Thỏa thuận này là kết quả của tương quan tốt đẹp và tôn trọng nhau ở cấp độ thể chế, được xây dựng nhờ các cuộc gặp gỡ hiệu quả của Nhóm Làm việc chung Tòa Thánh-Việt Nam, cũng như ở cấp độ Giáo hội, thông qua sự sẵn sàng tạo dựng quan hệ tốt đẹp với cộng đồng địa phương và trình bày chứng tá Kitô giáo được hướng dẫn bởi mong muốn tiếp nhận các truyền thống địa phương và các giá trị chung.
Thưa Đức Hồng Y, trong các thông cáo báo chí khác nhau trước kết quả ngày hôm nay, người ta luôn đề cập đến một hành trình dài được đánh dấu bằng sự tôn trọng và thảo luận chân thành. Ngài mô tả hành trình này như thế nào?
Tôi nghĩ rằng các yếu tố cốt yếu của hành trình này có thể được diễn dịch bằng hai thành ngữ: một được Đức Gioan XXIII sử dụng: “hiểu biết nhau để có thể đánh giá cao nhau” và cách diễn đạt khác do Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra cho chúng ta: “bắt đầu các tiến trình nhưng không nghĩ đến kết quả ngay lập tức".
Việc mở quan hệ với chính quyền Việt Nam bắt đầu từ năm 1989, khi Đức Hồng y Roger Etchegaray, khi đó là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, có chuyến thăm Việt Nam chính thức. Trên thực tế, ý tưởng của Đức Gioan Phaolô II là mở ra những con đường đối thoại thông qua các chủ đề về công lý và hòa bình, những điểm đặc trưng của giáo huấn và chứng tá hàng ngày của Giáo hội. Thông lệ viếng thăm hàng năm của một phái đoàn từ Tòa Thánh, một đàng để tiếp xúc với Chính phủ và đàng khác để gặp gỡ các cộng đồng giáo phận, đã bắt đầu như thế. Vào năm 1996, các cuộc đàm phán được bắt đầu để xác định thể thức hoạt động cho việc bổ nhiệm các Giám mục. Tôi đã có những kỷ niệm tuyệt vời về những chuyến thăm đó, khi tôi đảm nhận vai trò Thứ trưởng Ngoại giao của Tòa Thánh. Tháng 12 năm 2009, Chủ tịch nước Việt Nam - ông Nguyễn Minh Triết - đã đến Vatican gặp Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI. Do đó, một Nhóm Làm việc chung Việt Nam-Tòa Thánh đã được thành lập, mở đường cho việc bổ nhiệm một Đại diện Tòa Thánh không thường trú có trụ sở tại Singapore, đó là Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, vào ngày 13 tháng 1 năm 2011.
Đâu là những yếu tố định hướng cho quá trình soạn thảo Thỏa thuận và các cuộc họp của Nhóm Làm việc chung?
Tôi tin rằng điều căn bản là phải nhấn mạnh rằng trên cơ sở của các cuộc gặp gỡ tìm hiểu và làm việc này, luôn có sự tôn trọng lẫn nhau và ý chí tiến bước, không che giấu lập trường của mình, nhưng chân thành thảo luận về chúng và động cơ của chúng. Cần lưu ý rằng Hội đồng Giám mục luôn tham gia vào quá trình này và đã đưa ra những suy tư và đánh giá của riêng mình. Rồi chúng tôi tiến hành dần dần, không tìm kiếm kết quả cuối cùng ngay lập tức, mà nhắm hài hòa dần dần nguyên tắc tự do tôn giáo với luật pháp và phong tục địa phương; điều này, theo thời gian, đã tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn và sự đồng nhất trong các lựa chọn về văn bản được thực hiện theo thời gian và nhằm đảm bảo cho vị Đại diện Tòa Thánh Thường trú có các điều kiện để thi hành sứ vụ của ngài tại Giáo hội địa phương và Chính quyền Việt Nam, cũng như duy trì quan hệ với các cơ quan đại diện ngoại giao có mặt tại Việt Nam. Hơn nữa, chúng tôi không bao giờ quên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sống Tin Mừng để trở thành những công dân tốt và người Công giáo tốt: đó là nguyên tắc hướng dẫn Học thuyết xã hội của Giáo hội ngay cả trước khi nó được hình thành vào thế kỷ thứ 19 và điều mà từ thế kỷ thứ 2 sau Chúa Kitô, xác định cách các Kitô hữu, trong cách sống của họ, thể hiện rằng họ đồng thời là công dân của Nước Trời và trên trái đất. Cuối cùng, đời sống của Giáo hội địa phương và sự tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo luôn có trong cuộc đối thoại, qua đó nỗ lực thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho các hoạt động và sự phát triển của cộng đồng Công giáo. Thái độ này, về phía Việt Nam, đã được ghi nhận trong quá trình bổ nhiệm các Giám mục, do đó trong những năm này, không có khó khăn đặc biệt nào phát sinh.
Thưa Đức Hồng y, ngài có thể cho chúng con biết điều gì về nội dung của Thỏa thuận? Đại diện Tòa Thánh Thường trú có nghĩa là gì, xét vì chức vụ này dường như không thuộc các chức năng ngoại giao thông thường.
Cảm ơn bạn về câu hỏi này, vì nó cho phép tôi nhấn mạnh cách thể mà thời gian dành cho việc nghiên cứu và thảo luận đã giúp tìm ra giải pháp chung, mà chúng ta có thể định nghĩa là "res nova in iure" (một thực tại mới trong luật pháp). Trên thực tế, vị Đại diện Tòa Thánh Thường trú được mời gọi để thúc đẩy sự hiệp thông giữa Tòa Thánh và Giáo hội địa phương, đồng thời hỗ trợ và nâng đỡ Giáo hội địa phương trong tất cả các vấn đề, bằng cách tham gia vào các cử hành và sáng kiến của Giáo hội. Liên quan đến các khía cạnh mà chúng ta có thể định nghĩa là dân sự, Đại diện Thường trú của Tòa Thánh, cũng như đối với các Sứ thần, có nhiệm vụ củng cố quan hệ hữu nghị giữa Tòa Thánh và Chính phủ Việt Nam và sẽ có thể tham gia các cuộc họp thông thường của Ngoại giao đoàn và trong các cuộc tiếp đón cũng như các cuộc gặp gỡ cá nhân với các nhà ngoại giao, luôn trong sự tôn trọng pháp luật của nước sở tại và trên tinh thần tin cậy lẫn nhau và quan hệ song phương tốt đẹp từ trước đến nay. Tất cả những điều này, như đã nêu trong Thông cáo báo chí chung, nhằm mục đích để Đại diện Thường trú của Tòa Thánh có thể là “cầu nối” để cải thiện hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh.
Ngài thấy tương lai quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh như thế nào?
Có một khía cạnh mà tôi luôn có ấn tượng tích cực ở dân tộc Việt Nam, có lẽ vì đó là điều mà tôi đã hít thở từ khi còn là một đứa trẻ trên quê hương mình: sự cần cù khiêm tốn. Trong các liên hệ của mình, tôi đã có thể cảm nghiệm năng khiếu chăm chỉ làm việc, không chỉ về phương diện tay chân mà còn được hiểu là sự dấn thân trong mọi việc họ làm. Đặc tính này có thể khiến người ta tự phụ; ngược lại, người Việt Nam luôn giữ một thái độ khiêm tốn và tôn trọng, ngay cả khi tự hào, có khả năng thích ứng với mọi tình huống, giống như cây tre, uốn cong mà không bị gãy. Tại sao tôi nói những điều trên? Bởi vì tôi tin rằng tương lai mời gọi chúng ta đi trên một hành trình để tiếp tục đồng hành cùng nhau, không cần phải đòi hỏi hay vội vàng để đạt được mục tiêu khác, nhưng với thái độ sẵn sàng của những người muốn đối chiếu để tìm ra điều tốt nhất. Hiệp định không chỉ là một mục tiêu, đúng ra là một khởi đầu mới, trong tinh thần tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn