Bàn thờ và Tòa giảng
Thứ năm - 11/04/2019 23:06
Bàn thờ, trái tim của nhà thờ
|
“Khi linh mục mặc phẩm phục thánh tiến đến bàn thờ để cử hành các mầu nhiệm thánh, Ngươi thấy rằng đột ngột một đám mây ánh sáng cũng như một đội binh thiên thần hộ vệ đến từ trời vàchiếu sáng khắp chung quanh bàn thờ. (1)”
Hildegarde de Bingen
(Thế kỷ thứ XII)
|
Toàn bộ tòa nhà đều được sắp xếp chung quanh cái bàn trang trọng này, tọa lạc ở một nơi cao (altus trong tiếng Latinh), từ đó phát xuất chữ “bàn thờ”. Vị cử hành thánh lễ hôn bàn thờ vào đầu thánh lễ. Các tín hữu cúi đầu trước bàn thờ. Từ đâu phát xuất việc mọi người vây quanh tôn kính bàn thờ này? Bàn thờ biểu thị cho Đức Kitô (từ có nghĩa là “được xức dầu” trong tiếng Hy Lạp) như nghi thức cung hiến nhà thờ cho chúng ta biết: Giám Mục “xức” dầu thánh ở giữa và ở các góc bàn thờ rồi ôm hôn các chân đèn rồi nói: “Ước gì ánh sáng Chúa Kitô chiếu dọi trong nhà thờ này !” Sự tượng trưng này xác định việc chọn lựa vật liệu. Đá thiên nhiên gợi ra tảng đá mà Môisê đã làm nước vọt ra và nơi đó các Giáo Phụ đã nhận ra Đức Kitô. Kim loại, hiếm hơn, gợi ra một trong những hình tượng khác: bàn thờ bằng vàng, theo thánh Gioan, tọa lạc trước ngai trời (Kh 8,3). Đức Kitô là “bàn thờ” nơi đó Người đã hoàn tất một lần duy nhất lễ hiến tế hoàn hảo: một lễ hiến tế mà đặc tính là Linh Mục, lễ vật hiến tế và … bàn thờ chỉ là một. Chính mầu nhiệm này được thực tế hóa trên bàn thờ trong các nhà thờ vào mỗi buổi lễ Thánh Thể. Con Người được nâng lên trên thập giá, chết đi, xuống địa ngục mà tro cốt đặt trong bàn thờ biểu thị, sống lại và lên trời để làm tỏa lan Thánh Thần của Người cho đến khắp tận cùng trái đất được biểu thị bằng các thánh giá khắc ở các góc của bàn thờ (nếu người ta không nhận ra ở đó, thì thêm vào thánh giá ở giữa, năm dấu đanh của Đức Kitô). Ý nghĩa hiến tế không thể chối cãi được này của bàn thờ cũng không hề ngăn cản việc xem bàn thờ là một bàn ăn huynh đệ. Trái lại: nó nhắc nhớ bữa Tiệc Ly, loan báo bữa tiệc cánh chung và cho phép cộng đoàn chúng ta hiệp thông với nhau. Các tín hữu Kitô tiên khởi – những người giữ lại kỷ niệm sống động về bữa ăn cuối cùng này – đã mừng mầu nhiệm Thánh Thể trên những cái bàn bằng gỗ, như hình buổi lễ được khảm vào bàn thờ của nhà thờ Laterano ở Rôma minh chứng, trên đó thánh Phêrô đã cử hành. Lễ hiến tế và bữa ăn gắn bó chặt chẽ với nhau: chính thân thể Đức Kitô bị nộp vì chúng ta mà chúng ta chia sẻ với nhau trong các “agape” này (bữa ăn huynh đệ phát xuất từ tiếng Hy Lạp chỉ “tình yêu”). Ngược lại, bởi vì chúng ta được đồng hóa mật thiết với Đức Kitô trong khi ăn Người, Người đã làm cho trái tim của chúng ta trở thành bàn thờ sống động của Người. “Thật dễ chịu hơn cho Đức Giêsu Kitô và vinh quang hơn cho Thiên Chúa khi được hiến dâng như thế nơi tất cả các tâm hồn hơn là trên tất cả các bàn thờ của thế giới”.
(Xavier Accart - HIỂU VÀ SỐNG PHỤNG VỤ) Lm. Tôma P. Q. T – L. Q. H
Chuyển ngữ
¹ Scivias “Hãy biết những con đường” hoặc Sách các thị kiến, NXB Cerf, phần II, thị kiến VI, chương 6, tr. 285.
Tòa giảng, núi Sinai nhỏ của chúng ta
Tòa giảng của Đền Thờ Thánh Phêrô *
“Đức tin phát sinh từ việc lắng nghe”.
Rm 10,17
Hãy tưởng tượng chúng ta ở trên núi Thabor, nghe vang vọng tiếng của Chúa Cha, hoặc đang lắng nghe Đức Kitô trên núi Bát Phúc... Chúng ta có mơ mộng giống như điều này đến với chúng ta trong những bài đọc của thánh lễ hay không? Những lời tung hô tiếp theo và trước các bài đọc “Đó là Lời Chúa!”, “Tạ ơn Chúa!” … dù sao cũng nhắc nhở chúng ta rằng đây chính là “Lời của Chúa” được công bố (1 Tx 2,13). Thật đáng tiếc khi xem thời gian này là không quan trọng, để chỉ tập trung vào phụng vụ Thánh Thể mà thôi. Nhằm đánh giá phụng vụ Lời Chúa, công đồng Vatican II đã đề ra tòa giảng, một nơi phân biệt rõ ràng với bàn thờ vốn là nơi trước kia các bài đọc được công bố. Việc rước sách lễ – quyển sách được trang trí chứa đựng các bài Phúc Âm Chúa Nhật và Ngày Lễ – từ bàn thờ đến tòa giảng dù sao cũng nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa “hai bàn” này.
Tòa giảng trên đó, nói chung, đại diện cho Đức Kitô giảng dạy, có tên phát xuất từ tiếng Hy Lạp ambôn, nghĩa là “chủ nhân” hoặc “đỉnh núi nhỏ”. Bởi vì trong nhà thờ, nó là hình ảnh của các núi vốn là nơi tiếng Chúa đã vang vọng. Những lời công bố, những lời tung hô, tư thế đứng, xông hương, việc đọc rõ ràng đều có mục đích duy nhất là giúp chúng ta tiếp nhận lời này trong sự tươi mới tự nhiên của nó. Điều này đòi hỏi chúng ta có đôi tai trong trắng. “Các người hãy chú ý!”, những người Kitô Đông phương hô vang như thế trước mọi bài đọc. Nói cách khác : “Các ngươi hãy mở đôi tai của con tim thật lớn để nghe, qua những từ ngữ luôn luôn mới này, điều sẽ nói với các người ngày hôm nay”. Thánh Césaire d'Arles, theo ngài, Lời không kém phần quan trọng so với thân thể của Đức Kitô, xét rằng việc lắng nghe Lời cách lơ là cũng đáng lên án như làm rơi bánh thánh!
Việc công bố Phúc Âm dĩ nhiên là giây phút long trọng nhất trong phần đầu của thánh lễ. Các dấu thánh giá được vẽ liên tiếp trên trán, miệng và ngực chúng ta chỉ ra việc các lời này phải xuống và tác động nơi chúng ta: được lãnh nhận trong lý trí, chúng phải được nhẩm đi nhẩm lại lâu dài để được đồng hóa bởi con tim sâu xa và như thế biến đổi con người tận gốc rễ. Do đó thánh Augustinô thúc giục chúng ta lắng nghe Lời “giống như chính Chúa nói với chúng ta” và lời tung hô của chúng ta “Lạy Đức Kitô, ngợi khen Chúa !” biểu lộ niềm tin này. Thật vậy, những hiện tượng kỳ diệu trên núi Sinai không còn ở đó nữa, nhưng chính sức mạnh của các tia chớp và của sấm hoàn toàn được chuyển vào trong lời của Ngôi Lời làm người. Ước gì chúng ta có thể khám phá sức mạnh của Lời khi chúng ta đón nhận Lời từ tòa giảng.
(Xavier Accart - HIỂU VÀ SỐNG PHỤNG VỤ) Lm. Tôma P. Q. T – L. Q. H Chuyển ngữ
* http://www.vatican.va/news_services/liturgy/details/ns_lit_doc_20111207_ambone_it.html