Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Trong trường hợp một giáo xứ nhỏ, mà không có đàn phong cầm hay dương cầm, hay người có tài năng âm nhạc, để dẫn dắt hát, liệu có thể sử dụng nhạc ghi âm sẵn trong Thánh lễ để giúpmọi người hát không? - N. B., Arlington, Texas, Hoa Kỳ.
Đáp: Chúng tôi đã trả lời một câu hỏi tương tự vào ngày 23-11-2004. Chúng tôi sẽ sử dụng lại một số tài liệu này với vài cập nhật.
Một ít quy định về điểm này thường rõ ràng cấm sử dụng nhạc ghi âm sẵn trong phụng vụ. Điều này cũng tất yếu bao gồm nhạc đệm được cài đặt sẵn để hát trực tiếp, một khả năng được cung cấp bởi đàn phong cầm hiện đại.
Các tài liệu chính liên quan đến âm nhạc trong nhà thờ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ca hát, và cho rằng sự hiện diện của các nhạc công được coi là một thành phần của cộng đoàn.
Huấn thị năm 1958 “De Musica Sacra” (Thánh nhạc) do Bộ Phượng tự ban hành, nêu rõ: “Cuối cùng, chỉ các nhạc cụ được chơi bởi hành động cá nhân của nghệ sĩ mới có thể được nhận vào phụng vụ thánh, chứ không phải các nhạc cụ hoạt động cách tự động hay máy móc”.
Tài liệu này đi sau thông điệp năm 1955 của Đức Giáo Hoàng Piô XII, “Musicae Sacrae” (thánh nhạc), trong đó Ngài nhấn mạnh rằng nhạc phụng vụ là “nghệ thuật thật sự”, nếu nó là một hành động thờ phượng và ngợi khen Thiên Chúa.
Mặc dù các tài liệu này ra đời trước Công đồng chung Vatican II, nhưng hầu như không có gì trong các văn kiện công đồng hoặc hậu công đồng, có thể mâu thuẫn với các nguyên tắc đã được nêu ra, hoặc làm mất hiệu lực giá trị qui phạm tổng quát của chúng.
Thật vậy, việc Công đồng nhấn mạnh, rằng dàn hợp xướng và các nhạc công tạo thành một phần của cộng đoàn phụng vụ, còn củng cố giả định chống lại việc sử dụng âm nhạc cơ học.
Theo các tài liệu trên, tốt hơn là nên hát mà không có âm nhạc đệm kèm, chứ không nên hát với tiếng đàn nhân tạo.
Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM) nói:
“39. Thánh Tông Ðồ khuyên kitô hữu, lúc hội họp trông đợi Chúa đến, hãy cùng nhau hát những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thánh Thần linh hứng (x. Cl 3,16). Quả vậy, hát là dấu chỉ niềm vui trong tâm hồn (x. Cv 2,46). Bởi đó, thánh Au-gút-ti-nô nói đúng: "Người nào yêu thì hát". Và ngay từ ngàn xưa, câu: "Ai hát hay là cầu nguyện gấp đôi" đã trở thành ngạn ngữ.
“40. Vậy việc sử dụng ca hát trong cử hành Thánh Lễ phải là điều quan trọng, sau khi đã lưu ý đến cách cảm nghĩ của mỗi dân tộc và khả năng của mỗi cộng đoàn. Dù không luôn luôn cần phải hát tất cả các bản văn tự chúng đã được trù liệu để hát, chẳng hạn trong các Thánh Lễ ngày thường, nhưng trong các cử hành vào Chúa Nhật và lễ trọng thì lo sao đừng thiếu tiếng hát của các thừa tác viên và dân chúng”.
Trong phần sau, cũng tài liệu này (trong số 312) nói:
“312. Phải dựa vào cấu trúc của thánh đường mà xếp chỗ cho ca đoàn, để cho thấy bản chất của ca đoàn là thành phần của cộng đoàn tụ họp và giữ một phận vụ riêng biệt, để ca đoàn dễ dàng thực hiện phận vụ mình, và mọi ca viên thuận lợi tham dự đầy đủ vào Thánh Lễ, nghĩa là tham dự bí tích Thánh Thể” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).
Các nguyên tắc tương tự cũng có giá trị cho các nhạc công phong cầm và các nhạc công khác.
Cũng vậy, có một trường hợp trong đó các quy định phổ quát đã cho phép ca hát với nhạc ghi âm sẵn, có phần khá rụt rè, trong Hướng Dẫn Thánh lễ Trẻ em. Số 32 của tài liệu nói:
“Tuy nhiên, cần phải luôn chú ý rằng nhạc đệm không lấn át tiếng hát hoặc trở thành một thứ gây xao lãng hơn là giúp đỡ trẻ em. Âm nhạc phải tương ứng với mục đích dành cho các giai đoạn khác nhau, mà ở đó nhạc được phát trong Thánh lễ.
Với các biện pháp phòng ngừa này và với sự thận trọng đặc biệt, nhạc ghi âm sẵn cũng có thể được sử dụng trong Thánh lễ dành cho trẻ em, phù hợp với các quy định được thiết lập bởi các Hội đồng Giám mục”.
Một số Hội đồng Giám mục cũng đã công bố các hướng dẫn về chủ đề này, thí dụ, tài liệu “Sing to the Lord” năm 2007 của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ nói:
“93. Nhạc ghi âm thiếu đi tính xác thực mà chỉ cộng đoàn phụng vụ sống động quy tụ lại để cử hành phụng vụ thánh mới có thể đem lại được. Nhạc ghi âm rất ích lợi khi được sử dụng ngoài phụng vụ để giúp học hỏi những bản nhạc mới, còn theo nguyên tắc chung, không được phép sử dụng nhạc ghi âm trong phụng vụ.
“94. Cần ghi nhận một số trường hợp ngoại lệ về việc sử dụng nhạc ghi âm. Nhạc ghi âm có thể được phép sử dụng để đệm theo tiếng hát của cộng đoàn khi đang đi rước ngoài Thánh lễ, và được dùng một cách cẩn trọng khi cử hành Thánh lễ dành cho trẻ em. Đôi lúc, được dùng để giúp cầu nguyện, thí dụ: trong thời gian thinh lặng dài khi cử hành bí tích Hòa giải chung. Tuy nhiên, nhạc ghi âm không khi nào được thay thế việc ca hát của cộng đoàn” (Bản dịch của Ủy ban Thánh nhạc thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trong Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc, số 88-89).
Một tài liệu tương tự của Hội đồng Giám mục Canada đã được ban hành năm 2015, nêu rõ:
“33. Giọng hát con người. Giọng hát con người phải luôn giữ một vị trí chính trong việc tạo ra âm nhạc của Hội Thánh. Vì lý do này, nhạc ghi âm sẵn không bao giờ được thay thế cho tiếng hát củacộng đoàn, và cũng không thay thế chức năng của các nhạc công khác. Chỉ trong những trường hợp cấp thiết, nhạc ghi âm sẵn mới có thể được sử dụng trong phụng vụ cho mục đích hỗ trợ tiếng hát của cộng đoàn”.
Sau đó Tài liệu nhắc lại nguyên tắc này, khi đề cập đến âm nhạc trong lễ cưới ở số 137.
Tuy nhiên, thật kỳ lạ, khi nói đến các trường hợp ngoại lệ là “trường hợp cấp thiết”, chú thích đề cập đến Hướng dẫn Thánh lễ Trẻ em, Số 32. Đây có vẻ là phần mở rộng của một ngoại lệ giới hạn đối với các trường hợp rộng hơn.
Mặt khác, Hội đồng Giám mục Ý đã đi xa hơn và rõ ràng đã cấm sử dụng nhạc ghi âm sẵn trong phụng vụ. Sự cấm đoán này thậm chí còn bao trùm cả Thánh Lễ Trẻ em, bằng cách kêu gọi sự chú ý đến sự cần thiết của “tính xác thực” của các dấu hiệu phụng vụ quan trọng, chẳng hạn ca hát, và hơn nữa, “nhấn mạnh đến bổn phận giáo dục ca hát cho cộng đoàn trẻ em, để họ tham dự vào việc Cử hành thánh”.
Vì lý do này, Hội đồng Giám mục nói: “Thật là tốt khi dùng nhạc ghi âm sẵn đễ tập hát ngoài Thánh lễ, nhưng không được phép sữ dụng nhạc ghi âm sẵn trong Thánh lễ”.
Lý do mà Hội Thánh nhấn mạnh vào điểm này là rằng việc sử dụng âm nhạc trong phụng vụ luôn là để nâng cao chất lượng cầu nguyện phụng vụ, và không bao giờ có thể được coi là giải trí.
Trong thực tế, nhạc ghi âm sẵn không thể phục vụ cùng chức năng như thế..
Sau khi tôi trả lời ngăn gọn ngày 5-3-2019 vể việc chủ tế sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trong Thánh lễ, một linh mục Anh Quốc đã cho tôi biết một sự phát triển mà tôi chưa biết. Xin mời đọc:
“Tôi có thể lôi kéo sự chú ý của cha đến Kinh nguyện Thánh Thể duy nhất dành cho người khiếm thính được sử dụng ở Anh và xứ Wales. Nó đáp ứng cho một số vấn đề được nêu ra trong Liturgy Q&A (hỏi đáp Phụng vụ) mới đây.
“Kinh nguyện Thánh Thể dành cho người khiếm thính được phép sử dụng ở Anh và xứ Wales, và chỉ được sử dụng trong một cộng đoàn người khiếm thính, và được chính chủ tế sử dụng ký hiệu.Kinh nguyện này không bao giờ được sử dụng mà không dùng ký hiệu”.
Một độc giả tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, đã viết: “Gợi ý duy nhất của con là dùng từ ngữ “ký hiệu, signs” thay vì “cử chỉ, gestures”.
Người này cũng hỏi: “Trong khi nói về verbum mentis (tỉnh trí), liệu sự này có thể chấp nhận được không, khi đọc Thần vụ hoặc làm phép đồ vật mà không có ai hiện diện chăng?
Tôi sẽ nói là không. Trên thực tế, tất cả phụng vụ về cơ bản là tiếng nói và công khai, và nguyên tắc bao trùm cũng sẽ được áp dụng cho các sự làm phép.
Một ngoại lệ có thể xảy ra là việc đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Mặc dù lý tưởng là rằng giờ Kinh là phải đọc lớn tiếng và trong cộng đồng, nhưng không có vẻ rằng trong việc đọc riêng tư phải có yêu cầu phát âm lớn tiếng.
Lý luận của tôi là rằng các quy tắc đã từng quy định rằng các linh mục ít nhất phải nhấp môi của họ khi đọc thần vụ, ngay cả khi họ không phát ra tiếng. Quy định này không còn tồn tại trong cácsách chính thức.
Khi một chỉ thị chữ đỏ rõ ràng bị loại bỏ, điều này thường có thể được coi là được thực hiện một cách có ý thức bởi nhà làm luật, và không phải là một sự giám sát. Do đó, chữ đỏ mới được thực hiện cách đơn giản, mà không cần phải tham khảo chữ đỏ cũ như sự hướng dẫn.
Tôi đề cập đến vấn đề này liên quan đến các chữ đỏ đặc biệt và rất chính xác, chứ không liên quan đến các nguyên tắc chữ đỏ nói chung, vốn có thể được sử dụng để giải thích và làm sáng tỏ phụng vụ hiện tại trong nhiều trường hợp. (Zenit.org 19-3-2019)
Nguyễn Trọng Đa dịch
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn