Bài thuyết trình của Lm. Alphongso Phạm Hùng trong hội thảo về tu sĩ

Thứ hai - 21/02/2022 07:35

Bài thuyết trình của Lm. Alphongso Phạm Hùng trong hội thảo về tu sĩ

21/02/2022
  •  
  •  


BÀI THUYẾT TRÌNH CỦA LM. ALPHONGSO PHẠM HÙNG TRONG HỘI THẢO VỀ TU SĨ
VAI TRÒ CỦA SỰ HIỆN DIỆN VÀ SỨ VỤ CỦA TU SĨ
TRONG CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ TGP HÀ NỘI
WGPHN (20.02.2022) 


DẪN NHẬP
I. BẢN CHẤT CỦA ĐỜI SỐNG CÁC TU SĨ 
Các tín hữu là những người đã được cung hiến cho Thiên Chúa qua bí tích rửa tội.  Giáo Hội gồm các tín hữu có nhiều bậc sống khác nhau để đi theo Chúa Kitô. Trước hết, chúng ta cần phải hiểu bậc sống thánh hiến (tu sĩ) là gì. Trong hiến chế Giáo Hội Lumen Gentium, công đồng Vatican II định nghĩa: “bậc sống tu trì bắt chước cách chính xác hơn và thực hiện liên tục trong Giáo Hội nếp sống mà Con Thiên Chúa đã chấp nhận khi Người xuống thế để thi hành thánh ý Chúa Cha và cũng là nếp sống mà Người đã đề ra cho các môn đệ theo Người” (LG, 44). 
Nhờ tự nguyện tuyên khấn và sống ba lời khuyên phúc âm: khó nghèo, khiết tịnh, vâng lời, người tu sĩ họa lại nếp sống của Chúa Kitô cho Giáo Hội và nhân loại, đấng đã sống tình yêu khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời Chúa Cha. 
Chúng ta nhận ra 3 ơn gọi của 3 bậc sống trong Giáo Hội để trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô và đi theo ngài: 1) Giáo dân là những người được thánh hiến trong bí tích Thánh Tẩy để sống Tin Mừng giữa đời; 2) Các giáo sĩ còn được thánh hiến bằng bí tích Truyền chức thánh để tiếp tục tác vụ của các thánh tông đồ là giảng dạy, thánh hóa và chăm sóc mục vụ; 3) Các tu sĩ khi chấp nhận sống ba lời khuyên Phúc âm thì được thánh hiến cách đặc biệt để làm hiện thực nếp sống của Đức Kitô. Tuy tất cả ba bậc sống đều diễn tả vài khía cạnh của mầu nhiệm Đức Kitô, nhưng mỗi bậc có một nét đặc thù trong sứ vụ để  xây dựng Hội Thánh: các giáo dân đem men Tin Mừng vào các thực tại thế trần; các giáo sĩ chuyển thông các hồng ân cứu độ; các tu sĩ  dâng hiến toàn thân để phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em (x. VC 31).
Trong tông huấn Đời Thánh Hiến Vita Consecrata (1996), Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô diễn tả sự thánh hiến của các tu sĩ trong tương quan với Chúa Kitô, với Thiên Chúa Ba Ngôi và với Giáo Hội.
a. Với Chúa Kitô
Văn kiện trình bày người tu sĩ qua việc giữ  3 lời khuyên PA như  cách thức diễn lại nơi chính mình, “nếp sống Con Thiên Chúa đã sống khi Người xuống thế”, đấng đã sống khiết tịnh, nghèo khó và vâng lời.  Sống 3 lời khuyên phúc âm là biểu lộ ước muốn sống hoàn toàn nên đồng hình dạng với Chúa Kitô, đi theo ngài gần nhất. 
“Khi sống “vâng phục, không có của riêng và khiết tịnh,” những người tận hiến tuyên xưng rằng Ðức Giê-su là Mẫu Mực, nơi Người mọi nhân đức đạt tới mức hoàn hảo…  bởi vì chính Ðấng vừa là con người vừa là Thiên Chúa đã chấp nhận lối sống đó để diễn tả mối quan hệ của Con Một đối với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần” (VC 18). 
Sự trinh khiết tu sĩ diễn tả tình yêu khiết trinh của Ðức Kitô làm của mình và tuyên xưng với thế giới rằng Người là Con Một, đồng nhất với Chúa Cha (x. Ga 10,30; 14,11).  Sự bắt chước sự nghèo khó của Chúa Kitô tuyên xưng rằng Người Con đón nhận mọi sự từ Chúa Cha và dâng mọi sự lại cho Chúa Cha vì yêu thương (x. Ga 17,7.10). Sự vâng phục của người tu sĩ gắn bó với mầu nhiệm vâng phục hiếu thảo của Chúa Kitô bằng sự hy sinh tự do của mình, người tu sĩ tuyên xưng Chúa Kitô là Ðấng luôn vâng phục Chúa Cha trong mọi sự. 
b. Với Thiên Chúa Ba Ngôi
Khi đi theo Chúa Giêsu và nên giống như Người, người tu sĩ nhận ra mình ở trong mối quan hệ khăng khít với Thiên Chúa Ba Ngôi, như Chúa Kitô luôn ở trong sự thông hiệp Ba Ngôi. Tông huấn nhìn nhận đời thánh hiến là một hồng ân, một sáng kiến phát xuất từ tình yêu của Chúa Cha: Ngài đã kêu gọi con người hãy tiến lên trên đường trọn lành qua việc đi theo Đức Kitô. “Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người, các ngươi hãy vâng nghe lời Người !” (Mt 17,5). Ơn kêu gọi bao hàm sự tuyển chọn và thánh hiến. Khi đã nhận ra tiếng gọi đó, con người muốn đáp lại bằng việc dâng hiến toàn thân cho tình yêu (x. VC 17). 
Sống 3 lời khuyên PA còn được nhìn nhận như ân huệ của Chúa Thánh Thần.  Dù rằng tất cả các Kitô hữu đều đã được thánh hiến cho Thiên Chúa qua bí tích rửa tội, nhưng không phải tất cả các tín hữu đều được kêu gọi để sống khiết tịnh, khó nghèo, vâng lời giống như Đức Kitô. Cần có một ơn gọi đặc biệt, được khêu gọi và trợ giúp bởi Thánh Thần để phát triển tất cả tiềm năng của ơn gọi Kitô hữu. Vì thế, sự thánh hiến tu trì khác với sự thánh hiến của bí tích rửa tội. Ơn gọi tu sĩ được xuất phát từ ơn gọi Kitô hữu, nhưng là ơn gọi khác (số 30).
Hơn nữa 3 lời khuyên phúc âm của các tu sĩ phản ánh nội tại đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi: tình yêu Chúa Con đối với Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Thánh Thần. 
Sự khiết tịnh của những người độc thân trinh khiết, biểu lộ một con tim không chia sẻ dâng hiến cho Thiên Chúa (x. 1 Cr 7,32-34), là tình yêu vô biên đang nối kết Ba Ngôi Vị Thần Linh; tình yêu mà Ngôi Lời nhập thể làm chứng cho đến hy sinh mạng sống; tình yêu “đã được đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần” (Rm 5,5) (VC 21).
Sự nghèo khó tuyên xưng rằng Thiên Chúa là gia tài đích thực duy nhất của con người. Sống theo gương Ðức Ki-tô, Ðấng “đã tự ý trở nên nghèo khó” (2 Cr 8,9), sự nghèo khó trở thành sự trao hoàn toàn trong Ba Ngôi Vị Thần Linh là nguồn của công cuộc sáng tạo và được biểu lộ viên mãn trong cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời và trong cái chết cứu chuộc của Người (VC 21).
Sự vâng phục, thực hành theo gương Ðức Ki-tô, lấy thánh ý Chúa Cha làm lương thực (x. Ga 4,34), biểu lộ vẻ đẹp tự do của sự lệ thuộc như con cái chứ không phải như nô lệ, phản ánh sự hoà hợp tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa (VC 21).
c. Với Giáo Hội
Sống 3 lời khuyên PA là hồng ân của Thiên Chúa để trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô một cách rõ rệt và trọn vẹn hơn, là cách sống mà Chúa Kitô đã chọn để sống trên trần gian. Đó là “con đường đặc biệt đưa đến sự thánh thiện” (VC 35). Sự thánh thiện của tu sĩ khi sống 3 lời khuyên PA có vai trò quan trọng cho đời sống thánh thiện của Giáo hội và trong sứ vụ truyền giáo. Giáo hội có nhiệm vụ loan báo Đức Kitô cho nhân loại, không phải chỉ thông truyền những lời giảng của Ngài mà thôi nhưng còn phải thông truyền cả nếp sống của Ngài nữa. “Khi xét sứ mạng của Giáo Hội là phải biểu lộ sự thánh thiện, thì với cái nhìn khách quan, đời thánh hiến đứng ở một bình diện ưu việt, bởi vì phản ánh chính lối sống của Ðức Ki-tô. Chính vì thế, đời thánh hiến biểu lộ phong phú những giá trị của Tin Mừng và làm sáng tỏ trọn vẹn hơn mục tiêu của Giáo Hội là thánh hoá nhân loại.” (VC 32). 
Ðời thánh hiến loan báo và ra như sống trước thời mai hậu, thời mà Nước Trời đang hiện diện ở dạng mầm mống và trong mầu nhiệm (62), sẽ đạt mức viên mãn ; thời mà các con cái của sự phục sinh sẽ không cưới vợ lấy chồng nữa, nhưng sẽ nên như các thiên thần của Thiên Chúa (x. Mt 22,30).
II. SỰ HIỆN DIỆN CỦA TU SĨ TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO XỨ
Sứ vụ  có tầm quan trọng trong cấu trúc của đời sống thánh hiến. Thánh hiến và sứ vụ gắn chặt với nhau: Thiên Chúa thánh hiến một người nhằm trao cho họ một sứ vụ và sứ vụ diễn tả sự tận hiến người tu sĩ cho Thiên Chúa để thi hành chương trình cứu độ dành cho nhân loại. Những hình thức khác nhau của đời sống thánh hiến đáp ứng với sứ vụ đa dạng của Hội thánh theo dòng lịch sử, đáp lại những nhu cầu của mỗi thời đại. Sự hiện diện hợp pháp theo Giáo luật của một hay vài cộng đoàn tu sĩ trong một giáo xứ
1. Sự hiện diện thánh thiện: Trung thành sống 3 lời khấn
Sống 3 lời khuyên PA xuất phát từ đức tin của một người vào Chúa Kitô. Ơn gọi của những người tận hiến là tiên vàn tìm kiếm Nước Thiên Chúa trên hết mọi sự, hoán cải và từ bỏ chính mình để sống hoàn toàn cho Chúa” (VC 35).  
Đời sống theo 3 lời khuyên PA như “trường dạy phụng sự Chúa, trường dạy yêu thương và sống thánh thiện.” Lối sống Tin Mừng này là con đường  hiệu năng và dồi dào phương tiện để nên thánh thiện. (x. VC 35). 
Tông huấn Đời sống Thánh hiến nhấn mạnh đến sự nên thánh của các tu sĩ qua sự thinh lặng. Thinh lặng để nghe và nuôi dưỡng trong thái độ thờ phượng Chúa. Thinh lặng để cầu nguyện, chiêm niệm và chầu Thánh Thể. Thinh lặng để tìm ý Chúa và hiểu ý Chúa. Thinh lặng để yêu thương và tha thứ. Ngoài ra Tông huấn cũng nhắc các tu sĩ chỉ có thể đạt được sự thánh thiện qua cuộc chiến đấu thiêng liêng: 
“Cũng cần phải khám phá lại những phương thế khổ chế điển hình trong truyền thống thiêng liêng của Giáo Hội và của mỗi tu hội. Các phương thế này đã và còn tiếp tục nâng đỡ vững vàng cuộc hành trình chân thực tiến đến sự thánh thiện. Khổ chế giúp chế ngự và sửa chữa những khuynh hướng của bản tính nhân loại đã bị tổn thương vì tội lỗi, khổ chế rất cần thiết để người tận hiến trung thành với ơn gọi của mình và bước theo Ðức Giê-su trên con đường thập giá.” (VC 38). 
Tông huấn cũng đề cập đến tu sĩ có “nhu cầu chính đáng tìm hiểu xã hội đương thời để ứng phó với những thách đố của thời đại” nhưng có thể đi tới chỗ chiều theo thời trang nhất thời, giảm bớt lòng nhiệt thành thiêng liêng hoặc sờn lòng nản chí. Người tu sĩ bị cám dỗ dựa vào sức mình và tài khéo của mình và phương tiện con người mà không dựa vào Chúa. Tông huấn cũng nhìn nhận ước muốn gần gũi đồng hành với những con người thời đại là điều đáng khen nhưng cảnh cáo nguy cơ “dẫn đến một lối sống tục hóa, hoặc cổ võ những giá trị nhân bản hoàn toàn theo chiều ngang” hay dính líu đến chính trị. 
Cộng đoàn giáo xứ cảm nghiệm được đời sống thánh thiện của các tu sĩ đang hiện diện giữa họ. Sự thánh thiện của các tu sĩ có một sứ vụ là sự nhắc nhở, sự trợ giúp và nâng đỡ cho các tín hữu cố gắng sống thánh thiện. Giáo hội mong muốn các tu sĩ  khơi lên trong lòng các tín hữu một khát vọng đạt tới sự thánh thiện, một ước muốn mạnh mẽ hoán cải và canh tân bản thân, một đời sống cầu nguyện sâu đậm hơn, liên đới bác ái với tha nhân, đặc biệt những người nghèo khổ nhất  (VC 35). 
Các tu sĩ làm chứng cho sự thánh thiện và sự khao khát thánh thiện của Hội Thánh. Sự thánh thiện của các tu sĩ là sự nhắc nhở cho cộng đoàn giáo xứ về ơn gọi nên thánh của mỗi người và đích điểm tối hậu của cuộc đời là Thiên Chúa và sự sống vĩnh cửu. Ý thức rằng Giáo hội có nhiệm vụ kêu gọi và giúp mọi người trở thành những vị thánh, các tu sĩ là những người tận hiến hoàn toàn cho Chúa Kitô nhận ra vai trò quan trọng của mình trong nhiệm vụ thánh hóa của Giáo hội. 
2. Sự hiện diện với niềm vui
ĐGH Phanxicô là vị giáo hoàng vui vẻ với nụ cười tự nhiên và cởi mở. Vị giáo hoàng tu sĩ dòng Tên này luôn nhắc đến niềm vui tin mừng của tất cả các tín hữu vì gặp gỡ Chúa Kitô qua đức tin, đặc biệt, ngài nhấn mạnh đến niềm vui nơi các người nam nữ thánh hiến. Ngài viết trong tông thư Năm đời thánh hiến: “Ở đâu có tu sĩ, thì có niềm vui. Chúng ta được mời gọi cảm nghiệm và chứng tỏ rằng Thiên Chúa có khả năng lấp đầy con tim của chúng ta và làm cho chúng ta được hạnh phúc, không cần phải đi tìm hạnh phúc ở đâu khác; chứng tỏ rằng tình huynh đệ chân chính sống trong các cộng đoàn của chúng ta nuôi dưỡng niềm vui.”  Như vậy mỗi tu hội là nơi có niềm vui. Mỗi nhà dòng là nơi ươm niềm vui. Niềm vui của tu sĩ xuất phát từ gặp gỡ Chúa qua đức tin, từ đời sống thánh thiện và đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, cũng như sự tận hiến phục vụ Giáo hội và mọi người. 
Ngày 4/10/2013 ĐGH Phanxicô đã nói với các nữ tu dòng kín Thánh Clara ở Assisi như sau: “Cha rất thất vọng khi gặp những nữ tu không vui, chỉ mỉm cười xã giao như những tiếp viên hàng không, mà không phải là cái vui từ bên trong…. Các nữ tu không cần sống quá thiêng liêng mà phải là những chuyên viên nhân bản để nhà dòng không phải là nơi luyện ngục… đừng nhìn nhau với những bộ mặt buồn sầu, những con người bực bội và bất mãn.” Theo ĐGH, các tu sĩ, như mọi người khác, họ cũng cảm thấy những khó khăn, những đêm tối nội tâm, những chán chường, bệnh tật, xuống sức vì tuổi già, nhưng họ tìm ra niềm vui trọn vẹn vì biết mình nên giống Chúa Kitô đã yêu thương con người mà trở nên hoàn toàn giống con người và nhất là chấp nhận cái nghiệt ngã của thập giá. Họ biết kết hợp với Chúa Kitô trong đau khổ, điều đó làm cho họ có niềm vui. (x. Tông thư gửi các tu sĩ Năm đời thánh hiến 2014). 
Những con cái của thánh Phanxicô đều biết câu chuyện thánh Phanxicô dạy cho thầy Lêô thế nào là niềm vui trọn hảo: Trong đêm tối bão tuyết lạnh lẽo, nếu hai tu sĩ trở về nhà dòng nơi nhà thờ Nữ Vương Các Thiên Thần, vừa lạnh, vừa đói, mà khi gõ cửa bị thầy giữ cửa xua đuổi không mở cửa vì tưởng rằng đó là những kẻ giả mạo. Chờ ở ngoài lạnh quá, nên họ gõ cửa lần thứ 2, thầy giữ cửa tưởng là kẻ cướp đến nhà dòng nên cũng không mở, và lần thứ ba gõ cửa thày giữ cửa đã cầm gậy xua đuổi và đánh những thầy này ngã lăn ra trong cơn lạnh giá. Thánh Phanxicô dạy:  nếu những thày này nằm lăn ra trong đống tuyết, mình bị thương tích, đói rét, chịu đựng sỉ nhục, bất công tàn bạo này với nhẫn nại, khiêm nhường, không ca thán và với niềm vui, thì đó  là niềm vui trọn hảo. 
Trong đời sống, các tín hữu luôn gặp khó khăn thử thách đau khổ về mọi mặt, hôn nhân, gia đình, con cái, công việc, sức khỏe, những khủng hoảng nội tâm. Sự hiện diện với niềm vui của các tu sĩ trong giáo xứ có vai trò như sự đồng hành đầy an ủi với giáo dân, sẽ có sức truyền cảm và sức mạnh truyền giáo, lan tỏa đến người khác và thu hút họ đến với Chúa Kitô và Tin mừng, đồng thời cũng đưa những bạn trẻ đến với ơn gọi vì giáo dân nhận ra vẻ đẹp của Tin mừng. Họ nhận ra các tu sĩ là những người hạnh phúc và có đời sống rạng ngời niềm vui và vẻ đẹp để sống Phúc Âm, đi theo Đức Kitô. 
3. Sự hiện diện trong hiệp thông
Giáo Hội chủ yếu là mầu nhiệm hiệp thông, “đoàn dân được kết hiệp nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (LG 4) vì là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Là những môn đệ Chúa Kitô, các tín hữu cố gắng sống ‘điều răn mới” của Chúa. Ðời sống huynh đệ của các người thánh hiến có vai trò quan trọng trong sự hiệp thông của Hội Thánh. Tông huấn Đời thánh hiến (1996) nhìn nhận đời sống huynh đệ trong cộng đoàn tu sĩ làm dấu chỉ của hiệp nhất trong Hội thánh và cho hiệp nhất nhân loại:  
“Chắc hẳn đời thánh hiến đã có công duy trì trong Giáo Hội đời sống huynh đệ như một cách tuyên xưng Thiên Chúa… tình yêu huynh đệ, nhất là dưới dạng đời sống chung, đời thánh hiến cho thấy rằng việc tham dự vào tình hiệp thông Ba Ngôi có thể thay đổi những mối tương quan nhân loại, và tạo ra một kiểu tình liên đới mới… đời thánh hiến làm cho nhân loại thấy được vẻ đẹp của sự hiệp thông huynh đệ và của những con đường cụ thể đưa tới đó. Quả thế, những con người tận hiến sống “cho” Thiên Chúa và sống “bởi” Thiên Chúa … có thể tuyên xưng quyền năng hòa giải của ân sủng, là tiêu diệt các lực lượng gây chia rẽ nằm trong trái tim con người và trong những tương quan xã hội.”
Nhờ sự hiệp thông, cộng đoàn tu sĩ thành nơi Thiên Chúa cư ngụ và có sự hiện diện của Chúa phục sinh. Sự hiệp thông được thực hiện nhờ tình yêu được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Thánh thể, được thanh luyện nhờ bí tích Hoà giải, được nâng đỡ nhờ lời nguyện xin ơn hiệp nhất, như ân huệ của Thánh Thần ban cho những ai biết sẵn sàng lắng nghe Tin Mừng với lòng vâng phục. 
Thư ĐGH Phanxicô gửi tu sĩ nhân năm đời Thánh hiến 2014 kêu gọi các tu sĩ sống với đam mê là trở nên “các chuyên viên của tình hiệp thông“, “các chứng nhân và người làm nên “dự án hiệp thông” đang ở đỉnh cao của lịch sử của con người theo ý của Thiên Chúa.” Như vậy cộng đoàn tu sĩ không chỉ sống hiệp thông, làm dấu chỉ hiệp thông cho Hội thánh cho giáo xứ, mà còn sống hiệp thông với cộng đoàn giáo xứ, với linh mục và giáo dân. Sự hiện diện của cộng đoàn tu sĩ trong một giáo xứ phải là một sự đóng góp cho tình hiệp thông giáo hội trong giáo xứ đó. 
III. SỨ VỤ CỦA TU SĨ VỚI ĐỜI SỐNG GIÁO XỨ
1. Phục vụ cho Nước Trời
Chúa Kitô chính là Nước Trời. Sự thánh thiện qua việc sống 3 lời khuyên phúc âm: khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời có động lực bởi của đức ái trọn hảo của một người với Chúa Kitô: Chúa Giêsu là tình yêu thứ nhất và độc nhất. Sự tiết dục hoàn toàn vì Nước Trời là tình yêu không chia sẻ với Chúa Kitô và hoàn toàn phụng sự Người. Việc giữ lời khấn khó nghèo và vâng lời là muốn sống sát gương Chúa Giêsu, “Người đã trở nên nghèo nàn, tuy Người vốn giàu sang” (2Cor 8,9). “Ðấng tự hủy diệt mình, nhận lấy thân phận tôi tớ…, và vâng lời cho đến chết” (Ph 2,7-8). 
“Người tận hiến “được sai đi” do chính sự thánh hiến của mình, người ấy làm chứng cho sứ mạng theo lý tưởng của tu hội mình. Đời sống và chứng tá hoạt động tông đồ đều cần thiết: cả hai đều nhằm làm cho Ðức Kitô hiện diện, Người là Ðấng vừa được thánh hiến cho vinh quang của Chúa Cha, vừa được sai đến với thế gian nhằm cứu độ anh chị em mình” (VC 72). 
Đời sống thánh thiện của tu sĩ là một dấu chỉ và lôi cuốn các tín hữu chu toàn ơn gọi Kitô hữu là nên thánh. “Kho tàng các con ở đâu lòng các con ở đó.” Đời sống tu trì nhắc nhở các kitô hữu không đặt thành trì vĩnh viễn ở đời này, nhưng đi tìm một thành trì vĩnh cửu mai sau, tức là tích trữ kho tàng không hư nát. Đời sống các tu sĩ nhắc nhở những người kết hôn rằng đời sống kết hôn của họ là cuộc hành trình đến một đích điểm là hôn lễ của Hội Thánh (các tín hữu) với Con Chiên Thiên Chúa, Đức Kitô tại Jerusalem thiên quốc khi Nước Chúa được viên mãn.
Vì thế, bậc sống được thiết lập do việc tuyên khấn các lời khuyên của Phúc Âm, tuy không liên quan đến cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội, nhưng dĩ nhiên cũng gắn chặt với đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội. (LG 44)
Có những nẻo đường khác nhau trong đời thánh hiến và bổ túc cho nhau; chiêm niệm, cầu nguyện, hoạt động bác ái, giảng dạy.  Khi sống đời thánh hiến ở giữa trần gian và từ trần gian họ “cố gắng […] thấm nhuần mọi sự bằng tinh thần Phúc Âm để củng cố và phát triển Thân Thể Ðức Ki-tô.” 
Ðời thánh hiến, được sống trong Giáo Hội, cần phải giúp cho sự thánh hoá đời sống của giáo dân và giáo sĩ, làm cho Nước Trời được hiện diện và phát triển trong hiện tại cũng như giúp mọi người đạt đến Nước Trời mai sau. (VC 32). 
2. Phục vụ cho truyền giáo
ĐGH Phanxicô trong thư gửi cho tu sĩ năm đời thánh hiến 2014: “Đời sống Thánh hiến là ơn ban cho Giáo Hội, sinh ra trong Giáo Hội, lớn lên trong Giáo Hội, tất cả hướng về Giáo Hội” [8]. Vì thế, như là ơn ban cho Giáo Hội, đó không phải là một thực thể biệt lập hoặc ở ngoài rìa, nhưng một cách thân thiết thuộc về Giáo Hội, ở ngay giữa chính con tim của Giáo Hội như là yếu tố quyết định của sứ mệnh của Giáo Hội, như là diễn tả bản tính thân mật của ơn gọi Kitô và việc Giáo Hội là Hiền Thê hướng về Lang Quân duy nhất; vì thế “thuộc về… một cách không thể rời bỏ đi vào đời sống của Giáo Hội và sự thánh thiện của Giáo Hội” (LG 44). 
3. Phục vụ cho hiệp thông
“Tiên vàn sự hiệp thông được thực hành ngay tại các cộng đoàn trong dòng. Tôi mời anh chị em hãy đọc lại điều mà tôi không ngừng lặp đi lặp lại nhiều lần rằng những lời chỉ trích, đàm tiếu, ghen tương, tị hiềm, đố kỵ không được phép cư ngụ ở trong nhà của anh chị em. Sau tiền đề ấy, con đường bác ái còn lại hầu như là vô tận, bởi vì bao gồm việc đón tiếp và quan tâm lẫn nhau, thực hành sự chia sẻ những tài nguyên vật chất và tinh thần, sửa bảo huynh đệ, tôn trọng những người yếu đuối, … Chính “huyền nhiệm chung sống với nhau” làm cho cuộc đời trở nên một cuộc “lữ hành thánh thiện.”[8] Làm cách nào để cho mỗi người có thể biểu lộ chính mình, được đón nhận với những ân ban đặc thù, được hoàn toàn đồng trách nhiệm? 
Mỗi tu hội cần “mạnh dạn ra khỏi biên cương của Dòng mình, để cùng nhau thảo hoạch những dự án chung về đào tạo, loan báo Tin Mừng, hoạt động xã hội, ở cấp địa phương và hoàn vũ với dòng khác và những thành phần khác. Như thế chứng tá ngôn sứ sẽ được hữu hiệu hơn. Sự hiệp thông và gặp gỡ giữa các đặc sủng và ơn gọi khác nhau là một con đường hy vọng. Không ai xây dựng tương lai một cách biệt lập, hoặc với sức lực riêng của mình, nhưng cần biết nhận ra chân lý của sự thông hiệp khiến ta mở rộng đến gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe, giúp đỡ lẫn nhau, và như vậy giúp chúng ta phòng ngừa khỏi bệnh tự kỷ.[9]
4. Phục vụ cho bác ái xã hội
Tông hiến Đời Thánh Hiến (1996): 
Người không ngừng mời gọi những người nam nữ và đổ Thần Khí xuống trên họ (x. Rm 5,5) và nhờ đó, thông ban cho họ lòng mến – agape – của Thiên Chúa, tức là cách Thiên Chúa yêu mến, và thúc đẩy họ phục vụ người khác trong sự hiến mình khiêm hạ không tính toán ích kỷ. 
Việc tìm kiếm vẻ đẹp của Thiên Chúa thúc đẩy người được thánh hiến chăm sóc hình ảnh Thiên Chúa đã bị bóp méo trên bộ mặt anh chị em mình, những bộ mặt hốc hác vì đói khổ, những bộ mặt thất vọng vì những lời hứa hẹn chính trị, những bộ mặt tủi hổ vì thấy văn hoá của mình bị chà đạp, những bộ mặt kinh đảm vì bạo lực mù quáng xảy ra thường ngày, những bộ mặt lo âu của người trẻ, những bộ mặt của những phụ nữ bị xúc phạm và hạ giá, những bộ mặt mệt mỏi của những người di dân không được ai tiếp nhận, những bộ mặt u buồn của những người có tuổi không có những điều kiện tối thiểu để sống cho ra sống (181). Ðời thánh hiến dùng ngôn ngữ của việc làm để nói rằng lòng mến Thiên Chúa là nền tảng và là thuốc kích thích một tình yêu nhưng không và ân cần. 
ĐGH Phanxicô kêu gọi các tu sĩ hãy ra khỏi chính mình và đi về những vùng ngoại ô của cuộc đời: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ.” 
“Anh chị em đừng khép lại trong chính mình, đừng để mình bị ngột ngạt với những chuyện lẩm cẩm trong nhà, đừng bị giam hãm trong những vấn đề nội bộ. Những vấn đề này sẽ được giải quyết nếu anh chị em đi ra ngoài để giúp những người khác giải quyết những vấn đề của họ và loan báo Tin Mừng. Anh chị em sẽ tìm thấy sự sống khi ban phát sự sống, tìm thấy hy vọng khi ban phát hy vọng, tìm thấy tình thương bằng cách yêu thương. 
…  những cử chỉ cụ thể của việc đón tiếp người di dân, gần gũi những người nghèo, những cử chỉ sáng tạo trong việc huấn giáo, rao giảng Tin Mừng, hướng dẫn cầu nguyện.”
IV. NHỮNG VẤN ĐỀ GỢI MỞ
Việc thành lập một nhà của một hội dòng trong lãnh thổ của một giáo xứ cần theo các quy tắc của giáo luật.
Điều 609 quy định: 
§1. Những nhà của một hội dòng được nhà chức trách có thẩm quyền thành lập theo hiến pháp, với sự đồng ý bằng văn bản của Giám mục giáo phận.
Điều 610
§1. Việc thành lập các nhà đòi phải lưu ý đến ích lợi của Giáo Hội và của tu hội, và phải bảo đảm những gì cần thiết để các thành viên có thể sống đời tu xứng hợp, theo những mục đích riêng cũng như theo tinh thần của tu hội.
§2. Không nên thành lập một nhà nào, nếu không thể dự liệu cách khôn ngoan rằng các nhu cầu của các thành viên sẽ được đáp ứng cách thích đáng.
Lumen Gentium 45: Khi chu toàn phận vụ đối với Giáo Hội qua cách sống đặc biệt của mình, các tu sĩ phải kính trọng và vâng lời các Giám Mục theo giáo luật, vì phải tôn trọng quyền mục vụ của các ngài trong Giáo Hội địa phương và vì cần phải có sự đồng tâm nhất trí trong việc tông đồ [8].
ĐGH Phanxicô trong thư gửi cho tu sĩ 2014:
Cha mời tất cả hãy nắm tay nhau chung quanh các Người thánh hiến, để vui mừng với họ, để chia sẻ các khó khăn của họ, và để cộng tác với họ trong cách thế có thể được, vì họ thực hiện tác vụ của họ và công việc của họ, rồi những điều đó là của toàn thể Giáo Hội. Các Con hãy làm cho cảm nghiệm được tâm tình và sức nóng của tất cả dân Kitô. 
●        Làm thế nào sự hiện diện của 1 cộng đoàn tu sĩ hay nhiều cđ trong một giáo xứ là một sự hiện diện mang lại phúc lành cho chính cộng đoàn và cho giáo xứ? 
●        Làm thế nào có sự cộng tác giữa tu sĩ với linh mục giáo dân trong giáo xứ  để phục vụ  cho Nước Trời lan tỏa trong giáo xứ, cùng nhau phụng sự Thiên Chúa và vì ơn cứu độ cho các tín hữu? 
●        Có nhiều tu hội dòng khác nhau. Mỗi hội dòng có  một đặc sủng riêng biệt. Không phải sự hiện diện và phục vụ của bất cứ hội dòng nào cũng có hữu ích thiêng liêng nhiều cho 1 giáo xứ cụ thể và cũng không phải bất cứ giáo xứ nào cũng có thể mang lại lợi ích thiêng liêng cho đời sống của các tu sĩ. Vấn đề là sự chọn lựa của 1 hội dòng khi định thành lập nhà tại một giáo xứ phải xem xét cẩn trọng theo những điều kiện nào? 
KẾT LUẬN
Trong nỗ lực canh tân đời sống đức tin, chúng ta ước mong một sự canh tân trong đời sống và sứ vụ của các tu sĩ đang hiện diện trong TGP Hà Nội, để quý tu sĩ sẽ diễn tả rõ nét nếp sống của Chúa Kitô để giới thiệu khuôn mặt và thông truyền Tin mừng và nếp sống của Chúa cho mọi người. 
Lm. Alphongso Phạm Hùng

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org (20.02.2022)

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây