GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Thứ Bảy tuần 2 mùa vọng.

Thứ Bảy tuần 2 mùa vọng.

Thứ Bảy tuần 2 mùa vọng.

"Elia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông".

 

LỜI CHÚA: Mt 17, 10-13

Khi xuống núi, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu rằng: "Tại sao các luật sĩ lại nói Elia phải đến trước đã?"

Chúa Giêsu trả lời: "Thật Elia phải đến để chấn hưng mọi sự. Và Thầy bảo các con, Elia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý họ. Cũng vậy, Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ".

Bấy giờ các môn đệ hiểu Chúa Giêsu nói với họ về Gioan Tẩy Giả.

 

Suy Niệm 1: Êlia đã đến rồi

Suy niệm:

Các nhà thông luật, dựa trên ngôn sứ Malakhi,

nói rằng Êlia phải đến trước để dọn đường cho Chúa (c. 10),

để “đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu,

và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông” (Ml 3, 1. 24).

Đức Giêsu nhất trí với họ, nhưng nhấn mạnh:

“Êlia đã đến rồi, và họ đã không nhìn nhận ông,

nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn” (c. 12a).

Theo Đức Giêsu, chẳng cần phải đợi Êlia nữa.

Gioan Tẩy giả chính là Êlia (c. 13).

Gioan đã đến để chỉnh đốn mọi sự (c. 11).

Đời ông là một tiếng kêu to trong hoang địa.

Ông mời mọi người sinh hoa trái diễn tả lòng sám hối ăn năn.

Dân chúng đã đổ xô đến với ông như đến với một ngôn sứ,

để thú tội và nhận phép rửa của ông ở sông Giođan.

Ông trở nên nổi tiếng đến độ có người tưởng ông là Đấng Mêsia.

Gioan đã không bao giờ nhận mình là Đấng Cứu thế.

Ông chỉ xin được cúi xuống cởi dây giày

cho Đấng đến sau ông, nhưng cao trọng hơn ông.

Kết cục của đời ông là bị cầm tù (Mt 11, 2),

và sau đó là một cái chết bi đát và đột ngột (Mt 14, 10-12).

Đầu ông rơi dưới tay của Hêrôđê, người vừa sợ, vừa kính nể ông.

Vào Mùa Vọng, chúng ta lại được Đức Giêsu nhắc đến cái chết

của người đã giới thiệu Ngài cho chính đồng bào của mình.

Gioan đã chu toàn nhiệm vụ của tiếng, nhưng ông không phải là lời.

Ông là ngọn đèn, nhưng không phải là ánh sáng (Ga 1, 8; 5, 35).

Bạo quyền có thể làm cho tiếng phải im, ngọn đèn phải tắt,

nhưng lời chứng của Gioan thì vẫn còn mãi trong dòng lịch sử cứu độ.

Ông đã sống một đời sống tuyệt vời, hoàn toàn xóa mình,

nên nhân loại hôm nay, qua ông, có thể tin vào Đức Giêsu.

Êlia đã chịu nhiều đau khổ.

Gioan và Đức Giêsu cũng không được nhìn nhận (c.12b).

Số phận của các ngôn sứ trong mọi thời đại đều như nhau.

Họ chịu khổ vì phải nói hay làm một điều gì đó đòi người ta thay đổi.

Họ gây khó chịu cho những người có quyền thế vững vàng.

Nhìn kết cục của đời ông Gioan và Đức Giêsu ta thấy khó tin.

Một người chết vì bị xử trảm, một người chết vì bị đóng đinh.

Khó mà tin được một vị là Êlia, vị kia là Mêsia.

Êlia phải quyền thế hơn nhiều, Mêsia thì không hề nếm mùi thất bại.

Để đón lấy một Êlia như Gioan, đón lấy một Mêsia như Giêsu,

phải bỏ những định kiến khô cứng, vì Chúa đi đường chẳng ai ngờ.

Thế giới hôm nay vẫn cần những ngôn sứ như Gioan,

làm chứng bằng lời giới thiệu và bằng đời sống.

Lời giới thiệu hấp dẫn nhờ đời sống thanh liêm.

Đời sống thu hút nhờ lời giới thiệu soi sáng.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con dám hành động

theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.

Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,

vì xác tín rằng

Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,

Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,

và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.

Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,

xin cho con dám liều theo Chúa

mà không tính toán thiệt hơn,

anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,

can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,

và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.

Ước gì khi dâng lên Chúa

những hy sinh làm cho tim con rướm máu,

con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt

của người một lòng theo Chúa. Amen

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: XE ỦI MỞ ĐƯỜNG

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Mỗi khi muốn làm đường, người ta cho xe ủi đi trước để san lấp, tạo mặt bằng tốt. Xe ủi thật mạnh mẽ. Nó càn lướt qua các chướng ngại. Nó bạt núi san đồi. Đi đến đâu xe ủi làm cho mặt đất bằng phẳng đến đấy. Không một chướng ngại nào có thể ngăn chặn xe ủi. Ê-li-a và Gio-an Tẩy giả là những chiếc xe ủi mở đường cho Chúa Cứu Thế đến.

Như chiếc xe ủi các ngài có một đời sống mãnh liệt. Đó là những cuộc đời rực lửa. Sách Huấn ca miêu tả Ê-li-a là ngọn lửa bừng bừng nên đã đem lửa thiêu đốt mặt đất. Gio-an Tẩy giả được Chúa khen là ngọn đèn rực nóng. Ê-li-a có thể đi một mạch 40 đêm ngày đến núi của Thiên Chúa. Gio-an Tẩy giả từ bỏ thị thành sống trong hoang địa, ăn châu chấu và mật ong rừng, y phục chỉ là tấm da thú khoác trên mình. Thật là những cuộc đời rực lửa lý tưởng.

Như chiếc xe ủi, các ngài đưa ra những sứ điệp mãnh liệt. Trên núi Các-men, Ê-li-a bắt họ phải lựa chọn dứt khoát hoặc chọn Chúa hoặc Ba-an. Ngài thách thức 500 sãi của thần Ba-an đem lửa bởi trời xuống thiêu đốt lễ vật. Ngài đã thắng và bắt dân chúng phải trở về với Chúa. Gio-an Tẩy giả cũng đưa ra những sứ điệp đanh thép: Cái rìu đã đặt sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh hoa trái sẽ bị chặt bỏ ngay. Chúa dùng nia mà sàng xảy sân lúa. Trấu sẽ bị thiêu đốt trong lò lửa.

Như chiếc xe ủi, các ngài chiến đấu mãnh liệt. Lên án những bất công, dối trá. Lên án cả giới thượng lưu, quan quyền. Lên án cả nhà vua và hoàng hậu. Ê-li-a chống lại vua A-kháp và hoàng hậu Giê-sa-ben. Gio-an Tẩy giả lên án Hê-rô-đê và cuộc loạn luân với Hê-rô-đi-a-đê.

Như chiếc xe ủi, các ngài có cái chết mãnh liệt. Ê-li-a chết một cái chết hùng tráng khi được đưa về trời bằng chiếc xe lửa do ngựa lửa kéo đi trong cơn gió lốc. Gio-an Tẩy giả chết trong một cái chết bạo liệt khi bị Hê-rô-đê chém đầu trong ngục.

Nếu tôi muốn dọn đường đón Chúa đến, tôi cũng phải sống cuộc sống mãnh liệt trong các chọn lựa tốt. Phải mãnh liệt trong dứt khoát với cái xấu. Phải chiến đấu mãnh liệt với cái xấu. Phải quyết liệt đi theo đường tốt. Có thế tôi mới có hi vọng gặp được Chúa.

 

Suy Niệm 3: Họ không nhận ra Ngài

Lời Chúa đối với mỗi người đều có một ý nghĩa riêng áp dụng cho người đó trong cuộc sống hiện tại của mình. Chúa Thánh Thần là Ðấng soi sáng cho chúng ta hiểu biết rõ ràng hơn về chân lý niềm tin, cho nên Ngôi Ba được gọi là Thần Chân Lý và mỗi người đều múc lấy ý nghĩa sống cho mình qua Lời Chúa. Tuy nhiên, vì trình độ mỗi người khác nhau, vì hoàn cảnh mỗi nơi mỗi khác cho nên có thể hiểu Lời Chúa sai lệch đi.

Chúa Giêsu trao quyền rao giảng Lời Chúa cho Giáo Hội qua thánh Phêrô, vị đại diện tối cao của Giáo Hội tiên khởi và kế tiếp là trao cho các Tông Ðồ cho đến ngày nay. Cho nên chúng ta thấy trong Do Thái giáo, các luật sĩ là những người cắt nghĩa luật Chúa và họ đã nói với các môn đệ Chúa Giêsu: "Elia phải đến trước đã". Theo truyền thuyết, Elia là một tiên tri đại diện cho các tiên tri trong Cựu Ước, không chết nhưng được đưa về trời và sau này ông sẽ trở lại và các luật sĩ cắt nghĩa: Cần phải đợi Elia trở lại đã.

Chúa Giêsu cũng xác nhận với các môn đệ: "Thật, Elia phải đến để chấn hưng mọi sự". Elia ấy chính là Gioan Tẩy Giả đã rao giảng sự ăn năn thống hối, hãy sửa lối đi cho ngay thẳng, lối đi quanh queo hãy san cho bằng. Những nơi gồ ghề, hố sâu hãy lấp cho bằng thì mọi người sẽ thấy ơn cứu độ. Gioan tiền hô đã đi trước để dọn đường cho Chúa Kitô sẽ đến sau, Ngài đến để mang ơn cứu độ xuống cho trần gian và một số môn đệ Gioan đi theo Chúa Giêsu để xem Ngài, đồng thời Gioan cũng đã xác định vị thế của mình trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa: "Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi".

Con người của Gioan Tẩy Giả thật là khiêm nhường trong vị thế của ông: "Còn tôi, tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Người". Gioan Tẩy Giả mang sứ mệnh như tiên tri Elia trong Cựu Ước nhưng cũng là một con người ăn chay hãm mình trong rừng vắng, khiêm nhường, đơn sơ trong công việc dọn đường cho Ðấng Cứu Thế sẽ đến.

Thật là một tấm gương cao quí đáng cho chúng ta bắt chước noi theo. Gioan Tẩy Giả không cao trọng nhờ sự lạ lúc sinh ra nhưng cao trọng do sứ mệnh dọn đường cho Ðấng Cứu Thế đến mà ông đã làm trong sứ mệnh của mình. Trong ngục tối, ông dám nói thẳng sự thật, dám làm chứng nhân cho Thiên Chúa ở giữa trần gian.

Chúa Kitô đến mang sứ mệnh cứu rỗi của Thiên Chúa Cha. Người ta không nhận ra Người, và người ta cũng đối xử với Ngài như các tiên tri trong Cựu Ước, đó là bắt bớ, đánh đập, hành hạ và sau cùng bị lãnh bản án tử hình treo trên thập giá một cách nhục nhã đau thương.

Bao nhiêu năm tháng chờ đợi Ðấng Cứu Thế đến, trải dài trong Cựu Ước vậy mà khi Ngài đến con người đã không nhận ra Ngài. Mỗi người chúng ta đôi lúc cũng đã không nhận ra Ngài trong cuộc sống, chúng ta vẫn nhớ Lời Chúa nhắc với chúng ta: "Ai làm cho một kẻ bé mọn nhất trong anh em ấy là làm cho chính Ta".

Những kẻ bé mọn đó là ai? Thưa, họ là những người mà Chúa Giêsu đã nói::Ta đói các con cho Ta ăn, Ta khát các con cho Ta uống. Ta rách rưới các con đã cho áo mặc. Khi Ta ở tù các con đã viếng thăm". Lời nói của Chúa Giêsu làm mỗi người trong chúng ta suy nghĩ và tự nhận: Ailà anh em tôi? Không phải những ai xa lạ, không phải là những ai ở xa để rồi chúng ta không thấy được. Không phải là những bậc giàu có sang trọng trong xã hội, những người thiếu thốn, những người chạy gạo ăn bữa hôm lo bữa mai, những người không có thân nhân bà con, không mái nhà che mưa che nắng vào những trưa hè nóng oi bức, vào những cơn mưa tàn tã của thời tiết thu đông.

Mỗi người trong chúng ta tự hỏi như người luật sĩ và biệt phái trong Phúc Âm hỏi Chúa Giêsu: "Nhưng ai là anh em tôi?" Chúng ta cùng nhau xin Chúa cho chúng ta biết rõ, cảm nhận một cách sâu xa hơn câu trả lời của mình trong Mùa Vọng này để chúng ta đi đến niềm nở với người anh chị em, cùng nhau nắm chặt bàn tay thân ái đón mừng Chúa đến.

Lạy Chúa, Gioan Tẩy Giả đến để chuẩn bị cho Chúa mang ơn cứu độ đến. Xin cho mỗi người trong chúng con chuẩn bị tâm hồn trong sáng hân hoan để đón Chúa đến trong chúng con và trong gia đình thân yêu của chúng con. Xin Chúa cho mỗi người trong chúng con biết yêu thương nhau, chia sẻ cho nhau tất cả tinh thần và vật chất để trọn niềm vui mừng đón chờ Chúa đến. Amen.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

 

Suy Niệm 4: Êlia sẽ đến lại.

Ngày 10/11/1948, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã long trọng công bố bản Tuyên ngôn nhân quyền. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, cộng đồng thế giới đã đảm nhận trách nhiệm quảng bá và bênh vực quyền con người như một nghĩa vụ trường kỳ. Gia nhập Liên hiệp quốc có nghĩa là ký tên vào bản tuyên ngôn này và đương nhiên cam kết bênh vực quyền con người.

Thật ra, chỉ Thiên Chúa là Đấng có thể ban cho con người quyền và phẩm giá được làm người mà thôi. Trong tác phẩm: “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng” Đức Gioan Phaolô II đã viết:

“Thật hiển nhiên là quyền con người đã được Đấng sáng tạo ghi khắc trong trật tự của công cuộc sáng tạo. Như vậy chúng ta không thể nói đến những ban nhượng từ phía các tổ chức của con người. Những tổ chức này không làm gì khác hơn là diễn tả những gì chính Thiên Chúa đã ghi khắc trong trật tự Ngài đã tạo dựng: trong lương tâm hay trong quả tim con người như Phaolô đã giải thích trong thư Rôma. Tin Mừng là sự khẳng quyết trọn vẹn nhất về mọi quyền con người. Không có Tin Mừng, chúng ta rất dễ xa lạc với chân lý về con người. Thật thế, Tin Mừng cho thấy các luật thần linh đang bảo toàn trật tự luân lý của vũ trụ và củng cố nó, nhất là qua cuộc Nhập thể. Con người là ai mà Con Thiên Chúa mặc lấy bản tính con người. Con người phải là ai nếu Con Thiên Chúa đã phải trả một giá đắt nhất cho phẩm giá của nó. Mỗi năm, phụng vụ diễn tả sự thán phục sâu xa của mình khi chiêm ngắm chân lý và mầu nhiệm này trong lễ Giáng sinh cũng như trong đêm Vọng Phục Sinh. “Ôi tội hồng phúc vì ngươi đã mang lại cho chúng ta Đấng Cứu chuộc cao cả”. Đấng Cứu chuộc khẳng quyết quyền con người bằng cách tái lập sự toàn ven của phẩm giá mà con người đã lãnh nhận khi Thiên Chúa tạo dựng nó theo và giống hình ảnh Thiên Chúa.

Những lời trên đây giúp chúng ta hiểu được sứ điệp Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu nói đến Êlia, Gioan Tẩy giả và chính thân phận của Ngài. Êlia là hiện thân của một cuộc tranh đấu không ngơi nghỉ cho công bằng và quyền con người, Ngài mở ra một thế hệ các tiên tri luôn lên tiếng tố cáo những bất công và kêu gọi tôn trọng phẩm giá con người, nhất là những người cùng khổ, bị áp bức. Chúng ta cũng bắt gặp dung mạo ấy trong vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước là Gioan Tẩy giả. Lời kêu gọi sám hối của Gioan cũng là một cảnh cáo trước những bất công xã hội và vi phạm nhân quyền, nhất là những người thấp cổ bé miệng trong xã hội. Chúa Giêsu xuất hiện trong truyền thống tiên tri ấy. Ngài là tiên tri của các tiên tri, Ngài không những lên tiếng tố cáo bất công, mà còn đề cao quyền và phẩm giá cao trọng của con người nơi những kẻ bé mọn, bị đẩy ra bên lề xã hội. “Con Người cũng phải đau khổ như thế”. Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá trước hết là một điển hình cho những vi phạm tôn giáo, nhân danh quyền lợi dân tộc và theo một hình thức tố tụng tùy tiện và độc đoán nhất, người ta đã kết án Ngài phải chết cách bỉ ổi nhất. Tuy nhiên, cũng qua cái chết ấy, Chúa Giêsu đã thể hiện phẩm giá cao cả của con người.

Chân lý của con người đã được thể hiện trong cái chết của Chúa Giêsu. Cái chết ấy là một lời ngỏ của Thiên Chúa với con người. Con người cao cả đến độ Thiên Chúa đã thí ban người Con Một của Ngài. Dù muốn hay không, không ai chối cãi được rằng ý niệm về nhân quyền như được đề cao trong bản Tuyên ngôn nhân quyền đã cắm rễ sâu trong mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc của Kitô giáo. Người ta không thể hiểu và chấp nhận phẩm giá cũng như các quyền con người, nếu không nhìn nhận nền tảng là con người đã được tạo dựng theo và giống hình ảnh Thiên Chúa và được cứu chuộc bằng chính cái chết của Chúa Giêsu.

Ước gì cái nhìn ấy luôn là động lực thúc đẩy các kitô hữu nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá và quyền con người trong cuộc sống từng ngày nhất là phẩm giá và quyền của những người cùng khổ bị đẩy ra bên lề xã hội.

 

Suy Niệm 5: Tranh cãi của luật sĩ

Nhưng Thầy nói cho anh em biết: Ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo như ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.” Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gioan Tẩy Giả. (Mt. 17, 12-13)

Dân Ít-ra-en cứ tưởng rằng Thiên Chúa sẽ sai Ê-li-a đến dọn đường cho Đấng Thiên sai. Ma-la-ki-a, vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước đã viết: “Đây Ta sai Ê-li-a làm sứ giả đến trước ngày quang minh chính đại lạ lùng của Đức Chúa. Ông sẽ hướng con tim của cha ông về cùng con cháu, và hướng con tim của con cháu về những con tim của cha ông kẻo Ta đến chúc dữ xứ này” (3, 23-24). Điều gì sẽ xảy ra nếu lời tiên tri này không thực hiện?

Chính lối tranh luận về lời tiên tri trên mà người ta thường phi bác thái độ cứu thế của Đức Giêsu. Người đã sẵn sàng mất thời gian chịu đựng cách phi thường lối sống cuồng tín lầm lẫn đáng sợ đó.

Đối với môn đệ, Người quả quyết cho các ông biết rằng Ê-li-a đã đến và đã phục hưng tất cả, nhưng Người thêm rằng: Người ta đã không nhận biết ông và còn xử tệ với ông như đã hãm hại tất cả các tiên tri. Ông đã san phẳng những con đường, đã lấp đầy những thung lũng, đã bạt thấp những núi đồi … Ông đã loan báo Đấng đến sau ông. Ngài lớn hơn ông, cầm sàng sẵn trong tay, xẩy sạch các hạt lúa phơi trong sân, đốt sạch rơm rạ, đưa cất những lúa tốt vào kho lẫm của Thiên Chúa … Bấy giờ các môn đệ hiểu Người nói về Gioan tẩy giả.

Đức Giêsu nói về các luật sĩ rằng họ đã không nhận ra dấu chỉ của thời đại, nên họ không thể nhận ra đặc tính của Đấng Cứu thế. Cho nên Con Người sẽ phải chịu khốn khổ bởi họ.

Nếu các luật sĩ cố chấp không hiểu, thì các môn đệ đã hiểu sứ vụ của Người và các ông bắt đầu tìm hiểu lời tiên báo về thập giá.

Chúng ta dễ thấy bực mình về những rắc rối của luật sĩ, vậy chúng ta cần phải thi hành lời Chúa để đáp lại những lý luận của những kẻ mê muội đó. Đức Giêsu đã không ngừng rao giảng sự cứu độ cho cả những tối dạ không biết suy nghĩ đó. Người cũng không ngừng bị cám dỗ chỉ nói cho những kẻ đón nhận lời Người thôi. Chúng ta tuy vào số những người hiểu lời Chúa, nhưng lại nhốt lời Chúa như nhốt tù, không lo sống và rao giảng lời Chúa.

G.M

 

Suy Niệm 6: ĐAU KHỔ VÌ SỨ VỤ (Mt 17,10-13)

Trong Mùa Vọng, người được nhắc nhiều nhất chính là Gioan Tẩy Giả. Bởi vì Ngài vừa là vị tiên tri cuối cùng của thời Cựu Ước, vừa là người loan báo, chuẩn bị dọn đường trực tiếp cho Đấng Cứu Thế. Có thể nói: Gioan Tẩy Giả là vị tiên tri kết thúc thời Cựu Ước, và khai mào cho thời Tân Ước.

Mặc dù ngài là người sống trong sa mạc, tuy nhiên, những lời giảng của ngài đã lay động nhiều tâm hồn, và ngày càng đông người đến để xin thụ huấn.

Sứ mạng của Gioan đến là để canh tân các tâm hồn, kêu gọi sám hối để được ơn cứu độ của Đấng Cứu Thế. Sứ mạng này cũng chính là của Êlia thời Cựu Ước.

Thật vậy, Êlia đến để loan báo về tình thương của Thiên Chúa trên dân Người, ngài cũng trở thành trung gian để khẩn cầu lòng thương xót của Thiên Chúa, làm nguôi cơn thịnh nộ của Người. Ngài còn đóng vai trò làm người giao hòa giữa mọi người với nhau, xây dựng sự hiệp nhất và bình an trong xã hội. Đến thời Gioan cũng vậy. Ông đến để kêu gọi dân quay trở lại đường chính nẻo ngay để chuẩn bị tâm hồn, dọn lòng thanh sạch để đón mừng Đức Giêsu đến. Hai con người nhưng cùng chung một sứ mạng. Hai thời điểm, nhưng cùng hướng về một mục đích. Vì thế, nếu Êlia đã phải chịu bách hại vì sứ vụ, thì Gioan cũng không thoát khỏi cảnh tù đầy và bị giết chết. Đặc biệt, chính Đức Giêsu, Ngài cũng đồng số phận với các tiên tri khi thực thi sứ mạng cứu chuộc nhân loại.

Điều này đã được Đức Giêsu nhắc lại trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài nói: “Êlia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý họ. Cũng vậy, Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ".

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sám hối, ăn năn vì những lỗi lầm thiếu sót của chính mình.

Noi gương Gioan Tẩy Giả, sống cuộc sống hy sinh để làm gương cho dân chúng noi theo. Đồng thời, chia sẻ bác ái cho những người khó khăn. Sẵn sàng loan báo Tin Mừng của Chúa cho mọi người bằng nhiều cách, nhất là bằng gương sáng.

Nếu có phải nguy hiểm đến tính mạng thì hãy nhớ rằng: đây chính là số phận của Êlia, Gioan Tẩy Giả và của Đức Giêsu cũng như những môn đệ của Ngài trên khắp thế giới.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết noi gương thánh Gioan Tẩy Giả mà hăng say vì sứ vụ, sẵn sàng dấn thân vì Chúa. Ước mong sao Mùa Vọng này, chúng con có được một tâm hồn mới, nhờ sự sám hối chân tình để xứng đáng đón mừng đại lễ Giáng Sinh sắp tới. Amen.

Ngọc Biển SSP

SUY NIỆM: 

Cả bài đọc I và bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu trong Thánh Lễ hôm nay đều nói về ngôn sứ Elia. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng hình ảnh ngôn sứ Elia có một vị trí đặc biệt trong tương quan giữa Cựu Ước và Tân Ước, và vì thế, sẽ soi sáng, làm rạng rỡ cuộc đời và căn tính của Đức Giê-su.

Thực vậy, trong cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và các môn đệ của Ngài, Gio-an Tẩy Giả được coi là Elia, vị ngôn sứ phải đến và chính Đức Giê-su đã so sánh số phận của mình với cả Gioan lẫn Elia : « Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế ».

1. Ngôn sứ Elia

Bài đọc I, trích sách Huấn Ca, kể lại những kì công mà ngôn sứ Elia đã thực hiện :

Thưa ông Ê-li-a, ông đã làm bao việc lạ lùng,
ông thật là vinh quang hiển hách!
Ai có thể tự hào được nên giống như ông? (Hc 48, 4)

Nhưng, như chúng ta đều biết, ngôn sứ Elia cũng đã từng trải qua những giai đoạn rất khó khăn, thậm chí bi đát. Thực vậy, theo sách Các Vua quyển thứ nhất, vì bị đuổi giết, vị ngôn sứ đã phải chạy trốn vào sa mạc, và chính trong nỗi tuyệt vọng mà ông thưa với Đức Chúa những lời này : « Lạy ĐỨC CHÚA, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con. » (1V 19, 4) Và chính bởi những thử thách tận căn này của đời mình, mà ngôn sứ Elia loan báo và soi sáng cuộc đời của Gioan Tầy Giả và Đức Giê-su.
Tuy nhiên, chính khi chạy trốn và lưu lại trong sa mạc, mà ngôn sứ Elia có một kinh nghiệm hoàn toàn khác và mới mẻ về Thiên Chúa : Thiên Chúa không hiện diện ở trong lửa ; lửa bừng cháy mạnh mẽ mà bài đọc I nhiều lần nói tới ; nhưng Thiên Chúa hiện diện ở trong « tiếng gió hiu hiu ». Tiếng gió dịu êm nhắc nhớ chúng ta sự dịu êm thần linh của mầu nhiệm Giáng Sinh và cả mầu nhiệm Thập Giá nữa (x. 1V 19, 9-14).

2. Ngôn sứ Elia và Đức Giê-su

Như thế, mầu nhiệm Vượt Qua đã được ghi khắc trong cuộc đời của ngôn sứ Elia rồi, vì chính khi ông gặp thử thách khó khăn, đi đến đường cùng, bị mọi người ruồng bỏ, và dường như kể cả Thiên Chúa nữa, thì ông lại kinh nghiệm được sự hiện diện của Người một cách hoàn toàn mới.

Nhưng vào lúc cuối đời, ngôn sứ Elia vẫn chưa biết đến cái chết, như bài đọc I tưởng nhớ : « Ông đã được cất lên giữa đám lửa xoáy như cơn lốc, trên chiếc xe do ngựa đỏ như lửa kéo đi. » Chính vì thế mà vị ngôn sứ như vẫn còn mắc nợ với cuộc đời này và cũng chính vì thế mà những thế hệ sau này chờ đợi ông trở lại : « Các môn đệ hỏi Đức Giê-su rằng : Sao các kinh sư nói rằng ông Elia phải đến trước ? »

Thực vậy, trên đồi sọ, khi nghe tiếng kêu của Đức Giê-su, những kẻ nhạo báng nói đùa với nhau: “Khoan đã, để xem ông Ê-li-a có đến cứu hắn không!” Lúc ấy, ngôn sứ Elia đã không đến can thiệp để cứu Đức Giê-su, và như thế, ông đã nói lên sứ điệp cuối cùng của mình ngang qua lời đáp là thinh lặng và không làm gì hết. Như thế Ngôn sứ Elia và Đức Giê-su đã trở nên một, vì Đức Giê-su cũng sẽ “thing lặng không làm gì hết” cho đến đến cùng.

3. Đức Ki-tô chịu đóng đinh, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa

Đức Ki-tô chịu đóng đinh trên Thập Giá, thinh lặng và không làm gì hết, nhưng lại nói cho chúng ta nhiều nhất, làm cho chúng ta nhiều nhất. Vì như thánh Phao nói, đối với con người là điên rồ và sỉ nhục, nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, Đấng ấy là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

* * *

Như các ngôn sứ Elia và Gioan, trong những thử thách tận căn của cuộc đời, chúng ta được mời gọi trở nên một với Đức Ki-tô chịu đóng chịu đinh, để « sức mạnh và sự khôn ngoan » của Thiên Chúa được tỏ hiện rạng ngời.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây