GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thánh

Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thánh

Thứ Ba tuần 4 thường niên – DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THÁNH (Lễ nến). Lễ kính.

"Mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ".

 

 

* Dâng Chúa trong Đền Thánh, Chúa Kitô gặp gỡ dân thánh nơi con người cụ già Simêon, Đức Maria được thanh tẩy theo luật Môsê, lễ Nến, đó là những tên gọi khác nhau để chỉ ngày lễ hôm nay, bốn mươi ngày sau lễ Giáng Sinh, kết thúc những ngày lễ trọng mừng việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người nơi Ngôi Lời mặc xác phàm.

 

Lời Chúa: Lc 2, 22-40

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa". Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu con.

Và đây ở Giêrusalem, có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết, trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

"Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa".

Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: "Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!"

Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.

Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo Luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.

 

 

SUY NIỆM 1: Tiến Dâng Cho Chúa

Sống là chấp nhận thuộc về.

Mở mắt chào đời là thuộc về một gia đình, một đất nước.

Càng sống con người càng thấy mình thuộc về nhiều hơn.

Thuộc về một nhóm, một giáo xứ, một nơi làm việc...

Khi đôi bạn trẻ yêu nhau, họ muốn trái tim của họ thuộc về nhau.

Thuộc về nhau là nền tảng của sự chung thủy.

Đối với Do thái giáo, bé trai đầu lòng mới sinh ra

thì thuộc về Chúa, được thánh hiến dành riêng cho Chúa.

Cha mẹ cậu phải bỏ ra một món tiền tượng trưng

để chuộc cậu về cho mình (x. Ds 18,15-16; Xh 13,13)

Bài Tin Mừng hôm nay không nói đến chuyện chuộc con,

nhưng lại nói đến việc bà Maria và ông Giuse

tiến dâng con trai đầu lòng cho Chúa.

Đức Giêsu đã sống nghiêm túc sự tiến dâng này suốt đời.

Ngài thuộc về Thiên Chúa Cha một cách trọn vẹn.

Từ khi vào đời làm người, Ngài đã nói:

"Này tôi xin đến để thực thi ý Chúa." (Dt 10, 9)

Năm 12 tuổi, cậu Giêsu đã cố ý ở lại Đền Thờ,

mà cậu gọi là nhà Cha của cậu (x. Lc 2, 49).

Khi chịu phép rửa ở sông Giođan,

Đức Giêsu ý thức rõ hơn mình là Con, thuộc về Cha,

được Cha sai vào giữa lòng nhân loại (x. Mc 1,11).

Có biết bao cám dỗ trong những năm rao giảng,

cám dỗ từ ma quỷ, từ đám đông, từ môn đệ.

Cám dỗ lôi kéo Ngài sống cho mình,

và không muốn thuộc về Cha, Đấng sai Ngài đi.

"Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra" (Ga 14,10).

"Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì

ngoại trừ điều Con thấy Chúa Cha làm" (Ga 5,19).

Đức Giêsu không tự mình nói, tự mình làm,

vì Ngài đã vượt qua được cái tôi,

và để cho Cha chiếm hữu toàn bộ cuộc sống.

Nếu chúng ta dám nói và làm theo ý Cha,

chúng ta sẽ giống Đức Giêsu: thuộc trọn về Thiên Chúa.

Thuộc về Thiên Chúa phải là nền tảng

chi phối mọi tương quan của ta với thụ tạo khác.

Cậu bé Giêsu được đưa lên Đền Thờ lần đầu tiên.

Chúng ta thấy một đôi vợ chồng nghèo với đứa con nhỏ,

đứng lẫn trong đám đông, chờ đến phiên mình.

Ai có mắt để thấy được sự lớn lao của mầu nhiệm?

Si-mê-on: một người công chính và mộ đạo,

một người đầy Thánh Thần và sống trong chờ đợi.

An-na: một góa phụ già nua phụng thờ Chúa đêm ngày,

trong ăn chay và cầu nguyện.

Để thấy Chúa trong cái đều đặn, bình thường, buồn tẻ,

cần có một đời sống đạo đức sâu xa.

Chúa có thể gặp ta như một sự tình cờ,

nhưng thật ra lại là kết quả của những năm dài chuẩn bị.

Gợi Ý Chia Sẻ

Bạn hãy chia sẻ cho biết hiện nay bạn đang thấy mình "thuộc về" những người nào hay những tập thể nào. Sự thuộc về mạnh nhất của bạn hiện nay đặt ở đâu? Bạn thấy có nguy hiểm gì không?

Thuộc về Thiên Chúa, thuộc về tha nhân: có khi nào bạn cảm nghiệm điều đó một cách mãnh liệt không? Xin chia sẻ.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

Sống cho Chúa thật là điều khó.

Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.

Chúa đòi con cho Chúa tất cả

để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa

để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.

Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà

để cây đời con sinh thêm hoa trái.

Chúa cương quyết chinh phục con

cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình,

ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan

để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,

dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng

trước khi con tập sống cho Chúa và thuộc về Chúa

thì Chúa đã sống cho con và thuộc về con từ lâu. Amen.

 

SUY NIỆM 2: Dâng con trẻ

Trong ngày lễ hôm nay, chúng ta mừng kính hai biến cố: đó là việc thanh tẩy của Đức Maria và việc dâng Chúa Giêsu nơi đền thờ.

Trước hết là việc thanh tẩy của Đức Maria.

Theo luật Maisen, người đàn bà sau khi sinh nở, thì bị coi là uế tạp... Suốt 40 ngày, người ấy không được lên đền thờ tham dự vào những nghi lễ đạo đức. Sau đó người ấy phải đến trình diện trước thầy cả để được thanh tẩy.

Trên nguyên tắc Mẹ Maria không cần phải giữ luật Maisen vì Mẹ là Đấng trong sạch tuyệt vời. Nhưng cũng như Đức Kitô, Mẹ muốn hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha, nên hôm nay Mẹ đã chịu thanh tẩy theo như đã quy định.

Tiếp đến là việc dâng Chúa nơi đền thờ.

Kể từ khi thiên thần đã giết các con đầu lòng của người Ai cập, còn dân Do Thái lên đường, ra khỏi đất nước này với kiêp sống nô lệ lầm than, thì những con đầu lòng của người Do Thái được coi như là thuộc về Thiên Chúa và có bổn phận lo việc phụng tự Ngài. Thế nhưng sau đó, công việc phụng tự này được trao lại cho chi họ Lêvi. Vì vậy, những người con trai đầu lòng phải được cha mẹ chuộc lại bằng một số tiền nhỏ.

Ngày hôm nay Mẹ Maria cũng tuân giữ điều luật này khi dâng hài nhi Giêsu nơi đền thờ.

Hiện giờ tại nhiều xứ đạo, người ta tổ chức nghi lễ dâng những người mẹ và những đứa con cho Đức Maria. Đây không phải là một nghi lễ thanh tẩy của người Do Thái, vì bí tích Hôn nhân là một cái gì thánh thiện, và khi sinh sản con cái, cha mẹ tham dự vào công việc sáng tạo của Thiên Chúa, nhưng nghi lễ này có mục đích tôn vinh người mẹ.

Cũng như Mẹ Maria không tới đền thờ một mình, nhưng tới với hài nhi Giêsu. Người mẹ hôm nay đến nhà thờ với những đứa con nhỏ của mình. Vị linh mục mặc áo các phép, tiến đến cửa nhà thờ để chào đón các bà. Ngài cầm cây nến, tượng trưng cho tình trạng ơn sủng mà mỗi người chúng ta đã lãnh nhận trong ngày chịu phép Rửa tội. Rồi sau đó những người mẹ và những đứa con tiến vào nhà thờ trong tiếng hát tạ ơn của lời kinh Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa và thần trí tôi hoan hỉ trong Đấng cứu độ tôi”.

Vị linh mục dâng lên Thiên Chúa và Mẹ Maria lời cầu nguyện:

- Lạy Chúa, nhờ lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, xin cho những người mẹ và những đứa con này, sau cuộc sống trần gian, được đạt tới niềm hạnh phúc vĩnh cửu.

Sau đó, ngài cầu xin Chúa Giêsu, Đấng đặt biệt yêu thương các trẻ nhỏ, chúc lành và gìn giữ những em nhỏ này khỏi mọi sự dữ, để các em được lớn lên trong sự khôn ngoan và ân sủng của Chúa, hầu ngày sau cùng được Chúa đón nhận vào quê hương Nước Trời.

Linh mục rảy nước thánh và ban phép lành:

- Xin Thiên Chúa là Cha, và Con và Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em.

Nghi thức và những lời kinh thập đẹp. Ước chi mỗi bà mẹ cũng hãy cảm tạ Thiên Chúa vì thiên chức cao cả mà Ngài đã dành cho chúng ta. Đồng thời hãy noi gương bắt chước Mẹ Maria dâng con mình cho Chúa để Chúa nâng đỡ và phù trợ chúng luôn mãi, hôm nay và sau này, trên vạn nẻo đường đời.

 

SUY NIỆM 3: Trinh nữ hiến dâng

Mừng kính biến cố Mẹ dâng Chúa vào đền thờ, chúng ta cùng nhau chia sẻ về tâm tình dâng hiến của Mẹ. Thực vậy, trong tông huấn “Marialis Cultus”, bàn về lòng tôn sùng kính mến Mẹ, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã gọi Mẹ là “Trinh nữ hiến dâng Virgo offerans”. Chỉ cần nhìn vào cuộc đời của Mẹ, chúng ta sẽ thấy ngay được sự dâng hiến ấy.

Trước hết, theo truyền thuyết thì năm lên ba, Mẹ đã theo cha mẹ lên đền thờ, rồi  ở lại đó một thời gian. Trong thời gian này, Mẹ đã học hỏi Kinh thánh, tập luyện các nhân đức và khấn giữ mình đồng trinh, một nhân đức rất hiếm người Do thái hiểu và giữ lúc bấy giờ. Mẹ đã dâng hiến trọn vẹn tâm hồn và thể xác cho Thiên Chúa.

Tiếp đến trong hoạt cảnh truyền tin, Mẹ đã dâng hiến cõi lòng của Mẹ, làm thành như một chiếc nôi hồng cho Ngôi Lời giáng thế. Và hôm nay, Mẹ đã dâng hiến người con yêu dấu của Mẹ cho Thiên Chúa theo như lề luật qui định, để rồi sự dâng hiến này đạt tới cao điểm  của nó trên đỉnh đồi Canvê, khi Mẹ đứng dưới chân cây thập giá nhìn Chúa chịu sát tế làm của lễ đền tội cho nhân loại.

Nhìn vào mẫu gương của Mẹ, chúng ta rút ra được một kết luận như sau:

Dâng hiến và đau khổ luôn đi liền với nhau.

Thực vậy, không một sự dâng hiến nào mà lại không có khổ đau. Và hơn thế nữa, chính những khổ đau này sẽ làm cho việc dâng hiến trở nên cao cả và có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Tại sao thế?

Tôi xin thưa vì dâng hiến là gì nếu không phải là lấy đi phần cao quí nhất để trao cho người mình thương mến. Mà đã cho đi thì phải mất mát. Mà mất mát thì phải tiếc xót. Chính vì thế, sự dâng hiến nào cũng đòi buộc phải chấp nhận hy sinh và khổ đau.

Nhìn vào Mẹ, chúng ta sẽ thấy được sự thật ấy.  Một khi đã cúi đầu xin vâng, Mẹ cũng sẵn sàng chấp nhận mọi khổ đau sẽ xảy đến.

Chúng ta hãy nghĩ tới bàu khí ngột ngạt và căng thẳng trong gia đình, khi thánh Giuse nhận ra Mẹ đã mang thai không bởi hành động của mình. Mẹ đã âm thầm chịu đựng, mặc cho Thiên Chúa hành động và làm sáng tỏ vấn đề.

Chúng ta hãy nghĩ tới việc Mẹ lên đường trở về Bêlem để đăng ký hộ khẩu giữa lúc bụng mang dạ chửa, việc sinh Chúa trong cảnh nghèo túng của máng cỏ giữa nơi đồng vắng, việc trốn chạy giữa đêm khuya và những cực nhọc nơi đất khách quê người bên Ai Cập cũng như những lao động vất vả tại Nagiarét.

Rồi trong ngày hôm nay, Mẹ đã phải đón nhận lời tiên báo đầy cay đắng của ông già Simêon:

- Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua lòng bà…

Lời tiên báo này đã được thực hiện qua từng biến cố cuộc đời và đã trở nên trọn vẹn trên đỉnh đồi Canvê. Tại đây, sự dâng hiến trở nên tuyệt hảo nhất, thì hy sinh và đau khổ cũng đáng cay và chua xót nhất. Mẹ đã kết hiệp với Đức Kitô trong máu và nước mắt, để dâng hiến cho Thiên Chúa một của lễ cao cả nhất.

Nhìn vào Chúa, chúng ta lại càng thấy rõ sự thật này hơn nữa.

Thực vậy, mục đích của việc xuống thế làm người là gì nếu không phải là để cứu chuộc nhân loại. Nhưng đâu là giây phút quan trọng nhất trong chương trình cứu độ, nếu không phải là giây phút Ngài hiến dâng trên bàn thờ thập giá. Tất cả cuộc đời của Ngài chỉ là một sự chuẩn bị cho giây phút trọng đại này. Mọi tư tưởng, lời nói và việc làm của Ngài đều hướng tới đỉnh cao thập giá, chính tại đây Ngài đã chấp nhận những đớn đau và tủi nhục. Ngài đã sinh ra trong khó nghèo, lớn lên trong vất vả và chết đi trong nhục nhã. Thế nhưng, chính nhờ việc tự hạ này, mà Thiên Chúa đã nâng Ngài lên và tôn vinh Ngài.

Còn chúng ta thì sao?

Nếu muốn sống tâm tình dâng hiến như Chúa và Mẹ, chúng ta cũng phải chấp nhận hy sinh và khổ đau trong cuộc sống hằng ngày. Đúng thế, chúng ta vốn thường ngại hy sinh và chạy trốn đau khổ, nhưng làm sao có thể lẩn tránh vì chúng được chất đầy trong cuộc sống chúng ta, chi bằng hãy can đảm chấp nhận.

Hy sinh va khổ đau không phải là một cái gì làm cho chúng ta sợ hãi, những là một phần của đời sống chúng ta. Nếu biết đón nhận, nó sẽ thanh tẩy và làm cho chúng ta trở nên tinh ròng, như tục ngữ cũng đã nói: lửa thử vàng, gian nan thử đức.

Hơn thế nữa, nếu chúng ta biết chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa, thì những hy sinh và khổ đau ấy sẽ trở nên công phúc cho chúng ta, bởi vì lòng yêu mến là như chiếc đũa thần biến những hy sinh và khổ đau trở thành những sợi chỉ vàng, dệt nên tấm vải cuộc đời và làm cho cuộc đời chúng ta thực sự có giá trị trước mặt Thiên Chúa.

 Chính vì thế, thánh Phaolô đã khuyên nhủ: Anh em hãy hiến dâng thân xác anh em làm của lễ đẹp lòng Thiên Chúa, bởi vì Ngài yêu thích những ai trao ban một cách vui vẻ.

 

SUY NIỆM 4: Đức Giêsu hay Đức Maria: Lễ Dâng Con

Cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem để dâng Hài Nhi Giê-su trong đền thờ là tục lệ sau này, thời Abraham và Môisê chưa có đền thờ! nhưng lễ dâng con thực sự có từ thời cắt bì, đó là lúc dâng con trẻ và lễ hy sinh đền tội và lễ tạ ơn.

Của lễ Đức Ma-ri-a dâng hoàn toàn hợp luật Môisê. Đức Ma-ri-a dâng mình trong đền thờ, Ngài vào đền thánh xin tư tế dâng lễ hy sinh lên trước Giavê Thiên Chúa để đền tội và thanh tẩy.

Điều đó dạy tôi gì? tôi phải hiểu sứ điệp đó thế nào? vì luôn luôn Tin Mừng nói với tôi một sứ điệp qua những câu kinh thánh. Tôi phải suy niệm, mới giúp tôi hài lòng về những đợt sóng lời Chúa, xem ra bên ngoài có vẻ vô dụng, nhưng đó là những tiếng nói linh ứng cho ai biết tự cầu nguyện tự phát.

Sứ điệp đó là sứ điệp sống dịu hiền, vui mừng trung thành theo luật dạy một cách đơn sơ chân thành. Bài ca của cụ già Simêon rất đẹp, lời tiên tri của bà Anna gợi lên một hình ảnh huyền diệu tô điểm thêm cho ngày dâng con.

Hai chứng nhân này nói với chúng ta rằng những kẻ nhỏ bé, khiêm tốn, nghèo khó cầu nguyện Thánh Thần trong con tim của họ. Chúa Thánh Thần mặc khải rằng Thiên Chúa ở đó với họ, và khi Chúa tự tỏ mình ra, thì chẳng còn gì bên ngoài thế giới lay chuyển được họ. Vinh quang của Thiên Chúa tỏ ra trong sự thấp hèn và tối tăm như Hài Nhi tỏ vinh quang nơi hang lừa máng cỏ.

“Cháu còn là dấu hiệu gây chia rẽ...”. Lời tiên tri này là tiếng vang của lời Chúa sau này nghe như xé nát tâm can: Ai yêu mến cha mẹ mình... hơn tôi, không đáng làm môn đệ tôi”. “Ai không thuận với tôi, là chống lại tôi”. “Ai muốn theo tôi, phải tự bỏ mình, vác thập giá mình mà theo tôi”.

Môn đệ không trọng hơn Thầy. Không thể cứu mình khi còn nắm lấy những chuỗi xích khoái lạc và những tư tưởng riêng tư của mình.

Cần hoàn toàn đơn sơ chân thành yêu mến Đấng ban ơn hơn là xin ơn.

J.M

 

SUY NIỆM 5: Ánh sáng và vinh quang

Suy niệm:

“Thứ bốn thì ngắm, Đức Bà dâng Chúa Giêsu trong đền thánh,

ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.”

Đức Mẹ đã muốn giữ Luật Chúa một cách nghiêm chỉnh.

Luật trong sách Lêvi (12, 2-8) đòi buộc người mẹ 40 ngày sau khi sinh con trai

phải lên đền thờ để được thanh tẩy và phải dâng lễ vật nữa.

Nếu không đủ khả năng dâng một con chiên và một bồ câu non

thì phải dâng một cặp bồ câu non hay một đôi chim gáy.

Ngày nay chúng ta không thể hiểu tại sao Đức Mẹ phải dâng lễ tạ tội

và phải được thanh tẩy sau khi sinh Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.

Tại sao việc sinh nở lại bị coi là ô uế?

Dù sao Mẹ Đấng Cứu Thế đã vâng theo Luật dạy.

Hơn nữa, cùng với thánh Giuse, Mẹ đã dâng Con cho Chúa trong đền thờ.

Điều này Luật không buộc, nhưng Mẹ đã làm vì lòng sốt sắng.

Thật ra để chuộc lại con trai đầu lòng,

chỉ cần trả cho tư tế gần 60 gam bạc (Ds 18, 15-16).

Mẹ sung sướng đem Con lên đền thờ dâng cho Thiên Chúa

vì hơn ai hết Mẹ biết rằng Hài Nhi Giêsu này là quà tặng Chúa ban cho mình.

Dâng Con là nhìn nhận Con mình mãi mãi thuộc trọn về Chúa,

ở với Chúa và làm việc cho Chúa suốt đời,

dù mình đã chuộc Con về bằng một số bạc được ấn định theo Luật dạy.

Bài Tin Mừng hôm nay có 4 lần nói đến “Luật” (cc.23.24.27.39).

Về việc giữ Luật, Đức Maria đã không đòi một ngoại lệ hay đặc ân nào.

Hãy nhìn ngắm Thánh Gia lên đền thờ.

Một đôi vợ chồng nghèo bồng một đứa con còn rất nhỏ.

Ai có thể nhận ra đứa bé này là Đấng Kitô, là ơn cứu độ cho muôn dân?

Đó là cụ Simêon, một người đạo hạnh, luôn mong chờ điều Chúa hứa.

Hơn nữa cụ là người có Thánh Thần hằng ngự trên (c.25),

người được Thánh Thần linh báo (c. 26), và thúc đẩy lên đền thờ (c. 27).

Chính Thánh Thần làm cụ nhận ra điều mắt thường không thấy,

Và cụ sung sướng, mãn nguyện bồng Hài Nhi trên tay.

Cụ bà ngôn sứ Anna cũng nhận ra Đấng Cứu chuộc đến với mình.

Cụ là người đạo đức, ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa.

Cụ bà Anna đã công khai giới thiệu Hài Nhi cho những người chung quanh.

Để gặp được Chúa trong đời thường, chúng ta cần có lòng mong ngóng,

cần sống đời sống đẹp lòng Chúa và cần được Thánh Thần mách bảo.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,

và trọn cả ý muốn của con,

cùng hết thảy những gì con có,

và những gì thuộc về con.

Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,

lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.

Tất cả là của Chúa,

xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.

Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.

Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen.

(Kinh dâng hiến của thánh I-Nhã)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 6: Xin Mẹ Dâng Chúng Con Cho Chúa

(Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Lễ này còn được gọi là Lễ Nến. Ông Simêon, người công chính và mộ đạo, được Thánh Thần linh báo cho biết, ông sẽ không thấy cái chết trước khi gặp Đức Kitô. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền, được Thần Khí thúc đẩy, hôm đó ông lên Đền Thánh, gặp gỡ Hài Nhi trên tay, ẵm trên tay và chào là “Ánh Sáng muôn dân” (Lc 2, 32).

Đức Maria dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh, vì theo Luật Môisen (x. Xh 13, 11-13); “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa” (Lc 2, 23) đó là lý do Hài Nhi Giêsu được dâng cho Thiên Chúa.

Đây cũng là Lễ Thanh Tẩy, kính nhớ việc Đức Maria được thanh tẩy theo luật Môsê, 40 ngày sau khi sinh Đức Giêsu. Đức Trinh Nữ Maria đã tuân theo nghi lễ thanh tẩy được ghi trong sách Lêvi: “Luật cho phụ nữ sinh trai hay gái” (Lv 12, 6-8).

Sự kiện dâng Chúa Giêsu vào đền thánh và thanh tẩy Đức Trinh Nữ đã được Luca ghi lại (Lc 2,22-39). Sự kiện này nhằm thực hiện những lề luật đã được ghi rõ trong Cựu ước (Lv 12,8). Theo luật Môsê, phụ nữ sau khi sinh con thì bị coi là nhơ uế trong 40 ngày nếu sinh con trai và trong 80 này nếu sinh con gái.

Lễ này được du nhập vào Đế quốc Đông Phương dưới triều vua Justinianô (527-565). Đối với Hội thánh Tây phương, lễ này được nhắc đến trong sách bí tích của Giáo hoàng Gelasianô vào thế kỷ 7. Kể từ cuối thế kỷ IV, Giáo hội Giêrusalem đã mừng kính lễ này. Giáo hội Hy Lạp và Milanô kể lễ này vào một số lễ trọng kính Chúa, một nghi lễ chính trong năm. Giáo hội Rôma lại thường kể lễ này vào số các lễ Đức Trinh Nữ.

Trong thông điệp về lòng tôn sùng Maria, Giáo hoàng Phaolô VI viết: “Lễ mùng 2 tháng 2, được cải tên là lễ”dâng Chúa vào đền thánh", cũng cần nhắc nhở để hưởng nguồn phong phú lớn lao của ân sủng Chúa Giêsu và Maria đi song song. Đức Kitô thực hiện mầu nhiệm cứu độ. Maria mật thiết kết hợp với Chúa chịu khổ hình, để thực hiện một sứ mạng vừa thuộc về Dân Chúa của Cựu ước, vừa là hình ảnh của Dân Tân ước luôn luôn vị bắt bớ gian khổ, thử thách đức tin và lòng trông cậy” (Lc 2,21-35) (Marialis Cultur, số 7b).

Trong ngày này, người ta làm phép nến để tưởng nhớ lời tiên tri Simêon gọi Đức Kitô là “ánh sáng soi đường cho dân ngoại” (Lc 2,32) và tổ chức kiệu nến trong nhà thờ, tượng trưng cho việc Đức Giêsu tiến vào đền thờ Giêrusalem.

Khi sát nhập vào Phụng vụ Rôma, Đức Giáo Hoàng Sergiô I (678-701) lại thêm vào nghi thức rước nến. Vì thế, từ đây, lễ này được gọi là Lễ Nến. Vì trước Thánh lễ có nghi thức làm phép nến và kiệu nến vào nhà thờ như cuộc đón rước Chúa Giêsu là Ánh Sáng của muôn dân. Những cây nến được làm phép và thắp sáng trong ngày lễ này, tượng trưng cho ánh sáng và vinh quang của Chúa Giêsu. Từ cuộc canh tân Phụng vụ năm 1960, thánh lễ này cũng qui hướng về Chúa Giêsu, hơn là Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ.

Trong ngày này, Giáo hội ca vang “Vui lên, hỡi Đức Trinh Nữ Mẹ Chúa Trời, Đấng đầy ân sủng, vì từ lòng Mẹ đã sinh ra Đức Kitô Chúa chúng con là Mặt Trời công chính, Ánh Sáng chiếu soi những ai ngồi trong bóng tối. Vui lên, hỡi cụ Symêon, người công chính, vì chính cụ đã bồng ẵm Đấng giải thoát muôn dân, cho muôn dân tham dự vào sự Phục sinh của Người” (x. Phụng vụ Byzantine).

Giáo hội Đông phương hiểu Thánh lễ này thể hiện cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và dân Người. Được Ðức Maria và thánh Giuse đem vào Ðền Thánh, Chúa Giêsu đã gặp gỡ dân người mà hai cụ già Symêon và Anna là đại diện. Ðây cũng là cuộc gặp gỡ lịch sử của dân Chúa, gặp gỡ giữa các người trẻ là Ðức Marria và thánh Giuse và các người già là Symêon và Anna. Chúa Giêsu là trung tâm, chính Người lôi kéo con người đến Ðền Thánh, nhà Cha Người. Ðây còn là cuộc gặp gỡ giữa sự vâng phục của người trẻ và lời tiên tri của người già. Việc tuân giữ Luật được chính Thần Khí linh hoạt, và lời tiên tri di chuyển trên con đường do Luật vạch ra.

Lời của cụ già Symêon nói: “Đó là Ánh Sáng chiếu soi muôn dân” (Lc 2, 32). Hôm nay ai trong chúng ta cầm nến sáng trong tay mà không nhớ tới ngày cụ già Symêon bồng ẵm Hài Nhi Giêsu, Ngôi Lời trong xác phàm, là Ánh Sáng. Chính cụ là ngọn lửa cháy sáng, chứng nhân của ánh sáng, khi được đầy ơn Chúa Thánh Thần, cụ đã làm chứng rằng Hài Nhi Giêsu là Tình Yêu và là Ánh Sáng chiếu soi muôn dân.

Vậy hôm nay, chúng ta hãy nhìn cây nến cháy sáng tên tay cụ già Symêon, từ ánh sáng đó hãy thắp sáng cây nến của chúng ta…Như thế, chúng ta không những sẽ cầm ánh sáng trong tay, mà chính chúng ta là ánh sáng, ánh sáng trong lòng ta, cho đời ta, và cho mọi người.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đồng Trinh, chúng con đặt cuộc đời chúng con vào trong vòng từ mẫu của Mẹ để Mẹ dâng lên Thiên Chúa như xưa Mẹ đã dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh, tất cả chúng con thuộc về Mẹ. Amen.

 

SUY NIỆM 7: ĐỨC GIÊSU – ÁNH SÁNG SOI MUÔN DÂN

(Ml 3, 1-4; Dt 2, 14-18; Lc 2, 22-40)

Có một câu chuyện kể về người nông dân: ông ta trồng trong vườn nhà mình nhiều loại trái cây. Hằng năm, mỗi khi mùa trái cây về, những hoa trái đầu tiên, ông ta nhất định phải hái để dâng kính tổ tiên. Khi được hỏi lý do, ông trả lời: “Sống trên đời phải có hiếu nghĩa với đấng sinh thành, hơn nữa, hôm nay, tôi được hưởng những hoa trái này cũng là do công khó của tiền nhân đi trước để lại. Vì thế, việc dâng tiến các cụ hoa trái đầu mùa là thể hiện sự hiếu kính, lòng biết ơn và chân nhận công khó của các ngài để lại”.

Hôm nay, Phụng Vụ Giáo Hội cũng làm toát lên ý nghĩa việc Đức Maria dâng lên Thiên Chúa hoa quả đầu mùa của Mẹ là chính Chúa Giêsu để bày tỏ sự hiếu kính, tôn thờ và vâng phục của Mẹ đối với Thiên Chúa.

1. Lịch sử ngày lễ

Lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thờ được mừng kính ở thế kỷ V tại Giêrusalem. Vào ngày kết thúc mùa giáng sinh, tức là 40 ngày sau lễ giáng sinh, Giáo Hội tại Giêrusalem tổ chức rất long trọng biến cố này. Sau đó, vào năm 650 của thế kỷ VII, lễ này được mừng kính rộng rãi trong toàn thể Giáo Hội hoàn vũ.

Tuy nhiên, lối hiểu và cách thức diễn tả của Giáo Hội Đông phương thì nhấn mạnh đến việc gặp gỡ. Gặp gỡ giữa Thiên Chúa và dân của Người. Hình ảnh cụ già Simêon và nữ tiên tri Anna chính là biểu trưng cho dân Chúa thời Cựu Ước mong chờ Đấng Cứu Thế, hôm nay, Đấng ấy đến, Ngài là Ánh Sáng chiếu soi muôn dân. Còn đối với Giáo Hội Tây Phương thì tập trung vào ý nghĩa của việc Đức Maria Dâng con vào đền thờ và việc tẩy uế theo Luật nơi Mẹ Maria (x. Lv 12).

Trong những năm cuối thế kỷ thứ VII, đầu thế kỷ thứ VIII (678-701), Đức Giáo Hoàng Sét-gi-ô I đã quyết định thêm vào đó nghi thức rước nến trước thánh lễ. Cũng chính từ đây, lễ này còn được gọi là Lễ Nến, bởi vì trước thánh lễ có nghi thức làm phép nến ở tiền sảnh nhà thờ hay một nơi nào đó thuận tiện, và sau đó kiệu nến vào trong nhà thờ để cử hành thánh lễ. Điều này làm toát lên ý nghĩa Đức Giêsu chính là Ánh Sáng chiếu soi muôn dân. Hôm nay Ngài đã đến và soi chiếu dân Người. Chính vì lý do này mà sau này, phụng vụ Giáo Hội tập trung và quy hướng về Đức Giêsu nhiều hơn về Đức Mẹ để làm toát lên vai trò là Ánh Sáng chiếu soi muôn dân nơi Đấng Cứu Thế.

Trong phần khai mạc và cuộc rước nến, Đức Giáo Hoàng và đoàn đồng tế mặc phẩm phục tím nói lên sự sám hối và ý hướng muốn được thanh tẩy. Điều này ngầm ám chỉ về Đức Maria chưa được thanh tẩy theo luật Do thái sau khi sinh con.

Khi đoàn rước tiến tới cửa đền thờ Đức Bà Cả, thì Chủ tế và đoàn đồng tế thay lễ phục màu trắng để diễn tả sự tinh tuyền, trong sạch của Đức Maria.

2. Ý nghĩa của ngày lễ

Hình ảnh nổi bật và ý nghĩa của ngày lễ chính là việc Dâng Đức Giêsu trong đền thờ. Việc Đức Giêsu được dâng lên cho Thiên Chúa trước sự vui mừng và hạnh phúc của cụ già Simêon và nữ tiên tri Anna đã làm toát lên ý nghĩa của sự khao khát đợi trông của dân Itrael về Đấng Cứu Thế. Hôm nay, Ngài đến, Ngài đã trở thành Ánh Sáng chiếu soi nhân loại, trở thành trung tâm điểm của mọi tâm hồn.

Ngoài việc tập trung vào Chúa Giêsu như là Ánh Sáng soi chiếu muôn dân, Giáo Hội còn mời gọi con cái mình hướng về Mẹ Maria và thánh Giuse như là những mẫu gương công chính và thánh thiện.

Sự công chính và thánh thiện ấy được tìm thấy rõ nơi cung cách của thánh Giuse và Mẹ Maria. Các ngài đã trở thành nữ tỳ và tôi trung của Thiên Chúa, vì thế, sự khiêm nhường và vâng phục đã được tìm thấy nơi các ngài như là điểm son của đời sống thánh thiện.

Việc dâng Đức Giêsu, người Con Chí Ái và duy nhất lên cho Thiên Chúa đã thể hiện điều đó. Mặc dù các ngài thừa hiểu rằng: Người Con mà mình sắp dâng cho Thiên Chúa đây chính là Thiên Chúa làm người. Ngài là Chúa tể trời đất. Là Ánh Sáng cho muôn dân. Tuy nhiên, vì muốn trung thành với Luật và thể hiện lòng biết ơn Thiên Chúa, nên các ngài đã sẵn sàng tiến lên đền thờ để thi hành bổn phận như mọi người.

Thật vậy, theo truyền thống thì việc dâng con có thể thực hiện tại nhà. Còn việc tẩy uế nơi người mẹ thì cũng không nhất thiết phải cả chồng cùng đi. Tuy nhiên, vì yêu mến đền thờ, yêu mến nhà Thiên Chúa, nên các ngài đã vượt mọi khó khăn để lên đền thờ tiến dâng Đức Giêsu và thanh tẩy người Mẹ theo Luật định.

Như vậy, sự thánh thiện qua việc vâng lời đã làm cho thánh Giuse và Mẹ Maria xứng đáng được coi là những con người tốt lành và gương mẫu.

Dấu chỉ tiềm ẩn dành cho một gia đình tốt còn được biểu hiện qua việc sống nghèo và chịu nhiều đau khổ. Hình ảnh cặp bồ câu non chứng minh cho cái nghèo của gia đình Thánh Gia. Mặt khác, lời tiên tri của cụ già Simêon tiên báo về cuộc khổ nạn mà Đức Giêsu phải chịu và nỗi đau trong tâm Mẹ Maria như muốn tô đậm thêm điểm tốt của một gia đình trung thành với lề luật và Thiên Chúa để đón nhận thánh ý Chúa trong cuộc đời.

Tuy nhiên, điều quyết định để thánh Giuse và Mẹ Maria thực sự trở nên một con người bình an, thánh thiện và tốt lành, đó là có sự hiện diện của Đức Giêsu trong gia đình và nhất là nơi tâm hồn.

3. Sống sứ điệp ngày lễ

Mỗi khi mừng lễ Đức Mẹ dâng Chúa vào đền thờ, mỗi người chúng ta được mời gọi nhớ lại Bí tích Rửa Tội chúng ta đã lãnh nhận. Ngày đó, mỗi chúng ta được thuộc trọn về Chúa. Được trở nên con cái Thiên Chúa. Cũng chính từ đó, chúng ta được mời gọi đón nhận Ánh Sáng Chúa Kitô trong cuộc đời của mình, đồng thời có sứ mạng lan tỏa Ánh Sáng ấy cho người khác.

Khi đã thuộc về Chúa và đi theo Ánh Sáng là chính Ngài, chúng ta được mời gọi thực thi Lời Chúa cách yêu mến và trung thành như Mẹ Maria và thánh Giuse đã trung thành giữ luật trong lòng mến.

Mừng lễ dâng Chúa vào đền thờ hôm nay, chúng ta còn được mời gọi hãy tín thác và phó dâng cuộc đời, sự nghiệp, tương lai của chúng ta cho Chúa để được sống dưới sự hướng dẫn, dạy dỗ và soi dẫn của Người.

Lạy Chúa Giêsu là Ánh Sáng chiếu soi trần gian. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con được trung thành và yêu mến Luật Chúa như Mẹ Maria và thánh cả Giuse, để luôn được đi trong Ánh Sáng của Ngài. Amen.

Ngọc Biển, SSP

 

SUY NIỆM 8: Chúa Giêsu là Ánh Sáng (Lc 1, 21-28)

(Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Cách đây bốn mươi ngày, chúng ta đã hân hoan cử hành lễ Chúa Cứu Thế giáng sinh. Hôm nay chúng ta mừng ngày Chúa Cứu Thế được Thân Mẫu và thánh Giuse dâng vào Đền Thánh, đưa chúng ta đi từ Mầu Nhiệm Nhập Thể đến Mầu Nhiệu Cứu Chuộc của Đấng Cứu Thế. Ngôi Lời, Con Thiên Chúa nhập thể làm người, sinh ra và sống trong xã hội loài người, bị luật lệ loài người chi phối, theo Luật Môisen (x. Xh 13, 11-13); "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa" ( Lc 2, 23 ) đó là lý do Hài Nhi Giêsu được dâng cho Thiên Chúa. Đức Trinh Nữ Maria đã tuân theo nghi lễ thanh tẩy được ghi trong sách Lêvi: "Luật cho phụ nữ sinh trai hay gái" (Lv 12, 6-8). Ông Simêon người công chính và mộ đạo, được Thánh Thần linh báo cho biết, ông sẽ không thấy cái chết trước khi gặp Đức Kitô. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền, được Thần Khí thúc đẩy, hôm đó ông lên Đền Thánh, gặp gỡ Hài Nhi, ẵm Hài Nhi trên tay và chào là "Ánh Sáng muôn dân" (Lc 2, 32).

Trong ngày này, Giáo hội ca vang "Vui lên, hỡi Đức Trinh Nữ Mẹ Chúa Trời, Đấng đầy ân sủng, vì từ lòng Mẹ đã sinh ra Đức Kitô Chúa chúng con là Mặt Trời công chính, Ánh Sáng chiếu soi những ai ngồi trong bóng tối. Vui lên, hỡi cụ Symêon, người công chính, vì chính cụ đã bồng ẵm Đấng giải thoát muôn dân, cho muôn dân tham dự vào sự Phục sinh của Người "(x. Phụng vụ Byzantine).

Tại sao Con Thiên Chúa lại phải dâng cho Thiên Chúa và Đức Maria trinh khiết vẹn tuyền phải chịu thanh tẩy?

Theo thánh Dimitri de Rostov: "Mẹ Thiên Chúa tiến vào Đền Thánh vâng theo Luật Chúa, tay bồng ẵm chính Đấng là Lề Luật. Mẹ là Đấng vô tội, tinh tuyền không tì vết đến xin điều mà Mẹ không cần là thanh tẩy. Mẹ không nhận lãnh sự khoái lạc sung sướng của phu quân, đã sinh con mà không đau đớn, Mẹ được gìn giữ tinh tuyền không tì vết trước khi sinh và sau khi sinh Đấng là nguồn suối trong sạch, há Mẹ lại không tinh sạch sao? Đức Kitô đã sinh ra từ lòng Mẹ! Quả không bị hư hoại bởi cây, cây không bị nhơ bẩn bởi quả: Đức Trinh Nữ Rất Thánh vẫn trinh khiết vẹn tuyền sau khi sinh hạ Đức Kitô, Con lòng Mẹ. Mặt Trời công chính không làm tổn thương sự đồng trinh của Mẹ. Lẽ thường, máu không làm ô uế Cửa thiên đàng theo luật tự nhiên, Thiên Chúa ngập tràn ánh sáng thần linh đã vượt qua Cửa này, gìn giữ sự đồng trinh của Mẹ".

Thánh Phaolô nói: "Vậy bởi vì con cái có chung máu thịt với nhau, thì phần Ngài, giống y như vậy, các điều ấy Ngài cũng đã thông chia, để giải thoát những kẻ vì sợ chết mà suốt cả bình sinh sa vòng nô lệ" (Dt 2,14-15). Chúa đến với loài người là để cứu rỗi và giải thoát, chứ không phải để kết án luận phạt: "Vì thiết tưởng không phải Thiên Thần được Ngài bao bọc, nhưng Ngài bao bọc dòng giống Abraham... Ngài đã nên giống các anh em Ngài, để trở thành vị Thượng tế lo việc Thiên Chúa, vừa biết xót thương vừa trung tín, cốt để lo tạ tội cho dân" (Dt 2,16-17).

Đức Maria Trinh Nữ Rất Thánh Mẹ Thiên Chúa, cũng như Chúa Giêsu không buộc phải tuân theo nghi thức này, nhưng vì khiêm nhường và cũng để cho nhân loại noi theo mà tuân giữ luật Chúa, nhất là để cứu con người Chúa Giêsu đã làm điều đó, nên lễ này được gọi là Lễ Thanh Tẩy.

Hy Tế Cứu Chuộc

Lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh, mà chúng ta cử hành ngày 02 tháng 01 có một vị trí đặc biệt: vì lễ này loan báo Hy Tế Cứu Chuộc mang lại ơn cứu độ sau này. Đức Maria và thánh Giuse bồng Chúa Giêsu trên tay, dù là Con Thiên Chúa, Đấng giầu sang phú quí để dâng vào Đền Thánh với của lễ đơn sơ là "cặp bồ câu non"! Đây là lần đầu tiên loan báo về Hy Tế Thánh. Chính Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người mạc khải cho chúng ta, việc dâng hiến này ám chỉ tương quan giữa nhân loại với Thiên Chúa Cha, qua trung gian cần thiết của Đức Trinh Nữ Maria đồng công cứu chuộc. Đây là Hy Tế đền tội hoàn hảo duy nhất cứu chuộc nhân loại. Lễ này là "bản lề" chuyển tiếp giữa hai mầu nhiệm Nhập Thể (Truyền tin) và Cứu Chuộc (Phục Sinh). Chúa Giêsu đến trần gian (Nhập thể), để Cứu chuộc chúng ta.

Sao lại làm phép nến và rước nến hay gọi là Lễ Nến?

Giáo hội Đông phương hiểu Thánh lễ này thể hiện cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và dân Người. Được Ðức Maria và thánh Giuse đem vào Ðền Thánh, Chúa Giêsu đã gặp gỡ dân người mà hai cụ già Simêon và Anna là đại diện. Ðây cũng là cuộc gặp gỡ lịch sử của dân Chúa, gặp gỡ giữa các người trẻ là Ðức Marria và thánh Giuse và các người già là Symêon và Anna. Chúa Giêsu là trung tâm, chính Người lôi kéo con người đến Ðền Thánh, nhà Cha Người. Ðây còn là cuộc gặp gỡ giữa sự vâng phục của người trẻ và lời tiên tri của người già. Việc tuân giữ Luật được chính Thần Khí linh hoạt, và lời tiên tri di chuyển trên con đường do Luật vạch ra.

Giáo hội Tây phương lại coi đây là Thánh lễ mừng kính Đức Maria: Thanh tẩy theo luật Do thái. Khi sát nhập vào Phụng vụ Rôma, Đức Giáo Hoàng Sergiô I (678-701) lại thêm vào nghi thức rước nến. Vì thế, từ đây, lễ này được gọi là Lễ Nến. Vì trước Thánh lễ có nghi thức làm phép nến và kiệu nến vào nhà thờ như cuộc đón rước Chúa Giêsu là Ánh Sáng của muôn dân. Những cây nến được làm phép và thắp sáng trong ngày lễ này, tượng trưng cho ánh sáng và vinh quang của Chúa Giêsu. Từ cuộc canh tân Phụng vụ năm 1960, thánh lễ này cũng qui hướng về Chúa Giêsu, hơn là Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ.

Lời của cụ già Simêon nói: "Đó là Ánh Sáng chiếu soi muôn dân" (Lc 2, 32). Quả thật, hôm nay ai trong chúng ta cầm nến sáng trong tay mà không nhớ tới ngày cụ già Simêon bồng ẵm Hài Nhi Giêsu, Ngôi Lời trong xác phàm, là Ánh Sáng. Chính cụ là ngọn lửa cháy sáng, chứng nhân của ánh sáng, khi được đầy ơn Chúa Thánh Thần, cụ đã làm chứng rằng Hài Nhi Giêsu là Tình Yêu và là Ánh Sáng chiếu soi muôn dân.

Vậy hôm nay, chúng ta hãy nhìn cây nến cháy sáng trên tay cụ già Simêon, từ ánh sáng đó hãy thắp sáng cây nến của chúng ta... Như thế, chúng ta không những sẽ cầm ánh sáng trong tay, mà chính chúng ta phản chiếu ánh sáng, ánh sáng trong lòng ta, cho đời ta, và cho mọi người. Amen.

 

SUY NIỆM 9: Cha mẹ hãy cho con tình thương

(Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)

Trong một lần dạy giáo lý hôn nhân tôi hỏi: Nếu như bạn phải tặng cho con cái điều quý giá nhất bạn sẽ chọn: dạy dỗ, làm gương, dành thời giờ ở bên con, miệt mài làm việc cho con tiền ăn học, vợ chồng yêu thương nhau thì các bạn sẽ chọn điều gì?

Xem ra yếu tố nào cũng quan trọng và cần thiết nhưng có một yếu tố quan trọng hơn theo tôi đó là vợ chồng yêu thương nhau.

Câu trả lời xem ra không thỏa mãn. Thế nhưng, thử hỏi nếu vợ chồng không thương yêu nhau thì mái nhà có giữ được không? Và nếu như vợ chồng không yêu thương nhau con cái sẽ ra sao? Mái nhà có là mái ấm hay là hỏa ngục trần gian?

Người ta thống kê số các tội phạm thanh thiếu niên hay những thanh thiếu niên hư hỏng đa phần là do cha mẹ chúng thiếu tình yêu thương nhau. Có thể họ đã ly dị nên con cái trả thù đời bằng việc lao vào các tệ nạn xã hội. Có thể do cha mẹ chúng hay bất hòa với nhau nên con cái không muốn ở nhà chỉ thích lêu lổng và phá phách. Có thể cha mẹ chúng thiếu hợp nhất nên con cái cũng mạnh đứa nào đứa nấy sống.

Thực vậy, điều quý nhất mà cha mẹ có thể tặng cho con cái mình là tình yêu thương của gia đình. Cha mẹ yêu thương nhau. Con cái hòa hợp với nhau. Ðó chính là một cái nôi hạnh phúc mà khi con người được sống trong cái nôi êm đềm ấy thì khó có thể hư hỏng được. Cha và mẹ cứ nên nhắn nhủ với con cái với sứ điệp rằng "mặc dù cha mẹ không phải là hoàn hảo, thỉnh thoảng cũng có cãi lẫy, giận hờn với nhau, nhưng ba mẹ lúc nào cũng ở bên cạnh nhau và bên cạnh các con". Cha và mẹ sống yêu thương nhau thì con cái sẽ học được bài học tình yêu từ chính trong nôi gia đình.

Các nhà xã hội học cho rằng trẻ em hôm nay đang sống trong một thế giới đầy bất an. Những nỗi lo sợ chồng chất từ gia đình đến xã hội là nguyên nhân gây nên những biến chứng trong cách cư xử của các em, bệnh trầm cảm và các rối loạn tinh thần. Một trong các mối lo sợ lớn nhất của các em ở lứa tuổi đi học là sợ cha mẹ chúng ly dị. Nhiều em thường xuyên phải nghe các tin đau lòng rằng cha mẹ của bạn mình trong lớp đang chia tay, hay thần tượng điện ảnh này của các em đang ra tòa xin ly dị, và các em cũng vô cùng hoang mang không biết chừng nào đến phiên cha mẹ mình sẽ chia ly. Nhiều em mắc phải sự lo âu thấp thỏm mỗi ngày, không biết chừng nào cái tin sét đánh này xảy đến cho cuộc đời của chúng nó.

Ðây cũng là điều gia đình thánh gia có thể vượt qua sóng gió khi họ yêu thương nhau. Họ bỏ qua những hồ nghi, những niềm vui riêng để gánh lấy trách nhiệm nuôi nấng Con Chúa Trời Chí Thánh. Các ngài luôn chứng minh cho mọi người rằng các ngài luôn sẵn sàng ở bên nhau và cùng dìu nhau đi qua những thăng trầm của dòng đời. Các ngài luôn lấy tình yêu của lòng nhân hậu bao dung để đối xử với nhau. Nhất là các ngài luôn ở bên nhau vì tin vào Chúa nên dám đón nhận nhau trong yêu thương hợp nhất.

Hôm nay chúng ta quy tụ nhau nơi đây để cử hành nghi thức dâng con vào đền thờ. Hành vi dâng con vào đền thờ là hành vi thờ phượng để tạ ơn về ân ban Chúa ban là con cái được sinh ra. Dâng con vào đền thờ cũng xác định quyền và bổn phận giáo dục con cái của chúng ta. Chỉ có cha mẹ mới có quyền giáo dục con cái mình. Chỉ có cha mẹ mới có bổn phận giáo dục con cái của mình. Quyền và bổn phận vừa là vinh dự , vừa là trách nhiệm mà chúng ta phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa và xã hội.

Trước mặt xã hội cha mẹ phải lãnh lấy trách nhiệm nếu con cái hư hỏng trước tuổi thành niên. Trước mặt Thiên Chúa thì cha mẹ phải trả lẽ trước mặt Chúa trong chính lương tâm của mình suốt cuộc đời.

Ðứng trước một trách nhiệm lớn lao như vậy, đòi hỏi cha mẹ phải hy sinh để nuôi dậy con cái. Sự hy sinh đòi cha mẹ phải "một điều nhịn chín điều lành" để gìn giữ mái ấm gia đình ngập tràn yêu thương. Sự hy sinh không chì dừng lại sự lam lũ kiếm tiền cho con cái mà còn hy sinh để cho con cái thấy tình thương của cha mẹ dành cho nhau và cho con cái. Có như vậy chúng ta mới mang lại sự phát triển tâm sinh lý nơi con trẻ một cách hoàn hảo. Và chắc chắn con cái sẽ biết ơn cha mẹ vì được sống trong một cái nôi đầy ắp yêu thương.

Ước gì chúng ta luôn dành tình yêu cho gia đình chúng ta, cho vợ chồng, cho con cái. Trên hết mọi sự hãy lấy tình yêu mà đối xử với nhau để xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc và là chỗ dựa vững chắc cho con cái vào đời. Amen.

 

SUY NIỆM 10: Ánh sáng soi đường cho dân ngoại, vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài

(Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên)

Nếu như trong lễ Hiển Linh chúng ta cử hành việc Đức Giêsu tỏ mình ra cho các Đạo sĩ, là Dân ngoại, thì hôm nay khi được dâng trong Đền Thờ, Ngài đã tỏ mình ra cho chính dân tộc của Ngài.

Lễ Nến được mừng vào ngày thứ 40 sau lễ Giáng Sinh, kết thúc những ngày lễ trọng mừng việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người nơi Ngôi Lời mặc lấy xác phàm. Lễ này còn có tên gọi là lễ Đức Maria được thanh tẩy theo Luật Môsê hay lễ Dâng Chúa trong Đền Thờ.

Sở dĩ có ngày lễ này là vì theo Luật Môsê quy định: Thứ nhất, các trẻ sơ sinh, trong thời gian Luật định, phải mang lên Đền Thờ dâng cho Thiên Chúa. Thứ hai, người phụ nữ sau khi sinh con (nếu là con trai) thì sau 40 ngày phải lên Đền Thờ để được thanh tẩy. Vì thời đó người ta cho rằng khi sinh con, người phụ nữ bị ô uế. Thứ ba, con đầu lòng là tài sản của Thiên Chúa. Vì thế có tục lệ dâng con và lễ vật cho Thiên Chúa để chuộc lại con.

Sau khi sinh Đức Giêsu được 40 ngày, Đức Maria và Thánh Giuse đã làm như Luật dạy. Thực ra, Đức Mẹ không cần phải làm nghi thức thanh tẩy, bởi vì Mẹ sinh con mà vẫn trọn đời trinh khiết, không một vết nhơ nào có thể chạm đến con người thánh thiện của Mẹ, nhưng Mẹ vẫn khiêm tốn thi hành những gì lề luật truyền dạy.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của vị “sứ giả của giao ước” hôm nay có vẻ không giống như những gì mà ngôn sứ Malakhi đã loan báo. Bởi theo viễn tượng của vị ngôn sứ này, thì vị sứ giả của Thiên Chúa sẽ đến một cách bất ngờ để tái lập lại nền phụng tự của dân Thiên Chúa vốn đã trở nên lệch lạc bởi sự chểnh mảng của các tư tế cũng như sự thờ ơ của dân chúng: “Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán. Ai chịu nổi ngày Người đến ? Ai đứng được khi Người xuất hiện ? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt.  Người sẽ ngồi để luyện kim tẩy bạc; Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi và tinh luyện chúng như vàng, như bạc” (Ml 3,1-3).

Không riêng gì ngôn sứ Malakhi, mà ngay cả Gioan Tẩy Giả cũng loan báo về Đấng Messia với những lời lẽ tương tự: “Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân : thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi." (Mt 3,12).

Trái ngược hẳn với những hình ảnh đáng kinh sợ mà các ngôn sứ đã loan báo, hôm nay, Chúa Giêsu - vị sứ giả của giao ước - lại bước vào đền thờ một cách âm thầm dưới hình hài của một trẻ thơ. Có lẽ sẽ chẳng có ai nhận ra Ngài cho đến khi cụ già Simêon – người được Thánh Thần linh hứng – loan báo rằng: Hài Nhi Giêsu mà ông đang bồng ẵm trên tay chính là “Ơn cứu độ mà Chúa đã dành sẵn cho muôn dân. Là Ánh sáng soi đường cho nhân loại và là vinh quang của Israel dân Ngài” (Lc 2,30-32)

Mừng lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thờ hôm nay, Giáo Hội muốn giới thiệu cho chúng ta: Chúa Giêsu là ÁNH SÁNG từ trời cao, được đưa vào đền thờ, để thắp sáng cho trần gian. Nhưng tiếc rằng, ánh sáng đó đã được chiếu soi vào nhân loại hơn 2000 năm qua mà vẫn chưa được nhiều người đón nhận.

Ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta cũng được trao cho cây nến sáng với lời nhắc nhở rằng: Con hãy nhận lấy ánh sáng Chúa Kitô và hãy làm cho ánh sáng ấy cháy lên mãi… Vậy hôm nay, chúng ta hãy tự kiểm điểm lại xem, tôi và gia đình tôi đã làm gì để ánh sáng Chúa Kitô được thắp sáng nơi môi trường sống của mình ?

Việc Chúa Giêsu được dâng trong đền thánh là hình bóng hiến lễ Ngài sẽ dâng chính mình trên đồi Canvê. Thư Do Thái dạy rằng: Đức Kitô vừa là của lễ hoàn hảo đền tội chúng ta, vừa là tư tế dâng chính mình Ngài như của lễ. Mừng lễ hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi hãy phó dâng bản thân cũng như mọi thành viên trong gia đình chúng ta cho Thiên Chúa để chính Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta đi. Đó cũng là ý nghĩa cao đẹp mà nhiều hội dòng lựa chọn ngày lễ này làm lễ khấn dòng của mình. Để qua việc công khai đáp trả lại ba lời khuyên Phúc Âm, các tu sĩ cũng muốn trở nên ánh sáng cho trần gian và hiến dâng cuộc đời mình làm của lễ sống động cho Thiên Chúa và cho anh chị em mình.

Sau cùng, mỗi tín hữu cũng được mời gọi noi theo các nhân đức của Đức Mẹ và thánh Giuse bằng việc yêu mến và thực thi nghiêm chỉnh những lề luật của Thiên Chúa, cho dù đó là điều nhỏ bé và tầm thường nhất, để nhờ đó, chương trình và ý định của Thiên Chúa được thể hiện trong cuộc đời này.

Lạy Chúa Giêsu là ánh sáng đã đến trong trần gian. Như mặt trăng tiếp nhận ánh sáng từ mặt trời, xin cho chúng con cũng biết tiếp nhận ánh sáng từ nơi Chúa là mặt trời công chính, để trần gian luôn tràn ngập ánh sáng của tình yêu thương, sự cảm thông và tha thứ. Nhờ đó nơi gia đình, giáo họ, giáo xứ và cộng đoàn chúng con luôn được sống trong bình an và hạnh phúc. Amen.

 

SUY NIỆM 11: Tiến dâng Đức Giêsu cho Thiên Chúa

(JKN)

Câu hỏi gợi ý:

1. Gia đình của Đức Giê-su tôn trọng lề luật như thế nào? Tại sao phải tôn trọng lề luật?

2. Các kinh sư Do Thái là những người giữ các luật tôn giáo một cách rất nhiệm nhặt. Họ có vì thế mà trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa không? Tại sao? Bạn rút ra được bài học gì cho việc giữ luật của bạn?

3. Tình yêu và lề luật, cái nào là mục đích, cái nào là phương tiện? Cái nào làm cho bạn trở nên công chính, thánh thiện?

Suy tư gợi ý:

1) Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se tôn trọng lề luật

Bài Tin Mừng cho thấy Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se đã chu toàn những tập tục của luật Mô-sê liên quan đến việc hạ sinh Đức Giê-su. Luật Mô-sê qui định tất cả các trẻ nam đều phải cắt bì và đặt tên vào ngày thứ 8 sau khi chào đời (x. Lv 12,3; Lc 1,59-60; 2,21). Khi được 1 tháng tuổi, trẻ phải được đem tới đền thờ để làm lễ chuộc lại con, vì mọi con đầu lòng - dù là người hay là thú vật - đều phải tiến dâng cho Thiên Chúa, vì nó thuộc về Ngài, rồi phải chuộc nó lại từ Thiên Chúa (x. Xh 13,2.12-13; Ds 18,15-16). Nếu sinh con trai thì khi nó được 40 ngày, hoặc nếu sinh con gái thì khi nó được 80 ngày, người mẹ phải làm lễ tẩy uế, và phải dâng lễ toàn thiêu bằng một con chiên con, người nghèo có thể thay thế bằng một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non như Đức Ma-ri-a đã làm (x. Lv 5,7; 12,8). - Mặc dù biết Đức Giê-su, con của mình, là Con Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se vẫn tuân thủ tất cả những gì lề luật đòi buộc. Đó là một gương mẫu cho chúng ta.

2) Vấn đề: có nên giữ luật như các kinh sư Do Thái không?

Như vậy là chúng ta phải nghiêm chỉnh tuân giữ lề luật. Nhưng một vấn đề rất cụ thể và hết sức thiết thực đặt ra cho chúng ta là: các kinh sư Do Thái, những người Pha-ri-sêu, nổi tiếng là giữ luật một cách nhiệm nhặt, nhưng lại bị Đức Giê-su chê trách rằng họ chẳng hề tuân giữ lề luật. Thật vậy, Đức Giê-su đã từng tuyên bố với các kinh sư Do Thái rằng: « Ông Mô-sê đã chẳng ban Lề Luật cho các ông sao? Thế mà không một ai trong các ông tuân giữ Lề Luật!» (Ga 7,19). Stê-pha-nô cũng nói với các kinh sư Do Thái tương tự như thế trước khi bị họ ném đá chết: «Các ông là những người đã lãnh nhận Lề Luật do các thiên sứ công bố, nhưng lại chẳng tuân giữ» (Cv 7,53). - Vậy phải giữ luật như thế nào mới được gọi là thật sự giữ luật? mới đẹp lòng Thiên Chúa? mới trở nên thánh thiện đích thực?

3) Cần phân biệt luật tổng quát và luật chi tiết

Trong tôn giáo, lề luật là những điều mà mọi tín đồ phải thực hiện hay tuân giữ để thực hiện tinh thần hay mục đích của tôn giáo: nên trọn lành, được cứu rỗi. Luật lệ gồm hai phần mà chúng ta cần phân biệt:

Phần tinh thần, mang tính tổng quát, phát xuất từ Thiên Chúa. Phần này - tương tự như hiến pháp trong một quốc gia - là những nguyên tắc mang tính tổng quát, nhưng hết sức quan trọng. Có thực hiện được những nguyên tắc tổng quát này thì mới đạt được mục đích của tôn giáo. Trong Ki-tô giáo, có hai nguyên tắc tổng quát nhất là: «Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình» (Lc 10,27); «Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy» (Mt 22,40).

Hai nguyên tắc này đã được thánh Phao-lô và Gia-cô-bê tổng hợp lại thành một nguyên tắc duy nhất: «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật (...) Yêu thương là chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8.10); «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Ki-tô» (Gl 6,2); «Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Gc 2,8). Chính Đức Giê-su cũng tuyên bố rất rõ ràng: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,35).

Phần cụ thể, mang tính chi tiết, thường do con người lập nên bằng cách suy diễn từ những điều luật tổng quát trên cách áp dụng cụ thể những điều luật ấy trong mọi tình huống của đời sống con người. Phần này - tương tự như luật pháp trong một quốc gia - gồm những điều luật cụ thể giúp thể hiện một cách chi tiết những điều luật tổng quát (trong quốc gia là hiến pháp). Ki-tô giáo có vô số điều luật - trong giáo luật cũng như trong từng lãnh vực của tôn giáo - nhằm cụ thể hóa và chi tiết hóa hai nguyên tắc tổng quát «mến Chúa, yêu người» nói trên. Mọi Ki-tô hữu đều phải cố gắng thực hiện những qui định mang tính chi tiết này, để nhờ đó thực hiện cách hoàn hảo hai nguyên tắc tổng quát trên.

4) Giá trị của hai thứ luật trên

Những điều luật căn bản, mang tính tổng quát thì có giá trị tuyệt đối, con người phải thực hiện trong bất kỳ tình huống nào, và không hề có luật trừ. Đó là luật phát xuất từ Thiên Chúa. Theo tinh thần của đoạn Tin Mừng Mt 25,31-46 thì Thiên Chúa chỉ phán xét con người theo điều luật tổng quát này của Ngài mà thôi.

Những điều luật mang tính chi tiết đều phải nhằm giúp con người thực hiện điều luật tổng quát trên trong những tình huống cụ thể hơn. Do đó, chúng chỉ có giá trị khi nhằm mục đích thực hiện hoàn hảo những nguyên tắc tổng quát trên và khi phù hợp với mục đích ấy. Do đó, bất cứ điều luật chi tiết nào nếu đem áp dụng trong những hoàn cảnh cụ thể mà phản ảnh đúng hay phù hợp với những nguyên tắc tổng quát trên, thì người tín hữu buộc phải tuân giữ. Trái lại, nếu trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó, việc áp dụng những luật cụ thể này lại đi ngược với tinh thần của điều luật tổng quát trên, thì trong hoàn cảnh cụ thể ấy, người tín hữu không buộc phải tuân theo. Chính Đức Giê-su đã sẵn sàng lỗi luật ngày sa-bát khi mà nếu giữ luật chi tiết này trong những trường hợp cụ thể Ngài gặp thì hóa ra lại vi phạm một luật tổng quát hơn, là luật yêu thương (x. Mt 12,1-8; 9-14; Lc 13,10-17; 14,1-6; Ga 5,1-18; 9,1-41). Vì khi soạn ra những điều luật chi tiết này, không ai có thể nghĩ ra hết tất cả những trường hợp luật trừ, là những trường hợp mà tuân hành những luật này sẽ trở nên vi phạm những lề luật cao hơn hay tổng quát hơn.

Trong hiến pháp của một quốc gia thường có một khoản qui định rằng bất cứ một điều khoản nào trong luật pháp mà đi ngược lại tinh thần của bất kỳ một điều khoản nào trong hiến pháp, thì điều khoản trong luật pháp ấy trở thành vô giá trị, không phải tuân giữ. Hiến pháp mới là căn bản, luật pháp chỉ là công cụ hay phương tiện để thể hiện hay thực hiện hiến pháp mà thôi. Vậy chúng ta cần phải tập trung quan tâm vào việc thực hiện điều luật tổng quát của Ki-tô giáo là «mến Chúa, yêu người», mà tóm gọn hơn nữa là «yêu người», hơn là chú tâm thực hiện những chi tiết của lề luật thành văn. Nói thế không có nghĩa là không cần thực hiện những điều luật chi tiết, vì theo Đức Giê-su thì: «Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ» (Mt 23,23b).

5) Một cám dỗ thường xảy ra đối với việc thực hiện lề luật

Người tín hữu không được giáo dục đức tin đầy đủ thường bị cám dỗ chỉ quan tâm thực hiện những điều luật chi tiết, cụ thể, thậm chí quan trọng hóa cả những chi tiết của luật lệ, mà không hề quan tâm tới tinh thần tổng quát của lề luật. Do đó, thường xảy ra tình trạng như sau: có những tín hữu giữ những luật lệ tôn giáo một cách hết sức chi tiết, tỉ mỉ, được mọi người coi là đạo đức, thánh thiện. Nhưng nếu những người ấy tự xét mình một cách nghiêm túc xem mình đã thật sự mến Chúa yêu người chưa, thì họ phải tự nhìn nhận là chưa, hoặc còn thiếu sót hơn cả những người bình thường khác.

Điều chúng ta phải lấy làm lạ và phải suy nghĩ thật nghiêm túc là: các kinh sư Do Thái giữ luật nhiệm nhặt như vậy, thế mà Đức Giê-su lại đánh giá rằng «không một ai trong các ông tuân giữ Lề Luật!» (Ga 7,19), tại sao? Vì tuy họ quan tâm giữ nhiệm nhặt nhiều điều khoản của tôn giáo, nhưng họ lại «bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và lòng chân thành » (Mt 23,23). Và những khoản luật mà họ tuân giữ nhiệm nhặt ấy nghĩ cho cùng cũng «chỉ là giới luật của phàm nhân» (Mt 15,9). Nên việc giữ luật nhiệm nhặt ấy cuối cùng lại trở thành «sôi hỏng bỏng không», hay như «công dã tràng»!

Còn cách giữ Luật Chúa của chúng ta thì sao? Liệu Thiên Chúa có đánh giá chúng ta, những người đang tự hào là giữ luật một cách nghiêm nhặt, tương tự như thế không? Rất có thể, vì chúng ta chỉ chú ý tới cái «xác của lề luật», là những điều khoản thành văn, mà không chú ý tới cái «hồn của lề luật», tức tinh thần của lề luật. Xác mà không có hồn thì chỉ là xác chết, vô giá trị! Chắc chắn tới ngày phán xét, rất nhiều người đã giữ luật một cách nhiệm nhặt không kém gì các kinh sư Do Thái, nhưng lại đứng vào hàng ngũ «quân bị nguyền rủa » (Mt 25,41), chỉ vì "xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống, v.v...» (25,42tt). Tội nghiệp cho họ là những kẻ mà Luật Chúa thì không thèm giữ chỉ toàn lo giữ «luật của phàm nhân»!

Lạy Cha, xin cho con biết tôn trọng Luật Cha là luật yêu thương. Xin ban cho con tinh thần của thánh Âu-Tinh: «Cứ yêu đi, rồi làm gì thì làm!» Con nhận ra rằng con chỉ chu toàn được Luật của Cha khi con thật sự yêu thương mà thôi. Vì thế, xin Cha cho con biết yêu thương!

 

SUY NIỆM 12: Thắp lên một ngọn nến

Thế giới hôm nay có những kẻ thù địch với Kitô giáo. Họ hăng say tuyên truyền cho tội ác và tìm mọi cách để thu hút, lôi cuốn đám đông đi theo đường hướng của họ.

Trước sự kiện này, một số các tín hữu nhiệt thành đã thiết lập phong trào thánh Christôphôrô. Những người gia nhập phong trào này không cần phải ghi tên hay đóng góp chi cả, miễn là cố gắng làm thế nào chứng minh cho kẻ khác biết được rằng : tất cả chúng ta đều được Chúa yêu thương và chăm sóc. Chính vì thế mà phải sống một cuộc sống chan hòa tình người, tôn trọng những quyền lợi của nhau, cũng như sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Điều mà phong trào này tâm niệm đó là :

- Thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn là ngồi đó mà rủa xả bóng đêm.

Đọc lại Phúc âm, chúng ta ghi nhận điều này : Đức Kitô là ánh sáng muôn dân.

Thực vậy, hôm nay trước cửa đền thờ, ông già Simêon đã nói tiên tri về Hài nhi Giêsu như sau :

- Lạy Chúa, xin để tôi tớ này được ra đi bình an, vì mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ, Chúa dọn ra trước mặt nhân trần, làm ánh sáng rạng soi dân ngoại, còn Israen dân Chúa được vinh quang.

Rồi trong cuộc sống công khai, chính Đức Kitô cũng đã từng công bố :

- Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta sẽ không còn ngồi trong đêm tối.

Hay như thánh Gioan đã xác quyết :

- Nơi Ngài có sự sống. Và sự sống là ánh sáng cho muôn dân. Anh sáng đã chiếu soi trong u tối.

Một khi Đức Kitô đã là ánh sáng, thì Mẹ Maria chính là chiếc đèn, bởi vì Mẹ mang trong mình ánh sáng và từ đó tỏa lan khắp nơi. Hôm nay nơi đền thờ Giêrusalem, Mẹ bồng ẵm trong vòng tay của mình Hài nhi Giêsu, ánh sáng muôn dân. Không phải Mẹ chỉ bồng ẵm Chúa trên đôi tay của mình, mà hơn thế nữa, tâm hồn Mẹ hoàn toàn được ánh sáng Chúa chiếu soi và biến đổi. Mẹ chính là tấm gương trung thực nhất phản ảnh mọi nhân đức của Chúa.

Trên trời cũng như dưới đất, không một tạo vật nào giống Chúa cho bằng Mẹ. Mẹ chính là người môn đệ đầu tiên đã đi trên dấu chân của Chúa, qua đau khổ và thập giá để tiến đến vinh quang. Mẹ hoàn toàn tin tưởng và phó thác để được trọn vẹn trung thành với thánh ý của Chúa.

Còn chúng ta thì sao ?

Tôi xin thưa : - Chúng ta cũng phải trở nên ánh sáng như Đức Kitô, chúng ta cũng phải trở nên đèn cháy như Mẹ. Thực vậy, thánh Phaolô đã khuyên nhủ :

- Trước kia anh em là tối tăm, nhưng hiện nay anh em là ánh sáng trong Đức Kitô.

Phải chăng đây cũng chính là điều Đức Kitô mong ước nơi mỗi người chúng ta, khi Ngài phán : - Các con là ánh sáng thế gian. Một thành xây trên núi, không thể giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới gậm giường, nhưng sẽ đặt trên giá, để nó chiếu sáng cho mọi người trong nhà.

Là người Kitô hữu, chúng ta phải mang Đức Kitô, hay nói cách khác, phải mang ánh sáng của Ngài trong tâm hồn, rồi từ đó chiếu tỏa ánh sáng ấy cho những người chung quanh.

Là người tín hữu, chúng ta phải trở thành ngọn đèn cháy sáng, để những người còn ngồi trong tối tăm lầm lạc, nhờ chúng ta, sẽ tìm thấy đường ngay nẻo chính. Muốn được như thế, thì tâm hồn và cuộc đời chúng ta phải trong suốt như pha lê, cho ánh sáng Chúa chiếu qua.

Thế nhưng có kẻ lại nghĩ rằng :

- Ánh sáng của tôi còn quá yếu ớt, làm sao có thể chọc thủng được đêm đen ?

Trong một buổi thuyết trình, vị linh mục được mời nói chuyện, đã bắt đầu bằng cách tắt hết các bóng điện, khiến cho tăm tối phủ kín khắp phòng. Rồi ngài đánh một que diêm và thắp lên một ngọn nến. Ánh sáng của ngọn nến tuy yếu ớt, nhưng cũng đủ để họ nhìn thấy được khuôn mặt của người bên cạnh. Và nếu người nào cũng thắp lên một ngọn nến như thế, thì hẳn căn phòng sẽ rực rỡ, sẽ chan hòa ánh sáng.

Đừng nói rằng : - Mình chẳng làm gì được.

Trái lại, thay vì ngồi phê bình và chỉ trích, thở dài và bi quan, chúng ta hãy góp phần nhỏ bé của chúng ta vào công cuộc đẩy lui ảnh hưởng của đêm tối, của tội ác.

Nếu hoạt động của đêm tối là âm mưu, là thù oán, là tham vọng bất chính, thì hoạt động của ánh sáng phải là nhân hậu, phải là tha thứ, phải là khiêm cung.

Nếu một con én không làm nổi mùa xuân thì ít nữa nó cũng góp phần báo tin mùa xuân đang đến.

Chúng ta cũng vậy, thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn là ngồi đó mà rủa xả bóng đêm.

 

SUY NIỆM 13: Mẫu gương của bậc cha mẹ

(Lm. Gioan Trần Khả)

Tổng Thống George Washington một trong những nhà anh hùng của nền độc lập Hoa Kỳ, thường được đề cao như một người con hiếu thảo đối với mẹ. Sau những trận chiến cam go nơi sa trường, sau những cuộc họp căng thẳng với các chính khách, sau những công việc bề bộn của một nguyên thủ quốc gia, ông vẫn dành cả tiếng đồng hồ để về nhà thăm người mẹ hiền và trò chuyện với bà nhiều giờ liền. Một hôm thấy con đã vất vả công việc quốc gia, lại còn mất nhiều thời giờ thăm viếng, an ủi mình, bà mẹ mới hỏi ông:

"Tại sao con lại chịu khó và mất thời giờ như vậy để ngồi bên cạnh mẹ?"

Vị Tổng thống vĩ đại của nước Mỹ đã trả lời, "Thưa mẹ, ngồi bên cạnh để lắng nghe mẹ nói, không phải là một việc mất giờ. Bởi vì, sự thanh thản và lòng nhân hậu của mẹ đã giúp con vui sống" (Trích trong Thiên Phúc: Maria Mẹ Tuyệt Mỹ, Tr. 27-28).

Vai Trò Của Cha Mẹ

Làm cha mẹ, khi thấy con cái treo những bức hình của những ca sĩ, những tài tử, diễn viên kịch ảnh, những anh hùng thể thao... và khi thấy chúng lúc nào cũng mê man nghe nhạc, nghe khi vừa thức dậy, khi ăn, khi đi học, khi ngồi làm bài, khi làm việc vặt trong nhà, thì chúng ta e ngại là con cái chúng ta sẽ bị ảnh hưởng qúa nhiều bởi những mẫu người đó. Tuy nhiên, khảo cứu tâm lý cho chúng ta biết, khi tuổi trẻ truởng thành hơn thì chúng sẽ ít bị ảnh hưởng bởi những mô phạm nhất thời đó. Người có ảnh hưởng nhiều nhất nơi con cái là cha mẹ. Cha mẹ cần dạy và sống những gía trị đạo đức và luân lý để con cái noi theo khi chúng còn sống chung dưới mái ấm gia đình. Một bà mẹ nhận xét, "Cái quan trọng trong đời sống của gia đình không phải là những món ăn sang trọng, cái bếp sạch sẽ ngăn nắp, hay biết sắp xếp liệt kê những việc phải làm trong nhà. Không gì có thể thay thế việc cho con cái chúng ta nhìn thấy tình thương và sự tận tụy hy sinh của chúng ta đối với chúng. Đồ chơi, quần áo mới, dĩa nhạc, đồ trang sức sẽ không thể thay thế tấm lòng hy sinh và tình thương của cha mẹ tỏ ra đối với con cái."

Những Tấm Gương

Khi chúng ta mừng lễ kính Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào đền thánh, phúc âm thánh Luca giới thiệu cho chúng ta hình ảnh những con nguời tôi trung của Thiên Chúa: Giuse, Maria, Simeon và Anna. Là bậc cha mẹ gương mẫu, là đôi vợ chồng đạo đức, đầy lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa. Khi vừa đủ ngày, Giuse và Maria đem con lên đền thờ để hiến dâng cho Thiên Chúa. Hành động Hiến Dâng của các ngài biểu lộ một đức tin sâu đậm, và lòng xác tín yêu mến lề luật của Chúa. Các ngài dâng Con không phải chỉ bằng môi miệng hay lời kinh suông, nhưng còn kèm với của lễ tuy đơn sơ nhưng gói gọn cả tấm lòng đối với Thiên Chúa trong khả năng của các ngài. Hơn nữa, cho dù được tiên báo là con mình sẽ như một Luỡi Gươm Đâm Thấu Tâm Hồn, các Ngài vẫn can đảm lãnh nhận và chu toàn trách nhiệm dậy dỗ con. Con trẻ lớn lên thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người. Được như thế là do bởi cha mẹ Ngài là những nguời công chính và đạo hạnh.

Hầu hết những nguời làm cha mẹ đều có tình thương yêu đối với con cái. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách tỏ tình thưong yêu và phương cách dậy dỗ giáo dục con cái cho đúng. Việt Nam chúng ta có câu, "Cha mẹ sanh con, Trời sanh tánh." Câu này chỉ trúng một phần nhỏ. Để chu toàn trọng trách làm cha mẹ, bậc cha mẹ còn có bổn phận tìm hiểu và học hỏi đào sâu về đức tin, về tâm lý và luân lý để huấn luyện dậy dỗ con mình lớn lên trong đường lối của Thiên Chúa.

Nhận Ra Dấng Cứu Thế

Khi đến đền thờ, các ngài gặp hai Nhân Vật cao niên Simeon và Anna. Con trẻ Giêsu mới chỉ được có 40 ngày. Ông Simeon và bà Anna chưa hề gặp con trẻ và cha mẹ của con trẻ. Nhưng tại sao họ đã nhận ra con trẻ Giêsu là Đấng Cứu Thế? Sở dĩ họ nhận ra con trẻ Giêsu là Đấng Cứu Thế bởi vì Simeon là Người công chính biết kính sợ Thiên Chúa, cho nên lòng trí của ông luôn tỉnh thức. Ông đã nghe và nhận ra tiếng thúc đẩy của Thần Khí và ông đã nhận ra Đấng Cứu Thế. Khi ông đã được nhìn thấy Chúa Giêsu và ẵm bồng Ngài thì ông mãn nguyện sung sướng. Ông Simeon đã nhìn ra giá trị đích thực và không còn luyến tiếc sự đời. Do đó, ông xin bằng lòng xuôi thác, "Lạy chúa bây giờ Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an theo như lời Chúa, vì chính mắt tôi đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn cho muôn dân." Cũng thế, bà Anna, sau khi chồng chết, đã thủ tiết và dành cuộc đời của bà sống ăn chay cầu nguyện trong đền thờ trông chờ Đấng Cứu Thế. Vì có tấm lòng thành kính và sống trong tinh thần chuẩn bị và mong chờ Đấng Cứu Thế cho nên bà cũng đã được diễm phúc gặp Ngài và nhận ra Ngài để công bố và xác nhận cho những nguời khác về Đấng Cứu Thế.

Tuy nghèo túng nhưng Giuse và Maria vẫn có thể tìm được của lễ để dâng cho Thiên Chúa và chu toàn trách nhiệm làm cha làm mẹ. Phần chúng ta, chúng ta có thể liệu được những gì để dâng cho Thiên Chúa và làm những gì để nói lên tinh thần của bậc làm cha làm mẹ đối với con cái? Trong tuổi già lưng còng mắt kém, nhưng ông Simeon và và Anna vẫn có thể nhìn và nhận ra Đấng Cứu Thế. Phần chúng ta, chúng ta có nhận ra Chúa Giêsu trong hoàn cảnh sống hàng ngày không?

 

SUY NIỆM 14: Lễ Đức Mẹ dâng Con trong đền thờ

Bài Tin Mừng anh chị em vừa nghe là một trong những bài Tin Mừng có những hình ảnh đẹp nhất trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Có thể nói cuộc gặp gỡ của những người được nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay là cuộc gặp gỡ của những người đại diện cho dến ba thế hệ.

Tiên tri Simêon và Anna thuộc thế hệ cao niên. Đức Mẹ và thánh Giuse thuộc thế hệ đương thời và Chúa Giêsu thuộc thế hệ mai sau. Cả ba thế hệ hội tụ lại trong khung cảnh của đền để thực hiện cho Lễ Đức Mẹ Dâng Con

Những lưỡi gươm sầu khổ.

Đang khi thăm viếng bệnh viện, một cha sở dừng lại nhìn một giáo dân trẻ, có đứa con đầu lòng mới được 4 ngày. Mặc dầu vẻ bề ngoài thật dễ thương, nhưng người mẹ trẻ đó lại đầm đìa nước mắt. Cha sở hỏi: "Sao con lại khóc vậy hở Rosie?". Để đáp lại, Rosie chỉ ngước nhìn lên Đức Mẹ bồng ẵm Chúa Giêsu Hài Đồng mà mắt đẫm lệ. Đó là một bức họa của một phần bài Tin Mừng hôm nay: "Khi ông già Simeon được Chúa Thánh Thần linh hứng, đã nói với Đức Mẹ rằng: Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà". Rosie đã nhỏ lệ vì chị cảm thương Đức Mẹ, vì Mẹ biết rằng: Chúa Kitô Con Mẹ sẽ phải đau khổ, và cũng vì chị cảm thấy nỗi lo âu của người mẹ sợ rằng con nhỏ của mình sẽ phải đau khổ, cha sở giải thích cho chị rằng Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ sức mạnh phi thường để đón lấy lời báo tin đắng cay ấy, để nhận lấy lưỡi gươm sầu khổ ấy.

Các bà mẹ ngày nay cũng có thể nhìn thấy vô vàn những nguy hiểm đe dọa con mình. Những đe dọa thể xác: như bệnh tật đủ loại, tai nạn mất sự sống và tàn tật, những kẻ hung ác, ngược đãi trẻ nhỏ, những thứ ma túy hủy hoại thể xác và cả tâm hồn, ăn uống say sưa quá độ, lái xe ẩu. Và còn biết bao tệ hại làm tan nát thể xác giới trẻ. Rồi những nguy hiểm cho linh hồn đứa trẻ lại càng tệ hại: những bạn bè xấu làm mất cả đức tin, mất phán đoán về sự chân thực và sự sai lầm, những bạn bè say sưa, những bạn bè nghiện ngập, những phim ảnh và tạp chí khêu gợi dục vọng, những sách vở và thầy dạy làm sai lạc điều chân thật, và tinh thần của ma quỉ ngày nay gào thét lên rằng: mọi sư đều tốt, bao lâu bạn có thể chiếm được chúng.

Thực vậy, các bà mẹ có nhiều điều lo lắng, nhưng tình trạng vẫn còn hy vọng. Một người có ảnh hưởng giúp đỡ. Một người mẹ gương mẫu, hoàn toàn vô tội, rất mực tinh tuyền, biết chắc rằng: con trẻ bà bồng ẵm trong tay rồi một ngày kia sẽ được đặt lại vào tay bà. Mà lúc ấy con bà đã bị thương tích, đầy máu me và hết sống. Người mẹ trên trời này nóng lòng giúp đỡ người mẹ ngày nay.

Như Đức Maria, các bà mẹ có những niềm vui và nỗi sầu. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa về niềm vui, như Đức Maria đã làm. Sự lo sợ của Đức Mẹ về tương lai, thay vì làm cho Người lìa xa Thiên Chúa, hay là làm cho Người quên Thiên Chúa, thì lại làm cho Người hứơng mắt về Cha trên trời đầy thông suốt và quyền năng.

Như thánh Phaolô viết cho tín hữu Do thái: "Chúa Giêsu đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành Vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong mọi việc phụng thờ Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân (B. đ.2; Dt 2,17).

Hôm nay Thánh lễ này thể hiện điều đó cho chúng ta. Lễ hiến tế làm sống lại những biến cố vui buồn trong cuộc đời Đấng cứu thế, Ngài sinh lại; chết và lại phục sinh. Từ sự làm mới lại cuộc thương khó và tử nạn của Ngài, mọi bà mẹ, mọi Kitô hữu, có thể lấy lại được sức mạnh để mang lấy sự lo lắng về tương lai, và đón nhận đau khổ khi nó xảy đến.

 

SUY NIỆM 15: Dâng Chúa Giêsu trong đền thánh

Ý nghĩa của ngày lễ

Bốn mươi ngày trước đây, chúng ta đã mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Theo luật Môsê, Sau khi sinh con trai đầu lòng được 40 ngày, người mẹ phải đến Đền Thờ Giêrusalem để làm lễ thanh tẩy cho mình và hiến dâng con trẻ cho Thiên Chúa, rồi chuộc lại bằng lễ vật một con chiên hay một cặp bồ câu: vì mọi con trai đầu lòng đều thuộc về Thiên Chúa. Ý nghĩa này nhắc cho dân Do Thái cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã tha không giết các con trai đầu lòng của họ, đang khi các con trai đầu lòng của dân Ai Cập đều bị giết chết, trong đêm Thiên Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập đưa về Đất Hứa (x. Xh 13,l-3a.11-16).

Đức Maria và thánh Giuse cũng tuân giữ diều luật này. Hai ông bà đem Hài nhi Giêsu lên đền Thờ hiến dâng cho Thiên Chúa và gặp ở đây hai vị tiên tri già lão: Simêon và Anna. Hai vị được Thánh Thần linh ứng dã nhận ra Chúa Cứu Thế. ông Simêon đã mãn nguyện vì được tận mắt chiêm ngưỡng Đấng muôn dân trông đợi. Ông đã lớn tiếng chúc tụng Thiên Chúa và nói tiên tri về Hài nhi Giêsu: Hài nhi này sẽ là ánh sáng của muôn dân nhưng lại là đối tượng cho người ta chống đối.

Sự kiện dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ cho thấy Người là con đầu lòng thuộc về Thiên Chúa. Ông Simêon và bà Anna tượng trưng cho tất cả sự trông đợi của It-ra-en, họ đã tới gặp Cứu Chúa của mình. Đức Giêsu được nhìn nhặn là Đấng Mêsia người ta trông đợi từ lâu, là ánh sáng của muôn dân và là vinh quang của Ít-ra-en, nhưng Người cũng là dấu hiệu của sự chống đối. Thanh gươm của đau khổ được báo cho Mẹ Maria đã loan báo một sự hiến dâng toàn hảo và độc nhất của thập giá. Sự hiến dâng sẽ mang lại ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã chuẩn bị trước mặt tất cả mọi dân tộc

Lễ của ánh sáng

Lễ hôm nay còn được gọi là Lễ Nến, vì có cuộc rước nến vào Nhà thờ như cuộc đón rước Chúa GIÊSU là ánh sáng của muôn dân. Thánh Xốp-rô-ni-ô, Giám Mục Giêrusalem dã nói: "Đây là ý nghĩa của mầu nhiệm: chúng ta tiến bước, đèn sáng trong tay, chúng ta hăm hở đi tới, mang theo đèn sáng để nói lên rằng ánh sáng đã chiếu soi chúng ta và ánh sáng đó sẽ làm cho chúng ta nên rạng ngời. Nào mau lên, tất cả chúng ta cùng nhau ra đón Chúa. Người là ánh sáng thật đã đến, ánh sáng chiếu soi mọi người sinh ra trên thế gian. Vậy, thưa anh em, mọi người chúng ta hãy đón nhận ánh sáng và hãy toả sáng" (x. Kinh Sách, các bài đọc ngày 2/2)..

Công đồng Vaticanô II đã lấy lại lời tiên tri của ông Simêon để mời gọi mọi người Ki tô hữu ý thức sứ mạng và ơn gọi của mình là phải làm cho mọi người được nhận biết Chúa Ki tô, phải đem ánh sáng Tin Mừng của Ngài chiếu soi hướng dẫn mọi người trên thế giới. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố. "Thầy là ánh sáng trần gian. Ai đi theo Thầy sẽ không bước đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống" (x.Ga 12, 34-50). Bao lâu con người chưa nhận biết Chúa Ki tô và ánh sáng Tin Mừng của Ngài, thì bấy lâu con người còn dò dẫm trong tăm tối và dễ bị lầm lạc.

Tuy nhiên, Chúa Ki tô đã trở nên đối tượng chống đối của con người. Có những người biết Chúa để sống theo Ngài. Có những người khác lại chống đối Ngài. Chúng ta lấy làm đau xót với thánh Giuse và Mẹ Maria khi nghe tiên tri Simêon tiên báo điều đó ngay trong ngày vui của Chúa Giêsu: "Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng, còn chính Bà (Đức Ma ria) thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra". Lời tiên tri đó đã ứng nghiệm ngay từ lúc Chúa Giêsu mới sinh ra cho đến khi bắt dấu cuộc đời rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Cuộc chống dối đó ngày càng lan rộng và quyết liệt cho đến khi giết được Ngài treo lên Thập giá. Nhưng Ngài dã Phục Sinh và đã trở thành ánh sáng của muôn dán, nguồn sống cho nhân loại.

Hãy sống trong ánh sáng

Từ nay, ai đã tin Chúa Giêsu Ki tô và lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy đều đón nhận sự sống của Thiên Chúa và được ánh sáng của đức Ki tô chiếu soi, hướng dẫn cuộc sống. Thật vậy, nhờ Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được thánh hiến cho Thiên Chúa và được trở nên con của Ngài trong Đức Giesu Ki tô. Thiên Chúa đã thương gọi chúng ta từ tối tăm vào ánh sáng huyền diệu của Ngài. Xưa kia, chúng ta là tối tăm, nhưng nay trong Chúa Ki tô, chúng ta là "con cái của sự sáng là ánh sáng của trần gian" (x. Ga 12,85-36). Do đó chúng ta phải sống như con cái của sự sáng, phải chiếu sáng trước mặt mọi người, để "người ta nhận thấy việc tốt chúng ta làm mà ngợi khen Cha chúng ta trên trời" (Mt 5.14-16).

Thánh Phao lô nhắn nhủ những người đã được thánh hiến cho Thiên Chúa qua Bí tích Thánh Tẩy: Hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa, Hãy vật bỏ những việc tối tăm, Hãy mang khí giới ánh sáng,Hãy hành động đàng hoàng như giữa ban ngày, để luôn được hiệp thông với Chúa Ki tô tà ánh sáng muôn dân" (x. Ep 6,8-14).

Chúa Giêsu hôm nay đang tiến vào Đền Thờ của Ngài. Chúng ta hãy tiếp dón Ngài vào tâm hồn, vào cuộc sống của ta, để ánh sáng của Ngài biến đổi chúng ta thành những ngọn nến chiếu sáng như những vì sao trong đêm tăm tối của trán gian, hầu dẫn đưa những ai còn ngồi nơi tăm tối đến gặp gỡ Đức Giêsu Ki tô, 'đấng Cứu Độ mà Thiên Chúa đã dọn sẵn trước mặt muôn dân" và dã bày tỏ cho mọi người.

 

SUY NIỆM 16: Dâng Chúa trong đền thờ

Một bà lão gặp vị linh mục và nói: "Thưa cha, con đã cầu nguyện rất nhiều, con chỉ mong thấy Chúa một lần là đủ cho con, nhưng Chúa chưa nhận lời".

Ước mong đơn sơ của bà thật sự gói trọn niềm hy vọng của người Kitô hữu; bởi cùng đích của cuộc đời chúng ta là gặp gỡ và kết hợp trọn vẹn với Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc ông già Simêon được diễm phúc gặp Chúa Hài Đồng, được bồng ẵm Chúa khi Chúa được Mẹ Maria và Thánh Giuse dâng tiến trong đền thờ.

Việc Chúa Giêsu được dâng tiến trong đền thờ và thái độ của cụ già Simêon cho chúng ta nhiều bài học:

- Đức Giêsu được dâng tiến trong đền thờ: Nghi thức dâng con trai đầu lòng cho Thiên Chúa là nghi thức Do thái nhắc nhở rằng mọi con trai đầu lòng thuộc về Thiên Chúa. Đức Giêsu -Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể- là Con Chúa Cha từ thuở đời đời. Tuy nhiên, đi vào lịch sử nhân loại trong văn hóa Dothái giáo, Ngài được cha mẹ dâng tiến cho Thiên Chúa theo như luật định. Qua đó, Ngài nêu gương cho chúng ta về việc tuân giữ lề luật và dâng mình cho Thiên Chúa.

Mỗi người Kitô hữu chúng ta, từ khi còn tấm bé, đã được cha mẹ dâng cho Thiên Chúa trong ngày chịu phép rửa. Nhờ phép rửa, chúng ta trở nên con Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa và được gọi Thiên Chúa là Cha. Chúng ta hãy ý thức và sống xứng đáng với hồng ân này.

- Tiếp theo là thái độ của cụ Simêon: Sau cả một đời chờ mong, giờ đây, cụ sung sướng thỏa mãn; bởi vì cụ đã thấy, đã được bồng ẵm Đấng Cứu Thế trên tay mình.

Ông cụ Simêon mới được thấy Chúa, được ẵm Chúa trên tay mà đã sung sướng và tạ ơn Thiên Chúa như vậy, huống cho chúng ta được rước Chúa Giêsu vào tâm hồn mỗi ngày! Chúng ta có nhận ra hồng ân cao trọng này mà ca tụng Chúa hay không?

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, ông già Simeon -được Thánh Thần thúc đẩy- đã lên đền thờ và gặp được Chúa -Đấng Cứu độ- mà lâu nay ông hằng mong ước. Ước gì chúng con năng đến nhà thờ tham dự thánh lễ mỗi ngày; để nhờ vậy, chúng con không chỉ gặp được Chúa mà còn được rước Chúa ngự trong tâm hồn. Amen.

 

SUY NIỆM 17: Dâng Chúa Giêsu trong đền thánh

(Lm PX Vũ Phan Long)

1- Ngữ cảnh

Chương 1-2 của Tin Mừng Luca có ý tưởng chủ đạo là sự hoàn tất lời Thiên Chúa hứa ban Đấng Mêsia. Các truyện kết cấu nhịp nhàng và đạt tới đỉnh điểm khi Đức Giêsu được dâng trong Đền Thờ. Trong biến cố này, tác giả đã nhìn thấy Đức Giêsu tỏ mình công khai. Ngài diễn tả được điều đó khi dùng Đanien 9-10 trong các lời loan báo cho Đức Maria và Dacaria, cũng như khi dùng Malakhi 3 trong lời loan báo cho Dacaria, trong bài ca "Chúc tụng" (Benedictus) và trong truyện Dâng con trong Đền Thờ. Được quy tụ lại quanh khái niệm "sự hoàn tất các ngày" (= đã mãn: 1,23.57; 2,6.21-22), các bản văn thiên sai này nêu bật ý tưởng là thời thiên sai đã đến. Vậy các chương này thuộc lịch sử tôn giáo được viết theo ngôn ngữ Kinh thánh.

Lc 1,5-2,22 là một chuỗi các thời điểm. Tác giả đã muốn nối kết biến cố sứ thần Gabriel hiện ra ở Đền Thờ với việc Đức Giêsu tỏ mình ra cũng tại đấy bằng một con số huyền bí (70 tuần 7 ngày):

- 6 tháng (Lc 1,26.36) kể từ khi Dacaria được báo tin tới khi Đức Maria được báo tin: 30 ngày x 6 = 180 ngày

- 9 tháng kể từ khi Đức Maria được truyền tin đến khi Đức Giêsu chào đời: 30 ngày x 9 = 270 ngày

- 40 ngày kể từ khi Đức Giêsu chào đời cho đến khi được tiến dâng: = 40 ngày

Tổng cộng: = 490 ngày = 70 tuần 7 ngày

Thế mà theo lời sấm Đn 9,21-24, sau 70 tuần, Israel sẽ được thanh tẩy khỏi các tội và Đền Thờ Giêrusalem sẽ được tái cung hiến (thời vua Antiôkhô IV Êpiphanê / Giuđa Macabê). Tác giả Lc muốn cho thấy rằng việc Đức Giêsu được tiến dâng trong Đền Thờ đã khởi sự việc "Vinh quang" của Thiên Chúa (x. cụ Simêôn gọi Đức Giêsu là "vinh quang của Israel") đến cư ngụ vào thời cánh chung để thanh tẩy Đền Thờ và Israel. Việc này cũng làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Ml (3,1).

2- Bố cục

Nên đọc bản văn này từ câu 21, để duy trì được sự song đối giữa Gioan và Đức Giêsu. Do đó, chúng tôi xác định bố cục có cả c. 21. Đoạn này gồm hai phần chính và một kết luận:

1) Hai khúc dạo đầu (2,21-24):

- cắt bì và đặt tên (c. 21),

- thanh tẩy Đức Maria và dâng Đức Giêsu (cc. 22-24).

2) Hai cuộc tỏ mình (2,25-38):

- tỏ mình cho cụ Simêôn (cc. 25-35),

- tỏ mình cho bà Anna (cc. 36-38).

3) Kết: Nhắc lại điệp khúc của bài tường thuật về Thời thơ ấu (2,39-40).

3- Vài ghi chú về chú giải

- Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài (22): "Các ngài" là Đức Maria và Giuse? hay là Đức Maria và Đức Giêsu? Luật không buộc thanh tẩy người chồng hoặc đứa con trai sơ sinh. Tuy vậy, "các ngài" phải được hiểu là quy về Giuse và Đức Maria, bởi vì các ngài là chủ từ của động từ "đem [con] lên". Các nhà chú giải nhìn nhận rằng tác giả Lc, vì không phải là một Kitô hữu gốc Do Thái Paléttina, nên đã không được hiểu biết chính xác về tập tục thanh tẩy một phụ nữ sau khi sinh con. Và đây cũng là một dấu cho thấy rằng thông tin ngài có được không phát xuất từ những kỷ niệm hay ghi nhớ của Đức Maria.

- theo Luật Môsê(22): Theo Lêvi 12,2-8, một phụ nữ sinh một con trai bị coi là ô uế trong vòng 40 ngày: sau 7 ngày, đứa bé phải được cắt bì (vào ngày thứ tám), và người mẹ còn phải chờ ở nhà 33 ngày nữa, "cho đến khi mãn thời gian thanh tẩy của bà" (Lv 12,4), trước khi bà được đụng chạm vào bất cứ vật thánh nào hoặc đi vào các sân Đền Thờ. Sau ngày thứ bốn mươi (hoặc thứ tám mươi), bà phải đem đến cho vị tư tế phục dịch tuần ấy tại Lều Hội Ngộ hay Đền Thờ một con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu và một bồ câu non hay một chim gáy làm lễ tạ tội. Nếu không thể dâng con chiên, bà phải dâng hai chim gáy hoặc hai bồ câu non.

- để tiến dâng cho Chúa (22): Chi tiết này mô phỏng truyện bà Anna dâng Samuen ở 1 Sm 1,22-24. Tuy vậy, đến câu sau, tác giả Lc nối kết việc dâng Đức Giêsu với luật về đứa con đầu lòng. Đức Giêsu được gọi là "con trai đầu lòng" ở 2,7, và việc chuộc lại Người là nhiệm vụ của cha mẹ Người. Trong Xh 13,1-2, chúng ta đọc: "Đức Chúa phán với ông Môsê: 'Hãy thánh hiến cho Ta mọi con so, mọi con đầu lòng trong số con cái Israel, dù là người hay là thú vật: nó thuộc về Ta". Sự thánh hiến này sẽ bảo đảm phúc lành cho những đứa con đến sau. Đứa con đầu lòng được chuộc lại bằng cách trả năm sê-ken (= mười lăm chỉ bạc), tính theo đơn vị đo lường của thánh điện (Ds 3,47-48; 18,15-16), nộp cho một thành viên của gia đình tư tế, khi đứa bé đã được một tháng. Tác giả Lc không nhắc gì đến việc trả số bạc; thay vào đó, ngài diễn tả việc chuộc con như là việc dâng con vào Đền Thờ Giêrusalem, một tập tục không có chỗ nào trong Cựu Ước hoặc sách Mishnah nói cả.

- để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền (24): Hy lễ không phải là cho việc chuộc con đầu lòng, nhưng là cho việc thanh tẩy bà mẹ.

- công chính và sùng đạo (25): Các chi tiết mô tả cụ Simêôn đã đặt ông cùng với Dacaria và Êlisabét, Giuse và Đức Maria, và bà Anna, vào số những đại diện của những người Do Thái trung thành đang sống tại Paléttina vào thời gian sát ngay trước khi Đức Giêsu chào đời.

- niềm an ủi của Ít-ra-en (25): Ta hiểu đây là niềm hy vọng hậu Lưu đày: dân trông chờ Thiên Chúa khôi phục lại chế độ thần quyền tại Israel (x. Is 40,1; 61,2).

- ra đi (29): Ông Simêôn dùng ngôn ngữ của người canh đêm, sau khi đã hoàn tất công việc, xin được nghỉ ngơi.

- một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà (35): Có những tác giả cho rằng "thanh gươm" đây là nỗi ngờ vực về chân tính sâu xa của Con mà Đức Maria sẽ cảm nghiệm khi nhìn Đức Giêsu bị đóng đinh (chẳng hạn Origiênê, Reuss, Bleek...). Cách giải thích này không tương ứng với TM Lc, và có vẻ là một cách giải thích theo tâm lý không có cơ sở. Cách giải thích truyền thống (kể từ Paulin de Nole và thánh Âutinh) đã coi "thanh gươm" này là nỗi đau đớn đồng cảm Đức Maria cảm nhận khi chứng kiến Con mình bị đóng đinh. Tuy nhiên, cách giải thích này cũng không phù hợp với TM Lc, bởi vì Đức Maria chỉ xuất hiện dưới chân thập giá trong TM Ga mà thôi (Ga 19,25-27) và cũng chỉ trong Ga, cạnh sườn của Đức Giêsu mới bị một ngọn giáo đâm thâu (Ga 19,34). TM Lc không bao giờ nói rằng Đức Maria ở trong số các phụ nữ đã đi theo Người từ Galilê (Lc 23,49.55; 24,10). Cách giải thích này lại cắt ngang chuyển động của bản văn và dường như đưa vào đó một ngoặc đơn (x. bản dịch Bible de Jérusalem, CGKPV) hơi lạ. Cách giải thích này cũng giới hạn quá đáng vào cá nhân Đức Maria, điều này dường như trái với cái nhìn của tác giả Lc: đối với ngài cũng như đối với tất cả các tác giả Tân Ước, tâm lý của các nhân vật không đáng kể bằng vai trò của họ trong Lịch sử cứu độ (ta thấy điều này trong các bản văn về Thời thơ ấu: Đức Maria chỉ luôn đóng một vai trò lệ thuộc vào vai trò của Đức Giêsu). Đã thế, lối giải thích này lại chỉ ưu tiên chú ý đến Núi Sọ. Cần phải tìm ý nghĩa của lời này của ông Simêôn trong nhãn quan của tác giả Lc về Đức Maria.

(1) Ở trong Cựu Ước, hình ảnh "thanh gươm" là biểu tượng của sự "chia rẽ" và "mâu thuẫn" (x. Ed 12; 14;...). Ở Is 49,2, Thiên Chúa đã làm cho miệng lưỡi Người Tôi Trung nên như một "lưỡi gươm sắc bén". Sách Khải huyền đã lấy lại hình ảnh này và áp dụng cho Đức Kitô (1,16; 2,12.16; 19,15.21). Khi ta thấy rằng viên Kỵ sĩ trong Kh được gọi là "Lời của Thiên Chúa" và "từ miệng Người phóng ra một thanh gươm sắc bén" (Kh 19,13.15), đàng khác, ta lại nhận thấy rằng Is 49,2 chỉ đi trước Is 49,6 một chút, trong đó Người Tôi Trung được gọi là "ánh sáng muôn dân", tức khắc ta nghĩ rằng hai câu này hiện diện trong tâm trí tác giả Lc khi ngài viết cc. 32.35a, và thanh gươm phân rẽ giữa lòng Israel chính là Lời mạc khải của Thiên Chúa là chính Đức Giêsu, Lời mang lại ơn cứu độ, nhưng cũng là Lời sẽ phán xét (x. Dt 4,12). Thế mà dọc theo hai chương đầu, ta thấy tác giả Lc giới thiệu Đức Maria như là Thiếu nữ Sion, nghĩa là Israel được nhân-cách-hóa (đọc Lc 1,28 dưới ánh sáng của Xp 3,14-15 và Dcr 2,14). Theo hướng này, ta hiểu tác giả đang vận dụng một kiểu nhân-cách-hóa tiên trưng để trình bày hoạt cảnh Dâng Con trong Đền Thờ, và như vậy, ngài đã đặt vào miệng ông Simêôn c. 35a để ngỏ lời với Đức Maria trong tư cách là Thiếu nữ Sion: nơi Mẹ, chính là Israel sẽ bị thanh gươm của Đức Chúa đâm thâu.

Cách giải thích này (được gợi ý bởi Sahlin, Black, Laurentin, Boismard, Benoýt...) có điểm thuận lợi là làm cho c. 35a ăn khớp hài hòa với ngữ cảnh. Thay vì đưa vào đó một ngoặc đơn, chi câu này trở thành một mắt xích của một phần triển khai, trong đó tư tưởng trước được nối tiếp và tư tưởng sau được chuẩn bị. Các câu 34 và 35a mô tả cuộc khủng hoảng gây ra nơi Israel bởi "dấu hiệu gây chống báng" được ngôn sứ Êdêkien coi như một thanh gươm của Thiên Chúa đâm thâu tâm hồn dân Chúa; còn c. 35b là kết luận: sự thử thách gây ra bởi việc Đức Giêsu đến, do việc đòi hỏi phải chọn lựa theo hay chống Người, sẽ đưa tới chỗ thâm tâm của người ta phải lộ ra.

Hiểu như thế, cc. 34-35 hoàn toàn di theo và minh họa cc. 30-32. Lời sấm của ông Simêôn được phân phối thành hai cánh của một bức tranh bộ đôi: một cánh thì cho thấy Dân Ngoại được ánh sáng soi đường và muôn dân được cứu độ, và đây phải là vinh quang cho Israel; cánh kia cho thấy khủng hoảng của chính Israel này, khiến nhiều con cái của Dân Chúa chọn phải vấp ngã. Vậy đây chính là toàn thể tấn bi kịch của Lịch sử cứu độ được ông Simêôn trình bày cô đọng, và sẽ được tác giả Luca tiếp tục trình bày trong Tin Mừng cũng như trong Công vụ.

(2) Có một cách giải thích khác cũng có thể chấp nhận như một tầng ý nghĩa khác của câu này, và như một cách chứng minh kiểu tiêu cực cho cách trên đây. Trong Ed 14,17 (Hy Lạp), có nối kết "thanh gươm" với "đâm thâu (= xuyên qua)". Theo hình ảnh này, thanh gươm phân biệt ra (chọn ra) một số người để bị tiêu diệt và một số người để được cứu độ (x. Ed 5,1-2; 6,8-9). Trong ngữ cảnh của Lc, hình ảnh này phát xuất từ ý tưởng nói rằng vai trò của Đức Giêsu là làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Đức Maria, là thành viên của Israel, cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng. Trong Lc, chính Đức Giêsu sẽ được mô tả như một người gây chia rẽ trong các gia đình (12,51-53). Như vậy, với hình ảnh thanh gươm đâm thâu Đức Maria, ông Simêôn gợi đến khó khăn mà Mẹ sẽ gặp thì mới học ra rằng việc vâng phục Lời Thiên Chúa phải vượt lên trên cả những dây liên hệ gia đình (x. 8,21; 11,27-28).

4- Ý nghĩa bản văn

* Hai khúc dạo đầu (21-24)

Cũng như việc cắt bì và đặt tên cho Gioan là cơ hội để con trẻ tỏ mình ra và để Dacaria nói lên một lời sấm, ở đây cũng vậy, việc cắt bì và đạt tên cho Đức Giêsu là cơ hội để Người tỏ mình ra. Cũng như Gioan, Đức Giêsu được ghi dấu ấn là dấu chỉ của giao ước (St 17,11) và tháp nhập vào Israel (x. Gs 5,2-9). Ngài cũng được đặt tên là Giêsu, một tên được chính Thiên Chúa ban cho. Bản văn nhấn mạnh trên việc đặt tên hơn là trên việc cắt bì.

Trong cc. 22-24, có hai biến cố được kể lại nhân dịp Đức Giêsu tỏ mình ra: (a) việc thanh tẩy Đức Maria, 40 ngày sau khi sinh Đức Giêsu (cc. 22a.24); và (b) việc chuộc lại Đức Giêsu, một tháng sau khi sinh (cc. 22b.23). Dường như Luca đã mô phỏng truyện dâng Samuel (1 Sm 1,22-24) mà tả cảnh này. Bản văn nhấn mạnh trên sự trung thành của Đức Maria và ông Giuse, như là những người Do Thái đạo đức, khi thi hành những điều buộc của Luật Môsê. Trong các câu này, Luật được nhắc đến 3 lần (cc. 22a.23a.24a) và trong truyện tỏ mình ra cho ông Simêôn (c. 27) và trong phần kết (c. 39). Hình thái cứu độ mới của Thiên Chúa đến với việc vâng phục Luật này.

* Hai cuộc tỏ mình (25-38)

Hình ảnh ông Simêôn gợi nhớ đến tư tế Êli trong 1 Sm 1-2 cũng như Dacaria trong truyện Gioan Tẩy Giả. Cũng như Dacaria đã tiên báo sự cao cả của Gioan Tẩy Giả trong bài ca "Chúc tụng", nay sự cao cả của Đức Giêsu được ông Simêôn ca tụng. Do có sự song đối như thế, đến đây ông Simêôn nói hai lời tuyên bố, một là bài thánh ca ở cc. 29-32 và một là lời sấm ở cc. 34-35. Bài thánh ca công bố hình thái cứu độ mới của Thiên Chúa. Lời sấm được ngỏ với Đức Maria để nói về sứ mạng của Đức Giêsu và thân phận của Mẹ.

Tác giả luôn luôn viết một truyện về phái nam đi song song với một truyện về phái nữ, ở đây cũng vậy: bà Anna song đối với ông Simêôn. Sự cao cả của Gioan được Dacaria công bố trong bài ca của ông; nhưng sự cao cả của Đức Giêsu lại không chỉ được ông Simêôn công bố mà được cả bà Anna giới thiệu nữa. Tuy nhiên, bà Anna không nói một tuyên bố nào; vai trò của bà là phổ biến tin mừng về hài nhi mà ông Simêôn đã nhận biết.

* Nhắc lại điệp khúc của bài tường thuật về Thời thơ ấu (39-40)

Hai câu kết làm vọng lại điệp khúc đã có trong bài tường thuật về Thời thơ ấu (1,80; 2,52). Câu này nhắc lại từng chữ bản mô tả Gioan (1,80). Toàn c. 40 gợi lại truyện Samuen, nhất là 1 Sm 2,21c.26.

+ Kết luận

Câu truyện này là một lễ mừng các cuộc gặp gỡ trong niềm vui. Truyện được kể cho chúng ta ở đây cho thấy nhiều tương quan khác nhau. Chúng ta thấy Đức Giêsu trong dây liên hệ có một không hai với Thiên Chúa. Chúng ta cũng thấy cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và ông Simêôn, Đức Maria và bà Anna. Gặp gỡ Đức Giêsu đưa lại niềm vui vô biên, nhưng cũng tạo nên một quan hệ buộc người ta phải rảo qua trọn con đường với Người và phải luôn luôn ở gần kề với Người.

5- Bài học

1. Hôm nay, trong bản thân hài nhi Giêsu, chính Thiên Chúa trở lại với thánh điện của Ngài lâu nay bị bỏ hoang. Cho dù tọi lỗi của Israel có thế nào, Thiên Chúa vẫn trung thành giữ những lời đã hứa. Vào dịp chúng ta chịu phép rửa tội, Thiên Chúa đã nhận chúng ta làm con. Cho dù chúng ta có bất trung thế nào, Người vẫn không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Cho dù các tội lỗi của chúng ta đã xua đuổi Người ra khỏi thánh điện là trái tim chúng ta, Người vẫn tìm mọi cách để đưa chúng ta đến chỗ hoán cải. Hãy mở rộng thánh điện tâm hồn mà đón Đức Kitô.

2. Chúa Thánh Thần luôn luôn có mặt và làm việc. Chúng ta cũng có thể sống thường xuyên dưới tác động của Người nếu chúng ta ở trong ơn nghĩa với Thiên Chúa và chăm chú đi theo những gợi ý của Người trong lòng. Khi đó, Chúa Thánh Thần có thể trở thành một nguồn ánh sáng giúp chúng ta hiểu niềm tin của chúng ta rõ hơn cũng như hiểu bổn phận của chúng ta chính xác hơn, một nguồn sức mạnh thiêng liêng giúp chúng ta can đảm sống đời môn đệ của Đức Kitô, một nguồn gợi hứng trong khi chúng ta cầu nguyện cũng như sống nếp sống hằng ngày.

3. Ông Simêôn và bà Anna là gương mẫu cho chúng ta về cách sống hy vọng và trung thành. Sự trung thành của họ đã được ban thưởng. Mỗi khi chúng ta rước lễ, chúng ta cũng được nhận ân huệ ấy. Do đó, cần chuẩn bị với thái độ chờ đợi trung thành và nhận Thánh Thể với những tâm tình biết ơn.

4. Tất cả cuộc sống của Đức Maria và ông Giuse tập trung vào Đức Giêsu, trong khi Người lớn lên bình thường như mọi trẻ em khác. Nhưng "ơn nghĩa của Thiên Chúa vẫn ở trên Đức Giêsu" (c. 40) đã tạo nên trong gia đình này một bầu khí hiệp nhất, êm đềm, yêu thương. Bí quyết của hạnh phúc đơn giản và siêu nhiên ấy, chính là sự hiện diện phong phú của Đức Giêsu. Đây là điển hình hoàn hảo cho mọi gia đình Kitô hữu. Nếu Đức Kitô thật là trung tâm của gia đình, thì mặc dù có những thử thách của cuộc đời, chúng ta vẫn sẽ cảm nhận được hạnh phúc lớn lao là được yêu thương người khác và được người khác yêu thương, dưới cái nhìn của Thiên Chúa.

5. Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã đi vào Đền Thờ của Người. "Đó mãi mãi là cách Thiên Chúa đến viếng thăm...: sự thinh lặng, sự bất ngờ dưới mắt thế gian, mặc dù có những lời tiên báo mà mọi người đều biết ... Không thể khác được. Các lưu ý của Thiên Chúa thì rõ ràng, nhưng thế giới vẫn tiếp tục dòng lưu chuyển của nó; khi đã dấn thân vào các hoạt động của họ, loài người không biết biện phân ra ý nghĩa của lịch sử. Họ coi các biến cố lớn là những sự kiện không quan trọng và do lường giá trị các thực tại theo một tầm nhìn hoàn toàn loài người... Thế giới vẫn mù lòa, nhưng sự Quan phòng ẩn tàng của Thiên Chúa thì tự thể hiện ngày qua ngày" (Hông Y John Henry Newman, 1801-1890).

 

SUY NIỆM 18: Dâng Con trong đền thờ

(Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long)

Lần chuỗi kinh mân côi chục thứ bốn có lời ngắm nguyện: "Đức Bà dâng Chúa Giêsu trong đền thánh".

Tập tục đạo đức dâng con cho Thiên Chúa có ý nghĩa gì trong đời sống đức tin?

Đức tin nói với chúng ta:

Con cái là hoa qủa phúc lộc Trời cao ban cho cha mẹ. Tuy cha mẹ là người sinh thành nuôi dưỡng con mình.

Con cái không là sản phẩm do cha mẹ chế biến tạo thành. Nhưng sự sống, tính tình cùng hình hài thân xác của con cái là do Thiên Chúa sáng tạo thành.

Con cái tuy là giọt máu tình yêu thương của cha mẹ. Nhưng mầm sự sống trong dòng máu tình yêu thương của cha mẹ lại là hình ảnh giọt máu tình yêu thương của Thiên Chúa, Đấng là nguồn sự sống của con người.

Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse ngày xưa đã không nhìn Chúa Giêsu là con riêng do mình tạo ra. Nên đã đem con mình vào đền thờ khấn nguyện tạ ơn dâng cho Thiên Chúa. Cử chỉ đạo đức này của Đức Mẹ nói lên lòng tin tưởng phó thác vào bàn tay Thiên Chúa. Vì đã nhận được ân đức qùa tặng từ nơi Thiên Chúa, cùng coi làm việc đạo đức này là bổn phận tất yếu của người đã lãnh nhận được ân phúc.

Lần thứ nhất, Thiên Thần Gabriel hiện đến truyền tin cho Đức Mẹ: Chúa Giêsu xuống thế làm người trong cung lòng Đức Mẹ. Và nói cùng Đức Mẹ: người con trong cung lòng bà sinh ra là Đấng thánh cao cả.

Lúc đem con vào đền thờ dâng cho Thiên Chúa, Đức Mẹ lại nghe lời truyền tin thứ hai của Tiên Tri Simeon: Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel vấp ngã hay được vực dậy đứng lên. Cháu là dấu hiệu cho người đời chống báng. Còn chính bà một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua lòng bà!

Lòng vui mừng vì người con đã chào đời. Nhưng cũng có nhiều lo âu bối rối, nhất là khi nghe những lời truyền tin thứ hai về con mình và về đời mình.

Tuy vậy Đức Mẹ qua tập tục đạo đức đem dâng con cho Thiên Chúa trong đền thờ, thầm nói lên tâm tình phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa không chỉ riêng cho đời con mình, mà cho cả chính mình nữa.

Là cha mẹ, người Công giáo chúng ta, ai cũng vui mừng khi hay tin có con. Và mừng rỡ hơn nữa khi người con mở mắt chào đời mạnh khoẻ. Nhưng ngay từ khi hay tin sự sống hình hài thân xác người con bắt đầu thành hình trong cung lòng mẹ cha, ai cũng đọc kinh khấn nguyện xin ơn phù hộ cho người con tương lai. Đến khi người con ra đời, cha mẹ nào cũng hằng dâng lời tạ ơn cùng kêu xin khấn nguyện cho con mình trong suốt cả đời sống.

Ngày xưa khi còn thơ bé, chúng ta đã được cha mẹ bồng ẵm vào thánh đường xin cho được nhận lãnh Bí tích rửa tội, ánh sáng đức tin vào Thiên Chúa là hướng đi cho đời sống.

Ngày nay lớn lên trưởng thành lập gia đình, cha mẹ trẻ có con, họ cũng làm việc nối lửa đức tin cho con mình như thế.

Nếp sống đức tin này gói ghém tâm tình tạ ơn cùng phó thác vào bàn tay quan phòng Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của đời sống gia đình.

Tâm tình tạ ơn dâng hiến hòa lẫn trong làn khói ánh nến lung linh và lời cầu xin thoát ra tự đáy tâm hồn niềm tin: "Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con khi nay và trong giờ lâm tử. Amen."

 

SUY NIỆM 19: Các con là ánh sáng thế gian

Tối hôm thứ bảy 30.1.1993 là tối đánh dấu 65 năm ngày Hitler lên cầm quyền tại Đức, đã gây ra không biết bao nhiêu tang tóc đau thương cho cả nhân loại. Tại khắp nơi trên nước Đức đã có hàng trăm ngàn người xuống đường tuần hành, nhiều ánh sáng rực rỡ nhóm lên, nhiều nến cháy trên tay của mỗi người tham dự cuộc tuần hành. Ánh nến ấy là biểu trưng của một chút ánh sáng mà nhiều người dân Đức muốn thắp lên để xoá tan màn đêm dày đặc của hận thù, ích kỷ, bại hoại do những người theo tân Đức Quốc Xã.

Hôm nay, tại nhiều nhà thờ trên khắp thế giới, người tín hữu Kitô cũng cầm nến cháy sáng trong tay để tưởng niệm một biến cố quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu. đó là việc Ngài được cha mẹ dâng vào đền thờ Giêrusalem. Cũng như mọi bé trai đầu lòng Do Thái khác, Chúa Giêsu cũng được cha mẹ mang đến đền thờ Giêrusalem để dâng hiến cho Thiên Chúa theo đúng quy định của luật Môisê. Nhưng theo chương trình của Thiên Chúa, đây không chỉ là một lề luật có sẵn, nhưng điều chính yếu là việc tỏ mình của Con Thiên Chúa như ánh sáng của muôn dân.

Thật thế, như chúng ta đã nghe trong bài Tin Mừng hôm nay, lời chúc tụng của cụ già Simêon là một kỷ niệm về lời tiên báo của tiên tri Isaia: "Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân để mở mắt những người mù loà, để đưa tù nhân ra khỏi lao tù, để đưa dân riêng ra khỏi bóng tối" (Is 42,6). Và chính Chúa Giêsu đã từng tuyên bố: "Ta là ánh sáng thế gian".

Thật vậy, qua cuộc sống và cái chết cùng sự Phục Sinh của Ngài, Chúa Giêsu đã chiếu giãi ánh sáng cho những bí ẩn của cuộc sống con người. Trong ánh sáng của Ngài, chúng ta biết được mình bởi đâu mà ra và mình sẽ đi về đâu. Đồng thời ánh sáng của Ngài cũng xoá tan mọi tăm tối tội lỗi của thế gian. Nơi đâu ánh sáng của Chúa Giêsu được chiếu toả, nơi đó bóng đêm của tội lỗi, của ích kỷ, của hận thù sẽ tan biến đi. Chúa Giêsu đã mang ánh sáng đến trên trần gian và Ngài muốn ánh sáng đó được chiếu toả trong mọi hang cùng ngõ hẻm của trần gian.

Nhiệm vụ mang ánh sáng của Ngài đi khắp nơi đã được Chúa Giêsu uỷ thác cho Giáo Hội, Ngài đã nói với các môn đệ: "Các con là ánh sáng thế gian". Giáo Hội và một cách cụ thể là mỗi người Kitô hữu đều là ánh sáng của Chúa Kitô được thắp lên để soi sáng cho trần gian.

Theo một truyền thống đã có từ lâu trong Giáo Hội, ngày hôm nay các tu sĩ cầm nến cháy trên tay để cùng với Chúa Kitô tự hiến cho Chúa Cha và cùng với Ngài trở thành ánh sáng cho mọi người. Nhưng ngày lễ nến hôm nay không chỉ là ngày lặp lại lời tuyên khấn của các tu sĩ, mà còn là lễ của mỗi người Kitô hữu.

Ngày hôm nay mỗi người Kitô hữu chúng ta được mời gọi để đốt lên ngọn nến mà chúng ta đã lãnh nhận trong ngày chịu phép Rửa tội. Họ được mời gọi để cùng với toàn thể Giáo Hội lặp lại những lời cam kết chống lại sức mạnh của tăm tối trong cuộc sống của họ. Những ngọn nến đã được đốt lên trên toàn nước Đức biểu hiện của một ý chí muốn xoá tan những bóng tối riêng tư của hận thù, ích kỷ, bạo động... và đồng thời khơi dậy nguồn ánh sáng của sự tha thứ, yêu thương, quảng đại và cảm thông.

Ngày hôm nay, những ngọn nến mà mỗi người Kitô hữu thắp sáng lên cũng nhắc nhở cho họ về sứ mệnh cao cả là trở thành ánh sáng cho mọi người. Trong đêm tối của một xã hội dầy đặc những hận thù, ích kỷ, lừa lọc... mỗi người tín hữu Kitô đều có thể nói: "Thà đốt lên một ánh nến còn hơn ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối". Một cuộc sống tin tưởng, hân hoan, phó thác và yêu thương, phục vụ quên mình, đó là một chút ánh sáng mà mỗi người tín hữu Kitô đều có thể đốt lên để soi sáng cho một góc trời nào đó, để từ đó người khác có thể nhận ra ánh sáng đích thực của Chúa Kitô.

 

SUY NIỆM 20: Bảo vệ ánh sáng

(TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Khi dâng Đức Giêsu trong đền thờ, Đức Mẹ tự nhận mình không có quyền trên Đức Giêsu. Đức Giêsu thuộc về Thiên Chúa. Thiên Chúa trao cho Đức Mẹ để Đức Mẹ săm sóc dưỡng nuôi. Đức Mẹ dâng Đức Giê-su trong đền thờ không chỉ nhằm chu toàn lề luật, nhưng là công nhận quyền của Thiên chúa và cũng là để cầu xin Chúa chúc phúc cho Hài Nhi Giê-su.

Lễ Đức Mẹ dâng Con cũng được gọi là lễ Nến. Việc làm phép nến nói lên Đức Giê-su là ánh sáng soi trần gian.

Cụ Si-mê-on đã nhận biết Đức Giêsu là ánh sáng. Nhưng ánh sáng khởi đầu còn non nớt. Mà chung quanh thì bóng đêm và cuồng phong đang thét gào, hằm hè huỷ diệt làn ánh sáng run rẩy yếu ớt vừa ló dạng.

Có bóng tối cám dỗ của loài ma quỉ thâm độc lúc nào cũng rình chờ phá hoại chương trình của Thiên chúa. Có bóng tối độc ác của Vua Hêrôđê ghen ghét vì sợ mất quyền hành. Có bóng tối chán nản do những thất bại trong công cuộc rao giảng. Có bóng tối u mê của đám đông không hiểu những mầu nhiệm Nước Trời. Có bóng tối nhút nhát của các môn đồ mau chóng bỏ cuộc. Có cuồng phong ganh ghét của các thượng tế, luật sĩ. Có bóng tối vô tình của quân lính hành hình. Có bóng tối của cái chết đau đớn tủi nhục.

Đức Mẹ đã là người che chở làn ánh sáng, chống lại mọi bóng tối vây bọc. Đức Mẹ đã ấp ủ làn ánh sáng chống lại bão gió cuồng phong. Vì thế Đức Mẹ đã bị một lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn.

Hôm nay các bà mẹ trong xứ noi gương Đức Mẹ, đến nhà thờ dâng con cho Chúa. Khi dâng con các bà công nhận con cái là hồng ân Chúa ban tặng. Khi dâng con các bà cũng cầu mong Chúa chúc phúc cho tương lai của con cái.

Nhìn những đôi má, những bàn tay trắng hồng của các em nhỏ đang vây quanh bàn thờ, tôi tưởng như đang thấy những mầm cây non mơn mởn vừa mới lú lên khỏi mặt đất.

Nhìn những đôi mắt long lanh, trong sáng, tôi thấy hiển hiện những làn ánh sáng xinh tươi vừa hé.

Đó là ánh sáng đức tin mà các em đã lãnh nhận ngày chịu phép rửa tội. Đó là ánh sáng trí tuệ trinh nguyên như một tờ giấy trắng. Đó là ánh sáng nhân đức của một linh hồn chưa vương tội lỗi.

Thế nhưng chung quanh các em có biết bao hiểm nguy rình rập. Những cơn nắng cháy khô hạn tình người rình chực thiêu rụi mầm cây vừa hé. Những lớp bóng tối vật chất đang tìm vây bủa ánh sáng đức tin. Những cơn gió lười biếng đang kéo màn mây ngu muội dập tắt ánh sáng trí tuệ. Những cơn cuồng phong sự dữ đang huy động lực lượng dập tắt ánh sáng nhân đức của linh hồn.

Các bà mẹ đang dâng con cho Chúa. Các bà hãy bảo vệ kho tàng quý giá Chúa trao cho các bà gìn giữ chắc chắn. Khi đương đầu với sự dữ để bảo vệ ánh sáng nơi con cái, các bà sẽ phải chịu những thương tích như Đức Mẹ. Hãy học nơi Đức Mẹ nghệ thuật nuôi dạy con cái, để các cháu bé hôm nay được Chúa chúc phúc sẽ "càng thêm tuổi, càng thêm khôn ngoan, càng được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến".

Lạy Đức Ki-tô là ánh sáng soi trần gian, xin chiếu ánh sáng ân sủng vào các em nhỏ đang chờ được Chúa chúc phúc, để làn ánh sáng đức tin, ánh sáng nhân đức và ánh sáng trí tuệ Chúa đã nhóm lên trong các em ngày càng vươn cao và lan rộng.

Lạy Mẹ Maria, xin giúp các bà mẹ can đảm bảo vệ ánh sáng của con cái, để ánh sáng của chúng vẫn còn sáng mãi cho đến ngày ra đón rước Chúa.

 

SUY NIỆM 21: Lễ Nến

(Lm. Nguyễn Ngọc Long)

A. Lịch sử

Lịch sử Ngày này trong Hội thánh công giáo là ngày lễ mừng, vẫn quen gọi là lễ Nến hay lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thờ. Tại sao lại có lễ này và gọi như vậy? Theo luật Maisen trong kinh thánh cựu ước ( Xh 13,11-16; Lv 12,1-8; Is 88,14f;42,6) ghi chép:

1. Trẻ em sơ sinh trong thời han luật định phải mang đến đền thờ dâng hiến cho Thiên Chúa.

2. Một người phụ nữ sau khi sinh con được 40 ngày phải mang vào đền thờ Thiên Chúa lễ vật, để được thanh tẩy. Vì thời đó người ta hiểu là sau khi sinh con, người phụ nữ không còn được thanh sạch. Thanh sạch về thể xác hay tâm hồn? Trong sách luật không nói rõ.

3. Người con đầu lòng là tài sản của Thiên Chúa. Vì thế có tục lệ dâng con và lễ vật cho Thiên Chúa để chuộc.

Sau khi hạ sinh Chúa Giêsu được 40 ngày Đức Mẹ và Thánh Giuse cũng làm theo luật đã ghi chép trong đạo thời đó. Nhưng lễ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh theo luật định lại trở nên cuộc gặp gỡ: Hai người đạo đức Ông gìa Simeon và Bà Hanna được hạnh phúc bồng bế haì nhi Giêsu trên tay mình. Qua cuộc gặp gỡ này họ đã nhận ra hài nhi Giêsu là "ánh sáng cho mọi dân tộc" ( Lc 2,22-40).

Bên Hội thánh Đông phương lễ này gọi là Lễ gặp Đấng Cứu Thế: Chúa Giêsu, vị Cứu thế vào đền thờ và gặp hai vị đại diện cho thời đạo cũ: Simeon và Hanna. Tục lệ này trở thành lễ mừng kính trong hội thánh bên Giêrusalem từ đầu thế kỷ thứ tư: 40 ngày sau khi Đức Mẹ hạ sinh Chúa Giêsu.

Bên Hội thánh tây phương lễ này là lễ kính Đức Mẹ: Đức Mẹ Maria cũng như bao người phụ nữ khác, sau khi sinh hạ con, mang lễ vật vào đền thờ, để được thanh tẩy như luật định. Bên Roma mừng kính ngày lễ này cũng vào thế kỷ thứ tư trong các thánh đường. Sau này, vào ngày lễ này nến được làm phép và mọi người rước nến cháy sáng trong nhà thờ. Vì thế lễ có tên là Lễ Nến.

Từ năm 1969 lễ ngày mùng Hai tháng Hai không còn thuần ý nghĩa lễ dành kính Đức Mẹ Maria, nhưng được đổi thành lễ Dâng Chúa Giêsu vào đền thờ, 40 ngày sau khi Chúa mở mắt chào đời trong hang đá Belem. Nếu lễ Chúa giáng sinh được mừng kính ngày 25. 12., ngày lễ dâng Chúa vào đền thờ, sẽ là ngày 02 tháng hai. Nếu lễ giáng sinh được mừng kính vào ngày 06.01., ngày lễ dâng Chúa vào đền thờ sẽ vào ngày 14. tháng Hai.

B. Ý nghĩa ngày lễ mừng

Tục lệ đạo đức lễ Nến ăn sâu trong cuộc sống người tín hữu. Ỡ nhiều nơi, giáo dân tín hữu mang nến đến nhà thờ để được làm phép trong ngày này. Họ mang nến đã làm phép về thắp lên mỗi khi đọc kinh gia đình, khấn nguyện khi có người ốm đau hoặc trẩy đi xa, trong những dịp vui mừng cưới hỏi hay tang chế.

Lễ mừng này nói lên ý nghĩa cuộc gặp gỡ: Chúa Giêsu con Thiên Chúa được đưa vào đền thờ, một biểu hiêu trong công trình thiên nhiên. Ngài đi vào thiên nhiên gặp gỡ đời sống con người: tôn giáo và đời sông gặp gỡ nhau.

Vì thế, sau này trong bước đường rao giảng nước Thiên Chúa, Ngài hay dùng những thí dụ cụ thể trong đời sống để cắt nghĩa về nước đó: ơn kêu gọi là con Thiên Chúa và nước Thiên Chúa là quê hưong của mọi người.

Hai thế hệ con người gặp gỡ nhau. Gìa trẻ gặp gỡ nhau. Hai vị trưởng lão Simeon và Hanna gặp gỡ trẻ Giêsu. Cuộc gặp gỡ tình người này là cuộc trao đổi. Thế hệ lớn tuổi trao lại cho thế hệ trẻ kinh nghiệm sống đã thu lượm được, những gía trị đời sống, niềm hy vọng cùng lời chúc lành mong chờ trông đợi của mình. Thế hệ trẻ đón nhận những trối trăn của lớp trưởng thượng trao lại.

Thế hệ lớn tuổi qua lời ông Simeon: Giờ đây lạy Chúa, xin để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an. Vì mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu chuộc cho muôn dân, biểu lộ lối sống biết nhận lãnh và cũng sẵn sàng cho đi trối lại. Cung cách chuyển giao này gây niềm phấn khởi cho thế trẻ đang lên sẵn sàng nhận lãnh lời trối trăn như bảo vật làm nền tảng cho tương lai đời sống cùng niềm tin đạo giáo.

Chúa Giêsu, Đấng là ánh sáng từ trời cao, được đưa vào đền thờ như lời mời gọi mọi người cùng đến gặp gỡ nhau trong tình khoan dung tha thứ cho nhau và mang đến cho nhau niềm hy vọng.

Lễ dâng Chúa vào đền thờ ngày mùng hai tháng hai hằng năm như lời mời gọi mỗi người đón nhận Chúa Giêsu, Đấng là ánh sáng cho tâm hồn mình. Anh sáng Chúa Giêsu chiếu soi vào đền thờ tâm hồn con người và mang đến niềm vui cùng sự an ủi trong những giờ phút đen tối của cuộc đời.

 

Ân sủng của Thiên Chúa ở cùng Người – SN song ngữ 02.02.2021

Tuesday (February 02): “The favor of God was upon him”

 

Scripture: Luke 2:22-35  

22 And when the time came for their purification according to the law of Moses, they brought him up to Jerusalem to present him to the Lord 23 (as it is written in the law of the Lord, “Every male that opens the womb shall be called holy to the Lord”) 24 and to offer a sacrifice according to what is said in the law of the Lord, “a pair of turtledoves, or two young pigeons.” 25 Now there was a man in Jerusalem, whose name was Simeon, and this man was righteous and devout, looking for the consolation of Israel, and the Holy Spirit was upon him. 26 And it had been revealed to him by the Holy Spirit that he should not see death before he had seen the Lord’s Christ. 27 And inspired by the Spirit he came into the temple; and when the parents brought in the child Jesus, to do for him according to the custom of the law, 28 he took him up in his arms and blessed God and said, 29 “Lord, now let your servant depart in peace, according to your word; 30 for my eyes have seen your salvation 31 which you have prepared in the presence of all peoples, 32 a light for revelation to the Gentiles, and for glory to your people Israel.” 33 And his father and his mother marveled at what was said about him; 34 and Simeon blessed them and said to Mary his mother, “Behold, this child is set for the fall and rising of many in  Israel, and for a sign that is spoken against 35 (and a sword will pierce through your own soul also), that thoughts out of many hearts may be revealed.” 

Thứ ba   02-02  Ân sủng của Thiên Chúa ở cùng Người

 

Lc 2,22-35

 22 Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa,23 như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”,24 và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông.26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa.27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người,28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: 29 “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. 30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ 31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: 32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.” 33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người.34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng;35 và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”

Meditation: 

 

Do you approach the Lord Jesus with expectant faith or with skeptical doubt? People in desperate or helpless circumstances were not disappointed when they sought Jesus out. What drew them to Jesus? Was it hope for a miracle or a word of comfort in their affliction? What did the elderly woman who had suffered miserably for twelve years expect Jesus to do for her? And what did a grieving father expect Jesus to do for his beloved daughter who was at the point of death? Jesus gave hope where there seemed to be no human cause for it because his hope was directed to God. He spoke words of hope to the woman (Take heart, daughter!) to ignite the spark of faith in her (your faith has made you well!).

 

Expectant faith believes in Jesus’ power to act in our lives today

Ephrem the Syrian (306-373 AD), an early church Scripture scholar and author of hymns and commentaries, reflected on the miracle of the woman who was healed of her flow of blood:

 

“Glory to you, hidden Son of God, because your healing power is proclaimed through the hidden suffering of the afflicted woman. Through this woman whom they could see, the witnesses were enabled to behold the divinity that cannot be seen. Through the Son’s own healing power his divinity became known. Through the afflicted women’s being healed her faith was made manifest. She caused him to be proclaimed, and indeed was honored with him. For truth was being proclaimed together with its heralds. If she was a witness to his divinity, he in turn was a witness to her faith… He saw through to her hidden faith, and gave her a visible healing.”

 

The Lord Jesus will touch each of us with his healing hands of love and mercy

Jesus also gave supernatural hope to a father who had just lost a beloved child. It took considerable courage and risk for the ruler of a synagogue to openly go to Jesus and to invite the scorn of his neighbors and kin. Even the hired mourners laughed scornfully at Jesus. Their grief was devoid of any hope. Nonetheless, Jesus took the girl by the hand and delivered her from the grasp of death. Peter Chrysologus (400-450 AD), an early church father who was renowned for his preaching at Ravena, comments on this miracle:

 

 

“This man was a ruler of the synagogue, and versed in the law. He had surely read that while God created all other things by his word, man had been created by the hand of God. He trusted therefore in God that his daughter would be recreated, and restored to life by that same hand which, he knew, had created her… He [Jesus] who laid hands on her to form her from nothing, once more lays hands upon her to reform her from what had perished.”

In both instances we see Jesus’ personal concern for the needs of others and his readiness to heal and restore life. In Jesus we see the infinite love of God extending to each and every individual as he gives freely and wholly of himself to each  person he meets. Do you approach the Lord with confident expectation that he will hear your request and act?

 

“Lord Jesus, you love each of us individually with a unique and personal love. Touch my life with your saving power, heal and restore me to fullness of life. Help me to give wholly of myself in loving service to others.”

Suy niệm:

 

Bạn có đến gần Chúa Giêsu với đức tin kiên vững hay với sự hoài nghi và lưỡng lự? Con người trong những tình huống chán nãn hay tuyệt vọng đã không phải thất vọng khi tìm gặp Ðức Giêsu. Điều gì đã lôi kéo họ đến với Ðức Giêsu? Chẳng phải sự hy vọng có một phép lạ hay một lời an ủi trong nỗi thống khổ của họ sao? Bà lão đã chịu đau khổ suốt 20 năm đã mong chờ Ðức Giêsu làm gì cho bà? Và một người cha đang đau khổ mong chờ Ðức Giêsu làm gì cho người con gái thân yêu của ông đã ra đi? Ðức Giêsu ban niềm hy vọng đến những nơi xem chừng như con người không thể đem lại được, bởi vì niềm hy vọng của Người hướng thẳng trực tiếp tới Thiên Chúa. Người nói những lời hy vọng với người đàn bà (Này con gái, hãy can đảm lên!) để thắp lên ngọn lửa đức tin trong lòng bà (lòng tin của con đã cứu chữa con!).

Đức tin kiên vững tin vào sức mạnh của Đức Giêsu hoạt động trong cuộc sống của chúng ta hôm nay

Epherem thành Syrian (306-373 AD), là một giáo phụ, một học giả Kinh thánh thời Giáo hội sơ khai và là một tác giả của các bài thánh ca và các bài chú giải Kinh thánh, giải thích về phép lạ người đàn bà được khỏi bệnh băng huyết như sau:

“Vinh quang cho Người, Con Thiên Chúa ẩn mình, bởi vì quyền năng chữa lành được công bố ngang qua sự đau khổ âm thầm của người đàn bà khốn khổ. Qua người đàn bà này mà người ta có thể nhìn thấy, những người chứng kiến đã có thể nhìn ra thần tính không thể nhìn thấy. Ngang qua sức mạnh chữa lành của chính Ngôi Con mà thần tính của Người được biết đến. Ngang qua người đàn bà đau khổ được chữa lành, lòng tin của bà đã được bộc lộ. Bà đã là nguyên cớ cho Người được tỏ lộ và quả thật bà đã được vinh dự với Người. Vì chân lý được công bố cùng lúc với các sứ giả của nó. Nếu bà ta là nhân chứng cho thần tính của Người, thì ngược lại, Người chính là nhân chứng cho lòng tin của bà… Người thấu suốt lòng tin ẩn kín của bà và đã ban cho bà sự chữa lành hữu hình.”

Chúa Giêsu sẽ chạm tới mỗi người chúng ta với đôi tay chữa lành của tình yêu và thương xót của Người

Ðức Giêsu cũng ban niềm hy vọng siêu nhiên cho một người cha vừa mới mất đi đứa con gái yêu dấu của mình. Nó đòi hỏi sự can đảm và mạo hiểm lớn lao đối với người trưởng hội đường để công khai đến với Ðức Giêsu và chấp nhận sự khinh bỉ của hàng xóm và bà con của ông. Thậm chí những người khóc mướn đã chế nhạo ông. Nỗi đau buồn của họ không có một tí hy vọng nào. Tuy nhiên, Ðức Giêsu đã đụng tới cô gái và giải thoát cô bé khỏi tay thần chết. Peter Chrysologus (400-450 AD), một giáo phụ rất nổi tiếng về bài giảng của mình ở Ravenna, giải thích về phép lạ này như sau:

“Ông này là trưởng hội đường và rất thông giỏi về lề luật. Chắc chắn ông đã biết rằng khi Thiên Chúa tạo dựng tất cả mọi sự bằng lời của Người, con người được tạo dựng bằng tay của Người. Do đó, ông tin tưởng vào Chúa rằng con gái ông sẽ được tái tạo, và được phục hồi sự sống cũng cùng bàn tay mà ông biết, đã tạo dựng nên cô bé… Người là Đấng đã đặt tay trên cô gái để hình thành nên cô bé từ hư vô, một lần nữa đặt tay trên cô bé để tái tạo nên cô từ những gì đã chết.”

Qua hai trường hợp, chúng ta thấy sự quan tâm cá vị của Ðức Giêsu trước những nhu cầu của tha nhân và sự sẵn sàng chữa lành và phục hồi sự sống của Người. Nơi Ðức Giêsu, chúng ta nhìn thấy tình yêu vô tận của Thiên Chúa vươn tới mỗi một người khi Người trao ban chính mình một cách tự nguyện và trọn vẹn cho mỗi người mà Người gặp gỡ. Bạn có đến gần Chúa với lòng trông cậy vững vàng rằng Người sẽ lắng nghe lời kêu cầu của bạn và sẽ ra tay cứu giúp không?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa yêu thương mỗi người chúng con một cách cá vị với một tình yêu duy nhất và riêng rẽ. Xin chạm tới cuộc đời con với quyền năng cứu độ của Chúa, xin chữa lành và phục hồi sự sống sung mãn cho con. Xin giúp con dấn thân trọn vẹn trong việc phục vụ yêu thương cho những người khác.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây