GIÁO LÝ CÔNG GIÁO ROMA
PHẦN II / BÀI SỐ : 016
ĐỀ TÀI: SỐNG KẾT HIỆP VỚI THIÊN CHÚA*
1. Thêm sức là bí tích do chính Chúa Giêsu sáng lập để ban Thánh thần, giúp người tín hữu đã có phép rửa tội sống hoàn hảo hơn, dễ dàng làm chứng cho Chúa Kito và liên kết mật thiết với hội thánh. Phép thêm sức được ban bởi các tông đồ, sau này là các giám mục, hay những linh mục được chỉ định thay thế. Ngày xưa Thánh Phaolo đặt tay lên những người được chọn thì Thánh thần liền ngự xuống trên họ (Cv 19,6). Ngày nay trong những trường hợp khẩn cấp thì Linh mục nào cũng có nhiệm vụ ban bí tích này (Gl 883,3).
2. Khi ban bí tích thêm sức, thì chủ tế làm những nghi thức này:
a) Đặt tay lên đầu thỉnh nguyện viên và cầu xin Chúa Thánh thần ngự xuống.
b) Xức dầu thánh lên trán thỉnh nguyện viên và đọc: Hãy nhận ấn tin ơn Chúa Thánh Thần.
c) Chúc bình an.
3. Bí tích thêm sức cũng như bí tích rửa tội. Cả hai cùng ghi dấu ấn thiêng liêng trong linh hồn các tín hữu, mà không thể nào xóa được.
4. Muốn lãnh bí tích thêm sức thì bất cứ một Kito hữu nào đã được rửa tội, đã đến tuổi khôn, sạch tội trọng, đã học giáo lý đầy đủ và quyết sống đời Kito hữu, và cũng cần có một vị đỡ đầu.
5. Những người đã nhận lãnh bí tích thêm sức, họ có 3 bổn phận sau đây:
a)Can đảm sống Lời Chúa để làm chứng cho Chúa Kito bằng gương sáng.
b)Góp phần xây dựng một xã hội công bằng và yêu thương như Chúa dạy.
c)Bênh vực và truyền bá đức tin cho mọi người.
6. Thiên Chúa muốn người Kito hữu sống hài hòa với mọi người, xây dựng một xã hội văn minh đầy tình thương theo mẫu của Thiên Chúa Ba Ngôi.
7. Người Kito hữu cần tích cực sửa đổi chính mình, sống và cổ võ tinh thần bác ái, đồng thời cùng góp phần đổi mới xã hội sao cho hợp với khuôn mẫu Tin Mừng.
8. Người Kito hữu phải tham gia xây dựng và củng cố các lợi ích chung sau đây:
a)Chu toàn trách nhiệm cá nhân đối với xã hội.
b)Tích cực góp phần vào các sinh hoạt chung.
c)Sống đúng những đòi hỏi của lương tâm trong lĩnh vực xã hội.
9. Hoạt động tông đồ là những công việc giúp cho nhiều người biết và tin yêu Chúa Giêsu. Cho nên tất cả các Kito hữu đều có bổn phận mở mang nước Chúa bằng việc tham gia các hoạt động tông đồ truyền giáo.
10. Chúng ta có thể hoạt động tông đồ theo hình thức cá nhân hay tập thể, như là thăm viếng bệnh nhân, dạy giáo lý và tham gia các việc tông đồ của hội thánh.
11. Hội thánh có sứ mạng truyền giáo vì 3 nguyên nhân sau đây:
a)Thiên Chúa muốn mọi người được ơn cứu độ.
b)Hội thánh có bổn phận đem chân lý của Chúa đi rao truyền khắp nơi.
c)Trước khi về Trời, Chúa Giêsu đã sai các tông đồ tiếp tục nhiệm vụ này.
12. Nhiều lần thấy Chúa Giêsu cầu nguyện nên các Tông đồ đã xin Chúa Giêsu dạy họ cách cầu nguyện. Vậy cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, gặp gỡ, chuyện trò và hiệp thông với Thiên Chúa trong tình cảm mến, tri ân.
13. Thiên Chúa là nguồn sống bất diệt ,nên chúng ta phải sống liên kết với Ngài hơn nữa. Thiên Chúa luôn kêu mời chúng ta đến với Ngài để nhận lãnh nguồn ân sủng. Chính Chúa Giêsu là mẫu gương cầu nguyện hoàn hảo nhất, và Chúa Thánh Thần chính là Thầy dạy chúng ta cầu nguyện vì chính Ngài là Đấng nhắc lại cho chúng ta nhớ những chân lý mà Chúa Giêsu đã dạy và ban ơn giúp chúng ta thực thi những điều này.
14. Tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại quá năng nề, bởi thế Chúa Giêsu nói “Hãy luôn tỉnh thức và cầu nguyện”. Cho nên ta phải cầu nguyện luôn luôn, mọi lúc, mọi nơi. Lúc nào ta cũng phải sống trong tâm tình tạ ơn vì chúng ta luôn nhận lãnh những ơn lành. Xin Chúa cũng thương ban cho chúng ta những ơn cần thiết khác .
15. Ta có thể cầu nguyện bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu. Nhưng nhà thờ vẫn là nơi hội tụ để dành ưu tiên cho việc cầu nguyện, ngoài ra ở những nơi thanh vắng cũng sẽ rất thích hợp cho việc cầu nguyện.
16. Đâu là cao điểm của việc cầu nguyện? Chính là lúc ta gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa là Cha, nhưng muốn đến được với Chúa Cha ta phải nhờ Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu chính là con đường (Ga 14,6).
17. Vì chúng ta có một người Mẹ đó là Đức Maria, Bà cũng là Mẹ Thiên Chúa. Cho nên khi cầu nguyện, chúng ta hãy liên kết với Mẹ, và cùng Mẹ ca tụng Thiên Chúa và nhờ Mẹ chuyển cầu cho chúng ta. Các Thánh cũng là một nhịp cầu vì các Ngài luôn hiệp thông với Thiên Chúa, nên các Ngài luôn có thể chuyển cầu cho chúng ta trước ngai tòa.
18. Hội thánh cũng khuyên chúng ta thực hiện các nhịp độ cầu nguyện trong ngày: Ban sáng, ban tối, trước mỗi bữa ăn và trong khi tham dự thánh lễ. **R
Giuse Luca/ Nhóm Kinh Thánh Emmaus
Nguồn tin: ditimchanly.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn