THỨ SÁU TUẦN III MÙA CHAY Mc 12,28b-34.
- Thứ năm - 27/03/2025 04:31
- In ra
- Đóng cửa sổ này

THỨ SÁU TUẦN III MÙA CHAY
Mc 12,28b-34.
Mc 12,28b-34.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô.
28b Khi ấy, có người trong nhóm Luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn, điều nào trọng nhất ?”
29 Chúa Giêsu đáp: “Giới răn trọng nhất chính là: ‘Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, 30 và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi’.
31 Còn đây là giới răn thứ hai: ‘Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi’. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”.
32 Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người, chẳng có Chúa nào khác nữa. 33 Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”.
34 Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
SUY NIỆM: ĐỪNG SỐNG BẤT TRUNG VỚI THIÊN CHÚA
Sách Ngôn sứ Hôsê là một trong những sách nói lên tình yêu trung thành của Thiên Chúa dành cho Israel: Thiên Chúa vẫn luôn trung thành cho dù dân Israel bao lần chạy theo ngẫu tượng. Điều này được phản chiếu trong hình ảnh của Ngôn sứ khi ông được gọi và làm theo lệnh của Thiên Chúa để cưới một cô gái điếm; cô gái điếm này sẽ đi theo những người đàn ông khác, và ngôn sứ phải đi tìm về từ lần này đến lần khác. Đây chính là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng luôn trung thành và đi tìm Israel [chúng ta] trở về với Ngài, dù nhiều lần họ bỏ Ngài để đi theo những ngẫu tượng khác. Đây chính là bối cảnh để chúng ta hiểu lời Chúa trong bài đọc 1 hôm nay. Nội dung chính của bài đọc 1 là lời mời gọi Israel hãy trở về với Đức Chúa.
Một trong những điểm Hôsê muốn nói cho dân Israel thời đó và chúng ta hôm nay là nguồn gốc của những vấp ngã của chúng ta. Chúng ta vấp ngã vì chúng ta cầu cứu và dựa vào sức của con người, dựa vào những gì không phải là Thiên Chúa (x. Hs 14:4). Thật vậy, một trong những đề tài chính của sách Hôsê là việc tôn thờ ngẫu tượng. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng: dân Israel thời đó và chúng ta hôm nay thường tôn thờ ngẫu tượng hơn là Thiên Chúa. Chúng ta để cho các ngẫu tượng như tiền tài, danh vọng và quyền lực chi phối cuộc sống của chúng ta và làm cho chúng ta tìm thấy sự an toàn trong chúng. Hệ quả là chúng ta trở thành bất trung với Thiên Chúa, với những lời chúng ta tuyên hứa trong bí tích Rửa Tội [hoặc trong ngày tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm]. Nếu chúng ta đang sống bất trung với Thiên Chúa, hãy nghe lời của Ngôn sứ Hôsê mà trở về với Thiên Chúa và sống trung thành với Ngài.
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục khẳng định vị trí cao trọng của tình yêu trung thành và vô điều kiện qua việc Chúa Giêsu cho biết tình yêu là điều răn đứng đầu. Bài Tin Mừng nói lên cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với một kinh sư. Đây chính là cuộc tranh luận thứ tư của Chúa Giêsu với các kinh sư. Tuy nhiên, thái độ chân thành và khao khát học hỏi của vị kinh sư biến sự kiện đó thành một cuộc trao đổi để học hỏi hơn là một cuộc tranh luận như thường xảy ra giữa Chúa Giêsu và các kinh sư. Chúng ta thấy có một sự tương đồng và hợp lý trong bài Tin Mừng. Chúng ta có thể chia bài Tin Mừng ra làm hai phần: phần 1 (Mc 12:28b-31) là câu hỏi thưa – đáp giữa vị kinh sư và Chúa Giêsu, phần 2 (Mc 12:32-34) là phần nhận định hay phản ứng của vị kinh sư và Chúa Giêsu trên câu trả lời của người kia.
Phần 1 là câu hỏi-đáp về sự cao trọng của điều răn yêu thương: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu?” (Mc 12:28b). Chúa Giêsu trích Đnl 6:4-5 để trả lời cho câu hỏi trên: “Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.” Câu này đứng vị trí đầu tiên trong ba bản văn Kinh Thánh mà người Do Thái phải đọc hai lần mỗi ngày. Điều răn yêu Chúa có nguồn gốc trong chính bản chất của Ngài như là Thiên Chúa duy nhất. Bốn danh từ “lòng, linh hồn, trí khôn và sức lực” không ám chỉ những phần khác nhau của con người, những nói lên tính toàn bộ của con người. Nói cách khác, chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa với trọn con người của chúng ta. Chúng ta có đang yêu Chúa với trọn con người của chúng ta không hay tình yêu của chúng ta đã bị phân mảnh cho những tạo vật khác? Chúa Giêsu không dừng lại ở việc yêu Chúa, Ngài thêm vào tình yêu dành cho người thân cận: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó” (Mc 12:31). Tuy nhiên, chúng ta cần cẩn trọng trong việc đồng hoá hoặc gắn hai điều răn này với nhau. Hai điều răn được nối kết với từ “yêu” và chúng được đặt song song với nhau chính là “hành động mang tính thần học” của chính Chúa Giêsu. Khi phân tích câu trả lời của Chúa Giêsu từ khía cạnh Kitô học, chúng ta nhận ra nét đặc biệt sau: Trong câu trả lời của Ngài, Chúa Giêsu không chỉ nói đến vị trí tối thượng của tình yêu dành cho Thiên Chúa, của Shema Israel, nhưng Ngài còn khẳng định vị trí cao trọng của tình yêu dành cho người khác. Hai điều răn này đi với nhau không thể tách rời. Điều này xảy ra vì sự nhập thể của Ngài. Nói cách khác, qua mầu nhiệm nhập thể, Chúa Giêsu đã mang tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho con người lại với nhau trong Ngôi Vị của Ngài: Ngài là Thiên Chúa thật [tình yêu dành cho Thiên Chúa] và là người thật [tình yêu dành cho người thân cận]. Chỉ có trong Chúa Giêsu, hai giới răn yêu Chúa và yêu người trở nên một. Ngài đã mang trời hoà giải với đất, giới hạn với vô hạn, tương đối với tuyệt đối, thời gian với vĩnh cửu. Như vậy, chỉ trong Chúa Giêsu chúng ta mới có thể yêu Chúa và yêu người khác cách trọn vẹn.
Phần thứ hai trình bày cho chúng ta sự nhận định của vị kinh sư về câu trả lời của Chúa Giêsu và sau đó là nhận định của Chúa Giêsu về nhận định của vị kinh sư. Trong nhận định của mình, vị kinh sư đồng ý với những gì Chúa Giêsu trình bày mà không tỏ thái độ chống đối bằng cách nhắc lại những gì Chúa Giêsu nói. Nhưng như Chúa Giêsu thêm giới răn yêu người thân cận vào giới răn yêu Chúa, vị kinh sư cũng thêm “hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” (Lc 12:33). Lời này của vị kinh sư vọng lại lời của Ngôn sứ Hôsê (6:6) và lời trong sách Samuen quyển thứ nhất (15:22). Trong câu trả lời của vị kinh sư, chúng ta nhận ra nguyên lý nằm sau mọi lễ toàn thiêu và hy lễ là tình yêu dành cho Thiên Chúa và người thân cận. Có phải tình yêu Thiên Chúa và người thân cận là động lực thúc đẩy tất cả những lời nói và việc làm của chúng ta không?
Đứng trước câu trả lời khôn ngoan của vị kinh sư, Chúa Giêsu “khen” ông ta và khẳng định rằng: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” (Mc 12:34). Câu nói của Chúa Giêsu không mang tính “tương lai,” nhưng là hiện tại. Nước Thiên Chúa là một thực tại mà vị kinh sư đang đứng rất gần, ngay bên cạnh. Chính tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân sẽ chuẩn bị cho ông đón nhận Nước Thiên Chúa. Đây cũng chính là điều Chúa Giêsu nhắc nhở mỗi người chúng ta: chúng ta chỉ có thể vào Nước Thiên Chúa khi tình yêu dành cho Chúa và cho tha nhân là động lực duy nhất của đời sống chúng ta.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB
SUY NIỆM:
Cốt lõi của đạo Công giáo là Bác ái. Bác ái là đồng phục và là ngôn ngữ chung của người kitô hữu. Bác ái là dấu chứng để nhận ra môn đệ của Chúa, là ngôn ngữ cao trọng của loài người và các thiên thần, là ngôn ngữ độc nhất tồn tại trên thiên đàng.
Xin cho chúng ta biết giá trị cao quý của bác ái và nỗ lực thi hành đức ái trong đời sống để xứng danh là môn đệ Chúa.
Sống trong xã hội Do Thái thời bấy giờ, với ngổn ngang những luật lệ, làm cho con người không còn phân biệt đâu là chính, đâu là phụ. Vì thế, một người trong nhóm Kinh sư tới hỏi Chúa Giêsu xem điều răn nào là quan trọng nhất. Thời bấy giờ trên đất nước Do Thái cũng có nhiều phe nhóm. Tùy theo quan điểm cá nhân nên mỗi phe nhóm cũng đề cao một số luật lệ nào đó. Có lẽ vì thế mà nhân cơ hội này, họ cũng muốn biết Chúa Giêsu đứng về phe nhóm nào? Và cũng qua cách thức thăm dò đó, họ cũng muốn thử xem trình độ hiểu biết về Thánh kinh và luật lệ của Chúa Giêsu tới mức độ nào?. Qủa là thâm ý!
Chúa Giêsu thừa biết thâm ý của họ. Nhưng vì đây là vấn đề rất quan trọng trong đời sống đức tin nên cần phải xác định cho rõ ràng. Vì thế Chúa Giêsu đã không ngần ngại trả lời cho họ hiểu đâu là điều luật quan trọng nhất mà TC chỉ dạy. Bằng cách trích dẫn lại hai câu Thánh kinh, một trong sách Đệ Nhị Luật và một trong sách Lê-vi: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi”. Đó là điều quan trọng thứ nhất. Điều luật thứ hai cũng quan trọng không kém, đó là:“ Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình”, Chúa Giêsu đã tóm lược cho biết điều luật căn bản và quan trọng nhất trong mọi điều luật đó là luật “tình yêu”. “Yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi” và “yêu thương người thân cận như chính mình”.
– Nhưng “yêu mến Đức Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi” thì phải làm gì? Thưa, yêu mến Đức Chúa thì phải siêng năng đến với Chúa, sống thân tình với Chúa, hân hoan vì được lắng nghe lời dạy của Chúa, nhất là vui thích làm theo điều luật của Người hướng dẫn; còn mến Chúa “hết”…nghĩa là đặt Chúa làm ưu tiên trong mọi giá trị mà ta chọn lựa và Chúa luôn là trung tâm của đời sống của ta.
– Còn việc “yêu người thân cận như chính mình” nghĩa là làm sao? Thưa đó là phải yêu thương hết mọi người không phân biệt tôn giáo, màu da, chủng tộc, ngôn ngữ.. bạn hay thù. “Yêu như chính mình” có nghĩa là phải đối xử với mọi người cùng một “tình yêu” như ta đối xử với chính ta, theo như tinh thần của thánh Phaolô dạy: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm.12,15). Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn đòi buộc chúng ta phải “yêu như Chúa yêu”, một tình yêu trao ban, cho đi nhưng không và sẵn sàng chết đi cho người mình yêu. “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Để cụ thể hóa tình yêu đối với tha nhân, GH mời gọi chúng ta hãy tích cực thực hiện 14 mối yêu người (thương xác 7 mối; thương linh hồn 7 mối).
Xin Chúa cho chúng ta mùa chay này biết nỗ lực thực thi điều luật Giêsu Chúa chỉ dạy là mến Chúa yêu người cách sâu xa hơn, theo tinh thần mà Chúa Giêsu mong muốn.
Lm Seoka
SUY NIỆM:
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Sáu Tuần 3 Mùa Chay này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa tuôn đổ muôn vàn ơn phúc xuống tâm hồn chúng ta, để chúng ta hằng biết chế ngự những đam mê trần tục và trung thành tuân giữ Lời Chúa.
Trung thành tuân giữ Lời Chúa là luôn sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Xuất Hành cho thấy: Bộ luật liên quan đến nơi thánh mang một ý nghĩa thuần túy tôn giáo. Đối với Dân Chúa, yêu mến Thiên Chúa là sống dưới sự hiện diện của Người, là ca tụng vinh quang Người. Trong việc thờ phượng, Hòm Bia Giao Ước đóng một vai trò quan trọng vì tiêu biểu cho sự hiện diện của Thiên Chúa. Do đó, Môsê đã cho người thiết kế Hòm Bia với những chỉ dẫn thật chính xác và thánh thiêng.
Trung thành tuân giữ Lời Chúa là trung thành loan truyền ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi người, cho dẫu, phải đối mặt với những thử thách gian truân. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Ghêgôriô Cả đã nói: Máu của Chúa Giêsu còn mạnh thế hơn máu của Aben, bởi vì máu Aben đòi người anh phải chết do tội giết em, còn máu Chúa Giêsu lại kêu xin cho những kẻ bách hại Người được sống. Do đó, để mầu nhiệm Chúa chịu thương khó không ra vô ích nơi chúng ta, chúng ta phải noi theo mầu nhiệm chúng ta đã nhận lãnh, và rao giảng cho người khác về mầu nhiệm chúng ta kính thờ. Thật vậy, tiếng kêu của Chúa sẽ bị phủ lấp trong chúng ta, nếu như, miệng lưỡi ta làm thinh không công bố điều lòng trí ta tin. Để tiếng kêu của Người không bị phủ lấp đi trong ta, thì ai nấy phải tùy sức mình, mà làm cho những người chung quanh biết đến mầu nhiệm làm cho mình được sống.
Trung thành tuân giữ Lời Chúa là trung thành, giữ vững niềm trông cậy vào Chúa, chứ không chạy theo các ngẫu tượng. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Hôsê kêu gọi Dân Chúa trở về với Đức Chúa và kêu xin Người: Xin thứ tha mọi gian ác, xin vui nhận lời ngợi khen chúng con dâng lên Ngài làm lễ vật thay thế bò tơ. Chúng con sẽ không cầu cứu với Átsua, sẽ không cậy nhờ vào chiến mã, cũng chẳng gọi là thần những sản phẩm tay chúng con làm ra, vì chỉ ở nơi Ngài, kẻ mồ côi mới tìm được lòng thương cảm. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 80, vịnh gia cũng cùng chung tâm tình này khi kêu gọi: Chính Ta là Thượng Đế Chúa ngươi: hãy nghe Ta cảnh cáo. Ngươi đừng đem thần lạ về nhà, thần ngoại bang, chớ hề cúng bái. Chính Ta là Thượng Đế Chúa ngươi, đã đưa ngươi lên tự miền Aicập.
Trung thành tuân giữ Lời Chúa là phải luôn đặt Chúa ở vị trí trung tâm, duy nhất, và phải luôn quy hướng về Chúa trong mọi sự, nhưng tiếc thay, chúng ta không luôn làm như thế, cho nên, câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là lời kêu gọi sám hối quay về với Chúa: Chúa nói: anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần. Trong bài Tin Mừng, khi có một kinh sư hỏi điều răn nào đứng hàng đầu, Đức Giêsu đã trả lời: Điều răn đứng hàng đầu là: Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Thiên Chúa là Cha quan phòng, hằng luôn yêu thương chăm sóc chúng ta, chúng ta phải quy hướng về Người, phải dành cho Người vị trí số một, trong những chọn lựa của chúng ta, điều đó thật là chính đáng và phải đạo, thật ra, Chúa chẳng được thêm gì khi chúng ta chúc tụng, ngợi khen, yêu mến, và phụng thờ Người, nhưng, điều đó sẽ đem lại cho chúng ta ơn cứu độ. Một khi, chúng ta nhìn nhận Thiên Chúa là Cha của chúng ta, thì đồng nghĩa, chúng ta cũng phải đón nhận tất cả mọi người là anh chị em của chúng ta, con cùng một Cha trên trời. Chính vì thế, mến Chúa và yêu người phải trở thành luật sống của chúng ta. Trung thành tuân giữ Lời Chúa là trung thành tuân giữ giới luật yêu thương vậy.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
SUY NIỆM: GIỚI LUẬT YÊU THƯƠNG
Sống trên đời, ai cũng cần có lề luật, bởi vì lề luật là thước đo, là thầy dạy và là người giám hộ dẫn chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thế nhưng, lề luật do con người lập nên thì bất toàn và hay thay đổi, còn luật của Chúa thì vĩnh cửu và trường tồn. Chúa Giêsu đến để kiện toàn lề luật và dạy chúng ta về giới luật yêu thương.
Thật vậy, lề luật là do ý muốn của Thiên Chúa dành cho dân Người, nên ta cần tuân giữ lề luật. Tuy nhiên, ta chỉ tuân giữ lề luật theo hình thức thì chưa đủ, mà cần phải sống lề luật. Bởi lẽ, lề luật tự nó không phải là tất cả, không phải là cứu cánh của đời người. Nó chỉ là những bảng chỉ dẫn giúp ta khỏi lạc đường, và là phương tiện giúp ta thực thi thánh ý của Chúa trong hành trình dương thế này. Nhờ việc sống và tuân giữ lề luật, ta sẽ trở nên tốt lành và thiện hảo. Đời sống ta sẽ có trật tự, nề nếp và kỷ cương. Ta sẽ điều chỉnh được mọi tư tưởng, lời nói và hành động trong các mối tương quan, và giúp ta hướng về quê hương vĩnh cửu là Nước Trời.
Vì thế, Chúa Giêsu đến để kiện toàn lề luật và khai mở cho các Kinh Sư hiểu rằng, trong tất cả các giới răn thì mến Chúa và yêu người là hai giới răn quan trọng và thiết yếu nhất, vì tất cả mọi giới răn đều quy hướng về hai điều này. Mến Chúa là yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực, nghĩa là yêu mến Thiên Chúa với tất cả con người của mình, và phải yêu người thân cận như chính mình. Qua đây, Chúa Giêsu chỉ cho ta biết luật của Chúa là luật yêu thương, vì yêu thương là cốt lõi, là sức sống và là linh hồn của lề luật.
Ngày nay, chúng ta cần tuân giữ lề luật. Nhưng chúng ta không sống luật vì hình thức mà phải sống luật vì yêu, như thánh Phaolô đã nói: “Sống yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con phải mến Chúa và yêu người, xin giúp chúng con thi hành điều Chúa dạy. Amen.
Tu sĩ Giuse Mai Văn Dương, SVD
SUY NIỆM: YÊU MẾN BẰNG CẢ TÂM HỒN
“Hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng hết sức hết trí khôn”; và: “Phải yêu người thân cận như chính mình”. Đây là một mệnh lệnh của Trời.
Tin Mừng hôm nay trình thuật câu chuyện đối thoại giữa Đức Giêsu và một Kinh Sư. Khởi đi bằng một câu hỏi của ông này về việc: điều nào là quan trọng trong toàn bộ luật. Thấy vậy, Đức Giêsu đã tóm cho ông toàn bộ nội dung và mục đích của luật trong câu: “Hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng hết sức hết trí khôn”; và: “Phải yêu người thân cận như chính mình”.
Yêu mến Thiên Chúa hết lòng là làm sao? Thưa! Là thờ lạy, quy phục, là giữ và thực thi Lời Chúa, sẵn sàng từ bỏ mọi sự để tin và theo Chúa, dù có phải khổ đau, hoạn nạn, thử thách và cuối cùng sẵn sàng chết cho Thiên Chúa là Đấng chúng ta tôn thờ, yêu mến.
Còn yêu người như chính mình thì như thế nào? Thưa! Là yêu hết mọi người, không phân biệt bạn hay thù, thánh thiện hay tội lỗi, giàu hay nghèo, quý tộc hay thường dân, người già hay trẻ nhỏ, phụ nữ hay đàn ông, màu da hay chủng tộc...
Yêu như thế là chúng ta đi vào tình yêu của chính Thiên Chúa, bởi vì bản chất của Thiên Chúa là tình yêu mà tình yêu của Ngài là hướng tha, là thực tế, không trừu tượng.
Muốn yêu được như thế, chúng ta phải chấp nhận cho đi, thiệt thòi, chịu liên lụy và đôi khi đành mất chính mình.
Chúa không bao giờ chấp nhận chúng ta cho đi theo kiểu: “Hòn đất ném đi, hòn trì ném lại”; hay “bỏ con tép, bắt con tôm”; hoặc “ông bỏ nắm xôi, bà thò nậm rượu...”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đi theo Chúa trên con đường tình yêu ấy bằng cả lòng mến chân thành được hiện tại hóa nơi hành động của mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống và giữ Giới Luật của Chúa bằng cả con tim, khối óc và linh hồn, để chúng con được sự sống đời đời. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Thật vậy, lề luật là do ý muốn của Thiên Chúa dành cho dân Người, nên ta cần tuân giữ lề luật. Tuy nhiên, ta chỉ tuân giữ lề luật theo hình thức thì chưa đủ, mà cần phải sống lề luật. Bởi lẽ, lề luật tự nó không phải là tất cả, không phải là cứu cánh của đời người. Nó chỉ là những bảng chỉ dẫn giúp ta khỏi lạc đường, và là phương tiện giúp ta thực thi thánh ý của Chúa trong hành trình dương thế này. Nhờ việc sống và tuân giữ lề luật, ta sẽ trở nên tốt lành và thiện hảo. Đời sống ta sẽ có trật tự, nề nếp và kỷ cương. Ta sẽ điều chỉnh được mọi tư tưởng, lời nói và hành động trong các mối tương quan, và giúp ta hướng về quê hương vĩnh cửu là Nước Trời.
Vì thế, Chúa Giêsu đến để kiện toàn lề luật và khai mở cho các Kinh Sư hiểu rằng, trong tất cả các giới răn thì mến Chúa và yêu người là hai giới răn quan trọng và thiết yếu nhất, vì tất cả mọi giới răn đều quy hướng về hai điều này. Mến Chúa là yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực, nghĩa là yêu mến Thiên Chúa với tất cả con người của mình, và phải yêu người thân cận như chính mình. Qua đây, Chúa Giêsu chỉ cho ta biết luật của Chúa là luật yêu thương, vì yêu thương là cốt lõi, là sức sống và là linh hồn của lề luật.
Ngày nay, chúng ta cần tuân giữ lề luật. Nhưng chúng ta không sống luật vì hình thức mà phải sống luật vì yêu, như thánh Phaolô đã nói: “Sống yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con phải mến Chúa và yêu người, xin giúp chúng con thi hành điều Chúa dạy. Amen.
Tu sĩ Giuse Mai Văn Dương, SVD
SUY NIỆM: YÊU MẾN BẰNG CẢ TÂM HỒN
“Hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng hết sức hết trí khôn”; và: “Phải yêu người thân cận như chính mình”. Đây là một mệnh lệnh của Trời.
Tin Mừng hôm nay trình thuật câu chuyện đối thoại giữa Đức Giêsu và một Kinh Sư. Khởi đi bằng một câu hỏi của ông này về việc: điều nào là quan trọng trong toàn bộ luật. Thấy vậy, Đức Giêsu đã tóm cho ông toàn bộ nội dung và mục đích của luật trong câu: “Hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng hết sức hết trí khôn”; và: “Phải yêu người thân cận như chính mình”.
Yêu mến Thiên Chúa hết lòng là làm sao? Thưa! Là thờ lạy, quy phục, là giữ và thực thi Lời Chúa, sẵn sàng từ bỏ mọi sự để tin và theo Chúa, dù có phải khổ đau, hoạn nạn, thử thách và cuối cùng sẵn sàng chết cho Thiên Chúa là Đấng chúng ta tôn thờ, yêu mến.
Còn yêu người như chính mình thì như thế nào? Thưa! Là yêu hết mọi người, không phân biệt bạn hay thù, thánh thiện hay tội lỗi, giàu hay nghèo, quý tộc hay thường dân, người già hay trẻ nhỏ, phụ nữ hay đàn ông, màu da hay chủng tộc...
Yêu như thế là chúng ta đi vào tình yêu của chính Thiên Chúa, bởi vì bản chất của Thiên Chúa là tình yêu mà tình yêu của Ngài là hướng tha, là thực tế, không trừu tượng.
Muốn yêu được như thế, chúng ta phải chấp nhận cho đi, thiệt thòi, chịu liên lụy và đôi khi đành mất chính mình.
Chúa không bao giờ chấp nhận chúng ta cho đi theo kiểu: “Hòn đất ném đi, hòn trì ném lại”; hay “bỏ con tép, bắt con tôm”; hoặc “ông bỏ nắm xôi, bà thò nậm rượu...”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đi theo Chúa trên con đường tình yêu ấy bằng cả lòng mến chân thành được hiện tại hóa nơi hành động của mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống và giữ Giới Luật của Chúa bằng cả con tim, khối óc và linh hồn, để chúng con được sự sống đời đời. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP