Tìm hiểu về hạn từ “sự phân định” của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Thứ tư - 05/01/2022 01:00

Tìm hiểu về hạn từ “sự phân định” của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

03/01/2022
  •  
  •  


TÌM HIỂU VỀ HẠN TỪ
SỰ PHÂN ĐỊNH
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ

Lm. Giu-se Đỗ Mạnh Thịnh
Đại chủng viện thánh Giu-se Xuân Lộc,
Ngày lễ kính Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa, 2022. 

WHĐ (03.01.2022) - Kể từ khi được công nghị Hồng Y vào ngày 13 tháng 3 năm 2013 bầu chọn làm Giáo Hoàng của Giáo Hội Công Giáo, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã mang đến cho thời đại ngày nay, cách riêng Giáo Hội của Chúa Ki-tô, nhiều “làn gió” đặc trưng trong mục vụ cũng như trong giáo thuyết. Người ta nhắc đến “tinh thần Phan-xi-cô” như sự gợi hứng mới về hình ảnh sống động của một Giáo Hội đi ra “ngoại biên”, về người mục tử “mang mùi chiên”, về thời đại của xác tín lòng thương xót của Thiên Chúa có sức mạnh chữa lành và nâng đỡ, thời của sự cấp bách thúc đẩy gặp gỡ, đối thoại, xây những nhịp cầu thay cho những bức tường chia cắt... Nhưng có thể nói rằng, động lực tiềm ẩn sâu xa của những niềm tin tưởng và thực hành mục vụ đó chính là một dòng chảy xuyên suốt và trào tràn: sự phân định.
Trong một dịp trả lời phỏng vấn của tạp chí Thinking Faith ngay sau khi được tuyển chọn làm người kế vị thánh Phê-rô, ĐTC Phan-xi-cô được hỏi “Việc một tu sĩ Dòng Tên được chọn làm Giáo Hoàng có ý nghĩa gì?”, người đáp ngắn gọn: sự phân định.[1] Kể từ đó sự phân định xuất hiện thường xuyên trong những cuộc trao đổi, những bài huấn dụ cũng như trong những thông điệp và tông huấn của người, đến độ người ta đã gọi người là “giáo hoàng phân định” (“Francis: The Discerning Pope”).[2]
Từ khi tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu được ban hành vào ngày 19 tháng 3 năm 2016, sự phân định của ĐTC Phan-xi-cô đã trở nên một vấn đề gây nên không ít tranh luận trong Giáo Hội. Không khó để chúng ta thấy rằng, có nhiều người nhiệt tình ủng hộ và cổ võ sự phân định, coi sự phân định mục vụ như là tư duy chủ đạo cho một lối tiếp cận mục vụ mới của Giáo Hội đối với những vấn đề gai góc của thời đại, cũng như thế giới “bên ngoài”, hoặc như là chìa khóa vạn năng để “hóa giải” những vấn đề luân lý vốn thường khơi lên những tranh luận, như ly dị tái hôn, hôn nhân de facto, “hôn nhân” đồng tính, phá thai…; thậm chí có khi người ta đồng hóa sự phân định với sự “khôn ngoan” thỏa hiệp trong mục vụ của cá nhân. Tuy nhiên, cũng có người băn khoăn và hồ nghi về sự phân định: liệu sự phân định có phải là tương đối hóa chân lý, thay đổi chân lý, hay thậm chí đồng nghĩa với việc trao quyền “quyết định chân lý” vào “sự khôn ngoan” của vài cá nhân trong những hoàn cảnh cụ thể (một cách thể hiện của thuyết tương đối về luân lý)?
Để hiểu thấu đáo hơn ý nghĩa sự phân định của ĐTC Phan-xi-cô, thiết nghĩ chúng ta phải tìm hiểu hạn từ sự phân định trong chính bối cảnh của nó, nghĩa là trong những cuộc trao đổi, những huấn dụ cũng như trong những văn bản huấn quyền quan trọng của người. Trong tinh thần đó, bài viết gợi lên một vài tầng ý nghĩa quan trọng của sự phân định: (1) Sự phân định: một viễn quan mới – viễn quan của Thiên Chúa, (2) Sự phân định: một giác quan tâm linh, (3) sự phân định: một ân ban của Thiên Chúa.
1. Sự phân định: một viễn quan mới – viễn quan của Thiên Chúa
Trước tiên, sự phân định được hiểu như là việc con người đón nhận, đọc ý nghĩa các thực tại trong viễn quan mới – viễn quan của Thiên Chúa. Đây là thái độ đầu tiên mà một người môn đệ Chúa Giê-su cần xác tín.
Một cách chung, con người thường suy nghĩ và hành động dựa trên những tiêu chuẩn, những phạm trù chủ quan theo ngành nghề chuyên biệt của mình. Những cách tiếp cận đó xem ra là bình thường và hợp lý. Tuy nhiên, nó có thể là nơi phát sinh những thực hành, hay quyết định chủ quan mang đậm dấu ấn cá nhân, và thậm chí nó “khác xa” với điều Thiên Chúa muốn.
Trái với điều đó, theo ĐTC Phan-xi-cô, sự phân định là một hành động đón nhận viễn quan mới – viễn quan của Thiên Chúa. Niềm xác tin này đã được ĐTC ngỏ lời trong một dịp gặp các giám mục, người nói: “Tôi mời gọi anh em hãy trau dồi thái độ lắng nghe, lớn lên trong sự tự do từ bỏ viễn quan của riêng mình, để đón nhận viễn quan của Chúa”[3]. Có lẽ, cách hiểu về sự phân định như vậy ít nhiều mang bóng dáng tinh thần phân định trong linh đạo của thánh I-nha-xi-ô. Quả thực, trong một dịp khác, ĐTC đã giải thích rõ hơn về sự phân định như là một tác động kép: ngài cho rằng sự phân định như việc chúng ta học cách loại bỏ những định kiến và quan điểm hạn chế của mình, đồng thời tiếp nhận một quan điểm mới, quan điểm của Thiên Chúa…, nhờ đó chúng ta được lôi cuốn vào một “cách cảm nhận sự việc như Thiên Chúa cảm nhận từ trong chính trái tim của Người.”[4] Hình ảnh Na-tha-na-en đã được ĐTC trưng dẫn như một ví dụ và một lời mời gọi thực hành sự phân định: “Đứng trước mặt Ngài [Đức Giê-su] với trái tim rộng mở và để Ngài nhìn chúng ta, chúng ta thấy được cái nhìn yêu thương mà ông Na-tha-na-en đã nhìn thấy hôm Đức Giêsu nói với ông: ‘Tôi đã nhìn thấy anh dưới cây vả’ (Ga 1:48).”[5]
Sự phân định như một cách thức gạt bỏ viễn kiến cá nhân đồng thời tiếp cận thực tại và con người trong viễn quan của Thiên Chúa sẽ chất vấn chúng ta trước mỗi quyết định: “Thiên Chúa nhìn trường hợp này thế nào?”, “Người muốn gì nơi tôi trong hoàn cảnh này?” ĐTC đã ngụ ý nhiều lần các nguyên tắc phân định đó của ngài, một cách đặc biệt trong tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu (Amoris Laetitia). Ví dụ, khi đề cập đến trường hợp của những anh chị em “phải” sống trong tình trạng “đối nghịch” trầm trọng với giáo huấn của Kinh Thánh cũng như luật của Giáo Hội về hôn nhân, như những cuộc hôn nhân de facto, ĐTC đã nhắc nhở chúng ta về “luật tiệm tiến.” Điều đó có nghĩa là, dù sống trong “lầm lỗi”, nhờ ân sủng, con người hiểu biết, yêu thương và hoàn thành những điều tốt đẹp về mặt đạo đức qua các giai đoạn phát triển khác nhau. Đức Giáo hoàng giải thích:
“Đây […], đúng hơn là tính tiệm tiến trong việc thi hành một cách khôn ngoan các hành vi tự do của những người chưa ở vị trí có thể hiểu, đánh giá hay thi hành trọn vẹn các đòi hỏi khách quan của lề luật. Vì lề luật tự nó là một ơn phúc của Thiên Chúa dùng để chỉ đường, một ơn ban cho mọi người không trừ ai; nó có thể được tuân giữ nhờ sự trợ giúp của ơn thánh, cho dù mỗi con người nhân bản “tiến bước từ từ với sự hội nhập tiệm tiến các ơn phúc Chúa ban cũng như các đòi hỏi của tình yêu dứt khoát và tuyệt đối của Thiên Chúa trong suốt cuộc sống bản thân và xã hội của họ.”[6]
Đó chính là viễn quan mà Đức Giê-su đã sử dụng khi tiếp cận người phụ nữ Sa-ma-ri-a (x. Ga 4,1-26), hay người phụ nữ bị bắt vì tội ngoại tình (x. Ga 8,1-11). Chúng ta có thể tìm ra viễn quan của Thiên Chúa tương tự như thế trong những vấn đề và hoàn cảnh khác nữa của cuộc sống hàng ngày.
2. Sự phân định: một giác quan tâm linh
Điều quan yếu hơn đó là làm thế nào để chúng ta có thể “thoát khỏi” những viễn quan cá nhân, khi chúng ta đã được trang bị quá nhiều “kiến thức” của các bộ môn khoa học thánh và tri thức khôn ngoan nhân loại, những kiến thức và kinh nghiệm mục vụ cá nhân cũng như cộng đoàn. Làm sao chúng ta có thể thực sự “đón nhận vào mình” viễn quan của Thiên Chúa khi mà chúng ta quá “đầy ắp” với những tin tưởng của lý trí và kinh nghiệm của bản thân? Thực sự, theo ĐTC Phan-xi-cô, việc mở ra với viễn quan của Thiên Chúa cũng là một loại “nhận thức” nhưng nó vượt trên logic khoa học và sự nhận biết của lý trí. Đây thực chất là lĩnh vực thuộc về “bản năng đức tin” giúp phân định “điều thuộc về Thiên Chúa”; do đó, có được sự trực giác đức tin bằng một giác quan tâm linh là điều rất cần thiết, ĐTC nói:
[…] Để chia sẻ tình thương nhiệm mầu của mình, Thiên Chúa ban cho toàn thể các tín hữu một bản năng đức tin – sensus fidei – là khả năng giúp họ phân định rõ cái gì thực sự là của Thiên Chúa. Sự hiện diện của Thần Khí ban cho người Kitô hữu một sự đồng bản tính nào đó với các thực tại của Thiên Chúa, và một sự khôn ngoan giúp họ nắm bắt các thực tại ấy bằng trực giác, cả khi họ không có đủ phương tiện cần thiết để diễn tả nó một cách chính xác.[7]
Dựa vào giáo huấn trên, sự phân định có thể được hiểu như là một thứ giác quan tâm linh để có thể “trực giác” về “cái gì thực sự là của Thiên Chúa.” Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải biết sử dụng và phát triển các giác quan tâm linh, ví dụ: một “đôi tai thiêng liêng” để có thể nghe được những âm hưởng của Thần Khí, những giai điệu siêu nhiên, cũng như những âm thanh trong cuộc sống “không phải lời cũng không phải tiếng”; cũng vậy, sự phân định cần đến một “cái mũi”, một “cặp mắt” và một “cảm quan” của đôi tay thiêng liêng như khả năng “trực giác” của đức tin để nhận ra được những dấu tích, những lời thì thầm và viễn quan của Thiên Chúa (x. Tv 19).
3. Sự phân định: một ân ban của Thiên Chúa
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng giác quan thiêng liêng đó không hẳn là điều mà người ta chỉ chăm chú luyện tập như việc luyện tập các kỹ năng âm nhạc, mỹ thuật hay ẩm thực. Theo ĐTC Phan-xi-cô, sự phân định nhờ các giác quan tâm linh, trước hết và trên hết, là một ân ban của Thiên Chúa. Xác tín này được ĐTC nhắc đến trong dịp gặp gỡ các giám mục mới được tấn phong vào năm 2017 khi người nói: “Chư huynh không thể sở hữu một món quà cao quý và siêu việt đó (sự biện phân tìm viễn quan của Thiên Chúa) như thể là một ơn tất yếu kèm theo bí tích truyền chức, nhưng nó đích thực là ân ban của Thần Khí, điều mà chúng ta cần kiên trì nài xin Chúa.” Điều này gợi đến lời cầu xin của vua Sa-lô-môn tại Ghíp-ôn, ông đã xin Chúa cho được ơn biết phân định để dẫn dắt đoàn dân của Chúa (1 V 3,5-12). Như vậy, “chúng ta phải thường xuyên trở lại Ghíp-ôn để cầu xin ân ban biết phân địnhđiều mà vua Sa-lô-môn đã coi là quý giá hơn sự trường thọ và vinh hoa phú quí.”[8]
Như một đòi hỏi tất yếu, sự thinh lặng trong cầu nguyện và sự kiên trì khẩn nài là những tác động cần thiết để rũ bỏ viễn kiến cá nhân, cũng như mở lòng cho viễn quan của Thiên Chúa. Thật vậy, chỉ trong thinh lặng của cầu nguyện, chúng ta mới có thể tìm ra dấu vết và lĩnh hội được chân lý của Thiên Chúa ở một thứ ánh sáng thuộc tầm cao khác biệt.[9]
Thay lời kết
Theo ĐTC Phan-xi-cô, sự phân định – tìm viễn quan của Thiên Chúa nhờ những giác quan tâm linh – cần đến thái độ khiêm tốn và vâng phục (Thiên Chúa). Cũng tương tự khi chúng ta đón nhận một món quà (ân ban) nào đó, sự phân định phải được đón nhận với một tâm hồn rộng mở, và sự chờ đợi một thời khắc do ý muốn của Đấng Trao Ban. Do đó, ĐTC nói: “Một điều kiện thiết yếu để tiến bộ trong sự phân định là giáo dục chúng ta trong sự kiên nhẫn của Thiên Chúa và thời khắc của Người, những điều không bao giờ là của chúng ta. Thiên Chúa không ‘thiêu hủy kẻ bất trung’ (x. Lc 9, 53-54), cũng như không cho phép những người sốt sắng ‘nhổ cỏ lùng khỏi đồng lúa’ mà họ thấy đang mọc ở đó (x. Mt 13, 27-29).”[10]
Chúng ta cần rộng mở tấm lòng mỗi ngày để đón nhận niềm hy vọng từ Thiên Chúa, điều mà có thể gìn giữ chúng ta khỏi những gì là tối tăm, khó hiểu. Niềm hy vọng đó giúp chúng ta khám phá ra ân ban được tiềm ẩn trong hiện tại, mà không làm mất đi sự nhẫn nại của kế hoạch yêu thương mà Thiên Chúa dự định cho con người, điều trổi vượt biết bao trên tâm tưởng và ý muốn của con người (x. Is 55,8-9).
 

[1] X. POPE FRANCIS – Antonio SPADARO, “A Big Heart Open To God”, Thinking Faith, 19 September 2013, http://www.thinkingfaith.org/articles/20130919_1.htm
[2] X. Nicolas AUSTIN, “Francis: The Discerning Pope”, Thinking Faith, 9 March 2018, https://www.thinkingfaith.org/articles/francis-discerning-pope
[3] POPE FRANCIS, Address to the Bishops Ordained over the Past Year, 14 September 2017, http://w2.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2017/september/documents/papa-francesco_20170914_nuovi-vescovi.html
[4] Jorge Mario BERGOGLIO, “Writings on Jesuit Spirituality II”, Studies in the Spirituality of Jesuits, 45.4 (2014), p. 17, https://ejournals.bc.edu/ojs/index.php/jesuit/issue/archive
[5] Niềm Vui của Tin Mừng, s. 264.
[6] Niềm Vui của Tình Yêu, s. 295.
[7] Niềm Vui của Tin Mừng, s. 119.
[8] Pope Francis, Address to the Bishops Ordained over the Past Year, 14 September 2017, http://w2.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2017/september/documents/papa-francesco_20170914_nuovi-vescovi.html.
[9] Ibid.
[10] Ibid.

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây