Văn Yên, SJ - Vatican
Nhân dịp Đại hội lần thứ 108 của Đại hội Lao động Quốc tế diễn ra từ ngày 10-21/6/2019 Geneva, Đức Thánh Cha được mời có một bài phát biểu tại Đại hội. Ngài đã gởi một lá thư sứ điệp đến Đại hội này.
Việc làm và sự hoàn thiện con người và sinh thái-xã hội
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nói đến “việc làm không chỉ là điều gì đó chúng ta làm để đổi lấy một điều gì khác. Nhưng việc làm trước hết và trên hết là một sự cần thiết, là thành phần tạo nên ý nghĩa của cuộc sống trên trái đất, là con đường để lớn lên, phát triển con người và hoàn thiện nhân cách.” Vì “chúng ta được dựng nên với một ơn gọi để làm việc”.
Hơn nữa, ơn gọi làm việc của chúng ta còn phải đặc biệt gắn kết với việc bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Do đó, việc làm không thể chỉ được xem như là công cụ để tạo ra chuỗi hàng hoá và dịch vụ. Nhưng đúng hơn, vì là nên tảng cho sự phát triển con người, nên việc làm phải chiếm vị thế ưu tiên hơn bất cứ mọi yếu tố sản phẩm nào.
Tạo ra và bảo vệ việc làm ngày nay
Đức Thánh Cha đề cập đến điều đáng buồn là sự hoàn thiện nhân cách và nhân phẩm của người lao động ngày nay ít được quan tâm. Ngài đặt câu hỏi: loại việc làm nào chúng ta cần bảo vệ, tạo ra và cổ võ?
Khi mô hình phát triển kinh tế chỉ dựa trên khía cạnh vật chất của con người, hay nó mang lại lợi ích chỉ cho một nhóm người và loại trừ những người còn lại, hoặc khi làm nguy hại đến môi trường, thì “trái đất sẽ kêu gào, xin chúng ta đi một con đường khác”. Con đường khác đó là một sự phát triển kinh tế bền vững, đặt con người và việc làm vào trung tâm của sự phát triển.
Đóng góp của bộ 3 “T” đầu tiên
Bộ 3 “T” đầu tiên lấy từ tiếng Tây Ban Nha (tierra, techo, trabajo): đất, mái nhà và công việc. Trái đất là một gia sản chung cần phải được chia sẻ để mọi người đều có thể thừa hưởng được hoa trái mà nó mang lại.
Việc làm và môi trường tuỳ thuộc lẫn nhau. Vì thế, cần phải suy nghĩ đến tương lai về việc chăm sóc mẹ trái đất, cũng như việc chuyển đổi năng lượng để sự phát triển được bền vững.
Đóng góp của bộ 3 “T” thứ hai
Bộ 3 “T” thứ hai từ tiếng Anh (tradition, time and technology): truyền thống, thời gian và công nghệ.
Truyền thống là điều được chuyển trao cho thế hệ tiếp theo. Sự chuyển trao này không chỉ là hiểu biết kỹ thuật, nhưng còn là kinh nghiệm, tầm nhìn và hy vọng.
Về thời gian, cần chấm dứt quan niệm thời gian theo lối phân mảnh, chỉ là khía cạnh chi phí trong kinh doanh. Nhưng cần nhìn thấy thời gian là một món quà. Vì thế, có thời gian làm việc và cũng cần có thời gian nghỉ ngơi. Có thời gian để lao động và có thời gian để chiêm ngắm vẻ đẹp của thiên nhiên và thành quả của con người.
Công nghệ tạo nên nhiều cơ hội, nhưng cũng có thể gây cản trở cho sự phát triển bền vững khi nó gắn với một mô hình quyền lực, áp chế và lèo lái. Vì thế, cần quan tâm đến người trẻ để họ không bị khai thác và bóc lột sức lao động hoặc không có việc làm.
Trong thế giới phức tạp và nối kết ngày nay, chúng ta cần đề cao tầm quan trọng của công việc tốt, không loại trừ và chân chính. Đây là thành phần tạo nên căn tính, và cần thiết cho sự phát triển con người và sự sống cho tương lai của hành tinh.
Nguồn tin: www.vaticannews.va
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn