Bài giảng của Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng

Thứ sáu - 13/12/2019 03:49
Bài giảng của Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng Thánh Lễ Tạ Ơn – Bế Mạc Năm Thánh 60 Năm Làm Phép và Khánh Thành Tượng Đức Mẹ Tàpao.


Kính thưa cộng đoàn Phụng Vụ

1. Trong bầu khí yêu thương và tươi mát của Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao sáng hôm nay, và trong tâm tình của những người con chung quanh Đức Mẹ, dịp lễ Bế mạc Năm thánh kỷ niệm 60 năm làm phép và khánh thành tượng đài Đức Mẹ Tàpao, tôi xin được nhắc lại hai tâm tình của hai vị giám mục tiền nhiệm của tôi tại Phan Thiết này:

Trước hết, trong THƯ MỤC VỤ kết thúc năm thánh 50 năm Đức mẹ Tàpao, Đức cố giám mục Giuse Vũ Duy thống đã ghi nhận: “với việc cử hành Năm thánh kỷ niệm 50 năm khánh thành và làm phép tượng đài Đức Mẹ (1059-2009), Tàpao đã chính thức trở nên nơi thu hút nhiều tín hữu khắp nơi tuôn về hành hương, nhất là vào ngày 13 hằng tháng, để đón nhận hồng ân. chúng ta chung lời cảm tạ vì quà tặng quý giá này và nỗ lực góp phần chung xây làm cho nơi đây triển nở thêm nữa, xứng đáng là Trung tâm hành hương của giáo phận”.
Thứ hai, trong THƯ CHUNG Năm Thánh Kỷ Niệm 60 Năm Thành Lập Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao, Đức cha tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám quản Tông tòa Giáo phận Phan Thiết, đã nói lên ba mục đích của năm thánh như sau:
Một là, Năm thánh là cơ hội để chúng ta cùng nhìn lại quá trình hình thành và phát triển Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao và chung lời ngợi khen, cảm tạ Thiên Chúa và Đức Mẹ, vì qua Mẹ, Thiên Chúa đã và đang tuôn đổ biết bao hồng ân trên Giáo phận Phan Thiết và trên quý khách hành hương từ muôn phương ngày đêm tìm về bên Mẹ Tàpao.
Hai là, Năm thánh cũng là dịp quý báu để chúng ta tưởng nhớ, biết ơn và cầu nguyện cho các bậc tiền bối, cách riêng cho các Đức cha Marcel Piquet, Đức cha Nicola, Đức cha Phaolô, Đức cha Giuse và tất cả những ai đã có công dựng tượng đài, thành lập và phát triển Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao.
Ba là, qua Năm thánh này, chúng ta được mời gọi gia tăng lòng yêu mến, sùng kính Đức Mẹ và cố gắng cải thiện đời sống như lời Mẹ dạy để cùng với toàn thể giáo hội chúng ta luôn sốt sắng và nhiệt thành loan báo Tin mừng Chúa Giêsu cho mọi người.

2. Còn riêng tôi, tâm tình chính yếu mà tôi cảm nhận được trong ngày lễ hôm nay chính là mối tương quan của hồng ân Vô nhiễm nguyên tội của Đức Mẹ và muôn ơn lành, đặc biệt là ơn bình an và những ước mơ tốt đẹp mà chúng ta, khi đến Trung tâm Tàpao này, muốn cầu xin cho bản thân, cho gia đình, cho người thân, cho cộng đoàn của chúng ta.
Theo tiếng của dân tộc K’Ho, Tàpao có nghĩa là “một giấc mơ đẹp” (Tà : đẹp theo nghĩa linh thiêng, “Pao”: giấc mơ). Nhưng nếu được viết hoặc phát âm là “Tàmpao” thì có nghĩa là Suối mơ.
Ước mơ sâu xa nhất là ơn được bình an nơi tâm hồn, không bị những lo âu, sợ hãi, căng thẳng ám ảnh; làm ơn bình an yên vui hạnh phúc trong gia đình, là ơn bình an, hòa bình, phát triển trên quê hương đất nước và trên thế giới. Không thể có phát triển và hạnh phúc nếu con người sống trong xung đột, bất ổn, chiến tranh chết chóc.
Nhìn vào Đức Mẹ, chúng ta nhìn thấy rằng nền tảng của bình an, của hòa bình, đó là tương quan hiếu thảo đối với Thiên Chúa. Mẹ Maria là người “đầy ân sủng, đẹp lòng Thiên Chúa”, không có một chút tội lỗi làm mất lòng Chúa; Mẹ đã được Thiên Chúa gìn giữ vô nhiễm nguyên tội, để rồi có thể ban cho nhân loại Chúa Giêsu, là hoàng tử Hòa Bình, làm ơn bình an, tha thứ của Thiên Chúa.

3. Trong bài đọc 1, sách Sáng thế (St 3,9-15.20) đã thuật lại biến cố Thiên Chúa gọi Ađam, sau khi ông bà phạm tội:
Thiên Chúa đã gọi Ađam và phản bảo ông rằng: ngươi đang ở đâu. Ông đã thưa: con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con đang ẩn núp. Chúa phán bảo ông rằng: ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà ta cấm ngươi không được ăn ư?”. Ađam thưa lại: người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn.
Lời Chúa cho thấy sau khi đã phạm tội, từ chối Thiên Chúa, không vâng lời Thiên Chúa, thì hậu quả xảy ra là sự xung đột với con người và vũ trụ chung quanh....
Trước hết là tương quan giữa vợ chồng Ađam-Evà bị đổ vỡ. Tiếng reo vui đón nhận của Ađam khi Thiên Chúa dựng nên Evà và ban tặng cho ông: đây là xương bởi xương tôi thịt bởi thịt tôi...  Giờ đây là tiếng đổ lỗi khước từ: người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn.
Tiếp theo, nếu đọc tiếp những trang sách Sáng Thế, chúng ta thấy được sự đổ vỡ giữa tương quan của con người và vũ trụ với các thụ tạo. Chúng ta cùng nghe lời trình thuật của sách Sáng Thế:
Với con người, Chúa phán: ‘vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: ‘Ngươi đừng ăn nó’, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất”.
Và rồi nếu đọc thêm nữa, sự chém giết đã xảy ra ngay với 2 người con của Ađam-Evà, chính Cain đã giết chết Abel là em ruột của mình vì ghen tức…
Cho tới ngày hôm nay, từ khi có tội lỗi, từ khi con người khước từ Thiên Chúa, thì chiến tranh, xung đột đã giết hại biết bao nhiêu người, đồng thời bao xung đột với môi trường vũ trụ thiên nhiên. Vì lòng tham, con người đang hủy hoại môi trường, ô nhiễm càng lúc càng tăng… và hậu quả là sự sống của con người đang bị đe dọa bởi những ô nhiễm, ô nhiễm khí, ô nhiễm nguòn nước, ô nhiễm thực phẩm.

4. Kính thưa cộng đoàn,
Trong viễn cảnh chết chóc, kinh hoàng như thế, thì Lời Chúa trong sách Sáng thế mà chúng ta vừa nghe lại vang lên Lời hứa cứu độ mang tràn đầy sự sống, bình an cho vũ trụ của con người. Chúng ta cùng nghe lại lời hứa đầy an ủi và hy vọng này:
Thiên Chúa đã kết án ma quỷ là con rắn đã cám dỗ Evà-Ađam với lời lẽ nghiêm khắc: “Bởi mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùin đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người”.
Giáo hội đã nhận ra trong lời tuyên phạt với con rắn ma quỷ là lời hứa cứu độ mà Thiên Chúa yêu thương dành cho con người. Lời hứa này sẽ được thực hiện nơi một con người thuộc miêu duệ, thu6ọc dòng dõi con người, là con của một người phụ nữ:
Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người”.
Hình ảnh “người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi” là Chúa Giêsu và người phụ nữ đó là Đức Maria.
Tôi rất thích một chú giải về bà Evà và Đức Maria của nhà thần học Luân lý người Pháp là cha Xaviê Thévenot. Cha nói rằng: “Người phụ nữ là đỉnh cao của công trình sáng tạo. Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ, trời đất, sông núi, cây cối, muông thú… và cuối cùng là Evà, người phụ nữ. Một tác phẩm tuyệt đẹp.
Ma quỷ đã ghen tức với công trình sáng tạo vô cùng đẹp đẽ này. Và để phá hủy toàn bộ công trình sáng tạo, ma quỷ đã tấn công, đã cám dỗ bà Evà là đỉnh cao của công trình sáng tạo… Bà Evà đã sa ngã và rồi chính bà tiếp tục kéo theo Ađam phạm tội… Và thảm cảnh xung đột, chết chóc giữa con người với nhau và với vũ trụ đã xảy ra. Công trình sáng tạo tốt đẹp của Thiên Chúa đã bị ma quỷ tấn công phá hủy.
Để cứu độ con người, lập tức Thiên Chúa có một chương trình mới là công trình cứu độ, hay công trình sáng tạo mới. Và Thiên Chúa cũng đã dùng một người phụ nữ để khởi đầu chương trình cứu độ này: đó là Đức Mẹ Maria, được gọi là Bà Evà mới. Nhờ hồng ân sự sống đời đời là Chúa Giêsu, Con của Mẹ, con người và vũ trụ này đã được tái sinh.
Trong bài đọc 2 (Ep 1,3-6.11-12), thánh Phaolô đã nhắc cho các tín hữu Êphêsô những hồng ân Thiên Chúa ban cho con người qua Chúa Giêsu:
Anh em thân mến, chúc tụng Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người đã chúc phúc cho chúng ta bằng mọi phúc lộc thiêng liêng ở trên trời trong Đức Kitô”.

5. Kính thưa cộng đoàn,
Năm 1959, lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được tổ chức rất long trọng tại các Giáo phận Miền Nam Việt Nam nhằm kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, được gọi là Đại Hội Thánh Mẫu Toàn Quuốc. Dịp này, đã có năm tượng đài Đức Mẹ được xây dựng ở Miền Trung, Miền Nam và Cao Nguyên Trung phần trong các năm 1959, 1960 và 1961 bao gồm: Đức Mẹ Giang Sơn (Darlac), Đức Mẹ Thác Mơ (Phước Long), Đức Mẹ Phượng Hoàng (Kon Tum), Đức Mẹ Trinh Phong (Ninh Thuận) và Đức Mẹ Tàpao (Bình Tuy, nay thuộc Bình Thuận).
Ngày 8 tháng 12 năm 1959, lễ làm phép và khánh thành tượng Đức Mẹ Tàpao do Đức Cha Marcello Piquet (Piquet Lợi), Giám mục Giáo phận Nha Trang cử hành, với sự tham dự của đông đảo linh mục, tu sĩ và hàng chục ngàn giáo dân phần lớn gốc di cư từ Huế, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, đồng bằng sông Cửu Long… Lễ cung hiến và khánh thành tượng Đức Mẹ Tàpao là một đại lễ tôn giáo tầm cỡ quốc gia lúc bấy giờ ở miền Nam Việt Nam.
Và hôm nay đây, trong lễ Bế mạc Năm Thánh kỷ niệm 60 năm làm phép và khánh thành tượng Đức Mẹ Tàpao, hồng ân Thiên Chúa ban tặng qua Đức Mẹ, như đang bao trùm trên mỗi người chúng ta, vì sự hiệp thông yêu thương trong Giáo hội.

Sự hiện diện của Đức Tổng giám mục Marek Zalewski, Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, cùng với quý Đức Hồng y, quý Đức Tổng và quý Đức Giám mục trong HĐGMVN, cũng như rất đông đảo linh mục, tu sĩ nam nữ và bà con giáo dân hành hương về đây là một hình ảnh sống động về hồng ân Thiên Chúa đang ban tặng tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao này.
Lạy Mẹ Tàpao, qua Lời Chúa trong bài Phúc Âm mà chúng con vừa nghe, xin Mẹ cho mỗi người chúng con biết noi theo gương Mẹ, luôn khiêm tốn lắng nghe và thực hành Lời Chúa với hai tiếng “xin vâng”; để nhờ đó Chúa Giêsu, là hồng ân bình an, hồng ân sự sống yêu thương, hồng ân hy vọng có thể nhập thể, đi vào cuộc đời của chúng con, của gia đình chúng con, của quê hương Việt Nam, của giáo phận chúng con.

Xin cho chúng con “trong mọi hoàn cảnh, dù khó nguy, gian nan, đầy thất vọng, được luôn vững niềm tin và cậy trông vào Chúa nhờ sự nâng đỡ ủi an của Mẹ”. Đặc biệt xin cho chúng con gặp được Chúa Giêsu, Con của Mẹ, vì Chúa Giêsu chính là “một Tàpao, một Giấc Mơ Đẹp!”, một niềm hy vọng tuyệt vời, mà Mẹ muốn ban tặng cho chúng con, đặc biệt trong những lúc đêm tối của cuộc đời. Amen.


ĐGM Giuse Đỗ Mạnh Hùng

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây