Thứ Sáu sau lễ Tro.

Thứ năm - 07/03/2019 07:27

Thứ Sáu sau lễ Tro.

“Khi tân lang ra đi, bấy giờ họ mới ăn chay”.

 

Lời Chúa: Mt 9, 14-15

Khi ấy, Chúa Giêsu sang miền Gêsarênô, các môn đệ Gioan đến gặp Người mà hỏi: “Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?”

Chúa Giêsu nói với họ: “Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay”.

 

 

 

SUY NIỆM 1: Ý nghĩa của việc ăn chay

Bên Trung Quốc có một nhà điêu khắc được giao cho thực hiện một cái giá treo chuông bằng gỗ quí. Sau khi hoàn thành công việc, mọi người nhìn ngắm đều khen ngợi và cho đó là kỳ công tước đã mướn nhà điêu khắc thực hiện công việc cho gọi ông đến và hỏi: “Nhà người có bí quyết nào mà hoàn thành một kiệt tác như thế?” Nhà điêu khắc trả lời: “Tôi chỉ là một thợ thủ công và chẳng có bí quyết nào cả. Công việc diễn ra rất đơn giản: khi bắt đầu nghĩ đến công việc được giao, tôi tập trung tư tưởng vào đó, tôi đã giữ chay để tâm hồn được lắng dịu, quên đi tất cả những lời khen chê, có thể nói, việc gì xảy ra là do tinh thần tập trung của tôi được huấn luyện nhờ việc giữ chay nghiêm ngặt để chỉ chú ý vào đối tượng duy nhất là cái giá chuông mà thôi”.

Công trình giữ chay của các tín hữu trong mùa chay mỗi năm được gán cho nhiều ý nghĩa: nào là chay tịnh để kềm hãm một nhu cầu mạnh mẽ nhất trong con người, đó là ăn uống để sinh tồn, nhờ đó có thể tiến mạnh hơn trên con đường tu thân tích đức; nào là ăn chay để kinh nghiệm được sự đói khát, nhờ đó có thể cảm thông và chia sẽ với những anh em túng thiếu, nghèo khổ đang cần đến sự trợ giúp của mình; nào là ăn uống kham khổ để tiết kiệm được một số tiền hầu đóng góp vào các chương trình bác ái, từ thiện. Ăn chay để tìm được ý nghĩa đích thực của cuộc sống con người không chỉ lo làm lụng để cung phụng cho thân xác và đời sống vật chất, nhưng còn cố gắng hướng lên những mục đích tối thượng thiêng liêng. Tất cả những ý nghĩa đó của việc ăn chay có những yếu tố rất tích cực, đáng suy nghĩ và thực hành. Nhưng còn một ý nghĩ khác rất quan trọng, đó là ăn chay để tập trung tư tưởng, nhờ đó khám phá hình ảnh nòng cốt của chính mình và cuả tha nhân: đó là hình ảnh Thiên Chúa tiềm ẩn nơi mỗi người.

Xin cho công việc chay tịnh chúng ta thực hiện trong mùa chay này giúp chúng ta đi vào chiều sâu để khám phá hình ảnh Thiên Chúa trong chúng ta và trong lòng mọi người, ngõ hầu cuộc sống đức tin chúng ta là một công trình ngày càng tỏ lộ và chúng ta có khả năng yêu mến hình ảnh Thiên Chúa nơi người khác.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Thái độ dứt khoát.

Phanxicô được mệnh danh là người nghèo của Thiên Chúa, đã làm một cuộc đoạn tuyệt với tất cả những gì thuộc về thế gian để nên giống Chúa Giêsu trong mọi sự.

Trên bước đường theo Ngài, Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào nơi người môn đệ: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình”. Nếu chính bản thân mà còn phải từ bỏ, thì huống chi những gì thuộc về thế gian. Thái độ dứt khoát này được Chúa Giêsu làm nổi bật trong cách xử thế của Ngài đối với một số những luật lệ Cựu ước. Trong khi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Biệt phái tuân giữ một số ngày chay tịnh, thì Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài tự miễn chước. Hành động như thế, Chúa Giêsu muốn nói lên sự độc lập của Ngài và của các môn đệ đối với một số truyền thống cũ. Chúa Giêsu đã minh định thái độ của Ngài khi tuyên bố về sự hiện diện của Tân lang. Ngài chính là Tân lang, là Ðấng Cứu Thế mà con người mong đợi.

Theo truyền thống Do thái giáo, việc giữ chay được liên kết chặt chẽ với việc chờ đợi Ðấng Cứu Thế. Ăn chay có nghĩa là nói lên niềm trông đợi Ðấng Cứu Thế. Căn cứ trên ý nghĩa và mục đích của việc giữ chay như thế, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, do đó các môn đệ không cần giữ chay, bởi vì họ không cần phải trông đợi nữa. Ðó là thái độ hợp thời và hợp lý: họ đang sống bên Chúa Giêsu: thái độ của họ không phải là thái độ buồn sầu, khóc lóc. Thời của Ðấng Cứu Thế không phải là thời của tang chế, ủ dột, mà là thời của hân hoan.

Làm môn đệ Chúa Giêsu, sống với Chúa Giêsu, thái độ của người theo Chúa phải là sống tất cả cho Ngài và vì Ngài. Ðưa ra dụ ngôn chiếc áo và bình rượu, Chúa Giêsu muốn nói rằng thái độ của người môn đệ phải là thái độ dứt khoát tận căn, một thái độ không pha lẫn Tin Mừng với tinh thần thế tục.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xét lại tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu. Mang danh hiệu của Ngài, làm môn đệ của Ngài có nghĩa là phải sống trọn cho Ngài. Nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Tại sao phải ăn chay?

Bấy giờ các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng: “ Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể đã bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay”. (Mt. 9, 14-15)

Giáo hội mời gọi chúng ta ăn chay suốt cả mùa chay. Nói đúng nghĩa ăn chay là nhịn ăn uống. Người ta có thể tưởng rằng Giáo hội có lý nhắc nhở một điều quan trọng cho chúng ta cần ăn chay vì ăn quá nhiều như ở Mỹ làm mình phì nộn và nhồi tọng đủ thứ trong khi bao nhiêu người trên thế giới thiếu ăn mỗi ngày. Nhưng không phải vì những lý do đó mà Giáo hội khuyến khích ăn chay. Giáo hội có nhiều lý do khác.

Giáo hội đánh giá rằng ăn chay là cách tốt nhất để chúng ta mở lòng hướng về Thiên Chúa và tiếp rước Ngài. Giáo hội tin tưởng rằng trong khi thiếu ăn uống, tự nhiên chúng ta thấy mình là tạo vật yếu đuối cần phải nương tựa vào Đấng gìn giữ, bảo đảm sự hiện hữu của muôn loài. Ăn chay nhất thiết làm cho chúng ta cảm nghiệm ngay trong xác thịt mình thấy rằng đời sống chúng ta và bản chất chúng ta đều bởi Thiên Chúa ban.

Giáo hội khuyến khích ăn chay vì lý do thứ hai: ăn chay là phương thế tốt nhất để chuẩn bị chúng ta mong đợi Đức Ki-tô lại đến. Tất cả chúng ta đều biết tại sao nhiều người ăn mất ngon khi gặp cơn bối rối hay gặp cảnh chia ly. Sau một cơn cãi lộn, người ta không còn muốn ăn uống. Khi mất chồng, vợ bỏ ăn nhiều ngày. Ăn chay còn biểu lộ chúng ta hoàn toàn liên kết với Đức Ki-tô mà chúng ta yêu mến. Chúng ta ăn chay như thể là tưởng nhớ Đức Ki-tô và ra sức trông mong Người.

Đó là ý nghĩa của lời Chúa trong Tin mừng hôm nay. Đức Giê-su đã ở với chúng ta, nhưng chúng ta không hoàn toàn kết hợp với Người. Người đã đến giữa chúng ta, nhưng một ngày kia, Người lại đến trong vinh quang. Trong khi ăn chay, chúng ta tỏ hết lòng thiện chí được thấy Người lại đến để chúng ta hợp nhất với Người trọn vẹn cho đến muôn đời.

J.Y.G

 

SUY NIỆM 4: GIỮ CHAY ĐÚNG NGHĨA (Mt, 9, 14 –15)

Tại Giáo phận Taytay – Philippines, có một thầy ẩn sĩ tu rừng. Thày từ bỏ thế giới náo động, nhộn nhịp bên ngoài để vào rừng sâu ăn chay, cầu nguyện và sống thân tình với Thiên Chúa.

Thi thoảng, mỗi dịp lễ lớn, thày thường đi bộ trên đôi chân trần, không giày, không dép, đi hàng chục kilômét để về nhà thờ chính tòa hiệp thông cùng Giáo Hội. Trông thấy thày, ai cũng thấy toát ra một vẻ hồn nhiên, thánh thiện, thanh thoát, vui tươi và bình an.

Có lẽ vì nơi thày có được vẻ đẹp của Tin Mừng và đời sống chay tịnh cũng như cầu nguyện thường xuyên, nên nhìn mọi người, mọi vật dưới con mắt của Chúa!

Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy thường xuyên nhắc tới việc ăn chay, chẳng hạn như: vua Đavít ăn chay để cầu nguyện cho con khỏi ốm; từ triều đình đến thường dân thành Ninivê đã đáp lại lời mời gọi của tiên tri Giona nên ăn chay và sám hối để thoát khỏi tai họa...

Sang thời Tân Ước, Gioan Tẩy Giả cũng ăn chay và sống khổ hạnh trong sa mạc để chuẩn bị loan báo Đức Giêsu; đến khi Đức Giêsu xuất hiện, Ngài đã khởi đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng việc chay tịnh và cầu nguyện 40 ngày trong hoang địa sau khi chịu phép Thánh Tẩy; không những thế, Ngài thường xuyên nhắc các môn đệ phải ăn chay, cầu nguyện và Ngài còn cảnh báo các ông, nếu muốn trừ được quỷ thì phải ăn chay và cầu nguyện.

Như vậy, vấn đề chay tịnh là vấn đề quan trọng trong Kinh Thánh.

Tuy nhiên, hôm nay, khi các môn đệ của Gioan đến hỏi Đức Giêsu về việc: "Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?", nhân cơ hội này, Đức Giêsu mặc khải cho biết ý nghĩa đích thực của việc ăn chay.

Ăn chay là để chờ đón Chúa đến, nhưng Ngài đang ở giữa họ thì không có lý do gì để ăn chay nữa. Nếu ăn chay lúc này là mâu thuẫn, chẳng khác gì vải mới vá áo cũ, hay rượu mới đổ vào bầu da cũ vậy!

Ý nghĩa chính yếu của việc giữ chay chính là đền tội, hãm dẹp những khuynh hướng xấu xa, đê tiện, tội lỗi, từ bỏ cái tôi ích kỷ, kiêu ngạo, sống liên đới, yêu thương, tha thứ, giúp đỡ người nghèo..., nhất là tin vào Tin Mừng.

Xin Chúa giúp sức, để mỗi người chúng ta sống tinh thần của Mùa Chay thật sốt sắng và ý nghĩa, ngõ hầu chúng ta hưởng trọn vẹn niềm vui phục sinh. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 5: Chàng rể bị đem đi

Suy niệm :

Có một sự khác biệt về lối sống giữa Gioan Tẩy giả và Đức Giêsu.

Gioan sống khổ hạnh nơi hoang địa, ông lôi kéo người ta đến với ông.

Ông dọa tội nhân về cơn thịnh nộ mà Thiên Chúa sắp giáng xuống.

Còn Đức Giêsu thì đến với những kẻ tội lỗi, bị xã hội loại trừ,

ăn uống vui vẻ với họ vì Nước Trời đã đến rồi (Mt 11, 18-19).

Sau khi Gioan đã bị tống ngục (4, 12)

các môn đệ của ông vẫn tiếp tục hoạt động (11, 2-6).

Chắc họ khó chịu khi thấy các môn đệ của Thầy Giêsu không ăn chay,

không có vẻ khắc khổ, nhiệm nhặt như họ hay như người Pharisêu,

nên họ hỏi thẳng Thầy về chuyện này (c. 14).

Thầy Giêsu trả lời họ bằng một câu hỏi khác (c.15):

“Khách dự tiệc cưới có thể than khóc khi chàng rể còn ở với họ sao?”

Dĩ nhiên là không rồi!

Câu nói của Thầy Giêsu cho thấy bầu khí Thầy-trò trong nhóm

là bầu khí vui tươi ấm áp, bầu khí của một tiệc cưới.

Thầy là chàng rể, còn trò là khách dự tiệc.

Thời gian Thầy ở với các môn đệ là thời gian hạnh phúc cho họ.

Trong Cựu Ước, hình ảnh chàng rể để chỉ Thiên Chúa (Is 62, 4-5),

Đấng kết duyên cầm sắt với dân Ítraen (Hs 2, 21-22).

Còn ở đây Đức Kitô kín đáo nhận mình là chàng rể.

Chàng rể là nhân vật chủ yếu của tiệc cưới.

Tiệc cưới ấy chính là Nước Trời được ngài khai mở (Mt 22, 1-14; 25, 1-13).

“Nhưng sẽ đến ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ…” (c.15).

Đây không phải là một lời tiên báo rõ ràng về cuộc khổ nạn,

nhưng là một ám chỉ đến cái chết bất ngờ sắp xảy ra.

Chàng rể Giêsu chẳng ở luôn với các môn đệ (Mt 26, 11).

Có ngày họ sẽ không còn thấy Thầy nữa, “bấy giờ họ mới ăn chay.”

Ăn chay đối với Kitô hữu là thái độ chuẩn bị ngày Thầy trở lại.

Ăn chay làm ta nhẹ nhàng để chờ ngày gặp Chúa diện đối diện.

Đức Giêsu chẳng bao giờ coi thường việc ăn chay.

Ngài đã ăn chay bốn mươi ngày trước khi bắt đầu sứ vụ (Mt 4, 2).

Hội thánh sơ khai cũng gắn liền cầu nguyện với ăn chay (Cv 13, 2-3)

Thánh Phaolô vẫn ăn chay, dù vất vả với tông vụ (2 Cr 6,5; 11, 27).

Để rước lễ, chúng ta phải kiêng ăn uống khoảng một giờ.

Ngày thứ sáu vẫn là ngày kiêng thịt theo luật chung của Hội thánh.

Ước gì việc ăn chay làm ta gặp Chúa, gặp anh em và gặp lại chính mình.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã có kinh nghiệm về cái đói,

sau khi ăn chay bốn mươi ngày trong hoang địa.

Sau khi được dân chúng tung hô lúc vào thành Giêrusalem,

Chúa cũng đói đến mức phải tìm trái nơi cây vả.

Chúa đã xin nước uống nơi người phụ nữ Samari,

và Chúa đã nếm cái khát của người bị mất máu trên thập giá.

Lạy Chúa Giêsu, vì Chúa có thân xác như chúng con,

nên Chúa đã bênh các môn đệ khi họ bứt lúa mà ăn vì đói,

Chúa đã làm phép lạ bánh hóa nhiều vì sợ người ta xỉu dọc đường,

Chúa đã bảo nhà ông trưởng hội đường cho cô bé mới hồi sinh được ăn.

Đói khát là chuyện bình thường của thân xác con người,

và Chúa chẳng bao giờ coi thường những nhu cầu chính đáng của nó.

Nhưng xin nhắc chúng con nhớ rằng

con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, mà còn nhờ Lời Chúa,

con người không chỉ đói khát thức ăn vật chất

mà còn khao khát những giá trị tinh thần của Nước Trời.

Xin dạy chúng con chia sẻ cho những Ladarô đang nằm ngoài cổng,

và đừng khép cửa lòng như ông nhà giàu xây thêm kho.

Xin cho chúng con hiểu được giá trị của một ly nước lạnh được trao đi,

một tấm bánh giữa đêm khuya cho người bạn mượn,

và chút vụn bánh rơi xuống từ bàn ăn đủ nuôi một người.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa là người đói khát vẫn ngửa tay xin chúng con mỗi ngày

mà chúng con không hay.

Xin giúp chúng con bắt chước Chúa trong bữa tiệc cuối cùng

dám bẻ ra và trao đi tấm bánh đời mình để phục vụ tha nhân.

Ước gì mai này chúng con được đồng bàn với Chúa

và với mọi người thành tâm thiện chí trong Nước Trời. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM

1. Luật ăn chay

Người ta chất vấn Đức Giêsu về việc ăn chay, vì ăn chay là một trong những việc đạo đức căn bản (cùng với cầu nguyện và bố thí, được nêu trong bài Tin Mừng của Lễ Tro, Mt 6, 1-6.16-18), không chỉ trong Do Thái giáo, nhưng trong mọi tôn giáo, trong đó có Kitô giáo của chúng ta.

Nhưng dường như, đối với chúng ta, những Kitô hữu, trong thực tế ăn chay là một “chuyện nhỏ”, bởi vì chúng ta bị buộc ăn chay một năm có hai lần, thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh (Giáo Luật, điều 1252); dĩ nhiên, người ta có thể ăn chay vào những ngày khác, chẳng hạn theo truyền thống của Giáo Hội, vào thứ sáu hằng tuần và trong suốt Mùa Chay, nhưng Giáo Luật không bắt buộc.

Nhưng, trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, việc ăn chay là một chuyện lớn, lớn đối với các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Pharisêu: họ ăn chay; và họ không chỉ giữ chay, nhưng còn quan tâm đến người khác có giữ chay không; họ quan tâm đến việc giữ chay của các môn đệ Đức Giêsu, và qua đó việc giữ chay của chính Đức Giêsu. Các môn đệ của ông Gioan Tẩy Giả, và theo Tin Mừng Mác-cô, có thêm các môn đệ của người Pharisiêu nữa, đến hỏi Đức Giêsu:

Tại sao chúng tôi và những người Pharisiêu ăn chay,
còn môn đệ của ông lại không ăn chay? 
(c. 14)

Và đối với Đức Giêsu, ăn chay cũng không hề là một chuyện nhỏ, bởi vì, với một câu hỏi thật ngắn, Ngài trả lời thật dài, với ba dụ ngôn liên tiếp (c. 16-17): dụ ngôn tiệc cưới, trực tiếp liên quan đến câu hỏi, và hai dụ ngôn nữa, được biết đến nhiều hơn, mở rộng vấn đề ăn chay: dụ ngôn “vải và áo” và dụ ngôn “rượu và bình rượu”. Hai dụ ngôn này mời gọi chúng ta hiểu ra rằng, với Đức Ki-tô, từ nay không chỉ tương quan của chúng ta với lương thực, được diễn tả qua việc ăn chay, nhưng tương quan của chúng ta với mọi sự, phải xuất phát từ Đức Ki-tô, đặt nền trên Đức Ki-tô và hướng về Đức Ki-tô.

2. Mục đích của chay tịnh

Trong thực tế, việc ăn chay có thể có nhiều định hướng: hướng về bản thân, hay hướng về người khác, hoặc cả hai. Chẳng hạn, ăn chay là một cách khổ chế, một đàng vì sự “no đầy” thể xác dễ bị chi phối bởi những năng động lệch lạc; đàng khác, có những thứ lương thực có năng lực kích thích những tư tưởng, cảm xúc và hành vi xấu, nếu sử dụng không điều độ.

Trong Do Thái giáo, người ta ăn chay để ăn năn và xin ơn tha thứ, hay để xin một ơn đặc biệt nào đó (x. 2Sm 13, 16.22; Ge 2, 12-17). Người ta ăn chay còn để chuẩn bị thi hành một sứ mạng (x. Tl 20, 26; Cv 14, 23). Ngoài ra, trong sách ngôn sứ Isaia (x. Is 58, 1-9a), Đức Chúa mời gọi dân của Ngài phải sống hài hòa giữa việc ăn chay và cách sống của họ với tha nhân và nhất là với những người nghèo đói, những người đau khổ.

Ngày nay, người ta ăn chay còn để tiết kiệm tiền, dành cho việc bác ái. Ngoài ra, người ta ăn chay còn để chữa bệnh, gìn giữ sức khỏe hay bảo vệ môi trường!

*  *  *

Như thế, việc ăn chay hoặc có định hướng qui về mình hay qui về người khác, hoặc là một việc đạo đức chỉ có dáng vẻ bề ngoài, như quan niệm của những người đến chất vấn Đức Giê-su: “Tại sao chúng tôi và những người Pharisiêu ăn chay, còn môn đệ của ông lại không ăn chay?”; và như chính Đức Giê-su đã cảnh báo: “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay” (Mt 6, 16).

Trong khi đó, ăn chay tiên vàn có mục đích hướng về chính Thiên Chúa, hoặc để chuẩn bị mình để gặp gỡ Thiên Chúa (x. Xh 34, 28; Đn 9, 3), hoặc để diễn tả tương quan thuộc về Thiên Chúa (x. Lv 16, 29-31). Chính vì thế, Đức Giê-su không hủy bỏ việc ăn chay, nhưng Ngài “hoàn tất” ý nghĩa việc ăn chay, bằng cách hướng việc ăn chay đến chính ngôi vị của Ngài, bởi vì Ngài là hiện thân của chính Thiên Chúa. Như thế, Đức Giê-su đã mang lại cho việc ăn chay một ý nghĩa hoàn toàn mới.

*  *  *

Ăn chay, đối với Đức Giêsu, không phải là một việc bổn phận đạo đức, có tính ép buộc và thường hay qui về mình (hãm mình, đền tội, xin ơn…), nhưng là một hành vi hướng về “Một Người”, tưởng niệm “Một Người”, Người đó là “Chàng Rể bị đem đi”, là Đức Kitô chịu thương khó. Chúng ta ăn chay là để tưởng nhớ Đức Kitô chịu đóng đinh vì lòng mến và hướng tới lòng mến Đức Ki-tô. Có thể nói, vì “Thương Một Người”[1] mà chúng ta ăn chay.

Nếu Đức Chúa, trong sách ngôn sứ Isaia, mời gọi dân hướng việc ăn chay đến tình thương đối với những người nghèo khó và đau khổ, thì Đức Giê-su, trong bài Tin Mừng, hướng việc ăn chay đến tình thương đối với chính Ngài. Không phải Ngài bỏ quên họ, nhưng chính khi chúng ta yêu mến Ngài, chúng ta sẽ yêu mến những người nghèo khó và đau khổ, bởi vì Ngài đồng hóa mình với họ (x. Mt 25, 40). Như thế, vì lòng mến Đức Ki-tô, chúng ta được mời gọi không chỉ ăn chay theo luật định, nhưng còn có thể ăn chay bất cứ lúc nào, nhất là trong Mùa Chay, hay trong tuần tĩnh tâm. Tuy nhiên, Ngài đã Phục Sinh và hiện diện giữa chúng ta mọi ngày. Vì thế, chúng ta cũng ăn uống bình thường và đôi khi ăn tiệc nữa!

3. Vải mới và áo cũ, rượu mới và bình cũ

Và với hai dụ ngôn, dụ ngôn “vải và áo” và dụ ngôn “rượu và bình rượu”, Đức Giê-su mời gọi chúng ta hướng việc ăn uống, và ngang qua việc ăn uống là “mọi sự khác”, trong đó có chính sự sống của chúng ta, cuộc đời của chúng ta, tới ngôi vị của Ngài, tới tình yêu Ngài dành cho chúng ta và chúng ta dành cho Ngài. Bởi vì, lương thực còn là biểu tượng của sự sống. Vì thế, chúng ta có thể hiểu, đời sống dâng hiến của chúng ta là một việc “Ăn Chay” lớn nhất, ngang qua nỗ lực sống ba lời khấn, khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, vốn liên quan đến sự sống và là chính sự sống của chúng ta; và chúng ta ăn chay kiểu “lạ đời” này, vì lòng mến Đức Kitô và để sống và làm chứng cho Tin Mừng của Ngài và cho Nước của Thiên Chúa.

Như thế, việc ăn chay của chúng ta chỉ trở nên đích thật trong mức độ, đó là cách chúng ta diễn tả tương quan tình yêu của chúng ta đối với chính Chúa. Nhưng nếu Chúa hiện diện ngay trong “bánh” chúng ta dùng hằng ngày, thì việc ăn chay của chúng ta sẽ ra sao?

Thật là lệch lạc, khi coi lương thực như “dịp tội” phải kiêng bớt, thậm chí xa tránh. Bởi lẽ, lương thực là ơn huệ Thiên Chúa ban (x. St 1-2; Đnl 8, 3): Chúa hiện diện nơi ơn huệ của Người, và khi hưởng dùng ơn huệ (nghĩa là nhìn, nghe, cảm, nếm và đụng), cụ thể là ơn huệ lương thực hằng ngày, chúng ta được mời gọi nhận ra và đi vào tương quan biết ơn với Đấng ban ơn huệ:

Người ban lương thực (tiếng Do-thái: bánh)
cho tất cả chúng sinh.
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. 
(Tv 136, 25)

Và bánh ăn hằng ngày, vốn là ơn huệ của Thiên Chúa loan báo cho chúng ta Bánh Trường Sinh, Bánh ban sự sống đời đời là chính Đức Ki-tô, và Người là Ơn Huệ của mọi ơn huệ (x. Ga 4, 10 và Ga 6). Chính vì thế, Giáo Hội cho chúng ta đọc kinh Lạy Cha, trong đó có lời cầu: “xin cho chúng con lương thực hàng ngày”, trước khi đón nhận Mình Máu Thánh Đức Ki-tô.

Vậy, ăn chay đích thật không chỉ là không ăn hay ăn ít đi một số lần hay một số ngày vì lòng mến Chúa; nhưng còn là mọi ngày, chúng ta được mời đón nhận lương thực như ơn huệ Thiên Chúa ban và chúng ta để cho ơn huệ lương thực hằng ngày hướng chúng ta đến Ơn Huệ Lương Thực hằng sống là chính Đức Ki-tô.

*  *  *

Chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa, Cha của chúng ta mỗi ngày, và nhất là trước bữa ăn: “Lạy Cha, xin ban cho chúng con lương thực hằng ngày”; và quả thực, ơn huệ lương thực đã có đó ngay trên bàn trước mắt chúng ta rồi. Vì thế, lời nguyện này về ngôn từ là lời cầu xin, nhưng về tâm tình, là lời tạ ơn và ca tụng. Và bởi vì lương thực hằng ngày là ơn ban, nên sự sống của chúng ta, ở mức độ căn bản nhất là đến từ Chúa và là của Chúa.

Và điều Chúa chờ đợi nơi chúng ta, là một lời nguyện phát xuất từ con tim biết ơn và dâng hiến: “Chúa đã ban cho con tất cả, con xin dâng lại Chúa tất cả”, trong tâm tình ca tụng, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa”, theo khuôn mẫu của Đức Ki-tô Thánh Thể.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] “Thương Một Người”, tựa đề một bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

 

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – song ngữ

Friday (March 08): Fasting for the kingdom of God

 

Gospel Reading:  Matthew 9:14-15

14 Then the disciples of John came to him, saying, “Why do we and the Pharisees fast, but your disciples do not fast?” 15 And Jesus said to them, “Can the wedding guests mourn as long as the bridegroom is with them? The days will come, when the bridegroom is  taken away from them, and then they will fast.

Thứ Sáu    08-3           Ăn chay vì nước Thiên Chúa

 

Mt 9,14-15

14 Bấy giờ, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay? “15 Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.

Meditation: 

Are you hungry for God? Hungering for God and fasting for his kingdom go hand in hand. When asked why he and his disciples did not fast Jesus used the vivid picture of a wedding celebration. In Jesus’ time the newly wed celebrated their honeymoon at home for a whole week with all the guests! This was a time of great feasting and celebrating. Jesus points to himself as the bridegroom and his disciples as the bridegroom’s friends. He alludes to the fact that God takes delight in his people as a groom delights in his bride (Isaiah 62:5). 

Humble yourself before the Lord your God

To be in God’s presence is pure delight and happiness. But Jesus also reminds his followers that there is a time for fasting and for humbling oneself in preparation for the coming of God’s kingdom and for the return of the Messianic King. The Lord’s disciples must also bear the cross of affliction and purification. For the disciple there is both a time for rejoicing in the Lord’s presence and celebrating his goodness and a time for seeking the Lord with humility, fasting, and mourning for sin. If we hunger for the Lord, he will not disappoint us. His grace draws us to his throne of mercy and favor. Do you seek the Lord with confident trust and allow his Holy Spirit to transform your life with his power and grace?

Fast and hunger for more of God and his righteousness

What kind of fasting is pleasing to God? Fasting can be done for a variety of reasons – to gain freedom from some bad habit, addiction, or vice, to share in the suffering of those who go without, or to grow in our hunger for God and for the things of heaven. Basil the Great wrote: “Take heed that you do not make fasting to consists only in abstinence from meats. True fasting is to refrain from vice. Shred to pieces all your unjust contracts. Pardon your neighbors. Forgive them their trespasses.” Do you hunger to know God more, to grow in his holiness, and to live the abundant life of grace he offers you?

“Come Lord, work upon us, set us on fire and clasp us close, be fragrant to us, draw us to your loveliness, let us love, let us run to you.” (Prayer of St. Augustine)

Suy niệm:

 

Bạn có đói khát Thiên Chúa không? Đói khát Thiên Chúa và ăn chay cho vương quốc của Người đi đôi với nhau. Khi được hỏi tại sao Người và các môn đệ không ăn chay, Ðức Giêsu đã sử dụng hình ảnh sống động của một tiệc cưới. Vào thời Ðức Giêsu, đôi vợ chồng mới cưới tổ chức tuần trăng mật của họ ở nhà cả tuần với toàn thể quan khách! Đây là thời gian mừng lễ hội lớn. Ðức Giêsu ám chỉ mình như Chú Rể và các môn đệ như bạn bè của Chú Rể. Người muốn ám chỉ rằng Thiên Chúa vui sướng với dân Người như nàng dâu là niềm vui cho chú rể (Is 62,5).

 

 

Hãy hạ mình trước Chúa, là TC của bạn

Sự hiện diện của Thiên Chúa chính là niềm vui và hạnh phúc đích thật. Nhưng Ðức Giêsu cũng nhắc nhở các môn đệ rằng có một thời gian để ăn chay và hạ mình để chuẩn bị cho nước Thiên Chúa sẽ đến và cho sự trở lại của Vua Mêsia sắp đến. Các môn đệ của Chúa cũng phải mang lấy thánh giá của sự ưu phiền và sự thanh tẩy. Vì người môn đệ có cả thời gian cho việc vui mừng trong sự hiện diện của Chúa và ca tụng sự tốt lành của Người và thời gian cho việc tìm kiếm Chúa với sự khiêm tốn, ăn chay, và khóc lóc vì tội lỗi. Nếu chúng ta đói khát Chúa, Người sẽ không làm cho chúng ta thất vọng. Ơn sủng của Người lôi kéo chúng ta tới ngai toà thương xót và ơn sủng của Người. Bạn có tìm kiếm Chúa với niềm tin kiên vững và để cho Thánh Thần của Người biến đổi cuộc đời bạn với sức mạnh và ơn sủng của Người không?

 

 

Hãy ăn chay và đói khát về Thiên Chúa và sự công chính của Người hơn nữa

Loại ăn chay nào làm vui lòng Thiên Chúa? Việc ăn chay có thể được thực hiện vì nhiều lý do – để giải thoát khỏi những thói quen xấu, khỏi nghiện ngập, hay khỏi tật xấu nào đó, để chia sẻ đau khổ của những người thiếu thốn, hay lớn lên trong sự đói khát Thiên Chúa và những sự trên trời. Thánh Basil Cả đã viết: “Hãy chú ý rằng bạn ăn chay không phải chỉ là kiêng ăn thịt. Chay tịnh thật sự là phải kiềm chế các thói hư tật xấu. Nghiền thành mảnh vụn tất cả những hợp đồng bất công của mình. Hãy tha thứ cho tha nhân. Hãy tha thứ những xúc phạm của họ.” Bạn có đói khát được hiểu biết Thiên Chúa hơn, để lớn lên trong sự thánh thiện của Người, và sống đời sống tràn đầy ơn sủng Người ban cho bạn không?

 

Lạy Chúa xin hãy đến, xin tác động trên chúng con, xin đốt lên nơi chúng con ngọn lửa và liên kết chúng con lại gần nhau, xin hấp dẫn chúng con, lôi kéo chúng con đến với vẻ đẹp của Chúa, cho chúng con biết yêu thương, cho chúng con biết chạy đến với Chúa. (Lời cầu nguyện của thánh Augustine)

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây