Tập Thinh Lặng

Thứ năm - 15/07/2021 03:45

Tập Thinh Lặng

CN 16 TN B

Tin Mừng Chúa nhật tuần trước kể chuyện: Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi truyền giáo. Trang Tin Mừng hôm nay kể tiếp: các học trò trở về. Anh em vui mừng kể cho Thầy nghe kết quả những việc đã làm. Ngài chia sẻ niềm vui với các môn sinh và khuyên nhủ : “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Tập nói rồi bây giờ phải tập im lặng. Để duy trì mức độ thăng bằng trong cuộc sống, Đức Giêsu dạy các tông đồ về sự cần thiết của việc nghỉ ngơi. Đó là nhịp sống của Đức Giêsu từ ngày đầu ở Caphanaum (x.Mc 1,35-38).

  1. Chúa Giêsu mẫu gương thinh lặng

Chúa Giêsu khuyên các môn sinh hãy sống theo gương của Người. Nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu với khởi đầu là cầu nguyện và kết thúc trong tĩnh lặng riêng tư với Chúa Cha.Sáng sớm tinh mơ, Người dành thời gian đẹp nhất một ngày mới để cầu nguyện cùng Chúa Cha. Sau đó bận rộn với biết bao công việc: rao giảng và chữa lành thể xác tâm hồn cho con người. Chúa Giêsu thích sự cô tịch và tránh xa đám đông. Người chọn những nơi hiện diện: “Một ngọn núi cao riêng biệt” (Mc 9,2); những bờ dốc thẳng bao quanh hồ phía đồi Gôlăng (Mc 5,1); những bãi biển Phênixi xứ Xyria hay xứ Libăng (Mc 7,24-31); đôi bờ của con thác miền núi gần nguồn sông Giođan dưới chân núi Hécmon (Mc 8,27)…

Nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu tạo nên khuôn mẫu cho tất cả các môn sinh trong cuộc sống thường ngày.

Các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, hoạt động cứu độ con người. Các môn đệ trở về, Chúa khuyên nên nghỉ ngơi trong cầu nguyện. Làm việc và cầu nguyện, sống “nội tâm” và hoạt động “bên ngoài”, đó là nhịp sống mỗi ngày của người môn đệ Chúa Giêsu. 

  1. Môn đệ nghỉ ngơi bên Chúa

Thiên Chúa sau sáu ngày làm việc để tạo dựng trời đất và con người, ngày thứ bảy Ngài cũng nghỉ ngơi và còn “ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi việc sáng tạo”( St 2,3)

Con người làm việc để mưu sinh cho mình và mưu ích cho xã hội. Nghỉ ngơi là một nhu cầu cần thiết cho cuộc sống của mỗi người. Nhưng phải nghỉ ngơi như thế nào? Có phải là chè chén say sưa, là hưởng thụ cho thỏa thích?

Thấy các môn đệ vất vả mệt nhọc sau những ngày làm việc, Chúa Giêsu muốn cho các ông “nghỉ ngơi đôi chút”; và thế là “thầy trò đã xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng”. Nghỉ ngơi nơi thanh vắng để cầu nguyện và suy gẫm, bồi bổ tâm hồn, bồi dưỡng thân xác.

Những giây phút bên Chúa giúp chúng ta trút bỏ những mệt mỏi và lo toan trong cuộc sống.Nghỉ ngơi bên Chúa để chúng ta biết vươn tới những giá trị cao cả, để khỏi bị cuốn theo dòng chảy của cuộc sống.Nghỉ ngơi bên Chúa để đón nhận được tình thương của Người vì có những giờ phút thinh lặng con người mới nhìn thấy được những sai lầm, thiếu sót của bản thân mình.  Nghỉ ngơi bên Chúa như chiếc xe sau chặng mỗi chặng đường cần dừng lại để tiếp nhiên liệu.

Như Chúa Giêsu khuyên các tông đồ tìm nơi thanh vắng để nghỉ ngơi, các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân thời nay cũng cần tìm thời giờ yên tĩnh, tìm bầu khí thanh tịnh – ngưng nói, ngưng làm – để ở một mình, hầu có thể lắng nghe tiếng Chúa và cũng lắng nghe tiếng lòng mình. Chúa thường nói với ta trong thinh lặng. Và chỉ trong thinh lặng ta mới có thể dễ dàng nghe tiếng Chúa hầu có thể thẩm định và đánh giá xem công việc đạo đức ta làm có bị Chúa dùng lời ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc một hôm nay mà cảnh giác chăng (Gr 23,1-6)?

“Nghỉ ngơi bên Chúa”, qua lời khuyên ấy, Chúa cho chúng ta biết sự cần thiết và ích lợi của hồi tâm, thinh lặng suy nghĩ để tâm hồn bình an. Chúa Giêsu chính là sự bình an của chúng ta. Thánh Phaolô đã nói về chân lý này trong bài đọc hai: “Người đã đến loan Tin Mừng bình an: Bình an cho anh em là những kẻ ở xa và bình an cho những kẻ ở gần”. Chúng ta chỉ có thể kiến tạo cho mình sự bình an chân thật, khi biết lui vào trong thanh vắng để nghỉ ngơi. Đó không chỉ là sự nghỉ ngơi thân xác, mà còn là sự tĩnh lặng tâm hồn để sống kết hiệp với Chúa luôn mãi.

  1. Thinh lặng để sống nội tâm

Lắm khi trong cuộc sống xô bồ, bận rộn vì cơm áo gạo tiền, bận rộn trong việc đạo đức, lo tập hát, lo đoàn thể, lo các công việc bác ái, xã hội…chúng ta quên đi việc “nạp năng lượng” từ Thiên Chúa.

Ðời sống tâm linh phải được nuôi dưỡng bồi bổ để phát triển. Chúa chính là nguồn mạch đời sống thiêng liêng. Những giờ phút riêng tư thân mật bên Chúa sẽ giúp cho đời sống tâm linh phát triển. Nhờ cầu nguyện, con người mới phát triển quân bình.

Làm việc và cầu nguyện đó là hai nhu cầu của con người. Làm việc để nuôi thân, nuôi gia đình và góp phần xây dựng xã hội.Ðời sống cầu nguyện hỗ trợ cho hoạt động bên ngoài. Nếu chỉ hoạt động bên ngoài, con người sẽ không khác gì máy móc. Nếu chỉ biết phát triển đời sống thân xác, con người sẽ trở thành nô lệ cho vật chất. Nếu chỉ quan tâm tới những nhu cầu vật chất, con người sẽ dễ bị tha hoá, đuổi theo tiền bạc, chạy theo chức quyền. Cầu nguyện giúp nâng tâm hồn lên khỏi nô lệ vật chất. Những giây phút yên lặng bên Chúa giúp ta định hướng cuộc đời. Ánh sáng Lời Chúa giúp ta nhìn rõ tâm hồn mình, biết rõ những sai sót của mình mà sửa đổi. Những lời chỉ dạy của Chúa là những chuẩn mực đạo đức giúp ta sống ngay thẳng, thật thà, lương thiện. Ơn Chúa ban sẽ cho ta sức mạnh để hoạt động tích cực hữu hiệu hơn, để hăng hái dấn thân hơn nữa trên đường phục vụ anh em. 

Các xã hội văn minh, các đô thị luôn chạy theo nhịp sống hối hả của kỹ thuật hiện đại. Con người thời nay dễ bị căng thẳng. Do đó, người ta thường tìm đến với Yoga,Thiền, với các phương pháp dưỡng sinh để tìm sự quân bình, tìm yên tĩnh, muốn trầm lắng nội tâm.

Vào mùa hè, người ta thường tạm nghĩ công việc, rời nếp sống đô thị náo nhiệt tìm đến nghĩ ngơi nơi vùng quê, miền biển, miền núi. Nô đùa cùng sóng biển cát vàng, hít thở khí trời dịu mát của cao nguyên lộng gió hay hoà vào khung cảnh thanh bình êm ả của đồng quê bát ngát lúa chín vàng… Bầu khí yên tĩnh, thời gian trầm lắng là điều rất cần thiết cho con người. Thân xác nghĩ ngơi, tinh thần thư giãn, trí óc sáng suốt. Từ đó, nhìn lại cuộc sống mình, kiểm điểm, rút ưu khuyết, định hướng cho cuộc sống sắp tới.

Trong lãnh vực tông đồ, thinh lặng cầu nguyện thật cần thiết. Làm việc tông đồ là làm việc của Chúa. Cầu nguyện để biết rõ ý Chúa, biết việc phải làm. Cầu nguyện để múc lấy sức mạnh của Chúa giúp chu toàn công việc. Cầu nguyện để biết khiêm nhường luôn coi mình là dụng cụ trong bàn tay  Chúa. Chỉ khi làm việc trong Chúa, với Chúa và vì Chúa, việc tông đồ mới có kết quả tốt đẹp theo ý Chúa muốn. 

Làm việc phải là kết quả của những giờ suy nghĩ và cầu nguyện. Điều kiện tiên quyết để thành công chính là sự thinh lặng. Từ thinh lặng ta mới có thể nuôi dưỡng những suy tư của mình một cách lâu dài được. Bầu khí thinh lặng giúp ta hồi tâm xét mình thực thi sám hối cách đúng mức. Bầu khí thinh lặng còn giúp cho người khác sống tinh thần cầu nguyện.

Người Kitô hữu yêu quý những giây phút thinh lặng trong tâm hồn, yên tĩnh ngọt ngào bên Chúa. Người Kitô hữu tìm thấy sự thinh lặng thánh ấy trong nhà thờ, trong những giây phút cầu nguyện và ngay trong tâm hồn mình. “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 61,2). Thinh lặng, cầu nguyện chiêm niệm, hồi tâm luôn mang lại sức sống thiêng liêng cho mỗi người.

Sau một tuần lao động vất vả, chúng ta có ngày Chúa nhật để nghỉ ngơi thể xác và tâm hồn. Đến Nhà thờ để gặp gỡ Chúa Giêsu trong Thánh lễ mà “nghỉ ngơi đôi chút”, đón nhận giáo huấn của Ngài, được “nâng đỡ bổ sức” cho năng lượng tâm linh một tuần lễ mới. “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Ngài thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi. Ngài hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi, Ngài lo bồi dưỡng” (Tv 22,1)

Trong Tông thư về ngày Chúa nhật gửi toàn thế giới ban hành 31-5-1998, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II nhắc lại: Chúa nhật là ‘ngày của Chúa’; Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trong sáu ngày và Chúa nghỉ ngơi một ngày. Chương hai bàn về ngày Chúa nhật là ngày của Đức Kitô, ngày Chúa phục sinh, ngày vui mừng. Chương ba nói về ‘ngày của Giáo hội’. Giáo hội có bổn phận thánh hoá ngày Chúa nhật bằng cách nhắc nhở và khuyến khích giáo dân đi dâng lễ thờ phượng, làm việc từ thiện bác ái và nghỉ ngơi.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy các tông đồ về sự cần thiết của việc nghỉ ngơi sau những ngày giờ làm việc vất vả. Xin giúp thánh hoá công việc con làm và dạy con biết tìm giờ nghỉ ngơi hầu cho thể xác và tinh thần được thanh thoả và cũng dành thời giờ cầu nguyện với Chúa để cho tâm hồn được thư thái lắng đọng. Amen

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây