Bài suy nệm
Ngày 01.04.2019
PHÉP THÁNH TẨY- MỘT CUỘC ĐỔI ĐỜI
Phép thánh tẩy thực sự đã thực hiện nơi mỗi người thụ tẩy một cuộc đổi đời: giây phút dòng nước thánh ghi dấu Thánh giá trên da đầu chúng ta với lời đọc của vị chủ sự: “Ta rửa con nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, lúc ấy đã xảy ra một phép lạ tương tự phép lạ linh mục thực hiện trên bàn thờ: qua lời truyền phép bánh, rượu đã biến tính, tuy tình trạng bên ngoài không thay đổi: một miếng bánh không men, có đáng kể gì- và một chút rượu ít nồng độ, có đáng kể chi! Thế nhưng sau truyền phép bánh kia nay là Mình Thánh Chúa Giêsu- rượu đã trở nên Máu của Thân Thể Người. Nơi người thụ tẩy cũng vậy: Sau lời đọc vị chủ lễ, một tội nhân mang án tử vì tội bất phục tùng, nay đã trở nên một hoàng tử, một công chúa của vua trời. Thánh Louis đã phải thốt lên:
“Ôi, bạn là tác phẩm tuyệt diệu! Cát bụi trở thành ánh sáng, bẩn thỉu trở nên trắng trong, tội lỗi đổi ra thánh thiện, tạo vật trở thành như tạo hóa, và người phàm trở nên Thiên Chúa! Ôi tác phẩm kỳ diệu thực!” ( Bí mật về Maria).
Khi chiụ phép thánh tẩy, vị thừa lệnh của Thiên Chúa đã nói: “Cút đi, tên thần dơ bẩn, và để chỗ cho Thánh Linh”. Chúa Thánh Linh cư ngụ trong linh hồn người sống trong ơn Thánh. Ngài ở lại bao lâu người ta không lấy tội trọng xua đuổi Người. Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô, Người đã đặt câu hỏi với họ rằng: Anh em lại không biết, anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần ngự trong anh em sao?” (1 Cor 3, 14). Thật diệu kỳ thay: nhờ phép thánh tẩy mà linh hồn và thân xác ta đang là sào huyệt của satan lại biến thành đền thờ của Chúa Ba Ngôi, cung điện của Chúa Thánh Thần.
Theo thánh Phaolô, công chính hóa là ơn nhưng không, được ban cho chúng ta qua Đức Giêsu. Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh nhân xác tín rằng: “Cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống”.
Ngài còn cho chúng ta thấy công chính hóa là cải tạo con người, cho họ được tái sinh, nghĩa là trút bỏ con người cũ để sống con người mới. Thật vậy, con người không thể lãnh nhận hay khao khát ơn công chính hóa nếu như không lãnh nhận phép thánh tẩy. Phép thánh tẩy thánh hóa và canh tân nội tâm con người, giúp người Kitô hữu sống trong ân sủng của Chúa Thánh Thần, họ nhận được ơn hiện sủng cần thiết để chu toàn các bổn phận do phép thánh tẩy đòi hỏi. Ân sủng sẽ khơi dậy một ý thức, một tương quan và một sự hiểu biết nơi con người khi họ còn ở trần gian này hoặc ở bên kia thế giới. Và còn là khởi đầu cho gặp gỡ thân tình giữa Thiên Chúa và con người.
Phép thánh tẩy không chỉ rửa sạch mọi tội lỗi, mà còn làm cho người tân tòng trở nên “một thụ tạo mới” (2 Cr 5,17), thành nghĩa tử của Thiên Chúa (x. Gl 4,5-7), “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4), thành chi thể Đức Kitô (x.1Cr 6,15; 12,27) và đồng thừa tự với Người (Rm 8,17), thành đền thờ Chúa Thánh Thần (x.1Cr 6,19).
Chúa Ba Ngôi Chí Thánh ban cho người được rửa tội ơn thánh hóa, ơn công chính hóa để người đó:
Có khả năng tin tưởng, trông cậy và yêu mến Người nhờ các nhân đức đối thần.
Có thể sống và hành động dưới tác động của Chúa Thánh Thần nhờ các hồng ân.
Ngày càng hoàn thiện hơn nhờ các nhân đức luân lý.
Phép thánh tẩy tháp nhập chúng ta vào Chúa Kitô và Giáo Hội như các chi thể. Nó khiến cho chúng ta được đồng hình dạng với Chúa Kitô, trở thành những người đem theo niềm hy vọng và là chứng nhân cho sự hiện diện và tình yêu của Chúa mỗi ngày trong suốt cuộc đời.
Nhờ phép Thánh tẩy Hội Thánh đã sinh chúng ta vào gia đình Thánh. Hội Thánh đặt cho chúng ta một tên Thánh- từng bước một, Hội Thánh rèn luyện chúng ta nên những chiến sĩ của Chúa Ki tô. Hội Thánh không biết mệt mỏi được tha thứ và xóa bỏ mọi tội lỗi của chúng ta.
Hội Thánh nuôi dưỡng chúng ta bằng Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu.
Hội Thánh là thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu, có Chúa là đầu, các tín hữu là chi thể. Khi một người lãnh nhận bí tích Rửa tội, người ấy được tháp nhập vào nhiệm thể. Hơn nữa chính Hội Thánh cử hành bí tích Rửa tội, thông ban cho người ấy sự sống siêu nhiên do đó người ấy cũng được làm con Hội Thánh. Ngoài ra, bí tích Rửa tội cũng làm cho người Kitô hữu nên được nên một với Đức Kitô bị đóng đinh và phục sinh để nên một thân mình và một tên gọi với Ngài, trở nên thành viên của gia đình Thiên Chúa, nên Con Thiên Chúa. Như vậy, nhờ bí tích Rửa tội, ta được mang lấy hình ảnh Chúa Kitô, được thuộc về Hội Thánh, được cùng với Đức Kitô bước vào gia đình của Thiên Chúa Ba Ngôi và gia nhập vào cộng đoàn dân thánh của Ngài. Đó là mối dây hiệp nhất thiêng liêng, liên kết mọi người được bí tích này ghi dấu. Bởi thế, "chúng ta là phần thân thể của nhau" (Ep 4, 25), "thành một thân thể duy nhất" (1Cr 12,13).
Khi còn tại thế, cha Bernađô yêu kính cũng đã từng nhắc nhở các con cái: Cha con chúng ta hợp nhau cám ơn Chúa về ơn thánh Chúa ban cho ta. Đây là một hạt ngọc quý mà ít ai biết đến. Cha Plus nói: “Tôi ước ao các linh mục nói trên tòa giảng, các cha linh hướng năng nói tới đề tài này”. Ơn thánh như viên ngọc quý, ta phải giữ cho kỹ. Đi đâu, làm gì, ở đâu, ta cũng đừng để cho đời sống này bị tổn thương. Ngược lạ, ta sẵn sàng hy sinh tất cả để đời sống này được hoàn hảo hơn. ( Ngày 02/06/1992)
(Chị Maria Thanh25 soạn)