Giáo lý Năm Thánh Tapao, Bài số 11

Thứ sáu - 15/11/2019 04:53
GIÁO LÝ NĂM THÁNH                                                                               Tháng 11 – 2019
 60 NĂM ĐỨC MẸ TÀPAO                                               
                                                 
Bài số 11: AMEN

            Cộng đoàn hành hương rất thân mến,
Hưởng ứng lời mời gọi của Đức Cha Tô-ma, Giám Quản Tông Tòa Giáo phận Phan thiết, tại quãng trường thân thương này, mỗi tối ngày 12 hằng tháng của năm nay, Năm Thánh mừng 60 năm tượng đài Đức Mẹ tọa lạc bên triền núi Tàpao được khánh thành và làm phép, chúng ta đã cùng nhau học hỏi giáo lý về Đức Maria, dựa trên nội dung của lời “Kinh Đức Mẹ Tàpao”. Trong bài giáo lý mở đầu, tôi đã hân hạnh được chia sẻ với cộng đoàn ý nghĩa của câu đầu tiên, với nội dung: “Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí ái!” Giờ đây, tôi lại hân hạnh được chia sẻ với quí cộng đoàn ý nghĩa của chữ cuối cùng của lời kinh quen thuộc này, với từ “Amen”, như để khép lại chương trình giáo lý năm nay.

Thiết nghĩ, từ “Amen” là từ quen thuộc nhất đối với các Kitô hữu, thậm chí chúng ta đã được làm quen với từ này từ khi biết bặp bẹ những tiếng đầu đời. Chúng ta cũng thường được nghe, hoặc nhiều lần cất lên tiếng “Amen” khi tham dự Thánh lễ, qua các nghi thức phụng vụ khác, nhất là sau mỗi lời kinh thường ngày. “Amen” là tiếp Hipri, tiếng Do Thái cổ, và nghĩa của từ này rất phong phú, đến nỗi người ta phải giữ nguyên từ này khi dịch Kinh Thánh sang các ngôn ngữ khác. Trong khoảng thời gian hạn hẹp của bài giáo lý này, tôi chỉ muốn nhắc đến ý nghĩa của từ này trong vài ba trường hợp thường gặp, đó là lúc chúng ta đáp “Amen” sau các lời nguyện của vị chủ tế trong các Thánh lễ, thưa “Amen” khi lên rước lễ, và đọc “Amen” sau mỗi lời kinh.

Tiếng “Amen” do cộng đoàn phụng vụ đáp lại sau các lời nguyện của vị chủ tế trong các Thánh lễ có ý nghĩa “như công thức để hiệp thông với chủ tế, tin nhận và tôn vinh Thiên Chúa”. (Từ Điển Công Giáo, trg 11). Còn, khi lên rước lễ, thừa tác viên nói: “Mình Thánh Chúa Kitô”; chúng ta thưa: “Amen”, có nghĩa là “đúng thật như vậy”, đề bày tỏ và tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể mà chúng ta sắp lãnh nhận. (Đó cũng là lý do tại sao các anh chị em lương dân không thể rước lễ, cho dù có tham dự Thánh lễ cách đầy đủ, sốt sắng. Để được rước lễ, trước hết cần phải trở nên người Kitô Hữu, cần phải có niềm tin vào Phép Thánh Thể. Ngay cả những Kitô hữu không đủ điều kiện theo Giáo luật đòi buộc, cũng không thể lên rước lễ. Vì thế, xin anh chị em lương dân hiểu và thông cảm cho vấn đề tế nhị này khi được nhắc “vui lòng không lên rước lễ”). Rồi, tiếng “Amen” được đọc sau mỗi lời kinh có nghĩa là “mong được như vậy”(GLCG, 2856). Kết thúc Kinh Đức Mẹ Tàpao, chúng ta đọc: “Amen”; và nó cũng có nghĩa là mong được như vậy. Vấn đề ở đây là mong được như vậy là mong được điều gì? Mong được như vậy là mong được những gì chúng ta cầu nguyện với Chúa qua mỗi từ, mỗi câu, mỗi ý của lời kinh này, như đã được trình bày qua mười bài thuyết trình tại đây trong gần một năm qua.
 
Trước hết, một cách tổng quát, mong được như vậy là mong được nhận ra sự hiện diện đầy nhiệm mầu của Thiên Chúa Ba Ngôi, để ca khen, chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa,  mỗi khi chúng ta nhìn lên Đức Maria, mỗi lần chúng ta chiêm ngắm Mẹ, mỗi lần chúng ta cầu nguyện trước tượng Mẹ. Tại sao vậy? Thưa, vì nơi Mẹ, toàn bộ mặc khải của Thiên Chúa đã được biểu lộ cách trọn vẹn trong Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Mẹ được diễm phúc cưu mang và sinh hạ (x.bài giáo lý số 01).

Cụ thể, mong được như vậy là mong chúng ta luôn nhận thức rằng mọi ơn lành chúng ta nhận được, dù chúng ta cảm nhận rằng nhờ cầu nguyện với vị thánh này hay vị thánh kia, hoặc với Đức Mẹ, đều đến từ Thiên Chúa (x .Ga 1,16). Xin nhớ rằng: Đức Mẹ hoặc các thánh chỉ đóng vai trò cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta mà thôi. Nếu thế, mọi lời tạ ơn của chúng ta phải luôn hướng về Chúa, và điều này chắc chắn làm vui lòng Mẹ, vì Mẹ đã dặn dò: “Thầy bảo gì, các anh cứ làm theo” (Ga 2,5)  (x.bài giáo lý số 02: Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa).

Do đó, mong được như vậy là mong qua Mẹ chúng ta có thể gặp gỡ được chính Thiên Chúa nơi tận sâu thẳm lòng mình (x. bài giáo lý số 03: Qua Mẹ, chúng con được gặp gỡ chính Thiên Chúa…). Quả vậy, Hội Thánh dạy rằng mọi hình thức thể hiện lòng yêu mến sùng kính Đức Maria phải dẫn con người đến với Chúa Giêsu, vì “từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16), và phải nhắm đến việc phụng thờ Thiên Chúa Ba Ngôi (x. GLCG, 971).
      
 Thực ra,  không phải chỉ qua Mẹ, mà là trong chính Mẹ, chúng ta gặp được Thiên Chúa, như chúng ta đã được nghe qua bài giáo lý số 04: Đức Bà như Hòm Bia Thiên Chúa vậy. Quả thế, do ý định nhiệm mầu và quyền năng của Thiên Chúa, từ cung lòng thánh thiện, trinh khiết của Đức Maria, Con Một Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô đã được cưu mang và sinh hạ, để cứu chuộc nhân loại. Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình trong Đức Giêsu Kitô. Bởi vậy, đến với Mẹ Maria, chúng ta sẽ được gặp được chính Thiên Chúa, vì Chúa luôn ở cùng Mẹ (x. Lc 1,28).

Thế nên, mong được như vậy là mong chúng ta luôn xác tín và tuyên xưng rằng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa (x. bài giáo lý số 05). Chẳng những xác tín và tuyên xưng ngoài miệng, mỗi lần đến với Mẹ, chúng ta mong được tràn ngập niềm vui trong lòng nữa, như Bà Elizabeth đã thốt lên khi được Mẹ viếng thăm: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng (Lc 1,43-45). Việc gặp gỡ Mẹ Maria mang đến cho chúng ta những niềm vui: “Đến cùng Đức Mẹ Tàpao, thấy lòng an bình, nỗi sầu lìa xa”.
           
            Rồi, mong được như vậy là mong mỗi người khi đến với Đức Mẹ tại núi Tàpao này, cần phải biết tạ ơn Chúa, vì Chúa đã chọn nơi này làm linh địa (x. bài giáo lý số 06). Theo dòng lịch sử thăng trầm, Tà Pao từng là chốn hoang vu, nay trở nên miền đất trù phú, thân quen, và là linh địa, nơi Thiên Chúa dùng để biểu lộ tình yêu và lòng thương xót của Ngài, qua Mẹ Maria. Khi đặt tượng Mẹ Vô Nhiễm tại đây 60 năm qua, tôi tin rằng cha ông, các bậc tiền bối của chúng ta không có ý và cũng chẳng dám nghĩ rằng nơi chốn rừng núi xa xôi này lại có thể thành một trung tâm hành hương như hiện nay. Quả là việc Thiên Chúa làm, Thiên Chúa an bài. Xin tạ ơn Chúa!
           
            Và, vì ý thức rằng, qua Mẹ maria, Thiên Chúa muốn dùng nơi đây để biểu lộ tình yêu và lòng thương xót của Ngài, mỗi lần đến với Đức Mẹ Tàpao, chúng ta cũng mong ước biết noi gương Chúa và Đức Mẹ cố gắng yêu thương nhau nhiều hơn, luôn biết tôn trọng và bảo vệ phẩm giá con người, như được trình bày trong bài giáo lý số 07.
           
            Trong các bài giáo lý số 08 và 09, chúng ta xin Chúa giúp chúng ta biết lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy, cũng như biết vâng theo thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời. Đây là những ước mong hết sức cần thiết cho đời sống đức tin của chúng ta, nhờ đó, chúng ta trở nên những người khôn ngoan (x Mt 7, 24: biết xây nhà mình trên đá), được thuộc về gia đình của Thiên Chúa, là thân nhân của Đức Giêsu (“Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3, 35), và được Thiên Chúa yêu mến  (Ga 14,23: “Ai giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy”).
          
            Và cuối cùng, qua bài giáo lý số 10, dựa trên câu kinh: “Xin cho con biết noi gương Mẹ”, chúng ta ước mong được bước theo Mẹ trên hành trình tin cậy mến, nhờ đó mỗi ngày một trở nên người môn đệ chân thực hơn của Đức Giêsu Kitô. Thực sự, bước theo Đức Kitô là bước đi trên con đường hẹp, con đường thập giá, con đường phải trải qua nhiều hy sinh gian khổ. Nhưng chúng ta không cô đơn trên con đường này, con đường tiến về nhà Cha, vì luôn có Đức Kitô Phục Sinh và Thánh Thần của Người đồng hành, nâng đỡ; cũng như luôn Có Mẹ Maria và các thánh bầu cử, hộ phù.

            Kết: Cộng đoàn hành hương rất thân mến,
            Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội và là Mẹ của mỗi Kitô hữu chúng ta. Nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta đã được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô và trở nên con của Mẹ. Là Mẹ, Đức Maria luôn yêu mến và gắn bó với Chúa Giêsu cách hoàn hảo trong công trình cứu chuộc của Người. Và chắc chắn Mẹ cũng hết sức yêu mến những ai thuộc về Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người và cũng là con yêu dấu của Mẹ. Nhiều người xác tín rằng, qua Mẹ Maria tại triền núi Tàpao này, Thiên Chúa đã và đang không ngừng quảng đại ban phát hết ơn này đến ơn khác cho khách hành hương: Người được ơn hoán cải, kẻ được ơn đức tin; người được ơn phần hồn, kẻ được ơn phần xác. Bởi thế, chúng tôi luôn ý thức và quyết tâm cố gắng làm cho mọi công việc nơi đây không những để ca ngợi, tôn vinh Thiên Chúa mà còn để tạ ơn M, cũng như noi gương Mẹ cúi xuống để phục vụ anh chị em hành hương đến đây kính viếng Mẹ. Noi gương Thánh Gioan, chúng ta hãy đón Mẹ Maria về nhà mình, yêu Mẹ thật nhiều, và hiệp với Mẹ bằng cả tâm trí để có thể cùng Mẹ cất cao những lời chúc tụng ca khen Thiên Chúa. Amen.
 
            Xin chân thành cám ơn quí cộng đoàn đã theo dõi, lắng nghe. Hẹn gặp lại quí vị vào chương trình giáo lý năm tới, với chủ đề: CÙNG NHAU HỌC…HIỂU…ĐỂ SỐNG CÁC MẦU NHIỆM KINH MÂN CÔI. Trân trọng kính chào.
                                                                                                 
                                                                                                        
Lm. An-rê Lương Vĩnh Phú
























 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây