Dịch Bệnh, Chết Chóc và Niềm Cậy Tin
Thứ bảy - 02/10/2021 02:11
DỊCH BỆNH, CHẾT CHÓC VÀ NIỀM CẬY TIN
Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh
Giáo Phận Phan Thiết.
I.Dịch bệnh, chết chóc là sự dữ? hay là quy luật tự nhiên?
1.1.Sự dữ được chia ra hai loại:
-Sự dữ thể lý: là khi thiếu một điều tốt tự nhiên mà con người thường khao khát; hay một khát vọng của con người, về tinh thần hay thể xác, không được thoả mãn. Nói chung, dịch bệnh, chết chóc, mất mát hoặc thiếu cái mình ao ước…là hình thức đau khổ và được coi là sự dữ thế lý.
-Sự dữ luân lý: chính là tội. Gọi tội là sự dữ, vì điều đó đi ngược với ý muốn của Thiên Chúa. Gọi là sự dữ luân lý, vì điều đó do một thụ tạo có ý chí tự do gây ra, chống lại Lề luật của Thiên Chúa; là Đấng không bao giờ lấy sự dữ luân lý làm mục tiêu hay làm phương tiện. Thiên Chúa chỉ cho phép sự dữ luân lý, vì tôn trọng tự do của con người.
Tai hoạ tự nhiên là chiến tranh, đói kém, lụt lội, bão tố, hoả hoạn, dịch tễ… Tai hoạ nầy là những hiện tượng tự nhiên của trời đất; là nhu cầu sinh hoạt và tồn tại của các sinh vật; hoặc do một sự mất quân bình tự nhiên trong sinh hoạt của trời đất. Những tai hoạ như thế là quy luật tự nhiên và cũng được coi như sự dữ thể lý.
1.2.Tại sao lại có bệnh tật?
-Trong Phương Đông thời cổ: người ta coi bệnh tật như một tai hoạ do ác thần quấy phá hoặc gửi tới, vì con người thiếu sót trong việc thờ cúng, nên các thần nổi giận. Để được chữa lành, phải dùng phép thuật xua đuổi tà ma, hoặc phải tế lễ hậu hĩnh xin thần minh tha thứ, bỏ qua.
-Trong Cựu Ước (CƯ), bệnh tật là tình trạng thân thể yếu đuối, kiệt sức và phải nhờ đến chẩn trị, thuốc thang. CƯ cũng coi nguyên nhân bệnh tật phát xuất từ thần linh: do Thiên Chúa đánh phạt, do ma quỷ, do tội lỗi. Giữa bệnh tật và tội lỗi có liên hệ với nhau, và bệnh tật như là dấu hiệu Thiên Chúa nổi giận, nhưng khi con người biết sám hối sửa đổi, sẽ được chữa lành.
-Trong Tân Ước (TƯ), Chúa Giêsu nhìn thấy có yếu tố sự dữ trong bệnh tật, và là dấu Satan hoạt động nơi con người. Người không tách riêng bệnh tật tự nhiên với tội lỗi và sự ám nhập của ma quỷ, nhưng chữa lành, tha thứ và xua đuổi cùng một lúc. Ai có lòng tin vững mạnh vào Người, đều được chữa lành. Niềm tin vào Người cũng là niềm tin vào Triều Đại của Thiên Chúa.
II. Dịch bệnh, chết chóc có trong chương trình của Thiên Chúa?
Sự dữ là một điều bí nhiệm mà con người không thể thấu đạt. Chúng ta chỉ có thể khám phá được phần nào thôi!, và cũng không biết được chương trình, thánh ý của Thiên Chúa, vì ai biết được tư tưởng của Thiên Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người; Sự khôn ngoan đời nầy là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa. Lạc thuyết Manikê (215-275) chủ trương Nhị Nguyên: Mọi sự được sinh ra do hai nguyên nhân tối hậu, một tốt và một xấu. Mọi điều tốt là do Chúa và mọi điều xấu là do Satan. Giữa các lực lượng tốt và lực lượng xấu luôn có xung đột. Điều tốt chỉ thắng được điều xấu khi tinh thần vượt lên trên thân xác. Như thế, con người không có tự do, không có trách nhiệm đối với những điều xấu họ làm..
2.1. Bị chi phối do quy luật tự nhiên Chúa định sẵn
Xét về mặt tự nhiên:
-Vũ trụ và mọi tạo vật trong vũ trụ, kể cả con người, đều không vĩnh hằng, nhưng vô thường, nghĩa là tương đối, còn khiếm khuyết, thay đổi, được kết hợp bởi nhiều yếu tố mà thành, nên có thể bị phân tán, bị hư hại và tiêu tan.
-Vũ trụ và mọi vật, cũng như con người đều tương tại vào nhau mà sinh tồn. Sự tương tại nầy vừa là điều hữu ích, nhưng nhiều khi có sự đối kháng và gây nên thiệt hại cho nhau:
Cơn bão là sự giải toả bầu không khí bão hoà của khí quyển ở một nơi nào đó, nó phải tràn sang chỗ khác để cân bằng. Nhưng sự trở mình cân bằng ấy có thể gây hại cho những gì không đủ sức chống lại sức mạnh khi nó đi qua, như: cây cối, nhà cửa, những người yếu kém thể lực. Khi ấy nó gây nên sự dữ thể lý.
Con người sống chung với những sinh vật khác và nhờ nhau mà phát triển, tồn tại. Nhưng cũng có khi có những sinh vật, để bảo tồn nòi giống, chúng phải tìm môi trường sống. Có loại tìm sống nơi thực vật, nơi thú vật… có loại tìm sống nơi thể xác con người như là vi khuẩn. Khi con người không thể chống lại được sự xâm lăng kiếm sống của chúng, thì sinh ra bệnh tật, đau khổ. Đó là quy luật tự nhiên chi phối.
Con người là vô thường chứ không trường tồn vĩnh cửu trong thân xác và thế giới nầy. Chúa nói: từ bụi đất, sẽ trở về bụi đất. Chết là sự chấm dứt các hoạt động của một cơ thể và vi khuẩn có sẵn trong con người sẽ làm thối rữa. Theo các nhà khoa học ở HàLan: tuổi thọ tối đa của con người là 115,7 năm với nữ và 114,1 năm với nam. Bình thường một đời người, số lần phân chia các tế bào nhiều nhất là 50 lần. Nhờ sự phân chia nầy mà các tế bào được trẻ lại và con người sống thêm. Nếu sự phân chia nầy giảm bớt, con người sẽ chết sớm hơn. Sự phân chia nhiều hay ít cũng ảnh hưởng đến yếu tố AND di truyền. Vì thế, tuổi thọ cha mẹ ít, cũng ảnh hưởng con cái về sau, trừ trường hợp đột biến. Những chất độc hại do ăn uống, do hít thở, do môi trường… khi xâm nhập cơ thể, tạo nên những gốc tự do và những gốc tự do phát triển nhiều làm suy yếu tế bào, kém khả năng phân chia, gây ra bệnh tật, chết chóc.
2.2. Về mặt siêu nhiên
Về phương diện đức tin và siêu nhiên, căn cứ vào Kinh Thánh và Giáo Huấn của Giáo Hội, chúng ta được soi sáng phần nào về ý nghĩa của dịch bệnh, cái chết.
Trong CƯ
1.CƯ nói đến sự liên hệ giũa bệnh tật, chết chóc và tội lỗi
Đọc kỹ những chương đầu của Sách Sáng Thế, chúng ta nhận thấy:
-Từ chương 1 đến hết chương 2: không thấy có chỗ nào dùng tĩnh từ xấu, nhưng đều nói Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! (1,31); cũng không có chỗ nào có từ bệnh tật, đau khổ hay chết chóc.
-Từ chương 3, khi nói đến việc con người sa ngã thì thấy xuất hiện những từ mô tả những điều xấu mọi mặt: Rắn xảo quyệt, chết, thấy mình trần truồng, trốn vào giữa cây, sợ hãi lẩn trốn, bị nguyền rủa, cực nhọc thật nhiều, bị thống trị, đất đai bị nguyền rủa, cực nhọc mọi ngày trong đời, đất đai sinh gai góc, đổ mồ hôi trán, sẽ trở về với bụi đất, bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen, cây trường sinh bị canh giữ .
-Sau chương 3, thì mọi sự trở nên tồi tệ cho con người với nhau và với tạo vật.
Như vậy tội của con người đầu tiên, không chỉ hiểu là một điều gì đó mà con người thực hiện làm tổn thương đến quyền năng, danh dự của Thiên Chúa khiến Người nổi giận mà đưa hình phạt và đẩy đuổi họ. Thiên Chúa là Đấng Thánh và Toàn Năng, nên dầu con người có phạm bao nhiêu tội cũng không làm suy suyển sự hoàn hảo của Người. Nhưng tội là ở chỗ con người không tin cậy Chúa, không tin điều người nói, mà lại đi tin những lời phỉnh gạt của tên Dối Trá! Khi không tin vào Thiên Chúa thì coi như tuyệt tình với Người và việc cắt đứt mối liên hệ với Chúa đồng nghĩa với sự cố tình ra khỏi quỹ đạo yêu thương, sự che chở, quan phòng của Người và đương nhiên con người phải lãnh hậu quả của quy luật tự nhiên: đau khổ, bệnh tật, tai ương, chết chóc.
Kinh Thánh đã diễn tả những hậu quả khủng khiếp của sự bất tín nầy trong các thuật ngữ: Con người thấy mình trần truồng, đồng nghĩa với mất hết các đặc ân; việc tố cáo và đổ lỗi cho nhau nói lên sự đối kháng giữa người với người; đất đai sinh gai góc: sự đối kháng giữa tạo vật với con người; và hành động quyết liệt của Thiên Chúa: đuổi họ ra khỏi vườn địa đàng, sai thiên thần cầm gươm canh giữ, điều nầy có nghĩa là mất các đặc ân thời địa đàng một cách vĩnh viễn. Đặc ân của vườn Eđen là gì: được Thiên Chúa ban phúc lành, cho thông chia sự trường sinh của Người, cho họ thống trị mặt đất và làm chủ mọi vật trên mặt đất, thân tình với Chúa và hợp nhất với nhau.
2.Tội lỗi và hình phạt của Thiên Chúa:
CƯ có nhiều chỗ nói đến bệnh tật, chết chóc như là hình phạt của Thiên Chúa, do tội, như:
-Hồng Thuỷ
-Sách Xuất Hành nói đến các tai ương Thiên Chúa đánh phạt sự cứng lòng của vua Pharaô: Nước biến thành máu; ếch nhái; muỗi; ruồi nhặng; ôn dịch; ung nhọt; mưa đá; châu chấu; cảnh tối tăm; các con đầu lòng ngừơi Ai Cập phải chết.
-Phạt tội lỗi của dân thành Sôđôma.
-Phạt tội kiêu ngạo của vua Đavít: ôn dịch tràn khắp Ít-ra-en…
3. Chúa thử thách sự trung tín của con người:
Chuyện ông Gióp: Chúa tha phép cho Satan làm hại ông để thử thách lòng tin, thanh luyện và thưởng công cho ông; đồng thời thấy rõ sự không chung chuỷ và bất tín của nhiều người
4. Do các nguyên nhân tự nhiên: chiến tranh, tai nạn, già nua.
Trong TƯ
1.Chúa Giêsu:
Không liên kết đau khổ, cái chết là do tội lỗi, nhưng coi đó như tín hiệu, là lời nhắc nhủ mọi người phải lo ăn năn sám hối, trở về con đường công chính, tốt đẹp. Nhân câu chuyện Philatô giết một số người Galiê đang dâng lễ trong đền thờ và Tháp Silôê ở Giê-ru-sa-lem đổ xuống đè chết mười tám người, Chúa Giêsu nói với những người mách lại: Không phải do tội của họ, các ông phải coi đó mà sám hối, nếu không, thì các ông cũng sẽ chết y như vậy.
2. Thánh Phaolô :
Nói đến hậu quả của tội lỗi là sự chết, nhưng nhấn mạnh đến cái chết thiêng liêng, chết linh hồn và sự huỷ hoại của mọi tạo vật:
-Vì một người duy nhất mà tội lỗi nhập vào thế gian và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội.
-Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo …; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát.
3.Sự sửa dạy, trừng phạt của Thiên Chúa:
-Dành cho những ai Người thương yêu, Người lấy tình Cha mà giáo dục, để họ khỏi bị kết án với thế gian.
-Sự trừng phạt dành cho quân vô đạo chà đạp Con Thiên Chúa…Chúng phải nhận hình phạt đích đáng, như Sôđôma và Gômôra đã phải chịu lửa đời đời.
4.Sự ganh tị của ma quỷ:
-Dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng lúa: Kẻ thù đã làm đó (c.28).
-Phép lạ chữa người phụ nữ còng lưng: Bà nầy…bị Satan trói buộc đã mười tám năm nay (c.17).
-Nhiều phép lạ chữa nhiều thứ bệnh tật do ma quỷ gây nên: quỷ câm, quỷ kinh phong, người con gái người đàn bà Cana-an bị quỷ ám, và đủ loại quỷ xâm nhập.
III. Niềm cậy tin và hi vọng
Những quy luật của vũ trụ và quy luật phát triển của mỗi thứ loại, đều do Thiên Chúa đặt để khi sáng tạo, chúng cứ theo đó mà sinh hoạt. Đây cũng là sự quan phòng của Thiên Chúa. Vì thế, để tránh những nguyên nhân xâm hại do quy luật tự nhiên, con người phải:
3.1.Nỗ lực tìm cách bảo vệ bản thân mình
Thiên Chúa ban cho mỗi người trí khôn, phải sử dụng để tránh những điều nguy hại, tạo lập môi trường tốt, lành mạnh. Sử dụng sự quan phòng của Chúa, đó là: thầy thuốc, thuốc men, để tăng cường sức khoẻ và hỗ trợ tiêu diệt vi trùng…Ý thức rằng đã là người, ai cũng phải bệnh tật và chết. Chính Ngôi Hai Thiên Chúa, khi làm người, cũng đau khổ và cuối cùng cũng phải chết.
3.2.Khám phá ý nghĩa của bệnh tật và sự chết
Can đảm vượt qua, không thất vọng không phiền trách, làm cho mình trưởng thành
về mặt nhân bản và siêu nhiên. Hội Thánh nhắc nhở rằng:
-Bệnh tật, sự chết, giúp con người cảm nghiệm sự bất lực, các giới hạn của mình, gíup khám phá về Thiên Chúa và thôi thúc trở lại với Người.
- Đau khổ có thể làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và kết hợp chúng ta vào cuộc khổ nạn sinh ơn cứu chuộc của Người.
3.3.Tin tưởng cầu nguyện
Cầu nguyện không phải để thông báo cho Chúa là mình gặp đau khổ như thế, để Chúa biết và cho mình hết ngay. Nhưng cầu nguyện là đặt niềm tin cậy vào Chúa, xin Chúa cho mình biết ý Chúa và có can đảm đón nhận, biết làm cho bệnh tật có giá trị cứu độ,và rồi bằng cách nào đó, Thiên Chúa giúp con người sáng suốt và may mắn trong việc tìm cách giải quyết: gặp thầy gặp thuốc nên mau hết bệnh, có quý nhân phù trợ… Nhớ rằng Thiên Chúa không luôn luôn phá bỏ quy luật tự nhiên mà chính Người đã thiết lập. Phép mầu chỉ xảy ra trong những trường hợp rất đặc biệt, nhưng ta vẫn không hiểu được ý định của Người.
3.4.Trật tự cũ sẽ qua đi, hãy hướng về trật tự mới
Sách Giảng Viên ghi rằng: Phù vân, tất cả là phù vân. Thế hệ nầy đi, thế hệ kia đến. Mặt trời mọc rồi lặn . Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc. Dưới ánh mặt trời nào có chi mới lạ”. Cuối Sách ông viết:…Ngày ấy cánh cửa ngỏ ra đường sẽ đóng lại, tiếng cối xay bột từ từ nhỏ đi và mọi cô ca sĩ sẽ phải lặng thinh . Bởi vì con người tiến đến nơi ở ngàn thu . Khi phàm nhân trả lại cho Thiên Chúa hơi thở Người đã ban cho mình.
Tuy nhiên, con người là xác và hồn. Cuộc sống của con người là toàn thể. Vì thế, cuộc sống thể chất là một giai đoạn để hướng đến giai đoạn tương lai, tạo nên sự trọn vẹn của cuộc sống. Cái chết thể xác không phải là chấm tận, nhưng là mở ra. Hiện tại làm nên tương lai. Vì thế, Kinh Thánh nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa và ơn tha thứ cứu độ được ban nhờ Đức Giêsu Kitô. Người ban cho những kẻ tin sự sống vĩnh hằng trong trật tự mới. Đó chính là niềm hi vọng về thế giới mới mà Thiên Chúa thiết lập, để cho con người toàn diện và mọi tạo vật sống trong sự che chở mãi mãi của Người.
Ngôn sứ Isaia nói về ngày giải thoát Ít-ra-en trong chương 40 bằng những hình ảnh của thời thanh bình, an lạc, hoà hợp. Những hình ảnh nầy có tính cách cục bộ cho Ít-ra-en vào thời được giải phóng khỏi nô lệ, nhưng cũng mang chiều kích chung cuộc cho Thời Đại Mới , đặc biệt là việc mô tả Bữa Tiệc Thiên Sai trên núi với nhiều hình ảnh rất ấn tượng. Thánh Gioan trong Sách Khải Huyền cũng ghi rằng: Đấng ngự trên ngai phán: Nầy đây Ta đổi mới mọi sự. Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất”.
***
Tất cả những điều mới ấy được thực hiện nhờ Chúa Giêsu Kitô. Hãy liên kết với Người ngay trong cuộc đời nầy bằng niềm cậy tin vững mạnh và quyết tâm sống tốt đẹp.
Chúa Kitô đã mở lại cửa vườn Eđen, và đến ngày nào đó, Người sẽ đưa chúng ta trở lại. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy. Amen.
(Vinh An, mùa đại dịch 21)
*Xin vui lòng chia sẻ cho người khác.
X. John A. Hardon, S.J, Pocket Catholic Dictionary, chữ Physical evil & Moral evil, Image Books, New York, 1985.
Công Đồng Trento đã lên án chủ trương ngược lại (Denz. 816).
X.VTB, Calamité, Famines,déluges,Orages, Maladie, Feu…
X. Xh 4,6; G 16,12; Tv 30,11.
X. Mc 1,40; Mc 5,36; Mt 8,2-6;9,28; 9,22;15,28.
Rm 11,34; 1Cr 2,6 (Is 40,13
Bị Giáo Hội kết án vì chủ trương sai lạc khi chủ trương Nhị Nguyên.
X. John A. Hardon S.J, Podket Catholic Dictionary, chữ Manichaeism, Image Books, New York 1985.- Théo, Manichéisme, Dualisme, Droguet & Ardant, Fayard, Paris, 1992.
Vô thường có nghĩa là không có gì trên thế gian nầy trường tồn mãi mãi. Mọi sự liên tục thay đổi: sinh ra hình thành, tồn tại hoạt động, hao mòn lão hoá, tiêu huỷ mất đi. Cũng giống thành ngữ: Sinh, bệnh, lão, tử. Con người cũng không thoát khỏi định luật nầy.
Sách Giảng Viên 3,1-2: Ở dưới bầu trời nầy, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế…
Một gốc tự do là một phân tử với một điện tử độc lập, chưa tạo thành cặp, thường không ổn định, nên dễ dàng xâm chiếm các phân tử khác trong tế bào để tạo sự ổn định, làm cho cấu trúc của tế bào bị thay đổi hay bị phá vỡ.
Sách Thánh Kitô giáo nói về nguồn gốc vũ trụ và nhân loại, cũng gọi là Sách Khởi Nguyên.
St 3,1; tương trưng ma quỷ.
Id 3,7. Trước đó cũng trần truồng nhưng không thấy và không xấu hổ!
Id 3,14-15: Con rắn bị nguyền rủa, bị đạp đầu.
Id 3,16: đau khổ của người đàn bà.
Id 3,17-19: Đau khổ của người đàn ông.
Không chỗ nào nói đến sự chết hay bệnh tật trong vười Eden. Giống như điều mà Isaia sau nầy mô tả về thời đại của Đấng Thiên Sai.
X.Mt 8,28-34 và tiếp theo trong Mc, Lc
Chúng ta không hiểu được: tại sao người nầy bệnh được lành mà người kia không; người lành chết sớm mà người ác lại sống lâu!
X. Ga,5,24,25-26;6,53-54; Mc 16,6.