1. Những lời cuối cùng của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI. Chương trình Thánh lễ an táng

Thứ bảy - 31/12/2022 20:16


1. Những lời cuối cùng của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI. Chương trình Thánh lễ an táng

Vatican đã thông báo hôm thứ Bảy rằng Thánh lễ an táng của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI sẽ diễn ra vào lúc 9:30 sáng Thứ Năm, ngày 5 tháng 1 năm 2023, tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Ngài sẽ được an táng trong hầm mộ dưới Đền Thờ Thánh Phêrô.

Phát ngôn nhân của Vatican, Matteo Bruni cho biết, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ trì lễ tang, và các nghi thức sẽ đơn sơ phù hợp với mong muốn của Đức Bênêđictô là “được thực hiện dưới dấu chỉ của sự đơn giản”.

Việc Đức Bênêđictô qua đời ở tuổi 95 đã được loan báo tại Rôma vào ngày 31 tháng 12. Thi hài của ngài hiện vẫn để trong Tu Viện Mẹ Giáo Hội, và sẽ được quàn tại Đền Thờ Thánh Phêrô từ sáng Thứ Hai, ngày 2 tháng Giêng, để các tín hữu kính viếng.

Trong một tuyên bố bằng văn bản vào sáng ngày 31 tháng 12, Bruni nói: “Tôi vô cùng đau buồn thông báo với các bạn rằng Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI, đã qua đời hôm nay lúc 9h34 tại Tu Viện Mẹ Giáo Hội ở Vatican.”

Bruni sau đó nói với các nhà báo rằng Đức Bênêđictô XVI đã lãnh nhận bí tích xức dầu bệnh nhân vào ngày 28 tháng 12, với sự hiện diện của những người phụ nữ tận hiến đã giúp điều hành gia đình ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm Đức Bênêđictô XVI vào cuối buổi sáng ngày 28 tháng 12, sau buổi tiếp kiến chung hàng tuần của ngài, trong đó ngài xin cầu nguyện cho vị giáo hoàng danh dự “đang bị bệnh nặng”.

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng của ngài trong nhiều năm, đã tháp tùng Đức Giáo Hoàng Danh dự trong những giờ phút cuối cùng, cho biết như sau

“Đức Giáo Hoàng Danh dự đã nói với tôi và với tất cả những người đã đồng hành cùng với ngài trong những giờ cuối cùng của ngài là: Xin hãy cầu nguyện cho tôi! - Tôi muốn chuyển lời yêu cầu này của Đức Giáo Hoàng Danh dự đến tất cả những người mà cái chết của ngài gây xúc động.

Đối với tôi, cái chết của ngài có nghĩa là một mất mát to lớn và cá nhân. Tôi vô cùng biết ơn và đồng thời cũng rất buồn.”

Đức Bênêđictô XVI qua đời được củng cố bằng các Bí Tích Thánh và tràn đầy hy vọng về Nước Thiên Chúa.

Tổ chức Tagespost dành cho Báo chí Công Giáo xin cúi đầu kính trọng và đau buồn sâu sắc trước một vị Giáo hoàng vĩ đại và là vị Thầy vĩ đại của Giáo hội.

Ngay khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng, các quan sát viên đã nhận định rằng vị Tân Giáo Hoàng này có một phẩm chất không chỉ nổi bật trong số các vị Hồng Y mà còn là hiếm hoi trong nhân loại: một trí tuệ thông minh xuất chúng. Thế giới truyền thông đề cập đến trí thông minh sắc bén của ngài “a razor intellect”, trong khi giới khoa bảng tại Cambridge như Piers Paul Read đề cập đến trí thông minh “đáng kinh ngạc của ngài -an amazing intellect”.

Ngài có khả năng đánh giá một khối lượng thông tin lớn lao về thời đại, văn hóa và thế giới chúng ta đang sống và rồi đưa ra đánh giá này trong một thứ ngôn ngữ mà từ quan điểm thuần lý không làm sao thách thức lại được. Ngài nói với một giọng nói đầy quyền lực. Không phải thứ quyền lực chính trị thủ đắc từ cương vị của mình để bắt người ta phải vâng phục, nhưng là quyền lực trí tuệ: một đặc sủng hiếm hoi có sức đánh động người nghe với cùng một lực dù cho họ có cảm tình hay không với quan điểm của người nói.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 không chỉ được nhớ đến như một trí tuệ thông minh xuất chúng. Ngài sẽ được nhớ đến như một Thầy dậy xuất sắc của Giáo Hội không chỉ qua các giáo huấn của ngài mà qua chính cuộc đời của ngài. Ngài yêu mến Giáo Hội và khiêm nhường tột cùng khi quyết định thoái vị vào ngày 11 tháng Hai, 2013 khi nhận thức rõ rằng ngài không còn đủ sức lực tinh thần và thể lý để gánh vác trọng trách mục tử toàn thể Hội Thánh.

Trong những ngày qua, thế giới Công Giáo và ngoài Công Giáo đã tràn ngập những lời cầu nguyện dành cho ngài. Vì thế, Tổ chức Tagespost dành cho Báo chí Công Giáo, do chính Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI thành lập, có một cuốn sổ chia buồn kỹ thuật số hiện đã có trên cổng thông tin điện tử của cơ quan này tại đây https://www.benedictusxvi.com/pope-benedict-xvi?q=%2Fpope-benedict-xvi&cHash=6a44eafd4a2bbf37a76064021087dbfa. Những người muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với cuộc sống và công việc của ngài hoặc nỗi đau của họ có thể làm như vậy. Trang chia buồn mời những người đưa tang cùng cầu nguyện với những lời cầu nguyện cổ điển từ phụng vụ Công Giáo cho người quá cố.

Đồng thời với lời chia buồn bằng văn bản, một ngọn nến “ảo” được thắp lên để tưởng nhớ vị giáo hoàng quá cố.

2. 18 nhà truyền giáo đã thiệt mạng trên thế giới

Vào năm 2022, theo thông tin được thu thập bởi Agenzia Fides, 18 nhà truyền giáo đã thiệt mạng trên thế giới: 12 linh mục, 1 tu sĩ, 3 tu sĩ, 1 chủng sinh, 1 giáo dân. Phân tích theo lục địa cho thấy con số cao nhất được ghi nhận ở Phi Châu, nơi có 9 nhà truyền giáo bị giết (7 linh mục, 2 tu sĩ), tiếp theo là Mỹ Châu Latinh, với 8 nhà truyền giáo bị giết (4 linh mục, 1 tu sĩ, 1 tu sĩ, 1 chủng sinh, 1 giáo dân) và sau đó là từ Á Châu, nơi 1 linh mục bị giết là Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, dòng Đa Minh. Trong những năm gần đây, Phi Châu và Mỹ Châu thay nhau đứng đầu trong bảng xếp hạng thê thảm này: từ 2011 đến 2021 Mỹ Châu đứng đầu bảng trong 8 năm và Phi Châu trong 3 năm 2018, 2019, và 2021. Từ năm 2001 đến 2021, tổng số giáo sĩ bị giết là 526.

Hiện nay, danh sách hàng năm của Fides không chỉ liên quan đến các nhà truyền giáo cho muôn dân theo nghĩa chặt chẽ, mà còn tìm cách ghi lại tất cả các Kitô hữu Công Giáo tham gia vào hoạt động mục vụ theo một cách nào đó, những người đã chết một cách bạo lực, ngay cả khi không rõ ràng là “vì hận thù đức tin”. Vì lý do này, tốt hơn là không sử dụng thuật ngữ “các vị tử đạo”, nhưng là “các nhân chứng”, để không ảnh hưởng đến tiến trình tuyên phong của Giáo Hội. Cũng vậy, chúng tôi sử dụng thuật ngữ “truyền giáo” cho tất cả những người đã được rửa tội, ý thức rằng “nhờ Bí tích Rửa tội đã lãnh nhận, mọi thành phần dân Chúa đã trở thành môn đệ truyền giáo. Mỗi người đã được rửa tội, bất kể chức năng của họ trong Giáo hội và mức độ giáo dục đức tin của họ, là một chủ thể tích cực của việc rao giảng Tin Mừng”

Thông tin ít ỏi về cuộc sống và hoàn cảnh đã gây ra cái chết bạo lực của 18 nhà truyền giáo nam nữ này cho chúng ta những hình ảnh về cuộc sống hàng ngày, ngay cả khi trong những bối cảnh đặc biệt khó khăn, được đánh dấu bằng bạo lực, nghèo đói, thiếu công bằng và tôn trọng sự sống con người. Những người khác ở chung với họ thường chịu chung số phận với những người truyền giáo. Các linh mục bị giết trong khi họ chuẩn bị cử hành Thánh lễ với cộng đồng mà họ lãnh đạo, để bẻ bánh và thánh hiến rượu, sẽ là lương thực và sự sống cho rất nhiều tín hữu. Một nữ tu bác sĩ bị giết khi đang làm nhiệm vụ tại trung tâm y tế của giáo phận, sẵn sàng cứu sống những người khác, và ai biết được nữ tu ấy đã cứu bao nhiêu người trong quá khứ. Một nữ tu thiệt mạng trong một cuộc tấn công khi thực hiện nhiệm vụ: thay vì nghĩ đến việc cứu lấy mạng sống của chính mình, nữ tu ấy lại đi kiểm tra xem tính mạng của các cô gái ở trong ký túc xá có an toàn không. Một giáo dân khác bị giết khi đang trên đường đến nhà thờ để hướng dẫn phụng vụ Lời Chúa cho các tín hữu trong khu vực đó, những người không có linh mục thường trú.

Tất cả những vị bị giết đều sống trong những hoàn cảnh bình thường của con người và xã hội. Các vị chia sẻ cuộc sống hàng ngày với anh chị em của họ, với những rủi ro và nỗi sợ hãi, bạo lực và khó khăn, thiếu thốn, mang những cử chỉ nhỏ bé hàng ngày làm chứng nhân cho niềm hy vọng. Các ngài ban phát các phép bí tích, giúp đỡ người nghèo, chăm sóc trẻ mồ côi và người nghiện ma túy, tham gia vào các dự án phát triển, và mở cửa nhà mình cho bất cứ ai cần đến sự giúp đỡ của các ngài. Và một số vị đã bị giết bởi chính những người mà họ giúp đỡ. Trong nhiều trường hợp các vị thường sinh ra ở cùng một vùng đất nơi họ chết, vì vậy họ không ngây thơ, nhưng bất chấp mọi thứ khuyên bảo, răn đe buộc im lặng, cấm cản không cho tuyên bố đức tin, họ không thể không làm chứng.

Ngày nay, người ta nói nhiều về chủ nghĩa giáo sĩ trị và tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ. Nhưng hãy cẩn thận: cường điệu hóa những biểu hiện hiếm hoi này có nguy cơ xuyên tạc sự thật. Hầu hết các linh mục sống thánh thiện, thanh bần, dấn thân loan báo Tin Mừng, nâng đỡ người nghèo, chống lại bất công. Đó mới là bức tranh thật của Giáo Hội.

3. 14 năm liên tiếp, Mễ Tây Cơ là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất đối với các linh mục

Từ năm 2018 đến năm 2022, khoảng 24 cuộc tấn công hàng tuần vào các nhà thờ và cộng đồng Công Giáo đã được ghi nhận.

Một cuộc điều tra của Trung tâm Đa phương tiện Công Giáo, gọi tắt là CCM, tiết lộ rằng Mexico, trong 14 năm liên tiếp, là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất đối với việc thi hành chức tư tế. Có bảy linh mục bị sát hại trong giai đoạn 2018 đến 2022.

Theo công việc được thực hiện bởi các linh mục Omar Sotelo Aguilar, giám đốc CCM và Guillermo Gazanini Espinosa, điều phối viên giúp các đơn vị điều tra, trong năm qua đã có gần 800 vụ tống tiền, đe dọa và hành hung các linh mục ở Cộng hòa Mexico; Chủ yếu động cơ của những tội ác này có liên quan đến việc lừa đảo và chiếm đoạt bất hợp pháp các nguồn tài nguyên cần thiết từ các nạn nhân được dùng để thi hành chức vụ của mình.

Vào năm 2022, theo các tuyên bố của chính các giám mục, các ngài đã bị cản trở quyền đi lại bởi các trạm kiểm soát tội phạm có tổ chức; một số chi tiết được cung cấp bởi Đức Hồng Y José Francisco Robles Ortega, Tổng Giám mục Guadalajara, Sigifredo Noriega Barceló Giám mục Zacatecas và Rafael Sandoval Sandoval, Giám mục Autlán, là những vị đã tuyên bố rằng các ngài đã bị giam giữ và các băng đảng hoạt động ở phía bắc của bang Jalisco và Zacatecas đòi quyền sử dụng đất từ các cha xứ; Lệ phí có thể chiếm một nửa số tiền thu được từ các quyên góp trong nhà thờ. Đây là nguồn thu nhập chính của nhiều giáo xứ và cộng đồng Công Giáo trong nước.

Từ năm 2018 đến năm 2022, khoảng 24 cuộc tấn công hàng tuần vào các nhà thờ và cộng đồng Công Giáo đã được ghi lại. Trong số này có những vụ cướp thông thường, các cuộc tấn công với mục đích xúc phạm và tấn công trực tiếp vào các linh mục và các nhà lãnh đạo của các cộng đồng Công Giáo, ngoài ra còn có các vụ giết người nhằm vào các giáo sĩ vì nhiều lý do, chủ yếu là những vụ bắt nguồn từ các hoạt động mục vụ của các ngài khi các vị lên tiếng chống bất công, chống lại các băng đảng. Rồi, cũng có các vụ cướp của hoặc một nguyên nhân khác.

Cuối cùng, CCM chỉ ra rằng trong quá trình tổng hợp các vụ tấn công và tội ác chống lại người Công Giáo và giáo dân, không có kết quả cụ thể nào trong các cuộc điều tra tương ứng của các cơ quan chức năng và chỉ một tỷ lệ tối thiểu bị kết án. Có những yếu tố cho phép chúng tôi biết liệu các nạn nhân và gia đình của họ có nhận được công lý và bồi thường thiệt hại hay không.

4. Các nghi thức cho sự ra đi của Đức Bênêđictô có thể là khuôn mẫu cho các cựu giáo hoàng trong tương lai

Khi Đức Giáo Hoàng Grêgôriô thứ 12, vị giáo hoàng cuối cùng thoái vị trước Đức Bênêđíctô, qua đời vào năm 1417, thế giới đã không theo dõi.

Đức Grêgôriô đã thoái vị hai năm trước đó vào năm 1415 và trải qua những ngày còn lại của mình trong bóng tối cách Rôma hàng trăm dặm. Ngài được chôn cất lặng lẽ ở Recanati, một thị trấn gần bờ biển phía bắc Adriatic.

Sẽ rất khác với sự ra đi của Đức Bênêđictô 95 tuổi, người mà Vatican cho biết là đang trong tình trạng nghiêm trọng nhưng ổn định sau khi sức khỏe của ngài đột ngột xấu đi vào dịp Giáng Sinh.

Vatican có những nghi thức phức tạp tỉ mỉ cho những gì xảy ra sau khi một vị giáo hoàng đang trị vì qua đời nhưng không có nghi lễ nào được công chúng biết đến đối với một vị nguyên giáo hoàng.

Sau khi Đức Bênêđíctô qua đời, Vatican ít nhất sẽ phải viết một phần các giao thức mới. Các nguồn tin của Vatican cho biết những giao thức mới có thể là khuôn mẫu cho các Đức Giáo Hoàng khác chọn thoái vị thay vì trị vì suốt đời, bao gồm cả chính Đức Thánh Cha Phanxicô vào một ngày nào đó.

Những giao thức dành cho một vị giáo hoàng qua đời khi đang trị vì bao gồm một hiến pháp dài 30 trang có tên là “Universi Dominici Gregis,” tiếng Latinh có nghĩa là “Mục tử toàn thể dân Chúa,” và “Ordo Exsequiarum Romani Pontificis, “ (Các nghi thức tang lễ cho một Giáo hoàng Rôma) và một sách lễ dầy hơn 400 trang bao gồm phụng vụ, âm nhạc và những lời cầu nguyện.

Các quy tắc đó nói rằng việc chôn cất một giáo hoàng nên diễn ra trong khoảng từ bốn đến sáu ngày sau khi ngài qua đời như một phần của thời gian để tang kéo dài 9 ngày được gọi là Novendiale.

Các quan chức Vatican, những người phát biểu với điều kiện giấu tên vì họ không được phép thảo luận những vấn đề như vậy, cho biết kịch bản về sự ra đi của Đức Bênêđictô sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố chính: Đức Bênêđictô có để lại bất kỳ chỉ thị và quyết định nào mà Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đồng ý thực hiện hay không.

Một quan chức Vatican cho biết Đức Phanxicô thường ca ngợi người tiền nhiệm của mình là một vị giáo hoàng vĩ đại đã can đảm thoái vị, vì vậy ngài có thể muốn tiễn biệt Đức Bênêđictô theo nghi thức long trọng nhất có thể, và như thế ngài sẽ hoan hỉ thực thi tất cả các ước muốn của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.

Vị giáo hoàng cuối cùng qua đời, là Thánh Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô II, được chôn cất vào ngày 8 tháng 4 năm 2005, sáu ngày sau khi ngài qua đời. Đầu tiên, thi thể của ngài được đặt trong Sảnh đường Clêmentinô có bích họa dành cho các nhân viên Tòa Thánh và sau đó được chuyển đến Đền Thờ Thánh Phêrô cho công chúng.

Hàng triệu người đã xếp hàng hàng giờ để được gặp ngài, trong sự kiện có lẽ là lớn nhất trong lịch sử Vatican. Đông đảo các quốc vương cũng như tổng thống đã tham dự tang lễ của ngài.

Đầu tiên ngài được chôn cất trong hầm mộ dưới Đền Thờ Thánh Phêrô và sau đó được chuyển đến một nhà nguyện ở tầng chính của đại đền thờ này vào năm 2011 sau khi ngài được tuyên Chân Phước.

Các nguồn tin cho biết nhiều người muốn tỏ lòng kính trọng với Đức Bênêđíctô, là người đã kế vị Đức Gioan Phaolô năm 2005 và đã thoái vị vào năm 2013, vì vậy có thể sẽ có một thời gian để dân chúng tỏ lòng ngưỡng mộ.

Vào năm 2020, người viết tiểu sử được ủy quyền của Đức Bênêđíctô, Peter Seewald, được trích dẫn nói với tờ báo Passauer Neue Presse của Bavaria rằng vị giáo hoàng danh dự đã chuẩn bị một di chúc thiêng liêng nói rằng ngài muốn được chôn cất trong cùng một hầm mộ nơi Đức Gioan Phaolô II đã an nghỉ ban đầu.

Đức Bênêđíctô, với tư cách là Niên Trưởng Hồng Y Đoàn, đã chủ trì lễ tang của Đức Gioan Phaolô II vào năm 2005 tại quảng trường Thánh Phêrô và Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ chủ trì lễ tang của Đức Bênêđíctô.

Sau cái chết của một giáo hoàng đang trị vì, người phụ trách các công việc bình thường tại Vatican cho đến khi bầu chọn giáo hoàng mới là Hồng Y Nhiếp Chính.

Vị trí hiện do Hồng Y người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan Kevin Farrell nắm giữ nhưng vì Giáo hội có một giáo hoàng và sẽ không có mật nghị bầu chọn người khác nên Farrell sẽ không có vai trò gì cả khi Đức Bênêđíctô ra đi.

Hầu hết công việc, bao gồm cả việc lên chương trình cho một sự kiện chưa từng có trong lịch sử Vatican, sẽ do Đức ông Diego Ravelli, người chủ trì các nghi lễ của Đức Giáo Hoàng đảm trách.
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây