắc nhở họ. Nhưng họ vẫn không nghe.
2. Thời Chúa Giêsu, thái độ ngoan cố ấy vẫn tiếp tục: khi Chúa Giêsu làm phép lạ trục xuất quỷ câm khỏi người bị nó ám, lẽ ra người ta phải hiểu đó là dấu chỉ rằng Nước Thiên Chúa đã đến. Nhưng những người biệt phái lại không muốn hiểu như vậy, họ còn cố tình xuyên tạc rằng Ngài đã dùng thế lực của quỷ vương để trừ quỷ nhỏ. Tin Mừng Mát-thêu (Mt 12, 22-32) coi đây là tội chống Thánh Thần và là tội duy nhất không được tha. Bởi vì nếu do yếu đuối hay sai lầm mà phạm tội thì dù tội có nặng hay nhiều đến đâu đi nữa Thiên Chúa vẫn rộng lượng tha thứ. Còn kẻ ngoan cố đã thấy sự thật nhưng cố tình không nhìn nhận, lại còn xuyên tạc cho nên họ không được tha. Nói đúng ra, họ không được tha vì họ không muốn được tha.
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. Tội ngoan cố là tuy thấy rõ con đường Chúa chỉ dạy nhưng vẫn cố tình không đi theo, tuy thấy rõ sai lầm của mình nhưng vẫn cố tình không chịu sửa. Người ngoan cố kể như “hết thuốc chữa”. Bởi vậy Chúa Giêsu nói đó là tội chống Thánh Thần và là tội duy nhất Thiên Chúa không tha. Chúa sẵn sàng tha nếu ta yếu duối, Chúa sẵn sàng tha nếu ta sai lầm. Nhưng Chúa không tha nếu ta ngoan cố.
2. Ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần rất hữu ích và quan trọng. Nhưng có lẽ quan trọng hơn nữa là con người có nghe theo ơn soi sáng đó hay không. Hằng ngày, Chúa Thánh Thần ban cho ta biết bao ơn soi sáng, nhưng ta nghe theo được mấy lần ?
3. Nguỵ biện là thấy rõ sự thật nhưng cố ý giải thích sai đi cho hợp với sở thích. Người nguỵ biện tưởng rằng nhờ ngụy biện mình sẽ được sống thoải mái, nhưng thực ra họ tự hại chính mình. Chúa Giêsu đã nói “Sự thật mới giải thoát”.
4. Một cô gái biện hộ cho việc mình đến những nơi giải trí khả nghi: “Tôi nghĩ một người công giáo có thể đi bất cứ đâu”. Bạn cô đáp: “Tất nhiên, nhưng lời bạn làm tôi nhớ một chuyện: lần đó, tôi và một số người đến thăm một mỏ than. Một cô gái mặc bộ đồ trắng đẹp. Cô hỏi người hướng dẫn: - Tôi có thể mặc đồ trắng xuống hầm mỏ không ? - Được, không có gì ngăn cản cô mặc áo trắng xuống đó, nhưng điều đáng ngại là khi trở lại, áo cô không còn trắng nữa (Góp nhặt).
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
SUY NIỆM: ĐỪNG NGOAN CỐ !
Hẳn ít nhiều ta nhớ bài đọc 1, trích trong sách ngôn sứ Giêrêmia (7, 23-28). Với đoạn sách rất ngắn này, người đọc sẽ dễ dàng nhận ra Phụng vụ Lời Chúa hôm nay phác họa Thiên Chúa như một người cha đau khổ, hiểu rõ tâm tính đứa con ngỗ nghịch, ương bướng mà Người chưa thể uốn dạy.
Thật vậy, trải qua những thăng trầm của lịch sử cứu độ, không chạnh lòng, không xót xa sao được khi dân Israel cứ theo những suy tính của mình, theo tâm địa ngoan cố xấu xa, …Ta nhớ lại từ ngày cha ông chúng ra khỏi đất Aicập tới nay, ngày này qua ngày khác, Ta không ngừng sai tất cả các tôi tớ của ta là các ngôn sứ đến với chúng, nhưng chúng đã không nghe, cũng chẳng để tai, lại ra cứng đầu cứng cổ… Còn nơi trình thuật Tin Mừng, hẳn cũng sẽ có người ít nhiều bức xúc vì sự ngoan cố đến trơ trẽn của một số người chứng kiến Chúa Giêsu trừ một quỷ câm nhưng đã dám cả gan xuyên tạc, vặn vẹo, thách thức Ngài.
Sự ngoan cố này mội người chúng ta nhớ đến tội chống Thánh Thần (Mt 12, 22-32), tội duy nhất không được tha, không phải vì Chúa không tha, mà vì con người không muốn được tha.
Trong thế giới hiện đại, cám dỗ và tội lỗi được mặc dưới những lớp áo hấp dẫn và lôi cuốn. Nó mời gọi con người qua nhiều cách thức, đánh lừa cảm giác của chúng ta, thậm chí đánh lừa cả lương tâm của chúng ta. Như chị thỏ bông bao lần “tặc lưỡi” cho qua, bao lần cảm thấy bứt rứt lương tâm vì đã lỗi phạm nhưng rồi vẫn tiếp tục con đường sa ngã. Những cám dỗ của vật chất, hưởng thụ, cám dỗ của đời sống tầm thường và dễ dãi đang kéo con người xa dần Thiên Chúa. Chúng ta nhiều khi cũng vô tình “tặc lưỡi” để buông xuôi theo tội lỗi. Đó chính là những lúc chúng ta thỏa hiệp cùng ma quỷ, bội phản lại tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình.
Tin Mừng cho chúng ta niềm tin Thiên Chúa luôn hiện diện trong cuộc sống, Ngài xua trừ ma quỷ và cứu giúp con người trong mọi cảnh huống. Hôm nay, Ngài trừ một tên quỷ câm, quỷ xuất rồi thì người câm nói được. Nhưng một số người trong đám đông chứng kiến việc Chúa làm thì cho rằng: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.” Trong suốt hành trình rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu luôn chữa mọi bệnh hoạn tật nguyền cho những người mà Chúa gặp gỡ, đặc biệt những ai có lòng tin vào Ngài.
Tuy nhiên, không phải lúc nào Ngài cũng nhận được sự tán thưởng của dân chúng mà ngược lại, nhiều khi lại bị người Do Thái phản bác. Mọi việc Ngài làm đều tốt đẹp nhưng luôn bị người Phariseu phản đối. Dù thế nào, dù con người nhiều khi không đón nhận thì tình thương của Chúa vẫn dành cho họ, Ngài vẫn chữa lành mọi bệnh tật thân xác cũng như tâm hồn cho họ. Và Ngài cũng khẳng định: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán “. Dù biết con người chống lại mình và phân tán đấy, nhưng tình thương của Ngài không vì thế mà rút lại, Ngài vẫn hiện diện bên họ và sẻ chia thân phận con người cùng họ.
Thái độ không muốn thể hiện qua việc chối từ đến cùng sự thật mà con người đã thấy, đã biết. Trong khuôn khổ Tin Mừng hôm nay, sự thật ấy chính là Chúa Giêsu có quyền trên ma quỷ, có quyền tha và hằng sẵn lòng tha thứ mọi tội lỗi của con người, nếu con người thành tâm sám hối trở về. Một mặt, điều này không mới lạ, cũng chẳng khó khăn để các Kitô hữu tiếp nhận như một tín điều ; nhưng thực tế đời sống lại cho thấy, đây thật sự là một thách đố mà không phải bất cứ ai đã chịu phép rửa đều có thể vượt qua.
Thay vì thấy phép lạ Chúa Giêsu làm thị thán phục và ca tụng Thiên Chúa thì họ lại cho rằng Chúa Giêsu lấy quyền quỷ cả trừ quỷ con. Chúa Giêsu đưa họ trở về với thực tại là không có nước nào tự chia rẻ được, nước Satan cũng thế và Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ đầy uy quyền mạnh mẽ. Qua việc này Chúa muốn cho họ nhận thấy dấu chỉ Nước Thiên Chúa mà tin nhận Chúa. Mặt khác Chúa Giêsu muốn con người ta chọn Chúa hay không chọn Chúa, không có sự ưỡm ờ, bởi đây là lúc quyết định Nước Thiên Chúa đang đến. Tâm hồn không để chỗ cho Chúa ngự thì chắc là không có Chúa.
Thật thế, giữa vô vàn khó khăn, rắc rối, hãi sợ, lo toan giữa dòng đời, nhiều người trong tôi, bạn và anh chị đã không thể vững tin khi Chúa vẫn im lặng, đã vội tìm giải quyết những rắc rối, vội tìm con đường giải thoát khỏi vòng kiềm tỏa của quỷ ma bằng những phương cách đi ngược lại niềm tin Kitô giáo, đi ngược lại mặc khải của Chúa và giáo huấn của giáo hội. Thậm chí, nhiều người trong chúng ta còn rơi vào tình trạng ngoan cố đáng thương khi để mình vấp phạm bởi thiếu sự hiểu biết cần thiết về cơ chế trong giáo hội hoặc bởi thiếu khả năng phán đoán trưởng thành về gương sống chưa lành mạnh của một bộ phận linh mục, tu sĩ, hoặc tông đồ giáo dân.
Hóa ra để thêm chút tro của lòng sám hối, để thêm chút tình của người con nhận ra mình đã làm phiền lòng cha mẹ quá nhiều, để chứng tỏ sự cương quyết trong việc dứt khoát với tội lỗi, bỏ đàng quanh co mà trở về với Chúa, với Lòng Trời, thiết nghĩ ta cần mở lòng để cho Lời Chúa soi dẫn, chất vấn và mời gọi. Biết đâu ta cũng đang ngoan cố không nhìn nhận những phép lạ lớn nhỏ Chúa hằng thực hiện trong đời ta, biết đâu ta cũng đang chai lì trong những toan tính xấu xa, …? Chúa thấy rõ lòng ta, Chúa biết rõ những toan tính của ta. Chúa biết ta lỗi tội, Chúa biết ta yếu đuối, Chúa biết ta giả dối,… nhưng Người vẫn không ngừng lên tiếng gọi mời và đón đợi. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là như vậy, Tình của người Cha nhân hậu là như thế.
Và rồi ta thấy Mùa chay đã đi qua nửa chặng đường. Qua tâm tình của Tin Mừng hôm nay, ước gì mỗi chúng ta thêm xác tín vào lòng xót thương và sự thông biết vô lường của Chúa, để ta thoát khỏi vết xe đổ ngoan cố của tiền nhân. Xin cho ta biết hoán cải và sớm tìm được nẻo về, sớm xoa dịu Lòng Thương Xót của Chúa vốn thổn thức xót đau quá nhiều vì ta.
Huệ Minh
SUY NIỆM:
Trước một sự việc, có những phản ứng khác nhau tuỳ theo cái nhìn của mỗi người. Đồng thuận hay chống đối, tin nhận hay từ chối. Đó cũng là phản ứng lẫn lộn của đám đông dân chúng khi chứng kiến phép lạ trừ quỷ câm của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay.
Xin cho chúng ta luôn có cái nhìn ngay thẳng và trong sáng để nhận ra giá trị đích thực của mọi biến cố xảy đến trong đời sống.
Cùng chứng kiến một phép lạ. Nhưng lại có những phản ứng trái chiều:
- Đám đông lấy làm ngạc nhiên.
- Một số người cho rằng: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Beelzebul mà trừ quỷ”.
- Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời.
Trước những phản ứng trái chiều, nhất là thái độ chống đối của nhóm Biệt Phái. Chúa Giêsu lại kiên nhẫn lý giải cho họ hiểu rõ hai điều:
Thứ nhất: “Đòan kết là sức mạnh và là điều kiện chính để sinh tồn”, nên Satan không thể chống đối lẫn nhau. “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nào tự chia rẽ thì sẽ đổ xuống. Nếu Satan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?”. Bởi thế cho rằng Chúa Giêsu dựa thế Beelzebul mà trừ quỷ câm là không đúng.
Thứ hai: Để tạo nên sức mạnh chống lại Thiên Chúa và hãm hại con người, ma quỷ không ngu dại gì mà làm hại thuộc hạ của nó. Bởi thế việc Chúa Giêsu trừ quỷ không phải là dựa vào thế của quỷ vương. Nếu việc đó không do quỷ vương thì do đâu? Thưa do một quyền lực mạnh hơn ma quỷ, tức là Thiên Chúa. Như thế phép lạ này là dấu chỉ rằng Nước Thiên Chúa đã đến gần.
Sở dĩ những người Biệt Phái không tin nhận phép lạ Chúa Giêsu thực hiện là do quyền năng đến từ Thiên Chúa là vì họ ganh tị và ghen ghét Chúa Giêsu. Lòng ganh tỵ, ghen gét làm cho con người trở nên mù quáng, không còn khả năng nhận ra chân giá trị của sự việc và sự thật về con người. Khi nuôi dưỡng hận thù trong lòng, người ta có thể tìm mọi cách để hạ bệ hãm hại người khác. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Cố tình không đón nhận nó chỉ thiệt hại và làm đau khổ cho chính bản thân mình mà thôi.
– Câu chuyện:
Có một con đại bàng ganh tị với một con đại bàng khác vì con này bay cao hơn nó. Một hôm con đại bàng ganh tị gặp một xạ thủ. Nó xúi anh bắn hạ đối thủ của nó. Chàng xạ thủ đáp: “Được. Nhưng tôi không có tên.” Con đại bàng nhổ một cọng lông cánh đưa cho chàng xạ thủ làm tên. Nhưng chàng bắn hụt. Vì quyết tâm hại đối thủ của mình, con đại bàng ganh tị lại nhổ thêm một cọng nữa, rồi một cọng nữa… cho tới khi hai cánh nhỏ trụi nhẵn. Nó không bay được nữa. Chàng xạ thủ không bắn được con kia nên bắt lấy con đại bàng trụi cánh về làm thịt. Nếu bạn ganh tị muốn hại ai thì rốt cuộc bạn chỉ tổ hại chính bản thân mình.
Xin Chúa cho chúng con tấm lòng đơn sơ trong trắng để có cái nhìn ngay chính và trong sáng trước mọi biến cố xảy ra trong cuộc sống. Đừng để con vì ghen tỵ, thù ghét mà có thái độ tiêu cực, chỉ biết “vạch lá tìm sâu” và luôn nghi ngờ thiện chí của tha nhân. Xin cho chúng con luôn vững tin vào quyền năng Thiên Chúa và can đảm loại trừ thái độ làm tôi hai chủ trong cuộc đời này.
Lm. Seoka
SUY NIỆM:
Cứng lòng tin đã là một điều vô phúc cho chính những người không tin. Càng trở nên quá đáng, tệ hại và vô phúc hơn cho những người chính vì không tin mà dẫn đến thái độ xúc phạm đối với Thiên Chúa, đối với đức tin của Hội Thánh Ngài.
Hôm nay, Tin Mừng thánh Luca cho biết, Chúa Giêsu chữa lành một người bị quỷ câm ám hại. Quỷ xuất, người câm nói được. Trước một phép lạ lớn lao như thế, một việc làm quá sức phi thường như thế, phi thường đến nỗi “đám đông lấy làm ngạc nhiên”, lẽ ra người Do Thái phải chúc tụng Chúa, phải thần phục Chúa mới đúng.
Nhưng thật đáng buồn, họ cứng lòng tin cách hết sức lạ thường. Thánh Luca cho biết, nhiều người trong đám đông chứng kiến phép lạ nhãn tiền của Chúa, đã lên tiếng phạm thượng rằng: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bêendêbun mà trừ quỷ”. Họ chẳng những đã không tin mà còn xúc phạm đến Chúa bằng sự phạm thượng quá đáng.
Những người Do Thái, lẽ ra thật hạnh phúc vì họ là dân tộc cưu mang ơn cứu độ của thế giới, nhưng chính thái độ cứng tin, phạm thượng và loại trừ Thiên Chúa, làm cho họ, thay vì đón nhận vô vàn ơn Chúa, lại trở thành kẻ đứng bên lề ơn cứu độ. Tình thương của Chúa, sự hiến thân của Chúa, lại trở nên vô nghĩa đối với họ. Không còn vô phúc nào lớn hơn!
Nhìn lại thực tế của thời đại chúng ta thì sao? Cứ tưởng rằng thái độ chống Chúa chỉ có thể xảy ra ở thời Chúa Giêsu? Nhưng không, chính thái độ vô thần, thái độ dửng dưng, thái độ tôn thờ khoa học kỹ thuật và tiện nghi, thái độ hưởng thụ của thời đại mới này, mà chúng ta đang chứng kiến từng ngày trong cuộc sống, càng trở nên đáng trách hơn.
Bởi con người ngày nay không chỉ loại trừ Thiên Chúa, không chỉ xúc phạm Thiên Chúa, không chỉ coi Thiên Chúa là một cản trở cho đời sống của họ, mà còn tìm mọi cách để càng đẩy xa ảnh hưởng của Thiên Chúa ra khỏi đời mình bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Đặc biệt, đối với giai cấp vô thần thống trị, sẽ tìm mọi cách chống đức tin, tìm mọi hình thức khống chế việc thực hành tôn giáo và áp đặt thái độ vô thần của họ trên những người có đức tin nhưng thuộc tầng lớp bị trị dưới quyền họ.
Chính vì không còn để Thiên Chúa ảnh hưởng trên đời mình, mà thời đại chúng ta đã phải chứng kiến quá nhiều bất hạnh: mọi thủ đoạn ngày cành tinh vi; mọi lời hứa chính trị chỉ để bảo vệ quyền lợi cá nhân kẻ có quyền, có tiền; mọi hình thức giết người được thực hiện và ngày càng phát triển; mọi loại vũ khí tối tân nhất, kinh hoàng nhất thi nhau ra đời. Nhân loại ngày càng mất an ninh, bình an nhiều lúc như xa vắng, hạnh phúc đã rời khỏi tầm tay, v.v.
Chúng ta cảm tạ Chúa vì giữa một thế giới chối từ Thiên Chúa, nhất là giữa môi trường vô thần mà chúng ta đang sống, mọi Kitô hữu lại hân hoan diễn tả, hân hoan biểu dương đức tin của mình bằng mọi hình thức có thể, để nêu cao tinh thần đức tin, nêu cao chân lý bất diệt: Chúa Kitô từ muôn đời và cho đến muôn đời là Đấng Cứu Độ duy nhất của con người.
Lạy Chúa, chúng con biết rằng, ma quỷ không từ một thủ đoạn nào để kéo chúng con xa Chúa. Xin gìn giữ chúng con trong ơn nghĩa của Chúa, để mãi mãi, chúng con can đảm diễn tả, hơn thế, biểu dương đức tin của mình giữa trần thế hôm nay. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Thứ nhất: “Đòan kết là sức mạnh và là điều kiện chính để sinh tồn”, nên Satan không thể chống đối lẫn nhau. “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nào tự chia rẽ thì sẽ đổ xuống. Nếu Satan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?”. Bởi thế cho rằng Chúa Giêsu dựa thế Beelzebul mà trừ quỷ câm là không đúng.
Thứ hai: Để tạo nên sức mạnh chống lại Thiên Chúa và hãm hại con người, ma quỷ không ngu dại gì mà làm hại thuộc hạ của nó. Bởi thế việc Chúa Giêsu trừ quỷ không phải là dựa vào thế của quỷ vương. Nếu việc đó không do quỷ vương thì do đâu? Thưa do một quyền lực mạnh hơn ma quỷ, tức là Thiên Chúa. Như thế phép lạ này là dấu chỉ rằng Nước Thiên Chúa đã đến gần.
Sở dĩ những người Biệt Phái không tin nhận phép lạ Chúa Giêsu thực hiện là do quyền năng đến từ Thiên Chúa là vì họ ganh tị và ghen ghét Chúa Giêsu. Lòng ganh tỵ, ghen gét làm cho con người trở nên mù quáng, không còn khả năng nhận ra chân giá trị của sự việc và sự thật về con người. Khi nuôi dưỡng hận thù trong lòng, người ta có thể tìm mọi cách để hạ bệ hãm hại người khác. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Cố tình không đón nhận nó chỉ thiệt hại và làm đau khổ cho chính bản thân mình mà thôi.
– Câu chuyện:
Có một con đại bàng ganh tị với một con đại bàng khác vì con này bay cao hơn nó. Một hôm con đại bàng ganh tị gặp một xạ thủ. Nó xúi anh bắn hạ đối thủ của nó. Chàng xạ thủ đáp: “Được. Nhưng tôi không có tên.” Con đại bàng nhổ một cọng lông cánh đưa cho chàng xạ thủ làm tên. Nhưng chàng bắn hụt. Vì quyết tâm hại đối thủ của mình, con đại bàng ganh tị lại nhổ thêm một cọng nữa, rồi một cọng nữa… cho tới khi hai cánh nhỏ trụi nhẵn. Nó không bay được nữa. Chàng xạ thủ không bắn được con kia nên bắt lấy con đại bàng trụi cánh về làm thịt. Nếu bạn ganh tị muốn hại ai thì rốt cuộc bạn chỉ tổ hại chính bản thân mình.
Xin Chúa cho chúng con tấm lòng đơn sơ trong trắng để có cái nhìn ngay chính và trong sáng trước mọi biến cố xảy ra trong cuộc sống. Đừng để con vì ghen tỵ, thù ghét mà có thái độ tiêu cực, chỉ biết “vạch lá tìm sâu” và luôn nghi ngờ thiện chí của tha nhân. Xin cho chúng con luôn vững tin vào quyền năng Thiên Chúa và can đảm loại trừ thái độ làm tôi hai chủ trong cuộc đời này.
Lm. Seoka
SUY NIỆM:
Cứng lòng tin đã là một điều vô phúc cho chính những người không tin. Càng trở nên quá đáng, tệ hại và vô phúc hơn cho những người chính vì không tin mà dẫn đến thái độ xúc phạm đối với Thiên Chúa, đối với đức tin của Hội Thánh Ngài.
Hôm nay, Tin Mừng thánh Luca cho biết, Chúa Giêsu chữa lành một người bị quỷ câm ám hại. Quỷ xuất, người câm nói được. Trước một phép lạ lớn lao như thế, một việc làm quá sức phi thường như thế, phi thường đến nỗi “đám đông lấy làm ngạc nhiên”, lẽ ra người Do Thái phải chúc tụng Chúa, phải thần phục Chúa mới đúng.
Nhưng thật đáng buồn, họ cứng lòng tin cách hết sức lạ thường. Thánh Luca cho biết, nhiều người trong đám đông chứng kiến phép lạ nhãn tiền của Chúa, đã lên tiếng phạm thượng rằng: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bêendêbun mà trừ quỷ”. Họ chẳng những đã không tin mà còn xúc phạm đến Chúa bằng sự phạm thượng quá đáng.
Những người Do Thái, lẽ ra thật hạnh phúc vì họ là dân tộc cưu mang ơn cứu độ của thế giới, nhưng chính thái độ cứng tin, phạm thượng và loại trừ Thiên Chúa, làm cho họ, thay vì đón nhận vô vàn ơn Chúa, lại trở thành kẻ đứng bên lề ơn cứu độ. Tình thương của Chúa, sự hiến thân của Chúa, lại trở nên vô nghĩa đối với họ. Không còn vô phúc nào lớn hơn!
Nhìn lại thực tế của thời đại chúng ta thì sao? Cứ tưởng rằng thái độ chống Chúa chỉ có thể xảy ra ở thời Chúa Giêsu? Nhưng không, chính thái độ vô thần, thái độ dửng dưng, thái độ tôn thờ khoa học kỹ thuật và tiện nghi, thái độ hưởng thụ của thời đại mới này, mà chúng ta đang chứng kiến từng ngày trong cuộc sống, càng trở nên đáng trách hơn.
Bởi con người ngày nay không chỉ loại trừ Thiên Chúa, không chỉ xúc phạm Thiên Chúa, không chỉ coi Thiên Chúa là một cản trở cho đời sống của họ, mà còn tìm mọi cách để càng đẩy xa ảnh hưởng của Thiên Chúa ra khỏi đời mình bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Đặc biệt, đối với giai cấp vô thần thống trị, sẽ tìm mọi cách chống đức tin, tìm mọi hình thức khống chế việc thực hành tôn giáo và áp đặt thái độ vô thần của họ trên những người có đức tin nhưng thuộc tầng lớp bị trị dưới quyền họ.
Chính vì không còn để Thiên Chúa ảnh hưởng trên đời mình, mà thời đại chúng ta đã phải chứng kiến quá nhiều bất hạnh: mọi thủ đoạn ngày cành tinh vi; mọi lời hứa chính trị chỉ để bảo vệ quyền lợi cá nhân kẻ có quyền, có tiền; mọi hình thức giết người được thực hiện và ngày càng phát triển; mọi loại vũ khí tối tân nhất, kinh hoàng nhất thi nhau ra đời. Nhân loại ngày càng mất an ninh, bình an nhiều lúc như xa vắng, hạnh phúc đã rời khỏi tầm tay, v.v.
Chúng ta cảm tạ Chúa vì giữa một thế giới chối từ Thiên Chúa, nhất là giữa môi trường vô thần mà chúng ta đang sống, mọi Kitô hữu lại hân hoan diễn tả, hân hoan biểu dương đức tin của mình bằng mọi hình thức có thể, để nêu cao tinh thần đức tin, nêu cao chân lý bất diệt: Chúa Kitô từ muôn đời và cho đến muôn đời là Đấng Cứu Độ duy nhất của con người.
Lạy Chúa, chúng con biết rằng, ma quỷ không từ một thủ đoạn nào để kéo chúng con xa Chúa. Xin gìn giữ chúng con trong ơn nghĩa của Chúa, để mãi mãi, chúng con can đảm diễn tả, hơn thế, biểu dương đức tin của mình giữa trần thế hôm nay. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường