G. Trần Đức Anh, O.P.
Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ khanh Tòa Thánh cho biết như trên, trong sứ điệp gửi đến các tham dự viên cuộc gặp gỡ, qua trung gian của Đức cha Francesco Lambasi, Giám mục giáo phận Rimini sở tại.
Vì đại dịch Covid-19, “Cuộc gặp gỡ các dân tộc” năm nay tiến hành dưới dạng thức khác: mỗi ngày chỉ có hai sinh hoạt, với sự tham dự tối đa là 300 người, thay vì hàng ngàn người như mọi khi, và mỗi người chỉ có thể đăng ký dự một sinh hoạt. Tuy nhiên, tất cả các sinh hoạt đều được trực tuyến qua mạng, với phần phiên dịch bằng Anh ngữ.
Đề tài cuộc gặp gỡ năm nay là: “Những cơ may trong việc tái thiết mà đại dịch Covid-19 có thể mang lại”. Trong một cuộc khủng hoảng như hiện thời, người ta có thể co cụm lại, hoặc nắm bắt những sáng kiến mới.
Trong sứ điệp, Đức Hồng y Parolin nhận xét rằng trong những tháng gần đây, “chúng ta đã cảm nghiệm chiều kích kinh ngạc, ngưỡng mộ, dưới dạng thức sự cảm thương đứng trước đau khổ, sự mong manh và bấp bênh của cuộc sống. Cảm tưởng cao quí này của con người mặc nhiều hình thức, kể cả việc thúc đẩy các bác sĩ và y tá đương đầu với thách đố đại dịch coronavirus; hoặc nó khuyến khích các giáo chức thích ứng những khó khăn trong việc dạy học trực tuyến để kết thúc niên học, hoặc làm cho nhiều người tìm thấy, nơi khuôn mặt và sự hiện diện của những người thân trong gia đình, sức mạnh để đương đầu với những cơ cực và khó khăn”.
Theo nghĩa đó, đề tài cuộc gặp gỡ ở Rimini năm nay là một lời kêu gọi hãy đi sâu vào trong tâm hồn con người qua sự ngỡ ngàng, ngưỡng mộ. Thái độ này là phương thế để lĩnh hội những dấu chỉ về sự cao cả của mầu nhiệm, vốn là căn cội và nền tảng của mọi sự”.
“Cuộc gặp gỡ các dân tộc” ở Rimini do phong trào “Hiệp thông và giải phóng” ở Italia tổ chức hằng năm. Biến cố này tương đương với “Đại hội Công giáo Đức”, gồm một loạt các sinh hoạt và diễn đàn về nhiều vấn thời sự, tôn giáo, xã hội, kinh tế.
Trong số các diễn giả được mời thuyết trình trong cuộc gặp gỡ năm nay, có ông Mario Draghi, thống đốc ngân hàng trung ương Âu châu, bộ trưởng y tế Italia, ông Roberto Speranza, chủ tịch nghị viện Âu châu, ông Davide Sassoli, v.v. Ngoài ra, có ông Mohamed Yunus, 80 tuổi, người Bangladesh, được giải Nobel Hòa bình năm 2006, hoặc nhà thần học da đen người Mỹ Cornel West, và 30 khoa học gia tên tuổi khác.
(Tổng hợp 17-8-2020)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn