Tháng 9, Hành Hương Đức Mẹ Tàpao. Đăng lúc: Thứ bảy - 13/09/2014 21:48 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ sáu - 02/08/2019 22:14
Thánh lễ vào dịp hành hương tháng 9 mời gọi cộng đoàn phụng vụ tiến lên đỉnh cao Canvê, ở đó vừa là tôn vinh thánh giá Chúa Giêsu đồng thời cũng chiêm ngắm Đức Trinh Nữ Maria dưới chân thập giá, ở đó Mẹ cho thấy một dáng đứng vừa khiêm nhường vừa kiên cường
HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ TÀPAO - THÁNG 9
Những ngày qua, mưa dầm tầm tả. Ánh mặt trời chỉ le lói rồi bị vây khuất bởi mây đen. Dầu vậy, khách hành hương vẫn hân hoan về bên Mẹ Tàpao.
Tối 12.8, mưa nặng hạt, cộng đoàn sốt sắng hoà chung lời kinh chuỗi hạt Mân Côi dâng kính Mẹ. Sau đó, Đức Cha Giuse chủ sự giờ chầu Thánh Thể. Kết thúc giờ cầu nguyện, ngài ban phép lành Thánh Thể, mọi người tiếp tục lên linh đài kinh hạt bên Mẹ. Mưa vẫn rả rích suốt đêm.
xem hinh
Sáng ngày 13.9, núi rừng TàPao chìm trong sương mù. Trời nhiều mây vần vũ, gió dịu mát. Hàng ngàn khách hành hương rộn rã về TàPao.
6g30 nghi thức khấn Đức Mẹ.Mọi người dâng những ý nguyện, dâng lời tạ ơn và cầu xin theo ý riêng của mình.
7g30, đoàn rước bắt đầu tiến lên lễ đài. Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống cùng 50 linh mục hiệp thông thánh lễ.
Đức cha ngỏ lời với cộng đoàn: Thánh lễ vào dịp hành hương tháng 9 mời gọi cộng đoàn phụng vụ tiến lên đỉnh cao Canvê, ở đó vừa là tôn vinh thánh giá Chúa Giêsu đồng thời cũng chiêm ngắm Đức Trinh Nữ Maria dưới chân thập giá, ở đó Mẹ cho thấy một dáng đứng vừa khiêm nhường vừa kiên cường, Mẹ hiệp thông cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu mà đem ơn cứu độ cho nhân loại. Đây là lễ có tên gọi Mẹ Sầu Bi, nhưng thực chất là lễ tôn vinh. Giáo Hội tôn vinh Mẹ trong dáng đứng hiệp thông cứu độ, tôn vinh Mẹ là Mẹ nhân loại, bởi vì dưới chân thập giá Mẹ đã sinh ra các tín hữu bởi lời trăn trối của Chúa Giêsu...
Xưa kia, lễ Đức Mẹ Sầu Bi còn được gọi là lễ Kính Bảy Sự thương khó Đức Mẹ. Lòng tôn kính niềm đau của Đức Mẹ xuất hiện khoảng đầu thế kỷ XIV, do công của các nhà rao giảng dòng Phanxicô và dòng Tôi tớ Đức Mẹ. Năm 1668, các anh em dòng Tôi tớ Đức Mẹ bắt đầu mừng kính lễ này để tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ. Năm 1814, Đức Thánh cha Piô VII mở rộng lễ kính này đến toàn thể Giáo Hội Công giáo Tây phương để tưởng nhớ các sự thống khổ mà Ngài đã phải chịu đựng trong cuộc lưu đày trên nước Pháp.
Bảy Sự thương khó của Đức Mẹ:
1- Lời tiên báo của ông Simêon (Lc 2, 34-35)
2- Cuộc chạy trốn sang Aicập (Mt 2, 13-21)
3- Lạc mất Chúa ba ngày (Lc 41,50)
4- Vác thập giá lên đỉnh Canvê (Ga 19, 17)
5- Chúa bị đóng đinh và tử nạn trên thập giá (Ga 19, 18-30)
6- Tháo xác Chúa (Ga 19, 39-40)
7- Táng xác Chúa (Ga 19, 40-42)
Bảng liệt kê những nỗi đau của Đức Maria trên đây có từ thế kỷ XIV đã ăn sâu vào mọi hình thức văn chương đạo đức: các bài giảng, kinh nguyện, thi ca. “Stabat Mater” (Mẹ đứng) là một bài ca thương diễn tả một cách tài tình và cảm động những nỗi thống khổ của Đức Trinh Nữ Maria dưới chân Thập giá. Kiệt tác phẩm “Pietà” là một hình ảnh rất hấp dẫn trí tưởng tượng quần chúng, diễn tả hình ảnh Đức Mẹ ẵm thân xác đẫm máu của Chúa Giêsu. Đức Maria thông phần đau khổ với Chúa Cứu Thế là một khía cạnh quan trọng của lòng tôn sùng Đức Mẹ.
Trong bài giảng lễ, từ Tin Mừng (Ga 19,25-27), Đức cha Giuse suy niệm về 3 âm hưởng của Lễ Mẹ Sầu Bi: Lễ khẳng định Đức Mẹ hiệp công trong ơn cứu độ của Chúa Kitô; Lễ minh định Kitô hữu là con cái của Đức Mẹ; Lễ mời gọi Kitô hữu rước Đức Mẹ về nhà mình. Có thể đúc kết lối sống Kitô hữu trong tương quan với Mẹ Maria bằng ba chữ: với Mẹ, như Mẹ và nhờ Mẹ. Rước Mẹ về gia đình, ta hạnh phúc được sống với Mẹ như lời kinh “Lạy Nữ Vương gia đình, Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn sướng khổ, mẹ-con cùng nhau chia sẻ”; hơn nữa, có Mẹ kề bên như mẫu gương, ta gọt giũa đời sống trong ngoài chung riêng như Mẹ; và từng ngày vững lòng cậy trông nhờ Mẹ chuyển cầu cùng Chúa cho ta mọi ơn lành hồn xác.Như vậy, lễ Đức Mẹ Sầu Bi không còn mang bộ mặt bi lụy nữa mà đã tự nhiên chuyển thành hoan hỷ: vì Đức Mẹ hiệp công vào ơn cứu độ của Chúa Kitô, để trở nên Mẹ của mọi người, và mời gọi rước Mẹ về nhà mình.
Ngài kết thúc suy niệm bằng mấy vần thơ lục bát như tâm tình mời gọi:
“Tàpao lễ Mẹ Sầu Bi,
Lòng ấm lại, hết nghĩ suy lệ nhòa.
Lời xưa Thánh giá hiểu ra,
Con xin đón Mẹ về nhà tin yêu”
Dưới chân thập giá, Chúa Giêsu đã nối kết Mẹ Ngài và người môn đệ Ngài dấu yêu,đặt Mẹ làm mẹ người môn đệ ấy: Thưa Bà, đây là con của Bà, và muốn người môn đệ ấy làm con của Mẹ: Đây là mẹ của anh. Chúa Giêsu đã lập một gia đình mới. Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu ở Cana, bây giờ thành Mẹ của người môn đệ.Nơi người môn đệ này, các Kitô hữu thấy hình ảnh của chính mình.Mỗi tín hữu hãy đón Mẹ về nhà và nhận Mẹ làm Mẹ, ơn phúc chan hoà trong gia đình và trong tâm hồn, Mẹ sẽ thương ban.
Thánh lễ kết thúc trong niềm vui, mọi người ra về hân hoan. Muôn vàn ý nguyện cầu đã được tiến dâng lên Mẹ. Dòng người tỏa ra mọi lối. Hẹn gặp lại, ngày hành hương Đức Mẹ TàPao tháng 10 - mừng kính Đức Mẹ Mân Côi.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Nguồn tin: gpphanthiet.org