THỨ TƯ TUẦN III MÙA CHAY Mt 5,17-19
- Thứ hai - 24/03/2025 21:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mat-thêu
17 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn.
18 Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành.
19 Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.
SUY NIỆM: LỀ LUẬT VÀ ÂN SỦNG
Cả hai bài đọc lời Chúa hôm nay đều có chung một đề tài, đó là nói về “lề luật và ân sủng”.
Trong bài đọc I trích từ sách Đệ Nhị Luật, Mô-sê đã đọc cho toàn dân nghe về các thánh chỉ và quyết định mà chính Thiên Chúa đã truyền cho ông, và ông mời gọi mọi người hãy khắc ghi thật kĩ những lề luật ấy, và đem ra thực hành trong miền đất mà chính Thiên Chúa sẽ ban cho họ.
Còn nơi bài Tin mừng, trong khi giới lãnh đạo Do Thái Giáo cho rằng, Chúa Giêsu là người sống vô kỷ luật và đi ngược lại luật lệ của cha ông, thì Chúa Giêsu lại khẳng định rằng, Ngài đến không phải để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn, và dù một chấm một phẩy trong lề luật cũng không thể bỏ qua. Ngài cũng mời gọi chúng ta, hãy tử tế tuân hành và làm theo những gì luật dạy, để được gọi là người lớn nhất trong Nước Trời.
Nói đến luật, nhiều người thường thở dài và than phiền rằng: Có một đất nước kia có đến cả rừng luật, nhưng sài toàn luật rừng! Và coi chừng, đời sống kitô hữu của chúng ta cũng thế, tuy được Giáo Hội dạy cả một “rừng luật”, nhưng cứ lại theo luật rừng mà sống.
Bằng chứng là việc tuân giữ 10 điều răn, giới luật của Chúa. Cụ thể là điều răn thứ 4 dạy ta sống chữ hiếu cho phải đạo làm con, nhưng quanh ta vẫn còn có những người con ngỗ nghịch, còn có những bậc sinh thành bị hất hủi, bị đối xử tệ bạc. Điều răn thứ 5 dạy ta chớ giết người, nhưng nạn phá thai vẫn lan tràn đến mức báo động. Chúng ta cũng được mời gọi giữ đức trong sạch theo điều răn thứ 6, thế nhưng trào lưu sống chung sống thử trước hôn nhân lại trở thành 1 vấn nạn nơi nhiều người trẻ hiện nay. Rồi còn buôn gian bán lận lỗi điều răn thứ 7. Sống giả đối đi ngược với điều răn thứ 8 là tôn trọng sự thật. Vấn đề ngoại tình ngược lại với điều răn thứ 9… Luật thì có đó, những tội thì cứ tràn lan.
Rồi còn chưa kể đến luật của lương tâm bảo làm lành lánh dữ. Thế nhưng có nhiều người phớt lờ và làm theo ý riêng của mình. Có những vấn đề biết sai nhưng ta vẫn cứ làm mà bất chấp hậu quả.
Nói lên những điều này không nhằm lên án ai, mình có hay không, mỗi người tự trả lời trước mặt Chúa; nhưng muốn nhắn gởi đến chúng ta thông điệp này: Tinh thần của chúng ta thì mạnh mẽ, nhưng thể xác thì yếu đuối. Do đó, để có thể tuân hành được luật Chúa, thì mỗi người hãy không ngừng cố gắng và cố gắng thật nhiều.
Hôm nay, xin gợi lại cho anh chị em những điều ấy, những giới luật căn bản và nòng cốt mà chính Chúa đã ban tặng, để chúng ta cùng nhau nhìn lại chính bản thân mình, xem mình đã sống và tuân giữ những điều ấy như thế nào.
Chúng ta cần phải khiêm tốn đấm ngực nhiều lần về điều ấy, về những yếu đuối và lầm lỗi vì giữ luật Chúa chưa tròn. Nhưng anh chị em đừng tuyệt vọng. Anh chị em đừng quên rằng Chúa luôn quảng đại với chúng ta. Tình yêu tha thứ của Thiên Chúa luôn chiến thắng tội lỗi của con người. Ai sám hối ăn năn thì sẽ lại được Ngài tha thứ. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: KIỆN TOÀN LỀ LUẬT
Khi đi rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu thường dùng cụm từ: “Anh em nghe Luật dạy người xưa rằng… Còn Thầy, Thầy bảo anh em…” (x.Mt 5,43). Đây là một trong những lý do khiến cho một số người lầm tưởng rằng Chúa Giêsu muốn hủy bỏ lề luật, cụ thể là luật của Môsê truyền. Khi khẳng định rằng mình đến không phải để hủy bỏ lề luật mà để kiện toàn thì Chúa Giêsu mặc nhiên nhìn nhận sự cần thiết của lề luật. Tuy nhiên Người lại minh nhiên nói lên sự hữu hạn của chính lề luật và sự bất toàn của việc áp dụng luật lệ nơi nhiều người, nhất là nơi những người đang có vai cao, vị lớn trong Do Thái giáo lúc bấy giờ. Qua cung cách hành xử và lời giảng dạy của Chúa Giêsu chúng ta cùng xem xét việc Người kiện toàn lề luật:
1. Trả lề luật về lại vị trí, vai trò của nó: “lề luật là phương tiện chứ không phải là mục đích. Chúa Giêsu minh nhiên khẳng định: ‘Ngày Sabbat (lề luật) có ra là vì con người chứ không phải con người có ra là vì ngày Sabbat” (x.Mc 2,28). Tính hữu hạn của lề luật là nơi chính nó vì nó là phương tiện. Khi phương tiện không thể đạt đến mục đích hoặc đi lệch mục đích thì chúng ta phải để nó ra một bên. Chính Chúa Giêsu đã từng nhiều lần cố tình vi phạm lề luật, đặc biệt luật ngày hưu lễ, luật sạch nhơ là để khẳng định điều này.
2. Lề luật xét về nguồn gốc thì có thiên luật và nhân luật. Thiên luật là luật của Thiên Chúa nên có giá trị tối thượng. Còn nhân luật là luật của con người thì giá trị thấp hơn vì hữu hạn. Sự hạn chế của nhân luật nằm ngay nơi nguồn gốc của nó. Nhân vô thập toàn. Nhân luật luôn có đó nhiều giới hạn vì vừa bất cập lại vừa thái quá. Ngay trong thiên luật tức là luật của Thiên Chúa thì Kitô hữu chúng ta tiếng lương tâm là luật tối thượng. Thế mà tiếng lương tâm của con người vẫn có đó mặt hạn chế vì nhiều lý do chủ quan hoặc khách quan hình thành nên lương tâm bối rối, lương tâm phóng khoáng, lương tâm lầm lạc, lương tâm chai lì… Thiên luật khi hiện hữu bằng văn tự thì có đó sự hạn chế bởi văn phong, ngôn từ, cách thế diễn đạt, cách hiểu…Chính vì thế chúng ta phải thờ phượng Thiên Chúa không chỉ hết lòng, hết sức, hết linh hồn mà còn phải hết cả trí khôn (x.Mc 12, 30).
Chúa Giêsu kiện toàn lề luật khi khẳng định mối tương quan giữa thiên luật và nhân luật. Luật của Thiên Chúa luôn ở trên luật của loài người. Luật của loài người phải quy chiếu từ luật của Thiên Chúa. Đã từng nhiều lần Chúa Giêsu khiển trách nhiều lãnh đạo Do Thái giáo vì họ đã xem nhẹ lề luật của Thiên Chúa mà nắm giữ truyền thống là luật lệ của loài người (x.Mc 7,1-13).
3. “Đã đến lúc người ta phải thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý” (x.Ga 4,23). Việc giữ lề luật phải khởi đi từ bên trong tâm hồn. Giữ luật cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng bên ngoài mà nội tâm thì trống rỗng thì cũng bằng không mà nhiều khi còn gây ra nhiều hậu quả khó lường cho bản thân và tha nhân. Rất nhiều lần Chúa Giêsu phê phán nhiều lãnh đạo Do Thái giáo, cách riêng nhóm biệt phái về việc giữ luật bên ngoài cách giả hình này. Người không ngại ngần dùng những lời quở trách gay gắt “khốn cho các ngươi…” (x.Mt 23,27-32).
Lề luật là cần thiết. Nhưng điều cần thiết hơn là hiểu cho đúng vai trò, vị trí của lề luật đồng thời phải biết giữ luật cách ý thức, chân thành. Thái độ sống vô kỷ luật quả là đáng trách. Tuy nhiên cung cách sống kiểu “vụ luật” thì thật đáng sợ hơn nhiều. Đức Giáo hoàng Phanxicô khuyên dạy chúng ta hãy cẩn trọng về “tinh thần biệt phái mới” trong lối sống đạo. Chính Chúa Giêsu đã từng cảnh tỉnh các tông đồ về thứ men độc hại này (x.Mc 8,14-21).
Kiện toàn lề luật. Chúa Giêsu đã làm và chúng ta cũng phải cộng tác với Người liên lỉ, theo khả năng, hoàn cảnh và vai vị của mình.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
SUY NIỆM:
1/ Đường lối giáo dục Israel của Chúa là đường tiệm tiến (từ dễ dến khó, từ lỏng lẻo tới chặt chẽ)
Thí dụ trẻ thơ đói là được bú bất kể ngày đêm (Đức Giáo Hoàng còn yêu cầu các bà mẹ bế con thơ đi lễ, cứ cho con bú tự nhiên trong thánh lễ khi chúng đói, chúng khóc). Chúng có “quyền” ngủ bất kể giờ giấc, có “quyền tè…” bất cứ lúc nào và ở đâu… chẳng ai phiền trách chúng… nhưng lớn lên thì ăn ngủ có giờ, vệ sinh có nơi có chốn…
2/ Thời Cựu Ước là thời Israel còn là trẻ thơ, sống giữa các dân ngoại với bao thói quen, tục lệ chưa đúng đắn… Chúa còn chưa bắt vào khuôn phép ngay… thí dụ còn cho theo tục đa thê, ly dị, trả thù…
3/ Thời Tân Ước, Chúa Giêsu chính là Lề luật hoàn hảo, mọi luật phải quy chiếu, hướng về… luật nào còn phù hợp thì duy trì, luật nào không phù hợp thì bãi bỏ… “Xưa nhiều lần, nhiều cách, Thiên Chúa dậy cha ông chúng ta qua các tiên tri nhưng vào thời sau hết này Chúa phán dậy ta qua Chúa Con” (Dt 1, 1- 2).
Thế nên: “Xưa Luật dậy được trả thù… nay ta dậy yêu kẻ thù; Xưa luật cho ly dị… nay ta cấm ly dị. Ai chủ động ly dị là làm cớ cho việc ngoại tình và ai lấy người đã ly dị là phạm tội ngoại tình; Xưa cấm ngoại tình, nay ai nhìn phụ nữ mà thèm muốn là đã phạm tội ngoại tình rồi…”
Chúa Con là Luật Hoàn Hảo không thể thêm bớt được gì nên từ nay đến tận thế không thể thay đổi “dù một chấm, một phẩy” và “Ai giữ dù điều nhỏ nhất mà dậy người ta giữ thì sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời” (c 19)
Lm. Giuse Nguyễn Hữu Triết
SUY NIỆM:
Thánh Gioan Bosco nói với các môn sinh của ngài rằng: “Hãy trung thành giữ luật, luật sẽ gìn giữ con”.
Thật vậy, lề luật nó như cái bản lề để giúp cho cánh cửa cuộc đời được đứng vững.
Chính Đức Giêsu đã trung thành giữ luật cách yêu mến và trung thành. Chỉ khi nào luật không làm cho con người ta tốt hơn, mà ngược lại, nó đè bẹp con người, thì lúc đó Ngài lên tiếng chống đối.
Hai lối hiểu và hai cách giữ luật khác nhau, nên những nhà lãnh đạo Dothái và Đức Giêsu có sự đối kháng kích liệt. Họ cho rằng Đức Giêsu đến để bãi bỏ lề luật, còn Đức Giêsu thì khẳng định: “Các người đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ các lề luật hay các tiên tri. Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn”.
Nói cách khác, Đức Giêsu vẫn rất tôn trọng luật Cựu Ước, mà cụ thể là trong Ngũ Kinh, vì ở đó chứa đựng ý muốn và lệnh truyền của chính Thiên Chúa. Tuy nhiên, nhiều lúc, vì họ đã giữ luật theo kiểu mặt chữ, nên không còn tình thương, lòng mến, và luật đã trở thành phương tiện cho người ta hà hiếp, bóc lột và kết án nhau.
Khi phản đối lối gán ghép tội của các Luật Sĩ và Pharisêu gây ra cho mình, Đức Giêsu khẳng định không những không phá bỏ, mà còn kiện toàn và làm cho luật trở nên nhân nghĩa hơn.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta rằng: hãy biết giữ luật trong lòng mến. Trung thành yêu mến luật vì nơi đó Thiên Chúa tỏ bày thánh ý của Ngài. Tuy nhiên, giữa việc giữ luật và đời sống phải đi đôi với nhau. Không thể sống theo kiểu “ngôn hành bất nhất” như Luật Sĩ và Pharisêu, vì họ dùng luật của Chúa để triệt hạ nhau khi luật của Chúa đã bị bóp méo.
Lạy Chúa Giêsu, luật của Chúa là luật vì con người và hạnh phúc của nhân loại. Xin Chúa ban cho chúng con biết yêu mến và thi hành luật ấy cách trung thành trong lòng mến Chúa và yêu người. Xin cho chúng con đừng vì luật mà cứng ngắc với anh chị em mình khi chúng con rơi vào tình trạng giả hình, chỉ câu nệ vào những hình thức bên ngoài mà quên đi những cái chính yếu bên trong. Amen.
SUY NIỆM:
Vào một ngày thứ sáu buộc kiêng thịt, có người tín hữu nọ đi ăn quán. Anh biết quán có món cá, nhưng trong lòng thì thích ăn thịt. Thế là anh gọi những món cá mà anh biết chủ quán sẽ trả lời là không có. Rồi anh tự nhủ: “Lạy Chúa, Chúa biết đấy, con đã làm hết cách để gọi nhiều thứ cá mà chẳng có, thôi con đành gọi một tô phở tái để ăn trong ngày thứ sáu buộc kiêng thịt vậy”. Cầu nguyện xong, anh thi hành liền. Anh đã tự tạo ra những lý do, những hoàn cảnh để có thể khỏi lỗi luật Chúa.
Nếu không có lòng yêu mến Chúa thật, chúng ta sẽ dễ tạo ra những cách để tự an ủi và chuẩn miễn khỏi phải tuân giữ luật Chúa, hoặc giải thích lời Chúa theo sở thích riêng.
Bài Tin mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta về việc tuân giữ luật Chúa. Những lãnh đạo tôn giáo Do thái thời Chúa Giêsu hơn ai hết là những người bảo tồn luật Chúa trong lời dạy của Môsê và các tiên tri. Nhưng những đổi thay lịch sử đặt ra những vấn nạn mới và thôi thúc họ giải thích và áp dụng luật Chúa vào hoàn cảnh mới. Tinh thần vụ hình thức đã làm cho họ lạc đường đến nỗi đã bị Chúa Giêsu trách là giả hình.
Chúa Giêsu đến không phải để huỷ bỏ nhưng để kiện toàn lề luật và các tiên tri. Ngài kêu gọi các môn đệ tuân giữ luật Chúa với một tinh thần mới, với một dấn thân để sống trọn vẹn sứ điệp của Ngài. Tác giả tập sách Đường Hy Vọng đã nhắn nhủ:
“Ngôi Lời đã nhập thể và Chúa Cha đã phán: “Đây là Con Ta yêu dấu và đẹp lòng Ta, hãy nghe lời Ngài”. Ngài là sự sống, con chỉ sống bằng tinh thần của Ngài. Ngài là sự thật, con chỉ tin lời dạy của Ngài. Ngài là Đường, con chỉ theo bước chân Ngài. Có thứ Công giáo vụ lợi, có thứ Công giáo lý lịch, có thứ Công giáo xu thời, có thứ Công giáo giải nhiệt, Chúa chỉ chấp nhận hạng Công giáo 100% đã bỏ mọi sự mà theo Ngài. Hội thánh có nhiều khuyết điểm và gương xấu, nhưng Hội thánh có lời hứa của Chúa. Hội thánh là một phép lạ liên lỉ. Nhưng đừng vì thế mà phơi bày khuyết điểm và gương xấu cho mọi người. Hãy làm thế nào để tư tưởng lời nói hành động của con khiến người ta phản ứng: con người này đã say mê cuốn sách Phúc âm, đã bị lôi cuốn bởi lý tưởng cuộc đời Chúa Giêsu.”
Trong những ngày canh tân đời sống này, xin Chúa cho chúng ta một ý chí mạnh mẽ, một xác tín sâu xa, nhất là thật nhiều ơn Chúa để trung thành với ơn gọi của mình.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM : TRUNG TÍN GIỮ ĐIỀU NHỎ NHẤT
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành”. (Mt. 5, 17-18)
Ý Thiên Chúa và sách thánh đã viết ra đều phải được kiện toàn. Cho nên Đức Giê-su nói: “Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn”. Điều mới Đức Giê-su thực hiện, không hoàn toàn khác biệt, mà là kiện toàn luật đã có. Lề luật và lời các tiên tri viết về mặc khải của Thiên Chúa, không phải đã hoàn tất. Ý Thiên Chúa tỏ ra qua lề luật và lời tiên tri được bày tỏ dần dần cho đến thời Đức Giê-su ngự đến.
Lề luật và lời các tiên tri có một ý nghĩa mới nhờ mặc khải của Đức Giê-su Ki-tô. Chính Đức Giê-su đã tuyên bố chắc chắn về những mặc khải cuối cùng của Thiên Chúa, Người đã kiện toàn mặc khải cho chúng ta từ nay cho tới mãi mãi. Sự kiện toàn này của Đức Giê-su không cho phép quay lại quá khứ do loài người đặt ra như Mô-sê cho phép rẫy vợ, như cấm chữa bệnh trong ngày Sa-bát. Sự kiện toàn này của Đức Giê-su không cho phép chỉ làm những điều luật đã viết trước đó.
Luật tiếp tục tồn tại, nhưng được kiện toàn những gì luật còn thiếu sót cho đến khi Đức Giê-su kiện toàn lần chót. Sự kiện toàn bắt đầu mặc khải từ khi Chúa Giê-su giảng dạy vì Người là lời Thiên Chúa. Đức Giê-su không phải chỉ kiện toàn lề luật bằng lời dạy, mà còn bằng chính bản thân Người, bằng chính đời sống Người, bằng chính sự nhập thể và cuộc đời tại thế của Người.
Chúng ta phải giữ những điều răn nhỏ mọn nhất với quyết tâm cam kết toàn diện con người chúng ta, với tình yêu mến hảo hạng. Như vậy mới giải thoát chúng ta khỏi mọi kiêu căng của lòng trí, khỏi thứ trí thức tôn giáo hay khỏi cái lối thuần túy giữ “đạo tại tâm”, bỏ lơ, trễ nải với lối sống giữ đạo khiêm tốn hiện tại thường ngày.
Chúng ta biết quan tâm giữ cặn kẽ những điều nhỏ mọn, thì chúng ta được đánh giá để xếp hạng trong nước trời, không phải chúng ta được đánh giá theo ý tưởng, hay theo khuynh hướng bản thân, theo tính tình mỗi người … mà theo toàn bộ, toàn bộ trao phó cho chúng ta tất cả những điều nhỏ nhất, tất cả đều quan trọng đối với nước trời.
J.M