Những bước chân trung tín của đời tu
Thứ ba - 11/10/2022 20:41
Những bước chân trung tín của đời tu
NHỮNG BƯỚC CHÂN TRUNG TÍN CỦA ĐỜI TU
Nt. Anna Hiền Linh,
Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn
WHĐ (11.10.2022) - Ngày nay, trong một xã hội phát triển, hiện tượng đổ vỡ trong đời sống hôn nhân gia đình đã trở thành mối đe doạ thường xuyên cho các bạn trẻ; và hệ lụy của hiện tượng tiêu cực này đã làm cho không ít người trẻ đánh mất niềm tin về viễn tượng hạnh phúc lứa đôi; và đôi khi, hoài nghi ngay cả với chính “ý trung nhân” mà mình “bỏ công chọn lựa”!
Và rồi, hình như người trẻ nào, khi bước vào ngưỡng cửa hôn nhân gia đình, đều luôn mang tâm trạng lo lắng, đắn đo; phải lựa chọn làm sao để tìm cho được một người bạn đời thuỷ chung, “ăn đời ở kiếp”, để chuyện tình lứa đôi khỏi “đứt gánh giữa đường”. Và phải chăng, chính vì luôn phải đối diện với viễn tượng đầy thách đố và “bấp bênh” của đời sống hôn nhân gia đình, nên rất nhiều bạn trẻ quyết định ở vậy không kết hôn; thậm chí có nhiều người, đặc biệt giới nữ, lựa chọn kiểu sống “làm mẹ đơn thân” thay vì phải dấn thân cho một cuộc hôn nhân đầy bất trắc.
Dĩ nhiên, các nhà xã hội học, các nghiên cứu về mục vụ hôn nhân gia đình của Giáo Hội…, đều đã, đang và sẽ giải trình nhiều nguyên nhân của hiện tượng tiêu cực này, hiện tượng “tâm lý xã hội” tác động không nhỏ trên suy nghĩ và lựa chọn tương lai của giới trẻ hôm nay.
Từ góc nhìn về hiện tượng của giới trẻ hôm nay trong lãnh vực “hôn nhân gia đình”, chúng ta thử phóng nhìn sang một cuộc sống khác, cuộc sống đời tu hay danh từ chuyên môn đó là “đời sống thánh hiến”.
Ở đây, chỉ xin dừng lại nơi một chiều kích thuộc lãnh vực tinh thần: Lòng trung tín; hay thâm thúy văn chương hơn một chút: Những bước chân trung tín của đời tu.
Trước hết, trung tín là điều kiện cần và đủ để cho con người có thể sống chung và thiết lập những mối tương quan bền vững. Dù lớn hay bé, trẻ hay già, quyền quý giàu sang hay bần cùng đói rách, thấp cổ bé miệng hay chức trọng quyền cao…, bậc sống nào cũng cần đến “nhân đức nền tảng” này.
Nếu trong đời sống lứa đôi, trung tín hay thủy chung chính là nền tảng để hôn nhân tồn tại vững bền và là bí quyết để giữ lửa hạnh phúc cho gia đình, vợ chồng, con cái..., thì trong đời sống thánh hiến, trung tín lại là một lựa chọn cần thiết để người tu sĩ có thể gắn chặt đời mình với Đức Kitô, với đối tượng mà mình đã từ bỏ tất cả để đi theo.
Trong tiếng Anh, trung tín (Faithful) có nghĩa là niềm tin, một sự tin cậy, một lời hứa, một sự cam kết, một sự trung thành.
Theo Hán việt, trung tín có nghĩa là trung thành, một lòng một dạ bền bỉ không bỏ cuộc. Đây là từ ghép của hai từ trung và tín.
“Trung” là ở giữa.
“Tín” là tin tưởng, tín nhiệm, tin cậy, tin theo, không nghi ngờ.
Vì thế, một người Kitô hữu đích thực khi người đó có một niềm tin vững chắc không nghi ngờ vào Thiên Chúa qua các biến cố xảy ra trong cuộc đời mình, và luôn mạnh dạn xác tín và hân hoan bước đi trong tin yêu phó thác.
Đối với người sống đời thánh hiến, trên quãng đường theo Chúa sau một thời gian dài trải qua nhiều biến cố vui buồn, chắc chắn không tu sĩ nào tránh khỏi những chán nản, thất vọng…; và cũng đã có không ít người buông xuôi bỏ cuộc trước sự “thinh lặng nhiệm mầu” của Thiên Chúa; đó là những khoảnh khắc, những thời điểm mà ở đó gần như Chúa để ta một mình đối diện với những khó khăn, thất vọng; chúng ta khan cổ kêu cầu Chúa vẫn im lặng biệt tăm!
Các tổ phụ cũng đã từng trải qua những đêm trường thử thách như thế: một Ápraham phải đứt ruột trói đứa con duy nhất để sát tế; một Giuse bị các anh loại trừ, bán làm nô lệ; một Môsê lang thang suốt bốn mươi năm trong sa mạc… Vâng, “Chúa đã thử các ngài như vàng thử trong lửa” (Kn 3,6), đã thanh luyện các ngài bằng tình yêu và lòng trung tín để từ đó các ngài trở thành tổ phụ của lòng tin (Rm 4,18-22). Vì Thiên Chúa hứa ban Nước Trời cho những ai trung tín và hết lòng trông cậy vào Ngài.
Riêng với những ai cam kết chọn lựa con đường “Mến Thánh Giá” thì không thể không nhắc đến Đức cha Lambert de La Motte, vị Tổ phụ đáng kính, đấng sáng lập Hội dòng. Chính ngài đã trải qua những chặng đường dài đầy thử thách về niềm tin và lòng trung tín, như lịch sử đã lưu lại trong chuyến hành trình truyền giáo vượt biển Đàng Trong qua ký sự của cha Vachet, người bạn đồng hành:
“Chúng tôi lên thuyền ngày 20/7/1671. Đó là một thứ thuyền mà tiếng Đàng Trong gọi là thuyền bầu. Con thuyền được lèo lái bởi duy nhất bốn dân chài người Đàng Trong. Nói cho thực, chớ có kém lòng tin vào Thiên Chúa khi ra đi trên một con thuyền như vậy. Bạn hãy cứ tưởng tượng một con thuyền không đinh, không rợ, không mảnh sắt, không vải buồm và không hoa tiêu, mà dám rời xa đất liền. Bạn hãy hình dung một mớ vài ba mảnh ván nối lại với nhau cách sơ sài và buộc chung lại với nhau bằng những sợi giây tựa như những sợi mây thô thiển, những mỏ neo thì làm bằng gỗ, những cánh buồm là các mảnh chiếu gắn vào những cái cột là mấy thân cây tre, và bánh lái thuyền nằm ở một cái lỗ phía sau con thuyền, chỗ ấy nước dạt ra dạt vào rất dễ dàng. Chính là với những trang thiết bị như vậy mà chúng tôi khởi hành một chuyến đi xa cả hai trăm dặm đường vào một mùa đã thật cuối kỳ đi biển, đến một xứ sở đang lúc chiến tranh, và trên một vùng biển bão tố lúc nào không hay và đầy dẫy hải tặc…
Sau cùng, vượt trên mọi niềm hy vọng của con người, con thuyền của chúng tôi dạt vào đất liền quãng một tầm súng bắn. Ngay tức thì, các thủy thủ, hai linh mục người Đàng Trong và các gia nhân liền nhảy xuống nước để đưa chúng tôi vào bờ xa biển nhất có thể…” (Trích Ký sự hành trình truyền giáo Đàng Trong của Đức cha Lambert 1671).
Trước những cuộc bách hại, những khó khăn thử thách tưởng chừng như không còn đủ sức để vượt qua, nhưng vị cha chung đáng kính của chúng ta đã một lòng trung thành tin tưởng phó thác vào tình yêu thương quan phòng với Đấng mà mình đã xác quyết trọn đời dấn thân phục vụ. Phải chăng, chính nhờ lòng trung tín tuyệt vời đó mà hôm nay có chúng ta, những nữ tu Mến Thánh Giá tiếp nối bước chân của ngài trên khắp mọi miền đất nước.
Cách riêng, đối với quý bà, quý chị em đã đi qua chặng đường tu trì với 10 năm, 15 năm, 25 năm, 60 năm, 65 năm khấn Dòng hay nhiều hơn nữa, chắc chắn quý bà và chị em có cả một bề dày lịch sử kinh nghiệm về lòng trung tín và kinh nghiệm thế nào là sự bất trung đối với Chúa, với sứ vụ tông đồ và với chị em mình.
Có thể nói được, trong bất cứ thời điểm nào và bất cứ ở đâu, sự hiện diện của quý bà và chị em cao niên trong Hội dòng là những chứng nhân của lòng trung tín trải dài suốt hơn 350 năm; lòng trung tín đó như một dòng chảy luôn đem lại sự tươi mát cho các mầm non đang bước theo Chúa trên hành trình dâng hiến. Sự hiện diện cao đẹp và cần thiết ấy luôn nhắc nhớ mỗi người tu sĩ hôm nay, những thế hệ tiếp nối, nhìn lại tình yêu và lòng trung tín của mình đối với Chúa, với tha nhân và với chính mình. Bởi vì, thật ra, rất nhiều khi trong cuộc sống, chúng ta quên đi lòng trung tín của mình đối với Chúa; và sự lãng quên căn bản này đã làm cho chúng ta xa Chúa và trở nên vô tâm, vô cảm đối với nhau và với tha nhân.
Nếu chúng ta có lòng trung tín thật sự chúng ta sẽ không thể xem thường việc đọc, học hỏi và suy gẫm Lời Chúa, Giáo huấn Giáo hội, yêu mến luật Dòng qua Hiến chương và Nội qui. Nếu chúng ta có “nhân đức trung tín”, chúng ta sẽ sống tốt các “nhân đức của Tin mừng”: khó nghèo, trong sạch, vâng lời cũng chính là ba lời khấn. Nếu chúng ta thực sự trung tín, chúng ta sẽ chu toàn công việc bổn phận hằng ngày với cả tình yêu và lòng mến. Cũng chính lòng trung tín sẽ giúp chúng ta sẵn sàng đón nhận sứ vụ được trao bằng niềm tin và lòng cậy trông phó thác, và sẽ thể hiện sự đáng tin và lòng tín nhiệm qua cách sống với chị em trong cộng đoàn.
Lòng trung tín sẽ không để các mối tương quan trong đời sống cộng đoàn bị gặm nhấm bởi những ích kỷ nhỏ nhen, giận hờn…; và sẽ ngăn cản các thành viên trong cộng đoàn chạy theo lối sống buông thả hưởng thụ của thời đại. Cũng vậy, nhờ quyết tâm giữ đức trung tín, chúng ta sẽ dễ dàng vui vẻ chấp nhận các công việc thấp hèn, bé nhỏ âm thầm không ai biết đến; và sẽ không để mình trở nên nô lệ cho những thứ không cần thiết hay nghịch lại lối sống của những người thánh hiến.
Chỉ có người trung tín thật sự với đức tin với ơn gọi mới không tránh né công việc, không chọn việc để làm, không dung dưỡng thân xác, không lấy mình làm cái rốn của vũ trụ, không đề cao người này coi thường kẻ khác, không dựa dẫm vào người khác nhưng tự đứng trên đôi chân của mình và mạnh mẽ bước đi theo Chúa cách chân thành như người đầy tớ trung tín luôn trung thành với bổn phận dù có sự hiện diện của chủ hay không vẫn làm mọi việc vì ý thức rằng mình là đầy tớ nên phải làm những việc mà mình phải làm…
Là nữ tu Mến Thánh Giá, để sống tốt ba lời khuyên Phúc Âm, để thăng tiến đời sống cộng đoàn, chúng ta cần có “ơn trung tín” để trung thành phụng sự Chúa và đem lại niềm tin, niềm vui và sự bình an cho nhau. Chỉ có niềm tin, tình yêu, và lòng trung tín thật sự mới đem lại ý nghĩa và sự bảo đảm vững bền cho đời sống chung. Một khi chúng ta có lòng trung tín thì dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, sống với bề trên, bề ngang hay bề dưới, mọi mối tương quan đều “mang hương vị của Tin Mừng” (Thông điệp Fratelli Tutti): không thiên vị riêng tư, không xà càng bất kính, không thô lỗ khiếm nhã, không luồng lách bợ đỡ, không chia nhóm kết bè…; nói chung, không ứng xử hay thiết lập các mối tương quan theo tinh thần thế tục nhưng trên nền tảng trung tín đối với Đấng Chịu Đóng Đinh, với “linh đạo thập giá”. Nếu không trang bị cho mình “hành trang trung tín” này, chúng ta sẽ đối diện từ thất bại này tới thất bại khác trong mọi chiều kích sống ơn gọi thánh hiến; đời sống tu trì sẽ sớm rơi vào bế tắt, mỗi ngày tiến dần tới những bất trung và trái tim sẽ thành chai lì để cuối cùng cuộc sống hoàn toàn đổ vỡ.
Trong Tông huấn Đời sống Thánh hiến (Vita Consecrata), Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc tới sự trung tín của người tu sĩ: “Hỡi những người tận hiến, dù già hay trẻ, hãy sống trung thành với điều đã cam kết với Thiên Chúa, bằng cách làm gương sáng cho nhau, nâng đỡ nhau. Dù đôi khi các con gặp nhiều khó khăn hay dù tại vài nơi đời thánh hiến không còn được kính trọng nữa, các con có phận sự hãy mời gọi những người thời đại này ngước nhìn lên cao, đừng để bị ngụp lặn trong công chuyện hằng ngày, nhưng hãy để cho Thiên Chúa và Tin Mừng của Con Thiên Chúa thu hút. Đừng bao giờ quên rằng, các con là những người một cách đặc biệt có thể và phải nói rằng không những các con thuộc về Đức Kitô, mà các con “đã trở nên Đức Kitô nữa” (ĐSTH số 109).
Thiên Chúa là Đấng trung tín, Ngài luôn trung tín đối với mọi lời Ngài đã nói ra. Thiên Chúa trung tín vì đó là bản chất của Ngài, thánh Phaolô viết: “Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2Tm 2, 13). Sách Hôsê diễn tả một cách tuyệt vời về sự liên kết của Thiên Chúa với vị hiền thê đã chọn bằng mối dây trung tín hoàn hảo: “Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa” (Hs 2, 22).
Là nữ tu Mến Thánh Giá, chúng ta cần làm mới lại tình yêu dành cho Đức Kitô Chịu Đóng Đinh mỗi ngày. Chúng ta không chỉ dừng lại với lời khấn hứa nhưng cần cố gắng phát triển mối giây giao ước đó bằng sợi chỉ hồng xuyên suốt qua đời sống cộng đoàn được thể hiện qua lối sống Hiệp hành – Hiệp thông – Tham gia và sứ vụ.
Câu chuyện “Hồ Thiên Nga”[1] sẽ là một minh họa khá ấn tượng về lòng trung tín:
“Hoàng tử Siegfried vừa tròn 18 tuổi. Hoàng cung tổ chức tiệc mừng trưởng thành. Chỉ còn một ngày độc thân. Hôm sau sẽ là ngày đính hôn. Sau bữa tiệc, bạn bè rủ nhau đi săn. Họ vào một khu rừng lúc trời sập tối và phát hiện một bầy thiên nga đang múa hát trên mặt hồ. Hoàng tử định bắn, nhưng một thiếu nữ xinh đẹp hiện ra ngăn lại. Cô xưng là công chúa Odette. Bị lời nguyền rủa của phù thuỷ Rothbart nên công chúa và đoàn cung nữ biến thành thiên nga. Chỉ ban đêm mới có thể trở lại hình người. Lời nguyền này chỉ bị xoá giải khi có người thề hứa yêu và trung thành đến chết. Khi đó lão phù thuỷ sẽ phải chết. Và hoàng tử đã đem lòng yêu thương và thề hứa trung thành với công chúa.
Hôm sau lễ đính hôn, hoàng tử được quyền chọn lựa người bạn trăm năm. Chàng muốn nàng Odetta đến, nhưng ban ngày Odetta chỉ có thể đến trong hình dạng thiên nga. Không ngờ lão phù thuỷ Rothbart biết được nên đã biến cô cháu gái Odillia thành công chúa Odetta. Hoàng tử tưởng thật nên đã đồng ý hứa hôn. Khi thấy con thiên nga bay qua cửa sổ, hoàng tử biết mình đã bị lừa nên buổi tối hoàng tử ra hồ thăm Odetta lần cuối.
Odetta quyết định chết ngay đêm ấy. Vì hôm sau khi hoàng tử làm đám cưới rồi thì nàng không bao giờ thoát khỏi kiếp thiên nga nữa. Nàng muốn được chết trong hình dạng con người và hoàng tử đã quyết định cùng chết với nàng. Cuối cùng hai người đã đi vào cái chết trong sự chung thủy, lời nguyền được xoá giải. Công chúa chết trong hình dạng con người. Hoàng tử cũng nhờ cái chết mà giữ được lời hứa trung tín…”.
Để giữ lời hứa trung tín với người yêu, hoàng tử trong câu chuyện trên đã dùng chính cái chết của mình để minh chứng cho tình yêu ấy. Có lẽ quý bà và chị em chúng ta đã và đang bước đi trên hành trình dâng hiến hôm nay không dùng cái chết của thân xác để nói lên tình yêu, nhưng chúng ta đã diễn tả tình yêu của mình dành cho Đức Kitô Chịu Đóng Đinh bằng chính những hy sinh âm thầm liên lỉ từng ngày qua sự chịu đựng lẫn nhau trong đời sống chung, qua những lần khiêm hạ, nhường nhịn nhau một lời nói, chấp nhận chịu thiệt thòi, chấp nhận hiểu lầm, chấp nhận sự đau đớn của bệnh tật… Sẵn sàng đón nhận những điều không mong muốn nơi môi trường mình phục vụ, kiên nhẫn trong sự thử thách về đức tin, về ơn gọi, về sứ mạng…Vì khi chúng ta tuyên khấn là chúng ta cam kết hiến mình hoàn toàn thuộc về Chúa cách tự nguyện với quyền lợi và trách nhiệm nên cần có lòng trung tín. Trung tín với ba lời khấn Dòng, trung tín với sứ mạng.
Ước gì, trên hành trình dâng hiến, mỗi người chúng ta luôn ý thức và trân trọng giá trị cao quý của lòng trung tín để mỗi ngày chúng ta sống cách tích cực hơn qua việc dấn thân chu toàn sứ mạng trong tin yêu và phó thác. Và như thế, Lời Khấn sẽ không trở thành “ngôn ngữ của nghi thức”, nhưng là lời tâm nguyện, sự đoan quyết xuất phát từ con tim và mang một ý nghĩa thiêng liêng cao quý dành cho những ai sống đời thánh hiến để làm chứng cho thế gian biết rằng Chúa đang hiện diện giữa dòng đời hôm nay, như lời kêu gọi của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn đời sống thánh hiến: “Các con hãy sống trọn cuộc hiến dâng cho Thiên Chúa, để cho thế giới này đừng mất đi một tia sáng chiếu ngời vẻ đẹp của Thiên Chúa trên đường đời của nhân loại. Những Ki-tô hữu, chìm ngập trong những bận rộn và lo âu của thế gian này nhưng vẫn được mời gọi nên thánh, đang cần thấy được nơi các con những trái tim thanh khiết đang "nhìn thấy" Thiên Chúa trong đức tin, những con người ngoan ngoãn để Thánh Thần hướng dẫn, vui vẻ tiến bước, trung thành với đặc sủng của ơn gọi và sứ mạng của mình…” (ĐSTH 109).
Vâng, bất chấp mọi khó khăn, mệt mỏi về thân xác cũng như tâm hồn, vì tình yêu và lòng mến, chúng ta hãy mạnh mẽ can đảm đứng lên để bước tiếp những bước chân trung tín dành cho Đức Kitô Chịu Đóng Đinh để “chiếu ngời vẻ đẹp của Thiên Chúa trên đường đời của nhân loại”.
(Bài viết được gửi đến Ban Biên tập tại địa chỉ email bbt.whd@gmail.com)
[1] “Hồ Thiên Nga” là vở kịch được dựng trên những truyện cổ tích Nga cũng như truyền thuyết xa xưa của Đức, là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Pyotr Ilyich Tchaikovsky, một nhạc sĩ lừng danh và là nhà soạn kịch, vũ kịch, nhạc thính phòng, giao hưởng nổi tiếng thế giới. Vở kịch ra đời vào khoảng năm 1875 - 1876, và được công chiếu lần đầu vào năm 1877, tại nhà hát Bolshoi, Moskva nhưng cho đến nay vẫn là niềm say mê của những ai yêu thích môn nghệ thuật này.