Ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa là một lễ trọng trong năm phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo, trong đó chúng ta bày tỏ niềm xác tín về sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong bí tích Thánh Thể.

Lễ Mình Máu Thánh Chúa được cử hành trong các Giáo Hội Công Giáo Rôma, Anh Giáo, Giáo Hội Luther, Giáo Hội Công Giáo Cổ, và là ngày nghỉ lễ chính thức tại ít nhất là 21 quốc gia và một số tiểu bang tại Đức và Tây Ban Nha.

Theo truyền thống, người Công Giáo tham gia vào một cuộc rước qua các đường phố của một khu phố dân cư gần giáo xứ của họ, vừa đi, vừa cầu nguyện và hát. Sau đám rước, họ trở về nhà thờ và chầu Thánh thể.

Năm 1982, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tái lập truyền thống rước Thánh Thể long trọng trên các đường phố của Rôma sau một thời gian bị gián đoạn khoảng 100 năm.

Ngày 18 tháng 5 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định dời lễ Mình Máu Thánh Chúa tại Rôma từ Thứ Năm sang ngày Chúa Nhật. Năm ngoái, 2018, ngài quyết định hủy bỏ hoàn toàn truyền thống này. Thay vào đó, vào ngày Chúa Nhật 3 tháng Sáu, năm ngoái, Đức Thánh Cha đã đến thành phố duyên hải Ostia, nơi ngài chủ sự thánh lễ và cuộc rước sau đó.

Năm nay, vào chiều Chúa Nhật 23 tháng 6, Ðức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ Mình Máu Thánh Chúa tại sân trước nhà thờ Ðức Bà An Ủi, ở Casal Bertone, Rôma.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:


Ngày hôm nay, lời Chúa giúp chúng ta đánh giá sâu sắc hơn hai động từ đơn giản nhưng rất thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày: nói và cho.

Động từ thứ nhất là Nói. Trong Bài Đọc thứ nhất, ông Menkixêđê nói: “Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho tổ phụ Abraham! Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao” (St 14:19-20). Đối với ông Menkixêđê , nói là để chúc lành. Ông chúc lành cho tổ phụ Abraham và như thế là chúc lành cho tất cả gia đình nhân loại trên trái đất (x. St 12:3; Gl 3:8). Tất cả bắt đầu từ những lời chúc lành: những lời tốt lành tạo nên một lịch sử những điều tốt đẹp. Điều tương tự cũng xảy ra trong Tin Mừng: trước khi hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu làm phép những chiếc bánh: “Người cầm lấy 5 chiếc bánh, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, rồi bẻ ra và trao cho các môn đệ” (Lc 9:16). Lời chúc lành biến 5 chiếc bánh thành lương thực cho một đám đông dân chúng, nghĩa là lời chúc lành làm tuôn trào một dòng thác những thiện ích.

Tại sao chúc lành là điều tốt đẹp? Bởi vì nó biến đổi lời nói thành quà tặng. Khi chúc lành, ta không làm điều đó vì chính mình, nhưng vì tha nhân. Chúc lành không phải là nói những lời hoa mỹ hay những thành ngữ sáo rỗng; nhưng là nói điều tốt, nói với tình yêu. Ông Menkixêđê đã làm như thế, khi ông tự phát chúc phúc cho tổ phụ Abraham, là người chưa hề làm điều gì cho ông. Chúa Giêsu cũng đã làm như thế, và Ngài chỉ cho chúng ta thấy ý nghĩa của việc chúc lành qua việc phân phát nhưng không những chiếc bánh. Bao nhiêu lần chúng ta đã được chúc lành, trong nhà thờ hay trong nhà của chúng ta, bao nhiêu lần chúng ta đã nhận được những lời khích lệ, hay một dấu thánh giá trên trán? Chúng ta được chúc lành vào ngày được nhận bí tích rửa tội, và chúng ta được chúc lành vào cuối mỗi Thánh lễ. Thánh Thể là trường dạy chúc lành. Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta, là các con yêu dấu của Ngài, và như thế Ngài khuyến khích chúng ta tiến bước. Và đến lượt chúng ta, chúng ta chúc tụng Chúa trong cộng đoàn của chúng ta (x. Tv 68:27), trong khi tái khám phá ra rằng niềm vui tạ ơn giải thoát và chữa lành con tim chúng ta. Chúng ta đến với Thánh lễ với xác tín rằng chúng ta được Chúa chúc lành, và đến lượt chúng ta, ra về để chúc lành, để là máng thông truyền điều thiện hảo cho thế giới.

Điều này cũng đúng với chúng ta, là các mục tử. Chúng ta cần tiếp tục chúc lành cho dân Chúa. Các linh mục thân mến, đừng ngại chúc lành, đừng ngại ban phước cho dân Chúa. Các linh mục thân mến, hãy tiếp tục chúc lành: Chúa muốn chúc lành cho dân Người; Ngài hạnh phúc khi khiến chúng ta cảm nhận được tình thương mến mà Ngài dành cho chúng ta. Chỉ khi chúng ta là những người được chúc phúc, chúng ta mới có thể đến lượt mình chúc lành cho người khác bằng chính tình yêu được xức dầu ấy. Thật buồn khi nghĩ đến việc mọi người ngày nay thật quá dễ dàng làm điều ngược lại: họ chửi rủa, coi thường và lăng mạ người khác. Trong cơn điên cuồng chung, chúng ta mất kiểm soát và trút cơn thịnh nộ lên mọi thứ và mọi người. Đáng buồn thay, những người hét lên nhiều nhất và to nhất, những người giận dữ nhất, thường lôi cuốn được những người khác và thuyết phục được họ. Chúng ta hãy tránh bị lây nhiễm thói hung hăng đó; chúng ta đừng để mình bị đánh bại bởi cay đắng, vì chúng ta ăn Bánh chứa đựng tất cả vị ngọt bên trong. dân Chúa thích tán tụng, chứ không thích phàn nàn; chúng ta được hình thành để chúc lành, chứ không phải để càu nhàu. Trước sự hiện diện của Bí tích Thánh Thể, trước Chúa Giêsu Đấng đã trở thành bánh, một chiếc bánh đơn sơ nhưng chứa đựng toàn bộ thực tại của Giáo hội, chúng ta hãy học cách chúc lành cho tất cả những gì chúng ta có, học cách ngợi khen Chúa, học cách chúc phúc chứ không nguyền rủa tất cả những gì đã dẫn chúng ta đến với khoảnh khắc này, và học cách nói những lời khích lệ người khác.

Động từ thứ hai là “cho”. Như thế “Cho” đi theo sau “Nói”. Tổ phụ Abraham sau khi được ông Menkixêđê chúc lành, “biếu ông Menkixêđê một phần mười tất cả mọi thứ” (St 14:20). Chúa Giêsu cũng thế, sau khi dâng lời chúc tụng, Người trao bánh [cho các môn đệ] để phân phát. Điều này cho chúng ta thấy một ý nghĩa rất đẹp: bánh không chỉ là một thứ để tiêu thụ, nhưng còn là một phương tiện để chia sẻ. Thật đáng ngạc nhiên là trình thuật phép lạ hóa bánh ra nhiều không đề cập đến việc Chúa hóa bánh ra nhiều như thế nào. Ngược lại, các động từ nổi bật được sử dụng là “bẻ ra”, “trao cho”, và “phân phát” (x. Lc 9:16). Tóm lại, dấu nhấn ở đây không phải là việc hóa bánh ra nhiều, nhưng là hành động chia sẻ. Đây là điều quan trọng: Chúa Giêsu không làm ảo thuật, không biến 5 chiếc bánh thành 5 ngàn rồi nói: “Xong rồi đó! Chia nhau đi”. Không. Trước hết, Chúa Giêsu cầu nguyện, làm phép 5 chiếc bánh rồi bắt đầu bẻ ra, trong niềm tín thác nơi Chúa Cha. Và 5 chiếc bánh không cạn kiệt. Đây không phải là ảo thuật nhưng là hành vi tin tưởng vào Chúa và ơn quan phòng của Người.

Trong thế giới này, chúng ta luôn cố gắng làm gia tăng lợi nhuận, làm tăng thêm thu nhập. Nhưng tại sao? Là để trao ban, hay để chiếm hữu? Để chia sẻ hay để tích lũy? “Nền kinh tế” của Tin Mừng được nhân lên thông qua việc chia sẻ, được nuôi dưỡng thông qua việc ban phát. Nền kinh tế của Tin Mừng không nhằm làm thỏa mãn sự tham lam của một thiểu số, nhưng mang lại sự sống cho toàn thế giới (x. Ga 6:33). Động từ Chúa Giêsu sử dụng không phải “có” nhưng là “cho”.

Chúa Giêsu nói với các môn đệ một cách thật quyết đoán rằng: “Chính các con hãy cho họ ăn” (Lc 9:13). Chúng ta có thể tưởng tượng những ý nghĩ đã đi qua trong đầu các môn đệ khi các ngài nói: “Chúng ta không có bánh cho chính mình, tại sao lại phải nghĩ đến người khác? Nếu họ đến để nghe Thầy của chúng ta, thì tại sao chúng ta lại phải cho họ ăn? Nếu họ không mang theo thức ăn thì họ trở về nhà, đó là chuyện của họ, hay họ đưa tiền rồi chúng ta sẽ mua cho họ”. Nghĩ như thế không sai, nhưng đó không phải là lý lẽ của Chúa Giêsu, Đấng không có những lý lẽ như thế: chính các con hãy cho họ ăn. Mọi thứ chúng ta có bất kể lớn hay nhỏ đều có thể sinh hoa trái nếu chúng ta biết cho đi - đó là những gì Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta. Chúa làm những điều vĩ đại với sự nhỏ bé của chúng ta, như Ngài đã làm với năm cái bánh. Ngài không làm những phép lạ ngoạn mục hay vung một chiếc đũa thần; Ngài làm với những điều đơn sơ. Quyền năng của Thiên Chúa là quyền năng khiêm hạ được tạo thành thuần túy từ tình yêu. Và tình yêu có thể hoàn thành những điều tuyệt vời từ những gì bé nhỏ. Bí tích Thánh Thể dạy chúng ta điều này: vì ở đó chúng ta thấy chính Thiên Chúa được chứa đựng trong một mẩu bánh đơn sơ, mỏng manh, được bẻ ra và chia sẻ. Bí tích Thánh Thể mà chúng ta nhận lãnh cho chúng ta thấy mọi việc với ánh mắt của Chúa. Bí tích Thánh Thể truyền cảm hứng cho chúng ta để trao ban chính mình cho người khác. Đây là thuốc giải độc cho những suy nghĩ theo kiểu: “Xin lỗi, đó không phải là vấn đề của tôi”, hay: “Tôi không có thời gian, tôi không thể giúp bạn, nó không phải là việc của tôi”; và những cách hành động ngó lơ đi hướng khác.

Trong thành phố của chúng ta, nơi mọi người khao khát tình yêu và sự chăm sóc, nơi mọi người gánh chịu sự suy thoái và bỏ bê, nơi rất nhiều người già phải sống một mình, nơi có bao gia đình gặp khó khăn, những người trẻ phải vật lộn để kiếm được cơm bánh và thực hiện ước mơ của mình, Chúa nói với mỗi người trong anh chị em: “Các con hãy cho họ một cái gì đó để ăn”. Anh chị em có thể trả lời: “Nhưng con còn ít quá; con không làm nổi đâu.” Điều đó không đúng; cái “nhỏ bé” của anh chị em có giá trị lớn trong mắt Chúa Giêsu, với điều kiện anh chị em đừng khư khư giữ nó cho riêng mình, nhưng đặt nó vào cuộc chơi. Hãy đặt cả chính mình vào cuộc chơi! Anh chị em không đơn độc, vì anh chị em có Bí tích Thánh Thể, là lương thực đi đường, là bánh Chúa Giêsu. Chiều nay cũng thế, chúng ta sẽ được nuôi dưỡng từ thân mình của Người bị trao nộp vì chúng ta. Nếu chúng ta đón nhận thánh thể với trái tim, bánh này sẽ tuôn trào trong chúng ta sức mạnh của tình yêu: chúng ta sẽ cảm thấy được chúc lành và được yêu thương và đến lượt mình chúng ta cũng muốn chúc lành và yêu thương tha nhân, bắt đầu từ nơi đây, từ thành phố của chúng ta, từ những con đường mà chúng ta sẽ đi kiệu qua chiều nay. Chúa đến trên các con đường để chúc lành cho chúng ta và để ban cho chúng ta ơn can đảm. Và Ngài cũng yêu cầu chúng ta trở thành lời chúc lành và quà tặng cho những người khác.

Sau Thánh lễ, Đức Hồng Y De Donatis, là Giám quản giáo phận Rôma, đã chủ sự buổi rước kiệu Mình Thánh Chúa trên một lộ trình dài 1.2km, qua các con đường chung quanh, kết thúc tại sân vận động San Serena. Tại đây, Đức Thánh Cha đã ban phép lành Mình Thánh Chúa cho các tín hữu.