G. Trần Đức Anh, O.P. - Vatican
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican trước khi lên đường, Đức Hồng y Parolin ghi nhận rằng ngày khởi hành của Đức Thánh Cha đi Rumani trùng vào ngày 31/05, lễ Đức Mẹ thăm viếng bà chị họ Elizabeth. Sự kiện này thật hợp với chủ đề cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha là “Cùng nhau tiến bước”. Đó là sự đồng hành theo kiểu mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, một kiểu mẫu đượm tinh thần khiêm tốn, phục vụ, bác ái, đối với bà chị họ và những người túng quẫn nhất.”
Đức Hồng y nói thêm rằng: “Tôi thấy dường như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đón nhận thái độ ấy: ngài muốn trở thành người lữ hành để chia sẻ hành trình của các cộng đoàn Kitô ở Rumani, cộng đồng dân sự và xã hội nước này. Đức Giáo Hoàng muốn trở thành một người mục tử khích lệ các anh chị em trong đức tin, để ý đến những phong phú của các nghi lễ khác nhau, một đặc điểm của Giáo Hội tại Rumani. Đức Thánh Cha cũng muốn trở thành chứng nhân bác ái, và đặc biệt đối với những người trẻ, Ngài mời gọi họ luôn dành ưu tiên cho nền văn hóa gặp gỡ, giúp chúng ta thực sự gần nhau, với nhau, trong thời điểm lịch sử hiện nay, trong đó đang có nhiều chia rẽ và đối nghịch. Tôi thấy đó thực sự là tinh thần mà Đức Thánh Cha Phanxicô muốn thực hiện cuộc viếng thăm tại Rumani”.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cũng muốn đề cao khía cạnh đại kết Kitô, một đặc tính quan trọng của cuộc viếng thăm. Ngài nói: “Tất cả chúng ta còn nhớ cuộc viếng thăm cách đây 20 năm của thánh Gioan Phaolô 2. Chúng ta có thể nói đó là một cuộc viếng thăm lịch sử mở cửa cho cả các cuộc viếng thăm khác tại các nước đa số dân theo Chính Thống giáo. Tất cả chúng ta còn nhớ tiếng kêu của dân chúng vọng lên từ quảng trường ở Rumani trong cuộc gặp gỡ giữa thánh Gioan Phaolô 2 và Đức Thượng Phụ Chính Thống bấy giờ: dân chúng hô lên “Đại kết! Đại kết! Đó thực là một bước tiến cơ bản... Cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đương kim cũng phần nào theo hướng đi và vết tích đó: Đức Giáo Hoàng muốn đây là một bước thêm trong chiều hướng đại kết”.
Theo Đức Hồng y Parolin, đã có một phong trào đại kết mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “một phong trào đại kết bằng máu”, nghĩa là các tín hữu hoặc thuộc Công Giáo, hay thuộc Chính Thống giáo, đã chịu đau khổ dưới chế độ vô thần chà đạp tự do tôn giáo và các quyền của các tín hữu. Vì thế, một sự hiệp nhất đã được thực hiện trong đau khổ, trong tử đạo. Chúng ta hy vọng những người anh chị em chúng ta đã ở trên trời, và đang hưởng vinh quang Thiên Chúa sau khi đã chịu đau khổ dưới đất, các vị có thể giúp đỡ để chúng ta có thể tiến bước trên con đường đại kết này.”
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn