Vấn đề tiêu tiền có nhiều tranh luận nhưng dù cố tránh đi chăng nữa thì trẻ vẫn được cầm tiền trong tay từ lúc nhỏ. Quan niệm của nhiều bà mẹ trên thế giới là đã cho con cầm tiền thì phải dạy con tiêu tiền. Qua đó dạy con được nhiều điều trong cuộc sống.
Mỹ: 4 chiếc lọ thần kỳ
Bà Neale S.Godfrey, Giám đốc điều hành ngân hàng dành cho trẻ em đầu tiên trên thế giới (The First Children’s Bank-Mỹ) cho rằng, lứa tuổi lên 3 các bé đã có thể nhận thức được những điều mình mong muốn, và đây là thời điểm thích hợp để cho các cháu làm quen với tiền.
Theo bà, trước hết bố mẹ hãy giúp trẻ hiểu được phương thức “làm thì mới được trả công”. Điều này có nghĩa là phụ huynh sẽ phân ra hai loại công việc giao cho trẻ. Một loại là việc mà con phải tự làm và không được nhận tiền như đánh răng, ăn uống, học giỏi… bởi đây là các hoạt động liên quan trực tiếp tới cá nhân cháu bắt buộc phải tự làm.
Loại việc bố mẹ sẽ trả tiền cho con như giao các cháu tưới cây, cho thú ăn, dọn dẹp phòng… nhằm khuyến khích tinh thần lao động và trách nhiệm của chúng với đồng tiền. Số tiền mà cha mẹ cho nên căn cứ vào số tuổi, chẳng hạn trẻ 3 tuổi thì mỗi lần hoàn thành tốt công việc được giao thì cho chúng 3.000 đồng, với trẻ 5 tuổi sẽ là 5.000 đồng…
Khi đã cho các con tiền thì bố mẹ sẽ tiến hành bước tiếp theo là giúp các cháu lập ngân sách một cách hợp lý. Để thực hiện việc này, bà Neale S.Godfrey giới thiệu mô hình “4 chiếc lọ”.
Sẽ có 4 chiếc bình và mỗi chiếc bình sẽ được dán nhãn và mang ý nghĩa nhất định:
Lọ “save” – để dành: Khoản tiền tiết kiệm cho một mục đích cụ thể (30%).
Lọ “invest” – đầu tư: Khoản tiền để mẹ dạy bé cách đầu tư vào một mục đích nào đó (30%).
Lọ “donate” – cho đi: Khoản tiền dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình (10%).
Lọ “spend” – tiêu: Khoản tiền được tiêu tùy ý bé (30%).
4 chiếc lọ “thần kỳ”
Học người Do Thái dạy con xài tiền: Dạy theo từng giai đoạn
Khi mới bi bô tập nói, các bà mẹ Do Thái sẽ dạy trẻ cách phân biệt tiền xu và tiền giấy, nguồn gốc tiền từ đâu mà có và tiền có thể mua được những gì.
Khi trẻ lớn hơn một chút, các bà mẹ ở đây sẽ giao cho con một khoản tiền để con tự quản lý. Bằng cách này, trẻ sẽ học được cách mua sắm như thế nào cho đúng và cách tự chịu trách nhiệm về hành vi tiêu sài của mình.
Bước vào giai đoạn thứ ba, cha mẹ cần bồi dưỡng cho con cách kiếm tiền. Đây cũng chính là giai đoạn giúp con hiểu về giá trị đồng tiền, về những quy tắc kinh doanh như quay vòng vốn, lấy công làm lãi… Từ đó, trẻ sẽ hình thành tư duy tài chính linh hoạt.
Giai đoạn tiếp theo là dạy con cách quản lý tài sản thông qua các lựa chọn như gửi tiền vào ngân hàng để có lãi hay đầu tư vào một việc gì đó.
Cuối cùng, mẹ Do Thái không quên việc giáo dục quản lý tài sản cho con. Mục đích của việc này là giúp con hiểu được giá trị của sức lao động, biết được những kỹ năng cần thiết phục vụ cuộc sống tương lai.
Mẹ Nhật dạy con: tiền không phải là vô hạn
Nhật: Dạy con tiền không phải là vô hạn
Các trẻ em ở Nhật thường được bố mẹ cho tiền tiêu vặt vào ngày đầu tiên của tháng mới. Mức tiền tiêu vặt trẻ được nhận sau khi cha mẹ đã tính toán chi tiết mức chi tiêu, các khoản cần mua sắm cũng như mức sống tại khu vực họ đang sống.
Trẻ phải tự lên kế hoạch chi tiêu trong khoản tiền bố mẹ cho. Nếu muốn mua những món đồ có giá trị, trẻ sẽ phải tiết kiệm và cắt giảm những khoản chi không cần thiết. Bằng cách này, trẻ sẽ hiểu được rằng: tiền không phải là vô hạn, mỗi chúng ta cần phải biết tự chi tiêu trong khả năng của mình và hài lòng với nó.
Ngay khi còn là học sinh mầm non, mỗi em bé sẽ được bố mẹ cho tiền tiêu vặt 50-70 yên/ ngày. Các bé có thể mua cho mình bánh kẹo hoặc đồ chơi với giá từ 10-50 yên, vì vậy để mua được món đồ với giá 50 yên, các bé phải “nuôi heo”, điều đó tạo cho các bé khả năng tiết kiệm.
Lên bậc tiểu học, các bé bắt đầu được cho tiền tiêu vặt hàng tháng, đầu tiên là 1000 yên, để bé được mua thứ mình thích, đã sử dụng hết thì thôi, muốn mua thêm thứ khác thì cũng phải đợi tới tháng sau. Tùy từng gia đình mà quyết định khoản tiêu vặt đó được dùng để mua gì, có thể là đồ dùng học tập hay đồ chơi. Lớn hơn một chút thì số tiền tiêu vặt đó sẽ tăng, nhưng không quá nhiều.
Bố mẹ Nhật sẽ hướng dẫn các em ghi chép các khoản chi trong tháng, được cho bao nhiêu? mua cái gì? giá bao nhiêu?… Để các em tự hệ thống lại cái gì đáng mua và không đáng mua để tháng sau chi tiêu hợp lý hơn.
Lên bậc Trung học cơ sở, mỗi em được cho tiền chi tiêu cá nhân trung bình từ 5000-8000 yên/ tháng, tùy theo kinh tế mỗi gia đình. Với số tiền đó, các em phải tự chi trả tất tần tật các khoản như: Đồ dùng cho học tập, mua sắm quần áo, giày dép, cắt tóc, sinh nhật bạn… nếu muốn mua khoản lớn hơn thì đương nhiên các em phải tiết kiệm.
Singapore: Dạy con 2 bài học về cách tiêu tiền
Tại Singapore, các Mẹ sẽ dạy con 2 bài học về cách tiêu tiền: Bài học “Muốn và Thích” và Bài học “Một thành viên lớn trong gia đình”.
Tại Singapore, thay vì mua cho con những thứ mà con thích thì các bà mẹ lại cùng con lập một danh sách những thứ mà con thích và tính toán từng khoản tiền cho từng hạng mục. Theo đó, mỗi tuần các con sẽ được trích 1/2 số tiền được bố mẹ cho để tiết kiệm cho kế hoạch lớn. Số còn lại các bé sẽ được tự quyết định để mua sắm những thứ mà mình thích. Bằng cách này, trẻ sẽ có trách nhiệm hơn khi sử dụng số tiền mà mình có được. Mặt khác, thông qua việc lập kế hoạch chi tiêu, các mẹ Singapore muốn con phải học được thứ tự ưu tiên khi mua đồ cũng như biết được đâu là cái mình cần và đâu là cái mình muốn để không rơi vào tình trạng lãng phí.
Các bà mẹ Singapore cho rằng “Bố Mẹ hoàn toàn có thể mua cho con cái những thứ mà con thích nhưng việc tự mua bằng tiền tiết kiệm của mình sẽ khiến con có trách nhiệm hơn với từng đồng mình kiếm được”. Mặt khác, các mẹ muốn con “phải học được thứ tự ưu tiên khi mua đồ cũng như biết được đâu là cái mình cần và đâu là cái mình muốn”.
Để dạy con biết tiêu tiền 1 cách tiết kiệm thì những bậc làm cha, làm mẹ tại Singapore luôn luôn làm gương cho trẻ. Mỗi khi đi siêu thị mua đồ cho gia đình thì các mẹ luôn hỏi ý kiến bé xem nên mua và không nên mua đồ gì? Cái gì thực sự cần thiết và hữu ích? Làm như vậy sẽ khiến cho trẻ cảm thấy mình được tôn trọng và là “một thành viên lớn” trong gia đình.
Đức: dạy con tiêu tiền từ rất sớm
Nguyên tắc vàng khi dạy trẻ chi tiêu đó là hãy đưa ra mức tiền tiêu vặt nhất định, sau đó cho trẻ biết chúng chỉ được tiêu đúng số tiền được cho. Điều này dường như không mấy ý nghĩa với những trẻ còn quá bé, vì chúng sẽ lại móc ví ra để mua cây kem mà chúng thích mê dưới sự giám sát của cha mẹ.
Người Đức dạy cho trẻ em cách tiêu tiền từ rất sớm. Người mẹ cho con một đồng và nói, con chỉ có một đồng thôi, nếu con mua kẹo thì con sẽ không được chơi ô tô, và nếu con chơi ô tô thì con sẽ không mua kẹo. Và con sẽ chỉ được mua trong phạm vi giới hạn số tiền này. Khi đó, mẹ sẽ phải giải thích cho trẻ biết giá của đồ vật mà bé muốn là bao nhiêu, có hợp với túi tiền nhà mình không rồi gợi ý bé có nên mua nó hay không.
Ngoài ra, mỗi khi mua cái gì cho bé thì mẹ đều đưa tiền cho con trả kèm theo “Con không được phép mang vật đó ra khỏi cửa hàng mà chưa trả tiền, như thế là không tốt, là phạm pháp”. Sau rất nhiều lần như thế bé sẽ biết: “À phải trả tiền trước khi mang đồ đi”. Một điểm nữa trong cách dạy con tiêu tiền của mẹ Đức là không dạy con theo kiểu “Có tiền là mua được tất cả”. Điều này sẽ tạo cho trẻ sớm có tính coi thường, hiểu sai về giá trị đồng tiền.
Nguồn: 24h
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn