Ca viên và ca đoàn là thành phần được mời gọi trước hết hướng tới việc tham dự phụng vụ cách hiểu biết, chủ động, trọn vẹn, ý thức và tích cực. Vì thế ca viên cần trang bị hành trang hiểu biết tối thiểu về phụng vụ và thánh nhạc cho sứ mạng và sứ vụ của mình. Ở đây chỉ nhấn mạnh đến chuẩn mực thánh nhạc trong cử hành phụng vụ.
I-A. THÁNH NHẠC LÀ GÌ?
Theo dòng thời gian, Giáo hội luôn đề cao vai trò của Thánh nhạc trong Phụng vụ đặc biệt là trong cử hành Thánh lễ. Thánh nhạc là gì mà Giáo Hội lại đề cao? Câu trả lời chỉ có thể tìm thấy khi chúng ta lần giở các giáo huấn của Giáo Hội.
1. Theo thứ tự thời gian, Thông điệp Annus Qui của Đức Bênêđítô XIV [ngày 19-2-1749] được ban hành sớm nhất. Đây là tài liệu quan trọng và được coi là bộ luật về Thánh nhạc.
2. Tiếp đến là tự sắc Tra le Solecitudini [=TS](Đức Piô X ban hành ngày 22 tháng 11 năm 1903) có lẽ là chỉ thị đầu tiên của Tòa thánh liên quan trực tiếp đến Thánh nhạc và Tự sắc Tra le Solecitudiniđãtrở thành điểm quy chiếu cho các chỉ thị khác sau này, được coi như Bộ Giáo luật về Thánh nhạc.
Khi đề cập đến Thánh nhạc, Đức Piô X đã dạy: “Vì là một phần quan trọng trong toàn bộ lễ tế long trọng nên Thánh nhạc tham dự vào mục đích tối hậu của lễ tế đó, là tôn vinh Thiên Chúa và Thánh hóa tín hữu … Mục tiêu chính của Thánh nhạc là tăng cường hiệu năng của bản văn Phụng vụ để giáo dân thêm sốt sắng, nhờ đó lãnh nhận được nhiều ân sủng … (TS, số-2).
3. Kế tiếp là Thông điệp Divini Cultus [do Đức Thánh cha Piô XI ban hành ngày 20 tháng 12 năm 1928] bàn về việc phượng tự trong đó có cả âm nhạc, nhạc cụ dùng trong Phụng tự.
Ngoài ra, qua dòng thời gian, các Đức Thánh cha đã ban hành nhiều thông điệp và huấn thị liên quan đến Thánh nhạc như:
– Đức Piô XII với Mystici Corporis Christi (20-6-1943); Mediator Dei (20-11-1947); Musicae Sacrae – Thông điệp Kỷ luật về Thánh Nhạc và Phụng vụ (25-12-1955).
– Thánh bộ Nghi thức PV với Huấn thị De Musica sacra et sacra liturgia (03-9-1958).
Và nổi bật nhất là những văn kiện của Công đồng Vaticanô II cũng như các văn kiện sau:
Huấn thị Musicam Sacram (1967), số 4:
Khi nói đến thánh nhạc, phải hiểu đây là loại âm nhạc được sáng tác để cử hành việc thờ phượng Thiên Chúa, nên có tính thánh thiện và hình thức cao nhã.
Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 112:
Truyền thống âm nhạc của toàn thể Giáo Hội là kho tàng vô giá, vượt hẳn mọi nghệ thuật khác. Lý do chính để thánh nhạc có sự trổi vượt này là vì điệu nhạc thánh hiệp cùng với lời ca làm nên một thành phần cần thiết để phụng vụ trọng thể được trọn vẹn.
Do đó, thánh nhạc càng liên kết chặt chẽ với động tác phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh hơn bấy nhiêu. Thánh nhạc vừa làm cho lời cầu nguyện nên dịu dàng hơn (ngọt ngào hơn) [Latin: suavius], vừa cổ võ sự đồng thanh nhất trí, lại vừa làm cho các nghi lễ thêm phần long trọng. Do đó, Giáo Hội chuẩn nhận và cho dùng vào phụng vụ tất cả mọi hình thức nghệ thuật đích thực, miễn là có những đặc tính cần thiết.
……….
Lời ca của bài thánh ca phải luôn phù hợp với giáo thuyết Công giáo và phải rút ra từ Thánh Kinh và các nguồn phụng vụ.
Qua các thông điệp, sắc lệnh và những chỉ thị của Tòa thánh vừa nêu trên, chúng ta hiểu được phần nào ý nghĩ và tầm quan trọng của Thánh nhạc. Thánh nhạc của Giáo Hội kế thừa nền thánh nhạc Cựu Ước, đã không ngừng phát triển trong hai mươi thế kỷ.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
ĐTC Gioan Phaolô II nhắc lại lời Tự sắc Tra le sollecitudini của ĐTC Piô X (1903):
Vì là thành tố của phụng vụ long trọng, nên thánh nhạc dự phần vào toàn thể phụng vụ vốn nhằm tôn vinh Thiên Chúa, thánh hóa và xây dựng các tín hữu. Thánh nhạc góp phần vào sự trang nghiêm và vẻ huy hoàng của các nghi lễ Giáo Hội. Vì nhiệm vụ chính của thánh nhạc là gắn giai điệu thích hợp vào bản văn phụng vụ để các tín hữu hiểu được, nên mục đích của thánh nhạc là làm tăng hiệu quả cho bản văn để nhờ đó các tín hữu trở nên sốt sắng cách dể dàng hơn và lòng trí trở nên sẵn sàng hơn mà lãnh nhận hoa trái của ân sủng vốn có trong việc cử hành các mầu nhiệm thánh”.
Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma ấn bản 2002 xác quyết về tầm quan trọng của bài: Thánh Tông đồ khuyên Kitô hữu, lúc hội họp mong đợi Chúa đến, hãy cùng nhau hát những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca thiêng liêng (x. Cl 3,16). Quả vậy, hát là dấu chỉ niềm vui trong tâm hồn (x. Cv 2,46). Bởi đó, thánh Augustinô nói cách chí lý: “Hát là hành động của người đang yêu”[1]. Và ngay từ ngàn xưa, đã có câu phương ngôn: “hát hay là cầu nguyện hai lần (số 39).
Sở dĩ Giáo Hội đặc biệt quan tâm như thế là vì thánh nhạc liên hệ trực tiếp tới phụng vụ. Thông điệp Musicae Sacrae Disciplina số 17 viết: “Sẽ không ai ngạc nhiên về Giáo Hội chăm sóc, giữ gìn cẩn thận Thánh nhạc, không phải để áp đặt những luật về thẩm mỹ học, hay kỹ thuật trong phạm vi lý thuyết âm nhạc, nhưng để đề phòng không cho bất cứ cái gì làm cho thánh nhạc mất vẻ cao quý, vì sứ mạng của nó là thi hành một việc rất quan trọng: đó là thờ phượng Thiên Chúa.”
Hiến chế về Phụng vụ số 112 cũng nhắc lại mục đích cao cả của Thánh nhạc là “Tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tâm hồn.”
Giá trị của thánh nhạc. Truyền thống âm nhạc của toàn thể Giáo Hội đã kiến tạo nên một kho tàng vô giá, vượt hẳn mọi diễn tả nghệ thuật khác, nhất là vì điệu nhạc thánh đi liền với lời ca, góp phần cần thiết hoặc trọn vẹn trong phụng vụ trọng thể. Thực vậy, không những Thánh Kinh mà cả các Giáo Phụ và các Ðức Thánh Cha đã khen ngợi những bản thánh ca, nhất là các Ðức Thánh Cha trong những thời đại gần đây, tiên phong là Ðức Piô X, đã làm sáng tỏ rõ ràng hơn vai trò của Thánh Nhạc trong phụng tự. Do đó Thánh Nhạc càng liên kết chặt chẽ với hoạt động phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh hơn bấy nhiêu. Thánh Nhạc vừa phát triển lời cầu nguyện một cách dịu dàng hơn, vừa cổ võ sự đồng thanh nhất trí, lại vừa làm cho các nghi lễ thêm phần long trọng. Do đó, Giáo Hội chuẩn nhận và cho dùng vào phụng vụ tất cả mọi hình thức nghệ thuật đích thực, miễn là có những đặc tính cần thiết. Vì thế, trong khi vẫn duy trì những qui tắc, luật lệ của truyền thống và qui luật trong Giáo Hội, cũng như nhằm mục đích của Thánh Nhạc là làm vinh danh Chúa và thánh hóa các giáo hữu, Thánh Công Ðồng đã ấn định những điều sau đây. Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh – SACROSANCTUM CONCILIUM chương VI số 113. Thánh nhạc trong phụng tự. Hoạt động phụng vụ mang một hình thức cao quí hơn khi các việc phụng tự được cử hành một cách long trọng, với tiếng hát do các thừa tác viên có chức thánh chủ sự và giáo dân tích cực tham dự.
Hiến chế Sacrosanctum Conclium, số 83:
Là Thượng Tế của Tân Ước vĩnh cửu, Chúa Giêsu Kitô, mang bản tính nhân loại, đã đưa vào cuộc lưu đày ở trần gian này một bản thánh ca được hát lên qua mọi thời đại trên các tầng trời. Người kết hiệp toàn thể cộng đoàn nhân loại với Người và cho họ cùng với Người hát bài ca ngợi này.
I-B. CHUẨN MỰC THÁNH NHẠC
Huấn thị De Musica in Sacra Liturgia (số 4a) định nghĩa thánh nhạc là “loại ca nhạc được sáng tác để cử hành phụng vụ, nên phải thánh thiện và có nghệ thuật”. Cũng Huấn thị trên (số 4b) phân loại thánh nhạc như sau:
1. Bình ca
2. Các hình thức nhạc đa âm kim cổ được thừa nhận
3. Thánh nhạc cho đại quản cầm và các nhạc cụ khác
4. Ca phụng vụ và tôn giáo. Riêng loại này lại chia ra như sau: Phụng ca, Thánh ca và Giáo ca:
– Phụng ca: Những bài ca dùng trong phụng vụ, lời ca là bản văn phụng vụ, ví dụ: những bài ca nhập lễ, đáp ca, hiệp lễ, các câu tung hô, phần hát của Lễ quy, bộ kyriale, những thánh thi, tiền xướng, đáp ca trong các giờ kinh phụng vụ …
– Thánh ca: những bài ca mà lời không phải là lời bản văn phụng vụ, nhưng đã được giáo quyền cho phép hát trong khi cử hành phụng vụ, ví dụ, các bài ca nhập lễ, tiến lễ và hiệp lễ …
– Giáo ca: những bài ca diễn tả các chân lý trong đạo dùng cho các sinh hoạt tôn giáo ngoài phụng vụ, như lớp giáo lý, hội họp, cắm trại, … Thí dụ những bài giáo ca sau:
– Gặp Gỡ Đức Kitô – Tiến Lộc-VKP-Quang Uy.
– Hành Trang Người trẻ – Lm Hoàng Đức.
– Bài Ca Phục Vụ – Lm Mi Trầm (hát lúc kết lễ)
– Chú Bé Đánh Trống (The Little Drummer Boy) – Tác giả: Harry Simeon, Katherine K. David và Henry Onorati; Hoà âm: Harry Simeon; Lời Việt: Viết Chung.
– Jingle Bells – James Pierpont (Lời Việt: có nhiều tác giả đã dệt lời Việt trên giai điệu này).
– Oui Devant Dieu.
– Ave Maria (Schubert)
– Hỡi Bạn Đường Xa (Dân ca Bắc Bộ).
Những bài trên đây và còn nhiều bài khác nữa có nội dung liên quan đến giáo lý công giáo, hay nhắc đến Chúa và Mẹ Maria, nhưng không phải là thánh ca.
NÓI CHUNG: Chuẩn mực của bài ca trong Phụng vụ bao gồm những lưu ý sau:
a- Chỉ sử dụng những nhạc phẩm tôn giáo đích thực, nghĩa là những nhạc phẩm gồm được tính thánh thiện.
* Thánh thiện trong lời ca, như HCPV, số 121 quy định: “Lời ca phải hợp với giáo lý công giáo, và tốt hơn là rút ra từ Kinh Thánh và các nguồn Phụng vụ.” Do đó, những lời ca sai giáo lý hay diễn tả mập mờ, khiến người nghe có thể lầm lẫn, thì cần phải chỉnh lại hoặc loại ra. Cũng nên loại bỏ những bài hát nội dung nghèo nàn, với những lời ca ủy mị, mang nặng ảnh hưởng của những tình ca thế tục, như HCPV,số 124 nêu rõ: “Phải loại ra ngoài phụng vụ những tác phẩm làm tổn thương đến tinh thần tôn giáo.” Huấn thị Để thi hành HCPV ra ngày 05-11-1970, số 3, quy định: “Các bản thánh ca phải phù hợp với vẻ tôn nghiêm của nơi thánh và việc phụng tự, chẳng những trong lời ca, mà cả trong âm hưởng, nhịp điệu, và cách sử dụng các nhạc cụ nữa.”
* Thánh thiện đi sát với Phụng vụ: HCPV số 112 nói: “Thánh Nhạc càng liên kết chặt chẽ với hoạt động phụng vu bao nhiêu thì càng thánh bấy nhiêu.” Như vậy phải dành ưu tiên cho những bài ca Giáo Hội đã chỉ định cho mỗi lễ nghi phụng vụ (Quy chế tổng quát sách lễ Rôma, số 22).
* Thánh thiện do việc sử dụng cung điệu trang nghiêm. Vì thế, phải tránh những cung điệu tuồng kịch nhuốm mầu lãng mạn, trần tục, phóng túng, như văn kiện trên quy định.
b- Chỉ dùng những tác phẩm có hình thức nghệ thuật đích đáng, nghĩa là:
– Về Nhạc, phải đúng những nguyên tắc về kỹ thuật sáng tác, hòa âm, đối âm, phối khí, …
– Về lời, phải đúng luật văn phạm và ngôn ngữ, lại biết dùng những lời hay ý đẹp, giàu chất thơ, có khả năng diễn tả chính xác những chân lý trong đạo …
Văn kiện Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc [=HDMVTN] của Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng đưa ra những chuẩn mực thánh ca để thẩm định.
E. Tiêu chuẩn thẩm định bài hát
Ba thẩm định nhưng chỉ một lượng giá
116. Khi thẩm định sự thích hợp của âm nhạc trong phụng vụ, ta sẽ phải xét đến các đặc tính: phụng vụ, mục vụ và âm nhạc. Nhưng cơ bản, ba thẩm định này chỉ là ba khía cạnh của một lượng giá để có thể trả lời câu hỏi: “Tác phẩm âm nhạc này có thích hợp với cuộc cử hành phụng vụ cụ thể này không?” Cả ba thẩm định này phải được xét cùng lúc với nhau, không được áp dụng theo một thẩm định này mà loại bỏ hai thẩm định kia. Việc lượng giá này đòi hỏi sự hợp tác, tham vấn và làm việc chung với nhau và tôn trọng nhau giữa những người thành thạo về một trong ba thẩm định, như các vị quản thủ thánh đường, các nhạc sĩ, các nhà phụng vụ hay những người hoạch định lễ nghi.
Thẩm định về phương diện phụng vụ
117. Người thẩm định có thể đặt ra câu hỏi để xác định như sau: “Trong nghi thức cụ thể này, bài hát này có đáp ứng được những đòi hỏi về bản văn và cấu trúc mà sách phụng vụ đã xác lập không?”
118. Những cân nhắc về mặt cấu trúc dựa trên những yêu cầu của chính nghi lễ sẽ hướng dẫn phải chọn để hát những phần nào theo nguyên tắc về bậc lễ. Phải cố làm sao có được sự cân bằng nhất định giữa những yếu tố khác nhau của phụng vụ, để những yếu tố ít quan trọng không lấn át những yếu tố quan trọng hơn. Các yếu tố về bản văn, gồm cả việc dệt nhạc để nâng đỡ bản văn phụng vụ và chuyển tải ý nghĩa, phải thật trung thành với giáo huấn của Hội Thánh.
119. Các khía cạnh của âm nhạc và những nghi thức phụng vụ khác nhau sẽ được bàn đến cách ngắn gọn trong các số từ 128 sau đây. Các nhạc sĩ sáng tác thánh ca nên tìm hiểu những quy định của mỗi nghi thức qua việc nghiên cứu chính các sách phụng vụ.
Thẩm định về phương diện mục vụ
120. Thẩm định về phương diện mục vụ là xét đến cộng đoàn nhất định quy tụ lại để cử hành phụng vụ ở một nơi nhất định và vào một thời điểm nhất định. Bài hát này có góp phần tăng thêm sự thánh hóa các thành phần trong cộng đoàn phụng vụ bằng cách lôi kéo họ đến gần hơn với mầu nhiệm thánh đang được cử hành không? Tác phẩm này có tăng cường việc giáo dục đức tin cho họ bằng cách mở lòng họ trước mầu nhiệm được cử hành trong dịp lễ này hoặc trong mùa phụng vụ này không? Bản thánh ca này có khả năng diễn tả đức tin mà Thiên Chúa đã gieo vào lòng họ và kêu gọi họ đến cử hành không?
121. Những yếu tố khác – như tuổi tác, văn hóa, ngôn ngữ và trình độ của một cộng đoàn phụng vụ nhất định – cũng phải được xét đến. Khi chọn thể loại âm nhạc này, hay chọn bài hát nọ để cộng đoàn có thể tham dự, thảy đều phải xét xem đâu là con đường mà cộng đoàn cụ thể này thấy là dễ dàng nhất để nối kết tâm trí họ với hành vi phụng vụ. Tương tự, cảm nghiệm âm nhạc của một cộng đoàn phụng vụ nhất định phải được xét đến một cách cẩn thận, ít nhất là những hình thức diễn tả âm nhạc xa lạ với cách phượng tự của họ phải được giới thiệu một cách tiệm tiến. Mặt khác, cần tin tưởng rằng người thuộc mọi lứa tuổi, văn hóa, ngôn ngữ, và mọi trình độ giáo dục, đều có thể tiếp thu cái mới nếu được giới thiệu cho họ một cách thích hợp và thấu đáo.
122. Cuối cùng, về phương diện mục vụ, vẫn là câu hỏi xưa nay: Bài hát này có lôi kéo được những con người này đến gần với mầu nhiệm Đức Kitô là trọng tâm của cuộc cử hành phụng vụ này không?
Thẩm định về phương diện Âm nhạc
123. Thẩm định về khía cạnh âm nhạc là đặt câu hỏi: bài hát (hoặc đoạn nhạc) này có những đặc tính thẩm mỹ cần thiết hay không hầu có thể chuyển tải được ý nghĩa phong phú của những mầu nhiệm được cử hành trong phụng vụ. Một câu hỏi khác nữa là: bài hát này có giá trị về mặt kỹ thuật, mỹ thuật và biểu cảm không?
124. Thẩm định này đòi hỏi khả năng về âm nhạc. Chỉ có loại âm nhạc vang lên một cách nghệ thuật mới đem lại hiệu quả và tồn tại qua thời gian. Đưa vào phụng vụ loại nhạc tầm thường, rẻ tiền và khuôn sáo thường thấy trong các bài ca trần tục tức là hạ giá phụng vụ, làm cho phụng vụ dễ bị chế giễu và chuốc lấy thất bại.
125. Tuy nhiên, để việc diễn tả nghệ thuật được đầy đủ thì không nên sử dụng chỉ một kiểu âm nhạc, vì “Giáo Hội không chọn riêng cho mình một quy cách nghệ thuật nào, nhưng chấp nhận các kiểu âm nhạc của bất cứ thời đại nào, tùy theo đặc tính và hoàn cảnh của các dân tộc, cũng như tùy theo nhu cầu của các nghi chế khác nhau.”[2] Vì vậy, Giáo Hội trước sau vẫn công nhận và vui mừng tiếp nhận việc sử dụng các kiểu âm nhạc khác nhau làm trợ tá trong phụng vụ.
Nói chung: Thánh nhạc phải thánh thiện và phải là thứ Nghệ thuật Đích thực – phải loại bỏ mọi yếu tố trần tục; đáp ứng được các yêu cầu về phương diện âm nhạc, phụng vụ và mục vụ.
II.A. ĐỜI SỐNG CA VIÊN
Ngay Lời nói đầu, tài liệu chuẩn bị Công nghị TGP Hà Nội đã chỉ ra mục tiêu của Công nghị là Canh tân đời sống Đức Tin … để được trưởng thành mỗi ngày. Vì thế, Đức Tin mà mỗi Kitô hữu mang trong mình luôn có hai chiều kích căn bản là chiều kích cá nhân và chiều kích cộng đoàn (CNHN22, trang 5).
Ca viên và ca đoàn luôn tương tác với nhau trong đời sống đức tin. Nhiều ca viên nỗ lực sống đức tin sẽ làm thành cộng đoàn ca đoàn trưởng thành và chính đời sống của tập thể ca đoàn sẽ là nguồn nuôi dưỡng và giúp cho đời sống Đức Tin của mỗi ca viên được triển nở … ( CNHN22, trang 5).
Muốn thế, các ca viên cần lưu ý:
Tiêu chuẩn 1: Đời sống xứng danh Kitô hữu:
– Có đức tin và sống đức tin: đây là điều kiện căn bản như Đức Piô XII đã dạy trong Quy luật Thánh nhạc, số 24. Huấn thị Thánh nhạc (HTTN, số 97) còn đòi hỏi cao hơn: “… phải có một đời sống Kitô giáo gương mẫu hơn các tín hữu khác ...”
– Tinh thần cầu nguyện: Hãy nhớ rằng, Đức Piô X đã dạy trong tự sắc Tra Le Sollecitudini: “… mục đích tối hậu của Phụng vụ là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa tín hữu …(x. số 1-2), nên
* Hát để cầu nguyện vì thánh ca là lời cầu nguyện của Dân Chúa.
* Do đó, bài hát phải được hát lên với tâm tình cầu nguyện hơn là hát với kỹ thuật (Nemo dat quod non habet).
* Ý hướng khi hát: hát bài này để Tôn vinh Thiên Chúa và mưu ích cho các tâm hồn.
ĐTC Gioan Phaolô II nhắc lại lời Tự sắc Tra le sollecitudini của ĐTC Piô X (1903):
Vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi là Đức Phaolô VI đã nói một cách khôn ngoan: “Không phải mọi thứ ở ngoài đời đều thích hợp để bước vào ngưỡng cửa Đền Thờ”. Rồi Ngài xác định rằng: “Nếu không có tinh thần cầu nguyện, nếu thiếu vẻ trang nghiêm và vẻ đẹp nghệ thuật, thì âm nhạc – dù là khí nhạc hay thanh nhạc – đều tự loại mình khỏi lãnh vực thánh thiêng và tôn giáo.”
Tiêu chuẩn 2: Khả năng chuyên môn:
– Kiến thức chung:
* Về Phụng vụ: “Phải có một kiến thức đầy đủ hoàn toàn về Phụng vụ trên phương diện lịch sử, tín lý hay giáo lý, một kiến thức thực hành về ‘Chữ Đỏ’ (HTTN, số 98,a)”. “Do đó họ phải được huấn luyện tương xứng về Phụng vụ” (Thánh nhạc trong Phụng vụ [TNtPV], số 24). Nghĩa là nắm được những hiểu biết căn bản.
* Về Thánh nhạc: “Phải có kiến thức sâu xa và lề luật của nghệ thuật Thánh nhạc (HTTN, số 98)” để hát cho đúng với tác động Phụng vụ.
* Kiến thức riêng: Ca viên cần học hỏi để thành thạo về:
* Ngôn ngữ sử dụng (cần lưu ý vì nhạc vị lời chứ không phải lời vị nhạc).
Khi hát lễ cũng như khi tập hát, cần phải loại bỏ những yếu tố trần tục (hát vì mình, hát để phô diễn giọng ca, hát vì một ai đó trong ca đoàn hay cộng đoàn, …).
Hãy nhớ rằng, Đức Piô X đã dạy trong tự sắc Tra Le Sollecitudini: “… mục đích tối hậu của Phụng vụ là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa tín hữu …(x. số 1-2)
II.B. CA ĐOÀN
Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh rằng phải luôn cổ vũ các ca đoàn, đồng thời bảo đảm sao cho “tất cả cộng đoàn tín hữu đều có thể tích cực tham dự với những phần dành riêng cho họ…”[3] Ca đoàn không được phép giảm thiểu việc tham gia ca hát của cộng đoàn tín hữu. Thông thường, cộng đoàn hát những giai điệu chỉ có một bè vốn dĩ thích hợp với việc hát cộng đồng không cần phải tập dượt. Hát cộng đồng là ưu tiên trong phụng vụ. Trái lại, ca đoàn bao gồm những người được chọn ra từ cộng đoàn, vừa có khả năng âm nhạc cần thiết vừa biết hy sinh tập dượt theo thời khóa biểu cố định và sẵn sàng có mặt trong những cử hành phụng vụ. Vì vậy, họ có thể làm cho việc cử hành phụng vụ thêm phong phú bằng cách đóng góp những yếu tố âm nhạc mà khả năng của cộng đoàn chưa vươn tới được (Hướngdẫn Mục vụ Thánh nhạc [=HDMVTN], số 29).
Hiến chế Phụng vụ số 114:
“Phải hết sức lo lắng và cổ võ kho tàng Thánh Nhạc, phải nỗ lực đào tạo các ca đoàn theo khoản 28 và 30.”
….phải nỗ lực đào tạo các ca đoàn…. Đào tạo cả về đức tin, sống cầu nguyện và kỹ năng ca hát.
Tác vụ của Ca đoàn
Tác vụ này đóng một vai trò hết sức quan trọng giúp cho phụng vụ linh động.
Hiến chế Phụng vụ thánh (HCPV) nhắc nhở các Giám mục và mục tử coi sóc các linh hồn “phải nỗ lực đào tạo các ca đoàn, nhất là tại các nhà thờ chính tòa.”[4] Như vậy cần phải thành lập ca đoàn trong các giáo xứ lớn nhỏ và đào tạo các tác viên âm nhạc cho các ca đoàn.
Ca đoàn bao gồm những người được chọn ra từ cộng đoàn, vừa có khả năng âm nhạc cần thiết vừa biết hy sinh tập dượt theo thời khóa biểu cố định và sẵn sàng có mặt trong những cử hành phụng vụ. Vì vậy, họ có thể làm cho việc cử hành phụng vụ thêm phong phú bằng cách đóng góp những yếu tố âm nhạc mà khả năng của cộng đoàn chưa vươn tới được.[5]
Có thể chia thành từng nhóm nhỏ như Ban hát, Nhóm ca, Hội Ca vịnh (chỉ cần hai bè: nữ bổng, nữ trầm; nam bổng hay nam trầm, đồng giọng) hoặc đông hơn như Ca đoàn, Ban hợp xướng dị giọng (bốn bè: nữ bổng [soprano], nữ trầm [alto], nam bổng [tenor], nam trầm [basso], v.. v.. . Cũng có thể quy tụ theo lứa tuổi (thiếu nhi, giới trẻ, các bà mẹ, các bậc trung niên,…) hoặc theo nhu cầu mục vụ (lễ dành cho thiếu nhi, cho giới trẻ hay người lớn).
Nhìn vào Tổng giáo phận Hà Nội với nhiều đơn vị giáo xứ và giáo điểm truyền giáo, con số ca đoàn chắc hẳn không dưới 1.000. Gần một nửa ca viên tham gia ở trong độ tuổi còn trẻ. Bởi vì đây là tác vụ âm nhạc được nhiều bạn trẻ yêu mến và tích cực đảm nhận.
Hầu hết các thành viên ca đoàn đảm nhận tác vụ ca viên hát bè được phân công theo giọng nam hay nữ, bổng hay trầm. Nhưng trong ca đoàn còn có một số anh chị em đảm nhận những tác vụ đặc biệt: ca trưởng, đệm đàn, người xướng thánh vịnh, đơn xướng viên (soloist), ca xướng viên (cantor).
Ca đoàn phục vụ bằng nhiều cách khác nhau. Việc phục vụ quan trọng của ca đoàn trong Thánh lễ là chia hai bè hát đối đáp với nhau hoặc với cộng đoàn; cũng có thể hát thêm bè hòa âm để làm phong phú tiếng hát của cộng đoàn. Trong kho tàng thánh nhạc, ca đoàn có thể chọn ra những tác phẩm do các nhạc sĩ thuộc nhiều thời kỳ khác nhau sáng tác theo nhiều phong cách âm nhạc khác nhau. Cũng có thể chọn những bài diễn tả đức tin của nhiều nền văn hóa khác nhau vốn là nét đa dạng phong phú của Hội Thánh. Những lúc thích hợp cho ca đoàn hát riêng là: bài ca trước Ca nhập lễ, Ca hiệp lễ. [6] Phần hát riêng của ca đoàn phải luôn hợp với phụng vụ; hoặc hát bản văn phụng vụ của đúng ngày lễ, hoặc hát bài có chủ đề sát với phụng vụ của ngày hôm ấy. Khi không hát riêng, ca đoàn cùng hát với cộng đoàn. Trong trường hợp này vai trò của ca đoàn không phải là hướng dẫn cộng đoàn hát, nhưng là cùng hát với cộng đoàn đang tự hát hoặc đang hát nương theo tiếng đàn.
Như mọi người khác đang góp phần việc của mình vào phụng vụ, các thành viên ca đoàn phục vụ với đức tin sáng ngời, và tham dự trọn vẹn cử hành phụng vụ, nhìn nhận mình là đội ngũ giúp việc trong phụng vụ và là thành viên của cộng đoàn được Chúa Kitô quy tụ.[7]
[1] Thánh AUGUSTINÔ, Giáo phận Hippôn, Bài giảng 336, 1: PL. 38, 1472.
[2] HCPV, 124
[3] HCPV, số 114
[6] x. HDMVTN, Âm nhạc và Cấu trúc Thánh lễ, số 126
[7] x. HDMVTN, các số 29-34
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn