Bài Giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ Truyền Dầu 14/4/2022
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An14/Apr/2022
Lúc 9h30 sáng thứ Năm 14 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã cử hành Lễ Dầu tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Một số đông đảo các vị Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục thuộc giáo triều Rôma và khoảng 1,600 linh mục thuộc giáo phận Rôma đã tham dự thánh lễ.
Trong thánh lễ dầu các linh mục lặp lại những lời hứa các ngài đã tuyên thệ khi thụ phong linh mục. Sau đó, các loại dầu được làm phép để dùng trong suốt năm khi thực hiện các Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức, Phong Chức Linh Mục, và Bí tích Xức Dầu.
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:
Trong bài đọc trích sách Tiên tri Isaia mà chúng ta vừa nghe, Chúa đưa ra một lời hứa đầy hy vọng, một lời hứa kích thích chúng ta ngay từ đầu: “Các ngươi sẽ được gọi là tư tế của Đức Chúa, người ta sẽ gọi các ngươi là người phụng sự Thiên Chúa chúng ta. [...] Ta sẽ theo lòng thành tín mà ban phần thưởng cho các ngươi, và sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu” (Is 61: 6,8). Anh em thân mến, trở thành linh mục là một ân sủng, một ân sủng rất lớn, nhưng trước hết nó không phải là một ân sủng cho chúng ta, nhưng cho dân của chúng ta. [1] Việc Chúa chọn, trong số đàn chiên của Ngài, một số người dành riêng để chăm sóc đàn chiên của Ngài với tư cách là những người cha và những mục tử, là một ân sủng tuyệt vời cho dân tộc chúng ta. Chính Chúa trả lương cho các linh mục: “Ta sẽ theo lòng thành tín mà ban phần thưởng” (Is 61: 8). Và, như chúng ta đều biết, Chúa là một người quản lý trả công tốt lành, ngay cả khi Ngài có cách làm việc cụ thể của riêng mình, như trả công cho những người cuối cùng trước những người đầu tiên: đây là cách của Ngài.
Bài đọc trong Sách Khải Huyền cho chúng ta biết sự đền đáp của Chúa là gì. Đó là tình yêu của Người và sự tha thứ vô điều kiện cho tội lỗi của chúng ta với giá máu của Người đã đổ trên Thánh Giá: “Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người: kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời.” ( Kh 1: 5-6). Không có sự đền đáp nào lớn hơn tình bạn với Chúa Giêsu, đừng quên điều này. Không có hòa bình nào lớn hơn sự tha thứ của Người, và tất cả chúng ta đều biết điều đó. Không có giá nào cao hơn giá Máu châu báu của Ngài, và chúng ta không được phép làm giảm giá trị của điều đó bởi những hành vi bất xứng.
Anh em linh mục thân mến, nếu chúng ta nghĩ về điều đó, Chúa đang mời gọi chúng ta trung thành với Người, trung thành với giao ước của Người, và để mình được Người yêu thương và tha thứ. Đó là những lời mời gọi gửi đến chúng ta, để chúng ta có thể phục vụ theo cách này với một lương tâm trong sáng cho dân thánh thiện và trung thành của Thiên Chúa. Dân của chúng ta xứng đáng nhận được điều này và họ cần điều đó. Phúc âm Luca cho chúng ta biết rằng, sau khi Chúa Giêsu đọc đoạn văn của tiên tri Isaia trước sự chứng kiến của những người dân trong thị trấn và ngồi xuống, “ánh mắt của tất cả mọi người trong hội đường đều dán chặt vào Ngài” (4:20). Ngày nay, Sách Khải Huyền cũng nói với chúng ta về đôi mắt nhìn chằm chằm vào Chúa Giêsu. Nó nói lên sức hấp dẫn không thể cưỡng lại của Chúa bị đóng đinh và phục sinh, khiến chúng ta nhìn nhận và tôn thờ Người: “Kìa, Người ngự đến giữa đám mây. Ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người. Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Người. Đúng thế! Amen!”(1: 7). Ân sủng tối thượng, khi Chúa Phục sinh trở lại, sẽ là ân sủng có được nhận thức tức khắc. Chúng ta sẽ nhìn thấy Người và những vết thương của Người. Chúng ta sẽ nhận ra Người là ai, và chúng ta là ai, là những kẻ tội lỗi đáng thương.
“Dán mắt vào Chúa Giêsu” là một ân sủng mà chúng ta, với tư cách là các linh mục, cần phải trau dồi. Vào cuối ngày, chúng ta nên làm tốt việc nhìn lên Chúa, và để Ngài nhìn vào trái tim của chúng ta và trái tim của tất cả những người chúng ta đã gặp. Không phải để kể tội chúng ta, nhưng là một hành động chiêm niệm đầy yêu thương, trong đó chúng ta nhìn lại ngày của mình với con mắt của Chúa Giêsu, nhìn thấy những ân sủng và quà tặng, và cảm tạ tất cả những gì Người đã làm cho chúng ta. Nhưng cũng phải đặt trước mặt Người những cám dỗ của chúng ta, để thừa nhận chúng và bác bỏ chúng. Như chúng ta có thể thấy, điều này đòi hỏi phải biết điều gì đẹp lòng Chúa và điều gì Ngài đang yêu cầu chúng ta ở đây và bây giờ, vào thời điểm này trong cuộc sống của chúng ta.
Và có lẽ, nếu chúng ta bắt gặp ánh mắt ân cần của Người, Chúa cũng sẽ giúp chúng ta chỉ cho Ngài thấy đâu là những ngẫu tượng của chúng ta. Những ngẫu tượng, mà giống như Rachel, chúng ta đã giấu dưới những nếp gấp của chiếc áo choàng của chúng ta (xem St 31: 34-35). Hãy để Chúa nhìn thấy những ngẫu tượng ẩn giấu đó - tất cả chúng ta đều có những ngẫu tượng; tất cả chúng ta! - và xin Chúa củng cố chúng ta chống lại những ngẫu tượng ấy và lấy đi sức mạnh của chúng.
Cái nhìn của Chúa khiến chúng ta thấy rằng, qua những ngẫu tượng ấy, chúng ta đang thực sự tự tôn vinh chính mình [2], vì ở đó, trong những không gian mà chúng ta coi là được dành độc quyền cho chúng ta, ma quỷ luồn lách vào bằng các chất độc của nó. Ma quỷ không chỉ khiến chúng ta tự mãn, buông thả theo đam mê hoặc nuôi dưỡng các đam mê, mà còn dẫn dắt chúng ta đến việc thay thế sự hiện diện của các Ngôi Chí Thánh, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta bằng các ngẫu tượng. Điều này xảy ra. Mặc dù chúng ta có thể tự nhủ rằng chúng ta hoàn toàn biết rõ sự khác biệt giữa Thiên Chúa và các ngẫu tượng, nhưng trên thực tế, chúng ta lấy đi không gian của Chúa Ba Ngôi để trao cho ma quỷ, theo một kiểu thờ phượng biến thái. Sự thờ phượng của một người lặng lẽ nhưng không ngừng lắng nghe lời anh ta nói và tiêu thụ sản phẩm của anh ta, để cuối cùng không còn một góc nhỏ nào dành cho Thiên Chúa. Ma quỷ là như thế, nó làm việc nhẹ nhàng và chậm rãi. Trong một bối cảnh khác, tôi đã nói về những con quỷ “được giáo dục”, những con quỷ mà Chúa Giêsu đã cảnh báo rằng chúng còn tệ hơn quỷ đã bị Ngài đuổi đi. Chúng “lịch sự”, chúng bấm chuông, chúng bước vào và dần dần chiếm lấy ngôi nhà. Chúng ta phải cẩn thận, đây là những ngẫu tượng của chúng ta.
Có những điều mang tính cá vị liên quan đến các ngẫu tượng. Khi chúng ta không vạch mặt chúng, khi chúng ta không để Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng chúng ta đang tìm kiếm chính mình một cách sai trái và không cần thiết, chúng ta nhường chỗ cho Ma Quỷ. Chúng ta cần nhớ rằng ma quỷ đòi hỏi chúng ta phải làm theo ý muốn của nó và chúng ta phải phục vụ nó, nhưng không phải lúc nào nó cũng yêu cầu chúng ta phục vụ nó và thờ phượng nó liên tục; nhưng hãy cẩn thận, ma quỷ là một nhà ngoại giao tuyệt vời. Thỉnh thoảng nhận được sự thờ phượng của chúng ta là đủ để nó chứng minh rằng nó mới là chủ nhân thực sự của chúng ta và rằng nó có thể được cảm nhận như một vị thần trong cuộc sống và trong trái tim của chúng ta.
Để tiếp tục, trong Thánh lễ Truyền Dầu này, tôi muốn chia sẻ với anh em ba không gian của việc thờ ngẫu tượng tiềm ẩn, trong đó ma quỷ sử dụng các ngẫu tượng của chúng ta để làm suy yếu chúng ta trong ơn gọi mục tử và từng chút một, tách chúng ta khỏi sự hiện diện nhân từ và yêu thương của Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần và Chúa Cha.
Một không gian của việc lặng lẽ thờ ngẫu tượng mở ra ở bất cứ nơi nào có tinh thần thế gian, đó là “một đề xuất của cuộc sống, của một nền văn hóa, một nền văn hóa phù du, của vẻ bề ngoài, của tô son trát phấn”. [3] Tiêu chí của nó là chủ nghĩa chiến thắng, một chủ nghĩa chiến thắng không có thập tự giá. Chúa Giêsu cầu nguyện xin Chúa Cha bảo vệ chúng ta chống lại nền văn hóa trần tục này. Sự cám dỗ về vinh quang không có thập tự giá này trái ngược với chính con người của Chúa, nó trái ngược với Chúa Giêsu, Đấng đã hạ mình xuống khi nhập thể và, như một dấu hiệu của sự mâu thuẫn, là phương dược duy nhất của chúng ta chống lại mọi ngẫu tượng. Hãy cùng nghèo với Chúa Kitô, Đấng nghèo khó và “đã chọn nghèo”: đây là tư duy của Tình yêu; không có gì khác. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa đã chọn một hội đường đơn sơ trong ngôi làng nhỏ, nơi Người đã dành phần lớn cuộc đời mình, để loan báo cùng một sứ điệp mà Người sẽ loan báo vào cuối thời, khi Người sẽ đến trong vinh quang, với các thiên thần vây quanh. Đôi mắt của chúng ta phải dán chặt vào Chúa Kitô, vào thực tế cụ thể trong lịch sử của Ngài với tôi, bây giờ, cho dù chúng sẽ thành quá khứ. Thái độ trần tục tìm kiếm vinh quang của chính chúng ta cướp đi sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng khiêm nhường và bị sỉ nhục, Đấng đến gần mọi người, Đấng chịu đau khổ với tất cả những người đau khổ, Đấng được dân chúng ta tôn thờ, Đấng biết ai là bạn hữu đích thật của Người. Một linh mục trần tục không hơn gì một kẻ ngoại giáo được giáo sĩ hóa.
Một không gian thứ hai của sự lặng lẽ sùng bái ngẫu tượng mở ra với chủ nghĩa thực dụng, nơi những con số trở thành điều quan trọng nhất. Những người yêu mến thứ ngẫu tượng ẩn giấu này có thể được nhận ra qua tình yêu của họ đối với các số liệu thống kê, những con số có thể phi nhân hóa (depersonalize) mọi cuộc thảo luận và thu hút số đông như là tiêu chí cuối cùng để phân định; điều này không tốt. Đây không thể là phương pháp hoặc tiêu chí duy nhất cho Giáo hội của Chúa Kitô. Ba Ngôi không thể được “đánh số”, và Thiên Chúa không “đo lường” món quà Thần Khí của Người (x. Ga 3:34). Trong niềm đam mê và tình yêu với những con số, chúng ta thực sự đang tìm kiếm chính mình, hài lòng với sự kiểm soát được cung cấp bởi lối suy nghĩ này, không quan tâm đến những khuôn mặt cá nhân và xa rời tình yêu. Một đặc điểm của các vị thánh vĩ đại là các ngài biết lùi lại để dành chỗ hoàn toàn cho Thiên Chúa. Bước lùi này, sự lãng quên bản thân và muốn được mọi người khác quên mình đi, là dấu ấn của Chúa Thánh Linh, Đấng, theo một nghĩa nào đó, là “vô diện”, - Thánh Linh là “vô diện” - đơn giản bởi vì Người hoàn toàn là Tình yêu, chiếu sáng hình ảnh của Chúa Con và hình ảnh của Chúa Cha trong Người. Việc thờ ngẫu tượng các con số cố gắng thay thế Chúa Thánh Thần, Đấng thích những gì là kín nhiệm - bởi vì Ngài “vô diện” - nó cố gắng làm cho mọi thứ trở nên “rõ ràng”, mặc dù theo cách trừu tượng và giản lược mọi thứ thành các con số, không còn hiện thân thực sự.
Không gian thứ ba của việc thờ ngẫu tượng ẩn giấu, liên quan đến không gian thứ hai, xuất phát từ chủ nghĩa chức năng. Điều này có thể hấp dẫn; nhiều người “nhiệt tình về lộ trình hơn là chính con đường”. Tư duy của người theo chủ nghĩa chức năng không đánh giá cao mầu nhiệm; nhưng hướng tới hiệu quả. Từng chút một, ngẫu tượng này thay thế sự hiện diện của Chúa Cha trong chúng ta. Thần tượng thứ nhất thay thế sự hiện diện của Chúa Con, thần tượng thứ hai thay thế Chúa Thánh Thần, và thần tượng thứ ba này thay thế Chúa Cha. Cha chúng ta là Đấng sáng tạo, nhưng không chỉ đơn giản là Đấng sáng tạo làm cho mọi thứ “hoạt động”. Ngài “tạo ra” chúng ta, với tư cách là Cha của chúng ta, bằng tình yêu thương dịu dàng, chăm sóc các tạo vật của Ngài và làm việc để làm cho con người tự do hơn bao giờ hết. “Những người theo chủ nghĩa chức năng” không vui mừng trước những ân sủng mà Thánh Linh dành cho dân Ngài, mà từ đó họ cũng có thể “được nuôi dưỡng” như người lao động làm công ăn lương. Linh mục với tư duy theo chủ nghĩa chức năng có của ăn riêng của mình, đó là bản ngã của người đó. Theo chủ nghĩa chức năng, chúng ta bỏ việc thờ phượng Chúa Cha trong những việc lớn nhỏ của cuộc đời mình và vui thích với hiệu quả của các chương trình của riêng chúng ta. Như Đavít đã làm khi bị Satan cám dỗ, ông nhất quyết thực hiện cuộc điều tra dân số (xem 1 Sbn 21: 1). Đây là những người yêu thích các kế hoạch liên quan đến lộ trình và thời gian hành trình, chứ không phải bản thân cuộc hành trình.
Trong hai không gian cuối cùng của việc lặng lẽ thờ ngẫu tượng (chủ nghĩa thực dụng của số lượng và chủ nghĩa chức năng), chúng ta thay thế hy vọng, là không gian của cuộc gặp gỡ với Chúa, bằng các kết quả thực nghiệm. Điều này cho thấy một thái độ khác thường của người mục tử, một thái độ làm suy yếu sự kết hợp của dân mình với Thiên Chúa và tạo ra một ngẫu tượng mới dựa trên số lượng và chương trình: ngẫu tượng ấy là “quyền năng của tôi, quyền năng của chúng tôi”, [4] các chương trình, số lượng và kế hoạch mục vụ của chúng tôi. Việc che giấu những thần tượng này (như Rachel đã làm), và không biết cách vạch mặt chúng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, làm giảm lòng trung thành của chúng ta với giao ước linh mục và làm cho mối quan hệ cá vị của chúng ta với Chúa trở nên lạnh nhạt. Nhưng vị Giám mục này muốn gì? Thay vì nói về Chúa Giêsu, ông đang nói về các ngẫu tượng ngày nay. Ai đó có thể sẽ nghĩ như thế…
Anh em thân mến, Chúa Giêsu là “con đường” duy nhất để tránh bị nhầm lẫn trong việc nhận biết chúng ta cảm thấy gì và trái tim chúng ta đang dẫn chúng ta đi về đâu. Chúa Giêsu là thông lộ duy nhất dẫn đến sự phân định đúng đắn, khi chúng ta xét mình với Chúa mỗi ngày. Như thể, ngay cả bây giờ, Chúa Giêsu đang ngồi trong nhà thờ giáo xứ của chúng ta và nói với chúng ta rằng ngày hôm nay tất cả những gì chúng ta nghe được giờ đã thành hiện thực. Chúa Giêsu Kitô, như một dấu chỉ của sự mâu thuẫn - không phải lúc nào cũng là điều gì đó khắc nghiệt và đau đớn, vì lòng thương xót và hơn thế nữa, tình yêu dịu dàng, chính những điều đó lại là dấu chỉ của sự mâu thuẫn - Tôi nhắc lại, hãy buộc những ngẫu tượng này phải lộ diện, để chúng ta có thể nhìn thấy sự hiện diện của chúng, nguồn gốc và cách thức chúng hoạt động, và cho phép Chúa tiêu diệt chúng. Đây là đề nghị: hãy để Chúa phá hủy những thần tượng ẩn giấu đó. Chúng ta nên ghi nhớ và chú ý những điều này, kẻo cỏ lùng của những ngẫu tượng mà chúng ta đã giấu kín trong lòng lại có thể mọc lên một lần nữa.
Tôi muốn kết thúc bằng việc cầu xin Thánh Cả Giuse, với tư cách là người cha khiết tịnh, không có những ngẫu tượng ẩn giấu, giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức chiếm hữu, vì chiếm hữu là mảnh đất màu mỡ để những ngẫu tượng này phát triển. Xin Ngài cũng ban cho chúng ta ân sủng để kiên trì trong nhiệm vụ gian khổ là làm sáng tỏ những ngẫu tượng mà tất cả chúng ta thường che giấu hoặc chính những ngẫu tượng ấy che giấu. Chúng ta cũng hãy hỏi, bất cứ khi nào chúng ta băn khoăn, xem liệu chúng ta có thể làm mọi việc tốt hơn hay không, và xin Ngài cầu bầu cho chúng ta, để Thánh Linh soi sáng sự phán xét của chúng ta, như Thánh Linh đã làm khi Thánh Giuse bị cám dỗ để gạt Đức Maria sang một bên một cách “lặng lẽ” (lathra). Bằng cách này, với tâm hồn cao thượng, chúng ta có thể phục tùng với lòng bác ái những gì chúng ta đã học từ lề luật. [5]
[1] Vì chức tư tế thừa tác là phục vụ chức tư tế thông thường. Chúa đã chọn một số người đàn ông “để họ có thể thi hành chức vụ linh mục một cách công khai nhân danh Chúa Giêsu Kitô” (Công Đồng Chung Vatican, Sắc lệnh về Đời sống và thừa tác vụ linh mục Presbyterorum Ordinis, 2; x. Hiến chế tín lý về Giáo hội Lumen Gentium, 10). “Các thừa tác viên, được trao quyền lực thiêng liêng, là để phục vụ anh chị em của họ” (Lumen Gentium, 18).
[2] Xem Buổi tiếp kiến chung, ngày 1 tháng 8 năm 2018.
[3] Bài giảng, Thánh lễ tại Nhà Nguyện Santa Marta, ngày 16 tháng 5 năm 2020.
[4] JM BERGOGLIO, Meditaciones para powersiosos, Bilbao, Mensajero, 2014, 145.
[5] Xem Tông thư Patris Corde, 4, chú thích 18.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana