Phát triển vai trò tông đồ junior thuộc phong trào Legio Mariae trong mục vụ thăm viếng
Chủ nhật - 08/11/2020 06:36
Phát triển vai trò tông đồ junior thuộc phong trào Legio Mariae trong mục vụ thăm viếng
PHÁT TRIỂN VAI TRÒ TÔNG ĐỒ JUNIOR THUỘC PHONG TRÀO LEGIO MARIAE TRONG MỤC VỤ THĂM VIẾNG
Lm. Giuse Nguyễn Trường Phước
WHĐ (7.11.2020) – Hiện nay, không ít người trẻ băn khoăn đi tìm ý nghĩa và hướng đi đích thực cho đời sống. Cũng như Chúa Kitô đã công bố Tin Mừng cho những người trẻ Emmau, cho các môn đệ, ngày nay Giáo Hội cũng muốn gửi đến các bạn trẻ sứ điệp của Tin Mừng: Thiên Chúa là Cha luôn yêu thương các bạn trẻ, Chúa Kitô đã cứu độ các bạn; ngày hôm nay Người vẫn đang sống, vẫn đồng hành với các bạn như một người bạn thân thiết. Tuổi trẻ là ân sủng và quà tặng mà các bạn cần đón nhận với lòng biết ơn và sống sung mãn chứ không lãng phí, hãy phát huy những khả năng Chúa ban để trở thành một người trưởng thành toàn diện[1].
Tuổi trẻ là một phúc lành cho Giáo Hội và thế giới. Thật vậy, người trẻ không chỉ là đối tượng phục vụ của Giáo Hội, mà còn là chủ thể phản ánh Đức Giêsu Kitô giữa lòng nhân thế; không chỉ là tương lai mà còn là hiện tại của thế giới, họ đã và đang góp phần làm phong phú thế giới[2]. Chúa Kitô dù đã hiến mạng sống cho nhân loại, đã về trời, nhưng thực chất, người vẫn đang sống với mọi người nói chung, và cách riêng Người vẫn đồng hành với giới trẻ.
Người trẻ làm phong phú Giáo Hội và thế giới bằng nhiều cách, trước hết bằng việc nên thánh. Đồng thời, các bạn cũng thể hiện sự thánh thiện qua việc sống đức ái trong gia đình và trong xã hội. Nhiều người trẻ tham gia tích cực vào các hoạt động giáo xứ hoặc dấn thân vào các hoạt động bác ái xã hội. Các phong trào vì môi trường ngày càng phổ biến mà thành phần đông đảo là người trẻ. Tất cả làm nên sức sống trẻ trung của Giáo Hội, đồng thời là sự dấn thân cụ thể để Phúc Âm Hóa xã hội và thế giới, mở rộng triều đại của Thiên Chúa[3].
Cùng với những thao thức của Giáo Hội trong việc định hướng cho sinh hoạt mục vụ giới trẻ tại các giáo xứ, trong phần này, tôi sẽ trình bày việc phát triển vai trò tông đồ Junior trong mục vụ thăm viếng, với mong ước giúp cho những người trẻ khám phá ra khả năng và đặc sủng mà Chúa đã ban; đồng thời giúp các bạn phát huy khả năng đó giữa một thế giới đầy những cám dỗ và thử thách này.
1. Những thách đố của thời đại
Sống trong thời đại toàn cầu hóa, giới trẻ có nhiều cơ hội học hành, làm việc, sinh hoạt cộng đồng, du lịch, mở rộng giao lưu gặp gỡ, có những hoạt động phong phú trong lãnh vực văn hóa, thể thao…
Song song với nhiều thuận lợi, người trẻ cũng phải đối diện với những thách đố của thời đại mới. Hiện tượng di dân vừa đem lại những hiệu quả tích cực, vừa gây nhiều hệ lụy tiêu cực trong đời sống gia đình và xã hội. Thế giới kỹ thuật số vừa là một phương thế rất hữu hiệu cho việc truyền thông và thiết lập các mối tương quan, vừa là nguyên nhân gây nên nhiều tác hại cho bản thân người trẻ. Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm. Một số khác lại lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như nghiện ngập, buôn bán ma túy, hôn nhân thử, đồng tính, phá thai… Bạo lực ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm nghiêm trọng.
Sống trong một thời đại đầy những thách đố, người tông đồ Junior gặp không ít những khó khăn về mặt xã hội như: Sự khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán vùng miền; sự đối lập giữa các tôn giáo trong một xã hội đa tôn giáo; những khó khăn về ngôn ngữ trong một đất nước đa sắc tộc… Đó chính là lý do khiến người tông đồ Junoir đi sâu vào vấn đề học hỏi. Học hỏi không phải chỉ để mở mang kiến thức, mà còn là cơ hội cho họ biết phân định ơn gọi và sứ mạng của bản thân là: Đến với muôn dân để nên “Bí tích cứu độ phổ quát”[4].
Hơn thế nữa, người tông đồ Junior cũng phải đối đầu với những thách đố, khó khăn từ chính bản thân. Họ cũng là những giáo dân đến thăm viếng người khác để thi hành sứ mạng truyền giáo của mình. Họ không truyền giáo bằng lý thuyết, nhưng là bằng đời sống chứng tá. Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội “Lumen Gentium” đã giải thích: “Như những Bí tích của luật mới, là của ăn nuôi dưỡng đời sống và hoạt động tông đồ của tín hữu, tiên báo trời mới và đất mới thế nào (x. Xh 21,1), thì giáo dân cũng mạnh mẽ loan báo lòng tin vào điều mình trông đợi như thế (x. Dt 11,1), nếu họ không ngần ngại nối kết đời sống đức tin với việc tuyên xưng đức tin làm một. Công cuộc rao giảng Phúc Âm đó, nghĩa là sự loan báo Chúa Kitô bằng đời sống, chứng tá và lời nói, mang một sắc thái và hiệu quả đặc biệt vì được thể hiện trong những hoàn cảnh chung của trần gian”[5]. Công tác thăm viếng của tông đồ Junior là một hành động cụ thể và rất giá trị để thể hiện nhiệm vụ đó.
Tuy không phải đối đầu với những khó khăn thách đố như những nhà chuyên môn, nhưng bản thân người Kitô hữu nói chung và cách riêng là tông đồ Junior cũng gặp những thách đố từ bản thân, đó là: Họ hầu như không được học hỏi nên chưa nhận thức được đầy đủ và còn sợ sệt trong việc loan báo Tin Mừng. Đến ngày khánh nhật Truyền Giáo (tháng 10 hằng năm), nhiều người chỉ nhắc đi nhắc lại điệp khúc “Truyền giáo là bản chất của Hội Thánh”, chứ không thể hiện bản chất ấy thành những hành động cụ thể như thế nào trong đời sống. Nhiều tín hữu còn cho rằng loan báo Tin Mừng là công việc chuyên môn của linh mục, tu sĩ hay một số giáo dân chuyên nghiệp đã được học về thần học, chứ không phải là bổn phận của chính mình. Không những thế, phần lớn những Kitô hữu có tinh thần ngại khó, ngại khổ; họ cho rằng thuộc nhiều kinh, siêng năng đi lễ là được rồi, còn những công việc khác chỉ dành riêng cho những giáo sĩ, tu sĩ. Họ quên mất một điều căn bản: “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,17). Người Kitô hữu nói chung và người tông đồ Junior nói riêng cần phải hiểu chính bản thân mình đang ở vùng “tiền đồn truyền giáo”, thì công việc truyền giáo chính là sứ vụ chủ yếu của bản thân. Từ đó khắc phục những hạn chế, tích cực học hỏi, nhất là đời sống cầu nguyện của bản thân để đóng góp sức mình vào sứ vụ chung của Giáo Hội.
Trước những khó khăn thách đố chung của xã hội và của bản thân người tông đồ Junior, thì họ cần khắc phục để có hướng đi cho sứ vụ của mình. Một điều chúng ta phải công nhận là trong đời sống của họ có một khoảng cách khá lớn giữa điều người ta hiểu và điều người ta sống. Đời sống đạo tập trung vào các nghi lễ, các hoạt động bên ngoài hơn là vào niềm xác tín và cảm nghiệm bên trong. Hơn nữa, những người trẻ cũng đang có xu hướng chạy theo cái đẹp qua sự say mê cuồng nhiệt đối với các thần tượng như: Cầu thủ, diễn viên, người mẫu và ham chuộng thời trang, âm nhạc, thể thao như biểu hiện của cái đẹp. Trong khi đó, người Kitô hữu hô hào những người trẻ hãy xóa bỏ những thần tượng, sống đơn giản, nghèo khó, nhưng lại chưa giới thiệu cho họ một Thiên Chúa là chủ của cái đẹp và chưa giúp họ hiểu tinh thần nghèo khó của Đức Giêsu thật sự là gì.
Từ những thách đố, khó khăn, người tông đồ Junior ý thức được sứ vụ của mình là làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống, trong sự kết hợp mật thiết với Ba Ngôi Thiên Chúa; cùng với sự đồng hành, hướng dẫn của Đức Maria. Từ đó, họ sẽ được ơn Chúa soi sáng để đưa ra đường hướng hoạt động cho mục vụ thăm viếng của mình.
2. Đường lối hoạt động của tông đồ Junior
Trong bối cảnh của tuần lễ đầu tiên sau ngày Phục Sinh, cuộc tử nạn của Chúa Giêsu Kitô đã gieo vào lòng các Tông đồ nào hoang mang, nào khiếp sợ, các ngài hội họp nhau lại, cửa đóng then cài. Bỗng Đức Giêsu Kitô xuất hiện giữa họ, chúc bình an rồi phán: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Lời nói trên mang lại cho chúng ta ý nghĩa hết sức quan trọng đó là: Chúng ta chia sẻ với Đức Giêsu Kitô sứ mạng cứu độ nhân loại; đồng thời tiếp nối sứ mạng ấy theo đường lối của Chúa Giêsu Kitô. Vì từ nay, Đức Giêsu không còn hiện diện một cách thể lý nơi trần gian, nên Ngài không có đôi chân nào khác, ngoài đôi chân của chúng ta để đến với tha nhân; Ngài không có bàn tay nào khác, ngoài bàn tay của chúng ta để xoa dịu nỗi đau khổ của nhân loại; Ngài không có trái tim nào khác ngoài trái tim của chúng ta để đập theo nhịp vui buồn của loài người. Như vậy sứ mạng của chúng ta, nói rõ hơn là sứ mạng của người tông đồ Junior rất trọng đại, rất quan trọng và đường lối hoạt động đó phải dựa vào đường lối của chính Đức Giêsu Kitô nghĩa là: Được sự tác động của Chúa Thánh Thần, kết hợp với Đức Mẹ Maria, đồng thời sống hòa hợp và phục vụ tha nhân.
Vì thế, xét về bản thân người tông đồ Junior cần xác tín về sứ mạng cứu độ Chúa Cha trao cho mình, hội nhập cùng với Đức Kitô, gắn bó mật thiết với Chúa Thánh Thần và hiệp thông sâu xa với Giáo Hội. Khi hội đủ những yếu tố này, bản thân người tông đồ Junior trở thành hình ảnh sống động của Chúa Ba Ngôi, trở nên hiện thân của Chúa Giêsu Kitô ở trần gian và trở nên Tin Mừng sống động là nội dung của việc truyền giáo (x. Gl 2,20). Việc truyền giáo ngày nay không chỉ tìm đến một dân tộc xa lạ, đến với những người khác mình về tôn giáo, văn hóa, cũng không chỉ là việc dạy giáo lý hoặc thăng tiến con người và phát triển cộng đồng; nhưng là tiếp xúc với mọi người trong đời sống thường ngày để chia sẻ niềm tin của bản thân mình cho họ như chính Đức Kitô đã làm.
Cũng vì tấm bánh Đức Kitô cần phải được bẻ ra để nuôi sống thế giới; người tông đồ Junior cần phải trở lại với Đức Kitô và hòa nhập thành một với Người qua đời sống cầu nguyện và phụng vụ, để Người chuyển thông quyền năng làm chứng cho Tin Mừng qua các dấu lạ như chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, nói được thứ ngôn ngữ mới lạ của tình thương mà Thánh Thần thúc đẩy trong lòng (x. Mc 16,16-20). Người tông đồ Junior có thể chữa lành bệnh tật không phải như một bác sĩ hay xua trừ ma quỷ không phải như một thầy pháp, nhưng với tư cách là chứng nhân của Đức Kitô vì họ có thể làm được mọi sự với Đấng ban sức mạnh cho họ: “Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4, 12-13). Như thế, việc rao giảng Lời Chúa, cử hành Bí tích và bác ái đều gắn bó mật thiết với nhau, hình thành nên bản chất của Giáo Hội mà người tông đồ nào cũng cần thể hiện trong đời sống.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên biết các đối tượng mà người tông đồ Junior thăm viếng trong công tác hằng tuần của họ. Theo Thủ bản của Legio Mariae đã cho chúng ta biết đối tượng thăm viếng của tông đồ Junior là: Thăm gia đình – giáo xứ, thăm bệnh nhân, thăm tôn giáo bạn, thăm người nhập cư, thăm người khô khan, nguội lạnh[6]… Tất cả nghệ thuật thăm viếng nhằm giúp cho nhân loại nhận ra và tin nhận Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa làm Người, chịu nạn chịu chết và sống lại để cứu chuộc chúng ta. Vì “Đức Giêsu chính là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6).
Sau khi tìm hiểu đường lối hoạt động và đối tượng trong mục vụ thăm viếng của người tông đồ Junior, chúng ta hãy nhìn vào mẫu gương thăm viếng của Mẹ Maria, để chúng ta xác tín hơn vì có Mẹ cùng đồng hành với chúng ta trong sứ vụ này.
3. Mẫu gương thăm viếng của Đức Maria
Một câu hỏi được đặt ra: Đâu là nghệ thuật thăm viếng của Đức Mẹ Maria? Quả thật không ai cho cái mình không có, vậy Mẹ Maria có cái gì? Khi đọc lại trình thuật truyền tin (x. Lc 1,39-45), chúng ta thấy Mẹ có Chúa Giêsu đang là bào thai, là máu thịt Mẹ, ngay sau lời Mẹ xin vâng, đây là yếu tố quyết định thành công trong nghệ thuật thăm viếng của Mẹ. Bên cạnh đó, Mẹ có mẩu tin quan trọng do Thiên Sứ Gabriel tiết lộ: “Kìa, bà Êlisabét tuy già cũng đang cưu mang một người con trai được sáu tháng” (Lc 1,36). Thông tin này quyết định việc thăm viếng, chia vui, phục vụ cách thích hợp của Mẹ Maria. Khi gặp bà Êlisabét, Mẹ có thái độ cung kính, lời chào ngọt ngào, yêu thương nồng thắm đến độ: “Đứa con trong bụng vừa nghe được, cũng nhảy lên vui sướng” (Lc 1,44). Đây là nghệ thuật dùng lời nói của Mẹ Maria, vì người Việt thường nói: “Nói ngọt lọt đến xương”.
Từ nghệ thuật thăm viếng của Mẹ Maria đã mang lại những tác dụng siêu nhiên cho mẹ con bà Êlisabét, đó là được tràn đầy Chúa Thánh Thần nên được ơn hiểu biết, nói tiên tri: “Em được chúc phúc hơn mọi phụ nữ - con em đang cưu mang là quả phúc” (Lc 1,45). Đồng thời xác tín và tuyên xưng: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi?” (Lc 1,43). Hơn nữa quả quyết Đức Maria có phúc vì đã tin lời Thiên Chúa. Đó cũng là lời chúc vinh Thiên Chúa, và ca ngợi người em mình là Mẹ Maria.
Khi đó chính Đức Maria cũng tràn ngập trong Thánh Thần nên đã cất tiếng ngợi ca: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Lc 1,46). Mẹ chúc tụng Thiên Chúa, nói tiên tri về niềm hạnh phúc Chúa ban cho mình trổi vượt suốt lịch sử nhân loại. Mẹ ca ngợi tình thương cứu độ của Thiên Chúa dành cho người khiêm tốn, khó nghèo, cùng khổ. Mẹ hát khen sự thánh thiện, lòng trung thành của Thiên Chúa đối với dân riêng Ngài. Sau cùng thể hiện tinh thần nhập thể của Con Mẹ: “Vui sướng ở giữa dân Người” và “phục vụ là niềm vui”, Mẹ đã ở lại để giúp đỡ bà chị suốt ba tháng (x. Lc 1,56).
Như vậy, khi “đến với anh em, con gặp được cả Chúa lẫn anh em”. Điều đó càng làm rõ hơn giới luật Mến Chúa – Yêu Người không thể tách rời nhau. Đó thật là niềm vui lớn lao; chính những vết chân đi thăm viếng của Mẹ đã khai mạc công cuộc truyền giáo của Giáo Hội, và người tông đồ Junior lấy làm mẫu mực chuẩn xác cho mình trong mục vụ thăm viếng.
4. Vai trò tông đồ Junior trong mục vụ thăm viếng
Học ở trường Mẹ Maria, người tông đồ Junior được Thánh Thần Chúa hướng dẫn, để noi gương Đức Maria khiêm nhường là gốc là dụng cụ hoạt động của họ. Trong đường lối hoạt động của Legio, khiêm nhường giữ vai trò số một. Trước hết, khiêm nhường là dụng cụ căn bản của hoạt động tông đồ Junior. Khi tiếp cận với từng người, họ đặt trọng tâm vào việc này, những hội viên đi công tác phải lễ độ, khiêm tốn, vì thế họ phải khiêm nhường thực trong lòng. Khiêm nhường không ở cử chỉ bên ngoài. Khiêm nhường phải là gốc của hoạt động thăm viếng. Thiếu khiêm nhường, mọi hoạt động sẽ không có kết quả[7].
Tuy nhiên, người tông đồ Junior cần thanh tẩy những tiêu cực như: Cái tôi ích kỷ, tự cao, tự phụ, tự đắc, vị kỷ, tự ái, tự mãn, tự tôn, tự ý. Một khi họ thanh tẩy được những tiêu cực nghĩa là đã từ bỏ chính mình, thực sự quên mình để hướng về Đức Maria; thì Mẹ sẽ chụp lấy cơ hội và đưa họ tiến lên, làm cho họ được chết đi với con người cũ, như thế là đi đúng luật sống của Kitô hữu, tuy nghiêm khắc nhưng hữu ích (x. Ga 12, 24-25). Mẹ sẽ không gặp trở ngại khi truyền thông đức tính của Mẹ. Mẹ đã xây dựng một nghị lực và lòng hy sinh tuyệt vời, để họ nên người lính tốt của Chúa Kitô (x. 2Tm 2,3), dám nhận những công tác khó khăn mà nghiệp vụ đòi buộc[8]. “Chúa muốn làm việc từ con số không: Từ cái hư vô, Chúa đã dựng nên mọi sự do quyền năng của Người. Ta vừa phải sốt sắng làm vinh danh Chúa, vừa phải hiểu tự sức mình không làm nổi. Hãy tự dìm mình trong vực hư vô của bản thân. Hãy ẩn mình trong bóng tối của sự thấp hèn nơi ta. Hãy bình tĩnh chờ Đấng Tối Cao, lúc nào tùy ý Người sẽ dùng sự cố gắng tích cực của ta để làm sáng danh Người. Về điểm này, Người sử dụng những phương tiện thực là trái ngược ngoài sức tưởng tượng. Sau Chúa Kitô, chưa có ai làm sáng danh Chúa như Đức Maria, nhưng riêng Đức Mẹ chỉ nghĩ có sự hư vô của chính mình. Sự khiêm nhường này tưởng là gây trở ngại do ý định của Chúa, nhưng ngờ đâu chính sự khiêm nhường này đã giúp Chúa thực hiện chương trình từ bi cao nhất của Người”. (Group: Tâm hồn Chúa Giêsu và Mẹ Maria)[9].
Khi làm công tác mục vụ thăm viếng, người tông đồ Junior đừng đóng vai là một quan tòa và luôn nhớ lời Chúa Giêsu dạy: “Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán” (Mt 7,1). Nhưng hãy kính trọng người khác, không phải chỉ bằng thái độ bên ngoài mà còn tận trong tâm hồn. Sứ mạng của người tông đồ Junior không cho phép họ tự đặt mình làm quan tòa xét xử anh em, hoặc tự coi mình như mẫu mực, bắt anh em phải suy nghĩ, phải hành động rập khuôn như mình. Không nên hồ đồ cho rằng những ai không đồng quan điểm với mình, không đón tiếp mình, thậm chí chống đối mình, đều là những kẻ không ra gì. Vì thế, người tông đồ Junior hãy sống như Đức Maria để luôn có suy nghĩ và cặp mắt dịu dàng của Mẹ khi nhìn về người khác. Và hãy như Nicôđêmô, người giàu đã lén tìm Chúa giữa đêm, hoạt động giúp Chúa nhiều, đưa về với Chúa nhiều bạn, yêu Chúa thành thực, sau cùng hưởng ơn cao cả là dự phần táng xác Chúa[10].
Để đem lại lợi ích thiêng liêng trong mục vụ thăm viếng, người tông đồ Junior không tìm tư lợi, không quyên tiền, không để ai lợi dụng như phương tiện đem lợi ích vật chất về cho một người nào trong hội đoàn. Hội viên đừng để ai khai thác một cách bất xứng danh nghĩa đoàn viên của mình, dù họ là ai, trong hay ngoài Legio[11].
Khi thanh thoát với những vật chất khi đi mục vụ thăm viếng thì đó là dịp thuận tiện để đạt tới lợi ích thiêng liêng.
Như vậy, khi người tông đồ Junior biết quên mình, từ bỏ cái tôi ích kỷ, thì Chúa mới thực sự được lớn lên trong mình; một khi có Chúa thì họ mới đem Chúa đến cho những người mà họ thăm viếng. Chính lúc đó thì Đức Maria và Giáo hội cũng được quảng bá đến cho mọi người.
Bên cạnh đó, vai trò của người tông đồ Junior còn được thể hiện trong phương pháp tiếp cận để làm sao hấp dẫn được đối tượng bằng thái độ tự tin nhưng không tự kiêu và tự ti… Luôn cư xử chân thành với mọi người, chân thành ca ngợi những điểm mạnh của đối tượng. Đặt mình vào địa vị của đối tượng để cảm thông. Có sự hiểu biết thiết thực về điều mình nói nhất là về giáo lý. Luôn mỉm cười với đối tượng thăm viếng. Biết dùng đôi mắt để biểu thị tình cảm; đừng tiếc sự hào phóng nhiệt tình và đừng quên sự khôi hài dí dỏm, nhưng cũng đừng quá lố! Thế nhưng cũng hãy biết tự kiềm chế mình để cẩn thận cân nhắc trong lời nói, biết bao dung độ lượng và luôn trả lời vui vẻ các câu hỏi.
Ngoài ra khi thăm viếng người tông đồ Junior cần có thái độ lắng nghe vì: “Nói là bạc, im là vàng, lắng nghe là kim cương”. Mục đích của việc lắng nghe là nắm bắt được nội dung vấn đề, thu thập được nhiều thông tin. Lắng nghe còn tạo mối quan hệ tốt đẹp, lắng nghe để tìm biện pháp hữu hiệu, và lắng nghe để đối tượng thấy họ được tôn trọng, nên sẽ cởi mở hơn. Nghĩa là làm sao để họ thấy mình lắng nghe bằng cả con tim và khối óc. Tất cả đều bày tỏ mối quan tâm và tôn trọng người khác, tạo cảm giác họ là người đặc biệt tôn trọng đối với ta. Ngay cả khi chưa cất tiếng chào, thì những nét tươi cười cũng đã tạo ấn tượng sâu sắc bền vững trong tâm hồn người khác.
Như vậy, tất cả nghệ thuật thăm viếng phải làm sao giới thiệu và giúp cho nhân loại nhận ra và đón nhận Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa làm Người, đã chịu nạn, chịu chết và sống lại để cứu chuộc chúng ta. Vì “Đức Giêsu chính là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6). Trong mọi trường hợp, người tông đồ Junior khôn ngoan, biết cùng Mẹ Maria quay về phòng tiệc ly tâm hồn, khấn xin Chúa Thánh Thần: “Ngay trong giờ đó Thánh Thần sẽ dạy anh em biết những điều phải nói” (x. Mc 13, 11).
Khi đã ý thức được vai trò cao quý của mình, người tông đồ Junior phải ra đi để trở thành chứng nhân bằng đời sống ngay trong thời đại này.
5. Tông đồ Junior, chứng nhân truyền giáo trong thời đại ngày nay
Khi Đức Giêsu chạnh lòng thương trước đám đông bơ vơ không người chăn dắt, Người đã lên tiếng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít…” (Lc 10,2). Câu nói ấy cũng là lời mời gọi người tông đồ Junior hãy cộng tác nhiệt thành vào công việc truyền giáo. Vì sứ mạng truyền giáo không chỉ đặt ra cho các linh mục, tu sĩ, hay một số người chuyên biệt nào đó, mà còn là cho mỗi người chúng ta.
Tuy nhiên, sứ mạng truyền giáo của tông đồ Junior không hẳn là đi đây đi đó, nhưng là “ra đi” giữa lòng đời, ở giữa xã hội để rao truyền tình thương Thiên Chúa bằng đời sống yêu thương, trong một cộng đoàn hiệp nhất. Thư mục vụ năm 2003 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã mời gọi người công giáo mạnh dạn dấn thân đến những môi trường mới: “Có thể đó là những môi trường địa lý chưa bao giờ được nghe rao giảng Tin Mừng, những vùng đất chưa in dấu chân nhà truyền giáo. Đó là những môi trường văn hóa, chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật… Hãy đến với những người chưa được nghe rao giảng Tin Mừng, hoặc đã nghe mà chưa sống Tin Mừng. Hãy hiện diện trong mọi môi trường của nhân loại, vì không có gì của con người mà xa lạ với Hội Thánh”.
Vì thế, ơn gọi thừa sai đòi hỏi người tông đồ Junior phải thể hiện tính lữ hành, năng động, không ngừng di chuyển về những biên cương mới của xã hội, đó là: Biên cương của bất công, đói nghèo: Theo xu hướng toàn cầu hóa, xã hội Việt Nam cũng đang xảy ra sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc. Một số ít trở nên cực kỳ giàu có, nhưng ngày càng có nhiều người nghèo hơn. Họ là những người thấp cổ bé miệng cần được bênh đỡ, họ là các dân tộc ít người, những người thất nghiệp, di dân…
Biên cương của tệ nạn xã hội và sự loại trừ: Việc buôn bán sử dụng ma túy, nhiều người bị nhiễm HIV, thực sự đang là quốc nạn của Việt Nam chúng ta. Những tệ nạn này đã nhanh chóng lan rộng khắp nước. Các đối tượng bị xã hội kỳ thị này, rất cần ai đó quan tâm, thăm nom và truyền rao Tin Mừng cho họ.
Biên cương của việc đối thoại liên tôn. Châu Á được mệnh danh là chiếc nôi của các tôn giáo lớn, trong đó Kitô giáo chỉ đóng vai trò thiểu số. Cho nên, việc gặp gỡ, đối thoại với các tôn giáo ấy cũng là một thách đố lớn trong sứ mạng truyền giáo.
Quả thực, truyền giáo không phải là việc dễ dàng chút nào, mỗi người đều có kinh nghiệm về điều đó. Và có lẽ, thánh Phaolô Tông đồ là người có nhiều kinh nghiệm ấy hơn bất cứ ai. Việc truyền giáo của ngài rất thành công, vì ngài đã có được bí quyết về mặt tâm linh: Đó là luôn chăm chỉ cầu nguyện, khiêm tốn cậy dựa vào Chúa. Ngài luôn xác tín rằng quyền năng của Thiên Chúa luôn luôn được biểu lộ xuyên qua sự yếu đuối của con người và ở trong một trái tim người nghèo. Theo thánh Phaolô, chúng ta là những bình sành dễ vỡ (x. 2Cr 4,7), nên ngài mời gọi chúng ta hãy phó thác mọi sự nơi Thiên Chúa vì chỉ mình Người có quyền năng. Bên cạnh tâm hồn khiêm tốn là lòng nhiệt thành hăng hái của ngài: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2Tm 4,2).
Tâm tình của thánh Phaolô cũng chính là tâm tình của người tông đồ Junior hôm nay. Với lòng nhiệt tâm, chúng ta có thể truyền giáo bằng nhiều cách khác nhau: Qua việc rao giảng, bằng việc thăm viếng, từ thiện, bằng chứng tá đời sống… Nhưng trước hết và trên hết chúng ta phải cầu nguyện cho công việc truyền giáo: Cầu nguyện cho có nhiều thợ gặt, là những người dám xả thân cho công cuộc loan báo Tin Mừng; cầu nguyện cho những nhà truyền giáo để họ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc loan báo Tin Mừng, nhất là tại các vùng sâu vùng xa, vùng các dân tộc thiểu số, tại các nơi mà đạo Chúa đang bị cấm cách và bách hại; cầu nguyện cho những người Kitô hữu luôn sống xứng đáng với danh nghĩa của mình, để họ trở nên chứng nhân Tin Mừng sống động; cầu nguyện cho những người không phải là Kitô hữu, những người vô thần để họ có cơ hội nhận biết Chúa… Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo 2016, đã mời gọi mọi người hãy “đi ra” như những môn đệ truyền giáo. Đồng thời, ngài cũng gợi mở một hình thức cầu nguyện mà có thể thúc đẩy chúng ta dấn thân cho công cuộc truyền giáo, và tìm kiếm lợi ích cho người khác là kinh nguyện chuyển cầu, trong đó kinh nguyện có giá trị chuyển cầu hơn cả cho việc truyền giáo chính là kinh Mân Côi, lời kinh mà người tông đồ Junior luôn truyền bá và cổ động. Qua việc sùng kính Đức Maria và lần chuỗi Mân Côi, nhiều người sẽ nhờ Mẹ Maria mà đến được với Chúa Giêsu.
Tóm lại, tự thân cuộc sống luôn đầy ắp những thách thức, chông gai, những biến động không ngừng và vô vàn những khó khăn thử thách. Thế nhưng, sứ vụ của những người trẻ và việc chăm sóc mục vụ gia đình cần phải được hội nhập và phối hợp, nhằm bảo đảm một sự đồng hành liên tục và thích hợp cho ơn gọi làm tông đồ của họ. Được như vậy, người tông đồ trẻ sẽ hiên ngang lên đường thay vì ngồi lại một chỗ, cởi mở thay vì khư khư bảo thủ; chia sẻ tận tình thay vì khép kín một cách nghèo nàn; cùng đồng hành với nhau trong hành trình đức tin và tin tưởng luôn có Chúa ở cùng. Cần phải hiểu Tin Mừng không chỉ đơn giản là một ngôn từ, nhưng là một chứng từ yêu thương vô điều kiện và tín trung. Đó là ra khỏi chính mình để đến gặp gỡ người khác, gần gũi với người bị cuộc sống làm tổn thương, là chia sẻ với người túng thiếu, là ở bên những ai đau yếu, già cả hay bị loại trừ.
Trong tâm tình đó, người trẻ hãy đến với Mẹ Maria, cũng vì khi Đức Mẹ hoài thai Chúa Giêsu, Mẹ cũng là một người trẻ. Mẹ đã đồng hành với người trẻ Giêsu trong công cuộc cứu chuộc. Mẹ đã lắng nghe, suy đi nghĩ lại trong lòng, và quảng đại đáp lại tiếng Chúa kêu gọi. Và một khi đã thưa “xin vâng”, Mẹ dấn bước với tất cả tình yêu trung tín, kể cả trong những lúc khó khăn và thử thách nhất. Mẹ thực sự là mẫu gương và hơn nữa là Ngôi Sao Hy Vọng dẫn bước chúng ta vượt qua mọi gian nan thử thách để bước đi trên con đường của Tin Mừng. Chúng ta cũng hướng về Đức Maria với tâm tình cậy trông và yêu mến; để Mẹ luôn đồng hành và chúc phúc cho tất cả người trẻ chúng ta trong việc thực thi sứ vụ tông đồ giữa lòng thế giới hôm nay.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 119 (Tháng 7 & 8 năm 2020)
x. Tông Huấn “Christus vivit”, số 31.
x. Tông Huấn “Christus vivit”, số 64.
x. Tông Huấn “ Christus vivit”, số 168.
x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội “Lumen Gentium”, số 48.
x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội “Lumen Gentium”, số 35.
Thủ bản của Legio Mariae, chương 37 “Khuyến dụ về công tác”.
x. Thủ bản của Legio Mariae, số lề 39.
x. Thủ bản của Legio Mariae, số lề 45, 46.
x. Thủ bản của Legio Mariae, số lề 46.
x. Thủ bản Legio Mariae, số lề 503, 504.
x. Thủ bản Legio Mariae, số lề 513.