Khắc Bá, SJ - CTV Vatican News
Đứng trước bức tranh đó, nhiều người dễ rơi vào trạng thái bi quan và hoang mang. Có người rơi vào trạng thái chán chường, mất hết động lực và sức sống, vì không còn niềm tin vào viễn tượng tốt lành của thế giới và ý nghĩa tốt đẹp của cuộc đời. Nhiều người khác, ngay cả Ki-tô hữu, lại có khuynh hướng mê tín dị đoan khi gắn các hiện tượng đó với những ‘thuyết tiên tri’ này nọ. Còn một số khác lại hình dung và trình bày cách méo mó về Thiên Chúa khi tìm cách chú giải những sự dữ dưới lăng kính là sự trừng phạt của Ngài. Còn đâu gương mặt của một ‘Người Cha Nhân Lành’ nữa!
Có lẽ đó là mối hoạ đáng sợ mà sự dữ mang lại. ‘Chiến thắng’ lớn nhất của sự dữ không phải là những hoạt động, những tàn phá nó gây ra cho thế giới nói chung và cho con người nói riêng, mà là việc nó khiến tâm trí chúng ta bị ám ảnh về nó, phải luôn nhắc đến nó. Sự ám ảnh đó dần dà làm tâm hồn chúng ta dễ bị ‘sa mạc hoá’, bị mất dần cảm thức và niềm tin vào sự thiện, đến mức hoặc không còn ngước lên nhìn Thiên Chúa và đặt mọi hy vọng, mọi tin tưởng tuyệt đối nơi Người nữa, hoặc nhìn về người như một vị thẩm phán nghiêm khắc thay vì một Người Cha Hiền Hậu.
Mùa Chay gắn với lời mời gọi trở về. Lời mời gọi đó trước hết thúc dục chúng ta nhìn nhận lại thân phận yếu hèn, tội lỗi và ắt tử của chúng ta. Suy ngẫm về những lần sa ngã trong đời, chúng ta mới thấy tự mình không đủ sức để thắng những cơn cám dỗ; và ý chí của mình cũng không giúp ta vượt lên những đố kỵ, nhỏ nhen trong lòng, hay những tham vọng đối với quyền lực và của cải. Suy nghĩ về phản ứng của mình trước những diễn biến của sự dữ, chúng ta mới thấy rằng tâm trí của mình chưa bao giờ đủ vững vàng để đảm bảo sẽ không lung lay trước những mối đe doạ đến từ bên ngoài. Chính việc nhìn lại nội tâm như thế giúp chúng ta cảm nghiệm và ý thức về sự mỏng dòn của nhân tính, như chia sẻ của Thánh Phao-lô: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Ý thức được sự bất toàn, chúng ta mới thấy mình cần đến Thiên Chúa và cần đến nhau.
Chúng ta cũng được mời gọi nhìn lại hiện trạng của thế giới. Chúng ta cần mở rộng tầm mắt và trái tim của mình để nhìn vào những đau khổ của tha nhân, những xáo trộn của xã hội, và những vết thương mà Mẹ Thiên Nhiên đang gánh chịu. Mỗi người đều có phần trách nhiệm trước hiện trạng sự dữ đó. Chính những lối sống ganh đua, ích kỷ, hưởng thụ của chúng ta đã góp phần không nhỏ vào những vấn nạn như thế của nhân loại.
Tuy nhiên, chúng ta lại cần có tâm thế và tầm nhìn đúng đắn trước những sự dữ đó. Đừng để mình bị ám ảnh và bị nó điều khiển, đến mức bị rơi vào tình trạng ‘sa mạc tâm hồn’. Để được như vậy, ta cần hướng ánh mắt và tâm hồn đến Thiên Chúa, để nghiệm ra rằng Ngài là Đấng trọn lành; Ngài làm chủ mọi biến cố vì Ngài lớn hơn tất cả; và sự thánh thiện của Ngài vượt trên mọi sự dữ. Nói cách khác, chúng ta không chỉ cần phải hoán cải con tim yếu hèn, mà còn phải hoán cải tầm nhìn của mình về thực tại thế giới nữa.
Vì vậy, lời mời gọi của Mùa Chay cũng đồng thời bao hàm việc chúng ta mở lòng ra với Thiên Chúa, để ý thức về giá trị của mình, ý thức về cuộc đời được bao bọc bởi ân huệ, bởi tình thương và sự tốt lành vô biên mà Thiên Chúa quan phòng cho mỗi người. Ý thức đó sẽ giúp chúng ta sống tâm thế tạ ơn, hy vọng và tin tưởng trước hiện trạng của thời cuộc, đồng thời hăng say dấn thân cho tha nhân mạnh mẽ hơn, vì biết rằng Thiên Chúa luôn đồng hành và hỗ trợ con người trong mọi hoàn cảnh. Có lẽ ơn gọi yêu thương, tương trợ, và gánh vác cho nhau với tâm tình tín thác và tin tưởng trước những thử thách là bài học mà Thiên Chúa muốn nhân loại rút ra như một phần ý nghĩa của đau khổ và sự dữ.
Thiết tưởng, đó là cách chúng ta sống tâm tình Mùa Chay cách chân thực như điều Thiên Chúa muốn. Tâm tình đó lay động chúng ta khiêm nhường mở lòng ra với chính nội tâm của mình, để nhìn thấy sự mỏng dòn của bản thân, và chạm thấu những đau khổ của tha nhân và của thế giới. Đó cũng là tâm tình hoán cải nơi tâm trí và con tim khi nhìn về những hiện trạng sự dữ như thế, để tâm hồn chúng ta thoát được sức khống chế và kềm toả của chính sự dữ, nhờ biết ngước mắt nhìn đến Đấng tốt lành và quyền năng. Mọi sự trở về, mọi tâm tình thống hối đích thật phải dẫn đến việc mở lòng ra với Thiên Chúa để được đổ tràn ơn bình an, thiện hảo hy vọng của Ngài; để thấy được chính Ngài là Cha Nhân Hậu đang luôn dõi theo, che chở và bảo vệ con cái mình; và nghiệm được rằng không có sự dữ nào lớn hơn tình yêu và sự thiện của Thiên Chúa đối với chúng ta, như kinh nghiệm của Thánh Phao-lô: “trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỵ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rm 8, 37-39).
Nguồn tin: www.vaticannews.va
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn