Viễn Tượng: Thánh Thể Như Là Bí Tích Của Những Biến Đổi
Thứ tư - 15/09/2021 20:29
JOSEPH RATZINGER
(ĐỨC GIÁO HOÀNG BIỂN ĐỨC XVI)
[…]
VIỄN TƯỢNG: THÁNH THỂ NHƯ LÀ BÍ TÍCH CỦA NHỮNG BIẾN ĐỔI
Chúng ta hãy trở lại phép Thánh Thể cực trọng. Điều gì thực sự xảy ra trong đêm Đức Kitô bị phản bội? Chúng ta hãy lắng nghe Kinh Nguyện Thánh Thể I Canone Romano – trung tâm của Eucharistia (Kinh Nguyện Thánh Thể) của Hội Thánh Rôma: “Hôm trước ngày chịu nạn, Người cầm lấy bánh trong tay thánh thiện, khả kính, ngước mắt lên trời, hướng về Chúa là Cha toàn năng của Người, tạ ơn Chúa, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ, và nói: Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn: vì này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm chén quý trọng này trong tay thánh thiện, khả kính, cũng tạ ơn Chúa, dâng lời chúc tụng, và trao cho các môn đệ và nói:Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: vì này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Điều gì xảy ra trong những lời này? Trước hết từ “biến đổi” xuất hiện trong đầu. Bánh trở thành (thân) mình của Người. Bánh trần gian trở nên bánh của Chúa, “manna” từ trời xuống với Bánh này Chúa nuôi dưỡng con người, vượt qua khỏi phạm vị trần thế và hướng đến sự Phục Sinh – thực vậy, là của ăn chuẩn bị cho sự Phục Sinh, khai mào sự Phục Sinh. Chúa, Đấng có thể biến đá thành bánh, Đấng có thể làm cho những viên đá trở thành con cái Abraham, có thể biến đổi bánh thành (thân) mình Người. Điều đó có thể được hay không? Điều này có thể xảy ra như thế nào? Những câu hỏi mà những người trong hội đường Cafarnao đã nêu lên nhất thiết cũng dành cho chúng ta nữa. Người đang đứng đó, trước sự hiện diện của các môn đệ Người, với thân thể của Người; làm sao Người có thể nói trên bánh: Đây là mình Thầy? Giờ đây điều quan trọng là chú ý kỹ hơn đến điều Chúa đã nói thực sự. Người không đơn giản nói: “Đây là mình Thầy”; nhưng Người nói: “Đây là mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con”. Mình Thầy có thể trở thành món quà, bởi vì thân mình Thầy được ban tặng. Qua hành động tự cho đi trở thành có thể thông truyền và tự biến đổi trong món quà. Chúng ta có thể quan sát cũng điều đó trong những lời được nói trên chén rượu: Đức Kitô không nói cách đơn giản: “Đây là máu Thầy” nhưng Người nói: “Đây là máu Thầy được đổ ra vì các con”. Bởi vì máu được đổ ra, đang được đổ ra, máu có thể được trao ban. Nhưng giờ đây một câu hỏi mới nổi lên: “trao ban” và “đổ ra” có ý nghĩa gì? Điều gì đang diễn ra ở đây? Phải rồi, Đức Giêsu bị giết, Người bị đóng đinh vào thập giá và chết trong những nỗi day dứt. Máu của Người đã đổ ra, trước tiên trên Núi Cây Dầu cho cuộc đấu tranh nội tâm sứ mạng của mình, rồi bị đánh bằng roi, bị đội mũ gai, bị đóng đinh trên thập giá, và sau khi chết bị đâm thấu tim. Điều xảy ra ở đây trước tiên là hành động bạo lực, ghen ghét, vốn là thứ tra tấn và hủy diệt. Ở điểm này chúng ta đi vào một cấp độ thứ hai, sâu xa hơn của sự biến đổi: Người biến đổi từ bên trong, hành động bạo lực của con người chống lại Người thành một hành động trao ban chính mình cho những người này, thành một hành động yêu thương. Điều này trở nên hết sức rõ ràng trong cuộc đấu tranh nôi tâm trên Núi Cây Dầu Ôliu. Điều Người đã nói trong Bài Giảng trên Núi giờ đây Người đưa vào thực hiện: Người không đương đầu với bạo lực bằng bạo lực mới, như Người có thể làm, nhưng thay vào đó Người chấm dứt bạo lực bằng cách biến đổi nó trong tình yêu. Hành động tàn sát, của sự chết chóc được biến đổi trong tình yêu, bạo lực được chinh phục bằng tình yêu. Đây là sự biến đổi cơ bản mà trên đó xây dựng tất cả những thứ còn lại. Nó là sự biến đổi đích thực mà thế giới cần đến và là sự biến đổi duy nhất có khả năng cứu rỗi thế giới. Bởi vì Đức Kitô từ bên trong bằng một hành động của tình yêu Người biến đổi và chiến thắng bạo lực, chính sự chết được biến đổi: tình yêu mạnh hơn sự chết. Tình yêu tồn tại. Và do đó ở trong sự biến đổi này chứa đựng sự biến đổi tiếp theo từ sự chết thành sự Phục Sinh, từ thân thể hay chết thành thân thể sống lại. Nếu con người đầu tiên là một linh hồn sống, như thánh Phaolô đã nói, nhưng Ađam mới, Đức Kitô, qua tiến trình này trở thành Thần Khí ban sự sống (1 Cr 15,45). Đấng Phục Sinh là Đấng trao ban chính mình, là Thần Khí ban sự sống, và như thế là Đấng có thể thông truyền, Ngài thật sự là sự thông truyền. Điều này không có nghĩa là loại bỏ vật chất, nhưng theo cách này sự hiện hữu vật chất đạt đến mục đích của nó: không có tiến trình vật chất của sự chết và sự chiến thắng bên trong tất cả những điều này sẽ không có thể được. Và như vậy, trong sự biến đổi của sự Phục Sinh, Đức Kitô tiếp tục hiện hữu nhưng giờ đây được biến đổi theo cách hiện hữu thân thể và sự tự trao ban chính mình không còn loại trừ nhau nữa nhưng được liên kết với nhau.
Trước khi đi vào bước kế tiếp, chúng ta hãy xem xét tất cả điều này một lần nữa và hiều nó. Trong Bữa Tiệc Ly Đức Giêsu báo trước biến cố Calvario. Người chấp nhận cái chết qua thập giá và qua sự chấp nhận này Người biến đổi hành động bạo lực thành hành động tự hiến, tuôn đổ mình ra (“Sẽ đưởc đổ ra trong hy tế cuộc đời tôi”, từ viễn cảnh này thánh Phaolô nói về sự tử đạo sắp xảy ra của ngài Pl 2,17). Tại Bữa Tiệc Ly thập giá đã có mặt, đã được Đức Giêsu chấp nhận và biến đổi. Sự biến đổi đầu tiên và cơ bản này lôi kéo những sự biến đổi sau đó: thân thể hay chết được biến đổi thành thân thể của Phục Sinh – trong “Thần Khí ban sự sống”. Từ đó sự biến đổi thứ ba trở thành có thể được: những món quà bánh và rượu, vốn là những món quà của sự sáng tạo và đồng thời là hoa trái của sự đón nhận và sự “biến đổi” của sự sáng tạo nhờ con người, được thay đổi, để trong chúng trở nên Chúa là Đấng cho đi chính mình hiện diện, chính Người, trở nên hiện diện, bởi vì Người là sự hiến tặng. Đó không phải là một chi tiết gì của Người, mà chính Người. Từ đó triển vọng mở ra cho hai sự biến đổi thêm nữa, là những điều bản chất thiết yếu trong Thánh Thể kể từ lúc thiết lập: bánh được biến đổi, rượu được biến đổi, trong đó Chúa trao ban chính mình như là Thần Khí trao ban sự sống, Mình và Máu Chúa có mục đích biến đổi con người chúng ta, để chúng ta trở thành một tấm bánh với Người và rồi chỉ một thân thể với Người. Việc biến đổi các lễ vật là điều chỉ tiếp tục những biến đổi cơ bản của Thập Giá và sự Phục Sinh, không phải là điểm đến cuối cùng, nhưng đến lượt cho một sự khởi đầu. Mục tiêu của Thánh Thể là sự biến đổi những người nhận lãnh Thánh Thể trong sự hiệp thông đích thực với sự biến đổi của Người [Đức Kitô]. Và do đó mục tiêu là sự hiệp nhất, bình an, là điều có nghĩa chính chúng ta, thay vì là những cá nhân tách biệt sống kế bên nhau hoặc xung đột với nhau, chúng ta trở nên cùng với Đức Kitô và trong Người một thân thể của Đấng trao ban và chúng ta sống cho sự Phục Sinh và của thế giới mới. Cùng với đó, sự biến đổi thứ năm và cuối cùng liên quan đến Bí Tích này trở nên có thể thấy được: qua chúng ta, những người đã được biến đổi và đã trở nên chỉ một thân thể, một Thần Khí ban sự sống, tất cả mọi tạo vật phải được biến đổi. Tất cả mọi tạo vật đều phải trở nên “thành phố mới”, thiên đàng mới, một nơi trú ngụ sống động của Thiên Chúa: “Thiên Chúa là tất cả trong tất cả” (1 Cr 15,28) – Đây là cách thánh Phaolô mô tả mục đích của sáng tạo, là điều phải trở nên đồng hình dạng khởi đầu từ Thánh Thể. Do đó Thánh Thể là một tiến trình biến đổi trong đó chúng ta có liên quan, sức mạnh của Thiên Chúa biến đổi sự ghen ghét và bạo lực, sức mạnh của Chúa biến đổi thế giới. Cho nên chúng ta ước muốn cầu nguyện xin Chúa giúp chúng ta cử hành Thánh Thể và sống Thánh Thể theo cách này. Vì vậy chúng ta muốn cầu nguyện xin Người biến đổi chúng ta, và cùng vời chúng ta, Người biến đổi thế giời để trở thành Giêrusalem Mới.
Phan Thiết, 15/9/2021
Lm. Tôma Phan Quôc Tuấn
(Chuyển ngữ)
JOSEPEPH RATZINGER, Teologia Della Liturgia, Libreria Editrice Vaticana, 503-506.