Giáo Lý về Thánh Giuse: Bài 6-7-8-9 về Thánh Giuse

Thứ bảy - 29/01/2022 05:32

Giáo Lý về Thánh Giuse: Bài 6. Thánh Giuse, cha nuôi của Chúa Giêsu

Thứ tư - 05/01/2022 23:58
Bài giáo lý thứ 6 về Thánh Giuse của Đức Giáo hoàng Phanxicô, sáng thứ 4 ngày 05/01/2022 tại Vatican. Trong bài giáo lý hôm nay, ĐGH tập trung về chủ đề: Thánh Giuse, cha nuôi của Chúa Giêsu
 
2022 01 05 giao ly thu 6 ve thanh giuse
Anh chị em thân mến

Hôm nay chúng ta sẽ suy gẫm về Thánh Giuse là cha của Chúa Giêsu. Các thánh sử Matthêu và Luca trình bày Thánh Giuse như người cha nuôi của Chúa Giêsu chứ không phải là cha ruột. Thánh Matthêu xác định rõ, bằng cách tránh dùng công thức “sinh ra”, được sử dụng cho tất cả tổ tiên của Chúa Giêsu trong gia phả; ngài xác định Giuse là “chồng bà Maria, là người sinh ra Chúa Giêsu được gọi là Đấng Kitô” (1,16). Trong khi Luca khẳng định rằng Thánh Giuse là cha của Chúa Giêsu “như thiên hạ nghĩ” (Lc 3, 23), tức ngài xuất hiện với tư cách là một người cha.

Để hiểu được mối quan hệ cha con hợp pháp hay theo luật của Thánh Giuse, cần phải nhớ rằng vào thời cổ đại, ở Đông Phương, thể chế qui định nhận con nuôi rất thường xuyên, nhiều hơn so với thời đại của chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ đến trường hợp phổ biến ở Israel được trình bày trong sách Đệ Nhị Luật: “Khi có những anh em ở chung với nhau, và một trong những người đó chết mà không có con trai, thì vợ của người chết không được lấy một người xa lạ, ngoài gia đình; một người anh em chồng sẽ đến với nàng, lấy nàng làm vợ và chu toàn bổn phận của một người anh em chồng đối với nàng. Đứa con đầu lòng nàng sinh ra sẽ duy trì tên của người anh em đã chết; như vậy tên của người chết sẽ không bị xoá khỏi Israel” (Đnl 25, 5-6). Nói cách khác, cha mẹ của đứa trẻ này là anh rể, nhưng người cha hợp pháp vẫn là người đã khuất, là người cho đứa trẻ mới sinh thừa hưởng mọi di truyền. Mục đích của luật này gồm hai mặt: đảm bảo cho dòng dõi người đã khuất và bảo tồn tài sản.

Với tư cách là người cha chính thức của Chúa Giêsu, Thánh Giuse thực hiện quyền đặt tên cho con trai mình, công nhận đứa trẻ về mặt pháp lý. Ngài là cha về mặt pháp lý, nhưng cách chung không phải là người đã sinh ra Chúa Giêsu.

Trong thời cổ đại, cái tên là bản trích yếu danh tính của một người. Thay đổi tên có nghĩa là thay đổi chính mình, như trong trường hợp của Ápram, được Thiên Chúa đổi tên thành “Abraham”, nghĩa là “cha của mọi người”, “bởi vì – như sách Sáng thế nói – ông sẽ là cha của nhiều dân tộc” (17,5). Cũng vậy đối với Giacóp, người được gọi là “Israel”, nghĩa là “người vật lộn với Chúa”, bởi vì ông đã chiến đấu với Chúa để buộc Người phải chúc lành cho ông (x. St 32,29; 35,10).

Nhưng trên hết, đặt tên cho một người hay cho cái gì đó có nghĩa là khẳng định chủ quyền trên những gì được đặt tên, như Ađam đã làm khi đặt tên cho muôn vật (x. St 2,19-20).

Thánh Giuse đã biết rằng, đối với người con của Maria, Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn một cái tên – tên Giêsu do người cha đích thực của Chúa Giêsu là Thiên Chúa đặt cho – tên Giêsu, nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”, như Sứ thần giải thích “vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi mọi tội lỗi” (Mt 1, 21). Khía cạnh đặc biệt này liên quan đến hình ảnh của Thánh Giuse cho phép chúng ta hôm nay suy tư về tình phụ tử và mẫu tử. Và tôi nghĩ rằng điều này rất quan trọng: hôm nay hãy nghĩ về tình phụ tử. Bởi vì chúng ta đang sống trong thời đại nổi danh mồ côi. Thật lạ lùng: nền văn minh của chúng ta là một nền văn minh mồ côi, và chúng ta cảm thấy đây là trại mồ côi. Hình ảnh của Thánh Giuse giúp chúng ta hiểu được cách giải quyết cảm giác là một cô nhi mà ngày nay đang khiến chúng ta đau khổ rất nhiều.

Sinh một người con vào lòng thế giới để được gọi là cha mẹ của nó vẫn chưa đủ. “Những người cha không được sinh ra, nhưng họ được trở thành cha. Và họ không trở thành cha chỉ vì sinh ra một đứa con trong thế gian, nhưng vì họ là người đảm nhận trách nhiệm chăm sóc đứa trẻ ấy. Bất cứ khi nào một người nhận trách nhiệm về cuộc sống của người khác, theo một nghĩa nào đó, họ trở thành cha của người ấy" (Tông thư Patris corde). Tôi nghĩ cách riêng đối với tất cả những người mở lòng đón nhận sự sống qua con đường nhận con nuôi, đó là một thái độ thật quảng đại và cao đẹp. Thánh Giuse cho chúng ta biết rằng mối dây liên kết kiểu này không phải là thứ yếu, không phải là tạm bợ. Kiểu chọn lựa này là một trong những hình thức cao nhất của tình yêu, của tình phụ-mẫu. Biết bao đứa trẻ trên thế giới đang đợi ai đó chăm sóc chúng! Và biết bao đôi vợ chồng mong ước được làm cha làm mẹ nhưng không thành vì lý do sinh học; hoặc dù đã có con nhưng họ vẫn muốn chia sẻ tình cảm gia đình với những người không có được nó. Đừng sợ khi chọn con đường nhận con nuôi, là con đường chấp nhận “rủi ro”. Và ngày nay, cũng có một sự ích kỷ nào đó đối với thân phận mồ côi. Hôm trước, tôi đã nói về mùa đông nhân khẩu đang có ở thời đại này: nhiều người không muốn có con, hay chỉ duy nhất một đứa thôi. Nhiều cặp vợ chồng không sinh con vì họ không muốn hay chỉ muốn sinh một đứa vì họ không muốn có thêm nữa, thế nhưng họ có hai con chó, hai con mèo... Đúng vậy, chó và mèo thế chỗ của con cái. Thật buồn cười, tôi hiểu, nhưng đó là sự thật. Và việc từ bỏ thiên chức làm cha mẹ làm giảm giá trị và lấy đi nhân tính của chúng ta. Một nền văn minh như thế trở nên quá già cỗi và không có nhân văn, vì sự phong phú của tình phụ mẫu bị mất đi. Và tổ quốc đau khổ vì không có con cái – như có người đã từng nói hơi hài hước “và ai sẽ trả thuế cho tiền hưu của tôi, khi mà không có con cái? Ai sẽ chăm sóc cho tôi đây?”, người đó cười, nhưng đây là sự thật. Tôi cầu xin Thánh Giuse ơn thức tỉnh lương tâm và suy nghĩ về điều này: về việc sinh con cái. Tình phụ mẫu là sự viên mãn của cuộc sống con người. Anh chị em hãy nghĩ điều này. Thực vậy, có tình phụ mẫu thiêng liêng đối với những người dâng hiến cho Thiên Chúa; nhưng những người sống giữa đời và lập gia đình phải nghĩ đến chuyện sinh con, sinh ra cuộc sống, vì chúng sẽ là những người vuốt mắt bạn, sẽ bận tâm đến tương lai của bạn. Và thậm chí nếu không thể sinh con, anh chị em hãy nghĩ đến việc nhận con nuôi. Đó là một rủi ro, đúng: có một đứa con luôn là một rủi ro, con đẻ và kể cả con nuôi. Nhưng rủi ro hơn khi không có đứa con nào. Sẽ rủi ro hơn khi phủ nhận tình phụ mẫu, tình phụ mẫu thực và thiêng liêng. Hai người nam nữ tự ý không phát triển ý thức về tình phụ mẫu thì họ đang thiếu cái gì đó chính yếu và quan trọng.

Anh chị em hãy suy nghĩ về điều này. Tôi mong rằng các thể chế luôn sẵn sàng trợ giúp việc nhận con nuôi, bằng cách quan tâm hết sức nhưng cũng phải đơn giản hóa tiến trình cần thiết để biến giấc mơ cần có một gia đình của nhiều trẻ nhỏ trở thành hiện thực, và nhiều đôi vợ chồng mong ước dấn thân cho tình yêu.

Cách đây không lâu, tôi đã nghe được lời chứng của một người, một bác sĩ, hai vợ chồng không có con nên họ quyết định nhận con nuôi. Đến thời điểm nhận con, họ trao cho gia đình ông một đứa trẻ và nói: “chúng tôi không biết sức khỏe của đứa trẻ này như thế nào. Dường như nó có bệnh”. Và khi đã nhìn thấy đứa trẻ ông ấy nói: “Nếu bạn hỏi tôi điều này trước khi vào đây, có lẽ tôi nói không. Nhưng tôi đã gặp được nó: tôi sẽ đưa nó theo”. Đây là ước muốn được làm cha, làm mẹ cho dù là con nuôi. Anh chị em đừng sợ điều này.

Tôi cầu nguyện để không một ai cảm thấy thiếu thốn tình cảm cha con, và cho những người đau yếu trong cảnh mồ côi tiếp tục tiến bước mà không có cảm giác tồi tệ như vậy. Nguyện xin Thánh Giuse thực thi việc che chở và giúp đỡ của ngài cho các cô nhi; và xin thánh Giuse chuyển cầu cho các cặp vợ chồng đang mong được sinh con. Vì lý do này chúng ta cùng cầu nguyện:

Lạy Thánh Cả Giuse

Ngài đã yêu thương Chúa Giêsu bằng tình yêu hiền phụ
xin ở bên những đứa trẻ không có gia đình
và đang mong ước có được cha mẹ.
Xin nâng đỡ các đôi vợ chồng không thể có con
giúp họ khám phá ra một chương trình rộng lớn hơn qua nỗi đau này.
Xin đừng để một ai thiếu gia đình, thiếu tình cảm,
thiếu người chăm sóc họ;
và xin cứu chữa lòng ích kỷ của những người khép mình với cuộc sống
để họ mở rộng tâm hồn cho tình yêu.
Giáo lý về Thánh Giuse - Bài 7. Thánh Giuse, người thợ mộc

 

Anh chị em thân mến

Thánh sử Matthêu và Marcô xác định Thánh Giuse là “thợ mộc” hay “thợ gỗ”. Ít phút trước chúng ta đã nghe dân làng Nazareth, sau khi nghe Chúa Giêsu nói, đã tự vấn: “người này chẳng phải là con của bác thợ mộc sao?” (Mt 13, 55; Mc 6,3). Chúa Giêsu làm nghề của cha mình. 

Thuật từ Tekton, trong tiếng Hy Lạp, được dùng để ám chỉ đến công việc của Thánh Giuse, được dịch theo nhiều nghĩa khác nhau. Các giáo phụ Latinh của Giáo hội đã dịch nó theo nghĩa “thợ mộc”. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng ở Palestine vào thời Chúa Giêsu, gỗ không chỉ được dùng để làm cày và các đồ nội thất khác nhau, nó còn đùng để xây nhà, có khung bằng gỗ và mái bậc thang làm bằng xà, rầm được đan kết với nhánh cây và đất. 

Do đó, “thợ gỗ” hay “thợ mộc” là chung một nghề, ám chỉ cả thợ mộc và thợ thủ công tham gia vào các hoạt động liên quan đến xây dựng. Một công việc khá vất vả, phải làm việc với các vật liệu nặng như gỗ, đá và sắt. Xét về khía cạnh kinh tế thì việc này không bảo đảm cho thu nhập cao, như có thể suy ra từ sự kiện Đức Maria và Thánh Giuse, khi dâng Chúa Giêsu trong đền thờ, chỉ dâng một đôi chim gáy hoặc cặp bồ câu (x Lc 2, 24), như Luật đã qui định cho người nghèo (xem Lv 12 : 8 ).

Vì vậy, cậu bé Giêsu đã học nghề này từ cha mình. Cho nên, khi lớn lên, lúc Ngài bắt đầu rao giảng, những người dân trong làng đã kinh ngạc và tự hỏi : "Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?” (xem câu 53), và họ đã vấp ngã vì Ngài (v. 57), bởi vì ông ta là con bác thợ mộc nhưng lại ăn nói như một tiến sĩ luật, và họ đã vấp ngã vì điều này.

Sự kiện liên quan đến tiểu sử của Thánh Giuse và Chúa Giêsu khiến tôi liên tưởng đến tất cả những người lao động trên thế giới, đặc biệt những người đang làm việc vất vả trong hầm mỏ và trong một số nhà máy; những người bị bóc lột khi làm việc chui; những nạn nhân lao động; những đứa trẻ buộc phải làm việc như lục lọi trong các bãi rác mong tìm thứ gì đó còn dùng được để đổi chác... Cho phép tôi nhắc lại điều mà tôi đã nói: các công nhân giấu mặt, những công nhân làm việc vất vả trong các hầm mỏ, trong các nhà máy nào đó : chúng ta hãy nghĩ đến họ. Đối với những người bị bóc lột bằng lao động chui, những người được trả lương lậu, giấu mặt, không có lương hưu, không có gì hết. Nếu không làm việc, bạn, không được an toàn. Lao động chui ngày nay rất nhiều. 

Chúng ta hãy nghĩ đến những nạn nhân lao động, vì tai nạn lao động; Với các trẻ em bị buộc phải làm việc: điều này thật khủng khiếp. Các em trong độ tuổi vui chơi lẽ ra chúng phải chơi, thay vào đó chúng buộc phải làm việc như người lớn. Chúng ta hãy nghĩ đến các trẻ em này, thật tội nghiệp, phải lục tung trong các bãi rác mong tìm được cái gì đó hữu dụng để đổi chác. Tất cả những người này là anh chị em của chúng ta, họ kiếm sống bằng cách này cách khác, bằng những công việc vốn không nhìn nhận phẩm giá của họ. Chúng ta hãy nghĩ đến điều này. Nó đang xảy ra trong thế giới hôm nay! 

Tôi cũng nghĩ đến những người không có việc làm: biết bao nhiêu người đã đến gõ cửa các nhà máy, hãng xưởng: “Ở đây có gì để làm không?” _  “không, không có, không có”. Thiếu việc làm!

Tôi cũng nghĩ đến những người cảm thấy nhân phẩm của mình bị tổn thương, bởi vì họ không tìm được việc làm. Họ về nhà: “Bạn tìm được việc gì không” – “Không, không có... tôi đã đến Caritas và lấy một cái bánh mì”. Điều mang lại phẩm giá cho bạn không phải là mang cái bánh mì về nhà. Bạn có thể nhận nó từ Caritas: không, điều này không đem lại phẩm giá cho bạn. Điều đem lại cho bạn phẩm giá đó là tìm kiếm được của ăn, và nếu chúng ta không ban phát cho dân của mình, những người nam nữ, khả năng tìm được của ăn, đó là một sự bất công xã hội tại nơi đó, ở quốc gia đó, lục địa đó. Các nhà cầm quyền phải cung cấp cho mọi người khả năng kiếm được của ăn, bởi vì khả năng tìm kiếm này đem lại phẩm giá cho họ. 

Nhiều người trẻ, nhiều bậc cha mẹ trải qua thử thách không có việc làm vốn cho phép họ sống yên ổn, sống qua ngày. Nhiều khi tìm kiếm việc làm trở nên gây cấn đến mức khiến họ mất hết hy vọng và khát vọng sống. Trong thời gian đại dịch này nhiều người mất việc – chúng ta biết điều đó – một số người bị nghiền nát bởi sức ép không thể chịu nổi, đến mức tự kết liễu đời mình. 

Hôm nay tôi muốn tưởng nhớ đến từng người trong số họ và gia đình của họ. Chúng ta thinh lặng một chút để nhớ đến những người đang tuyệt vọng vì không tìm được việc làm.

Chưa nói đến một thực tế rằng công việc là thành phần thiết yếu trong đời sống con người, và cả trong con đường nên thánh. Công việc không chỉ là phương tiện để kiếm sống: đó còn là nơi chúng ta thể hiện bản thân, cảm thấy mình có ích, và chúng ta học được bài học lớn về tính cụ thể, giúp cho đời sống tinh thần không trở thành chủ nghĩa duy linh. Tuy nhiên, thật không may, lao động thường trở thành con tin của bất công xã hội và thay vì là một phương tiện nhân bản nó lại trở thành một thực thể ngoại vi. Nhiều khi tôi tự hỏi: Chúng ta làm công việc hàng ngày với tinh thần nào? Làm thế nào để chúng ta đối phó với mệt nhọc? Chúng ta có thấy công việc của mình chỉ liên quan đến vận mệnh của chính mình hay với vận mệnh của người khác không? Trên thực tế, công việc là một cách thể hiện nhân cách của chúng ta, bản chất của nó là mối liên hệ. Làm việc cũng là cách thể hiện tính sáng tạo của chúng ta: mỗi người đều làm việc theo cách của mình, với phong cách của mình; cùng một công việc nhưng với một phong cách khác.

Thật tuyệt khi nghĩ rằng chính Chúa Giêsu đã làm việc và học nghề này từ chính Thánh Giuse. Hôm nay chúng ta phải tự hỏi mình rằng chúng ta có thể làm gì để phục hồi giá trị của công việc; và với tư cách là Giáo hội, chúng ta có thể đóng góp gì để nó được giải phóng khỏi cái logic của lợi nhuận đơn thuần và có thể được sống như một quyền và nghĩa vụ cơ bản của con người, vốn thể hiện và nâng cao phẩm giá của mình.

Anh chị em thân mến, về tất cả những điều này, hôm nay tôi muốn cùng anh chị em đọc lại lời cầu nguyện mà Thánh Phaolô VI đã dâng lên Thánh Giuse vào ngày 1 tháng 5 năm 1969 :

Lạy thánh Cả Giuse
Quan thầy của Giáo hội
ngài đã ở bên cạnh Ngôi Lời Nhập Thể,
đã làm việc mỗi ngày để kiếm của ăn
và kín múc từ Ngôi Lời sức mạnh để sống và làm việc chăm chỉ;
ngài đã trải qua nỗi lo lắng cho tương lai,
sự cay đắng của nghèo đói, sự bấp bênh của công việc:
Ngày nay, ngài chiếu tỏa gương sáng của ngài,
khiêm hạ trước mặt người đời
nhưng cao trọng trước mặt Thiên Chúa:
xin gìn giữ những người lao động trong cuộc sống khó khăn hằng ngày của họ,
bảo vệ họ khỏi bị ngã lòng,
khỏi nổi loạn cách tiêu cực,
và khỏi bị cám dỗ yêu thích khoái lạc;
và xin giữ hòa bình trên thế giới,
hòa bình mà chỉ nó mới có thể bảo đảm sự phát triển của các dân tộc. Amen.
 

 

 

Giáo lý về Thánh Giuse. Bài 8: Thánh Giuse, người cha hiền dịu

Thứ năm - 20/01/2022 12:09


Trong bài Giáo lý về Thánh Giuse sáng thứ Tư ngày 19/01/2022, Đức Thánh cha Phanxicô cho thấy Thánh Giuse đã ảnh hưởng rất nhiều trên cuộc đời của Chúa Giêsu. Như Thiên Chúa đã làm với Israel, Thánh Giuse cũng đã làm với Chúa Giêsu: “ngài dạy bước đi, cầm lấy tay; đối xử như một người cha nâng đứa trẻ lên tận má mình, cúi xuống và cho ăn” (x. Hs 11,3-4) (Patris corde, 2). Qua Thánh Giuse, cho chúng ta thấy được hình ảnh của Thiên Chúa là Cha, là Đấng yêu thương. Ngài không sợ tội lỗi của chúng ta, những sai lầm của chúng ta. Thiên Chúa chỉ sợ chúng ta khép cánh cửa tâm hồn, mãi mãi xa lìa Ngài.
Anh chị em thân mến!

Hôm nay tôi muốn đào sâu hình ảnh của Thánh Giuse như một người cha hiền dịu.
 
Trong Tông thư Patris corde (ngày 8 tháng 12 năm 2020), tôi đã có cơ hội suy tư về khía cạnh hiền dịu này, một khía cạnh thuộc nhân cách của Thánh Giuse. Thực ra, dù các Tin mừng không cho chúng ta biết bất kỳ chi tiết nào về cách mà thánh nhân thực thi tình phụ tử của mình, tuy vậy, chúng ta có thể tin chắc rằng việc Thánh Giuse là người “công chính” cũng đã được diễn tả qua nền giáo dục mà ngài đã dành cho Chúa Giêsu. Tin mừng kể: Thánh Giuse đã chứng kiến Chúa Giêsu lớn lên từng ngày “về khôn ngoan, vóc dạng và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta” (Lc 2,52). Như Thiên Chúa đã làm với Israel, Thánh Giuse cũng đã làm với Chúa Giêsu: “ngài dạy bước đi, cầm lấy tay; đối xử như một người cha nâng đứa trẻ lên tận má mình, cúi xuống và cho ăn” (x. Hs 11,3-4) (Patris corde, 2). Định nghĩa này trong Kinh thánh thật hay, nó khiến ta thấy được mối tương quan giữa Thiên Chúa với dân tộc Israel. Và chúng ta nghĩ rằng mối tương quan đó cũng chính là mối tương quan giữa Thánh Giuse với Chúa Giêsu.
 
Các sách Tin mừng xác nhận rằng Chúa Giêsu luôn dùng từ “cha” để nói về Thiên Chúa và về tình yêu của Ngài. Rất nhiều dụ ngôn có nhân vật chính như hình ảnh của một người cha. Trong số những hình ảnh nổi tiếng đó chắc chắn có hình ảnh người Cha nhân hậu, được thánh sử Luca kể lại (x. Lc 15, 11-32). Trong chính dụ ngôn này không chỉ nhấn mạnh kinh nghiệm về tội lỗi và về người cha, mà còn nhấn mạnh đến cách thức mà qua đó sự tha thứ đến với người sai lỗi. Bản văn kể: “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (c. 20). Người con mong đợi một sự trừng phạt, công bằng mà nói có thể trao cho anh vị trí của một người tôi tớ, nhưng rồi anh thấy mình được bao bọc trong vòng tay của cha. Sự hiền dịu là một cái gì đó rất tuyệt vời so với logic của thế giới. Đó là một cách thực thi công lý đầy bất ngờ. Cho nên chúng ta đừng bao giờ quên rằng Thiên Chúa không khiếp sợ những lỗi tội của chúng ta, Ngài là Đấng rộng lượng hơn tội lỗi của chúng ta: Ngài là người Cha, là Đấng yêu thương, là sự dịu dàng. Ngài không sợ tội lỗi của chúng ta, lỗi lầm của chúng ta, những sa ngã của chúng ta, nhưng Ngài sợ con tim khép kín của chúng ta – đúng thế, điều này khiến Ngài đau khổ - Ngài sợ chúng ta thiếu niềm tin vào tình yêu của Ngài. Có một sự dịu dàng lớn lao trong kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa. Và thật tuyệt vời khi nghĩ rằng người đầu tiên truyền lại thực tế này cho Chúa Giêsu chính là Thánh Giuse. Thực vậy, những gì của Thiên Chúa luôn đến với chúng ta qua trung gian là kinh nghiệm nhân loại.
 
Cách đây một thời gian – không biết tôi đã kể chuyện này chưa – một nhóm các bạn trẻ biểu diễn nghệ thuật sân khấu, một nhóm nhạc pop trẻ bị đánh động bởi dụ ngôn về người cha nhân hậu này và đã quyết định diễn vỡ nhạc kịch về chủ đề này, với câu chuyện này. Họ đã trình bày rất tốt. Toàn bộ vỡ diễn, ở đoạn cuối, một người bạn nghe người con rời bỏ nhà cha mình tâm sự rằng, anh muốn trở về nhà nhưng lo sợ cha sẽ đuổi anh ra ngoài và trừng phạt anh. Người bạn nói với anh ta, qua vỡ opera nhạc pop: “Hãy gửi một sứ giả và nói rằng bạn muốn về nhà, và nếu cha đón nhận bạn thì cha hãy treo chiếc khăn tay trên cửa sổ, chiếc khăn mà bạn sẽ được nhìn thấy khi vừa di chuyển đoạn đường cuối”. Vậy là điều đó được thực hiện. Và vỡ opera, với những bài ca, điệu vũ tiếp tục cho đến giây phút người con rẽ vào con đường cuối cùng và đã nhìn thấy ngôi nhà. Khi anh ngước mắt lên nhìn thấy ngôi nhà đầy những chiếc khăn màu trắng. Không phải một chiếc mà là 3-4 chiếc trên mỗi cánh cửa. Lòng thương xót của Thiên Chúa là như thế. Ngài không sợ quá khứ, không sợ những điều tồi tệ của chúng ta: Ngài chỉ sợ chúng ta khép lòng mình. Tất cả chúng ta đều có thể tính sổ; nhưng tính sổ đối với Chúa là một điều rất tuyệt vời, bởi vì chúng ta lại bắt đầu nói chuyện và Ngài ôm ấp chúng ta. Đó là sự hiền dịu.
 
Giờ đây chúng ta có thể tự hỏi rằng nếu bản thân chúng ta đã từng trải nghiệm được sự hiền dịu này, vậy liệu đến lượt mình chúng ta có trở thành những chứng nhân hay không. Thực vậy, sự hiền dịu trước hết không phải là vấn đề tình cảm hay cảm xúc: đó là kinh nghiệm qua việc cảm nhận mình được yêu thương và đón nhận một cách thực sự trong sự nghèo khó và khốn khổ của mình, và vì vậy được tình yêu của Thiên Chúa biến đổi.
 
Thiên Chúa không chỉ tin cậy dựa trên những tài năng của chúng ta, nhưng còn dựa trên những yếu đuối được cứu chuộc của chúng ta. Chẳng hạn điều này đã khiến thánh Phaolô nói rằng cũng có một kế hoạch thực hiện qua sự yếu đuối của con người. Thực vậy, thánh Phaolô đã viết cho cộng đoàn Côrintô: “Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: "Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cor 12, 7-9). Thiên Chúa không lấy đi mọi yếu đuối của chúng ta, nhưng giúp chúng ta bước đi cùng với những yếu đuối, bằng cách nắm tay chúng ta. Ngài nắm lấy những yếu đuối của chúng ta và ở bên cạnh chúng ta. Đây là sự hiền dịu.
 
Kinh nghiệm về sự hiền dịu cốt ở chỗ nhìn thấy được quyền năng của Thiên Chúa thể hiện chính xác qua điều khiến chúng ta trở nên mong manh nhất; tuy nhiên, với điều kiện là chúng ta hoán cải tránh xa cái nhìn của Kẻ Ác, là kẻ “khiến chúng ta nhìn thấy và lên án sự yếu đuối của mình”, trong khi Chúa Thánh Thần “đem nó ra ánh sáng bằng sự hiền dịu”. (Patris corde, 2). “Sự hiền dịu là cách tốt nhất để chạm vào sự yếu đuối bên trong chúng ta. […] Anh chị em hãy nhìn cách mà các y tá chạm vào những vết thương của các bệnh nhân: với sự nhẹ nhàng không làm cho họ đau đớn thêm. Và cũng vậy, Thiên Chúa chạm vào những vết thương bằng sự hiền dịu của Ngài. Đó là lý do tại sao việc gặp gỡ lòng thương xót của Thiên Chúa, đặc biệt là trong bí tích Hòa giải, trong lời cầu nguyện riêng tư với Chúa, khiến chúng ta cảm nghiệm được sự thật và sự dịu dàng của Ngài là điều rất quan trọng. Nghịch lý thay, Kẻ Ác cũng có thể nói sự thật với chúng ta: nó là kẻ lừa dối, nhưng cố dàn xếp để nói cho chúng ta sự thật ngõ hầu đưa chúng ta đến sự dối trá; nhưng nó làm vậy là để kết án chúng ta. Trái lại, Chúa nói cho chúng ta sự thật và đưa tay cứu độ chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Sự thật đến từ Thiên Chúa không để lên án chúng ta, nhưng đón nhận, ôm ấp, nâng đỡ và tha thứ cho chúng ta” (Patris corde, 2). Thiên Chúa luôn tha thứ: Chúng ta là những người mệt mỏi cầu xin ơn tha thứ nhưng Ngài luôn tha thứ, ngay cả những điều tồi tệ nhất.
 
Thật tuyệt vời cho chúng ta khi so chiếu mình với tình phụ tử của Thánh Giuse, là tấm gương phản chiếu tình phụ tử của Thiên Chúa, và chúng ta tự hỏi xem liệu chúng ta có để cho Chúa yêu thương bằng sự hiền dịu của Ngài, có để cho Ngài biến đổi mỗi người chúng ta thành những con người có khả năng yêu thương theo cách này hay không. Nếu không có “cuộc cách mạng về sự hiền dịu” này, - cần một cuộc cách mạng về sự hiền dịu! - chúng ta có nguy cơ bị giam cầm trong một công lý không cho phép chúng ta dễ dàng trỗi dậy và nó gây nhầm lẫn giữa sự cứu chuộc với trừng phạt. Vì thế, cách đặc biệt, hôm nay tôi muốn tưởng nhớ đến các anh chị em của chúng ta đang ở trong tù. Họ đúng là những người đã làm sai nên phải trả giá cho lỗi lầm của mình, nhưng thực sự những người đã làm sai cũng có thể chuộc lại lỗi lầm của mình. Chúng ta không thể là những người lên án mà không có những cánh cửa hy vọng. Bất kỳ sự lên án nào cũng luôn có cánh cửa hy vọng. Chúng ta hãy nghĩ đến những anh chị em của mình đang bị cầm tù, và hãy nghĩ đến sự dịu dàng của Thiên Chúa dành cho họ và cầu nguyện cho họ, để họ có thể tìm thấy nơi cánh cửa hy vọng đó một lối thoát để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chúng ta kết thúc bài giáo lý hôm nay bằng lời nguyện này:

Lạy Thánh Giuse, người cha hiền dịu,

xin dạy chúng con biết chấp nhận rằng chúng con được yêu thương ngay trong chính sự yếu đuối nhất của chúng con.
Xin đừng để chúng con đặt ra trở ngại nào giữa sự nghèo khổ của chúng con và tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa.
Xin khơi dậy trong lòng chúng con khát khao đến với Bí tích Hòa giải
để chúng con được tha thứ và cũng có khả năng yêu thương dịu dàng
những anh chị em nghèo khổ của chúng con.
Xin gần gũi những người lầm lạc và đang phải trả giá cho điều đó;
Xin giúp họ tìm thấy công lý cùng với sự dịu dàng để họ có thể bắt đầu lại.
Và xin dạy cho họ biết rằng cách đầu tiên để bắt đầu lại là chân thành xin ơn tha thứ, để cảm nghiệm sự hiền dịu của Chúa Cha. Amen.

Giáo Lý Về Thánh Giuse: Bài 9. Thánh Giuse, người của “giấc mộng”

Thứ tư - 26/01/2022 22:46

Trong bài giáo lý về Thánh Giuse hôm nay, ĐTC đã khai triển về sự kiên định của thánh Giuse trong việc lắng nghe tiếng Chúa. Nhờ lắng nghe tiếng Chúa và để Chúa hướng dẫn, Thánh Giuse đã vượt qua được những thử thách cách anh hùng. ĐTC mời gọi mọi người, đặc biệt các bậc làm cha mẹ bắt chước Thánh Giuse biết nhận ra tiếng Chúa giữa những âm thanh khác nhau trong cuộc sống. Thiên Chúa không bao giờ cho phép một vấn đề nào xảy ra mà không cho chúng ta một sự giúp đỡ cần thiết để đối mặt.

Anh chị em thân mến

Hôm nay tôi muốn tập trung vào hình ảnh Thánh Giuse như một người của giấc mộng. Theo Kinh thánh, cũng như trong nền văn hóa của các dân tộc cổ đại, giấc mộng được coi là phương tiện qua đó Thiên Chúa tự mạc khải mình.[1] Giấc mộng tượng trưng cho đời sống thiêng liêng của mỗi người chúng ta, đó là không gian nội tâm mà mỗi người được kêu gọi để vun trồng và bảo vệ, là nơi Thiên Chúa tỏ mình và thường xuyên nói chuyện với chúng ta. Nhưng chúng ta cũng phải nói rằng bên trong mỗi người không chỉ có tiếng nói của Chúa mà còn có nhiều tiếng nói khác nữa. Ví dụ, tiếng nói của những nỗi sợ hãi, tiếng nói của những kinh nghiệm trong quá khứ, tiếng nói của hy vọng, và còn có cả tiếng nói của những kẻ xấu muốn lừa gạt chúng ta và làm cho chúng ta hoang mang. Do đó, điều quan trọng là có thể nhận ra tiếng Chúa giữa những âm thanh khác nhau. Thánh Giuse chứng tỏ rằng ngài biết cách trau dồi sự thinh lặng cần thiết, và nhất là đưa ra những quyết định đúng trước Lời Chúa đang nói với ngài trong lòng. Hôm nay, sẽ rất tốt cho chúng ta nếu biết đọc lại 4 giấc mộng được trình bày trong Tin mừng, mà Thánh Giuse là nhân vật chính, để hiểu cách đặt mình trước mặc khải của Thiên Chúa. Tin mừng đã kể cho chúng ta bốn giấc mộng của thánh Giuse.

Trong giấc mộng đầu tiên (Mt 1,18-25), sứ thần giúp Thánh Giuse giải quyết bi kịch đang tấn công ngài khi được biết Đức Maria mang thai: “Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ" (câu 20-21). Và lập tức Thánh Giuse đáp lại bằng cách: “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (c.24).

Cuộc sống nhiều khi đặt chúng ta trước những hoàn cảnh mà chúng ta không hiểu và dường như không có cách giải quyết. Trong những lúc như vậy, hãy cầu nguyện, nghĩa là hãy để cho Thiên Chúa chỉ cho chúng ta biết phải làm gì. Thực vậy, lời cầu nguyện thường xuyên làm nảy sinh trong chúng ta trực giác về lối thoát, về cách giải quyết hoàn cảnh đó như thế nào.

Anh chị em thân mến, Thiên Chúa không bao giờ cho phép một vấn đề nào xảy ra cho chúng ta mà không ban cho chúng ta sự trợ giúp cần thiết để đương đầu với nó. Ngài không ném chúng ta vào lò lửa một mình. Ngài không bỏ chúng ta giữa các thú dữ. Không. Khi Thiên Chúa cho chúng ta thấy một vấn đề hoặc tiết lộ một vấn đề gì, Ngài luôn ban cho chúng ta trực giác, sự giúp đỡ, sự hiện diện của Ngài, để thoát ra khỏi đó và để giải quyết vấn đề.

Giấc mộng mạc khải thứ hai của Thánh Giuse xuất hiện khi tính mạng của Hài nhi Giêsu gặp nguy hiểm. Một thông điệp rất rõ ràng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” (Mt 2, 13). Thánh Giuse, không do dự, ngài đã vâng phục: “Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập" (câu 14-15).

Trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều trải qua những nguy hiểm vốn đe dọa sự sống của mình hoặc của những người chúng ta yêu thương. Trong tình cảnh này, việc cầu nguyện có nghĩa là lắng nghe Lời có thể mang lại cho chúng ta lòng can đảm như Thánh Giuse, để đối diện với những khó khăn mà không chịu khuất phục.

Ở Ai Cập, Thánh Giuse đợi chờ tín hiệu từ Thiên Chúa để có thể hồi hương; và ở đây chính là nội dung của giấc mơ thứ ba. Thiên thần tiết lộ cho Thánh Giuse biết rằng những kẻ muốn giết hài nhi đã chết và truyền cho thánh nhân lên đường hồi hương cùng với Đức Maria và Chúa Giêsu (x. Mt 2,19-20). Thánh Giuse “đã trỗi dậy, đem hai nhi và Mẹ Người về đất Israel” (c. 21). Nhưng chính trong chuyến trở về “vì nghe biết Ackhêlao đã kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđê, nên ông sợ không dám về đó” (c.22). Và đây là mặc khải thứ tư: “Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê và đến ở tại một thành kia gọi là Nadarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Nadarét”.

Sợ hãi cũng là một phần của cuộc sống và nó cũng cần lời cầu nguyện của chúng ta. Thiên Chúa không hứa với chúng ta rằng chúng ta sẽ không bao giờ biết sợ, nhưng với sự giúp đỡ của Ngài, nỗi sợ sẽ không là tiêu chí cho các quyết định của chúng ta. Thánh Giuse đã trải qua những sợ hãi nhưng Thiên Chúa cũng hướng dẫn ngài vượt qua nó. Sức mạnh của lời cầu nguyện mang lại ánh sáng cho chúng ta trong những hoàn cảnh tăm tối.

Tôi nghĩ đến khoảnh khắc lo sợ này của nhiều người, vốn đang bị đè bẹp bởi gánh nặng của cuộc sống và không còn có thể hy vọng hay cầu nguyện thêm nữa. Thánh Giuse sẽ có thể giúp đỡ họ biết mở ra cuộc đối thoại với Thiên Chúa, để tìm lại ánh sáng, sức mạnh và bình an.

Tôi cũng nghĩ đến các bậc cha mẹ đang gặp những vấn đề về con cái của mình. Những đứa con mang nhiều bệnh tật, đau yếu, thậm chí là mắc bệnh vĩnh viễn: biết bao nỗi đau ở nơi đó. Các bậc cha mẹ nhận thấy những khuynh hướng tình dục khác nhau nơi con cái, rồi suy nghĩ làm thế nào để giải quyết chuyện này và làm sao để đồng hành với con cái chứ không trốn tránh trong một thái độ lên án. Các bậc cha mẹ chứng kiến con của mình ra đi, khuất bóng, vì bệnh tật và – càng buồn hơn, khi chúng ta đọc thấy trên các tạp chí hằng ngày – những thiếu niên nghịch ngợm rồi cuối cùng kết liễu trong vụ tai nạn xe hơi. Những bậc cha mẹ thấy con cái của mình không đi học và không biết phải làm gì... rất nhiều vấn đề đối với các bậc làm cha mẹ. Chúng ta hãy nghĩ cách để giúp họ. Và tôi xin nói với các bậc cha mẹ này rằng: anh chị em đừng sợ. Vâng, có đau thật. Rất nhiều. Nhưng anh chị em hãy nghĩ cách giải quyết như Thánh Giuse đã giải quyết những vấn đề và anh chị em hãy cầu xin ngài giúp đỡ mình. Đừng bao giờ lên án con cái.

Điều khiến tôi thấy động lòng - từng xảy ra cho tôi ở Buenos Aires – khi tôi lên chuyến xe bus và đi ngang qua một nhà tù: có nhiều người đang xếp hàng dài để vào thăm các tù nhân. Có nhiều bà mẹ ở đó khiến cho tôi thấy động lòng: trước vấn đề của những đứa con lầm lạc, bị vào tù, họ không bỏ mặc con mình, họ cắm mặt vào đó và đồng hành cùng con. Đây là lòng dũng cảm; lòng dũng cảm của người cha, người mẹ luôn đồng hành với con cái. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho tất cả người cha, người mẹ lòng dũng cảm này, như đã ban cho Thánh Giuse. Và rồi hãy cầu nguyện xin Chúa giúp chúng ta trong những khoảnh khắc này.

Tuy nhiên, cầu nguyện không bao giờ là cử chỉ trừu tượng hoặc thuần túy nội tâm, giống như các phong trào duy linh mang tính ngộ đạo hơn là Kitô giáo. Không, nó không phải vậy. Cầu nguyện luôn gắn liền mật thiết với đức ái. Chỉ khi kết hợp tình yêu với cầu nguyện, tình yêu dành cho con cái, như trường hợp mà tôi vừa kể, hay tình yêu dành cho tha nhân thì chúng ta mới có thể hiểu được sứ điệp của Chúa. Thánh Giuse đã cầu nguyện, lao động và yêu thương – là ba điều tuyệt đẹp đối với các bậc cha mẹ: Cầu nguyện, lao động và yêu thương – và vì lý do này mà Thánh Giuse luôn nhận được thứ cần thiết để đối phó với những thử thách của cuộc sống. Chúng ta hãy phó thác cho thánh Giuse, cho sự chuyển cầu của Ngài.

Lạy Thánh Cả Giuse, ngài là người của giấc mộng,
xin dạy chúng con biết phục hồi đời sống thiêng liêng
là không gian nội tâm, nơi Chúa tự mạc khải và cứu rỗi chúng con.
Xin hãy loại khỏi chúng con suy nghĩ rằng cầu nguyện là vô ích.
Xin giúp mỗi người chúng con biết đáp lại những gì Thiên Chúa chỉ cho chúng con.
Xin cho những lý lẽ của chúng con được ánh sáng của Chúa Thánh Thần chiếu rọi,
cho tâm hồn của chúng con được dũng mạnh nhờ sức mạnh của Ngài,
và những nỗi sợ của chúng con được cứu rỗi nhờ lòng thương xót của Ngài. Amen
 

[1] Xem Sáng thế ký 20,3; 28,12; 31.11.24; 40,8; 41,1-32; Nm 12,6; 1 Sam 3,3-10; Dn 2; 4; Gb 33,15.
 
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây