Học hỏi Tin Mừng Chúa Nhật XVII thường niên năm C

Thứ bảy - 27/07/2019 20:47


HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN NĂM C

Lc 11,1-13

  1. Đọc Lc 11,1. Tại sao một môn đệ xin Thầy Giêsu dạy cả nhóm về cầu nguyện?
  2. So sánh kinh Lạy Cha của Mt 6,9-13 với kinh Lạy Cha của Lc 11,2-4. Tìm những điểm giống nhau và khác nhau.
  3. Thầy Giêsu dạy các môn đệ gọi Thiên Chúa là Cha (Lc 11,2). Chính Thầy có gọi Thiên Chúa như vậy không ? Xem Lc 10,21; 22,42; 23,34. 46.
  4. Thái độ của chúng ta cần có đối với Cha là gì ? Đọc Lc 6,36; 12,30; 22,42; 23,34.46.
  5. “Xin làm cho Danh Cha được vinh hiển.” Câu này nghĩa là gì? Ai là người làm cho Danh Cha được vinh hiển?
  6. Đọc Lc 11,5-6. Vào thời Đức Giêsu, nếu có người bạn hàng xóm đánh thức chủ nhà lúc nửa đêm để xin vay bánh cho một người bạn lỡ đường ghé nhà, chủ nhà có thể trả lời cho người vay bánh bằng một câu giống như Lc 11,7 không? Tại sao?
  7. Đọc Lc 11,9-10. Bạn có kinh nghiệm về việc xin mà không được không? Lúc đó bạn thấy mình nên có thái độ nào?
  8. Đọc Lc 11,11-13. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì?
  9. Đọc Lc 11,13. Tại sao Đức Giêsu lại khẳng định Cha trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những ai xin Cha?

 

CÂU HỎI SUY NIỆM: Bạn có tin Thiên Chúa Cha trên trời luôn luôn ban điều tốt cho con người không? Làm sao biết điều nào là điều tốt thật sự cho bản thân mình? Bạn có bao giờ xin Cha ban Thánh Thần cho mình không?

 

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Có thể môn đệ này đã nhìn thấy Thầy Giêsu cầu nguyện ở một nơi nào đó. Anh bị ấn tượng bởi cách Đức Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa: sâu lắng, thân thiết, đơn sơ…Anh kiên nhẫn chờ Thầy cầu nguyện xong mới dám mở lời xin Thầy dạy cho cả nhóm biết cách cầu nguyện. Tấm gương cầu nguyện của Thầy Giêsu đánh động anh. Anh còn nại đến việc ông Gioan Tẩy giả đã dạy môn đệ của ông cầu nguyện để xin Thầy làm điều tương tự cho cả nhóm.
  2. So sánh Kinh Lạy Cha của Mt 6,9-13 với Lc 11,2-4 ta thấy có ba câu giống hệt nhau: “xin làm cho danh Cha được vinh hiển,” “cho Nước Cha mau đến,” và “xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.” Kinh Lạy Cha của Luca ngắn hơn Mátthêu vì không có hai câu sau: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời,” và “nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.” Ngoài ra, Mt 6,11-12: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày. Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha cho những người mắc nợ chúng con” có những chi tiết khác với Lc 11,3-4: “Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy. Xin tha tội chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc nợ chúng con.” Câu đầu tiên của kinh Lạy Cha ở Luca cũng ngắn hơn Mátthêu: “Lạy Cha” thay vì “Lạy Cha chúng con ở trên trời.”
  3. Đức Giêsu dạy các môn đệ gọi Thiên Chúa là Cha như chính Ngài cũng gọi như vậy mỗi lần Ngài cầu nguyện với Thiên Chúa (Lc 10,21; 22,42; 23,34.46). Đức Giêsu được Chúa Cha gọi là “Con yêu dấu” khi chịu phép rửa tại sông Giođan (Lc 3,22). Khi Ngài được hiển dung, Chúa Cha cũng giới thiệu Ngài với ba môn đệ: “Đây là Con Ta” (Lc 9,35). Chúng ta được phép gọi Thiên Chúa là Cha vì chúng ta được chia sẻ chức làm Con của Đức Giêsu.
  4. Những thái độ cần có của người con đối với Cha trên trời: có lòng thương cảm như Cha (Lc 6,36); tin rằng Cha biết những nhu cầu vật chất của mình (Lc 12,30); mong ý Cha được thể hiện trong đời mình (Lc 22,42); xin Cha tha thứ cho kẻ giết mình (Lc 23,34); xin phó thác mạng sống mình trong tay Cha (Lc 23,46).
  5. “Xin làm cho danh Cha được vinh hiển” (Lc 11,2). Đây là lời chúng ta xin Chúa Cha làm cho danh Cha được mọi người nhận biết, ca ngợi và tùng phục (x. Ed 36,23; Ga 12,28). Tuy nhiên, chính bản thân chúng ta, một khi được Thần Khí canh tân, chúng ta cũng có thể dùng chính đời sống thánh thiện của mình mà tôn vinh danh Cha (x. Mt 5,16).
  6. Dụ ngôn ở Lc 11,5-8 giúp ta vững tin Thiên Chúa chắc chắn sẽ nhận lời ta cầu nguyện. Dụ ngôn kể chuyện một người nửa đêm đi vay bánh nơi nhà một người bạn, để đãi một người bạn khác bất ngờ đến thăm. Văn hóa thời Đức Giêsu không cho phép anh có bánh từ chối, vì những lý do như : cửa đã cài then rồi, đừng quấy rầy tôi, tôi và các con đã lên giường ngủ, nên tôi không dậy để lấy bánh được (x. Lc 11,7). Người có bánh chắc chắn phải thức dậy để lấy bánh mà cho vì lòng hiếu khách, vì sự nài nẵng của anh bạn và cũng vì sợ bị mất mặt. Khách của một người trong làng cũng là khách của cả làng. Tiếp đãi không tử tế thì chính mình và cả làng bị mang tiếng xấu.
  7. Đôi khi chúng ta có kinh nghiệm Thiên Chúa không nhận lời mình cầu nguyện, dù đó là lời cầu xin hết sức chính đáng. Mấy triệu người Do-thái bị giết hại bởi quân phát xít chắc đã kêu xin Chúa bảo vệ giống nòi của họ. Quả thực có những lúc đức tin của chúng ta gặp thử thách trước sự thinh lặng của Thiên Chúa mà chúng ta không sao hiểu được. “Lạy Chúa tôi, tại sao Chúa bỏ tôi!” Chúng ta cần tin rằng Chúa không mở cửa này vì Ngài muốn mở một cửa khác. Ngài không ban ơn này vì Ngài muốn ban một ơn lớn hơn. Ngài không cứu Con Ngài xuống khỏi thập giá, chỉ vì Ngài muốn cho Con Ngài được vinh quang phục sinh.
  8. Qua dụ ngôn ở Lc 11,11-13, Đức Giêsu khuyên chúng ta tin vào lòng tốt của Thiên Chúa Cha. Khi con xin cá hay trứng, người cha dưới đất chẳng bao giờ cho con mình rắn hay bọ cạp, huống hồ là Cha tốt lành trên trời. Có khi chúng ta tưởng Cha cho chúng ta rắn hay bọ cạp mà thật ra đó là cá hay trứng. Có khi chúng ta xin cá hay trứng, mà thật ra đó là rắn hay bọ cạp, nên Cha cương quyết không cho. Cần trưởng thành để biết mình cần xin điều gì.
  9. Trong Tin Mừng Luca, Thánh Thần là quà tặng mà nhiều nhân vật trong Tin Mừng Luca được hưởng: bé Gioan (Lc 1,15), bà Êlisabét (1,41), ông Dacaria (1,67), cụ Simêôn (2,25-27), Đức Mẹ (1,35). Chính Đức Giêsu cũng đầy tràn Thánh Thần (3,21-22; 4,1.18; 10,21) và hứa sẽ ban Thánh Thần cho môn đệ sau phục sinh (Lc 24,49; Cv 1,4-5). Vậy Thánh Thần là Đấng ta cần xin và là Đấng mà Chúa Cha cũng như Chúa Giêsu rất muốn ban cho ta.

 

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây