Tâm tình khi lên rước lễ

Thứ hai - 25/03/2019 23:45

 

Hỏi: Khi lên rước lễ cần có tâm tình nào?
 
Đáp
Ngày xưa, linh mục dâng thánh lễ bằng tiếng La-tinh và quay lưng lại với giáo dân. Mỗi người tự dọn mình bằng cách đọc thầm kinh dọn chịu lễ trước khi lên rước lễ. Nhưng ngày nay, theo tinh thần canh tân phụng vụ sau Công Đồng Vaticanô II, toàn bộ thánh lễ là sự chuẩn bị cho việc rước lễ. Hay nói đúng hơn, toàn bộ thánh lễ là hiệp lễ (rước lễ): từ việc mặc niệm lúc đầu thánh lễ, nhìn nhận tội lỗi mình, nghe Lời Chúa qua các bài đọc, lời nguyện giáo dân, thông dự vào kinh nguyện Thánh Thể, đọc kinh Lạy Cha. Tất cả đều nhằm khai triển hành động của Chúa Kitô, Đấng làm cho chúng ta trở nên thân thể của Người.
Trong kinh nguyện Thánh Thể, sau khi bánh, rượu đã được thánh hiến, chúng ta xin Chúa Cha, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, để sau khi lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kitô, chúng ta được hiệp nhất trong Hội Thánh, là Nhiệm Thể của Chúa Kitô.
Chúng ta thấy rước lễ quan trọng như thế nào khi biết rằng rước lễ tóm lược toàn bộ thánh lễ. Do đó những người tham dự thánh lễ không nên tách rời cộng đoàn và tự cô lập mình, khi nghĩ rằng mình không xứng đáng lên rước lễ. Chúng ta không quên điều này: rước lễ không phải là một phần thưởng, nhưng là một lương thực.
Chúng ta hãy nhớ lại câu mà mọi người đều đọc trước khi rước lễ: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh”. Như thế, vấn đề ở đây không phải là việc nêu lên phẩm giá của mình, nhưng trái lại, ý thức được rằng rước lễ không phải là một quyền lợi, nhưng là một ân huệ. Khoảng cách giữa sự thánh thiện của Chúa và của ta ví tựa như trời cao với vực thẳm, cho nên đây không là lúc đặt vấn đề mình có xứng đáng hay không để rước Chúa vào lòng.
Lời nguyện trên lập lại lời của viên sĩ quan đã không dám tiếp đón Chúa Giêsu vào nhà mình: “nhưng xin Ngài phán một lời” (Lc 7,7). Trong Chúa Giêsu, Lời và bản thân Người chỉ là một. Để ý đến lời mời của Chúa Giêsu “Hãy cầm lấy mà ăn” quan trọng hơn việc tìm kiếm sự thanh khiết của chúng ta nhiều.
Vả lại, chúng ta cảm thấy nghịch thường khi thấy một số tín hữu nhận lời mời của Chúa Kitô đến dự bữa tiệc thánh của Người, và do đó, tự xem là con cái trong một gia đình, lại tự tách riêng ra, không tham dự rước lễ, làm như họ là người ngoài bữa tiệc hoặc là những người bàng quan. Tham dự thánh lễ mà không rước lễ là chưa thấu hiểu ý nghĩa đích thật của bí tích Thánh Thể.
Tuy nhiên, có một vài ngoại lệ. Ngoài vấn đề những người bị vạ tuyệt thông hoặc phạm tội nặng không được rước lễ, có thể vào lúc rước lễ, với đức tin cao độ, chúng ta thực sự cảm thấy chưa sẵn sàng trong nội tâm để tiến lên đón nhận Mình thánh Chúa. Vì rước lễ đòi hỏi sự chuẩn bị cả con người chúng ta, nên phải làm hết sức để tránh làm sao cho việc rước lễ khỏi trở nên máy móc, nhàm chán. Có lẽ trong một vài trường hợp, ta không nên lên rước lễ, không phải vì ưu tư về sự thanh khiết của mình, nhưng vì không phù hợp với lòng không chân thành của mình trước cử chỉ ta sắp thực hiện.
 Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
 
Lời góp ý : Chúng ta sám hối mọi lỗi lầm (tội nhẹ) và chân thành ước ao mời Chúa đến với mình mà không hề cố tình muốn xúc phạm  / Nếu chúng ta đang có tội trọng thì chỉ nên sám hối và rước lễ thiêng liêng /Sau đó chúng ta cũng cầu nguyện và cảm ơn Chúa y như rước lễ thật /
 

Nguồn tin: ditimchanly.org

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây