1. LM Suresh Mathew, linh mục dòng Capuchino, biên tập viên của tạp chí Công giáo Indian Currents đã cho biết về con số ảm đạm này. Cha Mathew đã tổng hợp danh sách các linh mục và nữ tu đã chết trong đại dịch. Tính đến thứ bảy ngày 29-5-2021, đã có 205 linh mục và 210 nữ tu đã chết vì Covid-19, nâng tổng số lên 415. Con số có thể cao hơn vì một số tử vong không được báo cáo.
Danh sách này cũng bao gồm 3 vị giám mục, đó là Đức nguyên Tổng Giám mục Antony Anandarayar của Pondicherry-Cuddalore và Đức cha Basil Bhuriya của Giáo phận Jhabua lần lượt qua đời vào ngày 3-5 và 5-5-2021. Riêng Đức cha Joseph Pastor Neelankavil, nguyên Giám mục của Sagar theo nghi lễ Syro-Malabar, qua đời vào ngày 17-2 năm nay.
Bản tin của Vatican News cũng viết là cha Mathew cho biết sở dĩ con số cao như vậy, đặc biệt là các nữ tu là do họ làm việc ở những vùng sâu vùng xa, nơi không có các cơ sở y tế hoặc hệ thống y tế không đầy đủ. Số linh mục và tu sĩ qua đời thuộc 98 giáo phận và 106 Hội dòng. Mặc dù có nguy cơ bị lây nhiễm, các linh mục và tu sĩ vẫn tiếp tục nỗ lực xoa dịu nỗi thương đau cho các nạn nhân của đại dịch. Nhiều giáo phận và hội dòng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện điều trị cho các nạn nhân Covid-19. Ngài khẳng định con số tử vong có thể còn cao hơn, vì điều kiện tiếp cận và đưa bệnh nhân đến được bệnh viện quá trễ.
Tuy nhiên, cha Mathew nhìn những con số đáng buồn này dưới ánh sáng của đức tin, ngài nói: “Chúng tôi nhìn vào những người chết do Covid và chấp nhận như thánh ý Chúa. Những người chết trong khi thi hành sứ vụ xứng đáng được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu”.
Được biết, Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới, hiện đã gánh chịu một sự tàn phá tệ hại nhất của đại dịch, dẫn đầu về số ca nhiễm và số người chết hàng ngày. Trong tháng 5-2021, Ấn Độ đã ghi nhận số người chết vì Covid-19 cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu từ năm ngoái. Chỉ khoảng 3% trong số 1,3 tỷ người của đất nước đã được tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ thấp nhất trong 10 quốc gia có nhiều ca bệnh nhất.
2 . Trong khi đó, cũng theo bản tin của Vatican News ngày 22-4-2021, đã có hàng trăm giám mục, linh mục và tu sĩ Nam Mỹ và Caribê qua đời vì Covid-19 khi phục vụ người nghèo. [2]
Bản tin cho hay, Đức cha Jorge Eduardo Lozano của giáo phận San Juan de Cuyo ở Argentina cho biết hàng trăm linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ ở Nam Mỹ và vùng Caribê đã qua đời vì nhiễm Covid-19 khi các ngài ước muốn đồng hành với người đau khổ, chạm vào thân thể đau thương của người dân. Theo Đức cha Tổng Thư ký Hội đồng giám mục Nam Mỹ, nhiều người trong số họ đã bị lây nhiễm trong các khu dân cư bình dân, trong căng-tin, bệnh viện, vì muốn mang lại sự an ủi cho những người nghèo nhất.
Tại Mexico, cho đến cuối tháng 3-2021, đã có hơn 250 linh mục chết vì Covid; nhưng đây chưa phải là con số tổng cộng của tất cả giáo phận.
Tại Brazil, theo Ủy ban Quốc gia về Giáo sĩ, đến đầu tháng 3-2021 đã có 65 linh mục qua đời trong tổng số 1.455 vị bị nhiễm virus.
Tại Venezuela, 201 linh mục bị nhiễm và 24 vị qua đời trong tổng số 2.002 vị có mặt tại nước này.
Trong khi đó tại Colombia có 60 linh mục và 37 nữ tu qua đời, và tại Nicaragua có 15 vị.
Khoảng 20 giám mục ở Nam Mỹ cũng là nạn nhân của Covid-19: 7 vị tại Brazil, trong đó có 1 Hồng y hưu trí; 5 vị ở Mexico, 3 vị ở Venezuela, 2 vị ở Colombia; và các nước Peru, Bolivia, Nicaragua, Argentina và Ecuador mỗi nước có 1 vị.
Chấp nhận ở bên cạnh người dân dù rủi ro nguy hiểm: Rất nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ đã không ngừng ở bên người dân của họ. Đức cha Lozano nhắc đến cha Basilio Britex, dù tình trạng sức khỏe bấp bênh, vẫn gần gũi với những người bệnh và những người ở các “khu ổ chuột”, những khu dân cư nghèo của Buenos Aires; cha Pedro Velasco Suarez, linh hướng của trường học nơi đa số là các thiếu nữ của các khu ổ chuột; cha Gabriel Gutiérrez Ramírez bị nhiễm virus khi tiếp tục phục vụ những người sống trên đường phố.
Quả vậy, những gương sáng về sự hy sinh quên mình phục vụ bất chấp sự nguy hiểm tột cùng của virus corona thì rất nhiều không sao kể hết. Bên cạnh những người mà chúng ta biết được, còn có rất nhiều tấm gương khác, đó là những người sống âm thầm, phục vụ âm thầm và chết âm thầm. Quả thực, lòng mến đã không bị “cách ly” bởi dịch bệnh, như lời thánh Phao-lô đã quả quyết: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8, 35).
3. Tại VN, tình hình dịch bệnh liên quan Covid-19 đang có chiều hướng lan rộng và diễn biến phức tạp. Tính đến chiều ngày 2-6-2021, đã có 7.675 ca nhiễm, số bệnh đang điều trị là 4.579, số khỏi bệnh là 3.043 và có 49 ca tử vong (Nguồn: Bộ Y Tế). Hiện nay trong nước ngoài các điểm nóng về dịch Covid-19 như Bắc Giang, Bắc Ninh, nhiều tỉnh thành khác cũng có nhiều ca mắc đáng lưu ý.
Riêng tại TP.HCM, số ca nhiễm và tử vong được ghi nhận từng giờ. Tính đến sáng ngày 02-6-2021, Bộ Y tế công bố 19 trường hợp dương tính với Sars-CoV-2 tại TP.HCM. Như vậy tính đến sáng ngày 2-6, có 497 ca dương tính với Sars-CoV-2 phát hiện tại thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố, trong đó 267 ca điều trị khỏi, 230 ca đang điều trị (Nguồn: Sở Y Tế TP.HCM).
Cũng xin nhắc lại là ngày 31-5-2021 vừa qua, Tòa Tổng Giám mục Saigon cũng đã phổ biến lá thư mục vụ của Đức Tổng Giám mục Giu-se Nguyễn Năng gửi toàn thể các linh mục trong toàn giáo phận với mục đích đưa ra một số hướng dẫn cụ thể liên quan thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống đại dịch Covid-19 từ ngày 31-5-2021.[3]
Nội dung lá thư gồm có 4 đoạn ngắn, nhân đây xin được trích nguyên văn đoạn (2) và (3), như sau:
(2)- Không biết chừng nào đại dịch sẽ chấm dứt. Việc bùng phát lây lan virus trong cộng đồng có thể còn lặp lại nhiều lần. Thời gian kéo dài sẽ làm cho cuộc sống của người dân ngày càng trở nên khó khăn, không những về kinh tế mà còn cả về tinh thần, trong đời sống gia đình cũng như xã hội.
Là mục tử, chúng ta cần có sự bén nhạy trước tình hình thực tế để tìm ra các phương thế trợ giúp hữu hiệu trong hoàn cảnh và khả năng của mình. Hơn ai hết, trái tim của mục tử phải “biết đoàn chiên”, rung cảm và thấu hiểu hoàn cảnh của người dân, có óc sáng tạo để tìm ra phương cách nâng đỡ họ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Các cộng đoàn giáo xứ và dòng tu chắc hẳn đã và sẽ còn nhiều sáng kiến mục vụ để thực thi tình liên đới một cách hiệu quả. Quý cha là những người đầu tàu, những thuyền trưởng, hãy đứng lên huy động và nối kết những trái tim và các bàn tay.
(3)- Không phải chỉ có giáo dân, mà ngay cả chúng ta, các linh mục, cũng một cách nào đó đang chịu tác động bởi cơn khủng hoảng hiện nay. Trong nhịp sống bình thường, các sinh hoạt mục vụ lấp đầy thời khóa biểu của linh mục. Bỗng dưng việc giãn cách xã hội làm cho chúng ta rơi vào khoảng không hụt hẫng. Chúng ta đừng quên rằng buồn chán, thất vọng, trầm cảm, buông xuôi, chính là loại virus độc hại có khả năng giết chết tâm hồn con người.
Quý cha hãy sử dụng thời gian giãn cách xã hội này như một cơ hội quí báu để canh tân đời sống nội tâm, tựa như một cuộc tĩnh tâm dài ngày tại nhà: dành nhiều thời gian để sống bên Chúa Giêsu Thánh Thể, dâng thánh lễ sốt sắng hơn, đọc Giờ kinh Phụng vụ nghiêm trang hơn, nguyện gẫm lâu giờ hơn, xét mình về lối sống, về tính tình cũng như về các hoạt động mục vụ, đọc một quyển sách, xem một cuốn phim hay… Trong những ngày này, chúng ta không thể nói là không có giờ.
Việc phục vụ cộng đoàn vẫn tiếp tục nhưng bằng một hình thức khác: nhớ tới từng cá nhân hay từng gia đình trong giáo xứ và cầu nguyện cho họ, nhất là những cá nhân hay gia đình đang gặp khó khăn. Phục vụ cộng đoàn bằng cách cầu nguyện để nài xin ân sủng cho Dân Chúa chắc chắn còn hữu hiệu hơn các hoạt động với khả năng của con người.
Hiện nay dịch bệnh Covid-19 có chiều hướng gia tăng và lan rộng ra nhiều tỉnh thành trên toàn quốc. Đến một lúc nào đó, do nhu cầu phục vụ và mục vụ đòi hỏi, chắc chắn sẽ có nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân sẽ tình nguyện đến các vùng dịch để sống và chết với các bệnh nhân Covid-19 như đã từng xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới.
Quả thực, nếu Chúa đã yêu thương người ta vô điều kiện thì Ngài cũng muốn môn đệ của Ngài sẵn sàng yêu vô điều kiện. Đó là một sự cho đi không đòi nhận lại, là ban phát không cần trả ơn, là chia sẻ mà không nghĩ đến đền đáp. Đó là bản chất của tình yêu đích thực, phục vụ chứ không đòi hỏi được phục vụ (x. Mc 10, 45).
Cộng đoàn yêu mến, kính trọng linh mục vì ngài lo cho họ, chăm sóc họ và quan tâm đến họ. Đó là mối quan hệ hiệp thông yêu thương. Tuy nhiên, linh mục sẽ không coi sự phục vụ của mình theo quy luật vay-trả, có qua có lại mới toại lòng nhau! Cung cách phục vụ của linh mục sẽ theo tinh thần Chúa Ki-tô, phục vụ không tính toán, không ra điều kiện. Bởi những việc phục vụ của mục tử là xuất phát từ lòng mến Ki-tô giáo. Yêu đến cùng và yêu vô điều kiện.
ĐTGM Giuse Nguyễn Chí Linh có lần đã nhắn nhủ các linh mục trong dịp tĩnh tâm ở giáo phận Đalat, như sau:
“ ‘Yêu mến giáo dân như Đức Kitô, trao cho họ tất cả tình yêu và sự quí mến, hao tốn sức lực và thời giờ vì họ nên hình ảnh của Giáo hội hiền thê Đức Kitô’ (Pastores dabo vobis). Tôi nghĩ rằng đây là bí quyết để linh mục huấn luyện con tim mục tử của mình có được sự nhạy cảm của Chúa Giêsu khi Ngài nhìn đám đông không người chăn dắt mà chạnh lòng thương. Phải đạt cho tới trình độ hễ nhìn thấy dân là thương. Theo suy nghĩ của Chúa Giêsu, đám đông luôn là một đàn chiên bơ vơ. Họ cần đến mục tử chăn dắt họ, họ cần đến linh mục. Nếu không tạo được một con tim mục tử, tự khắc chúng ta sẽ biến mình thành một tên Pharisiêu đã bị Chúa Giêsu lên án là chất lên vai người khác những gánh nặng mà chính mình không vác được.” 4][
Trái tim của linh mục mãi mãi là một trái tim mang đầy thương tích vì yêu và lúc nào cũng rộng mở để chia sẻ yêu thương. Đó là hình ảnh đẹp và ấn tượng nhất của một đời sống tận hiến vì yêu của ơn gọi linh mục.
ĐGM GB Bùi Tuần gp Long Xuyên đã chia sẻ như sau: Tôi nhận ra ơn gọi của người môn đệ Đức Ki-tô. Ơn gọi này không chỉ là truyền bá Tin Mừng, quy tụ dân Chúa, thông báo ý Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể, mà còn là hiến tế chính mình trong cuộc đời. Hiến tế bằng tình yêu và hy sinh. Cho dù một cách nào đó, người môn đệ Chúa sẽ phải chịu đóng đinh vào thánh giá, phải chịu cho trái tim mình bị đâm, để những giọt máu và nước sau cùng trong đó cũng đành đổ ra hết.
Nhận ra ơn gọi như thế, chúng ta sẽ thấy trước mắt nhiều đòi hỏi về hiến tế chính mình. Nhưng, nếu cần phải chọn một điểm quan trọng để mà tập trung hiến tế, thì chúng ta có thể chọn trái tim mình. Trái tim sẽ là của lễ hiến tế quý giá bậc nhất. Trái tim sẽ là bàn thờ đẹp nhất để hiến tế.[5]
Aug. Trần Cao Khải
[1] vaticannews.va
[2] vaticannews.va
[3] hdgmvietnam.com
[4] ĐTGM Giuse Nguyễn Chí Linh, Tĩnh tâm thường niên linh mục gp Đàlạt từ ngày 16 đến 22-02-2009, nguồn: VietCatholic News
[5] ĐGM GB Bùi Tuần-Tập tĩnh tâm các linh mục, tu sĩ gp Long Xuyên tháng 6-2002, trg 2-3