G. Trần Đức Anh, O.P.
Buổi tiếp kiến bắt đầu với phần tôn vinh Lời Chúa, qua bài đọc sách Tông Đồ Công Vụ, đoạn 8, từ câu 5 đến câu 8, thuật lại sự tích thánh Philipphê gặp quan thái giám người Ethiopia, giải thích đoạn sách ngôn sứ Isaia ông đang đọc, nhờ đó ông được soi sáng ý nghĩa, tin nhận Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế, và xin lãnh phận phép rửa.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha lên tiếng, tiếp tục loạt bài huấn giáo về sách Tông Đồ Công Vụ. Bài thứ 10 này có tựa đề là: “Loan báo Chúa Giêsu cho quan” (Cv 8,35). Philipphê và “hành trình của Tin Mừng trên những nẻo đường mới”. Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Sau cuộc tử đạo của Thánh Stephano, “hành trình” của Lời Chúa dường như bị khựng lại, vì bộc phát “một cuộc bách hại dữ dội chống Giáo Hội tại Giêrusalem” (Cv 8,1). Sau đó, các Tông Đồ ở lại Giêrusalem, trong khi nhiều Kitô hữu tản mát tới các nơi khác ở Giudea và Samaria.
Trong sách Tông Đồ Công Vụ, cuộc bách hại diễn ra như thể đó là trạng thái trường kỳ trong đời sống của các môn đệ, đúng như lời Chúa Giêsu đã nói: “Nếu họ đã bách hại Thầy, họ cũng sẽ bách hại các con” (Ga 15,20). Nhưng cuộc bách hại, thay vì dập tắt ngọn lửa loan báo Tin Mừng thì lại càng nuôi dưỡng ngọn lửa ấy.
Thầy Phó tế Philipphê bắt đầu loan báo Tin Mừng tại các thành thị miền Samaria và nhiều dấu lạ giải thoát và chữa lành bệnh đi kèm với việc loan báo Lời Chúa. Khi ấy, Chúa Thánh Linh đánh dấu một giai đoạn mới trong hành trình của Tin Mừng; Ngài thúc đẩy Philipphê đi gặp một người dân ngoại có tâm hồn cởi mở đối với Thiên Chúa. Philipphê đứng lên và hăng hái ra đi, và trên một con đường vắng vẻ và nguy hiểm, thánh nhân gặp một quan chức cấp cao của hoàng hậu xứ Ethiopia, quản trị các tài sản của bà. Người ấy là một quan thái giám, sau khi đã đến Giêrusalem để làm việc phụng tự, ông đang trên đường về nước. Ông ngồi trên chiếc xe ngựa kéo, đọc cuốn sách ngôn sứ Isaia, đặc biệt là bài ca thứ tư về “Người Tôi Tớ Đau Khổ”.
Philipphê đến gần xe, và hỏi: “Ông có hiểu điều ông đang đọc không?” (Cv 8,30). Người Ethiopia trả lời: “Làm sao tôi có thể hiểu được nếu không có ai hướng dẫn?” (Cv 8,31). Người quyền thế ấy nhìn nhận mình cần được hướng dẫn để hiểu Lời Chúa.
Cuộc đối thoại này giữa Philipphê và người Ethiopia cũng phản ánh sự kiện đọc Kinh Thánh mà thôi thì vẫn chưa đủ, còn cần phải hiểu ý nghĩa, “tìm ra cốt tủy, bằng cách đi xa hơn cái vỏ bề ngoài, đi tới Thánh Linh Đấng làm cho chữ được sinh động. Như Đức Giáo Hoàng Biển Đức đã nói vào đầu Thượng Hội đồng Giám mục về Lời Chúa, “khoa chú giải Kinh Thánh, việc đọc Kinh thánh thực sự, không phải chỉ là một hiện tượng văn chương, [...]. Đó là một sự chuyển động cuộc sống của tôi” (Suy niệm 06/01/2018). Đi vào Lời Chúa là sẵn sàng đi ra khỏi chính những giới hạn của mình để gặp gỡ Thiên Chúa và trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô là Lời Sống Động của Chúa Cha.
Vậy ai là người giữ vai chính trong bài ca thứ tư của Người Tôi Tớ Chúa, mà viên quan người Ethiopia đang đọc? Philipphê cống hiến cho người đối thoại chìa khóa để đọc: Người Tôi Tớ hiền lành chịu đau khổ, không lấy điều ác để phản ứng lại sự ác, và tuy bị coi là thất bại, và khô cằn, và sau cùng bị tước bỏ, chính Người giải thoát dân khỏi sự gian ác và mang lại hoa trái cho Thiên Chúa, vị ấy chính là Đức Kitô mà Philipphê và toàn Giáo Hội đang loan báo! Chính Đức Kitô ấy, với cuộc Vượt qua của Ngài, đã soi sáng cả cuộc sống của quan thái giám, người đầy tớ trung tín của hoàng hậu, nhưng chịu số phận hẩm hưu trong thân phận người son sẻ, không thể mang lại hoa trái. Trong Chúa Kitô-Người Đầy Tớ, người xứ Ethiopia sau cùng đọc được vận mệnh của mình là một người được kêu gọi sinh hoa trái. Thực vậy, mỗi người thiếu tin tưởng hoặc bị gạt ra ngoài lễ, đều có thể đón nhận hy vọng một cuộc tái sinh của mình trong Chúa Giêsu.
Cuộc gặp gỡ với Philipphê đã thúc đẩy người Ethiopia xin chịu phép rửa để tuyên xưng niềm tin của ông nơi Chúa Giêsu. Từ nước bí tích rửa tội, ông trở thành một con người mới, một người ngoại quốc không còn bị kỳ thị, nhưng là chi thể của Thân Mình Chúa Kitô, vì sau khi được rửa trong Chúa Kitô, ông được mặc lấy Ngài và thuộc về Ngài mãi mãi (Xc. Gl 3,27. 29).
Sau khi giúp người Ethiopia gặp Đấng Phục Sinh và dẫn đưa ông đến những nguồn mạch tái sinh, Philipphê biến mất, như Chúa Giêsu đã làm với 2 môn đệ trên đường làng Emmaus (Xc Lc 24,31) và để Chúa Thánh Linh mang đi nơi khác, Chúa đã đánh dấu cuộc sống của người Ethiopia với dấu ấn “vui mừng” (Xc Cv 8,39; Gl 5,22).
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Xin Chúa Thánh Linh làm cho những người nam nữ đã chịu phép rửa biết loan báo Tin Mừng, để lôi kéo người khác, không phải đến với mình nhưng đến cùng Chúa Kitô, xin cho họ biết dành chỗ cho hoạt động của Thiên Chúa, biết làm cho người khác được tự do và trách nhiệm trước mặt Chúa”.
Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, các linh mục thuộc Phủ quốc vụ khanh Tòa Thánh lần lượt tóm tắt bài giáo lý trong các ngôn ngữ chính: Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ đào nha, Arập và Ba Lan, kèm theo những lời chào thăm của Đức Thánh Cha, nhắc đến các nước xuất xứ của họ.
Sau cùng bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha chào thăm các tham dự viên cuộc gặp gỡ do Hội Đồng Tòa thánh đối thoại liên tôn tổ chức về Mahatma Gandhi, vị giải phóng Ấn độ khỏi sự đô hộ của người Anh.
Ngài cũng chào các linh mục thuộc Giáo Hoàng Học Viện Quốc Tế thánh Phaolô thuộc Bộ truyền giáo ở Roma. Trường này có hơn 190 linh mục đến từ các xứ truyền giáo, trong đó có hàng chục linh mục Việt Nam, theo học tại các Đại học của Giáo Hội ở Roma, đặc biệt là Đại học Giáo Hoàng Urbaniana.
Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắc nhở cho các tín hữu rằng: “Hôm nay, chúng ta kính nhớ các Thiên Thần Hộ Thủ. Ước gì sự hiện diện của các ngài củng cố nơi chúng ta xác tín chắc chắn rằng Thiên Chúa đồng hành với mỗi người chúng ta trên đường đời. Xin các thiên thần nâng đỡ anh chị em trong việc loan báo và sống Tin Mừng của Chúa Kitô để tiến tới một thế giới được đổi mới trong tình thương của Thiên Chúa”.
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn