Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm A

Thứ năm - 28/11/2019 18:41

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG NĂM A

Mt 24,37-44

1. Trong Tin Mừng Mát-thêu, có mấy Bài Giảng dài của Đức Giêsu ? Đọc Mt 5-7; 10; 13; 18; 24-25.
2. Đọc các dụ ngôn trong Mt 24,37 – 25,46. Có bao nhiêu dụ ngôn trong phần này? Các dụ ngôn này có điểm chung nào?
3. Đọc Mt 24,26-44. Tìm những câu Đức Giêsu nói về việc Ngài sẽ đến trong vinh quang vào ngày tận thế.
4. Đức Giêsu có biết khi nào là ngày tận thế không? Đọc Mt 24,36. Chúng ta có biết ngày Chúa quang lâm không? Đọc Mt 24,42.
5. Đọc Mt 24,3.27.37.39. Tin Mừng Mát-thêu là Tin Mừng duy nhất dùng từ quang lâm (parousia). Quang lâm nghĩa là gì? Quang lâm của Đức Giêsu giống và khác với giáng lâm của một vị vua như thế nào?
6. Đọc Mt 24,38-39. Quang lâm của Đức Giêsu giống nạn hồng thủy thời ông Noe ở điểm nào? Những người dưới thời ông Noe đã phạm tội gì để bị Thiên Chúa phạt? Đọc Sáng thế 6,5.11-12.
7. Những người được Đức Giêsu nói đến trong thời ông Noe (Mt 24,38) và những người được Ngài nói đến trong Mt 24,40-41 có điểm nào giống nhau? Nên hiểu Mt 24,40-41 là được đem đi hay bị đem đi? bị bỏ lại hay được bỏ lại?
8. Đọc Mt 24,42 – 25,30. Theo Đức Giêsu, canh thức nghĩa là làm gì?

GỢI Ý SUY NIỆM: Theo bạn, đâu là mục đích của Mùa Vọng? Tại sao Giáo hội lại cho đọc bài Tin Mừng này vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng? Bài Tin Mừng này có giúp bạn chờ Chúa đến không?

CÂU HỎI GỢI Ý
Tin Mừng Mát-thêu có 5 Bài Giảng dài của Đức Giêsu: Bài Giảng trên núi (chương 5-7); Bài Giảng về Sứ mạng Truyền giáo (chương 10); Bài Giảng bằng Dụ ngôn (chương 13); Bài Giảng về Đời sống trong Giáo hội (chương 18); và Bài Giảng về thời Cánh chung (chương 24-25).
Trong Mt 24,37 – 25,46 có các dụ ngôn sau: dụ ngôn về người chủ nhà chểnh mảng trong việc giữ nhà (Mt 24,43-44); dụ ngôn về những người đầy tớ (Mt 24,45-51); dụ ngôn mười trinh nữ (Mt 25,1-13); dụ ngôn những yến bạc (Mt 25,14-30). Các dụ ngôn này đều nói về việc cần có thái độ sẵn sàng vì không biết ngày nào Chúa quang lâm (x. Mt 24,42).
Trong Mt 24,26-44, Đức Giêsu nhiều lần nói đến việc Ngài sẽ đến trong vinh quang (=quang lâm) vào ngày tận thế : cuộc quang lâm của Con Người (Mt 24,27); Con Người sẽ xuất hiện trên trời, Con Người đầy quyền năng và vinh quang đến trên mây trời (Mt 24,30); Con Người đã đến gần (Mt 24,33); Con Người quang lâm (Mt 24, 37.39); Chúa của anh em sẽ đến (Mt 24,42); Con Người sẽ đến (Mt 24,44).
Đức Giêsu khẳng định nhiều lần về việc Ngài sẽ đến trong vinh quang, nhưng lạ thay Ngài lại nhận là mình không biết khi nào chuyện ấy xảy ra: “Về ngày và giờ đó thì không ai biết, cả các thiên sứ trên trời, cả Người Con (= Đức Giê su) cũng không, chỉ một mình Chúa Cha biết thôi” (Mt 24,36). Khi Con Thiên Chúa nhập thể, Ngài chấp nhận thân phận làm người như chúng ta với những giới hạn. Ngài không biết hết mọi sự và Ngài chấp nhận tùy thuộc Cha (x. Mt 20,23). Dĩ nhiên chúng ta lại càng không thể biết được khi nào Ngài quang lâm (Mt 24,42).
Tin Mừng Mát-thêu dùng danh từ quang lâm nhiều lần (Mt 24,3.27.37.39). Và Mát-thêu là tác giả Tin Mừng duy nhất dùng từ này. Quang lâm (parousia) thường dùng để chỉ về sự giáng lâm của một vị quân vương. Còn trong Tân Ước, quang lâm để chỉ việc Đức Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang, trong tư cách như Đấng đến để phán xét cả thế giới vào ngày tận thế.
Quang lâm của Đức Giêsu giống với nạn hồng thủy thời ông Nôe ở tính chất bất ngờ, không ai biết trước được. Người ta vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, rồi bất ngờ nạn hồng thủy ập xuống cuốn đi hết thảy (Mt 24,38-39), trừ những người trong gia đình ông Noê được ở trong tàu. Đó là hình phạt của Thiên Chúa giáng xuống. Theo sách Sáng thế, những người thời ông Noê bị phạt vì “sự gian ác của loài người thật lớn lao” và lòng của họ “thường xuyên toan tính những ý định xấu xa” (St 6,5), “mặt đất đầy dẫy bạo lực…mọi xác phàm đã theo nếp sống hư hỏng trên mặt đất” (St 6,11-12). Chính vì con ngươi hư hỏng mà đất cũng ra hư hỏng trước nhan Thiên Chúa.
Có ít nhất một điểm giống nhau. Đó là khi cơn hồng thủy ập đến thì các người thời ông Noê đang sống cuộc sống bình thường hàng ngày: ăn uống, cưới vợ lấy chồng (Mt 24,38). Còn trong Mt 24,40-41 ta cũng thấy điều tương tự. Tất cả đều đang làm việc bình thường hàng ngày: hai người đàn ông đang làm ruộng ngoài đồng, họ có thể là anh em hay cha con với nhau; hai người đàn bà đang ngồi kéo cối xay bột, họ có thể là những người trong cùng một gia đình. Chính trong bầu khí có vẻ yên ổn đó mà sự cố xảy ra: mỗi người chịu số phận khác nhau. Vì ý nghĩa của hai câu này không rõ, nên trong tiếng Việt, chúng ta không biết nên dịch là được đem đi hay bị đem đi, được bỏ lại hay bị bỏ lại. Được để chỉ việc khen thưởng, còn bị để chỉ việc phải chịu một hình phạt.
Theo Đức Giêsu, canh thức mang nhiều sắc thái. Canh thức là thái độ của người luôn sẵn sàng trong tư thế chờ đợi Con Người quang lâm (Mt 24,42-44). Canh thức là chu toàn nhiệm vụ được giao, không lạm dụng quyền lực (Mt 24,45-51). Canh thức là lúc nào cũng có đèn sáng để ra đón Chúa ngay, lúc nào cũng có đủ dầu dự trữ (Mt 25,1-13). Canh thức là sử dụng những gì Chúa ban để sinh lợi, chứ không lười biếng chôn giấu yến bạc của mình (Mt 25,14-30).

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây