GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


THỨ NĂM TUẦN VI PHỤC SINH NĂM C Ga 16,16-20

THỨ NĂM TUẦN VI PHỤC SINH NĂM C Ga 16,16-20
THỨ NĂM TUẦN VI PHỤC SINH NĂM C
Ga 16,16-20

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
16 “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.”
17Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giêsu hỏi nhau: “Người muốn nói gì khi bảo chúng ta: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy” và “Thầy đến cùng Chúa Cha” ?”
18Vậy các ông nói: “’Ít lâu nữa’ nghĩa là gì ? Chúng ta không hiểu Người nói gì!”
19 Đức Giêsu biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông: “Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói: ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’.
20Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.


SUY NIỆM 1: CHÚA LÀ NIỀM VUI CỦA CON
(Lễ Thiếu nhi)
Thiếu nhi chúng con thân mến, để có thể hiểu lời của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay, cha mời gọi chúng con hãy nhớ lại 2 biến cố quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu, đó là: cuộc thương khó tử nạn và sự phục sinh của Ngài.
Bạn nào từng xem phim “Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu” sẽ nhận thấy điều này, đứng trước cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu có 2 tâm trạng khác nhau. Giới lãnh đạo Do Thái giáo và dân chúng thời bấy giờ thì hả hê vui mừng. Họ vừa chửi mắng, khạc nhổ và kết án Chúa Giêsu; vừa hò la inh ỏi trong vui sướng vì thấy Chúa Giêsu chịu đau khổ và sắp phải chết. Còn các tông đồ và những người thương mến Chúa Giêsu thì đau đớn và buồn bã hết sức, khi thấy Thầy mình phải chịu khổ hình như thế.
Thế nhưng, khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết thì tâm trạng của các tông đồ hoàn toàn khác. Các ông rất đỗi vui mừng khi nghe tin Chúa đã phục sinh. Và niềm vui ấy lại vỡ òa khi Chúa Giêsu nhiều lần hiện ra với họ.
Thật ra, tất cả những điều ấy đã được Chúa Giêsu tiên báo từ trước, và được Thánh Gioan thuật lại trong bài Tin mừng chúng con vừa nghe: “Một ít nữa anh em sẽ không thấy Thầy, và một ít nữa anh em lại thấy Thầy” (Ga 16,16). “Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ đau buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16,20). Thật vậy, các Tông đồ buồn vì mất Chúa. Nhưng khi có Chúa bên cạnh mình, nỗi buồn của các ngài lại trở thành niềm vui.
Chúng con thân mến, trong cuộc sống chắc ít nhiều chúng con cũng từng đối diện với những nỗi buồn: buồn vì mình làm bài thi không tốt và kết quả không như mong muốn, buồn vì bị bạn bè hiểu lầm và nghĩ xấu về mình, buồn vì thấy ba mẹ không hòa thuận và gia đình mình mất hạnh phúc… và còn nhiều lý do khác nữa.
Những lúc như thế quả là đáng buồn thật! Nhưng các con hãy vui mừng, vì chúng ta luôn có Chúa ở bên cạnh mình. Ngài sẽ ủi an và đỡ nâng từng người chúng ta. Những lúc như thế chúng con đừng quên cầu nguyện với Chúa Giêsu, và dâng lên cho Ngài tất cả tâm trạng của các con. Và hãy tin rằng: Ngài sẽ biến nỗi buồn của chúng ta thành hoan lạc.
Tóm lại: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Chúa, vì Chúa sẽ chăm sóc các con” (1 Pr 5,7). Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 2: NIỀM VUI SỐNG MẦU NHIỆM VƯỢT QUA
1. Loan báo mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu
Trong cuộc sống, không ai lại không trải qua hơn một lần đau khổ, thử thách …Trước những thử thách của cuộc đời, chúng ta cảm thấy sợ hãi, mệt mỏi, buồn chán.
Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại lời Chúa Giêsu tiên báo cho các môn đệ : "Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy, vì Thầy về cùng Cha".
Các môn đệ của Chúa không khỏi lo âu, sợ hãi và thắc mắc về lời loan báo này. Các ông chưa hiểu rõ lắm sự việc Chúa sắp ra đi sẽ là gì?
Mặc dầu các môn đệ đi theo Chúa Giêsu, được sống bên cạnh Chúa suốt 3 năm, nhưng các ông chưa thực sự hiểu được việc Ngài ra đi chịu chết và sẽ trở lại trong vinh quang.
Đây là lời loan báo việc Chúa Giêsu sắp ra đi chịu chết. Ngài bắt đầu trải qua những đau khổ của thập giá. Ngài sẵn sàng chấp nhận mầu nhiệm Vượt qua. Thực vậy, Chúa muốn dẫn các ông đi vào mầu nhiệm Vượt qua của Ngài :  “Thầy bảo thật với các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui".
Cuộc khổ nạn của Chúa trở thành biến cố đau buồn cho các môn đệ, khiến các ông thất vọng, muốn bỏ cuộc vì phải xa cách Chúa; nhưng các ông sẽ vui mừng và được gặp lại Chúa phục sinh. Nếu khổ nạn mà không phục sinh thì quả thực là điều thất vọng; Nhưng khổ nạn để rồi phục sinh thì đó là niềm hy vọng tràn trề.
Chúa Giêsu không chỉ muốn các ông hiểu thế nào là thập giá, thế nào là vinh quang phục sinh, mà còn muốn các ông phải can đảm, không ngã lòng, không thất vọng trước những khó khăn thử thách để sống trong sự hiện diện của Chúa, sống trong niềm vui và hy vọng để “cùng chết với Chúa và cùng sống lại với Ngài” nữa.
2. Chúa luôn hiện diện trong những thử thách để đỡ nâng chúng ta:
"Ít lâu nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi ít lâu nữa các con sẽ lại thấy Thầy" là lời loan báo trước về thực tại mới sau biến cố vượt qua của Chúa, và cũng là mầu nhiệm cao cả của đời sống Kitô.
Giông tố bão táp của cuộc đời
Hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống mầu nhiệm vượt qua của cuộc đời chúng ta. Chúng ta cũng cần có cái nhìn đức tin trước những thử thách của cuộc sống (bệnh tật, nghèo đói, thiếu thốn, bị người khác hiểu lầm, bị phê phán cách bất công). Chúng ta có dám chấp nhận, và tin tưởng phó thác cho tình thương của Thiên Chúa hay không? Chúng ta có chấp nhận nó để lập công, chuẩn bị cho sự sống đời đời mai sau hay không?
Sống đức tin trong những hoàn cảnh khó khăn thử thách không phải dễ dàng, bởi vì chúng ta còn rất mù mờ về sự hiện diện của Chúa, và tin tưởng vào sự đỡ nâng của Ngài.
Chúa ở đâu? Sao Chúa lại để con phải khổ sở như thế này??? Đó là lời than vãn đầy ngã lòng của chúng ta trong cuộc sống. Bởi chúng ta chưa sống đức tin trọn vẹn. Bởi chúng ta chưa đủ can đảm và cố gắng vượt qua những cơn thử thách. Bởi chúng ta chưa tin vào sự hiện diện của Chúa, chưa tin vào sự quan phòng của Ngài, chưa nhận ra tình thương của Ngài.
Chúa vẫn hiện diện và đồng hành với chúng ta
Trước những giông tố của cuộc đời, chúng ta không được thất vọng, tiêu cực, hy buông xuôi; nhưng chúng ta cần chịu đựng, trung thành với Chúa, tin tưởng và phó thác vào tình thương của Chúa.
Trước những giông tố cuộc đời, chúng ta vẫn sống đức tin mạnh mẽ nơi Chúa Kitô và nhận ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta sống trong niềm vui vì xác tín có Chúa luôn hiện diện bên cạnh để nâng đỡ, an ủi.
Chúng ta hãy cảm nghiệm về sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống, vì Chúa đã hứa với chúng ta rằng : "Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận cùng".
Chúng ta phải thể hiện và phải sống làm sao để cho mọi người chung quanh được trông thấy những sự thật chúng ta đang có trong tâm hồn mình, có sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn mình.
Tin vào sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần
Trong đời sống đức tin, chúng ta không nhìn thấy sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, nhưng chúng ta tin rằng, Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động trong chúng ta, Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục đến trợ giúp chúng ta, soi sáng để dẫn đưa chúng ta vào trong sự thật trọn vẹn của Phúc Âm, để hiểu thấu đáo hơn ý của Chúa. Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng cho chúng ta để thấy Chúa Kitô luôn hiện diện, giúp chúng ta hiểu và tin nhận Chúa. Có cái nhỉn đức tin ấy, chúng ta sẽ luôn sống trong niềm vui đích thực.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Amen.
Lm. Duy Khang

SUY NIỆM 3: “NHÌN THÁNH GIÁ GIÚP HIỂU ĐỜI NGƯỜI”

Đối với người theo suy nghĩ thế gian, thập giá Chúa Giêsu là một thất bại và là sự tủi nhục. Tuy nhiên, với những ai có lòng yêu mến Chúa và say mê kiếm tìm chân lý thì họ lại nhận ra nơi thập giá Chúa vô vàn bài học. Đối với họ, cụ thể là với người Kitô hữu chúng ta, bài học căn bản nhất mà ai cũng biết, đó là chúng ta gọi cây gỗ treo Chúa Giêsu là thánh giá chứ không phải thập giá. Từ thánh giá ấy, chân lý về con người và cuộc đời được sáng tỏ.
Đặt mình vào hoàn cảnh của các tông đồ trong Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy lời Chúa Giêsu nói thật khó hiểu: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy, vì Thầy về cùng Cha”. Chúa nói điều này trong bối cảnh Người chuẩn bị bước vào cuộc thương khó. Chính mầu nhiệm thương khó này là chìa khoá để hiểu các giáo huấn của Chúa. Cụ thể, suy ngắm mầu nhiệm thánh giá giúp ta hiểu câu này của Chúa: “Các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”. Đối với thế gian, thập giá là đau khổ, là tủi nhục, là buồn phiền. Tuy nhiên, nhờ được mang lấy Con Thiên Chúa, thập giá trở thành con đường cho hết những ai muốn đạt tới vinh quang và hạnh phúc vĩnh cửu. Thật vậy, khi chiêm ngắm thánh giá Chúa và suy niệm về con đường thập giá Chúa đã đi, nhân loại tìm được hướng đi vững chắc là qua đau khổ tiến vào vinh quang. Thánh giá Chúa còn là câu trả lời duy nhất có thể thoả mãn những vấn nạn dai dẳng trong cuộc đời như hạnh phúc và đau khổ, yêu thương và hận thù,…Thật vậy, thánh giá Chúa Kitô hoá giải mọi khúc mắc cho những ai tin vào Chúa. Đáng tiếc thay, có rất nhiều người, cụ thể như những người Do Thái trong bài đọc thứ nhất, đã vì cố chấp mà không tin Chúa Giêsu. Vì lẽ đó, mầu nhiệm thánh giá lại trở thành cớ cho họ sỉ nhục và công kích.
Thánh giá Chúa là niềm tự hào của Kitô hữu, những người có Chúa Kitô nơi mình. Điều ấy thôi thúc chúng ta năng suy ngắm thánh giá Chúa, năng nhớ đến cuộc thương khó và phục sinh của Chúa. Từ đó, Chúa mời gọi chúng ta kết hiệp mọi niềm vui nỗi buồn của đời ta với Chúa trên thập giá. Cứ trung thành thực hiện điều này mỗi ngày, ta sẽ nhận ra giá trị của cuộc sống ngay trong những điều nhỏ bé tầm thường, nhận ra ý nghĩa cuộc đời qua đau khổ cũng như hạnh phúc và tìm được hướng giải quyết cho mọi khó khăn nhờ biết gắn đời mình với mầu nhiệm thánh giá để qua đau khổ đến vinh quang.
Lạy Chúa Giêsu, thánh giá Chúa là nguồn mạch khôn ngoan để giúp chúng con vững bước trong đời. Xin cho chúng con yêu mến và năng gẫm suy mầu nhiệm thánh giá Chúa nhiều hơn. Amen.
Thực hành: Mỗi ngày dành ít phút để suy ngắm thánh giá Chúa.
Lm Phêrô Trần Lê Thành Nhân

SUY NIỆM 4: NIỀM VUI PHỤC SINH TRÀN NGẬP TÂM HỒN
1. Ngày sống của mỗi người đều có 24 tiếng, thế nhưng thời gian có ý nghĩa và độ dài khác nhau tùy từng người: người đang chờ đợi sẽ thấy thời gian trôi quá chậm, còn kẻ đang sợ hãi thì thời gian lại đến quá nhanh. Cũng vậy, người đang trĩu nặng buồn phiền, thời gian dài lê thê, còn kẻ đang hưởng niềm vui, thời gian lại ngắn ngủi mau qua.
“Một ít nữa, các con sẽ không thấy Ta, và một ít nữa, các con sẽ thấy Ta.” Chúa Giêsu cho các môn đệ biết sẽ có một khoảng thời gian, họ sẽ không thấy Ngài vì Ngài về cùng Cha. Cũng chung một thời gian, nhưng các môn đệ sẽ khóc sẽ than, còn thế gian sẽ vui mừng. Thật ra, thời gian tự nó chẳng có ý nghĩa gì, nó chỉ là thước đo của lịch sử. Thời gian chỉ có ý nghĩa và giá trị khi con người đặt tình cảm vào đó. Quá khứ qua rồi nhưng có thể sống lại trong tình cảm; tương lai chưa đến nhưng đã thành tựu trong dự kiến bằng các hy vọng hoài bão. Bởi thế, thời gian có thể là linh dược, hay độc dược: một kỷ niệm, một viễn ảnh sáng lạn vẫn luôn là liều thuốc làm phấn khởi lòng người.
Chúa Giêsu có thời gian của Ngài. Ngài kêu gọi các môn đệ đến với Ngài. Nhưng tới lúc Ngài phải từ giã các ông, các ông sẽ buồn sầu, tuy nhiên đó cũng là lúc để các ông nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã nói, và nỗi buồn sẽ trở thành niềm vui, khi Ngài trở lại. Như thế, Chúa Giêsu đã trở thành ý nghĩa của thời gian: thiếu vắng Ngài, các môn đệ u sầu, nhưng có Ngài, các ông mừng vui.
Chúa Giêsu vẫn hiện diện trong thời gian, và tình yêu của Ngài trải dài trong lịch sử. Con người sở dĩ chưa gặp được Ngài vì còn chạy theo thú vui chóng qua mà chưa sống cho vĩnh cửu. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tìm kiếm Chúa Giêsu để Ngài trở thành ý nghĩa cho cuộc sống chúng ta. Có Ngài, mọi u buồn sẽ trở thành niềm vui, được sống trong tình yêu của Ngài, chúng ta sẽ quên đi mọi nhọc nhằn của thời gian.
2. Kinh điển Phật Giáo có ghi lại câu chuyện: một người đàn bà nọ có đứa con độc nhất qua đời, trong niềm đau tột cùng, người đàn bà đến hàng xóm và khẩn cầu: “xin vui lòng chỉ cho tôi bất cứ thứ thuốc nào để làm cho nó sống lại.” Nhưng ai cũng chỉ biết lắc đầu mà thôi. Cuối cùng có một người mách cho người đàn bà biết có một vị lương y có thể cải tử hoàn sinh đứa bé đó được, đó chính là Đức Phật Thích Ca.
Người đàn bà mang đứa bé đến cầu khẩn với Ngài và xin ban cho đứa bé một liều thuốc. Đức Phật Thích Ca liền nói: “Ta cần một ít hạt cải.” Người đàn bà liền tìm một ít hạt cải mang lại cho Đức Phật. Nhưng vừa thấy, Đức Phật nói với người đàn bà: “Hãy đi mời nhà nào không có tang chế và hãy uống lấy những hạt cải này.”
Tin lời Đức Phật, người đàn bà đi gõ cửa từng nhà mời uống lấy những hạt cải này, nhưng tất cả đều từ chối vì thật ra không có nhà nào mà lại không có người đã ra đi. Khi người đàn bà trở về nhà, trời đêm đã buông xuống, bà đến ngồi bên xác con và nhìn ra phố phường đang lên đèn, càng về khuya màn đêm càng tối và đêm đen bao trùm vạn vật. Lúc ấy, người đàn bà mới bắt đầu nghĩ: đời là thế, sinh ra đau khổ rồi chết, vì thế bà đứng dậy mang xác con vào rừng chôn cất.
Như vậy con người được sinh ra rồi chịu đau khổ tận cùng là cái chết. Đó là số phận của kiếp người mà khi Nhập Thể Con Thiên Chúa cũng không thoát khỏi. Chúa Giêsu đã ba lần chính thức loan báo về cuộc khổ nạn Ngài đã trải qua, nhưng xem ra các môn đệ của Ngài không hiểu được và cũng không chấp nhận được, vì tại sao số phận nghiệt ngã như thế lại xảy ra với Thầy mình, một người có quyền phép trên cả sự chết và đang trên đường tiến tới một tương lai sáng lạn.
Trong những giờ phút cuối cùng ngồi bên các ông, Chúa Giêsu nói đến cái chết một lần nữa, nhưng lần này Ngài nói đến cuộc tử nạn ấy như là cuộc ra đi, ra đi mà không vĩnh biệt. Do đó, Chúa Giêsu đã nói: “Thầy ra đi, anh em sẽ buồn rầu, nhưng niềm vui của họ gấp bội khi Ngài sống lại” (Ga 16, 20).
Cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu gắn liền với sự đau khổ và niềm vui của các môn đệ, đúng hơn cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu chiếu dọi ánh sáng vào mọi khổ đau của con người. Kitô giáo không chối bỏ cái chết và sự đau khổ, nhưng qua cái chết và sự Phục sinh của Đức Kitô, Kitô giáo không còn nhìn cái chết và đau khổ như một ngõ cụt của cuộc sống. Trái lại, trong ánh sáng Phục sinh của Chúa Kitô, cuộc sống con người mang một ý nghĩa thật tuyệt vời, mặc cho bao đau khổ mà con người vẫn phải trải qua “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi một ít nữa các con sẽ xem thấy Thầy” (Ga16, 16).
Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ tham dự vào mầu nhiệm vượt qua của Ngài, có nghĩa là cả những lúc tăm tối nhất của cuộc đời, họ vẫn nhận thấy được Ngài, bám chặt lấy Ngài để tiến bước, cho dẫu đau khổ như thế nào đi chăng nữa, con người vẫn tìm được ý nghĩa đích thực cho cuộc sống. Tham dự vào mầu nhiệm của Ngài cũng có nghĩa là nhìn thấy người anh em đang đau khổ ở xung quanh chúng ta. Sự cảm thông phục vụ đối với người đau khổ sẽ cho chúng ta tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu và niềm vui Phục sinh tràn ngập tâm hồn chúng ta.
Lm Carôlô Hồ Bạc Xái
 
SUY NIỆM 5: BUỒN VUI CỦA CUỘC SỐNG KITÔ HỮU
1. Chủ đề bài Tin Mừng hôm nay nói về những buồn vui của cuộc sống người Kitô hữu.
“Chúng con sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của chúng con sẽ biến thành niềm vui” (Ga 16,20). Chỉ khi nào ở trên trời thì chúng ta mới có thể hoàn toàn vui thôi, còn bao lâu còn ở lại trần gian thì vui buồn lẫn lộn. Và những vui buồn ở đời này có những tính chất khác nhau và những hậu quả khác nhau.
Có những cái vui không trọn vẹn, như lời một bản thánh ca lấy ý từ sách Giảng viên: “Hoa nào không phai tàn, trăng nào không khuyết, ngày nào mà không có đêm, yến tiệc nào không có lúc tàn”.
Có những niềm vui chẳng mấy chốc lại biến thành nỗi buồn. Đó là những thú vui tội lỗi. Thí dụ cái vui của thằng con hoang đàng trong sách Tin Mừng: Khi nó ngụp lặn trong những cuộc trụy lạc thì nó vui, nhưng sau khi cuộc trụy lạc tàn và khi đã hết tiền, nó rơi vào một sự trống rỗng, một nỗi buồn mênh mông.
 Có những nỗi buồn cứ càng ngày càng buồn thêm, không dứt. Đó là cái buồn do hậu quả của một việc làm sai quấy. Thí dụ như cái buồn của Giuđa khi đã phản bội, đã bán đứng Thầy mình. Giuđa buồn đến nỗi phải đi thắt cổ chết. Hay những nỗi buồn của những người ở trong hoả ngục: Họ phải buồn muôn đời muôn kiếp vì họ biết rằng, họ đã mất Chúa muôn kiếp muôn đời.
Một hôm sau khi cầu nguyện, một Linh mục xin Chúa cho được tra vấn một tên quỷ:
- Nhân danh Thiên Chúa, ta hỏi ngươi: Đâu là nơi mà ngươi cho là hạnh phúc nhất?
Tên quỷ thẳng thắn trả lời:
- Dĩ nhiên là ở Thiên Đàng. Ôi! Được nhìn thấy Chúa là tất cả niềm hoan lạc rồi. Với Chúa thời gian chỉ là mùa xuân vĩnh cửu. Nếu ngài lấy mọi vẻ đẹp của muôn vàn châu báu trên trần gian và mọi tinh tú trong vũ trụ rồi đem so sánh với vẻ đẹp của Chúa, thì tất cả cũng chỉ là con số không.
Vị linh mục thắc mắc:
- Ngươi đã được hưởng tất cả những thứ đó, tại sao ngươi lại đánh mất phúc Thiên Đàng?
Tên ma quỷ trả lời một cách hằn học:
- Chỉ vì chúng tôi kiêu ngạo phản loạn. Khổ nỗi là bây giờ đã quá muộn để hối hận.Tất cả chỉ còn là oán thù. Lúc này dù phải chịu mọi cực hình hỏa ngục gom lại cho riêng tôi, tôi cũng sẵn sáng đón nhận, miễn là sau đó tôi được hưởng lại Thiên Đàng trong giây lát. Nhưng đã quá muộn rồi.
2. Nhưng điều đáng chú ý hơn cả là việc Chúa Giêsu nói đến những thứ buồn sẽ biến thành niềm vui.
“Ít lâu nữa các con sẽ không thấy Thầy”. Đó là cái buồn vì không được thấy Chúa.
“Nhưng rồi ít lâu nữa chúng con sẽ lại thấy Thầy… nỗi buồn của chúng con sẽ biến thành niềm vui”: nỗi buồn xa Chúa đã biến thành niềm vui khi các ông gặp lại Chúa Phục Sinh.
Còn đối với chúng ta thì sao? Không phải cái vui nào cũng nên tìm kiếm, và không phải cái buồn nào ta cũng phải tránh xa.
Đối với những thứ vui chóng tàn, chúng ta đừng quá bám víu, để khi nó tàn chúng ta không bị thất vọng. Chuyện đứa con hoang đàng là một thí dụ.
Đối với những thứ vui mà chẳng mấy chốc sẽ biến thành nỗi buồn, ta cũng đừng nên mất công tìm kiếm. Thí dụ Giuđa vui khi nhận được tiền nhưng chẳng mấy chốc tiền đã làm cho Giuđa tuyệt vọng.
Có những việc làm mà hậu quả sẽ để lại những nỗi buồn dai dẳng, chúng ta đừng bao giờ làm.
Nhưng chúng ta hãy biết buồn khi lỡ phạm tội, buồn để sám hối ăn năn, buồn để quay gót trở về với Chúa. Có thể nói đây là nỗi buồn thánh vì nỗi buồn này sẽ biến thành niềm vui.
 “Anh em sẽ lo buồn nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”.
Milton đã có lần tâm sự: “Mù không phải là khổ, không chịu được cảnh mù mới là khổ”.
Phải biết biến nỗi buồn thành niềm vui.
Một nhà truyền giáo kể lại câu chuyện như sau:
Có một cụ già vừa mới trở lại đạo Công giáo, mỗi ngày cụ đến nhà thương để đọc Kinh Thánh cho các bệnh nhân nào muốn nghe. Thế nhưng, một ngày nọ, cảm thấy có gì không ổn trong mắt, cụ đi khám tại bác sĩ chuyên về khoa mắt và đã biết rằng, mình không còn sử dụng đôi mắt được lâu nữa, vì sắp bị mù mà không còn cách chi để chữa nữa.
Từ đó, người ta không thấy cụ đến nhà thương nữa. Có người nói là đã thấy cụ đi một mình lên núi. Nhiều tuần lễ sau, bỗng nhiên người ta lại thấy cụ trở lại nhà thương và tiếp tục đọc Kinh Thánh như trước.
Trả lời cho những người thắc mắc là cụ đã làm gì trên núi trong những ngày qua, cụ nói:
- Tôi tìm đến nơi thanh vắng để học thuộc lòng các sách Tin Mừng khi tôi còn thấy được, để sau này khi bị mù, tôi vẫn còn có thể đọc Kinh Thánh cho các bệnh nhân nghe”.
 Lm Giuse Đinh Tất Quý

SUY NIỆM 6: NỖI BUỒN SẼ THÀNH NIỀM VUI
Kinh điển Phật giáo có ghi lại câu truyện như sau: Một người đàn bà nọ có đứa con độc nhất trên đời đã bị chết. Trong niềm đau tột cùng, người đàn bà đem đứa bé đến nhà những người láng giềng và xin họ vui lòng chỉ cho biết có thứ thuốc nào có thể làm cho con bà sống lại, nhưng ai ai cũng chỉ biết lắc đầu và cảm thông mà thôi. Nhưng cuối cùng có người mách cho người đàn bà biết có một vị lương y có thể cải tử hoàn sinh cho đứa bé, người đó chính là Đức Thích Ca.
Người đàn bà khốn khổ tìm đến Đức Thích Ca và khẩn cầu Ngài ban cho một liều thuốc. Đức Thích Ca liền nói: “Ta cần có một ít hạt cải”. Nghe thế, người đàn bà liền vội vã đi tìm hạt cải và đem lại cho Đức Thích Ca. Nhưng vừa thấy những hạt cải, Ngài lại bảo: “Hãy đi mời những gia đình nào không có tang chế đến lấy những hạt cải này. Tin lời Đức Phật, người đàn bà đi gõ cửa từng nhà để mời gọi mọi người lấy hạt cải, nhưng tất cả đều từ chối, vì thật ra không ai mà lại không có người thân đã ra đi.
Khi người đàn bà trở về nhà thi đêm đã bắt đầu xuống, bà đến ngồi bên xác con và nhìn ra phố phường đang lên đèn. Nhưng càng về khuya, ánh sáng càng tắt dần, và cuối cùng đêm đen dầy đặc bao trùm vạn vật. Lúc bấy giờ người đàn bà mới suy nghĩ: đời là thế: sinh ra, đau khổ rồi chết. Nghĩ thế, bà đứng dậy đem xác con vào rừng và chôn cất.
Đau khổ và tận cùng là cái chết, đó là phần số của kiếp người mà khi nhập thể làm người, Con Thiên Chúa cũng không thoát khỏi, Chúa Giêsu đã ba lần chính thức loan báo về cuộc tử nạn mà Ngài phải trải qua. Nhưng xem ra các môn đệ Ngài không hiểu được và cũng không muốn chấp nhận tại sao một số phận nghiệt ngã như thế lại có thể xẩy ra cho Thày mình, một người có quyền phép trên cả sự chết và nhất là đang trên đường tiến đến một tương lai sáng lạn. Trong những giờ phút cuối cùng còn ngồi bên các ông. Chúa Giêsu lại nói đến cái chết của Ngài, nhưng lần này Ngài nói đến cuộc tử nạn ấy như một cuộc ra đi: ra đi mà không vĩnh biệt, do đó, Chúa Giêsu đã nói: “Một ít nữa, các con sẽ không thấy Thày, rồi một ít nữa, các con sẽ lại thấy Thày”. Một lần nữa, loan báo cái chết, Chúa Giêsu cũng báo trước sự Phục sinh của Ngài: các môn đệ sẽ buồn sầu vì cái chết của Ngài, nhưng rồi niềm vui của họ sẽ gấp bội khi Ngài sống lại. Cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu gắn liền với đau khổ và niềm vui của các môn đệ; đúng hơn, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu chiếu dọi ánh sáng và mầu nhiệm khổ đau của con người.
Kitô giáo không chối bỏ thực tại của khổ đau, nhưng trong cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Kitô giáo không còn nhìn vào khổ đau như một ngõ cụt của cuộc sống, trái lại, trong ánh sáng Phục sinh của Chúa Giêsu, cuộc sống vẫn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống. “Một ít nữa, các con sẽ không thấy Thày, rồi một ít nữa, các con sẽ lại thấy Thày”. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua của Ngài cũng có nghĩa là nhìn thấy Ngài ngay cả trong những lúc tăm tối nhất của cuộc sống. Thấy được Ngài bám chặt lấy Ngài, thì cho dù khổ đau có chồng chất, con người vẫn thấy được ý nghĩa của cuộc sống. Tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua của Ngài cũng có nghĩa là nhận ra khuôn mặt của Ngài trong những anh em đang đau khổ chung quanh chúng ta. Sự cảm thông phục vụ đối với những người đau khổ sẽ cho chúng ta tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu và niềm vui Phục sinh sẽ tràn ngập tâm hồn chúng ta.
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây