Kỷ niệm 9 năm triều đại Giáo hoàng của ĐTC Phanxicô

Chủ nhật - 13/03/2022 08:40

Kỷ niệm 9 năm triều đại Giáo hoàng của ĐTC Phanxicô

Năm nay, kỷ niệm 9 năm (13/3/2013 -13/3/2022) Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu làm Giáo hoàng diễn ra trong một thời điểm đen tối của lịch sử, được đánh dấu bằng cuộc xung đột đang diễn ra ở Ucraina. Nhưng từ ngày 13/3/2013 đến nay, Đức Thánh Cha đã không ngừng làm việc vì hoà bình và hoà giải giữa các dân tộc, mang lại niềm hy vọng Tin Mừng đến tận các vùng ngoại vi trên thế giới.
 

PopeFrancis-13Mar2013.jpeg

 

Kêu gọi hoà bình

Nhìn lại gần một thập niên triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, lời khẳng định trên là rõ ràng. Năm 2021 được mở ra và khép lại với lời kêu gọi hoà bình, điều này được thể hiện đặc biệt qua hai chuyến tông du: vào tháng 3 tới Iraq và tháng 12 tới đảo Sýp và Hy Lạp. Trong cả hai chuyến tông du, Đức Thánh Cha đã mời gọi đấu tranh chống bạo lực và quay trở lại với cội nguồn của nhân loại và tình huynh đệ. Lời kêu gọi này cũng được tái khẳng định vào tháng 9 trong chuyến tông du đến Budapest và Slovakia, dịp đó ngài đã lên án mọi hình thức huỷ hoại nhân phẩm.

Hoà giải

Hoạt động hoà giải của Đức Thánh Cha được chú ý đặc biệt đối với các nhà lãnh đạo của Nam Sudan. Vào tháng 4/2019, ngài đã tổ chức một cuộc tĩnh tâm cho họ, và vào ngày kết thúc, Đức Thánh Cha đã cúi xuống hôn chân các nhà lãnh đạo này. Một cử chỉ chưa từng có để “cầu xin ngọn lửa chiến tranh được dập tắt một lần cho mãi mãi. Những lời của Đức Thánh Cha cách đây 3 năm dường như được viết cho Ucraina ngày nay, điều cũng được bày tỏ trong Fratelli tutti: “Chiến tranh là một sự thất bại của chính trị và nhân loại” và hoà giải “đòi hỏi sự dấn thân của tất cả mọi người”.

Đại dịch và tình huynh đệ

Mong muốn của Đức Thánh Cha cho mọi người được sống bình an không chỉ dừng lại ở mức độ không có chiến tranh, ngài muốn điều này phải đi vào thực tế cuộc sống đời thường. Trong hai năm đại dịch qua, ngài không ngừng khuyến khích miễn phí hoá các bằng sáng chế vắc-xin và mời gọi thế giới phó thác nơi Thiên Chúa. Đức Thánh Cha nói trong buổi cầu nguyện chiều tối 27/3/2020 rằng: “Đón nhận Thánh giá có nghĩa là mở ra cho các hình thức mới của tình huynh đệ”. Và chính tình huynh đệ là thuật ngữ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong Thông điệp Fratelli tutti, Thông điệp thứ ba của Đức Thánh Cha đã ký vào ngày 03/10 cách đây hai năm tại Assisi. Một lời kêu gọi tình bạn xã hội và nói không với chiến tranh.

Người nghèo, lòng thương xót và bảo vệ Thụ tạo

Quyết định chọn Thánh Phanxicô Assisi cho danh hiệu triều đại giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha đã thể hiện rõ điều này trong đường hướng mục vụ của ngài. Thực tế, vào năm 2017, từ “người nghèo” được vang lên với việc cử hành lần đầu tiên Ngày Thế giới Người nghèo. Việc cử hành được Đức Thánh Cha công bố bằng Tông thư Misericordia et Misera - Lòng Thương Xót và Sự Khốn Cùng cho Năm Thánh Lòng Thương Xót, được cử hành vào năm 2016 ở mọi nơi trên thế giới.

Bảo vệ Thụ tạo là chủ đề chính của năm 2015, được Đức Thánh Cha nhấn mạnh bởi Thông điệp Laudato si’ về việc chăm sóc ngôi nhà chung và thiết lập ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc chăm sóc Thụ tạo. Cả hai sự kiện đều kêu gọi sự cần thiết thúc đẩy một hệ sinh thái toàn diện, kết hợp giữa việc chăm sóc môi trường và công bằng cho người nghèo.

Tầm quan trọng của gia đình

Trọng tâm triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha giữa năm 2014 và 2015 là gia đình. Trong thời gian đó, ngài đã đưa ra hai Thượng Hội Đồng, một thường lệ và một ngoại thường. Đức Thánh Cha quan tâm đến những tấn công đến từ xã hội đương đại chống lại gia đình. Như một phương thuốc giải độc cho xu hướng này, trong Tông huấn Amoris Laetitia được ban hành trong năm 2016, ngài tái nhắc lại vẻ đẹp của gia đình dựa trên hôn nhân bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ. Sau đó, tầm quan trọng này được nhấn mạnh bởi một Năm Gia đình Amoris Laetitia, sẽ kết thúc vào tháng 6 tới tại Roma, với Cuộc gặp gỡ các Gia đình Công giáo Thế giới lần thứ 10.

 

Ngọc Yến

(Vatican News12.03.2022)

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây